Chương 15: Tướng Giáp
***
Mưu lược và quyết liệt không chỉ trong những cuộc chiến quy ước như
Điện Biên Phủ, năm 1946, khi Hồ Chí Minh đi Pháp nhân Hội nghị
Fontainebleau, ở Hà Nội, tướng Giáp đã cùng với Trường Chinh thanh trừng
đối lập gần như triệt để. Nhưng trước những đối thủ chính trị nhân danh
Đảng, tướng Giáp trở nên cam chịu và thụ động. Có lẽ lòng trung thành
với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của
ông.
Vụ Án “Năm Châu - Sáu Sứ”
Trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được
Trung ương chỉ định về ứng cử đại biểu đi dự Đại hội tại Đảng bộ Nghệ
Tĩnh. Cuối tháng 4-1991, ông vào Vinh dự họp với Đoàn đại biểu Tỉnh. Tới
nơi thì đã quá trưa. Đợi vị tướng già cơm nước xong, Bí thư Tỉnh uỷ
Nghệ Tĩnh Nguyễn Bá mới trao tận tay bức điện “khẩn tuyệt mật” của Ban
Bí thư do ông Nguyễn Thanh Bình ký. Không được phép họp với Đoàn, tướng
Giáp bị yêu cầu phải trở ra Hà Nội ngay trong chiều hôm đó.
Năm ấy tướng Giáp đã 80 tuổi. Đoạn đường Vinh - Hà Nội tuy chỉ hơn
300km nhưng bụi bặm và dằn xóc. Tướng Giáp trở về phòng, viết mấy dòng
cáo lỗi gửi Đoàn đại biểu Nghệ Tĩnh rồi lại lên xe về Hà Nội, nơi ông sẽ
phải ra trước Hội nghị Trung ương 12, đối diện với những cáo buộc chính
trị mà về sau được gọi là vụ “Năm Châu - Sáu Sứ”.
Tại Hội nghị Trung ương 12, Khoá VI, ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng Ban Tổ
chức, thay mặt Bộ Chính trị báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương một văn
bản tuyệt mật nói rằng: Một vụ bè phái vi phạm nguyên tắc Đảng hòng chi
phối vấn đề bố trí nhân sự cấp cao đang diễn ra. Những người tham gia
bao gồm Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, cùng một số cán bộ cao cấp khác.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách an ninh, Trung tướng Võ Viết Thanh, nhớ
lại: “Nghe ông Tâm nói, có cảm giác như đang có một âm mưu đảo chính để
đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên làm chủ tịch nước sau đó thay ông Linh
làm Tổng bí thư; đưa Trần Văn Trà lên làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thời
gian trước Hội nghị Trung ương 12, ông Trà bị triệu tập ra Hà Nội và bị
giữ lại ở Nhà khách số 8 Chu Văn An. Văn bản tuyệt mật này được phổ biến
tới thường vụ các tỉnh, thành, bằng cách cho đọc nguyên văn nhưng bị
cấm sao chép”.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên, uỷ viên Bộ Chính trị Khoá VI, nói: “Lật đổ là một
câu chuyện bịa đặt. Ông Giáp không chỉ là một đại tướng mà xứng đáng là
một đại nguyên soái. Một người không chỉ coi trọng sinh mạng binh sỹ mà
còn đặt danh dự của tổ quốc lên trên. Ông là một người thận trọng. Nhân
vụ Sáu Sứ, họ còn lật lại hồ sơ vụ ‘chống Đảng năm 1967’, đưa ra tài
liệu cũ của Lê Đức Thọ, đây cũng là một vụ án được dựng lên”. Ông Võ
Viết Thanh kể thêm: “Tại hai Hội nghị 12 và 13 của Ban Chấp hành Trung
ương, nhiều vị tướng trong Quân đội hết sức bức xúc, đứng lên phát biểu
bảo vệ tướng Giáp. Cụ Võ Nguyên Giáp cay đắng: Đến một vị tướng đã đánh
thắng Điện Biên Phủ mà người ta vẫn vu cho là con nuôi của mật thám
Pháp”.
Gần tới ngày Đại hội, một hôm vào khoảng 9 giờ đêm, Bộ trưởng Nội vụ
Mai Chí Thọ triệu tập một cuộc họp kín gồm có các thứ trưởng: Cao Đăng
Chiếm, Phạm Tâm Long, Bùi Thiện Ngộ, Võ Viết Thanh. Ông Mai Chí Thọ nói:
“Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh giao nhiệm vụ cho Bộ Công an làm rõ sai
phạm của anh Giáp và anh Trà để xử lý cả về mặt Đảng và Nhà nước. Bộ chỉ
đạo anh Võ Viết Thanh đảm nhiệm việc này”. Cả bốn vị thứ trưởng nghe
đều phân vân, lo lắng. Ông Võ Viết Thanh nói: “Đề nghị Bộ trưởng trình
bày lại với Tổng bí thư đây là những người có công với nước, nếu có sai
thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xác minh làm rõ còn khi đã chuyển công an
thì phải có dấu hiệu phạm tội”. Mai Chí Thọ dứt khoát: “Chúng ta phải
thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư”.
Ông Võ Viết Thanh nói tiếp: “Nếu phải điều tra, tôi đề nghị nên giao
cho anh Cao Đăng Chiếm hoặc anh Bùi Thiện Ngộ vì hai anh có kinh nghiệm
trong ngành hơn tôi. Tôi không từ chối, nhưng tôi biết bản báo cáo của
đồng chí Nguyễn Đức Tâm lấy nguồn tin từ một số người không tốt trong
Cục II, Bộ Quốc phòng. Tôi cũng biết người đẩy ra vụ này là Đoàn Khuê.
Cá nhân tôi với Cục trưởng Quân báo Tư Văn và Cục phó Vũ Chính có ý kiến
khác nhau trong một số việc như: lợi dụng nghiệp vụ đi buôn lậu; tổ
chức cài đặc tình vào nội bộ… Bây giờ nếu tôi làm vụ này nữa thì rất
căng với Cục II”. Mai Chí Thọ gắt: “Ông phụ trách an ninh, không làm thì
ai làm”. Võ Viết Thành đành phải: “Tôi xin chấp hành”.
Ông Võ Viết Thanh kể: “Tôi bay vào Sài Gòn. Anh em an ninh đã có đủ tư
liệu, vấn đề là tình hình nội bộ rất căng vì có tác động từ cấp cao.
Nhiều người khuyên tôi khi điều tra không nên làm khác báo cáo của
Nguyễn Đức Tâm. Người gần gũi nhất là Thiếu tướng Trần Văn Danh cũng nói
là có người khuyên như vậy. Ông Danh gọi tôi tới, tôi hỏi: ‘Lời khuyên
này xuất phát từ đâu anh Ba?’. Ba Trần, tên thường gọi của tướng Trần
Văn Danh, nói: ‘Ở cấp rất cao’. Tôi nói: ‘Tôi đề nghị anh Ba trả lời họ,
tôi đang được giao một công việc mà tôi không thể nào làm trái đạo đức
và pháp luật’. Ba Trần nghe bắt tay, không ngờ anh chỉ hỏi thế để thăm
dò nhưng anh là người ủng hộ tôi làm đúng”.
Ông Võ Viết Thanh kể tiếp: “Ngày 14-5-1991, tôi ra lệnh bắt khẩn cấp
Nguyễn Thị Sứ. Anh em thi hành không bắt tại nhà vì sợ động mà bắt bí
mật, đưa về 258 Nguyễn Trãi. Vừa vào trại, Sáu Sứ hỏi: ‘Các anh ở phía
nào?’. Anh em dằn mặt: ‘Chị không được phép hỏi như thế, chúng tôi là cơ
quan an ninh, yêu cầu chị nói hết’. Sáu Sứ trả lời: ‘Tôi là người Cục
II, yêu cầu được nói chuyện điện thoại với Tư Văn, Vũ Chính’. Anh em An
ninh nói: ‘Chị là người phạm pháp, chị không được phép gặp ai cả’. Trong
một ngày Sáu Sứ khai hết (172)”.
Không hề có một tổ chức nào do cụ Giáp đứng đầu như báo cáo của Nguyễn
Đức Tâm đề cập. Theo ông Võ Viết Thanh, Sáu Sứ khai bà được Vũ Chính cấp
tiền, cấp xe và đi gặp vị tướng nào, nói gì là đều theo chỉ đạo của Cục
II. Thông qua một người tên là Năm Châu, từng công tác chung với ông
Thanh Quảng, nguyên là thư ký của tướng Giáp, Sáu Sứ được đưa tới nhà Võ
Nguyên Giáp cùng một số cựu chiến binh. Hôm Sáu Sứ đến, cụ Giáp đang
ăn, nghe có đoàn Cựu chiến binh, cụ dừng bữa cơm để tiếp. Sáu Sứ mang
theo một giỏ trái cây vào tặng rồi xin cụ Giáp cùng chụp ảnh với Đoàn.
Toàn bộ cuộc gặp chỉ có vậy nhưng Sáu Sứ báo cáo: “Cụ Giáp đã đồng ý với
kế hoạch”. Rồi theo ông Võ Viết Thanh: “Băng ghi âm cuộc nói chuyện của
Sáu Sứ ở nhà tướng Giáp nghe không rõ nhưng Cục II vẫn xào nấu thành
một bản báo cáo, theo đó: Đang có một vụ đảo chính, một vụ bè phái trong
Đảng hòng chi phối vấn đề bố trí nhân sự cấp cao trước Đại hội VII do
tướng Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà cùng một số cán bộ cao cấp khác tiến
hành. Bản báo cáo này trở thành cơ sở để Trưởng Ban Tổ chức Nguyễn Đức
Tâm báo cáo trước Hội nghị Trung ương 12 về tướng Giáp”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Huyên, Chánh Văn phòng tướng Giáp, từ Hội nghị
Trung ương 12 về nhà nghỉ trưa, tướng Giáp hỏi: “Cậu có nhớ ai tên là
Năm Châu từng ở Nam Bộ ra đây gặp mình không?”. Ông Huyên nhắc lại sự
việc xong, tướng Giáp ăn cơm rồi đi ngủ. Đến cận giờ họp buổi chiều, ông
Huyên vào phòng thấy tướng Giáp vẫn ngáy khò khò, ông Huyên hỏi: “Việc
đang thế này mà anh cũng ngủ được à?”. Tướng Giáp cười: “Cây ngay không
sợ chết đứng”.
Trong khi đó, ngay sau khi Sáu Sứ bị bắt vào ngày 15-5-1991, theo ông
Võ Viết Thanh: Cục II rúng động, Cục trưởng Tư Văn đổ bệnh. Trong ngày
ông Võ Viết Thanh cầm bản cung của Sáu Sứ bay ra Hà Nội, 17-5-1991,
tướng Lê Đức Anh viết một bức thư cực ngắn: “Kính gửi: Bộ Chính trị. Tôi
xin không ứng cử vào Quốc hội khoá IX. Xin cám ơn Bộ Chính trị. Kính!
Lê Đức Anh”. Do căng thẳng, tướng Lê Đức Anh ngay sau đó bị đột quỵ. Bác
sỹ Vũ Bằng Đình, người trực tiếp cấp cứu, nói: “Ông Lê Đức Anh bị xuất
huyết dạ dày, huyết áp tụt xuống bằng 0, hồng cầu chỉ còn một triệu. May
mà cấp cứu kịp”.
Theo ông Võ Viết Thanh: “Ra Hà Nội, tôi làm báo cáo đưa ông Mai Chí Thọ
đề nghị Bộ trưởng ký. Ông Mai Chí Thọ nói: ‘Cậu ký luôn, gửi và trực
tiếp báo cáo anh Linh’. Ngay chiều hôm đó, Chánh Văn phòng Trung ương
Hồng Hà xếp lịch gặp Tổng bí thư. Nghe tôi báo cáo xong, ông Linh không
nói gì. Nhưng, sáng hôm sau thì nhận được ‘điện mật’ của Văn phòng yêu
cầu các nơi ngưng phổ biến và gửi trả văn bản do Nguyễn Đức Tâm ký về
Văn phòng Trung ương. Sau đó, Trung ương không có một lời nào nói lại
với tướng Giáp, còn tướng Trần Văn Trà thì vẫn bị giữ lại ở số 8 Chu Văn
An”. Theo ông Võ Viết Thanh: “Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã không đưa
kết luận về vụ Sáu Sứ ra báo cáo trước Hội nghị Trung ương và ngay cả
các uỷ viên Bộ Chính trị cũng không mấy ai biết”. Thái độ của Tổng bí
thư như một tín hiệu để ngay lập tức ông Võ Viết Thanh nhận được đòn
“đánh dưới thắt lưng” của Cục II.
Theo ông Võ Viết Thanh, ngày 23-6-1991, khi đại biểu đã được triệu tập
về Hà Nội: “Trước phiên họp cuối cùng của Hội nghị trù bị, Hồng Hà,
Chánh Văn phòng Trung ương đưa tôi miếng giấy, ghi: ‘Đề nghị đồng chí Võ
Viết Thanh đến giờ giải lao ra gặp Bộ Chính trị và Ban Bí thư có việc
riêng’. Tôi tới phòng làm việc của Đoàn Chủ tịch Đại hội, thấy Võ Chí
Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê, Nguyễn Quyết, Nguyễn Thanh Bình đang
chờ. Mặt Đoàn Khuê hằm hằm, Võ Chí Công và Nguyễn Đức Tâm nói ngắn gọn:
‘Chúng tôi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo đồng chí hai nội dung.
Trước hết, xin chuyển tới đồng chí nhận xét của Bộ Chính trị: Đồng chí
là một cán bộ cao cấp còn trẻ, công tác tốt, rất có triển vọng, nhưng
rất tiếc, chúng tôi vừa nhận được một số báo cáo tố cáo đồng chí hai
việc: Một, ngay sau giải phóng, đồng chí có cho bắt hai cán bộ tình báo
của Bộ Quốc phòng và từ đó hai cán bộ này mất tích; hai, cái chết của
cha mẹ đồng chí là bị ta trừ gian, chứ không phải do địch giết. Vì vậy,
chúng tôi đành phải rút đồng chí ra khỏi danh sách tái cử vào Trung ương
khoá VII”.
Ông Võ Viết Thanh nói: “Tôi hết sức bất ngờ. Khi nghe xúc phạm đến ba
má tôi thì tôi không còn kiềm chế được (173). Trong cặp tôi lúc đó có một
khẩu súng ngắn, tôi đã định kéo khoá, rút súng ra bắn chết cả ba ông
rồi tự sát. Nhưng, tình hình lúc đó, nếu tôi làm thế là tan Đại hội. Tôi
cố nuốt cơn tức giận” (174). Cho dù giữ mình để bảo vệ Đại hội, tương
lai chính trị của ông Thanh đã coi như khép lại. Ông Võ Viết Thanh nói:
“Nếu tôi cứ nghe lời khuyên, kết luận giống như bản báo cáo của Nguyễn
Đức Tâm, thì tôi sẽ được thăng chức, đề bạt nhưng rồi tôi lại phải dấn
vào bước thứ hai là ra lệnh bắt oan tướng Trà và tướng Giáp. Làm thế,
thì lương tâm sẽ giết dần, giết mòn tôi” (175).
Năm ấy, tướng Giáp vừa tròn 80 tuổi(176). Ông không nằm trong bất cứ cơ
cấu nhân sự nào, vụ “Năm Châu - Sáu Sứ”, nếu thành, chỉ có thể hạ bệ uy
tín của ông trong Đảng. Khi Võ Nguyên Giáp đã là Đại tướng, Bộ trưởng
Quốc phòng, Lê Đức Anh chỉ mới là một cán bộ ở cấp tiểu đoàn. Sự mặc cảm
trước uy danh của tướng Giáp chỉ có thể được tích tụ thông qua hai
người đã cất nhắc Lê Đức Anh: Lê Duẩn và, đặc biệt là, Lê Đức Thọ.
“Cách mạng miền Nam”
Mối quan hệ giữa Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp thoạt đầu được mô tả là khá
thân thiện. Tướng Giáp kể: “Lúc mới ra Bắc, anh Lê Duẩn thường tâm sự
với tôi những khó khăn trong công việc. Anh đã nhiều lần nói với tôi,
năm 1940 nhờ có chị Thái nên anh thoát khỏi án tử hình” (177).
Câu chuyện về “chị Thái” mà ông Lê Duẩn đề cập trên đây xảy ra năm
1940, trong phiên toà xử những người lãnh đạo “Nam Kỳ khởi nghĩa”, ông
Lê Duẩn và Nguyễn Thị Minh Khai đứng đối diện trong song sắt trước toà.
Minh Khai viết một bức thư nhỏ, gấp lại rồi ném cho Lê Duẩn, chẳng may
thư rơi xuống gần người lính canh ngục. Nguyễn Thị Quang Thái đứng gần
đó, nhanh chóng nhặt và nuốt ngay lá thư (178).
Khi phân công trong Đảng, Hồ Chí Minh nói: “Việc quân sự giao cho chú
Giáp”. Cụ Hồ cũng đã từng cử Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc học quân sự.
Nhưng trên đường đi, Chiến tranh Thế giới II đưa người Pháp ở chính
quốc vào thế thua, Hồ Chí Minh thấy thời cơ tới nên gọi ông trở lại.
Tướng Giáp vì thế chưa từng qua bất cứ một trường lớp nhà binh nào. Có
lẽ, tư duy quân sự của ông hình thành trong những năm dạy sử.
Ngày 22-12-1944, tại Việt Bắc, Võ Nguyên Giáp đứng ra thành lập Đội
Tuyên truyền Giải phóng quân Việt Nam với ba mươi bốn chiến sỹ trong đó
có ba nữ (179). Ngay sau khi thành lập, Đội Tuyên truyền Giải phóng quân
đã đánh thắng hai trận ở Nà Ngần và Phai Khắt, thuộc tỉnh Cao Bằng. Khi
Nhật đảo chính Pháp, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mở rộng
hoạt động quân sự từ Cao Bằng tới Tuyên Quang, Lạng Sơn. Ngày 15-5-1945,
tại Chợ Chu, Thái Nguyên, lực lượng này đã hợp nhất với Cứu Quốc quân,
lập ra Việt Nam Giải phóng quân.
Mãi tới tháng 5-1940, Võ Nguyên Giáp mới sang Trung Quốc gặp Hồ Chí
Minh và tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương trong khi năm 1939 Lê Duẩn đã
được bổ sung vào Thường vụ Trung ương Đảng. Tuy nhiên, trong thời gian
Lê Duẩn gần như mờ nhạt ở miền Nam thì Võ Nguyên Giáp đã “lừng lẫy Điện
Biên, chấn động địa cầu”. Theo ông Hoàng Tùng: “Khi mới từ miền Nam ra,
cả Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đều không thấy thoải mái khi ngồi cùng tướng
Giáp”. Cho dù lịch sử gắn bó giữa Lê Đức Thọ và Lê Duẩn bắt đầu bằng một
cuộc đụng độ (180). Kể từ khi Lê Duẩn ra Bắc, Lê Đức Thọ đã đóng một vai
trò quan trọng trong quy trình cán bộ đưa Lê Duẩn đạt đến đỉnh cao
quyền lực (181).
Về phía mình, ông Giáp cũng đã rất giữ gìn, đặc biệt, với ông Lê Duẩn.
Năm 1956, Trung ương Đảng thừa nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất,
Trường Chinh xin từ chức, Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là chủ tịch Đảng kiêm
thêm chức vụ Tổng bí thư. Theo Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, lúc đó đang là
trợ lý về Đảng của Hồ Chí Minh: “Tháng 7-1956, tôi đề nghị Bộ Chính trị
cử anh Ba làm phó Tổng bí thư để dễ làm việc, nhưng anh đã từ chối và
nói, nên chờ đại hội quyết định. Tại hội nghị Bộ Chính trị bàn việc
chuẩn bị đại hội, khi được đề nghị làm trưởng ban chuẩn bị Báo cáo Chính
trị, anh cũng từ chối và nói, ‘đã mười năm không ở miền Bắc, chủ trì
chuẩn bị báo cáo e khó khăn, vì vậy đề nghị hai đồng chí Trường Chinh và
Võ Nguyên Giáp tham gia’. Cuối cùng Bộ Chính trị đề nghị Bác làm trưởng
ban, anh Ba làm phó” (182).
Ông Hoàng Tùng, khi đó là chánh Văn phòng Trung ương Đảng, kể: “Trong
khoảng từ tháng 10-1956 đến tháng 7-1957, tôi được phân công giúp ông
Giáp chủ trì hội nghị sửa sai. Khi Bác kiêm Tổng bí thư thay Trường
Chinh, uỷ viên Thường trực Bộ Chính trị Võ Nguyên Giáp được cử giúp Bác
giải quyết các công việc thường vụ”. Thời gian ấy, theo ông Hoàng Tùng,
không khí sinh hoạt trong Bộ Chính trị diễn ra khá tế nhị, người cố gắng
che giấu ý muốn được Hồ Chí Minh chọn trao chức Tổng bí thư, người hoạt
động khá rốt ráo cho tham vọng ấy. Ông Hoàng Tùng kể: “Lê Đức Thọ gặp
không ít đàn em gợi ý thẳng, ‘giờ đến lượt tao’. Những năm 1945, 1946,
thế Lê Đức Thọ lớn lắm, chỉ sau Hồ Chí Minh, Trường Chinh. Bác cử Lê Đức
Thọ vào Nam cũng có ý không để hai ‘con hổ’ Trường Chinh, Lê Đức Thọ
gần nhau. Nhưng khi Bác lấy phiếu thăm dò, không ai đề cử Lê Đức Thọ cả.
Trong bốn ứng cử viên Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên
Giáp, Lê Duẩn cao phiếu hơn hẳn”.
Nhưng, đấy là những gì diễn ra trong năm 1960 tại Đại hội III của Đảng
Lao động Việt Nam, sau khi “đường lối cách mạng miền Nam” ngã ngũ.
Ngày 6-7-1956, hai tuần trước hạn thống nhất hai miền Nam Bắc theo Hiệp
định Geneva, Hồ Chí Minh có thư “gửi đồng bào cả nước”, chỉ rõ: “Nhiệm
vụ thiêng liêng của chúng ta là kiên quyết tiếp tục đấu tranh thi hành
Hiệp định Geneva, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và
dân chủ bằng phương pháp hoà bình” (183). Ngày 9-7-1956, trong một cuộc
mít tinh tổ chức tại Hà Nội, tướng Giáp có bài phát biểu dài diễn giải
tinh thần bức thư ngày 6-7-1956 của Hồ Chí Minh (184), cho rằng: “Chủ
trương của chúng ta là thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, và
chúng ta nhận định rằng trong điều kiện trong nước và thế giới hiện
nay, sự nghiệp thống nhất nước nhà của Việt Nam ta có khả năng hoàn
thành bằng phương pháp hoà bình” (185).
Cũng trong thư đề ngày 6-7-1956, Hồ Chí Minh còn đưa ra sáng kiến: “Lập
lại quan hệ bình thường và quyền tự do đi lại giữa hai miền, tạo điều
kiện cho các đoàn thể chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội ở miền Bắc và
miền Nam được liên lạc với nhau. Mở hội nghị hiệp thương gồm đại biểu
của hai miền để bàn về vấn đề tổng tuyển cử tự do nhằm thống nhất nước
nhà trên cơ sở Hiệp nghị Geneva” (186).
Đây không chỉ là quan điểm của tướng Giáp hay của Hồ Chí Minh mà là
sách lược hoà hoãn của phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô nhằm
giải quyết các vấn đề nội bộ sau khi Khrushchev thay thế Stalin chết ba
năm trước đó (187). Thời gian đó, khi soạn Đề Cương Cách Mạng Miền Nam
ở Sài Gòn, Lê Duẩn cũng cho rằng: “Đường lối tranh đấu của chúng ta
cũng không thể ra ngoài đường lối hoà bình được. Chính đường lối tranh
đấu hoà bình ấy mới tạo được lực lượng chính trị mạnh mẽ để chiến thắng
âm mưu gây chiến và chính sách tàn bạo của Mỹ-Diệm” (187). Theo ông, thì
hoà bình chính là “nguyện vọng thiết tha của nhân dân miền Nam” (189).
Trong khi tướng Giáp phân tích: “Chúng ta phải nhớ rằng: thế giới ngày
nay chiến tranh có khả năng tránh khỏi nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn tồn
tại vì chủ nghĩa đế quốc vẫn tồn tại… đế quốc Mỹ đã vào miền Nam cho
nên nguy cơ chiến tranh vẫn tồn tại ngay trên đất nước ta” (190). Thì
quan điểm của ông Lê Duẩn vẫn là: “Việc thống nhất nước Việt Nam ta bằng
phương pháp hoà bình có thể thực hiện được… Không có lý do gì mà gây
chiến tranh… Nhân dân cả hai miền chống lại âm mưu chia xẻ và gây chiến
của Mỹ-Diệm, đi đến hiệp thương, thương lượng giữa hai miền để hoà bình,
thống nhất đất nước” (191).
Tháng 8-1955, Hội nghị Trung ương 8 khẳng định: “Kẻ thù cụ thể trước
mắt của chúng ta hiện nay là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”. Hội nghị nhấn
mạnh: “Muốn thống nhất nước nhà điều cốt yếu là phải ra sức bảo vệ miền
Bắc đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền
Nam”. Tháng 6-1956, Bộ Chính trị cũng đã họp và ra nghị quyết xác định
nhiệm vụ cách mạng miền Nam là chống đế quốc Mỹ với phương châm: “Đấu
tranh chính trị không có nghĩa là không dùng hình thức vũ trang tự vệ
trong hoàn cảnh nhất định” (192).
Từ tháng 3-1957, sau Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
quân đội miền Bắc bắt đầu “thời kỳ xây dựng chính quy hiện đại”. Chủ
trương “giải trừ quân bị” bắt đầu được thực hiện. Nhiều tướng lĩnh quân
đội đã được chuyển sang làm kinh tế. Ngay cả Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
cũng được cử vô Quảng Bình để làm “gió Đại Phong”.
Bút Tre đã làm thơ:
“Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng”.
Ngày 4-6-1957, máy bay chở ông Lê Duẩn đáp xuống sân bay Gia Lâm sau
một hành trình dài. Thời gian đầu, Lê Duẩn “chưa nhận một chức vụ công
khai gì”, ông ở chung nhà khách với ông Phan Văn Đáng, cũng vừa từ Xứ uỷ
Nam Bộ ra. Hai người vẫn thường “qua mặt” bảo vệ, lấy xe đạp đi chơi.
Bảo vệ biết mà không dám ngăn, đành phải tháo van xì hơi và có lần vội
quá châm kim cho thủng lốp. Hai người cũng đã từng chen chúc lấy “vé
hạng chót” ở rạp Hồng Hà, đứng bám cột kèo nhà hát, coi cải lương (193).
Trước khi ông Lê Duẩn ra Hà Nội, đấu tranh vũ trang đã được những người
soạn thảo Nghị quyết 15 coi như là con đường không thể tránh. Ông Hoàng
Tùng kể: “Suốt mùa xuân năm 1957, tôi cùng Trần Quang Huy đi Đồ Sơn
chuẩn bị Đề Cương Cách Mạng Miền Nam. Chúng tôi nêu lên phương
hướng: không thể hoà bình mà phải đương đầu đấu tranh giải phóng Miền
Nam”. Tuy nhiên, ông Hoàng Tùng thừa nhận: “Nhờ có thời gian lăn lộn ở
chiến trường, Lê Duẩn là người phát triển, hoàn chỉnh Nghị quyết 15”.
Theo ông Hoàng Tùng: “Khi ấy, Bộ Chính trị không có ảo tưởng hoà bình,
nhưng phát biểu công khai thì phải thế. Bác cũng không nghĩ thế, nhưng
nếu để lộ ra, Trung Quốc và Liên Xô sẽ rầy rà mình”. Nhưng, theo ông
Hoàng Tùng, khi Lê Duẩn vừa ra Bắc, ông chưa quen với cách mà các nhà
lãnh đạo ở Hà Nội phải đối phó với “hai ông anh” của mình, thấy tranh
cãi về Nghị quyết 15 như thế, đến giờ giải lao, ông nói với tôi: “Hoà
bình vui vẻ rồi, họ muốn miền Nam chết, họ bỏ rồi”. Hoà hoãn không chỉ
thể hiện trên ngôn ngữ như ông Hoàng Tùng nói vì năm 1958, Sư đoàn 332
vẫn bị giải thể, hai mươi vạn quân thường trực được chuyển đi làm kinh
tế (194).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Khi từ miền Nam ra Trung ương, anh (Lê
Duẩn) nói, ‘điều vui mừng nhất là biết Trung ương đã sớm xác định Mỹ là
kẻ thù chính’ và ‘ra đây mới thấy hết tình hình khó khăn phức tạp chưa
thể phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam sớm hơn” (195). Tướng Lê Đức
Anh xác nhận, cuối năm 1957, khi gặp Lê Duẩn ở Bộ Quốc Phòng, ông đã
nói: “Ra Bắc mới được vài tháng mà tôi thấy tình hình quốc tế, tình hình
trong nước phức tạp quá”.
Trong thời gian chủ trương chưa dứt khoát đó, hàng vạn đảng viên Cộng
sản đã bị bắt, bị giết bởi những chiến dịch tố cộng của Chính quyền Ngô
Đình Diệm. Ngược lại, từ đó cho đến năm 1960, “mỗi năm có khoảng 2.500
quan chức miền Nam Việt Nam bị ám sát” (196). Trên thực tế, các hoạt động
du kích là chưa bao giờ ngưng cả, nhưng, tới năm 1959 thì hoạt động này
chuyển lên mạnh hơn.
Theo Kissinger, “đến cuối nhiệm kỳ của Chính quyền Eisenhower, chính
quyền Nam Việt Nam đã nhận được từ Mỹ hơn một tỷ đôla viện trợ; có 1.500
người Mỹ ở miền nam Việt Nam với 692 thành viên nằm trong nhóm cố vấn
quân sự; đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trở thành một trong những phái đoàn
lớn nhất của Mỹ trên thế giới” (197).
Trận “đánh Mỹ” đầu tiên diễn ra ngày 2-1-1963 ở một ấp chiến đấu cách
thị xã Mỹ Tho 14 km có tên là Ấp Bắc (198). Nhưng cũng trong năm 1963,
khi được giao soạn thảo bản báo cáo chính trị cho Hội nghị Trung ương 9,
ông Hoàng Minh Chính (199) vẫn dựa trên lập trường “chung sống hoà bình”
của Khrushchev. Bản báo cáo của ông không được lựa chọn. Tháng 12-1963,
Bí thư thứ nhất Lê Duẩn triệu tập Hội nghị Trung ương 9, đưa ra dự thảo
nghị quyết về “các vấn đề quốc tế và chống chủ nghĩa xét lại hiện đại”.
Hoàng Minh Chính bảo lưu ý kiến bằng cách phân phát cho một số uỷ viên
Trung ương dự Hội nghị một bài viết của ông có tên Về Chủ Nghĩa Giáo Điều Ở Việt Nam. Một số uỷ viên Trung ương đã hưởng ứng lập trường này như Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Ung Văn Khiêm (200).
Từ năm 1964, nghị quyết về “các vấn đề quốc tế và chống chủ nghĩa xét
lại hiện đại” đã làm cho khoảng bốn mươi người đang học và đang công tác
ở Liên Xô xin “tị nạn”, trong đó có những người từng gần gũi với tướng
Giáp như Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Hà Nội Nguyễn Minh Cần; Chính uỷ
Sư đoàn 308, Phó Chính uỷ Quân khu III, Đại tá Lê Vinh Quốc; nguyên
Tổng Biên tập báo Quân Đội Nhân Dân, Thượng Tá Ðỗ Văn Doãn,…
Sau Hội nghị Trung ương 9, vấn đề của “cách mạng miền Nam” không còn
chịu ảnh hưởng nhiều bởi thái độ của Trung Quốc hay Liên Xô. Trong Đảng
cũng đạt được một đường lối chung: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
và giải phóng miền Nam”. Từ tháng 9-1963, một phó tổng tham mưu trưởng
được đưa vào Nam (201) và ngay trong thời gian ông Lê Duẩn đang chủ trì
Hội nghị Trung ương 9, hàng trăm sỹ quan cấp chiến thuật bắt đầu được
đưa về các trung tâm huấn luyện (202).
Tuy nhiên, ở Hà Nội, theo Cục trưởng Tình báo Quân đội Lê Trọng Nghĩa:
“Đầu năm 1964 khi viết Nghị quyết 9 thành văn, họp Trung ương vẫn có
nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, Nghị quyết 9 dừng lại ở mức độ: đánh
thắng Mỹ nhưng giữ nó ở mức độ chiến tranh đặc biệt, tránh để chiến
tranh mở rộng ra miền Bắc”.
Những năm đầu thập niên 1960, ở miền Nam, “Ngô Chí Sĩ” bắt đầu được mô
tả như là một “độc tài gia đình trị” (203). Ngày 24-8-1963, Henry Cabot
Lodge, người vừa sang Sài Gòn làm đại sứ nhận được chỉ thị từ Washington
yêu cầu cách chức Nhu và cảnh báo Diệm rằng, nếu ông ta từ chối, Hoa Kỳ
sẽ phải “đối diện với khả năng chính bản thân ông Diệm không thể được
bảo toàn” (204). Ngày 1-11-1963, các tướng lĩnh Sài Gòn đã đảo chính. Hai
anh em ông Diệm phải chạy trốn vào nhà thờ Cha Tam và sau đó bị bắn
chết (205).
Ba tuần sau, ngày 22-11-1963, tại Dallas, Texas, Tổng thống Kennedy bị
ám sát. Vị tổng thống mới, Lyndon Baines Johnson, bắt đầu coi sự xuất
hiện của quân đội chính quy miền Bắc ở miền Nam là “xâm lược”. Ngày
21-12-1963, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara báo với Johnson rằng, nước Mỹ
phải đối mặt với sự lựa chọn: leo thang can thiệp quân sự hoặc để cho
miền Nam sụp đổ.
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ
Một tháng sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính, Ban Chấp hành Trung ương
Đảng lại nhóm họp, đẩy cách mạng miền Nam lên một tầm mức rõ ràng hơn:
“Đã đến lúc miền Bắc cần tăng viện trợ cho miền Nam, miền Bắc phải phát
huy hơn nữa vai trò là căn cứ cách mạng cho toàn đất nước”. Không lâu
sau đó, Sư đoàn 325 được đưa vào “Chiến trường B” (206).
Người Mỹ không ngồi yên khi nhịp độ chi viện quân sự từ miền Bắc vào
Nam ngày càng tăng cao. Mỹ chủ trương đánh mạnh vùng Hạ Lào và ngoài
Biển Đông, Hạm đội Bảy dịch chuyển dần lên rồi đưa tàu USS Maddox vào
vịnh Bắc Bộ. Trực Ban Tác chiến Quân uỷ Trung ương tuần lễ đầu tháng
8-1964, Cục trưởng Quân báo, Đại tá Lê Trọng Nghĩa, kể: “Nguồn tin của
chúng tôi cho biết, sau khi tàu Maddox di chuyển hỗ trợ cho các máy bay
của hải quân Mỹ ném bom Nậm Căn, nhằm quấy rối, chặn đường chi viện miền
Nam sẽ quay về Hạm đội Bảy. Quân uỷ cũng nhận định không có dấu hiệu Mỹ
dùng tàu Maddox đánh ra miền Bắc”.
Ngày 2-8-1964, khi chiếc tàu USS Maddox di chuyển từ phía Bắc Việt Nam
vào vùng biển Hòn Mê, thuộc địa phận Thanh Hoá, nó đã bị một đơn vị hải
quân miền Bắc dùng tàu phóng ngư lôi bắn trúng mũi. Thương vong không
đáng kể, nhưng “Capitol Hill đã náo loạn”. Ngày 4-8-1964 hệ thống ra đa
của USS Maddox nhận được tín hiệu sẽ có một cuộc tấn công thứ hai. Mặc
dù, về phía Việt Nam, “nhật ký chiến sự không ghi nhận bất cứ sự kiện gì
vào ngày 4-8 cả” (207).
Vụ tàu USS Maddox đã khiến cho lòng kiêu hãnh của những người Mỹ ở
Washington bị thách thức. Ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ lần đầu tiên thi
hành một số phi vụ bắn phá trên miền Bắc. Ngày 7-8-1964, 100% nghị sỹ ở
Hạ viện và sau đó 98/100 thượng nghị sỹ bỏ phiếu thông qua “Nghị quyết
Vịnh Bắc Bộ”; theo đó, cho phép tổng thống toàn quyền hành động quân sự
với miền Bắc cộng sản. Một tuần sau, từ Thanh Hoá, 160 sỹ quan chính quy
kết thúc sớm lớp huấn luyện, bắt đầu hành trình vượt Trường Sơn (208).
Theo Đại tá Lê Trọng Nghĩa: “Khi ‘sự kiện Vịnh Bắc Bộ’ xảy ra, cả Võ
Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh đều đi vắng. Trung Quốc và Liên Xô cùng
làm ầm lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chủ trì họp kiểm điểm. Vào họp Hồ
Chí Minh đặt vấn đề rất nghiêm: Ai ra lệnh? Hôm xảy ra vụ tàu Maddox,
trực Quân uỷ Trung ương là tướng Trần Quý Hai, tôi là trực ban tác chiến
chịu trách nhiệm nắm tình hình địch. Trần Quý Hai nói là đã báo cáo Bộ
Chính trị trước khi ra lệnh nhưng kiên quyết không nói cụ thể báo cáo
ai. Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải kỷ luật. Trong khi, Văn Tiến Dũng nói,
‘mình không đánh nó thì nó cũng sẽ đánh mình, bản chất đế quốc là thế’.
Cuối cùng Trần Quý Hai nhận kỷ luật cho dù ai cũng biết phía sau lệnh
này là ai” (209).
“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” trở thành lý do để những người chủ chiến ở cả
phía Mỹ và Việt Nam đẩy nhịp độ chiến tranh lên mức cao hơn. Từ miền
Bắc, viên tướng đứng đầu xu hướng đánh thắng Mỹ bằng quân sự, Nguyễn Chí
Thanh, được cử vào Nam trực tiếp làm bí thư Trung ương Cục. Cùng đi có
các tướng Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hoà, Hoàng Cầm và Trần Độ.
Chỉ ít lâu sau, tháng 2-1965, Bộ Chỉ huy Miền Nam quyết định mở Chiến
dịch Đồng Xoài. Đồng thời, ở Cao Nguyên, một cuộc tấn công lớn đã được
nhắm vào khu ở của cố vấn Mỹ ở thành phố Pleiku. Người Mỹ trả đũa bằng
cách mở một đợt tấn công bằng không quân vào miền Bắc. Cuộc tấn công này
nhanh chóng biến thành một chiến dịch ném bom có hệ thống với mật danh
“chiến dịch Sấm rền”. Sự kiện này đã đặt miền Bắc vào tình thế chấp nhận
để cho một lực lượng quân nhân của các nước xã hội chủ nghĩa bí mật có
mặt trên miền Bắc.
Năm 1964, ông Lê Duẩn từng dự định “giành chính quyền Sài Gòn” trong
năm 1965 bằng cuộc đảo chính của Đại tá Phạm Ngọc Thảo kết hợp với một
cuộc tổng tiến công, nhân khi “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ được coi là
“phá sản” còn quân Mỹ thì chưa được đưa vào tham chiến. Đại tá Thảo được
ông Lê Duẩn “đánh vào” chính quyền Ngô Đình Diệm với vỏ bọc “người trí
thức tham gia kháng chiến trở về với chính nghĩa quốc gia”. Còn cuộc
tổng tiến công thì theo ông Võ Văn Kiệt, năm 1964, chỉ riêng Khu uỷ Sài
Gòn-Gia Định đã cho thành lập năm “phân khu”. Cũng trong năm 1964, từ Hà
Nội, ông Lê Duẩn đã cử một “bộ khung” vào Nam.
Một thành viên trong “bộ khung” này, ông Kiều Xuân Long, kể: “Chúng tôi
bắt đầu đi B cuối năm 1964, đích thân Lê Duẩn và Tố Hữu tiễn đưa. Đầu
năm 1965, chúng tôi tới Tây Ninh, gặp cán bộ Trung ương Cục, họ thúc,
ráng đi lẹ lên coi chừng không kịp”. Đồng tiền “miền Nam Việt Nam” cũng
được in và chuyển vào Trung ương Cục với mật danh: “Hàng 65”. Nhưng cuộc
đảo chính do Phạm Ngọc Thảo cầm đầu thất bại. Giai đoạn khốc liệt nhất
của cuộc chiến bắt đầu.
Ngày 8-3-1965, lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và tháng 7 năm ấy bắt đầu tham
chiến tại miền Nam. Đáp lại, trong tháng 9-1965, hai đơn vị chủ lực cơ
động của Nam Bộ, Sư đoàn 9 và Sư đoàn 5, lần lượt được thành lập; tháng
6-1966, Miền cho lập thêm Sư đoàn 7. Từ đó, quân đội Mỹ tiếp tục được ồ
ạt đưa sang cho đến khi đạt con số 543.000 người vào năm 1968.
Mậu Thân và tham vọng của Lê Đức Thọ
Cuối năm 1966, khi trả lời phỏng vấn Harrison Salisbury, phóng viên tờ
New York Times, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng, Hoa Kỳ đúng là “mạnh
hơn rất nhiều về quân sự”, nhưng, theo ông: “Cuối cùng sẽ thất bại vì có
nhiều người Việt Nam sẵn sàng hy sinh cho Việt Nam hơn người Mỹ”.
Sức chịu đựng của nền chính trị Mỹ bắt đầu bị thách thức khi số lính Mỹ
chết ở chiến trường Việt Nam lên tới con số hàng trăm mỗi tuần. Từ năm
1961 cho tới đầu năm 1968, có 31.000 người Mỹ bị chết và mất tích ở Việt
Nam. Cảnh chết chóc của binh lính và đặc biệt là dân thường được chiếu
mỗi tối trên máy truyền hình bắt đầu có trong phòng ngủ của các gia đình
Mỹ.
Theo mô tả của Henry Kissinger, “McNamara mong muốn kết thúc chiến
tranh một cách tuyệt vọng, và nhiều lần khẩn khoản tôi moi bất cứ dấu
hiệu lờ mờ nào, cho dù là gián tiếp, có thể giúp ông thúc đẩy công cuộc
đi tới một kết cục bằng thương lượng” (210). Ngày 7-4-1965, Tổng thống
Johnson tuyên bố tại Baltimore: “Mỹ sẵn sàng thương lượng không điều
kiện”. Cuối tháng 12-1965, người Mỹ cử Harriman, một nhà ngoại giao, tới
Ba Lan để nhờ Ba Lan làm trung gian thương lượng với Hà Nội.
Ngày 2-1-1966, J. Mikhalowski, thứ trưởng kiêm Tổng thư ký Bộ ngoại
giao Ba Lan, tới Hà Nội và thông báo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ
tịch Hồ Chí Minh: Mỹ rất linh hoạt. Ho sẵn sàng tìm mọi cách để thương
lượng. Mikhalowski nài nỉ: “Cần phải có một sáng kiến. Phải tiến lại với
những ý kiến chứng tỏ chúng ta muốn hoà bình, và qua đó các đồng chí sẽ
tranh thue được dư luận thế giới về mình” (211). Nhưng cả Thủ tướng Phạm
Văn Đồng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều cự tuyệt (212).
Ngày 14-6-1966, một nhà ngoại giao người Canada được gửi tới Hà Nội,
nhưng chuyến đi của ông cũng thất bại. Tiếp đó, ông Jean Sainteny, người
từng ký với Hồ Chí Minh bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946, đã được Tổng
thống Pháp cử tới Việt Nam.
Ngày 1-7-1966, tại Hà Nội, Sainteny cho biết: “Mỹ đang tìm một giải
pháp để khỏi mất thể diện và chính Việt Nam mới ở thế thắng. Mỹ đã bị
đánh bại. Đối với một nước nhỏ mà làm cho Mỹ không thực hiện ý đồ là đã ở
trong thế thắng rồi” (213). Rồi Sainteny thuyết phục Phạm Văn Đồng: “Cần
nghĩ đến chiến tranh nhưng cũng cần nghĩ đến hoà bình. Một ngày nào đó
sẽ phải thương lượng” (214).
Đúng lúc ấy, Hồ Chí Minh được mô tả là đã bước vào phòng, cắt ngang
cuộc gặp giữa Sainteny và Phạm Văn Đồng: “Nếu ông có gặp người Mỹ, ông
hãy nói cho họ rằng chúng tôi không sợ Mỹ, chúng tôi sẽ chiến đấu đến
cùng, dù có phải hy sinh tất cả” (214). Hôm sau, ngày 5-7-1966, trong
cuộc tiếp chính thức, Hồ Chí Minh nói với Sainteny: “Chúng tôi hiểu đế
quốc Mỹ. Chúng tôi biết sức mạnh của họ. Họ có thể san bằng Hà Nội, Hải
Phòng, Nam Định, Bắc Ninh và các thành phố khác. Điều đó không hề làm
yếu quyết tâm chiến đấu đến cùng của chúng tôi” (214).
Từ năm 1967, người Mỹ bắt đầu thiết lập một kênh liên lạc với Việt Nam
qua người Pháp. Giữa tháng 7-1967, Henry Kissinger trở thành người trung
gian khởi động tiến trình thương lượng. Cho đến lúc ấy, người Mỹ không
hề biết rằng, ông Lê Duẩn đang có trong tay một kế hoạch đầy tham vọng
mà về sau được các nhà báo Mỹ gọi là “Tet Offensive” và các văn kiện
chính thức của Hà Nội gọi là “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu
Thân-1968”.
Trong “chiến tranh giải phóng miền Nam”, cho dù tướng Giáp vẫn là bộ
trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tư lệnh, bí thư Tổng Quân uỷ, nhưng theo ông
Lê Trọng Nghĩa: “Thay vì ông Giáp là người quyết định, ông Lê Đức Thọ có
sáng kiến lập ra Tổ năm người giúp Trung ương chỉ đạo tác chiến miền
Nam gồm: Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng và Lê Đức
Thọ. Trong tổ này, ông Giáp chỉ còn một phiếu”.
Chiến dịch Mậu Thân được lên kế hoạch sau “những cuộc họp liên miên” mà
các bên tham gia đã phải “tranh cãi gay gắt”. Đại tá Lê Trọng Nghĩa,
người dự hầu hết những cuộc họp này, nói: “Trong Quân uỷ xuất hiện hai
xu hướng khác nhau: Một xu hướng cho rằng phải đánh bằng quân sự thì mới
giải quyết được cách mạng miền Nam, xu hướng này do Nguyễn Chí Thanh
phát ngôn và phía sau là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Một xu hướng đồng ý
đánh, nhưng vừa đánh vừa cân nhắc tình hình chính trị, nếu khi nào khả
năng chính trị xuất hiện thì nắm lấy cơ hội đàm phán hoà bình, người
đứng đầu xu hướng này là Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Vịnh. Tuy nhiên, tới
tháng 6-1967 thì đôi bên đi đến thống nhất: đánh; một ý đồ chiến lược
được hình thành gọi là Kế hoạch 67-68”.
Chiều 5-7-1967, Bộ Chính trị làm cơm tiễn đưa Nguyễn Chí Thanh trở lại
miền Nam, cùng dự có Hồ Chí Minh. Sau bữa cơm, tướng Thanh có ngồi lại
khá lâu với tướng Giáp. Người thân của ông kể lại rằng: Sau một đêm trằn
trọc bên người vợ tại nhà riêng ở số 34 Lý Nam Đế, Đại tướng Nguyễn Chí
Thanh bị choáng mệt. Lúc gần sáng, ông được đưa đi cấp cứu tại Bệnh
viện Quân y 108, nhưng khi vừa được đặt nằm xuống giường bệnh thì từ ông
“phát ra tiếng kêu ‘ặc’ rồi mặt và toàn thân tím ngắt”. Khoảng chín giờ
sáng ngày 6-7-1967, Nguyễn Chí Thanh mất với kết luận của bệnh viện là
do “nhồi máu cơ tim”.
Vị tướng đại diện cho xu hướng “giành chiến thắng hoàn toàn bằng quân
sự” vừa ra đi thì có hai sứ giả mang thông điệp hoà hoãn từ Washington
tới: ông Raymond Aubrac và Herbert Marcovich. Aubrac là người quen cũ
của Hồ Chí Minh trong thời kỳ ông tới Paris dự Hội nghị
Fontainebleau (217). Sự ra đi đột ngột của tướng Thanh cũng làm cho ông
Giáp bị sốc, ngay sau tang lễ Nguyễn Chí Thanh, tướng Giáp được đưa đi
Hungary dưỡng bệnh. Hồ Chí Minh tiếp các sứ giả Washington khi bên mình
không còn hai đại tướng. Ông bắt đầu nói về đàm phán.
Ngày 24-7-1967, “Aubrac cảm thấy có dấu hiệu mới mẻ” (218) khi gặp Hồ
Chí Minh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng gần như đã bàn chi tiết phương thức
tiến hành đàm phán (219) với điều kiện Mỹ ngưng ném bom miền Bắc.
Ngày 25-8-1967, Aubrac và Marcovich chuyển tới tổng đại diện Việt Nam
tại Paris thông điệp thương lượng đầu tiên của Chính phủ Mỹ gửi Chính
phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: “Hoa Kỳ sẵn sàng chấm dứt ném bom bắn phá
bằng không quân và hải quân ở miền Bắc Việt Nam với sự hiểu biết răng
việc đó sẽ nhanh chóng đưa tới những cuộc thảo luận có hiệu quả giữa Hoa
Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để tiến tới giải quyết những vấn đề
đang làm hai nước chống đối nhau” (220).
Không ai biết rõ thông điệp trên đây của Washington có được miền Bắc
chuyển đến lãnh tụ tối cao hay không. Khi miền Bắc trả lời thì Hồ Chí
Minh đã không còn ở Hà Nội nữa. Theo Đại tá Lê Trọng Nghĩa: “Ngày
5-9-1967, Hồ Chí Minh được đưa đi nghỉ ở Bắc Kinh. Chúng tôi nhận được
thông báo từ Ban Tổ chức Trung ương của Lê Đức Thọ: Bác mệt, phải đi
nghỉ đông, từ nay, những ai trước trực tiếp làm việc với Bác thì làm
việc với đồng chí Lê Duẩn”.
Ngày 11-9-1967, Mai Văn Bộ trao cho Aubrac và Marcovich trả lời của Hà
Nội: “Thông điệp của Mỹ đã được trao sau một cuộc leo thang đánh phá Hà
Nội và với sự đe doạ liên tục đánh phá Hà Nội. Rõ ràng đó là một tối hậu
thư đối với nhân dân Việt Nam. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
kiên quyết bác bỏ nhưng đề nghị trên đây của Mỹ” (221). Một kế hoạch
mang tên San Antonio, theo đó, Mỹ sẽ “chấm dứt hoạt động quân sự chống
miền Bắc Việt Nam - để đổi lấy các cuộc đối thoại, miễn là Hà Nội không
lợi dụng việc ngừng ném bom” (222), vẫn được người Mỹ đưa ra. Ngày
29-9-1967, Johnson đồng ý “Kế hoạch San Antonio”, nhưng theo Kissinger,
Hà Nội đã bác bỏ nó.
Theo ông Trần Việt Phương, thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Lê Đức Thọ
và Lê Duẩn không thể đưa hai con người đang nắm quyền và có nhiều uy tín
đó đi đâu nếu hai người không đồng ý. Việc Hồ Chí Minh và Võ Nguyên
Giáp đi ra nước ngoài được giải thích là để nghi binh. Để thế giới tin
rằng, miền Bắc không thể triển khai một kế hoạch to nếu hai nhân vật
quan trọng vào bậc nhất đó không có mặt ở Hà Nội”.
Những diễn biến sau đó cho thấy câu chuyện không đơn giản là một cuộc
nghi binh. Đại tá Lê Trọng Nghĩa nói: “Hai mươi ngày sau khi Nguyễn Chí
Thanh mất, ngày 27-7-1967, Hoàng Minh Chính bị bắt. Hơn một tháng sau
khi Hồ Chí Minh được đưa tới Bắc Kinh, ngày 18-10-1967, người thư ký
thân cận nhất của ông là Vũ Đình Huỳnh cũng bị bắt”. Một vụ án được nói
là “Chống Đảng” do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ và Bộ trưởng
Công an Trần Quốc Hoàn, trực tiếp chỉ đạo, bắt đầu khởi động.
Cái chết của tướng Nguyễn Chí Thanh không làm thay đổi quyết tâm dứt
điểm chiến trường miền Nam của ông Lê Duẩn. Theo tướng Giáp: “Anh Thanh
mất khi chỉ mới có ý đồ chiến lược đánh vào thành phố chứ chưa hề có kế
hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa vào dịp Tết Mậu Thân”. Tuy nhiên,
trong khoảng thời gian Võ Nguyên Giáp ở Hungary và Hồ Chí Minh ở Bắc
Kinh, một kế hoạch được đặt tên là “Chiến dịch Quang Trung” được gấp rút
xây dựng.
Hồ Chí Minh được đưa về Hà Nội khi cuộc Tổng tiến công đã gần kề. Theo
ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của ông, ngày 21-12-1967, Văn phòng Trung ương
điện “mời Bác về dự họp Bộ Chính trị”. Ngày 23-12-1967, chuyên cơ chở Hồ
Chí Minh về tới Gia Lâm. Ông Vũ Kỳ viết: “Máy bay lượn hai vòng vẫn
chưa hạ cánh được vì đèn chỉ huy trên sân bay chệch mười lăm độ. Đồng
chí lái giàu kinh nghiệm quyết tâm hạ cánh không theo đèn. Rất may là an
toàn. Các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ ra đón Bác tại
sân bay, đưa Bác về nhà và báo cáo công việc với Bác” (223).
Ngay sau khi khách khứa rút lui, việc đầu tiên mà Hồ Chí Minh làm là
gọi điện tới Quân uỷ Trung ương để hỏi thăm sức khỏe tướng Giáp. Theo
ông Vũ Kỳ, khi nghe Quân uỷ nói Đại tướng đang ở nước ngoài, Hồ Chí Minh
nhắc gửi quà và thiệp cho vợ chồng “chú Văn”. Ông nói: “Nô-en và Tết
dương lịch bên ấy cũng như Tết ta của mình. Tâm lý của những người xa
quê hương rất mong có một món quà của tổ quốc” (224). Không chỉ hiểu tâm
trạng của vị tướng đang bị đặt ra ngoài thời cuộc, theo Đại tá Lê Trọng
Nghĩa: “Hồ Chí Minh lo cho sự an toàn của tướng Giáp”.
Từ Hungary, ngày 20-9-1967 tướng Giáp gửi thư cho Đại tá Nguyễn Văn
Hiếu: “Cậu Hiếu, bọn mình còn ở lại đây ít hôm nữa. Chắc Hoàng đã có
thư. Rất mong thư nhà. Nhớ liên lạc với anh Thạch, anh Tiến, khi nào có
đoàn sang thì gửi mình”. Theo Đại tá Hiếu, “anh Thạch” và “anh Tiến”
trong bức thư này là Nguyễn Cơ Thạch và Hoàng Văn Tiến, cựu thư ký của
tướng Giáp, lúc đó đang công tác tại Bộ ngoại giao. Bức thư tướng Giáp
cho thấy ông đã bắt đầu “đói thông tin” và, thay vì được báo cáo qua con
đường chính thức, phải tìm hiểu tình hình trong nước qua những người
tin cẩn.
Ngày 11-11-1967, tướng Giáp gửi cho Đại tá Nguyễn Văn Hiếu lá thư thứ
hai từ Hungary: “Hiếu, đã nhận được thư của Hiếu gửi cho đoàn, sau đó
nhận được thư dài hơn viết từ trước. Sức khỏe tôi khá hồi phục nhưng
chưa khỏi hẳn. Hoàng sẽ nói rõ. Hiếu xem, lúc về sẽ bố trí ăn ở làm việc
thế nào để có thể chuẩn bị trước. Thăm các cậu ở báo Quân Đội Nhân Dân,
Cục I, Cục II và các cục khác. Nghe nói bài báo của ta có chỗ lộ bí mật
(Hoàng Tùng nói), như thế là không đúng. Ta đã cân nhắc rất kỹ”.
Theo Đại tá Hiếu, đọc lá thư viết trên postcard này, ông rất lo lắng.
Tại sao tổng tư lệnh đương chức lại băn khoăn “lúc về sẽ bố trí ăn ở làm
việc thế nào?” Đại tá Hiếu kể: “Khi anh Văn ở Hungary, ở nhà họp Quân
uỷ tôi đã nhiều lần phải chịu đựng những lời nói xấu anh Văn một cách
công khai. Trước đó, Quân uỷ rất đoàn kết nhưng, có thời gian Nguyễn Chí
Thanh, Văn Tiến Dũng lôi kéo một số cán bộ cô lập anh Văn. Trước khi
vào Nam, có thời gian Nguyễn Chí Thanh hay bóng gió: ‘Ở nhiều nước Tổng
tham mưu trưởng mới là tướng, còn bộ trưởng quốc phòng chỉ là anh dân
sự’. Khi đó, Văn Tiến Dũng đã thay Hoàng Văn Thái làm Tổng tham mưu
trưởng. Tuy nhiên, khi Nguyễn Chí Thanh mất, anh Văn vẫn bị sốc vì cuộc
chiến cần tướng tài. Xét về năng lực, Nguyễn Chí Thanh sắc sảo hơn nhiều
so với Văn Tiến Dũng”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký tướng Giáp, ông không có điều kiện
để xác minh điều mà Trần Quỳnh nói, trước giờ dự định vào Nam, Nguyễn
Chí Thanh nhắc Hồ Chí Minh phải chú ý vấn đề nội bộ. Nhưng, ông Huyên
xác nhận, ở thời điểm ấy cũng có người nói tướng Giáp chống Đảng và muốn
thay tướng Giáp. Theo ông Huyên: “Có người đề nghị, Bác nói: thông
thường ở cấp ấy con người có thể hành động như vậy nhưng chú Giáp thì
không, hơn nữa ta đang đánh Mỹ và đang thắng Mỹ không thể thay bộ trưởng
quốc phòng”.
Theo ông Vũ Kỳ, ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt ngay
bên nhà của Hồ Chí Minh, có bản đồ to kê trên bục trong phòng họp và có
nhiều tướng lĩnh đến báo cáo. Tại cuộc họp đó, theo ông Vũ Kỳ: “Bộ Chính
trị đề ra nhiệm vụ… đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước
phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để
giành thắng lợi quyết định. Chiều tối, sau phiên họp Bộ Chính trị kéo
dài và căng thẳng, Bác trở về nhà sàn, chân bước chậm rãi, có lẽ có một
điều gì đó khiến Bác chưa thật an tâm. Cuộc họp hôm nay Bác chủ trì,
ngồi ở ghế đầu bàn, đồng chí Lê Duẩn báo cáo toàn bộ vấn đề và quán
xuyến việc thảo luận” (225).
Ngày 1-1-1968, sau khi thăm một số nơi bị máy bay bắn phá ở Hà Nội, vào
lúc 2 giờ 30 chiều, sau khi tiếp “Bộ Chính trị đến làm việc”, Hồ Chí
Minh tiếp tục “sang Bắc Kinh dưỡng bệnh” (226). Ở Hà Nội, bàn tay của Lê
Đức Thọ bắt đầu siết mạnh hơn.
Tại Tổng Hành dinh, sáng 6-1-1968, Đại tá Lê Trọng Nghĩa đang họp với
Văn Tiến Dũng để làm kế hoạch bảo đảm cho chiến dịch thì ông Dũng nói:
“Anh sang Tổng cục Chính trị gặp Song Hào”. Ông Lê Trọng Nghĩa kể: “Tôi
sang, người tiếp tôi không phải là Song Hào mà là Phạm Ngọc Mậu, Cục
trưởng Tổ chức kiêm phụ trách Bảo vệ Nội bộ. Mậu bảo: ‘Anh để cặp, vũ
khí, bản đồ lại đây rồi đi ngay, có nhiệm vụ Trung ương giao’. Tôi lần
lượt tháo ra khỏi người những thứ bất ly thân, và tôi chỉ phải đi sang
một phòng ở gần đó. Hôm đó, vợ tôi từ nơi tản cư ở Vĩnh Yên về đang chờ
tôi về ăn cơm để tối lại về nơi tản cư tiếp. Nhưng tôi không chỉ bị giữ
lại trong ngày, và cũng không chỉ có một mình. Từ các nhà bên: Lê Minh
Nghĩa, phó Văn phòng Quân uỷ, kiêm chánh Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, Đỗ
Đức Kiên, cục trưởng Cục Tác chiến… cũng cùng bị bắt. Lo lắng cho một
chiến dịch sắp bắt đầu, một tuần sau, lấy tư cách là bí thư Đảng Quân uỷ
Bộ Tổng Tham mưu, tôi viết thư gửi cho Bí thư Tổng Quân uỷ Võ Nguyên
Giáp đặt vấn đề vì sao có việc giữ người này. Một thời gian sau, khi tôi
đã bị di lý đi nơi khác, một cục phó Cục Bảo vệ tới nơi tôi bị giữ,
thông báo: Anh Giáp đang nghỉ, tất cả những chuyện của các anh và những
chuyện trong Quân uỷ bây giờ thuộc quyền giải quyết của anh Lê Đức Thọ”.
Sau khi “điều Lê Trọng Nghĩa” về trại giam, Cục trưởng Cục Cán bộ Phạm
Ngọc Mậu cho mời Chánh Văn phòng Quân uỷ Nguyễn Văn Hiếu. Theo ông Hiếu:
“Ông Mậu nói: ‘Học viện quân sự đang thiếu người, anh phải lên thay
Hoàng Minh Thảo làm phó giám đốc. Anh nên đi ngay’. Tôi hiểu là người ta
cần tống mình đi. Đến Tam Đảo biết thêm, người ta chỉ thị cho Học viện
là tôi không được tham gia cấp uỷ”. Như vậy, theo Cục trưởng Quân báo Lê
Trọng Nghĩa: “Trước giờ nổ súng, phần lớn tác giả của Kế hoạch Mậu
Thân, kể cả tác giả chính là Cục trưởng Tác chiến Đỗ Đức Kiên, đều bị
loại ra khỏi vòng chiến đấu”.
Để đảm bảo hoàn toàn bí mật, chỉ trước khi nổ súng một tuần, Lê Duẩn
mới triệu tập các uỷ viên Trung ương về Kim Bôi họp Hội nghị Trung ương
lần 14. Tại hội nghị, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thông báo với Trung ương
rằng trong cuộc họp quan trọng này “có nhiều đồng chí vắng mặt”. Bí thư
Lê Duẩn nói: “Trước hết, tôi xin báo cáo với các đồng chí, lần này hội
nghị Trung ương chúng ta họp, có một số đồng chí Trung ương bị ốm không
đến được, có một số đồng chí bận việc không đến được. Trong Bộ Chính trị
cũng có đồng chí bận việc không đến được, một số đồng chí sẽ đến, mai
có đồng chí Thọ (Lê Đức Thọ), đồng chí Dũng (Văn Tiến Dũng) sẽ đến báo
cáo” (227).
Sau Hội nghị Trung ương 14, chiều 20-1-1968, Lê Đức Thọ có đến Bắc Kinh
để “báo cáo Bác Hồ”. Tướng Giáp nhớ lại: “Sắp nổ súng thì Bác cũng đang
ở Bắc Kinh. Bác điện cho tôi: chú thu xếp về càng sớm, càng tốt”. Từ
Hungary, tướng Giáp bay tới Bắc Kinh. Theo ông Vũ Kỳ, sáng 25-1-1968, Hồ
Chí Minh gặp riêng Võ Nguyên Giáp. Trong khi, cả “Cha già Dân tộc” và
“Anh cả của Quân đội” vẫn đang “an trí” ở Bắc Kinh thì những binh đoàn
chủ lực miền Bắc bí mật áp sát các đô thị miền Nam. “Ngày 29 tháng Chạp
ta”, vào lúc sáu giờ chiều, Hồ Chí Minh “nhận được điện của Bộ Chính trị
và Trung ương chúc mừng Bác Hồ năm mới” (228).
Cái đêm mà cả miền Nam chìm trong khói lửa của Tổng tiến công ấy, Hồ
Chí Minh đang ở Bắc Kinh, “trong căn phòng vắng” chỉ có ông và thư ký Vũ
Kỳ, “Bác” mỉm cười nghe một em bé hát “Bé bé bồng bông… em đi sơ tán,
mai về phố đông” và lời chúc Tết của chính mình:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!” (229).
Máy bay Trung Quốc đưa tướng Giáp về tới Hà Nội ngay trong ngày 29 Tết.
Hôm sau ông mới được tướng Vũ Lăng, cục trưởng Cục Tác chiến báo cáo
“Kế hoạch Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa”. Vũ Lăng nói: “Anh Văn Tiến
Dũng bảo bây giờ thì có thể báo cáo toàn bộ với anh Văn”. Tướng Giáp cố
giữ vẻ mặt bình thản để giấu niềm cay đắng. Ông, vị tổng tư lệnh, đã
không được biết một kế hoạch lớn như vậy cho đến trước khi nổ súng một
ngày.
Bốn ngày sau khi Chiến dịch Mậu Thân bắt đầu, một trong những nhân vật
quan trọng nhất của chiến dịch, tướng Nguyễn Văn Vịnh, bị vô hiệu hoá.
Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, uỷ viên Thường trực Tổng Quân uỷ, được cử
vào Trung ương Cục trao đổi Kế hoạch Mậu Thân chỉ mười ngày sau khi
tướng Nguyễn Chí Thanh mất. Tướng Vịnh trở lại Hà Nội vào đầu tháng
1-1968, và chính ông là người báo cáo tình hình chiến trường miền Nam
với Quân uỷ, là người trực tiếp soạn thảo Nghị quyết Trung ương 14.
Theo thư ký riêng của ông, ông Phạm Văn Hùng: Chiều mồng 5 Tết Mậu
Thân, ông Vịnh được Lê Đức Thọ mời tới nhà riêng gặp vào lúc 15 giờ.
Cuộc gặp kéo dài tới chập tối nên ông Hùng không thể chờ. Sáng hôm sau
khi ông Phạm Văn Hùng quay lại nhà riêng và là nơi làm việc của ông
Vịnh, 34 Cao Bá Quát, thì được ông Vịnh cho biết, ông bị ngưng tất cả
các chức vụ: uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, uỷ viên thường trực Quân
uỷ, thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Khoảng ba mươi nhân vật cao cấp đã bị bắt, phần lớn là những người thân
cận với tướng Giáp như: Thiếu tướng Đặng Kim Giang (230), Cục trưởng Cục
II Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Đại tá Lê Minh
Nghĩa, Cục trưởng Cục Tác chiến Đại tá Đỗ Đức Kiên, Tổng Biên tập báo
Quân đội Nhân dân Hoàng Thế Dũng, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Sự thật,
nguyên tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Quảng Bình, Nguyễn Kiến Giang, Giám đốc Nhà
Xuất bản Sự thật Minh Tranh,… Trừ một số người bị bức cung để phải khai
ra “vai trò cầm đầu của tướng Giáp” lờ mờ nhận thấy mục tiêu chính trị
của “vụ án”, phần đông cho đến tận cuối đời không hiểu vì sao lại có vụ
án này (231).
Theo Trần Quỳnh, trợ lý Lê Duẩn thì, thành phần bị bắt thời gian này
gồm: “Những người không tán thành đường lối chống xét lại của Đảng ta,
một số cán bộ cao cấp và trung cấp theo học ở trường Đảng cao cấp Liên
Xô và trường quân sự cao cấp Liên Xô bàn kế hoạch chống lại đường lối
của Đảng. Họ lập một nhóm vận động thành lập một tổ chức lấy việc thay
đổi Bộ Chính trị làm mục tiêu. Họ nhắm vào những người không đồng tình
với Nghị quyết 9, trước hết là những sĩ quan cao cấp trong quân đội và
những uỷ viên trong Trung ương”. Các văn bản do Lê Đức Thọ ký cũng nói
tới Nghị quyết 9 và quan điểm xét lại (232). Nhưng, trên thực tế, Nghị
quyết 9 đã được quán triệt từ năm 1964. Người chủ trương xét lại ở Liên
Xô, Khrushchev, khi đó cũng đã bị phế truất và bị thay bởi Brezhnev. Mặc
dù mở đầu vụ án bằng việc bắt Hoàng Minh Chính, hầu hết những nhân vật
quan trọng bị bắt đều là thư ký của Hồ Chí Minh hoặc là những trợ thủ
đắc lực của tướng Giáp.
Theo thư ký của tướng Vịnh, ông Phạm Văn Hùng (233): “Ông Vịnh và ông
Giang đều đã cùng ở trong Quân uỷ, biết nhau rất rõ. Ông Vịnh ở nhà 34
Cao Bá Quát, ông Giang ở nhà đối diện. Từ khi ông Giang ra khỏi quân
đội, thỉnh thoảng vẫn qua lại nhà ông Vịnh trò chuyện. Nhiều cán bộ cao
cấp khác thỉnh thoảng vẫn sang nhà ông Vịnh trò chuyện. Ông Vịnh là
người cởi mở nhưng bí mật quân sự thì không bao giờ ông ấy tiết lộ”.
Tướng Giáp trở lại Tổng Hành dinh khi không còn những cộng sự ăn ý
nhất. “Cuộc Tổng tấn công Mậu Thân” diễn ra ngay trong đêm 30 Tết, thời
điểm hai miền có thoả thuận ngừng bắn để người dân đón Xuân. Tuy có gặp
trục trặc về giờ nổ súng do có sự nhầm lẫn trong việc sử dụng giờ Hà Nội
với giờ Sài Gòn; nhưng, gần như ngay sau Giao thừa, 31-1-1968, lẫn
trong tiếng pháo mừng xuân của thường dân, Quân Giải phóng đồng loạt nổ
súng vào 5/6 thành phố, 36/44 thị xã, 36/242 huyện lỵ, 25 sân bay,… Đặc
biệt, cuộc tấn công đã gây rúng động với những gì mà “Việt Cộng” đã làm ở
Sài Gòn và Huế.
Tướng Giáp cho rằng: “Tổng tiến công vào một thời điểm bất ngờ là một
chủ trương sáng tạo, nhưng đề ra tổng khởi nghĩa là không phù hợp” (234).
Tướng Giáp không coi Mậu Thân là chiến thắng vì theo ông: “Lúc đầu mục
tiêu đề ra rất cao, tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành trọn vẹn
chính quyền về tay nhân dân. Giấy bạc đã được in và đã được chuyển vào
Nam (235). Đồng phục cho công an vào tiếp quản thành phố cũng đã được
chuẩn bị. Đồng chí Đàm Quang Trung ở Quân khu IV đã chuẩn bị một đoàn xe
chở quân và quân trang vào tiếp quản thành phố. Sau này giải thích tổng
công kích, tổng khởi nghĩa xảy ra là một quá trình là không đúng với
thực tế” (236).
Trong Chiến dịch Mậu Thân, người Mỹ bắt được một tài liệu của tỉnh Bình
Định gửi cán bộ, nói rằng: “Tổng tấn công 1.000 năm mới có một lần, sẽ
quyết định số phận của đất nước, sẽ chấm dứt chiến tranh”. Chính ông Lê
Duẩn, trước chiến dịch cũng tiên đoán: “Cuộc khởi nghĩa ta nói đây là
một giai đoạn cuối cùng”. Ông Duẩn tin, khi quân chủ lực tiến vào thì
Sài Gòn sẽ nổi dậy (237). Ngay sau khi chiến dịch bắt đầu, Lê Đức Thọ đã
đi thẳng vào miền Nam nắm vai trò phó bí thư Trung ương Cục. Ông ở lại
cho tới tháng 5-1968, khi tình hình chiến trường không còn dấu hiệu
chiến thắng nào.
Đợt “tổng tiến công” lần thứ nhất trong Chiến dịch Mậu Thân đã tạo ra
được yếu tố bất ngờ; tuy nhiên, Sài Gòn đã không “bị sập một cái” và
không có “nửa triệu người cầm súng cho ta” như dự đoán của Bí thư Lê
Duẩn (238). Ngay trong đợt đầu, theo Đại tá Tư Chu, chỉ huy Biệt động Sài
Gòn, đã “có những hy sinh, tổn thất lẽ ra có thể tránh được” (239).
Nhưng, không chỉ tấn công đợt đầu, theo tướng Giáp: “Khi yếu tố bất ngờ
đã không còn vẫn kéo dài tiến công vào đô thị; chậm chuyển hướng về củng
cố, mở rộng, giữ vững vùng giải phóng và làm chủ ở nông thôn do đó đã
gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất rất nặng nề” (240). Từ chỗ đang giữ
thế thượng phong trên chiến trường miền Nam, Quân Giải phóng đã phải
trải qua những ngày chống đỡ trong tuyệt vọng (241).
Nhưng, không phải những căn cứ “Việt Cộng” bị biến thành đất trắng được
đặc tả trên truyền thông Mỹ mà là: cảnh Việt Cộng bắn nhau trong sân
Toà Đại sứ; cảnh những xác lính Mỹ bị giết trên đường phố Sài Gòn; cảnh
tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu một tù binh trong khi hai tay anh ta
bị trói.
Tuần lễ đầu tiên của tháng 2-1968, số thương vong của lính Mỹ trong
vòng một tuần đạt kỷ lục: 543 chết; 2.547 bị thương. Ngày 27-2-1968,
người dẫn chương trình truyền hình có ảnh hưởng lớn khi đó, Walter
Cronkite, “đã truyền những làn sóng gây sốc cho toàn Nhà Trắng bằng cách
dự báo sự thất bại” (242). Wall Street, một tờ báo được coi là đang ủng
hộ Washington cũng lo sợ Mậu Thân sẽ “làm hỏng các mục tiêu đáng ca ngợi
ban đầu” (243). Đài truyền hình NBC ngày 10-3-1968 bình luận: “Đến lúc
chúng ta phải xác định liệu việc phá huỷ Việt Nam để cứu Việt Nam có
phải là điều vô nghĩa” (244).
Ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson quyết định “ngừng ném bom đơn phương
một phần trong khu vực bắc vĩ tuyến 20” và sẽ “ngừng ném bom hoàn toàn
ngay khi các cuộc thương lượng quan trọng bắt đầu”. Johnson tuyên bố “sẽ
không có thêm lực lượng quân sự tăng cường lớn nào được phái sang Việt
Nam”. Cũng trong ngày hôm ấy Johnson nói rằng ông sẽ không ra tái ứng
cử. Phản ứng của Washington là cơ sở để Hà Nội coi Chiến dịch Mậu Thân
là: “Một chiến thắng đã làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc
Mỹ, buộc chúng phải bắt đầu xuống thang”.
“Nghị quyết 21”
Phải mất năm năm. Phải sau khi hàng vạn sinh linh của cả hai miền đã bị
bom đạn nghiền nát suốt gần ba tháng ở Quảng Trị trong mùa hè năm 1972.
Phải sau khi “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác” bị tàn phá,
hàng nghìn người bị chết bởi B52 trong mùa Giáng sinh 1972. Ngày
27-1-1973, Hiệp định Paris mới được ký kết.
Điều quan trọng nhất mà ông Lê Duẩn chờ đợi trong hiệp định này là quân
Mỹ rút mà quân miền Bắc không rút thì, ở trên bàn đàm phán, Kissinger
đã chấp nhận từ năm 1971. Trên thực tế, ngay trong những tháng đầu nhậm
chức, Nixon đã đơn phương rút quân: từ 545.000 quân năm 1968, xuống còn
27.000 quân, năm 1972. Hiệp định Paris 1973 chỉ giúp cho sự ra đi của Mỹ
có một tên gọi khác (245).
Sau Hiệp định Paris, theo tướng Giáp, ở Hà Nội: “Có nhiều ý kiến muốn
giữ vững hoà bình, thực hiện hoà hợp, tạo thế ổn định 5-10 năm… Cũng có
một kế hoạch sử dụng 3,5 tỷ đôla mà phía Mỹ hứa bồi thường chiến tranh
để làm vốn tích luỹ ban đầu. Ngay ở Tổng Hành dinh cũng có ý kiến không
muốn đánh trả e vi phạm hiệp định” (246).
Sáng 27-3-1973, tại phiên họp mở rộng của Bộ Chính trị, sau khi nghe
báo cáo tình hình, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đề nghị “cần
tranh thủ tạo thế mạnh cho ta và có đối sách cụ thể với Mỹ” (247). Bí thư
thứ nhất Lê Duẩn kết luận: “Ta cần tranh thủ xây dựng lực lượng mọi mặt
ở miền Nam, miền Bắc, quy trách nhiệm của Mỹ, buộc đối phương phải thi
hành hiệp định” (248).
Ngày 28-3-1973, khi chủ trì họp Quân uỷ Trung ương để triển khai Nghị
quyết ngày 27-3-1973 của Bộ Chính trị, tướng Giáp vẫn xác định phương
châm tác chiến ở miền Nam là “kết hợp đánh chính quy và du kích, tác
chiến với binh vận, chiến đấu với xây dựng lực lượng, tiêu diệt địch gắn
với giành dân” (249). Ngày 29-3-1973, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn
làm lễ cuốn cờ. Tướng Giáp xác định trong Hội nghị Quân uỷ: “Đối tượng
tác chiến lúc này là quân nguỵ” (250). Ngày 28-3-1973, Bí thư Quân uỷ Võ
Nguyên Giáp gửi điện cho các chiến trường, giải thích: “Tiến công quân
sự bằng phản công của ta là chủ động tiến công, không phòng ngự đơn
thuần” (251).
Nhưng, sau Hội nghị Bộ Chính trị ngày 27-3-1973, Tố Hữu cùng các đặc
phái viên Nguyễn Thọ Chân, Đinh Đức Thiện, được cử vào Trung ương Cục
phổ biến chủ trương của Bộ Chính trị theo hướng “đấu tranh chính trị là
chủ yếu”, các chiến trường phải tranh thủ thời cơ để “gò cương vỗ béo”
nhằm thực hiện “hoà hợp dân tộc và thi đua hoà bình”. Cùng thời gian
này, tại các cơ quan của Miền, theo ông Lữ Phương, ông Trần Bạch Đằng
triển khai tinh thần một bức “Thư Vào Nam” của Bí thư Lê Duẩn, theo đó,
“hoà hợp, hoà giải dân tộc” là nhiệm vụ ưu tiên của thời kỳ sau hiệp
định. Cuối năm 1972, ông Lê Duẩn đã bố trí cán bộ nghiên cứu việc hình
thành và tham gia “chính phủ liên hiệp ba thành phần”. Ông Phan Văn
Khải, khi đó là vụ phó ở Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước là một trong những cán
bộ được chọn. Đoàn của ông Khải đã vào Trung ương Cục chỉ vài tuần sau
đoàn của ông Tố Hữu.
Sau khi nghe Bí thư Tố Hữu vào truyền đạt tinh thần thi hành Hiệp định
Paris của Bộ Chính trị, Hội nghị Binh vận Miền tháng 4-1973 triển khai
“năm cấm chỉ”: cấm tấn công địch, cấm đánh địch đi càn quét, cấm bắn
pháo vào đồn địch, cấm bao vây đồn bót, cấm xây dựng ấp xã chiến đấu. Ở
Khu IX, ông Võ Văn Kiệt và Thường vụ Khu uỷ ra lệnh Binh vận Khu không
phổ biến chủ trương này của Binh vận Miền.
Ông Võ Văn Kiệt kể, nhận được điện của Trung ương Cục, ông liền trao
đổi ngay với Đại tá Lê Đức Anh và Thường vụ Khu uỷ, triệu tập các tỉnh
đội và đơn vị. Theo ông Kiệt, bản thân các đơn vị khi nghe nội dung chủ
trương này đã cảm thấy rằng, “chắc chắn Khu uỷ sẽ có chỉ đạo khác”.
Trước đó, ngày 2-2-1973, ở Khu IX, ông Võ Văn Kiệt triệu tập Hội nghị
Thường vụ Khu uỷ, “quán triệt” cấp dưới rằng không được “mơ hồ ảo tưởng”
về hoà bình.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng hoàn toàn không “mơ hồ” khi ngầm triển
khai một chiến dịch gọi là “tràn ngập lãnh thổ” nhằm chiếm 85% đất đai
và kiểm soát 95% dân chúng miền Nam bốn mươi lăm giờ trước khi Hiệp định
Paris có hiệu lực. Ngày 3-3-1973, ba mươi tiểu đoàn của Việt Nam Cộng
hoà đã ồ ạt đánh vào Chương Thiện, dự kiến trong bảy ngày sẽ chiếm xong
các mục tiêu, bịt cửa ngõ U Minh. Nhưng, các mũi tiến công đều bị chặn
đứng, Khu IX tổ chức tấn công trên toàn địa bàn Quân khu.
Trước các nhà lãnh đạo Khu uỷ và Quân khu, ông Kiệt khi ấy vừa trở
thành uỷ viên chính thức Trung ương Đảng, tuyên bố: “Mệnh lệnh tối cao
lúc này là phải giữ đất, giữ dân”. Ông Kiệt nhớ lại: “Chưa có cuộc họp
nào mà tất cả các nơi về nhanh thế. Hội nghị chỉ kéo dài một buổi rồi
tất cả lại phấn khởi đòi về ngay để giữ đất”. Nhưng, nhiều nơi cho rằng
“Khu uỷ Tây Nam Bộ xé Hiệp định Paris”. Trung ương Cục điện yêu cầu “Khu
IX phải thấy tình hình mới”.
Bộ Tư lệnh Miền phê bình và thông báo toàn Miền, đồng thời ra lệnh cho
Đại tá Anh rút hai trung đoàn chủ lực về phía sau rèn luyện nếu không sẽ
“đưa Đại tá Lê Đức Anh ra Toà án binh”. Đại tá Anh sau khi trao đổi với
ông Kiệt trả lời Bộ Tư lệnh: “Cho phép Quân khu IX thi hành chủ trương
của Thường vụ Khu uỷ”. Ông Võ Văn Kiệt điện cho Trung ương Cục và Bộ
Chính trị: “Nếu không chống địch lấn chiếm, để mất đất, mất dân lúc này
là mất tất cả”.
Sau khi nhận được điện của ông Kiệt, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cho triệu
tập đại diện các khu, đại diện Trung ương Cục, đại diện Bộ Tư lệnh Miền
ra Hà Nội. Ngày 19-4-1973, các đại diện miền Nam, Phó Bí thư Trung ương
Cục Nguyễn Văn Linh, Tư lệnh miền Nam Hoàng Văn Thái, Bí thư Khu IX Võ
Văn Kiệt đã có mặt ở Hà Nội, báo cáo với Bộ Chính trị tại nhà khách Hồ
Tây.
Ông Lê Duẩn có một phương pháp làm việc được Võ Văn Kiệt gọi là “bỏ túi
nghị quyết”. Nghĩa là, khi xuống cơ sở để triển khai nghị quyết thay vì
bắt buộc cơ sở phải chấp hành những gì cấp uỷ đã ban hành, phải lắng
nghe xem, nghị quyết đề ra như vậy đã phù hợp chưa, nếu không phù hợp
thì phải điều chỉnh nghị quyết chứ không phải điều chỉnh cuộc sống. Ông
Kiệt gọi cách là đó là “đưa cuộc sống vào nghị quyết”.
Khi những cán bộ chiến trường như ông Kiệt ra tới Hà Nội, ông Lê Duẩn
yêu cầu các uỷ viên Bộ Chính trị, các bộ, ngành phải dành đủ thời gian
để nghe tình hình từng chiến trường. Ông Duẩn cũng chỉ thị cho những cán
bộ từ chiến trường ra: “Bất cứ uỷ viên trung ương nào cần nghe là phải
báo cáo”. Bản thân ông Lê Duẩn cũng cần tìm kiếm sự nhất trí cao trong
Trung ương. Theo ông Kiệt thì khi ông mới ra Bắc, ông Tố Hữu vẫn còn gặp
nhiều lần để “thuyết phục Khu IX thi hành nghị quyết gò cương vỗ béo”.
Đó là lần đầu tiên ông Võ Văn Kiệt ra Hà Nội, lần đầu tiên làm việc
nhiều với Bộ Quốc phòng, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tướng Lê
Hai chỉ vào “lõm Tây Nam Bộ” trên bản đồ rồi hỏi: “Giữ được không?”. Ông
Kiệt nói: “Sẽ mất nếu rút lui. T3 (252) cũng tuỳ thuộc vào cái thế chung
của chiến trường. Nếu cả chiến trường tiếp tục tiến công, T3 sẽ giữ
được. Nếu chiến trường rút, T3 mất”. Không như các tướng Lê Hai, Văn
Tiến Dũng, bộc lộ khá rõ chính kiến, tướng Giáp nghe rất kỹ và hỏi rất
cặn kẽ, nhưng gần như không bộc lộ quan điểm của ông và của Bộ Chính trị
về việc thi hành Hiệp định. Chỉ một lần, ông nói: “Hoàn toàn ẩn cũng có
lợi cho dân, nhưng, đánh lại như T3 là tích cực”.
Khi ấy ông Võ Văn Kiệt chưa biết, trong vị thế khó khăn của mình, tướng
Giáp phải rất giữ gìn, tuy nhiên không phải tự nhiên mà ông đánh giá
“T3 tích cực”. Từ giữa tháng 4-1973, tướng Giáp đã cho lập “Tổ Trung
tâm” để xây dựng “đề cương kế hoạch chiến lược” mang bí số “305 TG1”. Tổ
do một vị tướng tâm phúc của ông phụ trách: Phó Tổng tham mưu trưởng Lê
Trọng Tấn.
Mùa hè năm 1973, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cho gọi tướng Lê Hữu Đức lên
và trước khi ra về, ông hỏi: “Bộ Tổng Tham mưu đang làm gì?”. Ông Đức:
“Dạ đang dự thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam”. Lê Duẩn: “Thế
tôi nghe được không?”. Theo tướng Đức thì sau khi nghe, Lê Duẩn lệnh
cho cả Tổ Trung tâm sang trình bày kế hoạch cho ông nghe. Buổi chiều, Lê
Trọng Tấn, Vũ Lăng cùng Lê Hữu Đức quay lại trình bày chi tiết. Lê Duẩn
nói: “Tôi đang suy nghĩ như vậy. Hôm nay nghe xong, Tổ Trung tâm lại
củng cố suy nghĩ đó của tôi. Tôi sẽ báo cáo Bộ Chính trị”.
Việc báo ra Bộ Chính trị một “vấn đề tuyệt mật” đã làm cho các sỹ quan
tác chiến lo lắng, tướng Lê Trọng Tấn sau đó đã phải đi báo cáo xin ý
kiến Văn Tiến Dũng và tướng Giáp. Ông Hồ Ngọc Đại, con rể và là người
sống cùng ông Lê Duẩn trong dinh thự số 6 Hoàng Diệu kể: Một lần khi vừa
chạy xe suốt nửa ngày từ Hà Nội xuống Đồ Sơn thì ông Duẩn nhận được
điện thoại của tướng Lê Trọng Tấn đề nghị được báo cáo tình hình cho
Tổng bí thư. Lê Duẩn định kêu tướng Tấn xuống Đồ Sơn nhưng ông Tấn không
chịu vì theo nguyên tắc, bí mật quân sự chỉ có thể được nói trong Tổng
Hành dinh. Thế là Lê Duẩn lại phải quay xe về Hà Nội dù khi ấy đường rất
xấu (253).
Cũng trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8-1973, khi Trung ương đang
nghe các chỉ huy chiến trường báo cáo và xác định hướng chiến lược sau
Hiệp định Paris, ở Khu IX, Quân lực Việt Nam Cộng hoà liên tiếp mở các
trận càn vào Chương Thiện với lực lượng lên tới bảy mươi lăm tiểu đoàn.
Khu IX đã ngăn chặn thành công nỗ lực này của Sài Gòn. Theo tướng Lê Đức
Anh thì Trung đoàn 1, khi ấy do ông Phạm Văn Trà chỉ huy, đã đóng vai
trò tích cực. Tháng 5-1973, khi Bộ Chính trị quyết định họp mở rộng ở Đồ
Sơn, theo tướng Giáp: “Không còn ai nghĩ tới nghỉ ngơi, hoà hoãn
nữa” (254).
Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại: “Hội nghị Trung ương 21 không còn phê phán Khu
IX và quyết định sửa đổi chủ trương”. Hội nghị Trung ương 21, khai mạc
tháng 6-1973 và thông qua lần cuối vào ngày 4-10-1973, xác định: con
đường cách mạng ở miền Nam là con đường bạo lực”. Tướng Trần Văn Trà cho
rằng: “Nếu như từ năm 1973, chúng ta tin bằng cách này hay cách khác,
Hiệp định Paris sẽ được thi hành giống như chúng ta đã tin hai năm sẽ có
tổng tuyển cử hồi Hiệp định Geneva… thì tình hình đã không như bây
giờ” (255). “Bây giờ” mà tướng Trà đề cập là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”,
trận đánh cuối cùng của Quân Giải phóng.
Khoảng một tháng sau khi ông Lê Đức Anh từ Hà Nội quay lại Bộ Tư lệnh
Miền, Hà Nội công bố quyết định phong quân hàm vượt cấp lên trung tướng
cho hai đại tá: Lê Đức Anh và Đồng Sỹ Nguyên, tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.
Chiến dịch Hồ Chí Minh
Điều mà Bí thư thứ nhất Lê Duẩn lúc ấy băn khoăn là người Mỹ sẽ phản
ứng thế nào khi vẫn “bạo lực” sau Hiệp định. Có lẽ như lời một bài hát
lúc đó: “Vận nước đã tới rồi”. Ngay trong năm 1973, Nixon bị cuốn vào vụ
bê bối Watergate khiến ông phải từ chức. Ngày 1-9-1974, Gerald Ford lên
thay Richard Nixon. Theo Kissinger, người tiếp tục được Tổng thống Ford
giữ lại làm ngoại trưởng: “Quyết định đầu tiên của tổng thống là phản
ứng như thế nào đối với khoản viện trợ không tương xứng cho Việt
Nam” (256).
Ngân sách dành cho Sài Gòn đã giảm từ 2,1 tỷ đôla năm 1973 xuống còn
1,4 tỷ đôla năm 1974 và chỉ còn 700 triệu cho năm tài khoá 1975. Cho dù
mức mà Nixon trước đó đề nghị vẫn là 1,4 tỷ đôla. Theo “bản ghi nhớ”
ngày 12-9-1974, Kissinger chuyển cho Ford thì ngay cả khi Quốc hội Mỹ
chuẩn thuận mức viện trợ quân sự 700 triệu đôla, thì Quân lực Việt Nam
Cộng hoà khó có khả năng kháng cự (257). Tính tới tháng 9-1974, 26.000
binh sĩ Việt Nam Cộng hoà đã bị tử trận kể từ khi ký Hiệp định Paris.
Thế nhưng, Thượng viện Mỹ không những không tăng viện trợ theo đề nghị
của tổng thống mà còn cắt đi 300 triệu.
Đầu năm 1974, khi tình hình bắt đầu “nước sôi lửa bỏng”, trong một
chuyến công tác, tướng Giáp bị đau bụng dữ dội rồi ngất đột ngột. Ông
kể, “khi tỉnh lại tôi thấy mình đang nằm trong máy bay trực thăng cấp
cứu” (258). Do Viện Quân y 108 không chẩn đoán ra bệnh, Bộ Chính trị
quyết định đưa tướng Giáp sang Liên Xô bằng một chuyến chuyên cơ. Tại
Moscow có lúc tim ông đã ngưng đập trong mấy giây và trước khi chấp nhận
một cuộc đại phẫu thuật bệnh sỏi mật, ông đã viết “mấy điều dặn dò để
lại”. Tháng 4-1974, sau khi tướng Giáp hồi phục, Liên Xô đã bố trí một
máy bay để đưa ông trở về Hà Nội. Khi ấy, Văn Tiến Dũng cũng bị ốm phải
đưa đi chữa bệnh ở nước ngoài.
Theo tướng Giáp: Mùa hè năm 1974, khi cùng đi nghỉ ở Đồ Sơn, Lê Duẩn đã
bàn với ông một loạt các vấn đề chiến lược và khi thấy sức khỏe của
tướng Giáp đã ổn sau khi mổ sỏi mật ở Liên Xô về, Lê Duẩn nói với tướng
Giáp: “Công việc rất quan trọng, khẩn trương. Anh nắm lấy mà làm”. Ở Đồ
Sơn, tướng Giáp vừa an dưỡng, vừa hoàn thành dự thảo lần thứ sáu “kế
hoạch chiến lược giành thắng lợi ở miền Nam”. Ông vừa đi bộ quanh bán
đảo Đồ Sơn, khi ấy là một khu chỉ dành riêng cho Trung ương, vừa trao
đổi với những cán bộ đi cùng. Tuy nhiên, theo ông, kế hoạch chiến lược
được giữ tuyệt mật, ông chỉ đọc ra cho Đại tá Võ Quang Hồ, cục phó Cục
Tác chiến viết từng phần.
Khi Bộ Chính trị bàn “kế hoạch giải phóng miền Nam”, theo Trung tướng
Lê Hữu Đức: Hai hội nghị đầu suôn sẻ, nhưng từ hội nghị thứ 3 cho đến
hội nghị thứ 6, sau khi Lê Duẩn gợi ý thảo luận phương án tổng khởi
nghĩa, tức là dùng chủ lực đánh vào đầu não như hồi Mậu Thân rồi phát
động nhân dân nổi dậy. Bộ Chính trị chuyển sang sôi nổi bàn về phương án
tổng khởi nghĩa. 7/11 uỷ viên Bộ Chính trị ủng hộ ý kiến này của Lê
Duẩn. Tướng Giáp chỉ còn có hai uỷ viên ủng hộ phương án tổng công kích.
Theo tướng Lê Hữu Đức: “Kể từ khi Lê Duẩn ra Bắc, tướng Giáp thường rất
đơn độc, những tướng lĩnh trong Quân uỷ như Văn Tiến Dũng, Song Hào, Lê
Quang Đạo, Trần Quý Hai thường ngả theo ý kiến của ông Lê Duẩn. Lê
Trọng Tấn là một vị tướng tài và trung thành với tướng Giáp nhưng khi ấy
ông chưa là uỷ viên Trung ương”. Tuy nhiên, theo tướng Lê Hữu Đức, “rất
may là Bộ Chính trị đã không buộc thiểu số phục tùng đa số” và tướng
Giáp thì đã kiên trì thuyết phục.
Từ Hội nghị lần thứ 7, Bộ Chính trị bắt đầu chấp nhận phương án “tổng
công kích” của tướng Giáp. Tướng Lê Hữu Đức, thời gian ấy là cục trưởng
Cục Tác chiến, thường xuyên phải làm việc với Lê Duẩn và trực tiếp ghi
chép các ý kiến khác nhau trong Bộ Chính trị, kể: “Anh Lê Duẩn cứ cằn
nhằn tôi: sao Cục Tác chiến không thích tổng khởi nghĩa. Khi phương án
‘tổng công kích’ được chọn rồi, ông lại nói: đã tổng công kích sao không
công kích thẳng vào Sài Gòn mà lại chọn Buôn Mê Thuột?”.
Kế hoạch đánh Buôn Mê Thuột được tướng Giáp trao đổi với tướng Dũng chi
tiết trong một cuộc gặp có mặt tướng Hoàng Văn Thái ngay trước khi Văn
Tiến Dũng vào miền Nam. Theo tướng Giáp: từ giữa năm 1973, Tổ Trung tâm
đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên và trong một buổi làm việc, tướng
Hoàng Minh Thảo cho rằng, khi đã chọn hướng Tây Nguyên thì trước hết
nên đánh Buôn Ma Thuột (259). Tướng Giáp, tướng Dũng đều nhất trí với lựa
chọn này.
Theo tướng Lê Hữu Đức: “Tháng 1-1975, ngay sau khi Lê Duẩn tán thành mở
đầu cuộc tổng tiến công vào Buôn Mê Thuột tướng Giáp ra lệnh cho tướng
Lê Trọng Tấn: kiên quyết phải làm đường vào sát Buôn Mê Thuột, phải có
xe tăng, pháo lớn mới đánh đòn quyết định được. Khi ta làm chủ Buôn Mê
Thuột, tướng Giáp nói với chúng tôi: tình hình này không loại trừ địch
rút khỏi Tây Nguyên. Hôm đó là ngày 11-3-1975, ngày 26-3-1975, đúng như
dự đoán của anh, Nguỵ rút”.
Sáng 11-3-1975, ngay sau khi có tin tướng Văn Tiến Dũng làm chủ hoàn
toàn Buôn Ma Thuột, bao vây Kon Tum, Pleiku, Bộ Chính trị và Thường trực
Quân uỷ Trung ương nhóm họp, nhất trí đánh giá: “Ta có khả năng giành
thắng lợi to lớn với nhịp độ nhanh hơn dự kiến và đồng ý kế hoạch tác
chiến của Bộ Tổng Tham mưu”. Trong một không khí rất hào hứng, gần cuối
buổi họp, Lê Duẩn nói: “Trước ta dự định hai năm giải phóng miền Nam,
nay tiếp theo Phước Long có Buôn Ma Thuột, ta có thể đẩy mạnh hơn không?
Đề nghị Bộ Chính trị và các anh bên Quân uỷ suy nghĩ xem ta đã có thể
chuyển sang tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam chưa?”. Theo
tướng Lê Hữu Đức: “Anh Văn là người đầu tiên nhất trí với đề xuất của
anh Ba. Tiếp đó, các đồng chí trong Bộ Chính trị đều tán thành” (260).
Từ ngày 11-3-1975 cho đến khi quân đội Sài Gòn rút chạy khỏi Tây
Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hầu như làm việc tại Cục Tác chiến. Ông
trực tiếp đọc hết các điện chiến trường gửi về. Cục trưởng Tác chiến Lê
Hữu Đức có trách nhiệm hằng ngày vào lúc 19 giờ, tới nhà riêng ông Lê
Duẩn báo cáo diễn tiến chiến trường và các kế hoạch tác chiến. Với tư
cách là tổng tư lệnh trong chiến dịch, tướng Giáp nắm vấn đề bao quát và
đặc biệt liên hệ chặt chẽ với các tư lệnh chiến trường.
Theo tướng Lê Hữu Đức, sau khi quân đội Sài Gòn rút chạy khỏi Tây
Nguyên, tướng Giáp và Thường trực Quân uỷ nhất trí nên tác chiến phát
triển về phía Đông, bố trí cụ thể sẽ do tướng Văn Tiến Dũng quyết định.
Tướng Lê Hữu Đức nói: “Anh Văn chỉ thị tôi sang báo cáo xin ý kiến chỉ
đạo của anh Ba. Nghe xong, anh Ba tỏ ý phân vân. Từ năm 1972, anh Ba vẫn
muốn tập trung lực lượng chủ lực, để khi có điều kiện, đánh uy hiếp Sài
Gòn, giành thắng lợi quyết định. Ý anh là khi Tây Nguyên giải phóng,
việc tiêu diệt địch và giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung nên giao
cho Quân khu V, lực lượng còn lại của Tây Nguyên nên tiến về Lộc Ninh,
đánh vào Sài Gòn càng sớm càng hay. Nhưng, khi ấy các mặt chuẩn bị chiến
trường, hiệp đồng tác chiến quy mô lớn chưa được chuẩn bị. May mà lúc
ấy, anh Dũng cũng điện ra đề nghị cho phát triển về hướng Đông, phù hợp
với Quân uỷ Trung ương. Chúng tôi báo cáo lần nữa và được anh Ba đồng
ý” (261).
Nhận được tin, Tư lệnh chiến trường Văn Tiến Dũng gửi Tổng Tư lệnh Võ
Nguyên Giáp bức điện số 107: “Đêm qua tôi không ngủ được về ý định của
tôi với chỉ thị phải tập trung Sư 10 về. May quá hai mươi lăm phút sau
thì nhận được điện của anh. Tôi mừng quá về sự tâm đầu ý hợp của lãnh
đạo và người ở chiến trường” (262).
Tướng Giáp dự định đi ngay vào Vĩnh Linh. Trực thăng đã sẵn sàng. Nhưng
ông quyết định ở lại vì “tình hình chiến trường phát triển quá nhanh”,
Tổng Tư lệnh không thể rời Tổng Hành dinh. Sau ngày 18-3-1975, khi Bộ
Chính trị họp tại Nhà Con Rồng, nhất trí đề nghị của Quân uỷ, “giải
phóng miền Nam trong năm 1975”, tướng Giáp đi vào Ninh Bình, ông quyết
định đưa vào Nam Quân đoàn I, Quân đoàn cuối cùng ở miền Bắc. Khi ấy
Quân đoàn I đang giúp dân đắp đê ở Ninh Bình theo kế hoạch nghi binh,
nhận lệnh báo động, nhanh chóng theo trục Quốc lộ l hành quân vào Nam,
chỉ để lại Sư đoàn 308 ở khu vực Hà Tây làm nhiệm vụ dự bị và bảo vệ Hà
Nội.
Trước đó, từ ngày 17-3, tướng Giáp liên tiếp gửi các “điện” đến Bộ Tư
lệnh Trị Thiên và Bộ Tư lệnh Quân đoàn II đôn đốc đưa lực lượng xuống
đồng bằng, chia cắt chiến lược giữa Huế và Đà Nẵng, cho phép sử dụng xe
tăng và pháo lớn để tăng thêm sức đột kích, nâng cao tốc độ tấn công.
Tướng Giáp phê bình tướng Lê Trọng Tấn khi ông định lập kế hoạch trong
vòng năm ngày, trong khi theo tướng Giáp, khả năng quân đội Sài Gòn rút
chạy là cao và tướng Tấn chỉ có ba ngày để giải quyết chiến trường Đà
Nẵng.
Ngày 24-3, Bộ Chính trị và Quân uỷ họp, hạ quyết tâm: “Hành động nhanh
chóng táo bạo, bất ngờ đánh cho địch không kịp trở tay, giải phóng Sài
Gòn trước mùa mưa 1975”. Bộ Chính trị cũng thông qua kế hoạch lập Mặt
trận Quảng Đà, lấy mật danh là “Mặt trận 475” do Trung tướng Lê Trọng
Tấn làm tư lệnh, Thượng tướng Chu Huy Mân làm chính uỷ, Trung tá Lê Phi
Long được cử làm trưởng Phòng Tác chiến cánh quân này.
Sáng 25-3, tướng Lê Trọng Tấn nhận những chỉ thị cuối cùng của tướng
Giáp và ngay chiều hôm đó, ông cùng bộ phận chủ yếu của cơ quan chiến
dịch đi máy bay vào sân bay Quảng Bình, sau đó được chuyển tiếp bằng
trực thăng vào Quảng Trị. Bộ Tư lệnh 475 đến vùng núi Tây Huế và chuyển
theo đường 72 ra Động Truồi, định để chỉ huy đánh Huế, Đà Nẵng, nhưng
theo ông Lê Phi Long: “Giữa đường thì được tin quân ta đã giải phóng Huế
vào chiều 25-3”. Không còn phải đánh nhau ở Huế, Quân đoàn I được lệnh
quay lại Quảng Trị, chuyển trục hành quân từ Quốc lộ l sang đường Trường
Sơn. Ba vạn người cùng với l.053 xe pháo các loại, rầm rộ tham gia cuộc
hành quân thần tốc, ngày 16-4 thì vào đến Đồng Xoài.
Thấy tình hình “chắc ăn”, ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị, Lê Đức Thọ
“xung phong” vào chiến trường, ông rời Hà Nội vào ngày 28-3-1975. Như
vậy, tại Bộ Chỉ huy Chiến dịch “giải phóng miền Nam” có tới ba uỷ viên
Bộ Chính trị: Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng. Ngày 14-4-1975, Bộ
Chỉ huy Chiến dịch điện ra Hà Nội đề nghị đặt tên chiến dịch: Hồ Chí
Minh. Một tuần trước đó, ngày 7-4, tướng Giáp đã lệnh cho “Cánh quân
Duyên Hải” (263) phải “thần tốc và táo bạo” (263) còn tướng Lê Trọng Tấn
thì khi ấy cũng đã chuẩn bị mọi mặt để thắng trong “trận cuối cùng”.
Theo kế hoạch, ngày 27-4-1975 các hướng sẽ bắt đầu tiến đánh để ngày
29-4-1975, cả “Năm cánh quân” đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Tuy nhiên,
theo tướng Lê Hữu Đức, tối 24-4 (265), Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải, tướng
Lê Trọng Tấn đã điện ra xin cho Quân đoàn II và Quân đoàn IV tiến công
vào lúc 17 giờ ngày 26-4, vì nếu ngày 27 mới bắt đầu như các cánh quân
khác thì sẽ không kịp “cùng lúc nổ súng”. Cánh quân Duyên Hải lúc đó còn
phải vượt qua hai con sông lớn: sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Đọc bức điện khi đêm đã khuya vì vừa phải lần lượt đến tận nhà riêng
của các vị Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng báo cáo, nhưng thấy tình
hình khẩn cấp, tướng Đức quyết định đánh thức tướng Giáp. Xem xong bức
điện, tướng Giáp đồng ý ngay với tướng Tấn. Tuy nhiên, rất thận trọng,
ông đã cùng với cục trưởng Tác chiến mang bản đồ đến nhà Bí thư thứ nhất
Lê Duẩn.
Sau khi để tướng Đức đọc bức điện của tướng Tấn xong, Võ Nguyên Giáp
nói: “Đề nghị anh Ba cho đánh theo điện báo cáo của Tấn”. Theo ông Lê
Hữu Đức: Anh Ba nói ngay: “Đánh, đánh, cứ đánh ngay anh ạ! Bây giờ không
chờ nhau nữa. Lúc này cánh quân nào thuận lợi thì cứ phát triển”. Anh
Văn hỏi thêm anh Ba: “Điện trả lời ký tên anh chứ?” (266). Anh Ba nói:
“Không, anh là tổng tư lệnh, cứ ký tên anh thôi”. Sau một thoáng suy
nghĩ, anh Ba nói thêm: “Nếu cần thì để cả tên tôi cũng được, hoặc nói rõ
đã trao đổi với anh Ba và anh Ba hoàn toàn đồng ý” (267). Cũng trong
ngày 24-4, tướng Tấn cử Trưởng phòng Tác chiến Cánh quân phía Đông Lê
Phi Long trực tiếp đến Sở Chỉ huy Chiến dịch và tướng Dũng cũng đồng ý
để Cánh quân phía Đông đánh trước.
Ngày 30-4-1975, 10 giờ 50, Cục II báo cáo Tổng Hành dinh: “Quân ta đã
vào dinh Tổng thống Nguỵ”; 11 giờ 30, cục phó Cơ yếu mang vào phòng họp
bức điện của tướng Lê Trọng Tấn báo cáo, “một đơn vị thuộc Cánh quân
phía Đông đã cắm cờ trên Dinh Độc Lập”. Chiều hôm ấy, tướng Giáp kể:
“Tôi lên xe đi một vòng quanh Hà Nội. Cả một rừng cờ hoa dậy lên tự lúc
nào. Người đi chật phố, chật đường như trẩy hội”.
“Thống chế đi đặt vòng”
Tháng 12-1976, tại Đại hội IV, tuy vẫn còn là bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
nhưng theo thứ bậc mới trong Bộ Chính trị, tướng Giáp bị xếp sau Lê Đức
Thọ. Năm 1977, tướng Giáp thôi chức bí thư Quân uỷ Trung ương, theo Điều
lệ mới, chức vụ này sẽ thuộc về Tổng bí thư. Năm 1980, ông phải giao
chức bộ trưởng Quốc phòng cho Đại tướng Văn Tiến Dũng (268). Trước Đại
hội Đảng lần thứ V, “Vụ án chống Đảng” tưởng đã khép lại từ năm 1967,
lại được ông Lê Đức Thọ đưa ra bàn trong Bộ Chính trị.
Trong buổi Bộ Chính trị họp nghe “Vụ án chống Đảng”, theo ông Võ Văn
Kiệt (269): “Anh Thọ cũng đưa ra những thông tin như Trần Quỳnh (270) kể
nhưng anh Giáp bác bỏ. Tuy nhiên, anh Thọ vẫn kết luận. Bộ Chính trị
không có cơ sở gì để quyết khác với những điều anh Thọ nói. Anh Lê Duẩn
không nói gì, anh Phạm Văn Đồng không nói gì. Có thể có những uỷ viên Bộ
Chính trị biết vấn đề anh Giáp nhưng tôi thì không biết”.
Về sau ông Kiệt chất vấn ông Phạm Văn Đồng: “Anh hiểu anh Giáp, anh có
tiếng nói trong Bộ Chính trị, đó là cái gì?”. Ông Đồng chỉ nói: “Tôi
cũng biết uy tín anh Giáp trong dân”, rồi cười. Ông Kiệt nói: “Uy tín
trong dân của một con người là không thể xem thường. Nếu khai thác được
uy tín đó của anh Giáp thì sẽ có lợi cho dân cho nước. Tôi không đồng
tình với cách cư xử của một số anh với anh Giáp. Tôi kính trọng sức kiềm
chế của anh. Đó cũng là bản lĩnh, nghị lực của một nhân vật lớn”.
Theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, con rể ông Lê Duẩn, một hôm ông Giáp gọi điện
thoại kêu ông Đại tới nhà, ông Đại nói: “Ông Giáp hẹn tôi 13 giờ, nhưng
15 giờ tôi mới đến. Gặp, ông bảo là đã chờ tôi lâu lắm rồi. Ông khoác
vai tôi rồi nói: Đại đưa hộ thư này trực tiếp tới anh Ba giúp nhé. Té ra
chiều hôm đó có cuộc họp bàn về vấn đề của tướng Giáp. Tối tôi đưa thư
cho ba tôi, ông nói: tào lao”. Ông Hồ Ngọc Đại kể tiếp: “Có lần, tôi
sang nhà số 2 Nguyễn Cảnh Chân chúc Tết Lê Đức Thọ. Tới nơi, tôi thấy
ông Giáp cũng vừa đến. Từ trong nhà ra, ông Thọ đi qua trước mặt mà
không thèm chào ông Giáp một câu, bước đến ôm lấy tôi. Có lần ông Thọ
nói ông còn để cái đầu ông Giáp trên cổ là đã may lắm”.
Tại Đại hội V, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn
Lương và Nguyễn Văn Linh được đưa ra khỏi Bộ Chính trị. Ông Hoàng Tùng
cho rằng: “Lê Đức Thọ phải đưa cùng lúc năm người ra khỏi Bộ Chính trị
để khỏi mang tiếng nhưng thực chất của việc thay đổi này là nhằm vào ông
Giáp”. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Tùng: “Trước đó, cả ông Thọ và ông Lê
Duẩn đều nhiều lần công khai đánh giá thấp khả năng, kể cả khả năng cầm
quân, của tướng Giáp”.
Năm 1983, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao kiêm nhiệm chức chủ tịch
Uỷ ban Quốc gia về sinh đẻ có kế hoạch trong khi Tố Hữu vào Bộ Chính trị
giữ chức phó thủ tướng thường trực. Dân gian truyền nhau:
“Nhà thơ làm kinh tế
Thống chế đi đặt vòng”.
Năm 1984, Nhà nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm “30 năm chiến thắng
Điện Biên Phủ”, báo chí đăng hàng loạt hồi ký, bài viết của cả người
Việt và người Pháp. Các bài viết đăng trên báo Nhân Dân từ tháng 3 đến
tháng 5-1984, trong khi nói rất kỹ về Henri Navarre và Christian de
Castries, đã không hề nhắc tên Võ Nguyên Giáp, vị tư lệnh chiến dịch đã
đánh bại hai viên tướng Pháp này.
Ngày 7-5-1984, đúng ngày kỷ niệm chiến thắng, báo Nhân Dân đăng trên
trang nhất bức ảnh chụp Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, nhưng
thay vì nêu tên từng cá nhân, Nhân Dân chỉ chú thích: “Bộ Chính trị
Trung ương Đảng quyết định chủ trương tác chiến Đông-Xuân 1953-1954”.
Các bài viết trên tờ Quân Đội Nhân Dân cũng không có tên “Võ Nguyên
Giáp”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Huyên, khi Đại tướng Hoàng Văn Thái công bố hồi
ký “Điện Biên Phủ- Chiến dịch lịch sử”, đăng nhiều kỳ trên báo Quân Đội
Nhân Dân, trong mấy kỳ đầu, tờ báo này đã tự ý cắt bỏ tên của tướng
Giáp. Khi có sự kiện bắt buộc phải nhắc đến vai trò của ông, báo Quân
Đội Nhân Dân bèn gọi theo chức vụ “tổng tư lệnh” hoặc “bí thư Tổng Quân
uỷ” thay vì gọi “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” hoặc “anh Văn” thân mật.
Tướng Hoàng Văn Thái nổi giận đòi ngưng, tên của tướng Giáp thỉnh thoảng
mới xuất hiện trở lại trên tờ Quân Đội Nhân Dân trong hồi ký của ông
Hoàng Văn Thái.
Tờ Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân trong hai ngày 7 và 8-5-1984 đã dành
gần như toàn bộ 4 trang A3 để nói về Điện Biên. Nhưng, trong xã luận,
trong các bài diễn văn đã không hề có tên tướng Giáp. Trên số báo ra
ngày 8-5-1985, hai tờ Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân cùng đưa tin về lễ
“Mít tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ 30 chiến thắng Điện Biên Phủ” tổ
chức tại Hà Nội vào chiều 7-5, cùng nhắc tới Võ Nguyên Giáp trong danh
sách “Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh”, nhưng chỉ bằng một cái tên trống
không - xếp sau Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Nguyễn Hữu Thọ -
không “đại tướng” và không nói gì tới vai trò của ông trong “chiến
thắng” mà “cả nước” đang “nức lòng ca ngợi” ấy (271).
Trong khi đó, báo chí đầu thập niên 1980 lại đăng dồn dập nhiều loạt
bài mô tả vai trò của Bí thư Lê Duẩn như là một “tổng tư lệnh trên thực
tế” của cuộc “kháng chiến chống Mỹ” (272). Trong loạt bài Thời Thắng Mỹ,
Thép Mới dẫn lời Lê Đức Thọ kể chuyện năm 1955, Lê Duẩn đã tiên tri cuộc
chia tay Bắc-Nam sẽ kéo dài hai mươi năm (273). Cũng trong loạt bài này,
Lê Duẩn được mô tả như là một người đề xuất hầu hết các chủ trương lớn
của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Bác là người đầu tiên tán đồng những ý kiến
đề xuất của anh Ba trước Bộ Chính trị, ngay sau khi anh ra Bắc ”(274).
Theo Thép Mới thì: “Sự vĩ đại của Bác Hồ là lắng nghe” anh Ba và sau khi
nghe, Bác bảo với anh: “Chú nói đúng” (275).
Tháng 3-1985, tướng Giáp, lúc này đã không còn chức bộ trưởng Bộ Quốc
phòng, vào Huế dự lễ mừng “10 năm giải phóng”. Cùng đi với ông có tướng
Lê Trọng Tấn, Tổng tham mưu trưởng và tướng Lê Phi Long. Họ được đón
tiếp khá nồng hậu và được bố trí nghỉ tại khu nhà nghỉ xưa kia của Ngô
Đình Cẩn.
Tướng Lê Phi Long kể: “Anh Văn gọi tôi tới cùng đi dạo chơi quanh vườn
và nói: ‘Lâu nay các cậu có nghe người ta nói gì không?’. Tôi trả lời.
Anh bảo: ‘Sao không thấy nói lại! Trong tình hình phức tạp hiện nay, con
người ta có thể bị phân hoá thành ba thái độ: một là thẳng thắn đấu
tranh bảo vệ sự thật, chân lý; hai là trong khi chưa có điều kiện nói ra
sự thật thì ngồi yên kiên trì chờ đợi; ba là cơ hội, xuyên tạc, sẵn
sàng đổi trắng thay đen, bóp méo sự thật. Các cậu có đủ dũng khí thì
theo cách một, chưa có điều kiện thì chọn cách hai, còn cách ba, thì
phải tuyệt đối tránh”.
Hôm sau, đoàn của tướng Giáp vào Đà Nẵng bằng đường bộ. Trên đèo Hải
Vân, khác với không khí nồng hậu mà Huế dành cho Đại tướng, Đà Nẵng chỉ
cử một tỉnh uỷ viên trẻ măng, vô danh ra đón, không có đại diện Quân
khu, Tỉnh đội. Tướng Lê Phi Long nhớ lại: “Chúng tôi rất bực mình, nhưng
anh Văn vẫn bình thản”.
Đêm ấy, đoàn nghỉ ở nhà khách Mỹ Khê, sáng hôm sau, theo chương trình,
sẽ đến đặt vòng hoa tại đài liệt sỹ trước khi dự lễ mừng chiến thắng.
Nhưng đợi mãi, không thấy ai phát thư mời và phù hiệu cho đoàn của “anh
Văn”. Các sỹ quan đi cùng hỏi thì được trả lời: “Ai không có giấy thì
coi như không được mời”.
Lễ mừng Chiến thắng Đà Nẵng năm ấy được tổ chức trọng thể vì có Tổng bí
thư Lê Duẩn tới dự. Tướng Lê Phi Long kể: “Chúng tôi rất băn khoăn,
liền xin ý kiến của anh Tấn và anh Văn”. Trong đoàn có ý kiến đề nghị
thôi không dự lễ nữa. Tướng Giáp suy nghĩ rất lâu rồi nhẹ nhàng nói:
“Chúng ta vào đây không phải vì lễ lạt mà còn để viếng những đồng đội,
đồng chí đã ngã xuống trên mảnh đất này. Đã tổ chức viếng thì phải tổ
chức trang trọng, chu đáo theo đúng nghi thức quân đội”.
Lập tức, tướng Lê Trọng Tấn ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân khu V tổ chức
một lễ viếng riêng có đủ tiêu binh, quân nhạc và đích thân một vị trong
Bộ Tư lệnh phải tháp tùng. Sáng hôm sau, xung quanh đài liệt sỹ, dân
chúng kéo đến rất đông. Những người dân ấy không phải đến vì được triệu
tập mà đến để nhìn tướng Giáp.
Trong lễ “kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam” tổ chức tại Hà Nội vào
ngày 30-4-1985. Võ Nguyễn Giáp vẫn được ngồi trên “Đoàn Chủ tịch”, nhưng
trong danh sách mà báo Nhân Dân ngày 1-5-1985 đăng, ông được xếp đứng
sau chín người, trong đó có nhiều người từng là cấp dưới của ông trong
chiến tranh như Văn Tiến Dũng, Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Đỗ Mười, Nguyễn
Cơ Thạch,… Đây là thứ bậc dựa trên chức vụ trong Đảng mà ông nắm giữ
trong thời điểm 1985. Tên ông chỉ được đặt bên cạnh hai chức danh: uỷ
viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Từ sau khi tướng Giáp rời khỏi Bộ Quốc phòng, báo chí nhà nước không
bao giờ gọi ông là “đại tướng”. Nhưng, cũng trong suốt thời gian ấy, Võ
Nguyên Giáp gần như rất ít khi rời khỏi bộ quân phục của mình. Trong
những chuyến công du hiếm hoi mà ông được cử, Võ Nguyên Giáp luôn mặc bộ
lễ phục cấp tướng sang trọng màu trắng.
Ông vẫn sống trong biệt thự 30 Hoàng Diệu. Quân đội, ngay cả trong thời
kỳ Lê Đức Anh làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vẫn giữ lực lượng vệ binh
gác nhà ông. Nhưng, cao hơn cả mọi nghi lễ là sự ngưỡng mộ mà các tướng
lĩnh, quân đội, dân chúng dành cho ông. Tên tuổi tướng Giáp càng bị biên
tập khỏi các trang báo Nhân Dân thì nhân dân lại càng nhắc đến ông
trong đời thường của họ. Là một ông thầy dạy sử, có lẽ tướng Giáp biết
được vị trí trong lịch sử của mình. Ông đã đi qua những tháng ngày bị
xếp xuống hàng cuối cùng trên những khán đài, lặng lẽ và sừng sững.
Sau Đại hội Đảng lần thứ VII, năm 1991, tướng Giáp chính thức rời khỏi
chính trường. Cho dù vụ “Năm Châu-Sáu Sứ”, theo ông Võ Viết Thanh, chỉ
là một vụ án được dựng lên, Bộ Chính trị đã chưa một lần minh oan như
ông đề nghị. Mãi tới năm 1994, trong lễ “kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện
Biên Phủ”, tên tuổi của ông mới chính thức được nhắc lại trong một
“diễn văn nhà nước”. Đó là bài diễn văn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc
vào tối 6-5-1994: “Xin chào mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời đó là
tổng tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và
sáng tạo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, cùng Bộ
Chỉ huy Chiến dịch, chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ
giành toàn thắng”. Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại: “Trước đó, khi Bộ trưởng
Quốc phòng Đoàn Khuê lên Điện Biên Phủ kỷ niệm 40 năm, diễn văn của Đoàn
Khuê không hề nhắc một câu tới anh Giáp”.
Cho dù trong bài diễn văn được viết công thức và rào đón của ông Kiệt,
phần nói về tướng Giáp vỏn vẹn chỉ có năm mươi chín từ, nhưng chỉ cần
cái tên tướng Giáp được xướng lên cũng đủ làm cho Cung Văn hoá Việt-Xô
oà vỡ. Thật khó biết điều gì đang diễn ra trong lòng tướng Giáp, từ lâu
ông đã có một gương mặt rất ít biểu lộ. Nhưng những giọt nước mắt của
những người có mặt hôm ấy thì không thể kềm chế, chúng lăn rất nhanh
trên má họ; trong khi, tiếng vỗ tay kéo dài.
***
Chú thích chương 15
(172) Nguyễn Thị Sứ sinh năm 1934 tại Kiên Giang, thường trú tại quận
5, Thành phố Hồ Chí Minh. Từng tham gia lực lượng Thanh niên Tiền Phong
nhưng sau năm 1954 chọn ở lại miền Nam.
(173) Khi chính quyền Ngô Đình Diệm lập ấp chiến lược, ba má ông Võ
Viết Thanh đã lớn tuổi, chống không vô ấp. Tối 26-8-1962, một toán lính
đồn Lương Phú, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, đóng giả giải phóng quân vào
nhà “mời hai bác ra gặp giải phóng quân về”. Ông bà cảnh giác không đi,
liền bị trói dẫn ra bờ sông cắt cổ. Sáng hôm sau, Chính quyền Sài Gòn
tung tin, “Gia đình có hai con đi tập kết, hai con đi giải phóng quân mà
Việt cộng còn về giết thế này, cho nên không ai ở ngoài ấp chiến lược
được”. Về cáo buộc bắt hai cán bộ quân báo, theo ông Võ Viết Thanh:
Chiều 30-4-1975, trinh sát bắt được hai người: Phan Mậu, nguyên trung
đoàn trưởng, Sư đoàn 5, đầu hàng Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân; Lê
Đức Phượng, một tình báo viên được Cục II đánh vào năm 1954 nhưng sau đó
khi bị lộ đã phản bội. Ông Thanh, khi ấy là Chính trị viên một tiểu
đoàn thuộc Lữ đoàn quân báo 316, chỉ đạo thả. Nhưng, ngày 2-5-1975, ông
Thanh nói: “Lữ đoàn trưởng đi giao ban Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh
về, truyền đạt lệnh: Trong khi còn tranh tối tranh sáng cần xử lý ngay
những tên đã gây tội ác. Anh yêu cầu tôi cho bắt lại hai đối tượng đã
tha vào chiều 30-4. Tôi truyền lệnh cho đại đội trinh sát rồi từ đó bị
công việc cuốn đi, không kiểm tra lại việc này nữa”. Sau Đại hội, ông Võ
Viết Thanh cho lục lại toàn bộ hồ sơ, thì được Tư lệnh Quân khu Thủ đô
cho biết, Lê Đức Phượng vừa mới được Cục II cấp tốc lập hồ sơ công nhận
liệt sỹ. Theo ông Võ Viết Thanh: “Sau này, khi đối chất trong một cuộc
họp của Bộ Chính trị, Tư Văn phải công nhận, Phượng không phải là đại uý
cũng không phải là đảng viên. Tư Văn nói: Do có sự nhầm lẫn ở phòng
chính sách”.
(174) Sau khi Võ Viết Thanh bị đưa ra khỏi danh sách ứng cử Ban chấp
hành Trung ương, ngày 24-6-1991, Lê Đức Anh viết bức thư thứ 2: “Kính
gửi anh Linh, anh Tô, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trước đây khi chuẩn bị
nhân sự cho Đại hội VI, tôi đề nghị với Bộ Chính trị Khoá V cho phép tôi
được chuyên trách làm công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, không
làm việc gì khác. Bộ Chính trị lúc bấy giờ không chấp nhận và nói tiếp
tục làm thêm một khoá nữa. Theo sự phân công của Đảng, tôi đã cố gắng
chấp hành nghiêm túc quyết định của Đảng. Hiện nay tuổi đã lớn mà vẫn
chưa thực hiện được nguyện vọng cần thiết đó. Nay do công việc cần thiết
tôi có thể tiếp tục làm việc thêm vài năm nữa như nghiên cứu phối hợp
chiến lược quốc phòng-an ninh, quốc phòng an ninh với kinh tế trước tình
hình diễn biến rất phức tạp. Nếu Đảng phân công công việc cao hơn, nặng
hơn không hợp với sở trường của tôi, trong khi tuổi đã lớn, chắc chắn
tôi sẽ không làm được, có hại cho công việc của Đảng, của Tổ quốc. Xin
Đảng cho phép tôi, phân công cho tôi chuyên trách công tác tổng kết kinh
nghiệm chiến tranh và cùng với anh em nghiên cứu nâng cao những kinh
nghiệm đó ứng dụng vào tình hình mới, và xin được rút khỏi danh sách đề
cử vào Bộ Chính trị Trung ương khoá VII. Mong các anh chấp nhận. Lê Đức
Anh”(Đại tướng Lê Đức Anh, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2005, trang
243). Lê Đức Anh ra viện khi Đại hội Đảng lần thứ VII bắt đầu. Ông Võ
Viết Thanh kể: “Giờ giải lao, đích thân Lê Đức Anh tìm tôi, rồi nắm lấy
tay tôi kéo ra một hàng ghế bên hành lang Hội trường. Ông nói: Việc xảy
ra khi tôi đang bị chảy máu dạ dày, phải nằm viện nên không biết. Chuyện
Bảy Thanh thì tôi biết rõ là không có vấn đề gì. Để từ từ rồi mình
tính”. Ông Võ Viết Thanh nói: “Nghe ông Lê Đức Anh nói vậy tôi cũng xúc
động, nghĩ, Cục II làm như vậy có thể chỉ do mối quan hệ giữa tôi với Tư
Văn. Nhưng, khi tôi chuẩn bị rời Bộ Nội vụ về Sài Gòn, anh Bùi Thiện
Ngộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, gọi tôi lên nói thì tôi mới giật mình. Anh Ba
Ngộ nói: Bảy Thanh ơi, tôi không biết Lê Đức Anh đối xử với anh thế nào
nhưng, sau Đại hội, ông ấy bảo tôi đừng để Bảy Thanh ở trong ngành mà
nên chuyển ngay Bảy Thanh sang Bộ Thương mại”.
(175) Năm 1983, sau gần bảy năm lặn lội với lực lượng Thanh Niên Xung
Phong, ông được ông Võ Văn Kiệt yêu cầu về công tác trong ngành Công an.
Trong năm đó, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an Thành phố. Năm
1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông chính thức trở thành uỷ
viên Trung ương khi Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Mỹ Hoa chỉ
là uỷ viên dự khuyết. Trung tướng Võ Viết Thanh là anh hùng Quân đội. Bị
buộc phải ra đi ở một thời điểm mà không ai nghĩ là còn có kẻ thù.
Không chỉ gạt được tướng Giáp ra khỏi chính trường, vụ “Năm Châu - Sáu
Sứ” còn chặn được con đường của ông Võ Viết Thanh, người mà ông Võ Văn
Kiệt hy vọng sẽ giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi ông trở thành Thủ
tướng.
(176) Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 tại thôn An Xá, xã Lộc
Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Tướng Giáp kể: “Ông ngoại tôi vốn là
một lãnh binh theo nghĩa quân Cần Vương”. Những năm học ở Trường Quốc
Học Huế, cậu Giáp thường tới nhà cụ Phan Bội Châu đàm đạo và được cụ
Phan cho mặc sức sử dụng kho sách của mình. Giáp cũng chơi thân với thầy
giáo Đặng Thai Mai. Năm ông mười sáu tuổi, người Pháp đuổi học Nguyễn
Chí Diểu. Giáp khởi xướng một cuộc bãi khoá để phản đối. Vì sự kiện ấy
Giáp cũng bị đuổi học, về làng. Anh Nguyễn Chí Diểu đến An Xá tìm Giáp:
“Chúng tôi đã lập Đảng Tân Việt”. Giáp bảo: “Tôi đi với anh”. Võ Nguyên
Giáp là người đã góp phần tích cực đưa Tân Việt tham gia Đông Dương Cộng
sản Đảng. Tháng 10-1930, Giáp bị bắt cùng với thầy Đặng Thai Mai và
nhiều người khác, trong đó có Nguyễn Thị Quang Thái, em gái nữ sĩ Nguyễn
Thị Minh Khai. Năm 1929, Giáp cùng thấy Mai ra Hà Nội, vừa dạy sử ở
trường Thăng Long, vừa tự học lấy bằng cử nhân luật và kinh tế. Một
trong những học trò của tướng Giáp, ông Bùi Diễm, người đã từng là Bộ
trưởng Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hoà năm 1965, viết: “Những gì về ông
Giáp hồi ấy thật đặc biệt, vì vậy mà hơn nửa thế kỷ sau, tôi vẫn còn nhớ
rõ rệt. Phần giảng dạy của ông về Nã Phá Luân rất ly kỳ… Hình như ông
đã in tất cả trong đầu và sử trở thành một phần trong con người ông. Ông
như chìm đắm vào thế giới của mình và ông lôi kéo học trò vào thế giới
đó” (Bùi Diễm, Trong Gọng Kìm Lịch Sử, Phạm Quang Khai xuất bản năm
2000, trang 21, 22, 23). Năm 1946, khi ông Đặng Thai Mai chuyển từ Sầm
Sơn ra Hà Nội, Giáp tìm tới thăm, lúc này cô con gái của thầy Mai, Đặng
Bích Hà đã là một cô gái xuân mười chín. Họ lấy nhau và có bốn người
con. Sau 1954, cả gia đình tướng Giáp, kể cả người con gái của ông và bà
Quang Thái, Võ Hồng Anh, sống quây quần trong biệt thự 30 Hoàng Diệu.
(177) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, trang 36
(178) Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái cưới nhau năm 1935. Năm
1940, khi cùng Phạm Văn Đồng sang Vân Nam gặp Nguyễn Ái Quốc, Giáp chia
tay với người vợ trẻ khi họ vừa có Hồng Anh, con gái đầu lòng. Sau đó,
Nguyễn Thị Quang Thái bị Pháp bắt rồi chết ở trong tù vào năm 1944. Theo
lời kể của Giáo sư Võ Hồng Anh, con gái tướng Giáp: “Năm 1929, cha tôi
lần đầu tiên nghe nhắc đến cái tên Nguyễn Thị Quang Thái, cô em gái trẻ,
thông minh và rất xinh của Nguyễn Thị Minh Khai. Trong chuyến tàu cha
tôi trở lại Huế, tới Vinh thì gặp mẹ tôi lên tàu, cùng với một nữ sinh
Đồng Khánh. Lúc đó mẹ tôi mặc áo dài, tóc để xoã, da trắng, gương mặt
sáng. Nhưng điểm gây ấn tượng với cha tôi nhất là đôi mắt”.
(179) tướng Giáp là người đội mũ phớt trong bức hình chụp “34 chiến sỹ
này” nên về sau Lê Đức Thọ đã gọi ông là “ông tướng mũ phớt”.
(180) Năm 1948, với tư cách là uỷ viên Thường vụ Trung ương, ông Thọ
được cử vào Nam, nơi ông Lê Duẩn đang là bí thư Xứ uỷ Nam Bộ. Trong một
hội nghị do Xứ uỷ tổ chức vào năm 1949, Lê Đức Thọ đã xuất hiện như một
cấp trên, chỉ trích Xứ uỷ Nam Bộ bằng những lời lẽ nặng nề. Theo ông Võ
Văn Kiệt, người có mặt trong hội nghị này: “Mặc dù phái đoàn (anh Lê Đức
Thọ) có những đánh giá không sát với chiến trường Nam Bộ, nhưng trước
hội nghị, anh Ba vẫn nhận lấy trách nhiệm một cách nghiêm túc. Phát biểu
của anh Ba như tiếp thêm nguồn sinh lực và làm cho hội nghị trở nên hào
hứng khi anh phân tích có sức thuyết phục bằng tầm bao quát sâu rộng và
những lý lẽ được minh chứng bằng thực tiễn sinh động”. Con trai Tổng bí
thư Lê Duẩn, ông Lê Kiên Thành, nói rằng, khi mới vào Nam Bộ, ông Lê
Đức Thọ là cấp trên và ông cũng có ý định thay thế Lê Duẩn giữ chức bí
thư Xứ uỷ, nhưng đã bị ông Lê Duẩn thuyết phục hoàn toàn. Ông Lê Đức Thọ
sau đó đã chủ động xin ở lại làm phó cho Lê Duẩn.
(181) Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911, tại
xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Cha là Phan Đình Quế, làm hương
trưởng, chánh hương hội ở xã, từng được ban hàm cửu phẩm. Hai vợ chồng
ông Phan Đình Quế sinh được tám người con, trong đó có ba người theo
cộng sản: Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ), Phan Đình Dinh (Đinh Đức Thiện),
Phan Đình Đống (Mai Chí Thọ). Năm mười lăm tuổi, khi đang học tại trường
tiểu học tại Nam Định, Lê Đức Thọ đã tham gia bãi khoá và dự lễ truy
điệu cụ Phan Châu Trinh. Ba năm sau ông tham gia Đông Dương Cộng sản
Đảng, làm bí thư chi bộ học sinh. Tháng 11-1930, thì bị bắt, bị kết án
mười năm khổ sai và bị đày đi Côn Đảo. Ông được tha trước thời hạn vào
năm 1936. Nhưng, năm 1939, do có hai đảng viên phản bội, gần như tất cả
các tổ chức cộng sản ở bốn tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình
đều bị vỡ, trên 500 nguời bị bắt, trong đó có ba anh em Phan Đình Khải.
Theo Hoàng Tùng, một người cùng quê, bị bắt chung, “Phan Đình Khải bị
tra tấn rất dã man vẫn không khai”. Sau khi ra khỏi nhà tù Sơn La, Lê
Đức Thọ bắt đầu được giao phụ trách công tổ chức và huấn luyện cán bộ
(từ tháng 9-1944) và được chỉ định làm uỷ viên Trung ương Đảng, trực
tiếp phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ. Ông Thọ là một trong số các nhà lãnh đạo
của Đảng dự hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương đêm 9-3-1945, hội
nghị đề ra chủ trương “phát động một cao trào cách mạng đi tới cuộc tổng
khởi nghĩa”. Ông được cử vào Ban Thường vụ Trung ương tại hội nghị cán
bộ toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, tháng 8-1945 và kể từ sau Cách mạng
tháng Tám được chính thức giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Từ
năm 1956, sau khi ông Lê Văn Lương nhận án kỷ luật trong vụ cải cách
ruộng đất, Lê Đức Thọ chính thức làm trưởng Ban Tổ chức Trung ương
(182) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, tr 36
(183) Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956.
(184) Bài diễn văn ngày 9-7-1956 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn:
“Tháng 7-1956 đã đến, cuộc tổng tuyển cử đúng kỳ hạn theo hiệp định
Geneva quy định đang bị đế quốc Mỹ và chính quyền miền Nam phá hoại.
Nhưng, trong thời gian hai năm qua nhân dân ta đã thu được những thắng
lợi to lớn: miền Bắc được giải phóng và bước đầu được củng cố, phong
trào đấu tranh của nhân dân miền Nam được giữ vững và rèn luyện, sự đồng
tình quốc tế ngày càng vững thêm… Chủ trương của chúng ta là thống nhất
nước nhà bằng phương pháp hoà bình, và chúng ta nhận định rằng trong
điều kiện trong nước và thế giới hiện nay, sự nghiệp thống nhất nước nhà
của Việt Nam ta có khả năng hoàn thành bằng phương pháp hoà bình… Chúng
ta đã kháng chiến lâu dài để tranh thủ hoà bình, hoà bình được lập lại
là một thắng lợi của nhân dân ta. Hoà bình càng được củng cố lâu dài thì
thắng lợi của ta càng có điều kiện phát triển. Chúng ta kiên quyết đấu
tranh lâu dài để thực hiện thống nhất nước nhà. Đó cũng tức là cuộc thi
đua hoà bình giữa chế độ chính trị của miền Bắc và chế độ chính trị của
miền Nam ở trong phạm vi một nước” (Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956).
(185) Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956.
(186) Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956.
(187) Trong bài phát biểu trước cuộc mit tin ở Hà Nội ngày 9-7-1956,
tướng Giáp nói: “Trong tình thế hiện nay, chủ trương đó (thi đua hoà
bình) là chủ trương chính xác duy nhất. Nhận định trên hoàn toàn phù hợp
với sự phân tích tình hình thế giới của Đại hội lần thứ 20 của Đảng
Cộng sản Liên Xô, đại hội đã nêu ra những hình thức mới tiến lên chủ
nghĩa xã hội trong đó có đường lối hoà bình phát triển không dùng đến vũ
trang đấu tranh” (Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956).
(188) Văn Kiện Đảng Toàn Tập, tập 17-1956, trang 797-798.
(189 Sách đã dẫn.
(190) Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-1956.
(191) Sách đã dẫn.
(192) Nhiều tác giả, Tổng tập Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, trang 35-36.
(193) Nhiều tác giả, Tổng tập Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002.
(194) Phạm Văn Trà, Đời Chiến Sĩ, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2009.
(195) Nhiều tác giả, Tổng tập Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, trang 36.
(196) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster 2003, trang 26
(197) Sách đã dẫn
(198 Hai đại đội Quân Giải phóng đã đọ súng với một lực lượng quân Việt
Nam Cộng hoà đông gấp bốn lần, có thiết vận xa M113, máy bay, pháo binh
và cố vấn Mỹ. Kết quả, phía Việt Nam Cộng hoà: sáu mươi chết, 109 bị
thương; cố vấn Mỹ: 3 chết, 8 bị thương. Phía Quân Giải phóng, ngay trong
đêm rút lui an toàn về Đồng Tháp mươi.
(199) Viện trưởng Viện Triết học, Hiệu phó Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.
(200) Tháng 4-1963, ông Ung Văn Khiêm đã bị cho thôi chức Bộ trưởng Ngoại giao sang làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
(201) Tháng 9-1963, Đại tá Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm phó Tổng tham
mưu trưởng và vào “cuối mùa đông” năm đó ông được cử vào Nam. Theo ông
Lê Đức Anh: “Trước ngày ra đi ông Văn Tiến Dũng căn dặn: ‘Vào tới nơi
anh báo cáo với hai anh Nguyễn Văn Linh và Trần Văn Trà, bàn với các anh
thực hiện Nghị quyết 15: Việc thứ nhất, ra sức xây dựng lực lượng quân
sự tại chỗ; thứ hai, miền Đông Nam Bộ thì nên mở rộng ra hướng biển
Đông; thứ ba, cố giành và khai thác nhân tài, vật lực để phát triển cách
mạng’. Sau đó, ông Lê Đức Anh sang gặp ông Lê Duẩn tại số 6 Hoàng Diệu,
ông Lê Duẩn nói: ‘Ba ý kiến đó đúng. Nhưng thêm một điều quan trọng
nữa, là chú trọng xây dựng lực lượng cách mạng và hoạt động vũ trang ở
trong đô thị và vùng ven đô” (Đại tướng Lê Đức Anh, Nhà Xuất bản Quân
đội Nhân dân 2005, trang 63). Khi ấy, ở Trung ương Cục ông Nguyễn Văn
Linh đang là bí thư; ở Bộ chỉ huy Miền, tướng Trần Văn Trà làm tư lệnh,
cả hai đều nói: “Thế thì chúng ta cứ làm theo ý của anh Ba Duẩn và anh
Văn Tiến Dũng” (Đại tướng Lê Đức Anh, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân
2005, trang 65).
(202) Theo Đại tướng Phạm Văn Trà: “Ngày 1-12-1963, tôi được thông báo
về nhận nhiệm vụ mới… Chúng tôi hành quân vào tập kết ở Tây Hồ, huyện
Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Tại đây, các đồng chí Tô Ký, Đồng Văn Cống,
quán triệt tình hình nhiệm vụ, động viên và bố trí chuẩn bị lần cuối
thật chu tất cho chuyến hành quân xa” (Đại tướng Phạm Văn Trà, Đời Chiến
Sĩ, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2009, trang 87).
(203) Giữa năm 1963, Sắc lệnh cấm treo cờ của các giáo phái, các nhóm
tôn giáo và các đảng phải chính trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã tạo
ra một làn sóng chống đối. Trong cuộc biểu tình tại Huế vào ngày
8-5-1963, binh lính đã nổ súng vào đoàn người biểu tình. Ngày 11-6-1963,
tại Sài Gòn, trước ngã tư Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt, hoà thượng
Thích Quảng Đức đã tự thiêu. Bức ảnh chụp vị sư già ngồi thiền trong khi
lửa cháy được truyền đi khắp thế giới như một bằng chứng về sự mất lòng
dân của Ngô Đình Diệm. “Giọt nước tràn ly” khi ngày 21-8-1963, lực
lượng của Ngô Đình Nhu bất ngờ khám xét hàng loạt chùa chiền, bắt đi hơn
1.400 nhà sư.
(204) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 35
(205) Ngày 2-11-1963: 6:20, ông Diệm gọi điện thoại cho tướng Trần Văn
Đôn xin đầu hàng và được an toàn tới phi trường để ra đi cùng với Ngô
Đình Nhu; 6:45 tướng Khiêm được ông Diệm cho biết nơi hai anh em ông
đang trốn; 7:00 tướng Big Minh sai Mai Hữu Xuân đi đưa ông Diệm về Bộ
Tổng Tham Mưu; 8:30 hai anh em Diệm và Nhu bị giết trong một chiếc xe
M113, trên xe khi ấy có Đại uý Nguyễn Văn Nhung, cận vệ tướng Big Minh.
Không rõ ai đã ra lệnh giết hai ông Diệm - Nhu vì sau đó ít lâu Đại uý
Nhung đã chết và được công bố là “tự tử”.
(206) Mật danh các chiến trường miền Nam: B-2 gồm các tỉnh Nam Bộ; B-3
Tây Nguyên. Các chiến trường Campuchia gọi là K; Lào gọi là C.
(207) tướng Giáp khẳng định với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara trong
cuộc gặp ngày 23-6-1997 tại Hà Nội. Năm 2005, tài liệu giải mật của Nhà
Trắng cho thấy Tổng thống Johnson biết là không có cuộc tấn công thứ hai
vào ngày 4-8. Tuy nhiên, sự kiện ấy đã không được Nhà Trắng báo cho
Quốc hội và ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng cũng bất ngờ khi nghe tướng
Giáp nói.
(208) Đại tướng Phạm Văn Trà kể: “Ngày 14-8-1964, đoàn chúng tôi chính
thức lên đường. Đoàn xe ô tô của Tổng cục Hậu cần đưa chúng tôi về Nam
theo đường số 1. Toàn đoàn trên dưới 160 anh em, hầu hết là sĩ quan cấp
uý… Trước đó hơn một tuần, không quân Mỹ đã ào ạt đánh phá Đồng Hới,
Quảng Bình, Vinh - Cửa Hội, Nghệ An, Lạch Trường, Thanh Hoá, Hòn Gai,
Quảng Ninh… Bà con ở Vinh kể lại, ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ ném bom
trúng kho xăng Bến Thuỷ, mặc dầu xăng dầu ta chuyển sơ tán từ trước, chỉ
còn dầu cặn, nhưng khói lửa vẫn bùng cao hàng nghìn mét” (Đại tướng
Phạm Văn Trà, Đời Chiến sĩ, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2009, trang
92).
(209) Theo Đại tá Lê Trọng Nghĩa, tướng Trần Quý Hai là người thân tín của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.
(210) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 42
(211) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, sách đã dẫn, trang 124.
(212) Mikhalowski, được nói là “đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp gỡ với
Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông nói: “Tôi được uỷ nhiệm của các đồng chí lãnh
đạo chúng tôi đến tìm hiểu ý kiến của các đồng chí về việc này… Tôi
nghĩ rằng nếu Tổng thống Mỹ thấy các đồng chí bác bỏ khả năng đàm phán
thì chỉ còn con đường đẩy mạnh chiến tranh” (Lưu Văn Lợi & Nguyễn
Anh Vũ, sách dã dẫn, trang 127-128). Nhưng, Hồ Chí Minh còn tỏ ra cứng
rắn hơn cả Phạm Văn Đồng: “Tại sao Mỹ phải đi gõ cửa khắp nơi? Chính Mỹ
gửi quân đội Mỹ đến đây, bây giờ Mỹ phải đình chỉ xâm lươc, như vậy vấn
đề sẽ giải quyết. Mỹ phải cút đi!… Chúng tôi không muốn trở thành người
chiến thắng. Chúng tôi chỉ muốn Mỹ cút đi! Gut-bai (Goodbye)” (sách dã
dẫn, trang 128). Mikhalowski cố gắng: “Chiến tranh ghê gớm sẽ kéo dài
năm năm, mười năm. Tại sao không vận dụng chiên thuật chính trị để đạt
được kết quả tương tự? Rất có thể là Mỹ bây giờ cũng muốn rút lui theo
một phương thức nào đó” (sách dã dẫn, trang 129). Hồ Chí Minh: “Mỹ có
mạnh hơn Pháp, nhưng ngay nay chúng tôi cũng mạnh hơn trước kia… Khi
chống Pháp, chúng tôi có một mình, bây giờ có cả phe xã hội chủ nghĩa
ủng hộ chúng tôi” (sách dã dẫn, trang 129). Mikhalowski: “Nhưng phe xã
hội chủ nghĩa của chúng ta không nhất trí. Chỉ có các đồng chí là đổ
máu. Gia phải trả sẽ rất cao” (sách dã dẫn, trang 129). Hồ Chí Minh:
“Nhân dân Việt Nam không sợ. Nếu đời chúng tôi không hoàn thành thì con
cháu chúng tôi sẽ hoàn thành” (sách dã dẫn, trang 129).
(213 Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ -
Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 2002, trang 147.
(214) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, sách đã dẫn, trang 147.
(215) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, sách đã dẫn, trang 148.
(216) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, sách đã dẫn, trang 149.
(217) Raymond Aubrac, 1914-2012, và vợ ông, bà Lucie, 1912-2007, là hai
nhân vật kiệt xuất trong cuộc Kháng chiến của người Pháp chống Phát xít
Đức (1940-1944). Trong thời gian lãnh đạo chính quyền ở Marseille, nửa
cuối năm 1944, Raymond Aubrac đã tận tình giúp đỡ giới “lính thợ” (ONS)
người Việt ở vùng này, những người mà về sau trở thành những hạt nhân
đầu tiên của phong trào Việt kiều ở Pháp. Mùa hè 1946, khi tới Pháp, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã tìm gặp Raymond Aubrac. Chỉ sau một lần tiếp xúc,
chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân cận trong phái đoàn (Vũ Đình
Huỳnh, thư ký riêng, đóng vai ‘tuỳ viên quân sự’, Phạm Văn Đồng, người
sẽ cầm đầu phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Hội nghị
Fontainebleau…) đã trở thành “khách” thường trú tại ngôi nhà của ông bà ở
Soisy-sous-Montmorency (cách Paris 16 km về phía bắc). Cũng trong thời
gian này, bà Lucie đã sinh hạ con gái út là Elisabeth (Babette) mà Hồ
Chủ tịch nhận làm cha đỡ đầu. Ngoài chuyến đi đến Hà Nội năm 1967, năm
1975, khi chiến tranh vừa chấm dứt, Raymond Aubrac đã thuyết phục được
McNamara trao cho chính phủ Việt Nam toàn bộ các bản đồ các bãi mìn dọc
theo “bức tường McNamara” (theo Nguyễn Ngọc Giao).
(218) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ
- Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 2002, trang 215.
(219) Phạm Văn Đồng đã nói cụ thể với hai sứ giả của Washington: “Có
hai loại vấn đề: thương lượng và giải pháp. Muốn có thương lượng, chúng
tôi đứng trên lập trường nguyên tắc của chúng tôi: phải chấm dứt không
điều kiện việc ném bom miền Bắc mới có thể thương lượng. Trong quá trình
thương lượng, chúng tôi biết chúng tôi phải nói gì. Mỹ hãy chuẩn bị về
phía họ!”. Aubrac: “Thế nào là việc ném bom không điều kiện?”. Phạm Văn
Đồng: “Tôi muốn họ ra một tuyên bố. Nhưng chúng tôi không quá khó tính”.
Marcovich: “Có lẽ là một việc ngừng ném bom trên thực tế, không tuyên
bố”. Phạm Văn Đồng: “Chúng tôi không khó tính về điểm này. Điều chủ yếu
là ngừng không điều kiện. Chúng tôi sẽ không nói chuyên dưới sự đe doạ
của bom đạn”. Marcovich nhắc lại điều mà một năm trước đó Sainteny đã
nói: “Hoa Kỳ không muốn chịu mất thể diện. Kissinger đã nói với chúng
tôi: làm thế nào giúp họ rút đi” (Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, Các
cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an
Nhân dân 2002, trang 218).
(220) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ
- Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 2002, trang 228.
(221) Lưu Văn Lợi & Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ
- Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 2002, trang
228-229.
(222) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 42
(223) Vũ Kỳ, “Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998.
(224) Vũ Kỳ, “Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998.
(225) Vũ Kỳ, “Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998.
(226) Vũ Kỳ, “Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998.
(227) Báo Nhân Dân số ra ngày 7-1-2008.
(228) Vũ Kỳ, “Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998.
(229) Theo Vũ Kỳ: “Hai Bác cháu lại ngồi im lặng bên nhau, nghe tin
tức, ca nhạc và nghe ngâm thơ Tết, chờ đón giao thừa. Thời gian trôi đi
chầm chậm. Thấy vẻ Bác trầm ngâm đượm buồn… Từ ngày Bác trở về nước sau
hơn ba mươi năm xa tổ quốc, có năm nào Tết đến mà Bác không đến với đồng
bào và chiến sĩ đâu… Chỉ có mùa xuân này Bác phải xa tổ quốc. Bác bảo
tôi: chú mở cái băng gì vui vui cho Bác nghe với. Tôi biết Bác thương
nhớ nhất các cháu nhỏ nên tôi chọn một băng có nhiều bài hát thiếu nhi
mở cho Bác nghe. Khi một giọng hát ngây thơ của một em bé hát bài “Bé bé
bồng bông… em đi sơ tán, mai về phố Đông”, tôi thấy Bác mỉm cười. Có
tiếng pháo nổ ran tiễn Đinh Mùi đón Mậu Thân. Cùng lúc, từ chiếc đài bán
dẫn, lời chúc Tết của Bác Hồ vang lên sang sảng:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!
Tiếng Bác Hồ ngân vang. Trong căn phòng vắng chỉ có hai người”. Bài thơ
trên đây được Hồ Chí Minh làm trong gần ba tháng khi đang ở Bắc Kinh và
đã được thu thanh khi ông về Hà Nội hồi cuối tháng 12-1967 (Vũ Kỳ, “Bác
Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy”, báo Văn Nghệ số Xuân năm 1998).
(230) Đặng Kim Giang là một trong bốn chỉ huy quan trọng nhất của chiến
dịch Điện Biên Phủ, với vai trò chủ nhiệm cung cấp của mặt trận, ông đã
đảm bảo mỗi ngày năm mươi tấn gạo cho chiến dịch. Năm 1958, ông được
phong quân hàm thiếu tướng. Năm 1962, ông ra làm thứ trưởng Bộ Nông
trường.
(231) Ông Nguyễn Kiến Giang, người bị bắt giam sáu năm và quản chế ba
năm, nói: “Cho đến bây giờ tôi cũng không biết là tôi có tội gì nữa.
Người ta bảo là tôi phản động, tay sai nước ngoài, thì cũng nghe nói thế
thôi, chứ còn trên thực tế, bị giam ở xà lim mấy năm, thêm mấy năm quản
chế, khoảng gần mười năm, cho đến khi trở về Hà nội với tư cách là một
người công dân, tôi cũng không biết là tôi có tội gì. Cho tới nay cũng
không ai nói với tôi là tôi có tội gì nữa”.
(232) Ngày 27-1-1972, Ban Chấp hành Trung ương mới ra nghị quyết tước
quân hàm trung tướng của ông Nguyễn Văn Vịnh, khai trừ đảng tịch ông
Vịnh, ông Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng và Lê Liêm. Ngày 13-10-1977, sau
khi giữ đảng tịch, giữ quân hàm thiếu tướng cho tướng Vịnh, Quyết định
số 255 do chính Lê Đức Thọ ký, viết: “Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh biết Đặng
Kim Giang là phần tử xấu có quan điểm chống lại Nghị quyết 9 của Đảng
vẫn quan hệ trao đổi một số quan điểm sai trái về đường lối chống Mỹ,
tiết lộ những tin tức cơ mật về quân sự, chính trị với Giang. Giang đã
sử dụng những tin ấy để hoạt động chống Đảng và cung cấp cho người nước
ngoài. Nhưng tác hại không lớn. Đồng chí Vịnh không có quan hệ về tổ
chức và hành động với nhóm chống Đảng của Đặng Kim Giang và không biết
Giang hoạt động chống Đảng có tổ chức như sai lầm của 3 uỷ viên Trung
ương: Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Bùi Công Trừng”.
(233) Từ năm 1973, ông Phạm Văn Hùng là thư ký ông Võ Văn Kiệt.
(234) Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, tr 39.
(235) Theo ông Nguyễn Nhật Hồng, trưởng phòng B29, một phòng đặc biệt
phụ trách chi viện cho miền Nam: Trong năm 1967, Trung ương cho in
10.000 hòm tiền “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam”; vì số tiền này
dự định phát hành trong năm 1968 nên có mật danh là “hàng 68”. Khi ấy, ở
Trung ương Cục cũng đang tồn 14.000 hòm tiền “Chánh phủ Lâm thời Cộng
hoà Miền Nam Việt Nam”, mật danh là “hàng 65”. Dự kiến, tuỳ theo tình
hình, giải phóng ở cấp độ nào thì dùng “hàng” ở quy mô ấy.
(236) tướng Giáp phát biểu với các tướng lĩnh làm công tác Tổng kết chiến tranh ngày 9-2-1999 - Theo tướng Lê Phi Long.
(237) Lê Duẩn phát biểu tại Hội nghị Trung ương 14, tháng 12-1967:
“Muốn thắng nó, làm sập nó dữ, không phải đánh thường thường như bây
giờ, mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn đó là chuyển qua
tổng công kích, tổng khởi nghĩa”. Ông giải thích: “Tổng công kích, tổng
khởi nghĩa… (theo) quan niệm của Lênin: khởi nghĩa ở đô thị là một cuộc
cướp chính quyền, là giai đoạn đầu tiên của chiến tranh cách mạng, không
có cuộc khởi nghĩa nào rồi là xong đâu, như ta làm Cách mạng Tháng Tám
rồi, ta phải kháng chiến chín năm nữa”. Nhưng, ông nhấn mạnh: “Cuộc khởi
nghĩa ta nói đây là một giai đoạn cuối cùng, không phải giai đoạn đầu,
không phải là một cú, mà là một giai đoạn… Ta có lý luận quân sự,… có
những lực lượng quân sự khá mạnh, những chủ trương lớn và những mũi nhọn
khá mạnh đánh ngay vào tim nó; vùng dậy cả về quân sự, chính trị trong
một thời gian. Ở đây ta có nhảy vọt lên, nó có nhảy vọt xuống, ghê gớm
lắm, không lường thế nào cho hết đâu. Nếu Sài Gòn bị sập một cái, nửa
triệu người, vài ba chục vạn người cầm súng cho ta đánh nó thì lắm vấn
đề lớn lắm, không lường hết được” (Báo Nhân Dân số ra ngày 7-1-2008).
(238 Báo Nhân Dân số ra ngày 7-1-2008.
(239) Đại tá Tư Chu giải thích: “Theo kế hoạch chiến đấu Đợt Một Mậu
Thân thì các đơn vị Biệt động có nhiệm vụ xung kích, cố giữ các mục tiêu
trong vòng một giờ, sẽ có các tiểu đoàn bộ binh mũi nhọn của các phân
khu tiến vào tiếp ứng để đánh chiếm toàn bộ mục tiêu, tiêu diệt cơ quan
đầu não của Mỹ-Nguỵ, đồng thời có binh biến của một số đơn vị nguỵ quân,
có nổi dậy của hàng vạn thanh niên và quần chúng ở các quận nội đô để
giành quyền làm chủ các địa bàn, mục tiêu ta chiếm được. Trên thực tế,
không có binh biến cũng như nổi dậy, bộ đội chủ lực thì có nơi không vào
kịp, hoặc không vào được, chỉ có các đơn vị biệt động đánh vào 5 mục
tiêu một cách đơn độc, có đơn vị phải chiến đấu cho đến người cuối
cùng”.
(240) Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Sự Thật 2002, tr 39.
(241) Ở Huế: Khoảng 2:40, một tiểu đoàn đặc công người Huế, 2 trung
đoàn bộ binh người miền Bắc và một tiểu đoàn hoả lực tràn vào chiếm
Thành. Trong 6 ngày đầu của cuộc tấn công, Đại tá Tỉnh trưởng Thừa Thiên
Phạm Văn Khoa phải trốn trên xà nhà của một bệnh viện. Quân Giải phóng
đã trụ được 26 ngày và một số ngày trong khoảng thời gian này, cờ xanh -
đỏ - sao vàng đã được kéo lên cột cờ cao nhất ở Huế. Nhưng, Huế đã bị
tàn phá nặng nề bởi bom đạn của cả đôi bên: 14.000 thường dân chết;
24.000 dân thường bị thương, chưa kể gần 3.000 lính Sài Gòn và lính Mỹ;
627.000 người dân mất nhà mất cửa. Có nhiều người Huế đã bị bắt đi, bị
thủ tiêu. Huế, đã trở thành một biểu tượng khiến cho khi nói về Mậu
Thân, người dân miền Nam đã nghĩ ngay đến màu tang tóc. Ở miền Tây, theo
Đại tướng Phạm Văn Trà: “Tiểu đoàn chúng tôi, ngày xuất quân với 7 đại
đội đủ quân, xấp xỉ một nghìn tay súng, sau khi kết thúc đợt 1, chỉ còn
trên một trăm cán bộ, chiến sĩ. Có tiểu đoàn, khi đánh vào Cần Thơ bộ
đội ngồi chật cả trăm xuồng, khi ra chỉ vài chục chiếc, mỗi chiếc chở
vài ba anh em. Đành rằng, trong chiến tranh, không phải lúc nào cũng lấy
việc ‘đếm xác’ của hai bên trên chiến trường để kết luận sự thắng bại;
nhưng để tổn thất lớn là điều chúng ta phải trăn trở, suy nghĩ; đặc biệt
đối với chúng tôi là những người cầm quân trên chiến trường… Tôi nhớ
khi đó anh em trong đơn vị đã truyền nhau mấy câu lục bát:
Vòng cung đi dễ khó về
Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom;
Hay là:
Tưởng là lên lộ đi xe
Ai ngờ trở lại không ghe, không xuồng.
Chủ nhân của mấy câu lục bát ấy, một phong viên mặt trận, bị phát hiện
và chịu nhận hình thức cảnh cáo”(Phạm Văn Trà, Hồi ký Đời Chiến sỹ, Nhà
Xuất bản Quân đội Nhân dân 2009, trang 142-143). Trên thực tế chiến
trường, Cuộc Tổng công kích và khởi nghĩa đã bị nghiền nát. Tài liệu
kiểm điểm của Khu uỷ Khu IX, nơi ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư từ năm 1970,
viết: Do“chăm bẵm vào khả năng giải phóng hoàn toàn”, Khu uỷ đã tập
trung toàn lực, tấn công vào đầu não đô thị. Quân đội Mỹ và Sài Gòn,
nhân cơ hội ấy, tiến hành “Bình định đặc biệt”,“Bình định cấp tốc” ở
vùng nông thôn, gom dân vào ấp, cán bộ đảng viên bị dạt ra khỏi dân.
Quân đội Sài Gòn đóng thêm 1000 đồn bốt. Trong số 250 xã Miền Tây Nam
Bộ, cuối năm 1968, có 50 xã, đảng viên phải ly hương; 40 xã khác, chỉ
còn một hoặc hai đảng viên. Các trung đoàn chủ lực cũng bị đánh dạt sâu
về Trà Vinh, U Minh. Trong khi số lượng du kích sụt, tân binh lại không
tuyển được ngay cả trong những “xã giải phóng”… Trong Chiến dịch Mậu
Thân, ông Võ Văn Kiệt đã vào sâu tận nội thành Sài Gòn, chiều mùng Một
Tết, ông đã có mặt ở một xóm nhỏ gần đình Bình Đông, Quận Tám. Tiền
phương của Sài Gòn cũng nhận được những lệnh liên tiếp tập kích vào đô
thị để “giành thắng lợi tối đa”. Những người trực tiếp ở chiến trường
như ông đã phải chứng kiến sự hy sinh quá lớn. Ông nói: “Lúc đó tôi đau
đến mức nhiều lần bật khóc”. Hơn 11 vạn quân giải phóng đã hy sinh trên
toàn chiến trường, còn thương vong của dân chúng thì không thể nào tính
được. Phần lớn căn cứ địa Quân Giải phóng ở nông thôn đã trở thành “đất
trắng”. Chưa bao giờ quân Giải phóng ở trong tình trạng như vậy, có
những sỹ quan chỉ huy cấp sư đoàn cũng chịu không nổi, phải ra đầu hàng
chính quyền Sài Gòn. Ngày 9-2-1999, khi nói chuyện với các tướng lĩnh
làm Tổng kết chiến tranh, tướng Giáp nói: “Có đồng chí chỉ huy gửi điện
cho tôi nói rõ tình hình bộ đội tan tác, ẩn nấp trong rừng mặn ngập nước
ở phía Đông Nam Sài Gòn, tướng không chỉ huy được quân nữa. Ở Huế, anh
Trần Văn Quang gửi tôi một bức điện dài 16 trang, xin rút. Tôi đồng ý và
viết điện trả lời. Sáng hôm sau giao ban thấy bức điện vẫn để nguyên
trên bàn, tôi hỏi tại sao chưa gửi thì anh Văn Tiến Dũng trả lời: ‘Việc
này hệ trọng phải đem ra bàn bạc trong tập thể Quân uỷ đã, mình anh
quyết định sao được’. May mà lúc đó ở dưới, anh em đã rút. Đồng chí Tư
Chu, chỉ huy Biệt Động Sài Gòn, cũng có kể cho tôi nghe thực cảnh bộ đội
sau năm 1968. Thiệt hại to lớn quá. Giá đắt quá! Về Huế thì anh Đặng
Kinh, khi ấy là phó tư lệnh Mặt trận, biết quá rõ. Sau này anh ấy ra Bộ
báo cáo và để lại nhiều tài liệu quan trọng. Những băn khoăn về Mậu Thân
còn dai dẳng, thời gian cũng không thể che lấp được. Lịch sử đang đợi
những người còn sống phải làm rõ, nhất là những người có chức, có
quyền”.
(242) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 47
(243) Sách đã dẫn.
(244) Sách đã dẫn.
(245) Xem Phụ lục: Đánh & Đàm.
(246) Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành dinh trong mùa xuân Đại thắng, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2000, trang 48-49.
(247) Sách đã dẫn, trang 54.
(248) Sách đã dẫn, trang 55.
(249) Sách đã dẫn, trang 55.
(250) Sách đã dẫn, trang 55.
(251) Sách đã dẫn, trang 55.
(252) Mật danh của Khu IX.
(253) Các tướng lĩnh cho rằng Trần Quỳnh đã bịa đặt khi viết trong Hồi
ký: “Mọi việc quân sự, Lê Duẩn trực tiếp làm việc với Bộ tổng tham mưu,
có khi làm việc trực tiếp với Cục tác chiến. Nơi làm việc có khi là
trong Bộ Quốc phòng, có khi tại nhà riêng của Lê Duẩn, có khi tại khu
nhà khách Trung ương Quảng Bá, có khi là khu nghỉ mát Đồ Sơn. Sau đó anh
em ở Bộ tham mưu, Cục tác chiến làm đề án trình Quân uỷ, rồi Quân uỷ
trình ra Bộ chính trị quyết định. Cách làm việc của Lê Duẩn có tính cách
gia đình, không biên bản không ghi âm. Lê Duẩn nói, anh em ghi chép.
Chính cách làm việc này để lại hậu quả là kẻ có dã tâm nhận ý kiến của
Lê Duẩn làm của mình”.
(254) Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành dinh trong mùa xuân Đại thắng, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2000, trang 67.
(255) Trần Văn Trà, Hồi ký Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, Nhà Xuất bản Văn Nghệ TP HCM 1982.
(256) Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 493
(257) Quân lực Việt Nam Cộng hoà lúc đó ở trong tình trạng: “Không đủ
để thay thế các thiết bị hư hỏng hoặc mất mát; Giảm 50 phần trăm hiệu
năng của số máy bay đã hạ cánh thuộc 11 phi đội hàng đầu; Giảm 30 phần
trăm sự hoạt động của các tầu biển và 82 phần trăm đối với các tầu sông;
Quân nhu y tế sẽ sử dụng hết vào cuối tháng Năm năm 1975; Nhiên liệu
cho lục quân sẽ cạn kiệt vào cuối tháng Tư năm 1975; Vào cuối năm tài
khoá 1975, Quân đội sẽ chỉ có một phần tư số dự trữ đạn dược tối thiểu
cần thiết để đối phó một cuộc tấn công lớn; Các máy bay và thiết bị mặt
đất không dùng đến sẽ bị hư hỏng nhanh chóng” (Henry Kissingger, Ending
the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 496).
(258) Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành dinh trong mùa Xuân Đại Thắng, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2000, trang 93.
(259) Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành dinh trong Đại thắng Mùa Xuân, Nhà Xuất bản Chinh trị Quốc gia 2000.
(260) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2002, trang 664.
(261) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2002, trang 665.
(262) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2002, trang 666.
(263) Tiền thân là Mặt trận Quảng Đà, gồm Quân đoàn II, Quân đoàn IV,
Sư 3 và Quân khu V. Ngày 16-4-1975, lực lượng của “Cánh quân Duyên Hải”
đã đánh vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn III Sài Gòn ở Phan Rang, bắt sống Trung
tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Không quân Phạm Ngọc Sang và lúc
bấy giờ đã đánh vỡ tuyến phòng thủ Sài Gòn từ xa, đưa một đạo quân gần
bốn vạn người, cùng với 2.500 xe pháo các loại trong đó có gần l00 xe
tăng thiết giáp, 250 xe kéo pháo vào khu vực tập kết. 264 Điện ngày
7-4-1975 của tướng Giáp gửi Lê Trọng Tấn:
“Mệnh lệnh
1- Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng
giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam. Quyết chiến và toàn
thắng.
2- Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ.
Văn”.
(265) Trong cuốn Tổng tập Lê Duẩn, cả ông Lê Hữu Đức và bà Diệu Muội đều nhầm là ngày 29-4-1975.
(266) Trong chiến tranh, Cục Tác chiến là cơ quan trực tiếp báo cáo
tình hình chiến trường và chuẩn bị các tài liệu, kể cả soạn thảo các
nghị quyết cho Quân uỷ và Bộ Chính trị, và các bức điện ký tên các nhân
vật trong Bộ Chính trị. Theo Trung tướng Cục Trưởng Tác chiến Lê Hữu
Đức, trong suốt 55 ngày đêm của Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ có bức điện
ngày 9-3-1975 là do chính tay ông Lê Duẩn viết, “Tất cả những bức điện
ký tên Anh Ba khác đều do cơ quan Tác chiến chúng tôi dự thảo, anh duyệt
và ký tên, cơ quan Tác chiến chuyển qua Cục Cơ yếu điện đi”.
(267) Lê Duẩn, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 667.
(268) Cũng năm ấy, ông Phạm Hùng được cử thay thế Bộ trưởng Nội vụ Trần
Quốc Hoàn; Nguyễn Cơ Thạch chính thức làm Bộ trưởng Ngoại Giao thay thế
Nguyễn Duy Trinh; ông Tố Hữu được cử làm Phó Thủ tướng đặc trách kinh
tế.
(269) Khi ấy là uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị.
(270) “Vụ án Chống Đảng” mà Lê Đức Thọ tiến hành được trợ lý của Tổng
bí thư Lê Duẩn, ông Trần Quỳnh, kể: “Đặng Kim Giang khai, linh hồn của
tổ chức là Võ Nguyên Giáp. Họ liên lạc với Đại sứ Tchecbakov”. Đại sứ
Tchecbakov được coi là một “sĩ quan tình báo” của Liên Xô. Theo Trần
Quỳnh thì đích thân Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn đã báo cáo với Lê Duẩn
về “vai trò của Võ Nguyên Giáp trong tổ chức chống Đảng này”. Trần Quỳnh
viết: “Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn đề nghị kỷ luật những người cầm
đầu: Khai trừ ra khỏi Đảng, cách chức, quản thúc một số, nhưng cho hưởng
nguyên các chế độ đãi ngộ… Riêng về Giáp kỷ luật được đề nghị là khai
trừ khỏi Bộ chính trị, Lê Duẩn không đồng ý. Lê Duẩn nói rằng chúng ta
đang cần đến sự giúp đỡ của Liên Xô trong công cuộc xây dựng Miền Bắc và
nhất là trong sự nghiệp giải phóng Miền Nam. Giáp là người của Liên Xô,
nếu kỷ luật Giáp sẽ động đến Liên Xô ảnh hưởng không nhỏ đến sự viện
trợ của Liên Xô. Tôi đề nghị cứ để Giáp ở lại trong Bộ chính trị. Ta sẽ
có cách làm việc với Giáp làm cho sự ở lại và có mặt của Giáp không gây
ra những hậu quả có hại”.
(271) Chỉ có tờ Tổ quốc, cơ quan của Đảng Xã hội Việt Nam, vào dịp
7-5-1984 vẫn phát hành một số đặc biệt nói về Điện Biên Phủ, trong đó ca
ngợi tài năng và, lần đầu tiên nói đến quyết định “kéo pháo ra” của
tướng Giáp. Tuy tờ Tổ quốc là của Đảng Xã hội, nhưng tổng biên tập, ông
Hàm Châu vẫn là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nên việc ca ngợi
tướng Giáp đã khiến ông Hàm Châu bị Ban Tuyên huấn của Đảng Cộng sản
Việt Nam nhắc nhở. Theo ông Hàm Châu: Ông Phan Quang, vụ trưởng báo chí
của Ban Tuyên huấn Trung ương, gọi ông lên hỏi: “Vì sao đã có chỉ thị
không nhắc tên cá nhân anh Giáp mà Tổ quốc vẫn đưa?”. Chủ trương không
nhắc tên Võ Nguyên Giáp trong các bài kỷ niệm ba mươi năm chiến thắng
Điện Biên Phủ là một “chỉ thị miệng” chỉ được Lê Đức Thọ truyền đạt tới
ba cơ quan báo chí lớn: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân và Thông tấn xã Việt
Nam. Trong cuộc gặp này, Lê Đức Thọ nói: “Từ nay đừng bao giờ nhắc đến
tên cái ông tướng đội mũ phớt nữa”. Ông Hàm Châu nói: “Thậm chí, Lê Đức
Thọ còn định lấy ngày thành lập đội du kích Bắc Sơn, 14-2-1941, thay vì
ngày thành lập Đội tuyên truyền giải phóng quân 22-12-1944 làm ngày
thành lập quân đội”. Cho dù “chỉ thị miệng” này ngay sau đó được các
đồng nghiệp ở báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân truyền
đi. Nhưng, về lý thì không thể kỷ luật những người không nhận được lệnh
này một cách trực tiếp. Phan Quang chấp nhận giải trình của Hàm Châu.
Ông Hàm Châu nói: “Thâm tâm, chính Phan Quang cũng không đồng ý với chỉ
thị của ông Lê Đức Thọ”.
(272) Nhân sinh nhật lần thứ 75 của Tổng bí thư Lê Duẩn, báo Nhân Dân
số ra ngày 7-11-1982 đăng bài “Sáng tạo, một tấm gương lớn” của Thép
Mới viết về cuộc đời của Tổng bí thư Lê Duẩn. Sau khi nhắc đến Nguyễn
Trãi, Hồ Chí Minh, Thép Mới coi “Đề cương cách mạng miền Nam” như một
loại sách “Bình Mỹ” mà Lê Duẩn đã “thai nghén từ Biên bạch tới Sài Gòn”
để sánh với sách “Bình Ngô” mà Nguyễn Trãi ngồi ở “góc thành Nam, lều
một gian” viết 600 năm trước. Dẫn lại một nhận xét về Lê Duẩn của Hoài
Thanh: “Mỗi lần anh phát biểu ý kiến, chúng ta đều thấy có gì mới và
sâu, soi sáng rất nhiều cho chúng ta”, Thép Mới viết: “Có sức nghĩ của
những con người là chỗ dựa cho mạch nghĩ của cả một thế hệ và là điểm
tựa chắc chắn cho cả mai đây”. Từ năm 1984, Ban Bí thư cử một nhóm viết
tiểu sử và hồi ký cho Tổng bí thư Lê Duẩn, nhóm gồm ba người: Thép Mới,
Bùi Tín và Đống Ngạc, thư ký riêng của Lê Duẩn. Nhóm được ông Lê Duẩn
trực tiếp kể về mình tại nhà nghỉ Hồ Tây hoặc tại Đồ Sơn. Cùng nghe có
ông Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng. Đến buổi thứ 5 thì Bùi Tín xin
rút. Loạt bài, Thời Thắng Mỹ (đăng 17 kỳ liên tiếp mỗi tuần từ số báo Nhân Dân ra ngày 21-1-1985), về sau xuất hiện trên báo Nhân Dân chỉ còn đứng tên Thép Mới.
(273) Trong phần nói về cuộc tập kết năm 1955, Thép Mới viết: “Đến giờ
kéo neo tàu chạy, anh Ba nắm tay anh Sáu (Lê Đức Thọ): ‘Anh ra thưa với
Bác là tất cả đồng bào, đồng chí trong này ngày đêm mong Bác sống lâu,
mạnh khỏe. Anh cho tôi gửi lời chào Bác, anh Trường Chinh và tất cả các
anh ngoài đó. Tình hình này thì dễ đến mười tám, hai mươi năm nữa, anh
em ta mới lại gặp nhau”. Lịch sử Nam-Bắc sau đó đã bị phân chia đúng 20
năm: 1955-1975 như… “tiên tri” của Lê Duẩn.
(274) Thép Mới, Thời Thắng Mỹ, đăng 17 kỳ liên tiếp mỗi tuần từ số báo Nhân Dân ra ngày 21-1-1985.
(275) Thép Mới, sách đã dẫn.
No comments:
Post a Comment