Chương 16: Thị Trường
***
Ngày 28-4-1989, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch cùng với Bộ trưởng Thương mại “hai nước anh em”, Lào và Campuchia, đến Bangkok dự Hội thảo “Đông Dương: từ chiến trường chuyển sang thị trường” (276). Ở trong nước, từ các nhà lãnh đạo vĩ mô, các trường đại học, cho đến từng cơ sở kinh doanh, bắt đầu tìm kiếm tài liệu để chuẩn bị sự hiểu biết cho thời kỳ chuyển đổi. Cho dù những trải nghiệm ban đầu bao gồm cả những đổ vỡ, nhưng những gì mà kinh tế thị trường kiến tạo đã làm thay đổi đến từng ngóc ngách đời sống và toàn bộ bộ mặt xã hội Việt Nam.
Tái lập hoà bình
Người Thái, Malaysia và Singapore cũng đã từng có lợi ích khi cung cấp
hậu cần cho Chính phủ Liên hiệp 3 phái Campuchia chống Việt Nam. Tuy
nhiên, một Đông Dương đối đầu không phải là lựa chọn của các quốc gia
lân cận. Không chỉ có nguy cơ chiến sự, từ cuối thập niên 1970, người tị
nạn Việt Nam tràn ngập Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines…
Ông Võ Văn Kiệt kể: “Năm 1987, khi tôi thăm chính thức Malaysia (277),
Thủ tướng Mahathir đã tiếp với thái độ rất giận dữ. Ba lần ông lớn tiếng
khẩn thiết đề nghị Việt Nam phải giải quyết dứt điểm vấn đề người tị
nạn. Tôi đợi ông dứt lời rồi nói rằng chúng tôi cũng đau lắm. Chúng tôi
chiến đấu với niềm tin là để giành độc lập. Khi chiến tranh kết thúc, có
độc lập, mà người Việt không thể ngồi lại với nhau, người Việt vẫn bỏ
nước ra đi, thì nỗi đau ấy còn ghê gớm hơn sự chia rẽ của chiến tranh”.
Khi ấy, đang có 282.000 thuyền nhân Việt Nam ở Malaysia nơi tổ chức
cộng sản chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh đang làm loạn. Đại sứ Việt Nam tại
Indonesia và Malaysia, ông Trần Huy Chương, thừa nhận: “Chính quyền
Malaysia lo sợ cộng sản Việt Nam trà trộn trong những người Việt tị nạn
móc nối với lực lượng cộng sản theo Mao đang hoạt động trên đất nước
họ”.
Tháng 2-1990, khi đến Davos, Thuỵ Sỹ, dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông
Kiệt ngạc nhiên thấy sự phồn vinh của một quốc gia phương Tây. Ông thừa
nhận, trước đây khi đến Liên Xô và các nước Đông Âu, thấy sự phát triển
của họ, ông đã tưởng như đó là ước mơ của mình. Nhưng Thụy Sỹ so với
Đông Âu hay Liên Xô mà ông biết chỉ là một trời, một vực. Ông hỏi người
phiên dịch, bà Tôn Nữ Thị Ninh: “Điều gì giúp họ giàu có thế?”. Bà Ninh
nói: “Thưa anh, đấy là ân huệ của hoà bình”.
Năm 1991, các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ
Văn Kiệt đều thống nhất với nhau, cho dù quá khứ thế nào thì Việt Nam
vẫn phải làm bạn với ASEAN. Ngày 28-10-1991, trong cuộc hội đàm tại
Bangkok với Thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachun, Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng Võ Văn Kiệt hoàn toàn chia sẻ với người Thái ý tưởng “biến Đông
Dương thành một thị trường” (278). Khi Đông Dương vẫn còn là một chiến
trường thì không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia lân bang cũng không thể
nào hưởng “ân huệ hoà bình” trọn vẹn.
Trong khi Hà Nội có nhiều nỗ lực để bình thường hoá quan hệ với các
quốc gia, nhiều tổ chức, cá nhân cũng tích cực nhắc nhở Hà Nội và cộng
đồng quốc tế quan tâm tới số phận của những quan chức Việt Nam Cộng hoà
đang bị cải tạo trong các trại. Năm 1977, ở Mỹ, bà Khúc Minh Thơ lập
“Hội Gia đình tù chính trị Việt Nam”. Chồng bà Thơ, Đại tá Nguyễn Văn
Bê, lúc ấy đang ở trong trại cải tạo. Hội của bà Thơ đã vận động giới
lập pháp, hành pháp Hoa Kỳ, vận động Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và cả
Đức Giáo hoàng, gây sức ép để Việt Nam thả chồng con của họ. Số phận
những người đã từng làm việc cho đồng minh Mỹ ở Sài Gòn bắt đầu được mặc
cả trên bàn đàm phán (279).
Tại một cuộc họp của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tướng
Nguyễn Hữu Hạnh đã đưa vấn đề giam giữ quá lâu những người một thời là
đồng đội của ông ra chất vấn. Theo tướng Hạnh thì Chủ tịch Mặt trận lúc
ấy là ông Nguyễn Hữu Thọ, sau đó đã gặp riêng, đề nghị ông chuyển ý kiến
“phát biểu miệng” ấy thành một tham luận đọc trong Đại hội lần thứ III
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội năm 1988.
Cho dù được Cách mạng “móc nối” rất sớm, tướng Hạnh đã khôn ngoan né
tránh việc “ra bưng làm ngọn cờ” khi mà cuộc chiến chưa ngã ngũ. Vào
ngày 27-4-1975, Sài Gòn đã bị bao vây bởi “năm cánh quân”, ông mới vội
vã lên Sài Gòn làm điều mà ông tự mô tả là tác động để Tổng thống Dương
Văn Minh sớm đi đến quyết định đầu hàng. Năm 1975, trong khi, biết bao
sỹ quan, binh lính Sài Gòn phải đi cải tạo, phải mất vợ, mất nhà, ông
Hạnh được Chính quyền mới cấp cho một căn biệt thự ở quận Nhất, thay thế
căn nhà của ông ở Thủ Đức đã bị “Cách mạng 30-4 tiếp quản”. Được lời
của ông Nguyễn Hữu Thọ, tướng Nguyễn Hữu Hạnh lại “chớp thời cơ”, ghi
chút ít công lao với những đồng đội cũ.
Sau khi cho rằng “nhiệm vụ Đại đoàn kết toàn dân để xây dựng đất nước
là một vấn đề bức thiết”, tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhắc lại sự kiện ngày
2-5-1975, tại dinh Độc Lập, Thượng tướng Trần Văn Trà nói với ông Dương
Văn Minh: “Giữa chúng ta không có kẻ thắng người thua chỉ có dân tộc
Việt Nam thắng Mỹ”. Theo tướng Hạnh, các gia đình miền Nam nghe “câu nói
hết sức thâm tình” ấy đã “động viên chồng con đi trình diện học tập”.
Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nói tiếp: “Trong những ngày sau đó, Chủ tịch Huỳnh
Tấn Phát với danh nghĩa Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà
miền Nam Việt Nam đã phổ biến một văn kiện trong đó qui định thời gian
đi học tập, lâu nhất là ba năm. Các trại cải tạo đã cho học tập văn kiện
này và anh em vui mừng đón nhận nó” (280). Nhưng, đến năm 1989, nhiều
tướng lĩnh, sỹ quan, viên chức Việt Nam Cộng hoà vẫn còn bị Chính quyền
giam giữ.
Tháng 1-1989, sau nhiều năm yêu cầu, lần đầu tiên Hội Chữ thập đỏ Quốc
tế được gửi quà từ Mỹ tới các trại giam ở Việt Nam. Tháng 4-1989, một
phái đoàn ngoại giao Mỹ đã đến Hà Nội thảo luận về vấn đề ODP, vấn đề
“Con lai” và “Tù cải tạo”. Ngày 30-7-1989, tại Hà Nội, Phụ tá Thứ trưởng
Ngoại giao Mỹ, Robert Funseth, và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Vũ
Khoan ký thoả hiệp về việc “Định cư tại Mỹ những người tù cải tạo”.
Cũng trong thời gian ấy, ở Sài Gòn, dọc theo đường Lê Duẩn, đặc biệt là
phần công viên kéo dài từ Nhà thờ Đức Bà tới Dinh Độc Lập, tràn ngập
những người vừa từ các trại cải tạo trở về mà chưa biết làm gì. Họ đứng
đó để hóng hớt chút ít thông tin rò rỉ ra từ Sở Ngoại vụ về các chương
trình đi định cư ở Mỹ.
Ngày 13-1-1990, 55 người Việt đầu tiên được xuất cảnh theo chương trình
HO. Tới cuối năm 1992, khoảng 380.000 người Việt Nam đã đến Mỹ bằng
đường hàng không theo diện HO, ODP, RD và theo diện con lai Mỹ. Trước
năm 1975, cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 200.000 người, trong
đó, khoảng 40.000 người do người Pháp đưa đi kể từ Chiến tranh Thế giới
lần thứ nhất. Ở thời điểm 30-4-1975, gần 140.000 người được đưa tới Mỹ;
52.000 người khác được đưa sang Pháp; 7.000 người tới Canada; 2.700
người tới Úc… Cộng đồng người Việt, những năm sau đó đã tăng lên con số
triệu, chủ yếu rời Việt Nam bằng vượt biên.
Trong khi, nhiều người trong nước vẫn mong mỏi thoát ra, nhất là gia
đình của những người vừa được tha từ các trại cải tạo, thì sự trở về
thăm quê của hàng nghìn Việt kiều cũng có thể coi như những chỉ dấu hoà
bình.
Tết Kỷ Tỵ 1989, có hơn 5.000 Việt kiều về Việt Nam. Việt kiều về quê
làm cho lượng khách quốc tế tăng đột biến đến mức nhiều người phải đợi
hết tháng 3-1989 mới có vé máy bay đi từ Tân Sơn Nhất. Sáu tháng đầu năm
1989, con số Việt kiều về nước lên tới 7.500 người, bằng cả năm 1988.
Một nửa số đó về Việt Nam từ Mỹ.
Trong Bộ Luật hình sự được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 1985, hành
vi vượt biên và tổ chức vượt biên bị xếp vào hàng “các tội xâm phạm an
ninh quốc gia”, thậm chí có thể bị coi là “chống lại chính quyền nhân
dân”. Năm 1989, cũng những người Việt ấy từ Mỹ, từ Úc trở về được coi là
“Việt kiều yêu nước”.
Một trong số đó là ông Nguyễn Thanh Hoàng, người vượt biên năm 1980 khi
đang làm cho Bộ Xây dựng. Năm 1989, vài người bạn của ông lúc bấy giờ
đã là quan chức trong Bộ sang Úc công tác khuyên ông về. Ông Hoàng nói:
“Năm 1990, tôi quyết định về thăm nhà. Khi đó, tôi vẫn còn nhiều mặc
cảm, không ngờ ở sân bay, những người bạn của tôi, giờ đó đang giữ những
chức vụ quan trọng trong chính quyền đưa xe ra tận sân bay đón”.
Ở nhiều địa phương, trong khi ngoài cửa sông, công an vẫn vây bắt vượt
biên, thì trong trụ sở hoặc trong nhà hàng, chính quyền làm tiệc đãi “Việt
kiều yêu nước”. Không cần rút ra những tờ đôla xanh, hình ảnh những Việt
kiều ăn mặc bảnh bao, hồng hào, trở nên nổi bật giữa những người Việt
đồng hương ốm yếu, xanh xao và ít nhiều mặc cảm. Trước “nhân tình, thế
thái” ấy, dân gian có thơ rằng:
“Việt Minh, Việt Cộng, Việt kiều,
trong ba Việt ấy, Đảng yêu Việt nào
Việt Minh tuổi đã hơi cao
Việt Cộng ốm yếu xanh xao, gầy mòn
Việt kiều như gái còn son
Đảng yêu đảng quý như con trong nhà…” (281).
Không chỉ cụng ly với những người vượt biên, con gái Thượng tướng Trần
Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, chị Nguyễn Xuân Hồng, đã kết
hôn với một người vượt biên, anh Nguyễn Thanh Hoàng vào cuối năm 1991.
Nguyễn Thanh Hoàng là người vượt biên đến Úc năm 1980. Không như hàng
ngàn Việt kiều khác chỉ trở lại thăm quê rồi đi, Nguyễn Thanh Hoàng đã
mang về các nhà đầu tư người Úc. Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội
thông qua từ tháng 12-1987, nhưng gần như rất ít được chú ý trong những
năm cuối thập niên 1980. Phải đến khi những chính sách đổi mới được
trình bày rõ ràng hơn và phải đến khi những người vượt biên dám trở về,
đầu tư nước ngoài mới bắt đầu khởi động.
Một cải cách về thủ tục visa do Bộ Nội vụ chủ trương lúc đó cũng đã
thúc đẩy nhanh thêm tiến trình mở cửa của Việt Nam. Cho tới năm 1988,
một người Việt Nam muốn đi xuất cảnh, phải trải qua một quy trình xin
phép: nộp hồ sơ, đơn xin ở xã, phường; đợi xã, phường đưa lên quận,
huyện; chờ quận, huyện chuyển lên công an tỉnh, thành; tỉnh, thành
chuyển lên Tổng cục An ninh; Tổng cục An ninh phải trình lãnh đạo Bộ.
Qua rất nhiều thủ tục và không thể biết rõ mất bao nhiều thời gian,
người ra đi mòn mỏi chờ thủ tục.
Công an và những người làm các dịch vụ liên quan như du lịch, hàng
không giàu lên nhờ sự nhờ vả và đặc biệt, nhờ biết trước các đối tượng
được phép xuất cảnh để từ đó mua lại nhà của họ với giá bán đổ, bán
tháo. Trong khi đó, người nước ngoài và Việt kiều từ các nước không có
cơ quan ngoại giao Việt Nam muốn về nước phải nằm chờ ở Thái Lan xin
visa. Các quan chức cấp visa ở Bangkok trở nên hết sức quan cách trong
giai đoạn này và đặc biệt, ngành du lịch Thái giàu lên nhờ một lượng lớn
Việt kiều phải nằm chờ quá lâu ở Bangkok.
Ông Võ Viết Thanh nói: “Tôi nghĩ, tại sao Bộ Nội vụ lại mất công đi
thẩm tra lý lịch, xét duyệt những người muốn đi xuất cảnh. Nếu đó là
những người chống đối thì việc họ ở lại Việt Nam lại khiến cho mình khó
xử hơn là để họ đi ra nước ngoài”. Ông Thanh gặp Bộ trưởng Mai Chí Thọ
đề nghị: Ai muốn xuất cảnh thì cho họ làm hộ chiếu phổ thông và tự liên
hệ xin visa. Nếu họ đến những quốc gia chưa có quan hệ ngoại giao thì Bộ
Nội vụ và Ngoại giao sẽ tổ chức các trung tâm dịch vụ xuất nhập cảnh để
xin visa cho họ. Với những người đến Việt Nam từ các nước chưa có cơ
quan lãnh sự Việt Nam cũng sẽ được xin visa tại các sân bay quốc tế. Bộ
trưởng Mai Chí Thọ gật đầu.
Ông Võ Văn Kiệt đồng ý ngay. Ông Kiệt khi ấy đang tạm Quyền Chủ tịch
Hội đồng Bộ trưởng đề nghị ông Thanh trao đổi thêm với Phó Chủ tịch kiêm
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Ông Thạch nghe ông Thanh trình
bày thì thở phào: “Tôi làm ngoại giao đã lâu mà chưa bao giờ nhận được
một đề nghị mở ra như thế này từ phía An ninh”.
Từ giữa năm 1988, những người nằm trong diện được bảo lãnh hoặc được ra
đi theo các chương trình HO, ODP… bắt đầu được làm passport. Những
người đến Việt Nam không còn phải chờ đợi ở Bangkok vì lý do xin visa
nữa. Ngành Công an cũng thu rất lớn từ dịch vụ này: 20% để lại cho Bộ,
80% nguồn thu nộp vào ngân sách.
Nhưng, ông Võ Viết Thanh nói: “Cục II báo cáo Bộ Chính trị: cấp hộ
chiếu phổ thông và cấp visa tại phi trường là một mắt xích nằm trong kế
hoạch diễn biến hoà bình của Mỹ”. Chánh Văn phòng Trung ương Hồng Hà gọi
ông Võ Viết Thanh lên nói: “Đồng chí Tổng bí thư được nghe báo cáo, chủ
trương của Bộ Công an mà anh chỉ đạo cho nhập cảnh tại phi trường và ồ
ạt cấp hộ chiếu phổ thông, trong đó có những đối tượng chính trị không
tốt. Anh về báo cáo lại với lãnh đạo Bộ, cân nhắc ý kiến của đồng chí
Tổng bí thư”. Ông Võ Viết Thanh trả lời: “Đây chỉ là đối sách chứ không
phải chính sách nên chúng tôi đã không muốn làm phiền Ban Bí thư. Vì Bộ
đã ra văn bản thi hành nên nếu Tổng bí thư chỉ thị phải đình chỉ thì xin
Văn phòng ra văn bản, chúng tôi sẽ chấp hành”. Ông Hồng Hà không nói
gì. Ông Thanh nói: “Tôi về không báo lại cho lãnh đạo Bộ vì báo cáo chắc
chắn lại có nhiều ý kiến rắc rối. Chờ, cũng không thấy Văn phòng Trung
ương ra văn bản”.
Lạm phát và Nước hoa Thanh Hương
Ở Sài Gòn, kể từ năm 1987, hàng loạt cơ sở sản xuất kinh doanh bắt đầu
lặng lẽ bung ra, những dịch vụ từng bị coi là “tàn dư của Mỹ-Nguỵ” như
vũ trường Maxim, Qeenbee, Liberty… cũng được làm ăn trở lại. Liền theo
đó, các quán “bia ôm”, “xông hơi, xoa bóp” mà báo chí nói là “mãi dâm
trá hình”, lần lượt mọc lên. Sự hăm hở trở lại làm ăn của người dân đã
làm thay đổi bộ mặt đất nước, đồng thời cũng làm xuất hiện những vấn đề
mà báo chí gọi là “mặt trái của kinh tế thị trường”. Mặt trái cụ thể
nhất mà người dân phải đối diện trong giai đoạn này là những vụ đổ bể
tín dụng và huê hụi.
Nền kinh tế lúc ấy vẫn tiếp tục rơi xuống đáy, “giá-lương-tiền” vẫn là
“nỗi hoảng sợ hàng ngày” của người dân trong khi Chính phủ chỉ lấy phát
hành tiền là giải pháp cứu nền kinh tế. Bất đồng ý kiến vẫn diễn ra gay
gắt giữa các chuyên gia chống lạm phát, giữa những người ủng hộ khuynh
hướng thị trường và những người sợ hãi trước lạm phát, muốn quay lại
thời quan liêu bao cấp.
Năm ấy nạn đói xảy ra. Báo cáo của Bộ trưởng Thương mại Hoàng Minh
Thắng cho thấy, tuy sản lượng lương thực có giảm, nhưng ở nhiều tỉnh
miền Nam, lúa gạo vẫn dư thừa, vấn đề là từ Nam ra Bắc khi ấy đang có
hơn tám mươi trạm kiểm soát liên tỉnh được ba mươi tám tỉnh, thành phố
lập nên trên các tuyến giáp ranh. Không chỉ ngăn cản lương thực lưu
thông, các trạm kiểm soát được thiết lập ở khắp nơi, các rào chắn được
lập nên để chặn từng con gà đưa từ làng này sang làng khác.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, trợ lý của ông Đỗ Mười, nhớ lại: “Người dân
không có quyền đưa một cái phích nước từ Hà Nội xuống Hải Dương”. Theo
Bộ trưởng Lê Văn Triết, câu chuyện “ông Đỗ Mười bị trạm Tân Hương, Tiền
Giang thu mười ký gạo mang theo trên xe” đã được đưa ra nói trong các
cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng. Trong một phiên họp có ông Đỗ Mười dự,
theo ông Triết, ông Võ Văn Kiệt kể câu chuyện: Một bà mẹ miền Tây đưa
thịt heo lên cho con đang sống ở Sài Gòn. Để tránh ngăn sông cấm chợ,
thay vì đưa thịt tươi, bà đã phải kho. Vậy mà nồi thịt kho của bà mẹ vẫn
bị chặn lại. Tức quá, bà đập nồi ngay giữa đường rồi la lên: “Tụi bây
ăn đi”. Những câu chuyện có thật này đã thuyết phục Phạm Hùng, Đỗ Mười
và Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Ngày 11-3-1987, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng Võ Văn Kiệt ký Quyết định “Bãi bỏ các trạm kiểm soát trên tất cả
các tuyến giao thông trong nước” (282).
Hội nghị Trung ương 2, khoá VI, ủng hộ xoá tình trạng “ngăn sông, cấm
chợ”, tuy nhiên, theo Giáo sư Đào Xuân Sâm, lại “tiêu biểu cho một bước
lùi về quan điểm so với Đại hội Đảng lần thứ VI”. Mặc dù, ngày 1-4-1987,
khi khai mạc Hội nghị Trung ương 2, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã chỉ
trích những người bảo vệ quan liêu bao cấp: “Họ chỉ biết huênh hoang nói
những điều cao xa, lý thuyết trừu tượng về cách mạng, về lý tưởng cộng
sản chủ nghĩa, nhưng không thể bắt tay giải quyết được một công việc
thực tế cụ thể nào cho ra hồn”. Nhưng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2,
bế mạc vào ngày 9-4-1987, vẫn “lấy kế hoạch hoá làm trung tâm”. Khi ấy,
vừa cháy kho hàng dự trữ ở Hải Phòng, nhu yếu phẩm khan hiếm, quan điểm
kiểm soát thật chặt lại càng xuất hiện. Cho dù Hội nghị Trung ương 2 đề
ra “mục tiêu bốn giảm: giảm bội chi ngân sách, giảm tốc độ tăng giá,
giảm lạm phát, giảm khó khăn đời sống”, trên thực tế đã trở thành “bốn
tăng”.
Ngày 17-5-1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Liên Xô. Sau chuyến đi
này, ngày 18-6-1987, Ban Bí thư có Chỉ thị 08, đặt vấn đề: “Hợp tác
quốc tế về kinh tế, nhất là với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa
khác, để có thêm điều kiện góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế cấp
bách”. Sau đó, đoàn chuyên gia cao cấp của Liên Xô về chống lạm phát,
theo lời mời của Bộ Chính trị Việt Nam, đến Hà Nội; trưởng đoàn là Thứ
trưởng Bộ Tài chính Liên Xô Orlov.
Cuối năm 1988, Bộ Chính trị tổ chức một cuộc họp để nghe nhóm nghiên
cứu trong nước và nhóm của chuyên gia Liên Xô trình bày phương án của
mình. Theo Giáo sư Đào Xuân Sâm, các chuyên gia Liên Xô, đứng đầu là
Orlov, đã yêu cầu phải “xiết lại kỷ cương giá, phát hành đồng tiền có
bản vị và thu mua phân phối thống nhất” - tức là tái lập cơ chế bao cấp.
Orlov cảnh báo rằng: “Thả nổi giá theo cơ chế thị trường là rất nguy
hiểm cho chủ nghĩa xã hội”.
Nhưng, phương án của các chuyên gia Liên Xô yêu cầu phải có 500 triệu
Rub hoặc USD để thu mua hàng hoá, trong khi toàn bộ ngân quỹ của Việt
Nam vào thời điểm 1987-1988 chỉ còn khoảng 20 triệu đôla. Ông Giá kể:
“Khi mời Orlov, ta cũng hy vọng có thể kéo theo được nguồn lực của Liên
Xô, kể cả việc nhờ họ in tiền giùm. Nhưng, khi chúng tôi sang đấy để nhờ
in một lượng tiền giấy mệnh giá 50 và 100 nghìn đồng nhằm phòng khi
chống lạm phát thất bại thì có sẵn tiền mệnh giá lớn lưu hành, họ lại
bảo chúng tao in tiền cho mình còn không kịp”. Theo Giáo sư Đào Xuân
Sâm: “May mắn cho Việt Nam là chính Liên Xô đã từ chối viện trợ khoản
tiền mà họ nói là cần thiết để chống lạm phát, nếu không rất có thể Việt
Nam đã quay lại với thời kỳ quan liêu bao cấp”.
“Chân tường” chứ không phải “lý luận về chủ nghĩa xã hội” quyết định sự
lựa chọn lối thoát cho nền kinh tế. Ý kiến của các chuyên gia Việt Nam
bắt đầu được lắng nghe. Cùng với lực lượng hùng hậu các chuyên gia từ
Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Vật giá, Ngân hàng Nhà nước và
các bộ đã được tập hợp từ trước đó, Hội đồng Bộ trưởng còn nghe các
phương án được nhóm các chuyên gia Việt kiều, đứng đầu là Tiến sỹ Vũ
Quang Việt, do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch mời. “Nhóm thứ Sáu”,
do ông Võ Văn Kiệt mời, gồm các chuyên gia và quan chức từng làm việc
tại Sài Gòn trước ngày 30-4-1975 như Huỳnh Bửu Sơn, Lâm Võ Hoàng, Trần
Bá Tước, Trần Trọng Thức, Phan Tường Vân, Phan Chánh Dưỡng… Quan điểm
chống lạm phát bằng “thị trường hoá, xoá định lượng” được nhóm của Tiến
sỹ Vũ Quang Việt đưa ra và được ông Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt bảo vệ
một cách kiên định. Tuy nhiên, người đóng vai trò quyết định trong việc
lựa chọn giải pháp chống lạm phát vào đầu năm 1989 là ông Đỗ Mười.
Theo ông Trần Xuân Giá: “Khi còn làm thường trực Ban Bí thư, ông Đỗ
Mười đã lắng nghe các chuyên gia. Tháng 6-1988, ngay sau khi được bầu
làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông triệu tập tôi, Phan Diễn, lúc đó là
phó Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Hồ Tế, thứ trưởng Bộ Tài chính trực
tiếp làm việc cạnh ông như một nhóm đặc nhiệm. Chống lạm phát là một quá
trình chuẩn bị lâu dài, chúng tôi được cử đi nhiều nước, gặp nhiều tổ
chức quốc tế để tham khảo ý kiến. Thực ra, lúc đầu cũng muốn dựa vào
Liên Xô. Nhưng, chuyên gia Orlov lúc ấy cũng nói: Liên Xô chỉ có kinh
nghiệp chống lạm phát từ thập niên 1920, khi Lenin còn sống”.
Sau khi nhận ra không còn có thể trông cậy vào Liên Xô, Việt Nam bắt
đầu tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước phương Tây và các tổ chức như Ngân
hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhưng, theo ông Trần Xuân Giá: “Cũng
không thể học phương Tây vì giải pháp mà họ đưa ra không có cách nào
thực hiện được. Người Đức đề nghị phải phá giá đồng Việt Nam từ 2.800
đồng/USD xuống còn 20.000 đồng/USD. Giải pháp của Ngân hàng Thế giới
cũng đề nghị phá giá tới 16.000 đồng/USD. Để thực hiện theo các phương
án này cần có năm tỷ USD trong khi ngân sách quốc gia gần như trống
rỗng”. Tình thế bắt buộc phải tự dựa vào chính bản thân mình.
Một trong những chuyên gia chống lạm phát giai đoạn này, Tiến sỹ Nguyễn
Văn Nam, kể: “Ông Đỗ Mười là con người hành động, khi đó ông chưa chú ý
lắm tới lý luận. Nhờ thế, ông vượt qua mặc cảm khi chọn một phương án
bị chỉ trích là không chủ nghĩa xã hội. Ông Mười cũng tập hợp các chuyên
gia, ông nói với chúng tôi: ‘Thôi nhé, nghe quan chức mãi rồi mà không
có lối ra, các anh mời cho tôi các nhà khoa học’. Một nhóm hai mươi
người gồm Chế Viết Tấn, Trần Đức Nguyên, Đào Xuân Sâm, Võ Đại Lược, Hà
Nghiệp, Lê Đức Thuý, Nguyễn Văn Nam… được hình thành. Ông ngồi hai ngày
với chúng tôi. Chúng tôi thì nhất quyết thuyết phục ông rằng giải pháp
để chống lạm phát mà các chuyên gia Việt Nam đưa ra là dựa trên chính
sách kinh tế mới của Lenin. Đã là của Lenin thì ông Đỗ Mười tin tưởng”.
Theo ông Trần Xuân Giá, những ngày ấy đi đâu ông Đỗ Mười cũng nói đi nói
lại: “Lạm phát, nói nôm na một câu là in tiền nhanh hơn tốc độ tăng
trưởng kinh tế”. Rồi ông giải thích: “Tôi già rồi, vừa làm vừa học, phải
nói ra miệng thì mới nhớ được”.
Trên cơ sở nghiên cứu của các chuyên gia Việt Nam, một phương án đã
được chấp bút bởi ông Lê Đức Thuý, theo đó: Đình chỉ in tiền, các ngân
hàng bắt đầu phải vay lấy mà cho vay, ngân sách phải thu lấy mà chi chứ
không còn dựa vào việc phát hành tiền nữa. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm
được nâng lên 12% theo lý thuyết “cưỡi sóng”, cao hơn mức lạm phát
10-11%/ tháng. Nâng giá đôla bằng thị trường tự do 5.000 đồng/USD. Cho
kinh doanh vàng bạc tự do. Tháo khoán cho hàng phi mậu dịch, người Việt
Nam đi nước ngoài được mang hàng về thoải mái (trước đó mỗi người chỉ
được mang một tủ lạnh, hai nồi áp suất, hai bàn là…). Phương án này
không dễ tìm được sự đồng tình, ngay cả với một người trong nhóm đặc
nhiệm là ông Trần Xuân Giá.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Nam: “Ông Thuý mang phương án này sang trình
bày bên Vật giá, Ngân hàng, liền bị hai cơ quan này phản đối. Ông Võ Đại
Lược sang trình bày bên Bộ Tài chính, cũng bị các chuyên gia bên Bộ Tài
chính cười nhạo. Đưa ra Hội nghị Trung ương, ông Nguyễn Văn Linh không
ủng hộ 'nghị quyết hoá'. Hà Nghiệp dự thảo một nghị quyết khác để Bộ
Chính trị thông qua, ông Linh cũng bảo không cần. Nhưng ông Đỗ Mười vẫn
quyết định. Đầu tiên, ông cho làm thí điểm ở Hải Phòng. Thí điểm thành
công, ngày 16-3-1989, mới công bố cho áp dụng trên cả nước”.
Ngày 20-3-1989, Trung ương Đảng họp kỳ thứ 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung ương đồng ý với cơ chế một giá nhưng vẫn dè dặt đòi để Nhà nước
định giá những vật tư quan trọng. Ba tháng sau, lạm phát giảm thấy rõ:
ngày 1-6-1989, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất có kỳ hạn ba tháng từ 12%
xuống còn 9%; ngày 1-7-1989, hạ tiếp còn 7%/ tháng; lạm phát những tháng
cuối năm 1989 chỉ còn 2,4%/tháng. Ngày 30-6-1989, trong phiên họp bế
mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá VIII thông qua Nghị quyết: “Nhất trí xoá
bỏ quan liêu bao cấp, không vì khó khăn mà quay lại cơ chế cũ”.
Cũng trong thời gian ấy, tác dụng nhanh chóng của chính sách “Khoán 10”
trong nông nghiệp, làm cho nông dân phấn khởi, lương thực thực phẩm bắt
đầu có dư thừa cũng đã giúp cho Hội đồng Bộ trưởng và ông Đỗ Mười tự
tin hơn khi quyết định xoá bao cấp và cho tự do lưu thông để chống lạm
phát.
Nguyên tắc lãi suất huy động vốn cao hơn tỷ lệ mất giá của đồng bạc đã
giúp Chính phủ chống lạm phát thành công. Nhưng, các nhà doanh nghiệp
khó có thể kiếm lời trên 12% để trả lãi cho ngân hàng hằng tháng. Hàng
chục hợp tác xã tín dụng, hàng trăm tổ hợp sản xuất, hàng nghìn xí
nghiệp đã vỡ nợ vì huy động vốn với lãi suất cao theo lý thuyết “cưỡi
sóng” của các chuyên gia. Trong đó có hãng nước hoa Thanh Hương của “nhà
tỷ phú trẻ” Nguyễn Văn Mười Hai, Andaco của Huỳnh Là, Xacogiva của Phạm
Công Tước…
Nguyễn Văn Mười Hai, sinh năm 1960, bắt đầu sản xuất xà bông từ năm
1985 bằng nguồn vốn 6 cây vàng góp từ những người trong gia đình. Năm
1988, sau khi Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định 27 và 28 cho phép các nhà
sản xuất được huy động vốn trong dân, Nguyễn Văn Mười Hai cho thành lập
“tổ hợp sản xuất nước hoa Thanh Hương” rồi nhận tiền gửi rộng rãi với
lãi suất có khi lên tới 15% /tháng. Mức lãi cao này đã khiến cho “hãng
nước hoa Thanh Hương”, tên gọi từ khi cơ sở này bắt đầu quảng cáo huy
động vốn, bị mất cân đối nghiêm trọng.
Tính đến ngày 20-1-1989, tổng số huy động vốn của “hãng nước hoa Thanh
Hương” là 5,2 tỷ đồng, trong khi số lãi phải trả lên đến 5,4 tỷ. Thay vì
thừa nhận tình trạng phá sản, “nhà tỷ phú trẻ” này đã đẩy nhanh nhịp độ
huy động vốn rồi “lấy tiền của người gửi sau trả lãi cho người gửi
trước”. Từ 20-1-1989 tới 17-1-1990, Thanh Hương đã huy động thêm 90 tỷ.
Trước tháng 1-1990, mỗi tháng, Thanh Hương chỉ bán được một lượng sản
phẩm trị giá 30 triệu đồng, trong khi có ngày, lãi suất thực trả cho
người gửi tiền lên tới hơn 800 triệu.
Ngày 10-3-1990, khi khám nhà, “bắt khẩn cấp” Nguyễn Văn Mười Hai, công
an phát hiện một lượng tiền mặt lên tới 15,5 tỷ đồng, một lượng vàng
thoi nặng 149,88 ký; ngoài ra, Mười Hai còn có 18 căn nhà và 20 chiếc xe
hơi, trong đó có những chiếc Mercedes mà ở Việt Nam chưa ai từng có.
Khối tài sản trên đây không phải có được nhờ bán nước hoa Thanh Hương.
Số tiền Nguyễn Văn Mười Hai “huy động” từ 160 nghìn người lên đến 154,7
tỷ đồng, tương đương với 77 nghìn lượng vàng tính theo giá năm 1990,
trong khi tổng số nước hoa Thanh Hương mà Nguyễn Văn Mười Hai bán được
chỉ là 1,193 tỷ.
Nhưng con số không nói hết những bi kịch nạn nhân của Nguyễn Văn Mười
Hai. Với lãi suất hằng tháng từ 12 đến 14% cộng thêm 1% trả bằng nước
hoa, trong khi lãi suất cao nhất của ngân hàng, từ ngày 1-7-1989 chỉ còn
7%, Thanh Hương đã khiến cho nhiều người mang tiền đến gửi như “thiêu
thân”. Một số cơ quan nhà nước thì mang công quỹ, nhiều cán bộ hưu trí
thì mang hết tiền tiết kiệm trong suốt bao nhiêu năm, nhiều người còn
vay tiền của người thân với lãi suất thấp hơn gửi cho Nguyễn Văn Mười
Hai.
Có trường hợp như bà Triệu Thị Hiếu, sau khi bán nhà được 92 triệu đồng
ở miền Bắc, vào Sài Gòn thay vì mua nhà ngay lại nghe bạn bè khuyên,
đem gửi cho Nguyễn Văn Mười Hai chỉ ba ngày trước khi ông ta bị bắt. Bà
Hiếu nói với Toà án ngày 15-10-1990: “Khi công an bắt, tôi còn nhìn thấy
ba bao tiền của tôi gửi cho Nguyễn Văn Mười Hai, tất cả còn nguyên”.
Cũng với phương thức tương tự, Giám đốc xí nghiệp Andaco, ông Huỳnh Là,
một người bị mù bẩm sinh, đã huy động tiền gửi của dân 21 tỷ đồng; “đại
gia” Lâm Cẩu, giám đốc Xí nghiệp sản xuất phụ tùng xe máy Đại Thành,
huy động 50 tỷ và Xí nghiệp nồi cơm điện Covina huy động 12 tỷ. Cũng
trong quý II-1990, Giám đốc Phạm Công Tước của Xacogiva - một “nhà tỷ
phú” mới mấy tháng trước đó được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tới thăm -
bỏ trốn sau khi huy động 44 tỷ đồng với lãi suất 12%/tháng.
Sự đổ bể của các hợp tác xã tín dụng và các tổ chức huy động vốn trong
dân đã làm cho tình hình xã hội trở nên căng thẳng. Rất nhiều nạn nhân
của các tổ chức này là cán bộ hưu trí và đặc biệt, phần lớn trong số họ
là sỹ quan quân đội. Thời gian ấy có hơn 600 nghìn bộ đội vừa mới xuất
ngũ từ các chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc. Trong số đó,
hàng chục nghìn sỹ quan, đặc biệt là sỹ quan từ cấp thiếu tá đến đại tá
lãnh được một khoản tiền khá lớn và nhiều người trong số họ thấy lãi cao
thì đưa đi gửi.
87% số vụ đổ bể tín dụng xảy ra từ vĩ tuyến 17 trở vào; 13% từ các tỉnh
miền Bắc. Ở Khánh Hoà người dân đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình và
Chính quyền Sài Gòn đã ra lệnh đình bản số báo Lao Động Chủ Nhật
có đăng tin nhiều quan chức có sổ khống, tức là không gửi tiền mà vẫn
được “chia lãi” ở hãng nước hoa Thanh Hương vì sợ dân chúng tức giận.
Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Trần Xuân Giá nhớ lại: “Khi Hội
đồng Bộ trưởng vào họp ở Sài Gòn, Phó Chủ tịch Trần Đức Lương được cử ở
lại Hà Nội trực. Hôm đó, có khoảng 50 người đến Văn phòng Hội đồng Bộ
trưởng yêu cầu Chính phủ phải có trách nhiệm với sự đổ vỡ tín dụng này.
Lần đầu tiên có việc một đám đông lên tới 50 người tụ tập trước cổng Đỏ.
Sự việc được ông Lương khẩn báo vào Sài Gòn, Chủ tịch Đỗ Mười chỉ đạo:
Cứ hẹn với dân để thứ Sáu Chính phủ ra Hà Nội sẽ có giải pháp. Ông Trần
Đức Lương đã có một quyết định vô cùng ngu ngốc là yêu cầu ông Nguyễn
Văn Báu, Phó chủ nhiệm Văn phòng, làm một tờ Thông báo có đóng dấu hẳn
hoi ra dán ở cửa nói rằng, hẹn mọi người thứ Sáu sẽ giải quyết. Tờ giấy
có giá trị như một lệnh triệu tập”.
Sáng thứ Sáu, vườn hoa trước cổng Đỏ của Hội đồng Bộ trưởng đầy kín
người. Ông Đỗ Mười phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các cấp phó
và đưa ra câu hỏi: Nên giải quyết thế nào? Ông Nguyễn Khánh nói: Anh
Mười không nên xuất hiện, không ai biết sự nổi giận của nhân dân tới
đâu! Điều này rất dễ nhất trí, nhưng khi chọn người ra nói chuyện với
dân thì ông Đồng Sĩ Nguyên nói: Tôi chỉ phụ trách về giao thông vận tải;
ông Trần Đức Lương: Tôi chỉ lo công tác khoa giáo. Thế là ông Đỗ Mười
nói: "Chú Giá vừa nắm rõ công việc lại vừa có thể thay mặt Chính phủ, chú
ra tiếp dân”.
Hàng nghìn người biểu tình mà trong đó có rất nhiều quân nhân mang theo
cả súng với nỗi tuyệt vọng to lớn sau khi khoản tiền dành dụm cả đời
của họ đã “đổ” theo các hợp tác xã tín dụng. Khi ấy, Chính quyền vừa
thành lập hai đại đội cảnh sát dã chiến. Văn phòng chọn mười người trong
số họ, mặc thường phục đi theo bảo vệ ông Trần Xuân Giá. Ông Giá ra
ngôi nhà số 3 Mai Xuân Thưởng, trước cửa Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng,
rồi bắc loa nói: “Bà con đông quá, tôi không thể tiếp một lúc được, xin
mời cứ 50 người một, lần lượt vào”.
Trong 50 người đầu tiên, có tới 40 vị đại tá. Nhiều vị vừa vô phòng là
rút súng đặt cạch lên bàn. Ông Giá cố giữ bình tĩnh: “Tôi mà rơi vào
hoàn cảnh các anh thì tôi cũng phải làm gì đó để đòi quyền lợi. Nhưng
chúng ta đâu phải kẻ thù mà các anh đưa súng ra. Các anh dùng súng, tôi
cũng dùng súng thì giải quyết được gì!”. Nghe tới đó, có nhiều tiếng nói
từ phía sau: “Cất súng! Cất súng!”. Ông Giá tiếp: “Chính phủ dứt khoát
không bao giờ để cho dân thiệt. Bà con yên tâm, Chính phủ sẽ công bố kế
hoạch giải quyết cho bà con sau”. “Sau là bao lâu?”.
“Tôi chưa thể nói chính xác thời gian nhưng chắc chắn là rất sớm”.
“Tôi chưa thể nói chính xác thời gian nhưng chắc chắn là rất sớm”.
Từ hơn 9 giờ sáng, ông Giá liên tục phải trả lời sự giận dữ của dân
chúng. Nhưng, rất may là ông không phải tiếp tất cả họ. Nghe hứa “Chính
phủ không bao giờ để dân thiệt”, nhiều tốp 50 đã vỗ tay khi vừa ra khỏi
cửa phòng tiếp dân, đám đông chưa thực sự hiểu điều gì xảy ra cũng vỗ
tay. Số này trở thành người tuyên truyền cho những người ở ngoài, một số
người không đợi đến lượt mình mà tự động ra về, khoảng 3 giờ chiều thì
xử lý được. Theo ông Trần Xuân Giá, Hội đồng Bộ trưởng sau đó đã phải
lấy từ ngân sách 137 tỷ chi trả cho nạn nhân của các vụ đổ bể tín dụng
trong cả nước.
Những bước đi đầu tiên
Tháng 9-1988, cô gái 17 tuổi Bùi Bích Phương đăng quang cuộc thi Hoa
hậu đầu tiên của Việt Nam thống nhất do báo Tiền Phong tổ chức. Tháng
1-1989, Trung tâm Quảng cáo Trẻ chọn 7 cô gái xinh đẹp làm nghề người
mẫu. Tháng 2-1989, báo Tuổi Trẻ đăng “ý kiến bạn đọc” đề nghị
các cô giáo nên mặc áo dài. Tháng 5-1989, Đỗ Thị Kiều Khanh nhận danh
hiệu Hoa hậu Áo dài tại cuộc thi do báo Phụ Nữ Thành Phố Hồ Chí Minh tổ
chức. Cũng trong tháng 5-1989, Lý Thu Thảo nhận danh hiệu Hoa hậu Việt
Nam của Thành Đoàn.
Một trăm nghìn postcard in hình Kiều Khanh bán hết ngay sau cuộc thi.
Cuối năm 1989, lịch các hoa hậu bắt đầu trở thành vật phẩm được ưa
chuộng nhất. Đặc biệt, sau sự đăng quang của Kiều Khanh, phong trào khôi
phục lại những chiếc áo dài từng làm tăng thêm nét duyên dáng của những
phụ nữ miền Nam trước năm 1975 bắt đầu lan rộng.
Những cuộc thi hoa hậu tưởng như phù phiếm này lúc ấy lại chứa đựng
những tín hiệu cho thấy Việt Nam bắt đầu bước từ tình trạng giặc giã,
lam lũ, tới những nhu cầu cao hơn về tinh thần. Hình ảnh hoa hậu Kiều
Khanh có mặt trong các sự kiện của hợp tác xã Tín dụng Hoà Hưng và các
người mẫu, tuy chỉ xuất hiện trên sân khấu, đã đánh dấu bước chuyển của
nền kinh tế từ tự cung tự cấp sang kinh tế thị trường.
Cho dù phải trả giá không rẻ, điều may mắn là ở thời điểm này, Việt Nam
đã không quay lưng với kinh tế thị trường. Đại hội Đảng lần thứ VI,
tháng 12-1986, cho phép phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhưng mấy
năm sau đó vẫn là thời gian tìm đường. Mãi tới ngày 21-12-1990, ngày
Quốc hội thông qua Luật Công ty, địa vị pháp lý của kinh tế tư nhân mới
bắt đầu chính thức được xác lập (283).
Trước đó, doanh nghiệp nhà nước đã được tự hạch toán kinh doanh; các
nhà sản xuất tư nhân đã có thể uỷ thác qua các công ty xuất nhập khẩu để
mua về vật tư, nguyên liệu. Từ một thực thể đóng kín, từ cuối thập niên
1980, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chịu tác động của nhiều nhân tố bên
ngoài. Cơ chế thị trường không còn chỉ là những thuật ngữ được tranh cãi
bởi các nhà lãnh đạo. Tuy đầu tư nước ngoài chưa đáng kể (284), nhưng
những nhân tố ban đầu đó đã như từng mảng sơn mới trên những bức tường
rêu phong. Kinh tế tăng trưởng, mức sống khá dần (285).
Trong suốt thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Đỗ Mười chỉ
có thể điều phối một lượng ngoại tệ tổng cộng 123 triệu USD. Ông tự hào
đã bàn giao lại cho ông Võ Văn Kiệt gần 200 triệu. Theo ông Trần Xuân
Giá, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng: “Số tiền tăng thêm này có
được nhờ phát hành 200 tỷ đồng giao cho ông Chu Tam Thức đi mua gạo xuất
khẩu. Ông Thức đi hai tháng, mang về được 59,5 triệu USD, thấp hơn con
số 61 triệu mà ông Đỗ Mười kỳ vọng. Ngoài ra còn có 50 triệu vay của
Nisho Iwai. Nisho Iwai cho vay khoản tiền này, sau khi Hội đồng Bộ
trưởng quyết định lấy dinh thự 12 Thuyền Quang cho Nisho Iwai thuê với
giá 12.000 USD/tháng”. Dinh thự này trước đó được dành cho quan chức cỡ
Ban Bí thư và Phó Thủ tướng Liên Xô ở mỗi lần sang Việt Nam (286).
Trong thập niên 1980, Việt Nam chủ yếu buôn bán với các nước trong Hội
đồng Tương trợ kinh tế (CMEA), xuất một, nhập về ba khiến cho nợ nần
chồng chất. Tính đến cuối thập niên 1980, tổng viện trợ của các nước
CMEA cho Việt Nam đạt tới mức 1,5 tỷ USD, giữa năm 1989, Việt Nam vẫn hy
vọng Liên Xô tiếp tục duy trì khoản viện trợ này trong vòng 5 năm tiếp
theo, nhưng tất cả đã bị cắt đột ngột vào năm 1990. Trong khi đó, nhu
cầu ngoại tệ để nhập những mặt hàng thay thế nguồn nhập khẩu từ các nước
CMEA phải lên tới 1 tỷ USD mỗi năm. Nhưng, cũng nhờ sự sụp đổ của khối
CMEA mà Việt Nam mới tích cực tìm bạn hàng ở những khu vực khác (287).
Xuất khẩu sang những thị trường mới tăng vọt từ 463 triệu USD, năm 1988,
lên 978 triệu USD, năm 1989; chủ yếu nhờ hai mặt hàng: dầu mỏ và
gạo (288).
Cuối tháng 8-1991, Trung tâm buôn bán ngoại tệ đầu tiên của Việt Nam đã
được mở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm có 40 thành viên là các cơ
quan nhà nước, trong đó có 7 ngân hàng thương mại và 33 tổ chức ngoại
thương, các công ty nhập khẩu vàng bạc và những công ty thực hiện các
dịch vụ về kiều hối. Cùng với sự xuất hiện của trung tâm này, tất cả các
giao dịch về ngoại tệ đều được thực hiện với tỷ giá hình thành ở đó và
mức chênh lệch tối đa của tỷ giá bán ra chỉ được cao hơn tỷ giá quy định
là 0,5%. Đồng đôla bắt đầu được định giá 10.500 đồng tại Trung tâm giao
dịch ngoại hối vào đầu tháng 10-1991.
Trong hai năm 1989 - 1990 có khoảng 450 nghìn lao động ở các xí nghiệp
quốc doanh bị giảm biên chế hoặc nghỉ hưu mà không tìm được công việc
làm mới. Theo ước tính của Bộ Lao động và báo cáo tình hình xí nghiệp,
con số này chiếm 78% trong tổng số 570 nghìn công nhân dư thừa vào đầu
năm 1988. Trong năm 1991, có thêm 150 nghìn công nhân từ các xí nghiệp
quốc doanh bị giảm biên chế. Những nỗ lực “tinh giản biên chế” nhằm giảm
20% số viên chức nhà nước cũng làm mất việc thêm khoảng 250 nghìn
người. Khi ấy, hơn 600 nghìn bộ đội cũng vừa giải ngũ theo chính sách
phục viên. Đội quân thất nghiệp đông lên chưa từng thấy (289).
Thị trường cũng nhanh chóng tạo ra khoảng cách giữa nông thôn - thành
thị và giữa các vùng trong cả nước. Năm 1992-1993, thu nhập bình quân
đầu người ở thành thị cao gấp đôi khu vực nông thôn. Duyên hải miền
Trung, Tây Nguyên, trung du phía Bắc, khu Bốn cũ có thu nhập thấp hơn
mức bình quân của cả nước. Giai đoạn 1991-1995, tỷ lệ tăng trưởng GDP
tại Hà Nội và Sài Gòn cao gấp từ 1,5-2 lần so với mức bình quân của cả
nước (290). Làn sóng di cư còn tiếp tục làm thay đổi một cách sâu sắc đời
sống kinh tế, xã hội và văn hoá của Việt Nam.
Tuy giáo viên chưa phải là đối tượng ưu tiên tinh giản biên chế trong
giai đoạn này, nhưng kinh tế thị trường đã tác động một cách không cưỡng
lại được đối với ngành giáo dục. Mức lương khởi điểm của một giáo viên
phổ thông cơ sở, có chất lượng vào tháng 6-1991 là 45.000 đồng/tháng,
tương đương với 5,35 đôla Mỹ theo tỷ giá thị trường. Mức lương cao nhất
của thang lương cho một giáo viên phổ thông cơ sở kỳ cựu 30 năm trong
nghề là 63.000 tương đương với 7,5 USD/tháng. Để sống được, hầu hết giáo
viên cấp 1 dạy nửa ngày, còn nửa ngày phải làm việc khác để tăng thu
nhập. Một đội ngũ rất lớn, giáo viên năng động đã lần lượt bỏ nghề ra
kinh doanh hoặc tìm kiếm những công việc có thu nhập tốt hơn trong các
ngành khác.
Nhà nước chưa thể làm gì để ngăn chặn làn sóng này. Tổng mức chi tiêu
của Chính phủ cho giáo dục trong năm 1990 chỉ hơn 1 USD/đầu người; trong
khi đó, con số này ở Trung Quốc cùng thời là 6,5 USD, ở Ấn Độ là 11,15
USD. Đặc biệt, các giáo viên tiếng Anh ở trong các trường đại học nhanh
chóng kiếm được những công việc có thu nhập cao gấp hàng trăm lần so với
lương trong ngành; ngược lại, bộ môn tiếng Nga gần như bị xoá sổ do
không còn sinh viên đăng ký học. Phần lớn giáo viên tiếng Nga bỏ nghề
hoặc chuyển sang học thứ ngôn ngữ thời thượng: tiếng Anh.
Để có thể thực hiện các chương trình cải cách, Việt Nam cần có những
khoản viện trợ mới. Nhưng để có viện trợ mới, Việt Nam đứng trước đòi
hỏi cấp thiết phải thanh toán những khoản nợ nước ngoài. Tính đến cuối
năm 1990, tổng số nợ của Việt Nam lên đến 8,3 tỷ USD, gần bằng GDP,
trong đó có 3,2 tỷ nợ bằng ngoại tệ mạnh, phần còn lại là khoản nợ bằng
đồng Rúp chuyển đổi. Đây là khoảng thời gian mà UNDP đóng một vai trò
quan trọng trong việc viện trợ cho quá trình đổi mới và vận động nhằm
khôi phục lại các chương trình viện trợ song phương và đa phương cho
Việt Nam. Trong các năm 1989, 1990, Chính phủ phải “vay” từ các ngân
hàng quốc doanh những khoản tín dụng lên tới 3.400 tỷ đồng để chi tiêu.
Chính kinh tế thị trường và chính sách tự do giao thương đã giải quyết
những gánh nặng này thay vì những đồng tiền được đưa ra từ ngân sách.
Chính sách hộ khẩu vẫn được duy trì trong suốt thập niên 1990. Nhưng nếu
như thời bao cấp, cuốn sổ hộ khẩu luôn đi kèm với sổ gạo, việc làm,
quyền mua xe, mua nhà, thuê nhà và quyền học hành của con cái, thì ở
thời điểm ấy thị trường có thể giải quyết gần như tất cả. Thị trường còn
xử lý một cách lặng lẽ sự phân bố không đồng đều về dân cư giữa các
vùng kinh tế (291). Cùng với sự phát triển của kinh tế tư nhân, Sài Gòn,
Hà Nội trở thành thị trường lao động lớn nhất để giải quyết phần lớn số
lao động dư thừa vừa bị “giảm biên” từ khu vực Nhà nước (292).
Chứng kiến sự thay đổi tới từng gốc rễ kể từ khi để cho người dân được
tự do làm ăn mới thấy hết những mất mát mà Việt Nam phải gánh chịu thời
kinh tế tư nhân bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Lược sử kinh tế tư nhân
Cuối thế kỷ 19, ở miền Nam đã có những đại điền chủ với ruộng đất
“thẳng cánh cò bay” như Huyện Sĩ, như Tổng Đốc Phương… Người được xếp
hạng giàu thứ tư, thân phụ của “Công tử Bạc Liêu”, ông Trần Trinh Trạch,
cũng sở hữu 74 sở điền, với 110.000 hecta đất trồng lúa, gần 100.000
hecta ruộng muối. Sau năm 1907, từ cuộc vận động Duy Tân của nhóm Đông
Kinh Nghĩa Thục, phong trào khuếch trương thương nghiệp đã làm xuất hiện
nhiều thương nhân vừa buôn bán vừa đầu tư công nghệ.
Dưới thời Pháp thuộc: “Ở Hà Nội có hiệu Đồng Lợi Tế bán hàng nội hoa,
hiệu Hồng Tân Hưng làm đồ sơn, hãng Quảng Hưng Long do nhiều nhà buôn
hùn vốn, hiệu Đông Thanh Xương chế tạo xuyến bông đại đoá và do các nhà
nho Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Quyền quản lý… Ở Nghệ An, Ngô Đức Kế tổ chức
Triều Dương thương quán, còn ở Quảng Nam, công ty Quản trị hiệp thương
phát triển từ năm 1907 với một số vốn khoảng chừng 200.000 đôla; công ty
mua lâm thổ sản đem đi bán ở Hà Nội, Sài Gòn, Hương Cảng, rồi lại mua
hàng ở các nơi đó về. Ở Phan Thiêt, công ty buôn bán Liên Thành, thành
lập năm 1908, xuất cảng đường, quế, tơ và sẽ mở thêm hai chi điếm lớn ở
Sài Gòn và Hội An” (293).
Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, một số những hội buôn này lợi dụng hàng
hoá bên Pháp không chở sang được để phát triển hoạt động của họ: “Hãng
Quảng Hưng Long thành công trong lãnh vực xuất nhập cảng, mặc dầu các
quyền lợi của người Âu rất mạnh mẽ trong lãnh vực nay; công ty Vũ Văn An
chuyên môn buôn bán các loại tơ luạ đắt giá; Nguyễn Hữu Thụ tức Sen,
trước làm chủ hãng xe ở Hải Phòng, trở thành chủ hãng tàu thuỷ chạy giữa
Hương Cảng và Hải Phòng trong những năm Thế chiên. Đồng thời, nhiều nhà
máy in được mở, như nhà máy in của Ngô Tử Hạ, Lê Văn Phúc ở Hà Nội, Bùi
Huy Tín ở Huế” (294).
Một trong những doanh nhân tiêu biểu lúc bấy giờ là Bạch Thái Bưởi.
Tháng 4-1916, Bạch Thái Bưởi lập ra “Giang hải luân thuyền Bạch Thái
công ty” ở Hải Phòng. Đến năm 1919, Bạch Thái Công ty đã sở hữu hơn 30
chiếc thuyền, chưa kể các thuyền phụ; 20 sà lan; 13 chiếc cầu tàu đứng,
16 chiếc cầu tàu nổi. Tàu nhỏ nhất chở được 55 người; tàu lớn nhất, chạy
tuyến Hà Nội - Nam Định, chở được 1.200 người. Năm 1920, Bạch Thái Bưởi
còn định mua tàu 3.000 tấn từ Mỹ để vươn sang Âu, Mỹ. Ông tuyên bố:
“Trước kia ta cạnh tranh với các Hoa thương trên mặt sông, từ nay trở đi
ta lại cạnh tranh với các tàu bè trên mặt biển” (295). Rất tiếc là khát
vọng của Bạch Thái Bưởi không thành. Năm 1925, sau khủng hoảng kinh tế
thế giới, ông đã phải bán tất cả số tầu của mình cho người Pháp.
Trong những thập niên sau đó, một số doanh nhân người Việt tiếp tục
thành công trong những ngành kỹ nghệ tưởng chỉ có người “Tây” độc chiếm.
Ông Ngô Tử Hạ đầu tư vào ngành in và trở thành “nhà tư bản ngành in và
bất động sản hàng đầu xứ Đông Dương”. Ông Nguyễn Sơn Hà lập hãng sơn,
chế ra loại sơn Résistanco, cạnh tranh được với các loại sơn của Pháp
trên cả các thị trường Lào, Campuchia và Thái Lan. Từ một điền chủ có
18.000 hecta ruộng, ông Trương Văn Bền mở hãng xà bông “Trương Văn Bền
và các con”, cho ra đời bánh “xà bông cô Ba”, đánh bại các loại xà bông
nhập cảng, thâu tóm thị trường Đông Dương rồi xuất sang Hương Cảng, châu
Phi, Tân Đảo…
Năm 1926, một số nhà tư bản và địa chủ ở Sài Gòn đã góp vốn thành lập
Việt Nam Ngân hàng, Societe Annamite de Credit. Tuy vậy, kinh doanh của
tư bản Việt Nam chỉ có thể thu hep trong phạm vi tiểu công nghiệp và
tiểu thương mại; trong suốt thời Pháp thuộc, những xí nghiệp tư bản Việt
Nam dùng trên 200 công nhân vẫn còn rất hiếm (296).
Ở miền Bắc, trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1958, tư bản tư
doanh và cá thể vẫn được Chính phủ Hồ Chí Minh cho làm ăn. Chính họ là
lực lượng giúp khôi phục nền kinh tế miền Bắc bị tàn phá nghiêm trọng
sau chín năm Việt Minh “trường kỳ kháng chiến” (297). Nhưng vai trò của
họ chỉ được khai thác trong một thời gian ngắn.
Năm 1954 từ nơi tản cư trở về, gia đình ông Trịnh Văn Bô không còn một
căn nhà nào để ở, cho dù trước đó, ông sở hữu biệt thự nổi tiếng 48 Hàng
Ngang và nhiều dinh thự khác như 34 Hoàng Diệu, 24 Nguyễn Gia Thiều,
56-58 Tràng Tiền… Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) là một doanh nhân Việt
Nam nổi tiếng giữa thế kỷ 20. Cha ông, ông Trịnh Văn Đường và cha vợ
ông, ông Hoàng Đạo Phương, đều là những nhà nho cùng thời với cụ Lương
Văn Can, từng đóng góp rất nhiều cho phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Ông Trịnh Văn Bô cùng vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ, trong 10 năm, kinh
doanh thành công, đưa tài sản của hãng tơ lụa Phúc Lợi tăng lên 100 lần
so với ngày thừa kế hãng này từ cha mình. Tơ lụa do Phúc Lợi sản xuất
được bán sang Lào, Campuchia, Thái Lan, được các thương nhân Pháp, Anh,
Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản tìm kiếm.
Từ năm 1944, gia đình ông nằm trong sự chú ý của những người cộng sản.
Ngày 14-11-1944, hai vợ chồng ông bà cùng người con trai cả đồng ý tham
gia Việt Minh. Vài tháng sau, ông bà đã mang một vạn đồng Đông Dương ra
ủng hộ Mặt trận Việt Minh và từ đó, gia đình ông Trịnh Văn Bô trở thành
một nguồn cung cấp tài chánh to lớn cho những người cộng sản. Đến trước
Cách mạng tháng Tám, gia đình ông đã ủng hộ Việt Minh 8,5 vạn đồng Đông
Dương, tương đương 212,5 cây vàng. Khi những người cộng sản cướp chính
quyền, ông bà Trịnh Văn Bô được đưa vào Ban vận động Quỹ Độc lập (298).
Ngày 24-8-1945, khi Chính phủ lâm thời về Hà Nội, Hồ Chí Minh, Trường
Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Tùng đều đã ở
hoặc qua lại ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Ba đêm đầu Hồ Chí Minh ngủ trên
giường của ông bà Trịnh Văn Bô, sau đó, ông xuống tầng hai, ngủ trên
chiếc giường bạt còn các nhà lãnh đạo khác thì kê ghế da hoặc rải chiếu
ngủ. Ở tầng trệt, cửa hàng vẫn hoạt động bình thường, ngay cả bảo vệ của
Hồ Chí Minh cũng không xuống nhà để tránh gây chú ý. Mọi việc ăn uống
đều do bà Trịnh Văn Bô lo, thực khách hàng ngày ngồi kín chiếc bàn ăn 12
chỗ.
Trong suốt từ 24-8 cho đến ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh hiếm khi
ra khỏi nhà 48 Hàng Ngang. Mỗi buổi sáng, cứ sau khi ông tập thể dục
xong, bà Trịnh Văn Bô lại đích thân mang thức ăn sáng lên. Bà nhớ, có
lần Hồ Chí Minh đã giữ bà lại và hỏi: “Cô bao nhiêu tuổi mà có được gia
tài lớn thế này?”. Năm ấy bà 31 tuổi, dù có 4 đứa con nhưng vẫn còn xinh
đẹp. Hồ Chí Minh ở lại đây cho đến ngày 27-9-1945. Mỗi khi ra khỏi nhà,
Hồ Chí Minh thường xuống tầng dưới vấn an bà mẹ ông Trịnh Văn Bô và gọi
bà là mẹ nuôi. Ở 48 Hàng Ngang, Hồ Chí Minh đã ngồi viết bản Tuyên Ngôn
Độc Lập và tiếp các sĩ quan OSS như Archimedes Patti và Allison Thomas.
Quần áo mà các lãnh đạo Việt Minh bận trong ngày lễ Độc lập, đều do gia
đình ông bà cung cấp. Các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp thì mặc đồ
của ông Trịnh Văn Bô còn áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì may bằng vải
Phúc Lợi.
Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông Trịnh Văn Bô theo Chính phủ Kháng
chiến lên Việt Bắc còn vợ ông thì mang 5 người con, trong đó có một đứa
con nhỏ, cùng với mẹ chồng lên “vùng tự do” Phú Thọ. Những năm ở đó, từ
một bậc trâm anh, thế phiệt, bà đã phải cuốc đất trồng khoai và buôn bán
để nuôi con. Năm 1955, gia đình ông Trịnh Văn Bô trở về Hà Nội. Ông bà
tiếp tục xoay xở và bắt đầu phải bán dần đồ đạc cũ để nuôi sống gia
đình. Lúc này, toàn bộ biệt thự, cửa hàng đều đã bị các cơ quan nhà nước
sử dụng hoặc chia cho cán bộ nhân viên ở. Lúc đầu, Nhà nước “mượn” sau
tự làm giấy nói gia đình xin hiến, nhưng cụ bà Trịnh Văn Bô bảo: “Tôi
không ký”.
Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa”
trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ
sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi “làm
gương”, đưa xưởng dệt của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các nhà
tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc
lột, bây giờ Chính phủ nhân đạo cho làm phó giám đốc trong các nhà máy,
xí nghiệp của mình. Không chỉ riêng bà Bô, các nhà tư sản từng nuôi Việt
Minh như chủ hãng nước mắm Cát Hải, chủ hãng dệt Cự Doanh cũng chấp
nhận hợp doanh và làm phó.
Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý lịch các con của ông Trịnh Văn
Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là “tư sản dân tộc”, và rất ít khi
hai chữ “dân tộc” được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn Bô, ông Trịnh
Kiến Quốc kể: “Ở trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính trị,
nhìn chị em tôi như những công dân hạng ba. Vào đại học, càng bị kỳ thị
vì lượng sinh viên người Hà Nội không còn nhiều. Trong trường chủ yếu là
sinh viên con em cán bộ thuộc thành phần cơ bản từ Nghệ An, Thanh Hoá…
những người xếp sinh viên Hải Phòng, Hà Nội vào thứ hạng chót. Chị tôi
vào Đại học Bách Khoa, năm 1959, phải đi lao động rèn luyện một năm trên
công trường Cổ Ngư, con đường về sau Cụ Hồ đổi thành đường Thanh Niên,
và sau đó là lao động trên công trường Hồ Bảy Mẫu”. Cả gia đình ông
Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu
tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông
với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình
ông vẫn không đòi lại được (299).
Câu chuyện của gia đình Trịnh Văn Bô cũng chưa cay đắng bằng gia đình
bà Nguyễn Thị Năm, nổi tiếng với tên gọi Cát Hanh Long, một nhà tư sản
vào hàng nhất nhì miền Bắc. Cũng như nhiều nhà tư sản khác, ba mẹ con bà
Nguyễn Thị Năm đã hăm hở ủng hộ phong trào Việt Minh từ tháng 5-1945.
Bà đã từng vận động bạn bè và tự mình mua tín phiếu Việt Minh, mua vải
đỏ, vải vàng may cờ đỏ sao vàng, ủng hộ tiền, gửi thuốc men, thóc gạo,
dụng cụ ấn loát lên Chiến khu Việt Bắc…
Sáng ngày 19-8-1945, bà Năm đã dùng xe ô tô của gia đình, cắm cờ đỏ sao
vàng ngay đầu mũi xe chạy lên Thái Nguyên, báo tin “Hà Nội đã khởi
nghĩa” cho người con trai thứ hai là Hoàng Công đang hoạt động bí mật ở
Võ Nhai dưới sự lãnh đạo của các cán bộ cộng sản. Trong một trạng thái
phấn khích, bà Năm đã cho xe chạy một vòng quanh thành phố Thái Nguyên
rồi mới sang Đồng Bẩm, lên La Hiên, Đình Cả. Đó là một hành động bất
chấp nguy hiểm vì khi ấy người Nhật chưa chính thức đầu hàng.
Hai con bà Năm: Hoàng Công, tham gia Tổng khởi nghĩa ở Thái Nguyên;
Nguyễn Hanh, tham gia Tổng khởi nghĩa ngay tại phủ Khâm sai Bắc Bộ và
sau đó được cử đi bảo vệ phái đoàn gồm có các ông Nguyễn Lương Bằng,
Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận vào Huế tiếp nhận sự thoái vị và nhận ấn kiếm
vàng của Bảo Đại đem về Hà Nội, đúng lúc đang diễn ra lễ mít tinh ở
Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.
Trong “Tuần lễ vàng”, gia đình bà Năm đã góp 100 lượng vàng tại Hải
Phòng. Ở Thái Nguyên, gia đình bà được Trung ương Việt Minh giao trách
nhiệm giúp đỡ và chăm sóc các cán bộ của Đảng từ Chiến khu về, trong đó
có những người như gia đình ông Hoàng Hữu Nhân, Bí thư đầu tiên của Hải
Phòng, và gia đình ông Lê Đức Thọ. Con trai Hoàng Công của bà sau đó
được ông Lê Đức Thọ điều từ Thái Nguyên về Hà Nội. Toàn quốc kháng
chiến, Hoàng Công bị gãy chân tại mặt trận Ngã Tư Sở khi đang chiến đấu
bảo vệ Thủ đô.
Cũng trong những ngày đó, gia đình bà Năm đã để lại khối tài sản lớn
của mình ở Hà Nội và Hải Phòng để theo mặt trận Việt Minh. Ở Thái
nguyên, bà Năm tích cực tham gia công tác phụ nữ và được bầu làm Hội
trưởng Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên và là Uỷ viên Liên khu Hội Phụ nữ. Thế
nhưng, khi cải cách ruộng đất, bà Nguyễn Thị Năm bị quy là địa chủ và bị
gán tội “Việt gian - Quốc dân Đảng” rồi trở thành một trong những địa
chủ đầu tiên bị xử bắn (300).
Cuối năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, được giao phụ trách trong công
tác sửa sai trong cuộc vận động cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức,
Lê Đức Thọ đã minh oan cho bà Nguyễn Thị Năm và sửa lại thành phần cho
bà là “tư sản, địa chủ kháng chiến”. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Hanh:
Không phải mọi việc sau này đều thuận buồm, xuôi gió ngay đối với con
cháu của bà.
Ông Nguyễn Hanh viết: “Con gái đầu lòng của tôi được vào đại học, nhưng
khi tốt nghiệp, phân công tác, không được cơ quan nào chấp nhận vì bà
nội cháu đã bị xử trong cải cách ruộng đất. Con trai thứ hai, theo gương
bố và chú, xin vào bộ đội. Đơn vị thấy cháu công tác tốt và có khả năng
đã cử cháu đi học đại học tại chức. Vừa học, vừa công tác tốt nhưng đến
khi tốt nghiệp, phát hiện ra cháu là cháu nội địa chủ, nhà trường đã
không cho cháu thi tốt nghiệp. Nhờ có sự giúp đỡ tận tình của bác Lê Đức
Thọ nên hai con tôi mới thoát nạn. Ba năm sau khi sửa sai cho mẹ tôi,
hai anh em tôi mới được xét lại thành tích phấn đấu từ thời Việt Minh bí
mật và nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của bác Lê Đức Thọ, nên chúng tôi
được phục hồi công tác. Chỉ tiếc rằng việc thực hiện sửa sai không nhất
quán và không làm đúng ở cơ sở. Em trai tôi chưa được chứng nhận là
thương binh và phục hồi Đảng tịch… Sau này bác Lê Đức Thọ đã đến thăm
gia đình chúng tôi, tặng một tập thơ, ở trang đầu có ghi mấy dòng chữ tự
tay bác viết: Thân tặng Hanh và Công, để đánh dấu chấm dứt sự đau buồn
kéo dài lâu năm của gia đình và cũng là của chung” (301).
Trong thời kỳ khôi phục kinh tế, 1955-1957, nền kinh tế miền Bắc phát
triển ngoạn mục, chủ yếu nhờ vào lực lượng tư nhân: Công nghiệp tư bản
tư doanh tăng 230%; cá thể, tiểu chủ, tăng 220,2%. Tư bản tư doanh và
tiểu chủ, cá thể tạo ra một lượng sản phẩm chiếm 73,7% tổng giá trị công
nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở miền Bắc. Nhưng “Công cuộc cải tạo
công thương nghiệp tư doanh” bắt đầu ở miền Bắc vào tháng 9-1957 đã gần
như triệt tiêu hoàn toàn kinh tế tư bản tư nhân, tiểu chủ và cá thể bằng
cách tước đoạt dưới các hình thức “tập thể hoá” hoặc buộc các nhà tư
sản phải đưa cơ sở kinh doanh của họ cho Nhà nước với cái gọi là công tư
hợp doanh.
Chỉ hai năm sau cải tạo công thương nghiệp tư doanh, ở miền Bắc, tài
sản của các nhà tư sản teo dần trong khi lực lượng quốc doanh bắt đầu
chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế (302). Văn kiện Đảng ghi ngắn gọn:
“Đến cuối năm 1960, 100% hộ tư sản công nghiệp và 97,2% hộ tư sản thương
nghiệp được cải tạo” (303). Con số đó đủ để nói lên chính sách đối với
tư nhân của chế độ miền Bắc.
Nhà nước theo Hiến pháp 1959, với tham vọng “lãnh đạo hoạt động kinh tế
theo một kế hoạch thống nhất” (304), đã coi “Kinh tế quốc doanh thuộc
hình thức sở hữu của toàn dân, giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế
quốc dân và được Nhà nước bảo đảm phát triển ưu tiên (305); Khuyến khích,
hướng dẫn và giúp đỡ sự phát triển của kinh tế hợp tác xã (306)”.
Mặc dù nói, “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư
liệu sản xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc”, nhưng vì Hiến
pháp đã giao nhiệm vụ cho Nhà nước “ra sức hướng dẫn các nhà tư sản dân
tộc hoạt động có lợi cho quốc kế dân sinh, góp phần phát triển kinh tế
quốc dân phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước”; bằng cách “khuyến
khích và hướng dẫn các nhà tư sản dân tộc đi theo con đường cải tạo xã
hội chủ nghĩa bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải
tạo khác” (307); đồng thời “nghiêm cấm việc lợi dụng tài sản tư hữu để
làm rối loạn sinh hoạt kinh tế của xã hội, phá hoại kế hoạch kinh tế Nhà
nước” (308), cho nên phạm vi tư hữu được “Nhà nước bảo hộ” chỉ còn ở mức
“quyền sở hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để
dành, nhà ở và các thứ vật dụng riêng khác” (309).
Cũng từ năm 1960, kinh tế tư bản tư nhân trên miền Bắc gần như hoàn
toàn biến mất. Hậu duệ của những Bạch Thái Bưởi, Lê Văn Phúc… ly tán.
Các nhà tư sản đóng góp nhiều tiền bạc cho kháng chiến như Nguyễn Sơn
Hà, Ngô Tử Hạ… có được vài ghế danh dự trong Chính phủ, trong Quốc hội,
nhưng họ và con cái không còn là những doanh nhân - vai trò mà họ có thể
đóng góp thiết thực nhất cho đất nước.
Miền Bắc “tiến lên chủ nghĩa xã hội” bằng “kế hoạch 5 năm lần thứ
nhất”, 1960-1965, trong một bối cảnh kinh tế tư nhân bị o ép và quốc
doanh thì èo uột. Chiến tranh, với khẩu hiệu, “tất cả cho tiền tuyến;
tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đã biện minh cho sự nghèo nàn và
viện trợ đã giúp miền Bắc sống thoi thóp cho đến ngày thống nhất. Ở
miền Nam, sau năm 1975, những thương hiệu một thời nổi tiếng cũng lần
lượt biến mất sau khi chủ nhân của nó di tản, bị bắt, hoặc trở thành
thuyền nhân và các nhà máy bị quốc hữu hoá rồi được quản lý theo kiểu
cha chung không ai khóc.
Nhưng, cho dù trải qua ba thập niên xây dựng chủ nghĩa xã hội, “chợ
đen” chưa bao giờ bị triệt tiêu ở miền Bắc; cho dù các nhà tư sản bắt
đầu bị “đánh” kể từ tháng 9-1975 và bị “cải tạo” triệt để hơn vào tháng
3-1978, lực lượng “con phe” ở miền Nam chưa từng một ngày chịu khuất
phục. Họ đã từng phải trả giá cả bằng tù tội. Một trong những người tiêu
biểu đó là “Vua Lốp” Nguyễn Văn Chẩn.
Ông Nguyễn Văn Chẩn vốn là một nông dân ở huyện Nga Sơn, Thanh Hoá. Năm
1954, ông bán tài sản giá trị nhất là ruộng rau, để lại cho vợ con một
nửa số tiền, mang theo nửa còn lại tìm đường ra Hà Nội. Thoạt đầu, ông
xin vào làm công ở “ngành công nghiệp” bóc vỏ xe ô tô cũ cắt ra làm dép.
Sau khi tích luỹ được một số vốn, ông mở một cửa hiệu nhỏ rồi đón vợ
con lên Hà Nội. Chỉ sau một năm, công việc làm ăn của ông Chẩn phất
lên…, ông bị coi là “tư sản mới”, bị kiểm tra, toàn bộ tài sản bị tịch
biên và bản thân ông bị đưa đi cải tạo nhưng may mắn, chỉ vài ngày sau,
ông được thả.
Trở về, ông Chẩn vẫn không bỏ được máu làm ăn. Một lần, khi cây viết
mực của con bị hư, ông phải đi khắp các “cửa hàng bách hoá” mà không mua
được vì “bút máy” là mặt hàng “phân phối”. Sau khi tìm mua được một cây
viết chợ đen với giá mắc hơn giá trong cửa hàng Nhà nước nhiều lần, ông
Chẩn tức mình ngồi tháo ra nghiên cứu và nhận thấy là ông có thể tự làm
được những cây viết mực. Thế rồi ông chuyển sang làm “bút máy” (310).
Bút máy của ông có kiểu dáng gần giống và chất lượng tương đương “bút
máy Trường Sơn” nhưng được bán tự do với giá rẻ.
Ông Chẩn lại phất lên và lại bị “tài chính quận Hoàn Kiếm” kiểm tra chỉ
vì ông “sống ở quận Ba Đình mà kinh doanh ở Hoàn Kiếm”. Toàn bộ công
cụ, đồ nghề, nguyên liệu, sản phẩm lại bị tịch thu rồi chỉ được trả một
phần nhỏ sau nhiều lần thưa kiện. Bỏ nghề làm bút máy, ông Chẩn chuyển
sang nghề đắp vỏ xe đạp, xe thồ và lại nhanh chóng trở thành người giàu
có.
Tháng 4-1960, ông bị công an quận Ba Đình khám nhà, tịch thu toàn bộ mô
tơ, khuôn, vài tạ dép đứt quai, cao su và hàng ngàn chi tiết bút. Với
tội danh “tàng trữ và đầu cơ hàng hoá sản xuất trái phép”, ông Nguyễn
Văn Chẩn bị Toà án Hà Nội xử 30 tháng tù giam. Thay vì phúc thẩm ngay
theo đơn kháng án của ông, mãi tới ngày 25-5-1972, Toà án Tối cao mới xử
phúc phẩm và tại bản án số 22, ông Chẩn chỉ bị buộc tội “đầu cơ”, bị
“cảnh cáo và nộp phạt một trăm đồng” sau khi đã phải trải qua 18 tháng
trong nhà tù Hoả Lò, 12 tháng trong trại tù Yên Bái.
Khi từ nhà tù Yên Bái trở về, ông Chẩn đã định từ giã con đường làm ăn
tư nhân. Ông xin vào công ty vệ sinh Thành phố và buổi tối thì nhận xăm
của nhà máy cao su về nối. Nhưng… ông nhận ra nhựa vá xăm lốp quốc doanh
“chưa vá đã bong” nên mày mò pha chế và tìm ra một loại nhựa tốt hơn.
Các chủ đại lý lại xếp hàng rồng rắn trước xưởng nhựa của ông Chẩn.
Khách các tỉnh xa về mua hàng can lớn. Ông Chẩn lại giàu lên. Tháng
1-1974, ông bị bắt và ngồi tù cho tới ngày 30-3 năm ấy. Ra tù ở tuổi 50,
sau 5 năm bán chè chén, năm 1979, ông quay lại với nghề làm vỏ xe ở một
trình độ cao hơn. Năm 1980, ông Chẩn cho xuất xưởng những chiếc vỏ xe
thồ có thể chạy ba năm trong khi vỏ xe cùng loại của Nhà máy cao su Sao
Vàng chỉ chạy được chưa đầy sáu tháng. Sản phẩm của ông từng được trao
Huy chương đồng tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ. Từ đây, ông Nguyễn Văn
Chẩn bắt đầu chết tên “Vua Lốp”.
Khách hàng từ các tỉnh phía Bắc đến xếp hàng hằng ngày chờ mua vỏ xe
thồ đã làm cho Chính quyền chú ý. Người có tiền án hai lần vào tù vì
“buôn bán xăm lốp ô tô cũ và sản xuất bút máy” đương nhiên trở thành đối
tượng của công an. Đầu tháng 7-1983, ông Chẩn bị kiểm tra và trong suốt
ba ngày trời, “dưới sự chứng kiến của hàng trăm quan chức đủ mọi thành
phần và hàng ngàn người dân hiếu kỳ, ông Chẩn và các con đã phải thao
tác quy trình làm lốp bằng phế liệu”. Không tìm ra lỗi, Chính quyền Hà
Nội đành cáo buộc ông “tự ý sản xuất” làm “rối loạn” nền kinh tế mà,
trong đó, mọi sản phẩm đều do Nhà nước lên kế hoạch, giao chỉ tiêu từ
khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ.
Hà Nội năm 1983 là địa phương duy nhất hăng hái thi hành “Chỉ thị Z-30”
mà theo đó, sự giàu có cũng được coi là tội trọng. Sáng sớm ngày
27-8-1983, lực lượng liên ngành quận Ba Đình bao gồm quân đội, công an,
viện kiểm sát, uỷ ban đã phong toả nhà và xưởng sản xuất của Vua Lốp,
rồi tuyên bố, tịch thu toàn bộ nhà cửa, nguyên vật liệu và dây chuyền
sản xuất xưởng sản xuất lốp, đồng thời ra lệnh bắt giam ông Chẩn. Đã có
kinh nghiệm từ ba lần trước, ông Chẩn bỏ trốn lên Hàng Đào, rồi sau đó
bắt đầu những ngày phiêu bạt, nay Thái Bình, mai Hải Phòng, Hà Bắc. Gần
một năm sau, khi vợ con khởi kiện, ông Chẩn mới lặng lẽ trở về. Những
năm ấy, cả gia đình Vua Lốp phải ra phố Sơn Tây căng lều trên vỉa hè
sống tạm (311).
Không quy mô như “Vua Lốp” nhưng nhiều người dân vẫn tìm cách xoay xở.
Bốn ngành “công nghiệp mũi nhọn” mà xã hội “bung ra” những năm 1978,
1979 và trong thập niên 1980 là: “Vá ép áo mưa rách; Bơm mực ruột bút
bi; Tái chế dép nhựa cũ; Lộn cổ áo sơ mi”. Ở miền Bắc, ngành công nghiệp
“ Tái chế dép nhựa cũ” có nơi được thay bằng “Gia công quy gai xốp”. Có
một ngành “công nghiệp” không thể không nói tới là “ngành” nấu xà bông.
Thành phần cục xà bông phản ánh khá trần trụi một môi trường kinh doanh
đã bị cơ chế quan liêu bao cấp làm cho biến dạng.
Sau năm 1975, những hãng nổi tiếng như bột giặt Viso hay “Trương Văn
Bền và các con” đều bị quốc hữu hoá hoặc phải hoạt động dưới dạng “công
tư hợp doanh”. Một người con của ông Trương Văn Bền được Nhà nước cho
làm Phó giám đốc Công ty hợp doanh này. Đó là một giai đoạn mà vật tư
nguyên liệu để làm các loại “xà bông cô Ba” không còn được nhập. Không
có nguyên liệu để sản xuất xà bông theo quy trình hiện đại, Công ty hợp
doanh phải đặt hàng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ gia công theo cách cho xút
và dầu dừa vào thùng phuy đun, khuấy.
Một người từng sản xuất xà bông từ cuối thập niên 1970, ông Thái Văn
Hừng (312) kể: “Ngày chuẩn bị ra trường, tôi về thực tập ở Cần Thơ, tình
cờ ra chợ mua xà bông, thấy giá cao quá. Hồi đó, đưa 1kg xà bông từ Sài
Gòn về phải qua biết bao nhiêu trạm kiểm soát. Thay vì mua xà bông, tôi
về mang sách vở, đồ dùng học tập, bán hết, gom thêm tiền, mua 10kg dầu
dừa, xút… nấu xà bông. Cứ sáng làm, chiều bán, một vốn, ba, bốn lời.
Đúng một tháng sau tôi có gần bốn chục lượng vàng. Thay vì trở về trường
nhận bằng tốt nghiệp, tôi thành lập tổ hợp sản xuất xà bông, bỏ ra 30
lượng vàng mua một máy ép dầu dừa. Máy ép dầu dừa của tôi là chiếc thứ
hai ở tỉnh Hậu Giang hồi đó”. Năm 1980, chỉ hơn một năm sau ngày khởi
nghiệp, ông Hừng nhớ lại: “Tôi có cả nghìn cây vàng”.
Nhưng, ở Sài Gòn, không phải ai cũng có thể mua xút và dầu dừa. Ông
Trần Mộng Hùng, người nhận gia công xà bông cho các công ty hợp doanh;
người từng cho cậu sinh viên Thái Văn Hừng mua xà bông chịu mang về miền
Tây bán, kể: “Sau cải tạo, toàn bộ hàng hoá, nguyên liệu mà Nhà nước
thu được của các nhà tư sản được đưa về cho Công ty Vật tư Tổng hợp
Thành phố. Nhiều loại vật tư vô cùng khan hiếm ngoài thị trường lại nằm
chết dí trong kho vì những người quản lý không biết nó là gì. Những
thùng xút mà các nhà nấu xà bông đang cần lại thường bị bỏ bê vì thủ kho
ngại tới gần những loại hoá chất đụng tay vô là bị phỏng. Mãi về sau
khi vật tư trên thị trường đã cạn kiệt, hàng mới không được nhập về, các
nhà sản xuất mới tìm đến và phát hiện ra nhiều loại vật tư ngoài thị
trường khan hiếm lại đang bị bỏ phế”.
Do quen biết giám đốc Công ty Dầu dừa Bến Tre, ông Trần Mộng Hùng xuống
thẳng công ty của ông này “xin mua”. Ông giám đốc nói: “Dầu tao sản
xuất ra không có chỗ để chứa, mua là tao bán chứ xin gì”. Ông Hùng cả
mừng, nói: “Vậy chú bán cho con theo giá thị trường 5 đồng/kg đi”. Ông
giám đốc trả lời: “Bán theo giá thị trường để tao đi tù à? Tao bán mày 5
xu/kg thôi. Nhưng mày phải kiếm một công ty quốc doanh xuống đây mua
thì tao mới bán được”. Theo quy định lúc đó: Chỉ các công ty quốc doanh
có chức năng mới được mua xút, dầu dừa rồi cung cấp cho các xí nghiệp
được giao kế hoạch sản xuất xà bông cho thương nghiệp; Các xí nghiệp này
lại nhận xút và dầu dừa theo định mức rồi đặt các cơ sở gia công nấu xà
bông.
Các cơ sở gia công xà bông nếu cứ nhận xút và dầu dừa theo định lượng
rồi giao lại một số xà bông đúng như tính toán Nhà nước thì sẽ không có
lời. Họ phải kiếm sống bằng cách, nếu định lượng xút cho một thùng xà
bông là 15 kg thì chỉ sử dụng 9 kg, rồi đem 6 kg ấy ra chợ trời bán.
“Công thức” áp dụng với dầu dừa cũng tương tự. Nhưng, muốn cho cục xà
bông cứng lại thì phải đảm bảo nấu đủ 62% dầu dừa trong khi hơn 1/3 dầu
dừa đã được bán cho chợ đen. Thế là các cơ sở gia công đành phải trộn mỡ
phế thải của nhà máy Vissan, thậm chí pha đất sét và dùng muối thay cho
soda… để cho cục xà bông cứng lại.
Sự chi li chặt chẽ của các nhà làm “kế hoạch hoá” đã khiến cho nền kinh
tế phải tồn tại bằng cách đối phó. Không chỉ có xà bông mà cả kem đánh
răng, vỏ xe… cũng đều phải “độn”. Những đôi dép nhựa tái chế chỉ đi được
vài tuần là gãy đế, tụt quai. Những chiếc vỏ xe chạy được dăm chục cây
số là bắt đầu phải lấy mây khâu mới giữ được cho phần cao su dính liền
với “tanh” thép. Những chiếc yên xe chỉ đi mấy bữa là lo xò không còn
khả năng đàn hồi…
Năm 1990, khi Luật Công ty và Doanh nghiệp tư nhân ra đời, những người
như ông Thái Văn Hừng, Trần Mộng Hùng… từ giã những cơ sở sản xuất, kinh
doanh du kích của mình, bỏ vốn lập công ty. Cũng như nền kinh tế nói
chung, từng người bắt đầu phải học để thích ứng cho một giai đoạn mới.
Học lại “kinh tế thị trường”
Theo ông Phan Văn Khải, nói là Đảng bắt đầu đổi mới từ năm 1986, nhưng
trên thực tế trong suốt nhiệm kỳ VI, trong Đảng vẫn tranh cãi liên miên
về đường đi. Mãi tới năm 1991, những người chủ trương cải cách mới đưa
được bốn chữ “kinh tế thị trường” vào văn kiện.
Sau khi khởi xướng con đường đổi mới, ông Trường Chinh vừa giữ chức cố
vấn Ban Chấp hành Trung ương vừa là trưởng Tiểu ban Soạn thảo cương lĩnh
của Đảng. Nhưng vai trò của ông chấm dứt chỉ chưa đầy một năm sau đó.
Đầu năm 1988, Hội nghị Trung ương lần thứ 3 nhóm họp tại Thành phố Hồ
Chí Minh, khi Trường Chinh vào Nam dự theo thường lệ thì nhận được “đề
nghị” của Chánh Văn phòng Trung ương Hồng Hà: “Đã lâu anh không vào Nam
nên Văn phòng bố trí để anh đi nghỉ”.
Nửa năm sau, ngày 30-9-1988, khi xuống gặp nhóm giúp việc ở phần tầng
nửa trệt, nửa hầm, nhà số 3 Nguyễn Cảnh Chân, Trường Chinh bị trượt chân
nơi mấy bậc cầu thang, ngã bật người ra phía sau, rồi mất.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thay thế Trường Chinh làm trưởng Tiểu ban
dự thảo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong Thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa
xã hội”. Chủ biên là Uỷ viên thường trực Bộ Chính trị Đào Duy Tùng.
Thay vì cải cách cả kinh tế và chính trị, ưu tiên hàng đầu lúc bấy giờ
của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Đào Duy Tùng, trợ thủ đắc lực về lý
luận của ông, là: “Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở kiên
định học thuyết kinh điển về cách mạng vô sản và thời kỳ quá độ trong
đó có chính sách kinh tế mới của Lênin” (313).
Cùng thời gian ấy, Chính phủ được giao soạn thảo “Chiến lược ổn định và
phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000” (314). Những nhà cải cách có một
cơ hội để “cài” vào văn kiện của Đảng hai chữ “thị trường”. Theo ông
Trần Đức Nguyên: “Chúng tôi bàn nhau, dứt khoát phải đưa vào văn kiện
thuật ngữ ‘nền kinh tế thị trường’ và chấp nhận thêm đuôi ‘có sự quản lý
nhà nước’. Không có nền kinh tế nào lại không có bàn tay nhà nước,
nhưng cứ viết ra như thế để những người sợ hãi thị trường yên tâm” (315).
Cũng theo ông Trần Đức Nguyên: “Đào Duy Tùng, khi ấy là uỷ viên thường
trực Bộ Chính trị, không muốn trình ‘Chiến lược ổn định và phát triển
kinh tế xã hội đến năm 2000’ ra đại hội, lấy cớ đã có nhiều văn kiện
quá. Nếu hai ông Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt không kiên quyết bảo vệ, thì năm
1991, khái niệm kinh tế thị trường có thể đã chưa bắt đầu được Đảng
Cộng sản Việt Nam đề cập”. Không chỉ là vấn đề câu chữ, xung đột giữa
hai nhóm biên soạn “Cương lĩnh” và “Chiến lược” của cùng Đại hội VII
(1991) cho thấy, “cuộc đấu tranh giữa hai con đường” trong Đảng lúc đó
mới thực sự bắt đầu (316).
Nhưng, trước khi các nhà lý luận thừa nhận kinh tế thị trường, nhiều
nhà hoạt động thực tiễn đã tìm cách liên hệ với thế giới bên ngoài để
tìm hiểu nó. Năm 1979, ở Sài Gòn, Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt cho lập
Công ty Imexco, bổ nhiệm một người ngoài Đảng, ông Nguyễn Văn Đức, làm
phó giám đốc. Ông Nguyễn Văn Đức, người được biết nhiều dưới cái tên
“Tây” Charles Đức hoặc Ba Đức sinh năm 1939 tại Châu Đốc, học kinh tế
tại Aix-en-Provence, Pháp (1962-1964) và Luật quốc tế tại La Haye, Hà
Lan (1965-1967). Năm 1974, ông Đức về nước, cưới danh ca cải lương Bạch
Tuyết và bắt đầu hoạt động kinh doanh. Cả khả năng kinh doanh và sự nổi
tiếng của Bạch tuyết đã giúp ông Đức có một mối quan hệ thân tình với
nhiều nhà lãnh đạo. Theo ông Đức thì ông Kiệt là người bật đèn xanh cho
Imexco chủ động làm ăn với các thị trường như Hồng Kông, Singapore, giúp
các xí nghiệp nhà nước và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cân đối
nguồn hàng, ngoại tệ, làm quen với “hạch toán kinh doanh”, đồng thời tìm
đường lách qua lệnh cấm vận của Mỹ.
Sau Đại hội VI, các nhà lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Đỗ
Mười, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch nhận thấy nhu cầu mở cửa lớn hơn nên
Charles Đức đã được sử dụng với một vai trò mới. Tháng 3-1987, Charles
Đức được lệnh bàn giao tất cả các chức vụ trong vòng một tuần để tập
trung nghiên cứu phương thức né tránh cấm vận đồng thời viết phương án
làm kinh tế đối ngoại và kêu gọi đầu tư nước ngoài trong thời kỳ mới. Để
thực hiện ý đồ này, tháng 3-1987, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ
Chí Minh Phan Văn Khải được ông Phạm Hùng giao ký quyết định thành lập
Tổng công ty Kinh doanh ngoài nước (OFTC), trụ sở chính ở Luxembourg với
21 công ty con ở nhiều nước trên thế giới. Ông Đức được cấp vốn một
triệu USD.
Tại Thuỵ Sỹ, Charles Đức cho lập một công ty tài chính, chủ yếu huy
động kiều hối, từ đấy chuyển cho các khách hàng hoặc chuyển về
Intershop, một cơ sở vệ tinh trước đây của Imexco. Lực lượng đầu tiên mà
ông Charles Đức trông cậy là các doanh nhân và trí thức người Việt ở
nước ngoài. Vài tháng sau khi thành lập OFTC, Charles Đức qua Singapore
gặp ông Võ Tá Hân, lúc ấy đang là Tổng Giám đốc của Singapore Finance,
Chủ tịch Hội Thương gia Canada tại Singapore (CBA - Canadian Business
Association). Qua trung gian của Charles Đức, tháng 4-1988, với tư cách
Chủ tịch Hội, ông Hân đưa một đoàn gồm các thương gia của CBA về Sài
Gòn.
Trước năm 1989, khủng hoảng lý luận diễn ra sâu sắc trong các trường
đại học, nhất là đối với các bộ môn liên quan đến “chủ nghĩa cộng sản
khoa học”. Sinh viên, đặc biệt là sinh viên đại học kinh tế, “chuyền tay
nhau xem các tài liệu cải cách của Liên Xô, Hungary, những bài viết về
nhận thức lại chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, kể cả dự thảo văn
kiện mới của Đảng. Trong khi đó, chương trình (kinh tế) viết từ năm 1959
vô cùng lạc hậu” (317).
Theo một điều tra của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, chỉ có 17%
sinh viên được hỏi cho rằng việc học chủ nghĩa Marx-Lenin là có tác
dụng. “Nguyên nhân chính dẫn đến sự thờ ơ với việc học các môn
Marx-Lenin là do nhà trường đã đồng nhất chủ nghĩa Marx-Lenin với chính
trị và dùng môn học này để minh hoạ đường lối chính sách của Đảng” (318).
Từ điều tra này, cuối năm 1988, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp
có Chỉ thị 12/CT, “bãi bỏ kỳ thi quốc gia môn lý luận Marx-Lenin”.
Chỉ thị 12/CT đã làm dấy lên một phong trào của sinh viên Đại học Kinh
tế Thành phố Hồ Chí Minh đòi bỏ thi tốt nghiệp môn lý luận Marx-Lenin.
Một số giảng viên đại học ở Thành phố cũng lên tiếng trên báo chí cho
rằng: “Bỏ thi tốt nghiệp môn lý luận Marx-Lenin là một đòi hỏi chính
đáng của sinh viên đại học kinh tế” (319). Ngày 7-12-1988, Bộ đã phải gửi
Telex cho trường giải thích, Chỉ thị 12/CT “không điều chỉnh” đối với
ngành học kinh tế.
Ngày 10-12-1988, trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh quyết
định giữ môn Kinh tế chính trị Marx-Lenin trong kỳ thi quốc gia. Ngày
23-12-1988, các sinh viên Kinh tế năm cuối đã tổ chức một cuộc họp phản
đối quyết định này. Hai tuần sau, Hiệu trưởng Đào Công Tiến phải giải
thích: “20 năm nay và trong quy chế thi tốt nghiệp, môn Kinh tế chính
trị được coi là môn thi tốt nghiệp với tư cách là môn cơ sở của chuyên
ngành kinh tế” (320).
Cho dù ông Hiệu trưởng nói như vậy và cho dù Kinh tế chính trị học
Marx-Lenin vẫn là một môn học chính trong những thập kỷ tiếp theo, ngay
từ thời điểm ấy, nhu cầu thay đổi để có được một chương trình giảng dạy
bắt kịp nhịp độ chuyển đổi từ “quan liêu bao cấp” sang nền “kinh tế thị
trường” thực sự trở thành nhu cầu tự thân của cả thầy lẫn trò.
Học gần hết chương trình phổ thông của nền giáo dục Sài Gòn, năm 1977,
sinh viên Trần Ngọc Thơ thi vào khoa Tài chính - Kế toán, trường Đại học
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Thơ: “Một số sinh viên tốt
nhiệp phổ thông hoặc đã học đại học năm thứ nhất, thứ hai trước năm
1975, biết chút ít về kinh tế thị trường rất thất vọng về những gì được
dạy trong nhà trường được gọi là đại học kinh tế”. Đầu thập niên 1980,
sau khi ra trường, ông Thơ được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, ông kể:
“Hơn 10 năm cứ dạy chính sách chế độ là chủ yếu. Cứ nghị quyết như thế
nào, mình lại lặp lại thế đó. Lúc ấy chúng tôi cũng rất buồn. May mà có
đổi mới”.
Theo Giáo sư Trần Ngọc Thơ, thế hệ của ông tiếp cận với những kiến thức
về kinh tế thị trường bắt đầu từ những bài báo trên các tờ Tuổi Trẻ và sau đó là Lao Động Chủ Nhật
của các tác giả như Phan Tường Vân, Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước… (321).
Những tài liệu kinh tế học được viết trước năm 1975 tại miền Nam của
Giáo sư Nguyễn Văn Ngôn, Phó Bá Long… cũng bắt đầu được đem ra sử dụng.
Ông Thơ thừa nhận, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội có điều kiện đổi mới
hơn và những thay đổi ở đây ảnh hưởng rất mạnh đến giáo trình của các
trường phía Nam. Trong khi đó, trong một nỗ lực cá nhân được sự hỗ trợ
của các quan chức Viện Kinh tế Thành phố, thành viên của Đoàn ông Phan
Văn Khải đến Singapore năm 1988, ông Võ Tá Hân đã chuyển về nước hàng
vạn cuốn sách, trong đó có nhiều cuốn là giáo trình các loại về kinh tế
thị trường. Nhân vật đầu tiên trong Bộ Chính trị tỏ ra am hiểu nhất về
kinh tế thị trường không phải là những người phụ trách về kinh tế mà là
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (322). Ông Nguyễn Cơ Thạch không chỉ
là người trực tiếp soạn thảo Nghị quyết 13 Bộ Chính trị khoá VI, nghị
quyết mở ra một giai đoạn mới trong chính sách ngoại giao của Việt Nam
mà còn là người chủ động đưa tri thức thị trường vào Việt Nam (323).
Sự xuất hiện của các nhà tài trợ quốc tế cũng góp phần rất đáng kể giúp
cho những kiến thức nền tảng về kinh tế thị trường được đưa tới Việt
Nam. Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung (324): “Thời đó, các nhà tài trợ không
nhiều nhưng rất quan trọng. Các dự án tài trợ bao gồm giảng dạy tại
chỗ, đưa người đi đào tạo và cung cấp tài liệu. Năm 1989, Quỹ Sida Thuỵ
Điển tài trợ cho Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức dịch
bộ giáo trình Kinh tế học của Paul Samuelson. Đây là tài liệu đầu tiên
về kinh tế thị trường được dịch và trở thành giáo trình giảng dạy chính
về kinh tế ở Việt Nam kể từ sau Đổi mới” (325).
Lớp bồi dưỡng đầu tiên về kinh tế thị trường do IMF tài trợ, mở tại
Khách sạn Giảng Võ vào đầu năm 1990 (326). Lớp học chỉ mấy tuần nhưng rất
có ý nghĩa vì học viên toàn là những cán bộ cấp vụ, cấp thứ trưởng,
những người đang trực tiếp có ảnh hưởng lên quy trình hình thành chính
sách ở Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi. Nhiều dự án sau đó của UNDP
còn giúp mở rộng đối tượng tiếp cận với kinh tế thị trường (327).
Nguồn viện trợ của UNDP cho chương trình nâng cao năng lực quản lý được
bổ sung thêm bằng những khoản viện trợ song phương của Thuỵ Điển và Úc,
thông qua các học bổng đào tạo những bộ môn liên quan đến quản lý kinh
tế và quản lý doanh nghiệp. Những nước khác như New Zealand, Indonesia,
Malaysia và Nam Triều Tiên cũng đã hợp tác tạo điều kiện cho những
chuyến khảo sát nước ngoài trong chương trình MDP.
Năm 1990, thông qua World Bank, Chính phủ Nhật tài trợ hai học bổng đầu
tiên cho hai quan chức trẻ thuộc Bộ ngoại giao đến Harvard, một người
học luật, ông Nguyễn Quý Bính; một người học quản trị kinh doanh, bà
Đinh Thị Hoa. Năm 1992, ba mươi bảy cán bộ cấp chuyên viên đang làm việc
trong các cơ quan chính phủ đã được UNDP cấp học bổng đến Anh học luật,
kinh tế học, quản trị kinh doanh và kinh tế phát triển. Từ đây, chương
trình đưa người Việt Nam đến các nước phương Tây tu nghiệp bắt đầu được
các nhà tài trợ tiến hành hằng năm.
Đặc biệt, từ ngày 20-4 đến 1-5-1992, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng phối
hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), Viện phát
triển Kinh tế của Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo Kinh tế Việt
Nam. Đây là một hoạt động quan trọng của dự án “Tăng cường quản lý kinh
tế” do Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng chủ trì.
Nói là hội thảo, nhưng theo người điều hành dự án này, ông Trần Xuân
Giá, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng: “Đây là một lớp học thực sự
về kinh tế thị trường mà các giảng viên là ba mươi chính khách, nhà
khoa học nước ngoài; các học viên là sáu mươi tư quan chức Việt Nam gồm
các vị bộ trưởng, thứ trưởng, viện trưởng và hiệu trưởng một số trường
đại học kinh tế, các chuyên viên cao cấp, các nhà khoa học, các giáo sư,
các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam”.
Ông Lý Quang Diệu cũng được mời đến lớp học này như một diễn giả, tuy
nhiên, theo ông Trần Xuân Giá: “Ông Lý chỉ xuất hiện ở lớp học một lần
để giới thiệu ông Tang I Fang, người mà theo ông Lý, đã đóng một vài trò
quan trọng trong các chính sách phát triển của Singapore” (328). Trong
suốt tuần lễ diễn ra hội thảo, theo ông Trần Xuân Giá: “Ông Lý Quang
Diệu trở thành khách mời riêng của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng”. Ông Võ
Văn Kiệt đích thân dẫn ông Lý đi thăm Việt Nam và “học những bài đầu
tiên” về mở cửa và kinh tế thị trường trực tiếp từ ông Lý.
***
Chú thích chương 16
(276) Do Bộ Thương mại Thailand phối hợp với hai tờ báo The Nation và The Asian Wall Street Journal.
(277) Khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
(278) Cho đến nhiều năm về sau, một số thành viên trong Bộ Chính trị
vẫn coi sáng kiến của Chatichai là một dạng của “diễn biến hoà bình”.
(279) Năm 1982, Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch nói Việt Nam sẽ
thả hết tù cải tạo nếu chính phủ Mỹ đồng ý tiếp nhận họ. Thủ tướng Phạm
Văn Đồng trả lời phỏng vấn tạp chí Newsweek cũng xác nhận Việt Nam sẵn
sàng để tất cả những người còn lại trong các trại giam rời Việt Nam đi
Mỹ. Tháng 9-1982, Ngoại trưởng Mỹ Shultz - trong một cuộc điều trần
trước Quốc hội - tuyên bố Mỹ sẽ nhận khoảng 10.000 cựu tù nhân chính trị
Việt Nam và gia đình họ. Tháng 11-1984, nhân danh Tổng thống Reagan,
Ngoại trưởng Shultz lại đề cập đến vấn đề “con lai” và “tù cải tạo”. Năm
1987, lần đầu tiên, Hà Nội cho phép một nhà báo Thuỵ Điển được vào làm
phóng sự tại trại giam Nam Hà, nơi đang giữ nhiều tướng lĩnh Sài Gòn.
Tháng 7-1988, Phái đoàn Mỹ do ông Robert Funseth, phụ tá Thứ trưởng
Ngoại giao dẫn đầu tới Hà Nội họp với Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang
Cơ để bàn về việc trả tự do và đưa đi Mỹ định cư các “tù nhân chính
trị”.
(280) Nguyễn Hữu Hạnh, Tham luận đọc tại Đại hội III Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, năm 1988. 281 Tháng 8-1987, một Việt Kiều là Phó Chủ tịch Far
East Investment and Trading Corporation đã từ Hoa Kỳ về Việt Nam. Báo Tuổi Trẻ ngày 4-8-1987, trong bài “luật đầu tư nước ngoài đang được chờ đợi”, gọi chuyến đi này là “nghiên cứu thị trường”
(282) Quyết định 80-CT.
(283) Từ tháng 4-1991, công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền tham gia,
lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và doanh nghiệp tư
nhân.
(284) Luật về Đầu tư Nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua
tháng 12-1987, nhưng sau 3 năm, chỉ có 207 dự án được Uỷ ban Nhà nước về
Hợp tác và Đầu tư cấp phép với số vốn đăng ký 1,74 tỷ đô la. Trên thực
tế, tính tới đầu năm 1991, chỉ có khoảng 400 triệu USD được đưa vào Việt
Nam và đến tháng 2-1991, mới chỉ có 73 công ty nước ngoài mở văn phòng
đại diện tại Việt Nam, trong đó có 7 ngân hàng nước ngoài, 14 công ty
địa ốc và 7 công ty dầu khí. Cho tới cuối năm 1993, có hơn 500 công ty
thuộc 42 nước đầu tư vào Việt Nam, với số vốn đã đưa vào đến hết năm
1993 là 2 tỷ USD. 70% dự án đàu tư là liên doanh với doanh nghiệp Nhà
nước Việt Nam, trong đó bên Việt Nam chỉ góp 25-30% vốn pháp định, chủ
yếu bằng quyền sử dụng đất, nhà xưởng.
(285) Năm 1993, cả nước nhập 300.002 xe gắn máy; 5.300 xe hơi bốn chỗ, tăng 56,7% so với năm 1992.
(286) Đầu thập niên 1990s, dân số Việt Nam bắt đầu vượt qua con số 67
triệu, trong đó: 3/5 dân số có hoạt động kinh tế liên quan đến sản xuất
nông nghiệp; 1/10 dân số lao động trong khu vực công nghiệp; 1/5 dân số
sống ở các đô thị. Hai công trình nghiên cứu quốc tế tiến hành năm 1989
đánh giá thu nhập đầu người hàng năm của Việt Nam vào khoảng 110 USD.
Báo cáo của Liên hiệp quốc cho rằng, con số này giao động trong khoảng
từ 100 - 200 USD. Cho dù năm 1989, Việt Nam xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo;
năm 1990, xuất khẩu 1,7 triệu tấn, thu về khoảng 300 triệu USD, nhưng
sản xuất nông nghiệp vẫn bấp bênh vì phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết. Là
một nước nông nghiệp nhưng đất canh tác tính trên đầu người Việt Nam
chỉ ở mức 0,1 ha, trong khi Ấn Độ: 0,21 ha; Thái Lan: 0,37; Sri Lanka:
0,11 ha; Banglades: 0,08 ha.
(287) Theo Bộ trưởng Lê Văn Triết: Từ giữa thập niên 1980, quan hệ làm
ăn với Đông Âu không còn đáng kể. Liên Xô trở thành chỗ dựa cuối cùng.
Hàng năm, “ông anh Hai” này vẫn cung cấp cho Việt Nam xăng dầu, phân
bón, sắt thép, máy móc và vật tư phục vụ sản xuất. Còn Việt Nam thì xuất
trả cà phê, thiếc, chổi đót, cần câu và đồ may mặc, chủ yếu may gia
công cho họ đồ bảo hộ, mũ giày, quần áo pyjamas. Thỉnh thoảng Việt Nam
cũng giao muối và có khi là chủi cùn, giẻ rách để họ lau xe. Các mặt
hàng như máy bay, tên lửa mà Liên xô cung cấp thường nằm trong nhóm
những mặt hàng “viện trợ không hoàn lại”; xi măng, sắt thép được coi là
hàng “nghị định thư”, tức là hàng trao đổi. Nhưng đến cuối năm 1988,
Liên Xô không còn vật tư giao cho Việt Nam đồng thời cũng không nhận
những hàng gia công mà lâu nay họ chủ yếu nhập vì “nghị định thư” và
“tình hữu nghị”. Như đứa con bị dứt khỏi bầu sữa mẹ, nền kinh tế của
Việt Nam bị lâm vào cảnh chới với. Bế tắc quá, theo ông Lê Văn Triết,
“anh em mới bàn với nhau tìm cách bán hàng sang các nước khác”. Đúng lúc
ấy, ông Nguyễn Mạnh Cầm đang làm đại sứ tại Liên Xô về họp. Ông Cầm
nguyên là thứ trưởng Bộ Ngoại thương. Ông Triết trao đổi với ông Cầm, cả
hai đi gặp ông Võ Văn Kiệt. Tại cuộc gặp này, ông Cầm đề nghị nên “mở
thêm hướng mới, mặt trận mới”. Đề nghị này được ông Võ Văn Kiệt đồng
tình, ông Kiệt nói: “Có thân phải lo, ta không buôn bán được với xã hội
chủ nghĩa thì mở dần ra. Giam mình ở trong một thị trường không phải là
điều hay. Biết đâu, đây là thời cơ để mình độc lập”. Ông Võ Văn Kiệt
dặn: “Tôi sẽ báo cáo Bộ Chính trị, các anh cứ làm dần đi, nhưng đừng làm
to vội”. Theo ông Lê Văn Triết, phải sau khi Bộ Chính trị họp, “đa
phương hoá” mới trở thành một chủ trương cho cả quan hệ ngoại giao và
thương mại. Ông Lê Văn Triết nói: “Nếu Đông Âu, Liên xô còn chiếu cố,
cung cấp hàng nhỏ giọt cho mình thì chưa chắc mình đã thoát ra khỏi sự ỷ
lại, dựa dẫm, chưa chắc đã kiên quyết đi theo kinh tế thị trường”.
(288) Từ năm 1987, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu dầu. Năm 1989, số tiền
bán dầu từ liên doanh dầu khí Việt-Xô là 200 triệu USD; số tiền xuất
khẩu gạo là 316 triệu USD; tiền xuất khẩu hải sản là 134 triệu USD. Năm
1990, tiền bán dầu mà Việt Nam được chia là 390 triệu USD.
(289) Nhằm đảm bảo sự ổn định cho các lĩnh vực xã hội trong thời kỳ cắt
giảm biên chế, tỷ lệ chi tiêu thường xuyên dành cho các dịch vụ xã hội
tăng từ 16% trong năm 1988 lên 37% trong năm 1990. Trong khi đó, Chính
phủ chỉ huy động được vào ngân sách ở mức rất thấp, chiếm từ 11 đến 13%
GDP. Năm 1989, chỉ có khoảng ½ số tỉnh, thành phố thu vuợt mức chi, có
nộp cho ngân sách cho ngân sách Trung ương, với tổng số tiền là 1066 tỷ.
Trung ương phân phối 244 tỷ đồng từ số này lại cho các tỉnh thu không
đủ chi. Con số Trung ương thực nhận của các tỉnh là 822 tỷ đồng. Ngoài
ra, Trung ương còn thu được 1.963 tỷ đồng thông qua các nguồn kiểm soát
trực tiếp: 363 tỷ tiền thuế nhập khẩu; 61 tỷ khấu hao của các xí nghiệp
Trung ương; 639 tỷ từ các loại thu khác như: dầu khí, hợp tác lao động
với nước ngoài… Tổng số thu ngân sách Trung ương năm 1989 là 1885 tỷ
đồng. Trong năm 1989, nguồn thu của Trung ương từ các Thành phố như Hồ
Chí Minh, lên đến 57%, Hà Nội và Hải Phòng, 17%. Trong nhiều năm liền
thu từ Sài Gòn luôn chiếm tới 1/3 số thu ngân sách.
(290) Trong khi đó, do hạ tầng phát triển và điều kiện thiên nhiên ưu
đãi hơn, trong số 616 dư án đầu tư vào các khu đô thị, 53% vốn tập trung
ở phía Nam, 31% ở đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, 72% vốn phía Nam tập
trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, 74% vốn phía Bắc tập trung vào Hà Nội.
(291) Mật độ dân số ở đồng bằng châu thổ sông Hồng năm 1989 lên đến 658 người/km2 cao gần gấp đôi so với đồng bằng sông Mê Kông, 355 người/km2.
Chênh lệch về mật độ dân số dẫn đến chênh lệch về diện tích gieo trồng
bình quân đầu người: Châu thổ sông Hồng là 0,09 ha/người trong khi ở
đồng bằng sông Cửu Long là 0,17ha/người. Riêng vùng Tây Nguyên thì trong
thập niên 1990s gần như đang còn hoang vu. Từ năm 1989-1994 có khoảng
542 nghìn người từ các vùng “đất chật người đông” đến Tây Nguyên và các
tỉnh khác.
(292) Lượng di dân tự do đến Sài Gòn tăng mạnh trong thập niên 1990s.
Ngay cả trong thời kỳ bao cấp, Sài Gòn vẫn là nơi hấp dẫn nhất của dân
nhập cư tự do, bên cạnh những cán bộ tập kết trở về cùng với gia đình và
những người được nhà nước điều đến công tác tại các cơ quan đóng trên
địa bàn Thành phố, vẫn có 31,8% người nhập cư thuộc thành phần này trong
giai đoạn 1975-1980. Chính sách kinh tế nhiều thành phần đã làm cho tỷ
lệ dân nhập cư tự do tăng lên 64% trong giai đoạn 1986-1990. Tỷ lệ này
lên tới 81% trong giai đoạn 1991-1996, khi kinh tế thị trường bắt đầu
hình thành. Kể từ năm 1992, khi Thủ tướng có Quyết định 327, trợ cấp cho
những người lên các vùng núi thực hiện chương trình “phủ xanh đất trống
đồi trọc”, lượng người di cư từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung càng
tăng nhanh. Từ 1976-1995, cả nước có gần 4,5 triệu người đi xây dựng các
vùng kinh tế mới. Trong 7 vùng kinh tế của cả nước, đồng bằng sông Hồng
và khu Bốn cũ, gồm các tỉnh từ Thanh hoá tới Thừa thiên, là không có di
dân từ vùng khác đến; Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, ngược lại,
lại chỉ có dân từ vùng khác tới chứ không có di dân.
(293) Nguyễn Thế Anh, Việt Nam Dưới Thời Pháp Đô Hộ, Lửa Thiêng 1970, trang 252, 253.
(294) Nguyễn Thế Anh, Việt Nam Dưới Thời Pháp Đô Hộ, Lửa Thiêng 1970, trang 252, 253.
(295) Theo Nam Phong Tạp Chí, số 32.
(296) Theo thông kê năm 1938, ở Bắc Kỳ trong số 67.761 hãng buôn phải
nộp môn bài, chỉ có 173 trả môn bài trên 100 đồng, nhưng không ai phải
trả trên 800 đồng cả; ở Nam Kỳ, trong sô 57.215 người nôp môn bài thì
152 trả môn bài trên 100 đồng song không ai phải trả quá 400 đồng. Giai
cấp thương lưu chịu ảnh hưởng các tập tục và lối sống Tây phương, thường
gửi con cái đi du học ở Pháp.
(297) Trong giai đoạn này, công nghiệp tư bản tự doanh tăng 230%; cá
thể, tiểu chủ tăng 220,2%. Năm 1957, kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản
tự doanh chiếm 73,7% giá trị công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên
miền Bắc.
(298) Ông bà Trịnh Văn Bô đã vận động được hơn 1 triệu đồng Đông Dương
và trực tiếp ủng hộ Quỹ 20 vạn đồng, tương đương 500 cây vàng. Gia đình
ông bà đã đóng góp 117 cây vàng và vận động được thêm trên 1.000 cây
vàng nữa cho Tuần lễ Vàng của Chính phủ Hồ Chí Minh. Ở thời điểm ấy,
tổng ngân khố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ có 1.200.000 đồng
Đông Dương, nhưng phần đóng góp sau đó của gia đình ông Trịnh Văn Bô
tổng cộng đã lên tới 5.147 lượng vàng, tương đương với 2.000.000 đồng.
(299) Tuy có xác nhận của các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức
Thọ… năm 1988 sau khi Đại tướng Hoàng Văn Thái qua đời, gia đình ông
chuyển sang chỗ khác nhưng bà Trịnh Văn Bô vẫn không đòi được nhà mặc dù
các ông Đỗ Mười, Lê Quang Đạo, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải khi đường
nhiệm đã đồng ý trả lại nhà 34 Hoàng Diệu. Năm 2003, gia đình bà Trịnh
Văn Bô đã dọn đến căn nhà này cho dù về mặt pháp lý, hàng chục năm sau
đó, Nhà nước vẫn chưa chính thức trao trả.
(300) Theo Nguyễn Hanh, Gia đình tôi mang ơn bác Lê Đức Thọ, Lê Đức
Thọ, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật 2011, trang 406.
(301) Nguyễn Hanh, Gia đình tôi mang ơn bác Lê Đức Thọ, Lê Đức Thọ, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật 2011, trang 409.
(302) Giá trị công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tư bản tư nhân
chỉ còn chiếm 0,4%; thủ công nghiệp cá thể chỉ còn chiếm 4,6%; tiểu thủ
công nghiệp tập thể chiếm 37%; công tư hợp doanh chiếm 4,9%; trong khi,
quốc doanh tăng từ 34%, năm 1958, lên 52,4%, năm 1960.
(303) Đào Duy Tùng, Tuyển tập, tập I, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2008, trang 192.
(304) Điều 10, Hiến pháp 1959.
(305) Điều 12, Hiến pháp 1959.
(306) Điều 13, Hiến pháp 1959.
(307) Điều 16, Hiến pháp 1959.
(308) Điều 17, Hiến pháp 1959.
(309) Điều 18, Hiến pháp 1959.
(310) Người miền Nam gọi là “Viết mực”.
(311) Ngày 21-12-1985, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định
đình chỉ điều tra, thừa nhận Vua Lốp vô tội và yêu cầu Hà Nội trả lại
tài sản cho gia đình ông. Sáu năm sau, ngày 1-9-1990, Chủ tịch Hà Nội Lê
Ất Hợi mới ký công văn số 4071 trả lại tài sản và nhà cho ông Chẩn. Căn
nhà của ông ở ngõ 135 Đội Cấn có khuôn viên rộng 917m2, sau bảy năm kê biên bị lấn chiếm chỉ còn trên 200m2.
Nhưng đau đớn hơn, từ năm 1983, con cái của Vua Lốp đã phải chịu thất
học. Năm 1991, một người con của ông mở lại xưởng làm lốp xe, hoạt động
thêm được 5 năm. Người con này về sau chuyển sang kinh doanh ngành in.
Ông Chẩn trở lại ngõ 135 Đội Cấn đặt hai bàn bi-da bình dân kiếm sống.
(312) Chủ Công ty Hừng Sáng.
(313 Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
(314) Chịu trách nhiệm chính là Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và Phó chủ tịch
Võ Văn Kiệt. Công việc chuẩn bị chủ yếu do ông Phan Văn Khải, tổ trưởng
Biên tập, ông Trần Đức Nguyên tổ phó, cùng các ông Lê Đức Thuý, Lưu
Quang Hồ, Lương Xuân Kỳ và Đào Công Tiến trực tiếp soạn thảo.
(315) Về mặt thuật ngữ, so với Trung Quốc, Đảng cộng sản Việt Nam đi
trước một bước. Trung Quốc lúc này vẫn sử dụng thuật ngữ của Trần Vân:
“Kinh tế thị trường có kế hoạch”.
(316) “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội” định nghĩa “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng” là
một xã hội: “Do nhân dân lao động làm chủ; Có một nền kinh tế phát triển
cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư
liệu sản xuất là chủ yếu; Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc; Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo
năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc có
điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Trong khi, “Chiến lược ổn định
và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000” viết: “Xây dựng chủ nghĩa xã
hội ở nước ta là quá trình thực hiện dân giàu, nước mạnh, tiến lên hiện
đại trong một xã hội nhân dân làm chủ, nhân ái, có văn hoá, có kỷ cương,
xoá bỏ áp bức, bất công, tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm
no, tự do, hạnh phúc”. Nền kinh tế mà “Cương lĩnh” phát triển “dựa trên
lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất
chủ yếu”. Nền kinh tế mà “Chiến lược” hướng tới “vận động theo cơ chế
thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính
sách và các công cụ khác”. Nếu như, “Cương lĩnh” xác định “nhân dân lao
động làm chủ” xã hội; thì “Chiến lược” loại bỏ yếu tố giai cấp bằng cách
chỉ nói “nhân dân làm chủ”. “Cương lĩnh” đòi “xoá bỏ áp bức, bóc lột và
bất công”, “Chiến lược” chỉ kêu gọi “xoá bỏ áp bức và bất công”. Theo
ông Trần Đức Nguyên: “Giữa chủ tư bản và người lao động vừa có mâu thuẫn
vừa có lợi ích. Luật pháp bảo vệ người làm thuê nhưng thu nhập hợp pháp
của chủ tư bản cũng không thể nào bị coi là bóc lột”. “Lợi ích cá nhân”
vốn là một trong những yếu tố bị phê phán dưới thời “xây dựng con người
mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đã được những nhà soạn thảo “Chiến
lược” nhấn mạnh: “Lợi ích của mỗi người, của từng tập thể và của toàn xã
hội gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực
tiếp”. Không chỉ cố gắng đưa ra một định nghĩa tiết giảm tối đa cách
hiểu kinh điển về chủ nghĩa xã hội, những người soạn thảo “Chiến lược”
đã khéo léo lồng vào văn kiện của Đảng các đặc trưng cơ bản của nền kinh
tế thị trường.
(317) Phúc Tiến, Tuổi Trẻ số ra ngày 29-12-1988.
(318) Phúc Tiến, Tuổi Trẻ 15-10-1988.
(319) Võ Văn Sen, Tuổi Trẻ 20-12-1988.
(320) Đào Công Tiến, Tuổi Trẻ 7-1-1989.
(321) Các thành viên thuộc “Nhóm Thứ Sáu”
(322) Khi phân tích nguyên nhân lạm phát trong cuộc họp Bộ Chính trị,
từ ngày 19 đến 20-2-1986, ông Thạch nói: “Trong mười năm, 1976-1985,
tổng sản phẩm xã hội tăng có 60% trong khi lượng tiền lưu thông tăng 43
lần. Đó là nguyên nhân lớn nhất của việc tăng giá. Ở nước ta lạm phát
kéo dài trên 10 năm. Trên thế giới, có rất ít nước lạm phát kéo dài tới
10 năm”. Đặc biệt, cũng trong phát biểu này, ông Nguyễn Cơ Thạch nói
thẳng: “Sức mạnh kinh tế của chủ nghĩa xã hội và sức mạnh của nền chuyên
chính vô sản cũng không thể đi ngược lại với những quy luật kinh tế.
Nếu chúng ta tuân thủ quy luật kinh tế và biết lợi dụng nó có lợi cho
chủ nghĩa xã hội thì chúng ta có thể phát huy sức mạnh của quy luật kinh
tế”.
(323) Theo ông Vũ Khoan, khi ấy là Vụ trưởng vụ Kinh tế Bộ ngoại giao,
giữa thập niên 1980 khi khủng hoảng lên đến đỉnh cao sau vụ
“giá-lương-tiền”, ông Nguyễn Cơ Thạch tham gia một ban trong Bộ Chính
trị nghiên cứu tìm cách tháo gỡ. Ông Thạch giao cho vụ Kinh tế tìm hiểu
nền kinh tế thế giới, tìm hiểu các trận đại lạm phát trên thế giới. Ông
Vũ Khoan nói: “Anh Thạch giao cho tôi và Nguyễn Trung, cùng một số
chuyên viên đi tìm hiểu ở những nơi đã từng có lạm phát như Hungaria
(1940), Liên Xô (1920). Anh Thạch cho mời các chuyên gia Việt Kiều, đặc
biệt là anh Vũ Quang Việt về, ngồi với chúng tôi ngày đêm để phân tích,
đánh giá”.
(324) Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
(325) Một bản khác được nói là do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch mang vào và tổ chức dịch.
(326) Đầu năm 1989, phái đoàn chuẩn bị dự án đầu tiên của UNDP đến Việt
Nam và các dự án bắt đầu được khởi động từ tháng 10- 1990. UNDP đóng
một vai trò quan trọng trong việc viện trợ cho quá trình đổi mới, giúp
khôi phục lại các chương trình viện trợ song phương và đa phương của các
nước DAC, tổ chức các hội nghị bàn tròn về viện trợ cho Việt Nam.
(327) Các dự án đào tạo được UNDP tiến hành hoặc hợp đồng với Viện phát
triển Kinh tế (EDI) của Ngân hàng thế giới tiến hành cũng đã tạo ra
những chuyển biến quan trọng từ bên trong. Đội ngũ cán bộ của Văn phòng
Hội đồng Bộ trưởng là nhóm đối tượng đầu tiên của Dự án. “Nhóm đối
tượng” tiếp theo mà dự án của UNDP nhắm tới là trường Đại học Kinh tế
quốc dân ở Hà nội và trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh. Các khoá đào
tạo được UNDP tổ chức bao gồm: Kinh tế thị trường và vai trò của chính
phủ; Quản lý kinh tế vĩ mô và kinh tế thị trường… Các khoá đào tạo đã
được tổ chức ở Hà Nội và Sài Gòn, mỗi khoá có từ 60 đến 90 học viên
chính thức cùng với một số lượng tương đương học viên dự thính qua hệ
thống truyền hình video. Chương trình còn có những học bổng đào tạo sau
đại học và cao học cũng như những chuyến khảo sát nước ngoài cho các cán
bộ cao cấp; tổ chức những hội thảo cấp Bộ trưởng về quản lý kinh tế vĩ
mô và kinh tế học của quá trình đổi mới (tháng 4-1992). Ngoài ra còn có
một khoá 5 tuần về kinh tế thị trường và quản trị kinh doanh; một khoá
“đào tạo cho những người làm công tác đào tạo” về quản lý kinh tế vĩ mô
và kinh tế thị trường.
(328) Ông Tang I Fang bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một
quan chức của Liên Hợp Quốc, từng là người lãnh đạo chương trình nghiên
cứu công nghiệp của Liên Hợp Quốc. Năm 1965, ông công tác với tư cách là
cố vấn và trở thành giám đốc hội đồng phát triển Kinh tế Singapore, sau
đó trở thành chủ tịch của FDB.
No comments:
Post a Comment