Sau sự
kiện 11/9/2001, người ta cứ nghĩ rằng Mỹ luôn là mục tiêu chính của các
lực lượng Hồi Giáo cực đoan. Thế nhưng, thời thế đổi thay, đến hiện tại,
nước Pháp dường như đã bị đẩy vào vị trí nhạy cảm này. Đó cũng là nhận
định của báo chí Pháp, trong đó có tờ báo cánh hữu Le Figaro với bài
viết đề tựa : "Pháp, mục tiêu chính của bọn Hồi Giáo cực đoan ".
Bài viết bắt đầu từ việc ngày hôm qua có thêm 7 người Pháp bị
bắt cóc bởi quân Hồi Giáo cực đoan ở bắc Cameroon, trong vùng giáp ranh
với Nigeria. Tổng thống Pháp François Hollande ngay lập tức đã xác nhận
vụ việc và cho rằng, thủ phạm là nhóm Hồi Giáo khủng bố Bako Haram,
trong khi đó lại có người cho rằng đó là nhóm Hồi Giáo cực đoan Ansaru.
Tuy nhiên, Ansaru lại là một nhánh ly khai của Bako Haram. Nhóm
Ansaru không chấp nhận phương pháp hoạt động của Bako Haram và muốn noi
theo cách hoạt động của tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaida.
Tờ báo nhắc lại, giai đoạn thứ nhất của quân Pháp tại Mali đã diễn ra " hoàn hảo " bằng việc nhanh chóng chiếm lại tất cả các thành phố bắc
Mali. Từ đó, chiến dịch Serval của quân đội Pháp tại Mali đã bước sang
giai đoạn thứ hai, đó là truy kích quân khủng bố, giải phóng con tin và
đào tạo lực lượng địa phương để tiếp quản quá trình tái thiết Mali.
Quân Hồi Giáo hiện tại đã rút sâu vào khu vực cực bắc Mali hoặc lẫn
trốn ở các nước lân cận như Libya hay Niger, các nước có biên giới rất
dễ dàng qua lại với Mali. Le Figaro nhận định, chưa thể biết chắc chắn
là vụ bắt cóc nói trên có liên quan đến việc Pháp tham chiến tại Mali
hay không, nhưng nếu quả thật có liên quan, thì rõ ràng đây là một sự
thất bại đầu tiên kể từ khi Pháp bắt đầu chiến dịch Serval tại Mali.
Pháp bị nhắm từ lâu
Theo Le Figaro, nguy cơ người Pháp bị bắt cóc không phải bắt đầu từ
cuộc chiến này. Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2005, lực lượng Al Qaida tại
bắc phi (AQMI) đã chỉ đích danh nước Pháp là " kẻ thù chính ". Năm 2010,
thủ lĩnh AQMI còn buông lời hăm dọa nước Pháp. Và như vậy, theo tờ báo,
việc Pháp can thiệp quân sự vào Mali đã làm tăng thêm nguy cơ bị bắt
cóc hoặc bị tấn công đối với người Pháp trong khu vực.
Không chỉ có người dân Pháp, mà ngay cả những phóng viên Pháp tác
nghiệp tại Mali cũng có nhiều nguy cơ bị tấn công hoặc bắt cóc. Tình
hình nghiêm trọng đến mức mà Pháp đã phải cho tăng cường an ninh tối đa
để bảo vệ các lợi ích của Pháp trên thực địa, và bộ Quốc phòng Pháp đã
phải thừa nhận : " Chúng tôi biết rằng từ lâu nay chúng tôi đã trở thành
mục tiêu ".
Danh sách của những người Pháp bị bắt cóc ngày càng dài, thế nhưng Le
Figaro chua xót, các biện pháp giải cứu con tin thì lại quá ít, tức chỉ
trong việc đàm phán, sử dụng đặc công hoặc gây sức ép quân sự. Về giải
Pháp tiền chuộc, thì tổng thống Hollande đã tuyên bố không chấp nhận.
Đã có tổng cộng 15 người Pháp bị bắt cóc
Thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến hồ sơ này, Le Figaro đã dành một
bài chi tiết cho biết với 7 người bị bắt cóc nói trên, đến hiện tại Pháp
đã có 15 con tin đang nằm trong tay các lực lượng Hồi Giáo cực đoan tại
Châu Phi. Tờ báo nêu rõ tên họ và bối cảnh bị bắt cóc của các nạn nhân.
Trong bối cảnh đó, tờ báo có vẻ bi quan khi nhắc lại một số trường
hợp Pháp thất bại trong việc giải cứu con tin vừa qua ở Somali, và ở khu
dầu khí In Amenas tại Algeri. Tờ báo nhắc lại, nhóm khủng bố thực hiện
vụ bắc cóc In Amenas đã tuyên bố nguyên nhân bắt cóc là để trả đũa việc
Pháp " đánh bom người Hồi Giáo tại Mali ".
Le Figaro dự đoán, có thể tất cả những người này đang bị nhốt trên
lãnh thổ Mali hoặc trong khu vực lân cận. Việc bắt cóc này có liên quan
đến việc Pháp can thiệp quân sự vào Mali hay không, vẫn chưa thể khẳng
định chắc chắn, nhưng Le Figaro khẳng định : tính mạng của họ từ đây bắt
đầu lệ thuộc vào cuộc chiến của Pháp tại Mali.
Giải pháp nằm ở người Touareg ?
Bàn về vụ bắt cóc nói trên, Libération có cùng nhận định với Le
Figaro khi cho rằng, từ nhiều năm nay, các nhóm Hồi Giáo cực đoan, nhất
là các nhóm tại Châu Phi, đã xem Pháp là " một kẻ thù của Hồi Giáo ", và
là một trong những mục tiêu tấn công ưu tiên.
Tờ báo nhắc lại một số sự kiện khiến Pháp bị thù hận như vậy : đó là
việc Pháp tham chiến tại Afghanistan để lật đổ phe Hồi Giáo Taliban,
việc Pháp cấm phụ nữ Hồi Giáo tại Pháp đeo khăn trùm kín mặt, hay là vụ
Pháp tấn công giải cứu con tin vừa qua tại khu vực Sahel, và hiện tại là
việc Pháp tham chiến truy kích lực lượng Hồi Giáo cực đoan tại Mali.
Libération cho hay, ý thức được sự nhạy cảm của vấn đề, nên từ buổi
đầu chiến dịch Serval tại Mali, Paris đã cố tránh dùng từ "Hồi Giáo cực
đoan" để chỉ đối thủ của mình trên thực địa, mà là dùng từ "bọn khủng
bố". Trong chuyến thăm Mali vừa qua, tổng thống Pháp François Hollande
cũng đã cố gắng giải thích rằng, Pháp đến Mali không phải với tư cách
nước thực dân như trước kia, mà là để giúp " một quốc gia anh em " giành
lại chủ quyền quốc gia.
Dù vậy, theo tờ báo, lực lượng AQMI và các đồng minh của nhóm này
trong khu vực vẫn cho rằng, Pháp đến Mali là để gây chiến với " những
người Hồi Giáo ủng hộ thánh chiến ". Và đó chính là động cơ của việc
tăng cường bắt cóc con tin.
Nói về số phận các con tin, Libération cho rằng, có thể hiện tại họ
đang bị nhốt ở tổng hành dinh của AQMI tại khu vực rừng núi bắc Mali.
Khu vực này rộng khoảng 250 000 km2, với nhiều hang động rất thuận lợi
cho việc ẩn nấp và rất khó khăn cho các lực lượng bên ngoài tiếp cận.
No comments:
Post a Comment