Wednesday, January 16, 2013

Tàu ma tự bốc cháy “trêu” người



Trong 200 năm qua, “tàu ma” Northumberland Strait nhiều lần xuất hiện, tự bốc cháy rồi biến mất như trêu ngươi, thách thức hiểu biết của con người.

Với những lời kể liên tục xuất hiện kể từ năm 1786 đến nay, nguồn gốc của con “tàu ma” Northumberland Strait đã trở thành một trong những bí ẩn chưa có lời giải trong lịch sử hàng hải.
Trong hơn 200 năm qua, rất nhiều người sống gần khu vực eo biển Northumberland chạy giữa Nova Scotia và đảo Prince Edward (Canada) từng chứng kiến một hiện tượng rất kỳ lạ. Các nhân chứng, dù đang ở trên bờ hay dưới biển, đều kể lại rằng họ đã nhìn thấy một con tàu có 3 cột buồm di chuyển rất nhanh qua eo biển. Và đột nhiên nó bốc cháy rồi sau đó biến mất không dấu vết

Thời điểm con tàu xuất hiện rải rác vào các tháng trong năm nhưng phổ biến nhất là những tháng mùa thu, ngay trước khi gió từ phía đông bắc thổi tới. Nhiều người tin rằng “tàu ma” Northumberland Strait là điềm báo về những cơn bão sắp xảy ra. Điều đáng kinh ngạc là tất cả nhân chứng đều mô tả lại những chi tiết tương tự nhau mặc dù thời đại họ sống cách nhau tới hàng trăm năm. “Một buổi tối tháng 10, khi tôi đang đi bộ dọc theo con đường trở về từ nhà người hàng xóm, nhìn ra eo biển Northumberland, tôi thấy một con tàu đang bốc cháy. Thời tiết hôm đó rất tốt nên hình ảnh con tàu khá rõ ràng. Nó cứ thế trong khoảng 2 phút và sau đó biến mất”, trích từ những báo cáo về “con tàu ma” Northumberland Strait.
Năm 1912, một nhân chứng khác sống gần Murray Harbour trên đảo Prince Edward khẳng định cô và cậu con trai tám tuổi đã theo dõi con tàu trong 30 phút. Cô cho biết đó là con thuyền có 3 cột buồm, khi di chuyển đến gần họ thì dừng lại. Nó có cánh buồm màu trắng, phần thân màu đen bóng. Bỗng nhiên lửa bùng lên, các thuyền viên bị nhấm chìm trong ngọn lửa, cô còn chưa hết kinh ngạc thì tất cả biến mất như chưa từng xảy ra.
Bên cạnh thông tin của các cá nhân riêng lẻ, đôi khi hiện tượng này xảy ra trước mắt rất nhiều người. Vào thời điểm khi cây cầu Confederation Bridge nối liền Nova Scotia và đảo Prince Edward chưa được xây dựng, người dân muốn vượt qua eo biển thì không còn cách nào khác là phải đi phà. Và trong những lần này, không ít người đã có cơ hội tận mắt chứng kiến “con tàu ma” ấy.
Trong cuốn sách “Folklore of Prince Edward Island”, tác giả Sterling Ramsay có viết: “Vào một buổi chiều tối năm 1900, khi hoàng hôn đang xuống, người dân đi trên chuyến phà hôm đó nhìn thấy một con tàu 3 cột buồm đang trong tình trạng khẩn cấp, bốc cháy dữ dội ở phần đuôi. Vài người đàn ông lập tức leo lên chiếc thuyền nhỏ hướng về phía đó với hy vọng có thể giải cứu được các hành khách, thủy thủ trên tàu. Tuy nhiên, trong khi họ đang gắng sức đến gần thì nó biến mất vào sương mù, ngay trước mắt họ. Liền sau đó, một cuộc tìm kiếm kỹ lưỡng được tiến hành, thậm chí các thợ lặn cũng vào cuộc nhưng chẳng ai tìm thấy bất kỳ manh mối nào của con tàu bí ẩn”.

Eo biển Northumberland. (Ảnh: Wikipedia)

Trong nhiều năm qua, người ta vẫn tìm cách tiếp cận con tàu đang cháy nhưng còn chưa kịp làm gì thì nó lại biến mất vào không trung. Một số nhân viên cứu hộ thậm chí còn “một đi không trở lại” trong nỗ lực cứu giúp tàu bị nạn. Năm 1885, từng có một phi hành đoàn đã tham gia giải cứu và bặt tin từ đó.
Không ai biết chính xác danh tính, nguồn gốc của “con tàu ma” nhưng đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó những người đi biển cho rằng nó chính là con tàu Isabella, không ai còn nhìn thấy kể từ tháng 12/1868 trong một cơn bão ở Nova Scotia.
Ý kiến khác thì khẳng định đây là tàu của những người nhập cư Highland Scots, mất tích trên biển trong quá trình đi tìm kiếm vùng đất mới; hoặc cũng có khả năng nó là tàu cướp biển từng bị tàu chiến của Anh đánh chìm gần Merigomish trong cuộc chiến tranh thời Napoleon.
Với nỗ lực tìm ra câu trả lời, tác giả Sterling Ramsay trong cuốn “Folklore of Prince Edward Island” có viết: Tàu Northumberland Strait bốc cháy nhiều khả năng chỉ là một ảo ảnh quang học không rõ cơ chế. Đây là hiện tượng khá phổ biến ở vùng biển này, kết hợp với các điều kiện khí quyển sẽ làm cho mọi thứ gần như vô hình.
Năm 1905, William Francis Ganong - một nhà khoa học tại bang New Brunswick ven biển miền đông Canada - cũng đưa ra lời giải thích liên quan đến ảo ảnh và nói rằng nguồn gốc của nó có lẽ là do điện trường.
Mặc dù nguồn gốc của con tàu ma này vẫn còn là điều bí ẩn nhưng với số lượng nhân chứng khá nhiều, cộng với việc cùng một câu chuyện nhưng liên tục được thông báo lại trong khoảng thời gian tương đối dài (hàng thế kỷ) khiến cho các chuyên gia khó có thể bỏ qua hiện tượng kỳ lạ đó. Vấn đề là cho đến nay, chưa có lời giải thích nào được công nhận là đủ sức thuyết phục.

Khoa Học

No comments:

Post a Comment