Dự thảo luật đang được công bố nhằm
sửa đổi luật phòng chống tham nhũng đề nghị trao cho Chủ tịch
nước “quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bổ
nhiệm Phó Thủ tướng và Bộ trưởng” cùng nhiều chức vụ khác.
Nhưng quyền này, trong mục
Bổ sung điều 47a của Luật Phòng chống tham nhũng chỉ
dừng lại ở cấp đó và các cấp “thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Phó
Chánh án, Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng và Kiểm
sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
Các chức thủ tướng, chánh án
Toà án nhân dân tối cao và viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tối cao không thấy nêu tên trong mục có thể bị chủ tịch nước
hay bất cứ cấp nào khác “xác minh tài sản”.
Về phía mình, người giữ chức Thủ tướng
Chính phủ lại sẽ cùng các chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp
huyện “có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được hội
đồng nhân dân bầu”.
Điều đáng chú ý là Dự thảo, hiện được
đăng trên trang duthaoonline.quochoi.vn ở Việt Nam cũng ghi nhận
những phê phán quốc tế là yếu tố thúc đẩy việc sửa Luật năm
2005:
Dự thảo thừa nhận rằng “chỉ số cảm nhận
tham nhũng của nước ta theo xếp hạng của một tổ chức quốc tế chưa có
nhiều cải thiện”.
Năm 2011, Tổ chức Minh bạch Quốc tế
(Transparency International) đã xếp Việt Nam hạng 112 trên tổng số 183
nước trong phúc trình về tham nhũng.
"Chủ tịch nước có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng và Bộ trưởng"
Ngân hàng Thế giới trong một hội thảo ở
Hà Nội hồi tháng 11/2012 cũng đã công bố báo cáo khảo sát xã hội
học có tựa 'Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán
bộ, công chức, viên chức’ tại Việt Nam.
Nay, Dự thảo Luật nêu ra nhu cầu đề cao
tính công khai, minh bạch về tài sản và hoạt động làm ăn trong
các cơ quan, tổ chức, đơn vị để chống tham nhũng.
“Trên thực tế, việc công khai, dân chủ ở một số
cơ quan, đơn vị trên một số mặt còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong một
số lĩnh vực như hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, đầu
tư dự án, xây dựng...”
Ai giám sát ai?
Dự thảo cũng đề nghị để Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người ứng cử đại biểu
Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tại Việt Nam hiện nay đã có một số nhà kinh doanh giàu có vào làm đại biểu Quốc hội.
Dư luận Việt Nam cũng chú ý nhiều đến tệ nạn 'chạy chức' tức dùng tiền để mua các vị trí trong bộ máy.
Tiền từ thu nhập bất chính để mua quan bán chức cũng là yếu tố tạo ra vòng quay tham nhũng.
Theo giới vận động chống tham nhũng, các
luật và quy định đã có nhiều nhưng vấn đề là cơ chế rõ ràng
và quyết tâm thực hiện.
Tại Việt Nam, hệ thống tư pháp không độc
lập với bộ máy Đảng và Chính quyền vì thể chế bác bỏ nguyên
tắc tam quyền phân lập.
Đây cũng là lý do khiến nhiều vụ án kinh tế lớn không được xử rốt ráo.
Nay, với việc lập ra Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng, Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam
mong muốn sẽ thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng mạnh hơn.
Về điểm này, Dự thảo Luật xác định Ban Chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng "là cơ quan của Đảng, không
phải là cơ quan nhà nước", nên không thuộc phạm vi quy định của Luật
sửa đổi.
Về chi tiết của công tác chống tham nhũng
theo cách thức mới, văn bản này cũng viết rằng căn cứ vào Tờ
trình số 251/TTr-CP về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ngày
03/10/2012, chính quyền sẽ quy định việc công khai bản kê khai tài
sản, thu nhập tại cả nơi cư trú của quan chức.
Họ cũng có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài
sản tăng thêm, cụ thể là "người kê khai tài sản, thu nhập có nghĩa vụ
giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm, khi tài sản tăng thêm đó
từ một trăm triệu đồng trở lên".
Chưa kể, Dự thảo Luật còn "quy định xử lý
trách nhiệm đối với người có tài sản, thu nhập tăng thêm nhưng không
giải trình được hợp lý".
Tuy vậy, theo như ý kiến của chính cựu Bộ
trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đăng trên trang của Quốc hội
Việt Nam, vấn đề xảy ra với việc xác minh tài sản là "không kê
khai nhưng cũng không bị ai kiểm tra gì", hay "là nhờ người khác đứng
tên quá dễ dàng".
BBC
No comments:
Post a Comment