Tuesday, November 13, 2012

VNCH: Hai cuộc đảo chánh 1960 và 1963 (phần 1)


[Tường thuật của Cựu Đại tá Phạm Văn Hưởng, nguyên là Tham Mưu Phó Lữ đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống].

Tháng 10.1958, sau khi bàn giao Trưởng Phòng An ninh Biệt Bộ Tham Mưu Bộ Quốc Phòng cho Đại úy Nguyễn Văn Long, cháu Bs. Nguyễn Quang Diệu, Đổng lý Văn phòng, tôi (Phạm Văn Hưởng, lúc ấy mang lon Đại úy) về nhận nhận chức vụ Tham Mưu Phó Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Tham Mưu Phó đặc trách tiếp liệu và thay phiên ứng trực phòng thủ với hai vị Tư lệnh và Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn. Mỗi lần Tổng thống đi kinh lý ở đâu, một trong ba chúng tôi phải tới địa điểm kinh lý trước một ngày, để xếp đặt vấn đề an ninh. Tôi còn lo việc tôn giáo cho binh sĩ Lữ đoàn, vì cả hai vị Tư lệnh và Tham Mưu Trưởng đều không phải là tín hữu Công giáo.
Đảo chính 11.11.1960
Khoảng 11giờ đêm ngày 10 rạng sáng ngày 11.11.1960, nghe điện thoại reo, tôi nhấc máy và nghe báo: 'Thưa Đại úy, Thành Cộng Hòa và Dinh Độc Lập bị tấn công'. Tôi cúp điện thoại, vội khoác lên người cái áo dạo phố, rồi cùng Trung úy Ngô Thế Linh, thuộc Sở Liên Lạc, ở ngay trước mặt nhà tôi, lấy chiếc xe mang số ẩn tế, vọt ra cổng sau Cư xá Sĩ quan Chí Hòa, hướng về phía Dinh Độc Lập. Chúng tôi tới ngã tư Phan Đình Phùng – Công Lý thì bị Nhảy dù chận lại. Một sĩ quan Nhảy dù tới yêu cầu hai chúng tôi xuống xe và lên ngồi chồm hổm với khoàng hơn hai chục người khác trên vỉa hè đường Công Lý, sát hàng rào Dinh Độc Lập. Cứ khoảng 15 phút một lần, viên sĩ quan Nhảy dù dùng loa phóng thanh cầm tay nói lớn tiếng: 'Lính Lữ đoàn làm loạn, bắt Tổng thống làm con tin, Nhảy dù đem quân về cứu Tổng thống'.
Số người bị bắt giữ mỗi lúc một đông, trong khi tiếng súng thưa dần rồi im lặng.
Tờ mờ sáng, nhóm người bị giữ được lệnh đứng dậy và đi biểu tình. Viên sĩ quan Nhảy dù nói: 'Anh chị em đi thẳng đường Công Lý, tới trước Dinh, khi nghe tôi hô một câu ngắn, các anh chị đáp lại: 'Đả đảo!'
Tới góc Công Lý - Thống Nhất, tiếng loa hô: 'Đả đảo Ngô Đình Diệm độc tài!'. Chỉ nghe vài tiếng đáp lại rời rạc: 'Đả đảo!'. Đột nhiên, súng đại liên từ nóc Dinh bắn vào hàng cây dọc đường Thống Nhất. Thừa dịp, những người biểu tình bất đắc dĩ lẹ làng giải tán theo đường Alexandre de Rhodes. Tôi chạy bộ lại tư thất Trung tá Lê Ngọc Triển, Tư lệnh Lữ đoàn, để hỏi tin tức. Phu nhân Trung tá cho biết Trung tá đã vào Dinh ngay khi nghe tiếng súng đầu tiên.
Đêm vừa qua là phiên trực của Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng. Trung tá Tư lệnh trực 3 ngày cuối tuần. Tôi là Tham Mưu Phó trực ngày Thứ Hai và Thứ Tư. Sĩ quan trực ở cùng phòng với sĩ quan tùy viên, cạnh buồng ngủ của Tổng thống.
Dinh được phòng thủ bởi:
1/ Đại đội cận vệ 150 quân nhân. Mỗi đêm, 50 được phép ở nhà, 100 phải ứng trực.
2/ Lúc nào cũng có một Đại đội Bộ binh 150 quân nhân, thay phiên vào mỗi buổi chiều.
3/ Một Chi đoàn chiến xa thường trực trong Dinh.
Tổng thống chi tiêu tính từng đồng và xử dụng người rất kỹ. Trước đó, có một đại đội Bộ binh thuộc Lữ đoàn nằm ứng chiến trong vườn Tao Đàn gần kề Dinh. Về sau, Tổng thống chỉ thị cho Trung tá Triển, Tư lệnh Lữ đoàn, phải liên lạc với Tư lệnh Quân khu 5, để luôn phiên cử một đại đội Bộ binh xuống giúp tỉnh bình định những huyện cần giúp. Kỳ này Đại đội 5 do Trung úy Lục chỉ huy đang giúp Quận Ông Đốc, Cà Mau. Vì thế, dẹp xong đảo chính được một ngày, Trung úy Lục mới kéo quân về tới Lữ đoàn.
Tôi nhờ em tôi, đang phục vụ ở Sở Nghiên cứu Chính trị, lấy xe gắn máy chở tôi đi quan sát một số cơ sở Quân đội và hành chánh, như Trung đoàn 135, Tòa Hành chánh Tỉnh Gia Định, Bộ Chỉ huy Cảnh sát Tỉnh Gia Định… Tất cả đều đóng kín.
Hai anh em tôi quay lại Dinh Độc Lập. Lính Dù canh gác có vể lỏng lẻo. Dân chúng chen nhau bám vào hàng rào sắt chung quanh Dinh, tò mò nhìn vào trong. Bốn năm xác chết mặc đồ Dù còn nằm quanh cột cờ.
Khoảng 10 giờ, hai anh em lại tới nhà Bác sĩ Tuyến trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Vì chúng tôi là chỗ quen thân, cho nên phu nhân Bác sĩ cho biết, vừa nghe tiếng súng nổ, Bác sĩ đã đến ở số X, đường Công Lý. Tôi là bạn học của Bác sĩ Tuyến hồi còn học Tiểu học và mấy năm Trung học ở Phát Diệm. Khi tôi làm Chánh văn phòng cho Đại tá Trần Thiện Khiêm, Quyền Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tôi đã giới thiệu Đại tá Khiêm với Bác sĩ Tuyến và từ đó, hai ông trở thành bạn thân với nhau.
Gặp Bs. Tuyến, ông cho biết, từ sáng sớm, đã phái người đi Biên Hòa xin Trung tá Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Sư đoàn 7, đưa quân về ngay, nhưng vẫn chưa thấy gì. Tôi yêu cầu Bác sĩ dùng Truyền tin của Dinh liên lạc trực tiếp với Đại tá Trần Thiện Khiêm, Tư lệnh Sư đoàn 21 ở Cần Thơ, xin đem quân về gấp; đồng thời xin Đại tá Khiêm kéo Thiếu tá Thơ, Tỉnh trưởng Mỹ Tho, và Thiết giáp của Tỉnh cùng về theo. Bác sĩ Tuyến đồng ý và điện thoại ngay. Tôi còn xin Bác sĩ viết một lá thư tay cho Đại tá Khiêm, giao cho Trung úy Châu, người Nam và là Trưởng phòng Chiến tranh Chính trị Lữ đoàn, và Trung sĩ Hường lãnh nhiệm vụ mang thư đi. Hai người này đã trao bức thư cho Đại tá Khiêm ở quãng đường giữa Cầu Bến Lức và Tỉnh lỵ Long An.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 11, đơn vị đầu tiên của Đại tá Khiêm về tới Dinh là một Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến do Thiếu tá Lê Nguyên Khang chỉ huy. Tiểu đoàn này, lúc đó đang hành quân ở Khu Tiền Giang, đã vào Dinh cùng mấy chiến xa, có cả Trung tá Thiện, Chỉ huy trưởng Thiết giáp đi theo. Tôi đã đợi sẵn ở cổng và vào theo.
Thấy tôi, Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn, trực Dinh mừng rỡ chạy lại nói: 'Anh Hưởng à, nhờ anh trực thay, tôi về nhà xem sao, vì từ sáng tới giờ tôi đã điện thoại nhiều lần mà ở nhà không ai nhấc máy'. Tôi nói với ông: 'Anh cứ về lo gia đình. Tôi trực thay cho anh'. Nhà Thiếu tá Tùng ở trong Cư xá Lữ đoàn trên đường Yên Đổ. Vừa khi nghe tiếng súng, mười mấy sĩ quan Lữ đoàn vội chạy vào Thành Cộng Hòa qua cửa trên đường Hồng Thập Tự, trước Sân vận động Hoa Lư, nhưng tất cả đã bị lực lượng Dù bắt nằm sấp tới chiều.
Trung úy Vũ Thế Quang dẫn một đại đội Nhảy dù tới cổng trước của Thành Cộng Hòa hỏi sĩ quan Lữ đoàn là bạn cùng khóa: 'Có phải các anh bắt Tổng thống không?'. Sĩ quan Lữ đoàn trả lời: 'Đâu có'. Hai bên trò truyện vui vẻ, không giao tranh. Trung úy Quang cầm chân quân Lữ đoàn, không cho hành động chi cả.
Tổng thống, ông cố vấn và Thiếu tướng Nguyễn Khánh ngồi trong phòng Ông Tôn Thất Thiết, Chánh sự vụ Sở Nội dịch, ở tầng dưới, sát bếp. Đại úy Hoàng Đình Tư, Đại đội trưởng Đại đội cận vệ bị thương nặng ở chân khi chỉ huy chiến đấu, phải nằm bệnh xá. Quân lính Cận vệ và Lữ đoàn ở các vị trí chiến đấu. Tôi vừa là Tham Mưu Phó trực Dinh vừa tạm thời thay thế Đại đội trưởng Đại đội cân vệ.
Khoảng 7 giờ tối, điện thoại reo. Tôi nhấc máy và nghe rõ tiếng Đại tá Khiêm. Tôi nói ngay: 'Thưa Đại tá Tư lệnh, tôi Đại úy Hưởng đây'. Đại tá Khiêm nói: 'Anh Hưởng hả?. 'Dạ'. 'Nhờ anh trình Tổng thống, Sư đoàn 21 đã vào Sài Gòn, Pháo binh hiện đặt tại Phú Lâm. Nhà tôi đã bị Dù bắt, nhưng tôi xin trung thành với Tổng thống'. Tôi thưa: 'Xin Đại tá giữ máy, tôi đưa máy để Đại tá trình thẳng Tổng thống. Ông cố vấn và Thiếu tướng Khánh đang cùng ngồi bên Tổng thống'.
Xin nói lại, Nhảy dù bắt đầu tấn công Dinh vào khoảng 11 giờ đêm thì chỉ nửa giờ sau, Thiếu tướng Nguyễn Khánh, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, đã đập cổng Nguyễn Du xin vào Dinh. Trung úy Nguyễn Văn Lễ, Đại đội trưởng canh gác, không dám mở cổng, sợ Nhảy dù tràn vào. Trung úy Lễ xin cho thòng dây xuống để Thiếu tướng leo vào. Trong dịp đầu năm 01.01.1961, Bộ Tổng Tham Mưu lập hồ sơ thăng cấp cho một số quân nhân có công trong vụ dẹp đảo chính, Thiếu tướng Khánh đích thân đề nghị cho Trung úy Lễ lên đại úy nhiệm chức. Tổng thống duyệt và không thuận vì Trung úy Lễ mới có một năm thâm niên. Tướng Khánh phải nài nỉ tới lần thứ ba mới được Tổng thống chấp thuận. Tổng thống hiếm khi cho thăng cấp đặc cách.
Đêm ngày 11 rạng ngày 12, Tổng thống, có ông cố vấn và Thiếu tướng Khánh bên cạnh, đã nói chuyện điện thoại với Đại tướng Lê Văn Tỵ, có Trung tá Vương Văn Đông bên cạnh. Qua Đại tướng Tỵ, phe đảo chánh muốn đưa ra cho Tổng thống 4 yêu sách:
  1. Tổng thống sẽ cải tổ Nội các, mở rộng Chính phủ.
  2. Phe đảo chính sẽ tổ chức một cuộc biểu tình vào sáng ngày 12.
  3. Lữ đoàn Nhảy dù sẽ canh gác Dinh chung với Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống.
  4. Hai bên cử phái đoàn để thảo luận 3 yêu sách trên đây.
Trong khi Tổng thống nói chuyện điện thoại, Bà Ngô Đình Nhu im lặng, đi đi lại lại, từ phòng Tổng thống ngồi đến Phóng Truyền tin của Tham mưu Phó Lữ đoàn trực Dinh, hoặc ra ngoài hành lang. Vừa nghe thấy yêu sách để lính Dù gác Dinh chung với lính Lữ đoàn, Bà Nhu nói to: 'Xin Tổng thống không chấp thuận khoản này. Lính Lữ đoàn hiền lành, còn lính Dù dữ quá. Để lính Dù gác Dinh, có ngày họ làm thịt hết cả gia đình mình đó'. Ông cố vấn ngước mắt nhìn vợ và chậm rãi nói: 'Em đừng nói. Để Tổng thống suy nghĩ và quyết định'.
Tổng thống đang nói chuyện bỗng ngưng và đưa máy cho Thiếu tướng Khánh. Thiếu tướng Khánh mở to đôi mắt và nhăn mặt lớn tiếng: 'Trung tá Đông hả? Tại sao Tổng thống đang nói chuyện với Đại tướng, toa dám giành máy? Vô lễ quá!'.
Sau đó, hai bên cử phái đoàn ra thương thảo ngay trên đường Thống Nhất, khúc giữa Dinh và Nhà thờ Đức Bà. Phe đảo chính cử Đại tá Nguyễn Chánh Thi làm đại diện. Tổng thống cử Thiếu tướng Nguyễn Khánh thay mặt. Thiếu tướng Khánh nhất quyết đi để gây ảnh hưởng.
Kết quả cuộc thương thảo: Tổng thống sẽ mở rộng Chính phủ. Phe đảo chính không tổ chức cuộc biểu tình vào sáng ngày 12.11. Không có việc Nhảy dù gác Dinh chung với Lữ đoàn.
Suốt đêm 11 rạng ngày 12, toàn Thành phố yên tĩnh.
Sáng ngày 12.11, Sư đoàn 7 vào Sài Gòn.
Tảng sáng, một số quân nhân Thiết giáp và Thủy quân lục chiến, mới vào tăng cường trong Dinh, nổi lửa pha cà phê, pha trà. Số khác trèo lên tháp chiến xa nhìn ra ngoài. Bỗng một loạt súng máy bất thần từ bên ngoài bắn vào. Có những tiếng kêu thất thanh. Lập tức, chiến xa trong Dinh bắn đáp trả vang rền. Thiếu tá Lê Nguyên Khang và tôi vội chạy ra. Thiếu tướng Nguyễn Khánh, từ phòng Tổng thống, cũng vội vã ra hành lang quát to: 'Ai cho lệnh bắn?'. Kế tiếp, ông cố vấn ra hỏi: 'Tại sao bắn?'. Thiếu tá Khang bình tĩnh trả lời: 'Thưa ông cố vấn, lính của tôi bỗng dưng bị bắn chết 3 người và bị thương năm sáu người, nên tự động bắn trả'. Nghe tiếng súng nổ, xạ thủ đại liên trên nóc Dinh chiếu ống nhòm nhìn thấy hai bên Đại lộ Thống Nhất có nhiều biểu ngữ thóa mạ Tổng thống "Đả đảo Ngô Đình Diệm', cũng nóng mắt xả đạn như mưa lên những tàn cây. Những cành cây gẫy đổ làm đám biểu tình phải giải tán. Không ai bảo ai, tất cả vất bỏ biêu ngữ, dầy dép mà chạy tán loạn.
Lúc này, lực lượng phe đảo chính đã rời rạc và đang tan rã. Tình hình chỉ còn căng thẳng trong Vườn Tao Đàn. Thực sự thì Nhảy Dù đã ngừng tấn công kể từ trưa ngày 11.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 12.11, Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12, Sư đoàn 7 đã chiếm được Đài Phát thanh. Sau đó Đại úy X (Thành thực xin lỗi vì không còn nhớ tên vị Đại úy này), Đại đội trưởng Biệt Động quân gọi vào Dinh, trình lên đã bắt được Thiếu tá Phan Trọng Chinh, Chỉ huy lực lượng đảo chánh tại Vườn Tao Đàn. Tổng thống chỉ thị Đại úy X đưa Thiếu tá Chinh vào Dinh và lệnh cho Chánh sở Nội dịch trao cho tôi 50.000 $ (năm mươi ngàn đồng VN) cầm ra cổng trao cho Đại úy Đại đội trưởng Biệt Động quân để thưởng cho Đại đội của ông. Tổng thống đích thân hỏi truyện Thiếu tá Phan Trọng Chinh.
Khoảng 11 giờ trưa, toàn Sài Gòn trở lại yên tĩnh. Thiếu tướng Khánh, thừa lệnh Tổng thống, điện thoại cho phe đảo chính. Tướng Khánh nói với họ: Tổng thống chấp thuận tha Thiếu tá Chinh để cùng đáp chuyến bay chở các sĩ quan đảo chính chủ chốt đào thoát sang Nam Vang và yêu cầu họ thả phu nhân Đại tá Khiêm. Theo yêu cầu của Thiếu tá Chinh, tôi chở ông ra Thảo cầm viên để ông muốn đi đâu thì đi. Thiếu tá Chinh không chịu đi Nam Vang. Ông ở lại và cuối năm 1963, đã lãnh án nặng nhất trong số các sĩ quan đảo chính.
Có người cho là Sư đoàn 7 có công lớn hơn trong việc dẹp đảo chính. Sự thật là Sư đoàn 21 mới là đơn vị về cứu giá đầu tiên vì đã vào Sài Gòn ngay từ chiều ngày 11.11, trong khi Sư đoàn 7 mãi sáng ngày 12.11 mới về tới.
Những nhân vật biết rõ về những cuộc điện đàm trong đêm 11 rạng ngày 12 Tháng 11 năm 1960 chỉ còn sót lại Bà Ngô Đình Nhu (đã qua đời ngày 24.4.2011 tại Roma, Ý), Tướng Nguyễn Khánh, Tướng Trần Thiện Khiêm, Ông Vương Văn Đông và tôi (Phạm Văn Hưởng). Không biết khi Bà Nhu viết hồi ký có thuật lại đầy đủ không?
Sau khi dẹp xong đảo chính, nhân dịp Năm Mới 01.01.1961, Bộ Tổng Tham Mưu đề nghị thăng thưởng một số sĩ quan đã lập công và trình lên Tổng thống duyệt ký thăng các cấp đại tá, trung tá và thiếu tá; các cấp úy do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký.
Cấp tá: Bốn thiếu tá nhiệm chức thăng thiếu tá thực thụ: Thiếu tá Lê Nguyên Khang, Thiếu tá Phan Đình Tùng, Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ. Đại úy thực thụ Phạm Văn Hưởng thăng lên Thiếu tá nhiệm chức.
Sau đó, Trung tá Cao Văn Viên được chỉ định về làm Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy Dù. Mấy ngày sau, Tổng thống tới ủy lạo Nhảy dù. Tổng thống nói: chỉ có một số sĩ quan cao cấp có lỗi đã trốn đi Nam Vang, đa số chỉ thi hành lệnh, cho nên Tổng thống không trách. Nhảy dù cảm động, vì thế, ba năm sau, khi cuộc đảo chính 01.11.1963 xẩy ra, Dù không tham gia.
Trung tá Lê Ngọc Triển tự xét mình có lỗi, không làm tròn nhiệm vụ, khiến Tổng thống phải lo âu, nên đã đệ đơn xin từ chức. Tổng thống không chấp thuận, nhưng Trung tá Triển cố nài nỉ, cuối cùng, Tổng thống đành ưng thuận và cử Trung tá đi làm Tỉnh trưởng Phú Yên.
Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng Lữ đoàn, xin về lại Pháo binh.
Trung tá N. N. K., người Quảng Trị, cán bộ cao cấp trong Quân ủy Cần Lao được gọi về làm Tư lệnh Lữ đoàn. Trung tá K. chuyên môn về tham mưu cho nên đã xin một Thiếu tá đã từng chỉ huy một Trung đoàn tác chiến về làm Tham Mưu Trưởng. Nhiều sĩ quan được đề cử về làm Tham Mưu Trưởng Lữ đoàn:
- Thiếu tá Trần Cửu Thiên, người miền Nam về làm được một tuần,
- Thiếu tá Võ Văn Cảnh, Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 23, về làm được 2 tuần,
- Thiếu tá Thân Ninh, Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 2, về làm được 2 tháng,
- Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12, Sư đoàn 7, về làm Tham Mưu trưởng Lữ đoàn cho tới ngày 31.12.1963.
- Thiếu tá Phạm Văn Hưởng làm Tham Mưu Phó Lữ đoàn cho tới ngày 31.12.1963.
Vài nhận xét
Phe đảo chính tấn công bất ngờ cho nên đã chiếm được lợi thế ban đầu, nhưng sau đó chịu thất bại. Tại sao?
  1. Phe đảo chính không nghiên cứu kỹ chiến trường. Tại sao Dù tấn công vào mặt tiền của Dinh để phải chịu nhiều bất lợi, như phải băng qua một sân trống trải, rộng rãi, khá xa Dinh mà đèn điện lại sáng trưng. Nếu tấn công phía sau Dinh có nhiều ưu điểm hơn, như có nhiều gốc cây lớn để nấp, không gian tối hơn, khoảng cách gần hơn và sẽ ít thiệt hại nhân mạng hơn.
  2. Quân sĩ Dù một nửa là người Bắc di cư. Họ thương mến Tổng thống vì Người đã giúp đưa gia đình và người thân của họ vào Nam, lại giúp cho phương tiện sinh sống được an vui. Họ mau chóng khám phá ra là cấp trên đã đánh lừa họ: bảo họ là đi cứu nguy Tổng thống, kì thực là đi bắt Tổng thống; thêm vào đó, họ thấy đồng đội của họ lớp bị chết, lớp bị thương ngay từ phút đầu giao chiến, cho nên họ mất tinh thần.
  3. Lực lượng Dù chiến đấu cô đơn, không có một đơn vị bạn nào giúp sức, ngoại trừ một Đại đội Biệt động quân. Nhiều người cho là Tổng thống chỉ dùng người miền Trung, Công giáo và Cần lao. Theo tôi biết, Người không quan tâm những chi tiết đó. Xin dẫn chứng ngay vào thời điểm đảo chính:
  1. Các viên chức then chốt tại Phủ Tổng thống: Ông Đổng lý văn phòng Quách Tòng Đức là người Nam, nguyên là Đổng lý văn phòng Bộ Tư pháp. Sau đảo chánh 11.11.63, ông lại về làm Đổng lý văn phòng Bộ Tư pháp. Bác sĩ riêng của Tổng thống là Bs. Bùi Kiện Tín, người Nam. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, người Bắc, phụ trách Bệnh xá Dinh và Lữ đoàn. Bí thư Trần Sử, người Trung. Chánh văn phòng Võ Văn Hải, người Trung. Chánh sở Nội dịch Tôn Thất Thiết.
    Tất cả đều không phải là tín hữu Công giáo.
  2. Các sĩ quan bảo vệ an ninh cho Tổng thống: Trung tá Cao Văn Viên, Biệt bộ Tham mưu Trưởng Phủ Tổng thống, sinh quán Lào. Trung tá Lê Ngọc Triển, Tư lệnh Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống, người Bắc. Thiếu tá Phan Đình Tùng, Tham Mưu Trưởng Lữ đoàn, người Trung. Tất cả đều không phải là tín hữu Công giáo.
  3. Tổng thống không phân biệt Nam, Bắc, Trung: Sau đảo chính hụt, Trung tá N. N. K.… mới về làm Tư lệnh Lữ đoàn, muốn thuyên chuyển một số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ người Bắc và Nam để lấy người miền Trung về thay thế. Một số đã bị thuyên chuyển, nhưng số khác bất mãn, đã tuyệt thực được một ngày. Đại úy Bằng, tức Thơ, là sĩ quan hầu cận Tổng thống biết sự việc, liền trình Tổng thống. Sau đó, thấy ông cố vấn chỉ thị cho Trung tá Phạm Thu Đường, Chánh văn phòng của ông cố vấn, xuống tập họp tất cả sĩ quan Lữ đoàn lại và nói: 'Tổng thống không bao giờ phân biệt Nam, Trung, Bắc, Công giáo hay không Công giáo. Tất cả phải đoàn kết'.
  4. Tổng thống còn chỉ thị cho Ông Võ Văn Hải, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống, gửi văn thư sang cho Trung tá Kỳ Quan Liêm, Giám đốc Nha nhân viên Bộ Quốc phòng, nói: 'Từ nay, mọi thuyên chuyển quân nhân các cấp thuộc Phủ Tổng thống phải được Tổng thống duyệt trước'.
Số quân nhân tuyệt thực vì phải thuyên chuyển đi Vùng I và II, nay được về Vùng III hoặc IV.

Phạm Văn Hưởng

No comments:

Post a Comment