Trong
một buổi lễ kín đáo tại Phnom Penh ngày 23/01/2013, Thứ trưởng Bộ Quốc
phòng Cam Bốt Moeung Samphan và Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung
Quốc, tướng Thích Kiến Quốc (Qi Jianguo), đã ký kết một thỏa thuân về
hợp tác quân sự song phương. Bắc Kinh sẽ tài trợ cả trăm triệu đô la cho
Phnom Penh để mua vũ khí của Trung Quốc, đồng thời tiếp tục công tác
huấn luyện cho quân đội Cam Bốt.
Theo giới phân tích, sự tăng cường đáng
kể hợp tác quân sự Bắc Kinh-Phnom Penh chắc chắn sẽ làm cho hai láng
giềng lớn của Cam Bốt là Thái Lan và Việt Nam lo ngại.
Trong khuôn khổ thỏa thuận vừa ký, như vậy là Cam Bốt sẽ có
tiền để mua ngay 12 chiếc phi cơ trực thăng loại Zhi-9 do Trung Quốc chế
tạo, một hỗ trợ đáng kể cho Quân đội Hoàng gia Cam Bốt. Đây không phải
là lần đầu tiên mà Bắc Kinh đóng vai người cung cấp trang thiết bị quân
sự cho chính quyền Hun Sen. Vào năm 2010 chẳng hạn, Trung Quốc đã cung
cấp cho quân đội Cam Bốt 250 chiếc xe jeep và xe vận tải.
Lẽ dĩ nhiên, Bắc Kinh không phải là nước duy nhất có hợp tác quân sự
với Phnom Penh, nhưng trong bối cảnh Cam Bốt càng lúc càng biểu lộ thái
độ thần phục Trung Quốc, việc hai nước này tăng cường hợp tác quân sự
không khỏi gây quan ngại nơi hai láng giềng là Thái Lan và Việt Nam -
từng có vấn đề với Cam Bốt trong thời gian qua.
Quốc gia trước mắt lo ngại nhất có lẽ là Thái Lan. Nhật báo Bangkok
Post, trong số ra ngày hôm qua, 28/01/2013, đã không ngần ngại thẩm định
: Buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự Trung Quốc-Cam Bốt hồi tuần
trước, tuy được tổ chức đơn giản, nhưng chắc chắn sẽ gây xáo trộn trong
khu vực.
Sỏ dĩ Bangkok lo ngại, đó là vì trong những năm gần đây, tranh chấp
với Phnom Penh về đền Preah Vihear ở vùng biên giới giữa hai nước đã nổ
bùng thành xung đột võ trang, gây tổn thất nhân mạng nơi cả hai phía.
Trong bối cảnh tranh chấp này chưa được giải quyết, mọi yếu tố có thể
giúp quân đội Cam Bốt tăng cường thực lực đều trở thành một mối hiểm
nguy cho Thái Lan.
Mối lo của Thái Lan lại càng lớn hơn khi cũng vào tuần trước, các
quan chức của ngành đường sắt Trung Quốc cũng đã ký một thỏa thuận thiết
kế, tài trợ và xây dựng một tuyến đường sắt dài 404 km, chạy từ đền
Preah Vihear đến Koh Kong, một tỉnh đảo Cam Bốt không xa bờ biển Thái
Lan.
Tuyến đường sắt này chạy song song với gần như với toàn bộ đường biên
giới Thái Lan – Cam Bốt, do đó sẽ là một lợi thế chiến lược rất lớn,
cho phép Phnom Penh dễ dàng chuyển quân nếu chẳng may xung đột bùng nổ
giữa hai nước.
Còn đối với Việt Nam, thái độ thân Trung Quốc của Cam Bốt, phá hoại
lập trường thống nhất của ASEAN trên hồ sơ tranh chấp Biển Đông, thể
hiện trong suốt năm 2012 vừa qua, đã cho thấy là Phnom Penh sẵn sàng vì
lợi ích riêng của mình mà quên đi quyền lợi chung của toàn khối, kể cả
của nước bạn đã từng giúp Cam Bốt thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer đỏ.
Mặt khác, trong lãnh vực quân sự, chắc chắn Việt Nam chưa quên thời
kỳ Trung Quốc chi viện ồ ạt cho lực lượng Khmer Đỏ để tấn công vào sườn
phía Nam của Việt Nam. Vào thời đó, rõ ràng là hợp tác quân sự Trung
Quốc-Cam Bốt rất chặt chẽ. Câu hỏi đặt ra là liệu lịch sử có tái diễn
hay không ?
No comments:
Post a Comment