Monday, November 5, 2012

Trung Cộng lên kế hoạch phát triển quần đảo Hoàng Sa


Trung Quốc sẽ chi hơn 10 tỷ nhân dân tệ để nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, theo tin South China Morning Post ngày 4/11.

Phát biểu hôm 2/11 tại cuộc họp báo kỷ niệm 100 ngày thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm, phát ngôn nhân chính quyền thành phố, ông Trần Tế Dương, đã loan báo các kế hoạch biến đảo này thành một trung tâm ngư nghiệp, du lịch, và cung cấp quân sự.


Hồi tháng 7, Trung Quốc công bố thành lập thành phố Tam Sa để quản lý hành chính khu vực rộng hơn 2 triệu cây số vuông trên Biển Đông và đã thiết lập đơn vị đồn trú cấp sư đoàn trên đảo Phú Lâm.


Trong số các kế hoạch của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm vừa loan báo có dự án xây dựng một khu phức hợp văn phòng chính quyền thành phố, một cơ sở cung cấp quân sự, một trung tâm hỗ trợ hoạt động đánh bắt cá cũng như hoạt động của các tàu hải giám Trung Quốc, và mở rộng phi trường.


Ngoài ra, Bắc Kinh cũng định xây một cảng mới, một nhà máy khử muối với công suất xử lý 1 ngàn tấn nước biển mỗi ngày, một trạm phát điện năng lượng mặt trời, cùng các nhà máy xử lý nước thải-rác thải bảo vệ môi trường.


Chính quyền trung ương Trung Quốc cũng đã chi 100 triệu nhân dân tệ để đóng tàu tiếp tế mang tên Tam Sa 1và dự kiến sẽ cấp thêm 160 triệu vào năm sau.


Đây là những hành động cụ thể nhằm củng cố hơn nữa quyền kiểm soát của Bắc Kinh tại đảo Phú Lâm mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng, hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa hiện có gần 1.000 cư dân Trung Quốc sinh sống.


Ông Lý Kiệt, chuyên gia quân sự Trung Quốc, nhấn mạnh 10 tỷ nhân dân tệ đầu tư cho Phú Lâm không phải là lớn và hầu hết các dự án tập trung vào kế hoạch đô thị lâu dài chứ không chỉ cho các mục đích quân sự.


Việt Nam nói quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm trái phép. Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh ngưng vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.


Tuy nhiên, các hoạt động của Trung Quốc dành chủ quyền tại khu vực vẫn liên tục tiếp diễn mặc cho Việt Nam phản đối và gọi đó là những việc làm ‘phi pháp’, ‘vô giá trị’.


Nguồn: Xinhua, South China Morning Post

No comments:

Post a Comment