Các trại
cải tạo Bắc Triều Tiên là một thế giới của tra tấn và lao động khổ sai.
Hai cựu tù nhân đã tố cáo như trên, trong một hội nghị về nhân quyền
được các cơ quan phi chính phủ tổ chức tại Genève ngày 20/02/2013.
Kang Chol Hwan nói với AFP : "Mỗi ngày tôi đều trông thấy các
vụ tra tấn, và những người tù chết đi vì suy dinh dưỡng và đói. Nhiều
người bạn của tôi đã qua đời, và bản thân tôi cũng suýt chết đói ". Năm
nay 43 tuổi, Kang Chol Hwan bị nhốt vào trại cải tạo số 15 cùng với gia
đình lúc còn nhỏ, và đã ở trong trại suốt 10 năm.
Còn Shin Dong Hyuk, 30 tuổi, là tù nhân của trại cải tạo số 14, nơi
anh sinh ra và sống tại đó suốt 23 năm trường. Anh bị tra tấn, bị cưỡng
bức lao động, và đã trốn được khỏi trại cách đây 7 năm. Shin là người
duy nhất sinh ra trong một trại cải tạo và đã trốn trại được, câu chuyện
của anh được nhà báo Mỹ Blaine Harden kể lại trong cuốn sách mang tựa
đề "Trốn thoát khỏi trại cải tạo số 14 ". Đây là một trại cải tạo lao
động rộng mênh mông, gồm nhiều ngôi làng và xưởng máy, nông trại, hầm
mỏ.
Theo Ủy ban vì nhân quyền cho Bắc Triều Tiên, một tổ chức phi chính
phủ, thì có khoảng 200.000 người bị giam giữ trong các trại cải tạo nước
này. Đến nay khoảng 400.000 người đã chết vì bị tra tấn, đói ăn, bệnh
tật hay bị xử tử.
Cha và ông của Shin Dong Hyuk đã bị nhốt vào trại sau khi hai người
cậu của anh trốn sang Hàn Quốc. Lẽ ra Shin phải sống suốt đời trong trại
cải tạo vì hệ thống Bắc Triều Tiên trừng phạt đến ba đời. Trong các
trại này, không tố cáo lỗi lầm của người khác thì trại viên có nguy cơ
bị tử hình.
Năm 13 tuổi, Shin đã tố cáo việc mẹ và anh mình trốn trại và họ bị xử
tử, nhưng anh không hề cảm thấy hối hận. Cho đến khi vượt thoát được ra
thế giới bên ngoài thì Shin mới cảm nhận được tình cảm gia đình. Anh
nói, ngày nay tuy đã thoát khỏi trại nhưng trong đầu anh vẫn luôn là một
tù nhân.
Cả hai tù nhân sống sót từ trại cải tạo Bắc Triều Tiên đều cho rằng
các trại cải tạo Bắc Triều Tiên đều khủng khiếp không kém các trại tập
trung Đức quốc xã. Họ mong muốn cộng đồng quốc tế can thiệp để giúp đỡ
cho người dân Bắc Triều Tiên.
Sau khi gặp gỡ Shin Dong Hyuk, bà Navi Pillay, cao ủy nhân quyền Liên
Hiệp Quốc đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế tỉ mỉ "về một
trong những tình cảnh tồi tệ nhất trên thế giới ".
RFI
No comments:
Post a Comment