Trong
bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, vùng Đông Nam Á trở nên thu hút
giới đầu tư vì có tiềm năng kinh tế to lớn. Bên cạnh đó, khu vực này còn
là một thị trường béo bở đối với các nhà kinh doanh vũ khí. Bàn về chủ
đề này, trang phân tích địa chính trị của nhật báo Le Monde có bài chạy
tựa : "Đổ xô tìm vũ khí tại châu Á".
Theo tờ báo, ngân sách quốc phòng của một số nước trong khu
vực, dù ít, thu hút sự chú ý hơn là của anh bạn láng giềng Trung Quốc,
nhưng nếu xét về tốc độ gia tăng thì không thua kém. Viện nghiên cứu
chiến lược quốc tế tại Luân Đôn (IISS) đã công bố bảng thống kê thường
niên về chi phí quốc phòng của các nước. Theo đó, Singapore, Thái Lan và
Indonesia nằm trong số 10 nước châu Á chi cho quốc phòng nhiều nhất.
Trong giai đoạn 2010-2011, ngân sách quốc phòng của Thái Lan và
Indonesia tăng trên dưới 5%. Con số này tại Trung Quốc là 6,8%.
Dự phóng cho năm 2013, ngân sách quốc phòng của Indonesia có thể tăng
đến 18%, đạt mức 8,1 tỷ đô la. Philippines cũng tăng tốc : Năm 2013,
ngân sách quốc phòng nước này có thể lên đến 2,8 tỷ đô la, tăng 12,5% so
với năm 2012. Hồi tháng 12/2012, Philippines đã thông quan một luật mới
về hiện đại hóa quân đội trong 15 năm tới, trong đó ưu tiên dành cho
hải quân và không quân.
Theo một chuyên gia về Đông Nam Á, một trong những ngòi nổ khiến
Philippines phải tăng nhanh ngân sách quốc phòng, đó chính là cuộc tranh
chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Chuyên gia này cho biết thêm, trong 5 năm
tới, Phlippines dự định tậu thêm nhiều khí tài, trong đó đáng chú ý là
12 máy bay chiến đấu, một tàu khu trục.
Trong bối cảnh đó, các cường quốc bắt đầu tăng cường chính sách hướng
về khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ngoài Mỹ, Úc cũng đã khẳng định
chính sách hướng đông của mình. Một quan chức lãnh đạo quân đội Úc cho
biết, quân đội nước này sẽ rút khỏi Afghanistan, khu vực đảo Salomon và
Đông Timor, và dự định sẽ tăng cường hợp tác với Indonesia, Việt Nam và
Thái Lan.
Tham vọng của Trung Quốc : Nguyên nhân bất ổn
Le Monde nhận định, tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông và sự
căng thẳng đang gia tăng nhất là với Việt Nam và Philippines, chính là
nguyên nhân chính của "cuộc chạy đua vũ trang" này. Một trong những đặc điểm nổi bật của cuộc đua là các nước thi nhau tậu tàu ngầm.
Tờ báo nhắc lại, từ giữa những năm 1990, Singapore đã bắt đầu trang
bị tàu ngầm do Thụy Điển sản xuất. Đến hiện tại, nước này đã có 5 tàu
ngầm tấn công. Malaysia cũng đã mua hai chiếc Scorpène của Pháp. Liên
quan đến Việt Nam, Le Monde cho biết, hồi năm 2009, Hà Nội đã đặt mua
của Nga 6 chiếc tàu ngầm với giá 2 tỷ đô la, trong đó 2 chiếc đầu tiên
sẽ được giao vào tháng 8/2013. Indonesia thì đang sở hữu hai tàu ngầm "made in" Hàn Quốc.
Le Monde cảnh báo : Khu vực biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là một
tuyến đường huyết mạch của giao thương hàng hải thế giới, vì thế, sự có
mặt ngày càng nhiều của các tàu ngầm trong khu vực này làm tăng thêm
căng thẳng trong khu vực vốn đã có nhiều căng thẳng. Tình hình càng đáng
lo ngại hơn khi mà, dù khối ASEAN đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến hiện
tại vẫn chưa có một khung pháp lý nào để đề phòng xảy ra xung đột trong
khu vực.
No comments:
Post a Comment