Tuesday, January 22, 2013

Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và quan hệ Mỹ - Nhật - Trung

Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và TQ hiện là đề tài ngoại giao căng thẳng không những giữa hai nước mà còn ảnh hưởng cả tới Mỹ khi vai trò đồng minh với Nhật không cho phép Washington im lặng khi hiệp ước an ninh hai nước vẫn còn hiệu lực.


Bản đồ quần đảo tranh chấp Senkaku theo cách gọi của Nhật hay Điếu Ngư theo tiếng Trung Quốc.


Mặc Lâm phỏng vấn GS Nguyễn Mạnh Hùng hiện giảng dạy môn bang giao quốc tế tại đại học George Madison nhằm lấy ý kíên của một chuyên gia trong lĩnh vực này:

Lời cảnh cáo Trung Quốc

Mặc Lâm: Thưa giáo sư trong tuần trước khi ngoại trưởng Nhật sang Washington để chuẩn bị cho chuyến đi của Thủ tướng Nhật thì Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố rằng Mỹ nhìn nhận quần đảo Sensaku thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và nhắc lại rằng Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật vẫn còn giá trị. Theo giáo sư thì tuyên bố này có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay? 
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Điều này thật ra là một lời cảnh cáo Trung Quốc. Bởi vì gần đây có những động thái gay gắt giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Những vụ như Trung Quốc mang tàu đến rồi Nhật đuổi tàu Trung Quốc ra. Rồi Trung Quốc mang máy bay đến, Nhật lại mang máy bay lên đuổi ra. Từ những việc như vậy người Mỹ sợ những sự cố này có thể leo thang biến thành chiến tranh, thành ra họ xác nhận sự cam kết của họ để ngăn chặn Trung Quốc có thể leo thang thêm nữa tạo ra phản ứng của Nhật sẽ gây ra xung đột thì buộc Mỹ phải tham dự vào cuộc xung đột đó.
Chính người Tàu, một ông Tàu tên là Chang Yong Ninhan có một bài báo trong Global Times ông ấy nói rằng bởi vì Mỹ-Nhật có Hiệp ước an ninh nên việc Trung Quốc bành trướng trên biển Hoa Đông sẽ trở nên khó khăn.
Mặc Lâm: Thế nhưng Trung Quốc chứng tỏ họ không lùi bước cho nên ngay sau lời tuyên bố của ngoại trưởng Hoa kỳ thì tàu hải giám của họ xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư và hôm nay họ tiếp tục lập lại hành động khiêu khích này, theo giáo sư họ làm như vậy có mục đích gì?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng Trung Quốc làm những hành động đó để chứng tỏ mình không lùi bước nhưng một mặt khác thì tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẵn sàng đi vào chiến tranh với Nhật, với Mỹ.

diaoyu-plane-250.jpg
Máy bay Trung Quốc trên không phận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Hình do Cảnh sát biển Nhật chụp ngày 13/12/2012. AFP photo/Japan Coast Guard.
Thứ nhất bởi vì lực lượng không tương đồng với nhau. Thứ hai chính các nhà học giả, những nhà bình luận Trung Quốc cũng thấy rõ vấn đề biển Đông ( không phải Biển Đông theo cách nói của Việt Nam mà là East Sea, vùng biển Bắc Á) thì Trung Quốc khó bành trướng ra được.

Nhật sẽ không chùn tay

Mặc Lâm: Giáo sư có nghĩ rằng trong một lúc nào đó khi Nhật chểnh mãng hay dư luận trong nước của phe dân túy chính muồi thì Trung Quốc sẽ chớp nhoáng gây một cuộc chiến ngắn ngủi và sau đó là léo dài nguyên trạng .... cách này họ đã từng làm đối với Hoàng sa của Việt Nam.
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết tôi nghĩ trường hợp ấy sẽ gần như không bao giờ xảy ra bởi vì hai lý do. Lý do thứ nhất là ông Shinzo Abe thuộc thành phần cứng rắn của Nhật. Trong thời gian ông ấy làm thủ tướng ông đã nâng cấp cơ quan Phòng vệ trở thành Bộ Quốc phòng. Tức là lập trường của ông ấy đã có và Trung Quốc cũng biết sẵn như thế rồi. Điểm thứ hai về thực lực riêng việc tấn công Nhật thôi thì cũng rất khó vì Nhật có lực lượng tầu ngầm để phòng thủ rất mạnh. Thứ ba nữa là Nhật có 40 ngàn binh sĩ Mỹ đang đóng ở đó nên rất khó cho Trung Quốc vì khi đánh Nhật dĩ nhiên họ sẽ phản ứng. Với những tính toán như vậy thì không một nhà quân sự nào chấp nhận một cuộc chiến tranh mà mình sẽ thua.
Khi Trung Quốc mang tàu ra thì hành động chỉ mang tính biểu tượng mà người Mỹ gọi là brinkmanship tức là đi đến vực thẳm mà không vào vực thẳm… để xem anh nào nhắm mắt trước.
Trong một bài viết của tôi về vấn đề Biển Đông, tức là biển Nam Trung Hoa thì người Nhật biết rõ Trung Quốc muốn dùng chính sách nào để khiến các bên đối lực với họ bị mệt đi, mệt quá phải buông lúc ấy thì anh Mỹ phải buông theo. Tức là “fatigue”, nó cứ ấn mãi khiến mình chùn tay thì nó tiến lên. Tuy nhiên trong trường hợp của Nhật thì có lẽ họ sẽ không chùn tay.
Mặc Lâm: Đối với kinh nghiệm của nước Nhật thì Việt Nam lãnh hội được gì và áp dụng ra sao khi nội lực phân tán, mất đoàn kết và vũ khí lại quá yếu so với Trung Quốc?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tình trạng Việt Nam thì khó  hơn. Trong bài báo tôi vừa nói trong Global Times nhà bình luận Trung Quốc người ta vạch rõ, thứ nhất Trung Quốc ngày xưa không nghĩ đến biển, ngày nay họ là quốc gia lớn rồi nên sự phát triển của họ cần nhiên liệu nên do đó phải cần đến biển. Việc này là điều tự nhiên thôi.
Nếu nhìn về phía Bắc vùng biển Hoa Đông (East Sea) thì vùng này có Nhật Bản, Cao Ly (Hàn Quốc), liên minh giữa Nhật với Mỹ cho nên con đường này rất khó mà ra. Thứ hai nhìn về phía Ấn Độ dương thì vùng biển này xa Trung Quốc mà Ấn Độ thì rõ ràng không chịu Trung Quốc đe dọa. Chỉ còn đường đi qua Miến Điện thì nước này đã đổi ý rồi… Ông tác giả này kết luận chỉ còn một con đường ra được là Biển Nam Trung Hoa thôi. Vì thế vùng biển này bị chặn mạnh nhất là Việt Nam và Philippines. Nhất là Việt Nam cho nên nếu nó ấn Việt Nam theo giải pháp “fatigue” để cho mệt rồi buông tay thì họ sẽ có thể chiếm được. Đó là chính sách họ áp dụng cho Việt Nam ngày nay.
Việt Nam muốn chống lại thì dĩ nhiên phải có chiến thuật mềm dẻo, nhượng bộ họ họăc là phải tìm cách đối lực. Mà đối lực thì họ vẫn còn nghi ngờ Mỹ. Giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay quan hệ quốc phòng chưa đi tới mức độ đó. Ngoài ra phải có nội lực thì nội lực hiện nay Việt Nam rất yếu.
Mặc Lâm: Xin cám ơn giáo sư.

RFA

No comments:

Post a Comment