Cuộc tranh luận về hộ khẩu và vấn đề đăng ký hay xóa thường trú của công dân ở Việt Nam là dịp nhắc lại đôi chút về nguồn gốc của vấn đề gai góc này, gai góc chỉ vì Việt Nam đi theo mô hình sai.
Trước hết phải nói rõ ngay rằng các nước
dân chủ thời hiện đại không có việc trói buộc bất cứ ai vào
một nơi ở, vì như thế là hạn chế quyền công dân và tự do cư
trú của họ đã được ghi trong hiến pháp.
Nạn 'đăng ký dân' ở Âu Mỹ chỉ
được nhắc đến trong chuyện lịch sử, khi lãnh chúa phong kiến
trói nông dân - chứ không phải công dân tự do nơi đô thị - vào
ruộng đất.
Trước quyền lực của chúa đất địa phương
hoặc tu viện (priory) như ở Anh thì chỉ nhà vua, như Vua Richard
II hồi thế kỷ 16 là có thể giải phóng dân cả một làng hoặc
một thị trấn.
Chế độ nông nô
Chế độ nông nô ở Nga là tàn tệ và kéo
dài nhất, vì mãi đến thế kỷ 18-19 vẫn có vùng người nông nô
không được quyền di chuyển hay ra khỏi làng nếu không được ông
chủ cho phép.
Đây là một trong nhiều lý do khiến công
nghiệp hóa ở nước Nga thời Sa Hoàng bị chậm so với châu Âu vì
sức lao động bị trói lại tại các vùng lạc hậu, không đến
được nơi có nhu cầu là công xưởng, nhà máy.
Chế độ này còn mang màu sắc phân biệt
chủng tộc vì thời Nga Hoàng, dân Do Thái chỉ được sống ở một
số vùng giáp biên, không được phép vào sống và hành nghề ở
Moscow, St Petersburg, Kiev hay Kharkov...
Tất nhiên, có xin xỏ thì cũng có chạy
chọt và một số nghệ sỹ Do Thái như danh họa Ilya Repin đã kiếm
được giấy phép đó.
Theo
Bà Oleg Dmitriev viết trên trang RT ở Nga, chế độ đăng ký
cư trú 'registracia' bị Lenin xóa bỏ 1917 nhưng lại được Stalin
phục hồi vào năm 1932 và biến thành 'propiska' nhằm kiểm soát
công dân, cả về mặt giai cấp và sắc tộc.
Thậm chí ngày nay, propiska vẫn còn là
cách để kiểm soát lao động nhập cư từ các nước cộng hòa
thuộc Liên bang Nga vào Nga làm việc.
"Cảnh sát Nga vẫn thường xuyên vây bắt người lao động từ Trung Á"
Vẫn theo Oleg Dmitriev thì sau một loạt vụ
đánh bom ở Nga năm 1999, cảnh sát tăng cường chế độ đăng ký thêm
nữa với những người không có hộ khẩu Moscow.
Gần đây, Nga nới lỏng chế độ này và cho
người 'ngoại tỉnh' tới Nga làm việc tới 90 ngày mà không cần
có 'registracia'.
Tuy thế, việc duy trì hệ thống này cho thấy Nga vẫn chưa hoàn toàn theo các tiêu chuẩn châu Âu.
Cản trở kinh tế
'Triết lý' xuyên suốt cho chế độ hộ khẩu
hay đăng ký cư trú cưỡng bức với công dân chỉ phù hợp với mô
hình kinh tế nông nghiệp, nơi sự di chuyển của lực lượng lao
động là điều chúa đất không muốn.
Dân lang thang hay người Do Thái đến từ
Trung Đông bị xếp vào hàng nguy hiểm vì họ không chịu chế tài
của ai cả, không đóng thuế cho giới chúa đất và không 'trung
thành' với vua chúa nào cụ thể.
Nhưng tại Trung Quốc thì hộ khẩu cũng
phục vụ hai mục tiêu kinh tế và an ninh đó từ thời cổ đại dù
không có màu sắc chủng tộc.
Theo một nghiên cứu của Wang Fei-ling thì
hộ khẩu có từ thời Xuân thu Chiến quốc, xuất xứ từ chế độ
'tam gia liên bảo' và đến cuối thời nhà Thanh thì có tên là
'hộ khẩu' như hiện nay.
'Tam gia liên bảo' là cách vua chúa Trung
Quốc buộc ba gia đình hay ba dòng họ phải theo dõi, kiểm soát
lẫn nhau, chỉ một nhà có ý làm phản mà hai nhà kia không biết
hoặc biết mà không khai thì cũng sẽ bị tội chém vì liên đới.
Hệ thống này được duy trì qua các triều
đại phong kiến với mức độ hà khắc khác nhau và đến cuối thời
nhà Thanh thì có tên là 'hộ khẩu', theo Wang Fei-ling.
Mao Trạch Đông dù tuyên bố xóa bỏ mọi tàn
dư phong kiến nhưng lại vẫn giữ hộ khẩu, với mọi hệ luỵ cho
nước Trung Quốc thời nay.
Wang Fei-ling qua các nghiên cứu đã đánh giá cả hai mặt 'tích cực' và 'tiêu cực' của hộ khẩu.
Theo ông, dạng phân biệt công dân mang tính
cơ chế này đã đảm bảo được tương đối ổn định xã hội trong
một quốc gia có tầm vóc bằng một lục địa lại đang trong quá
trình tăng trưởng kinh tế chóng mặt.
Nhưng Wang Fei-ling cũng nói hộ khẩu giúp
duy trì một mô hình chính quyền độc đoán và có tác động xấu
đến sự nghiệp giáo dục.
Vì học sinh đi học vẫn phải theo nơi đăng
ký hộ khẩu, và hàng triệu người dân di cư ra các vùng đô thị
không có trường 'đúng khẩu' cho con cái họ, dẫn đến cảnh trẻ
thất hoặc, hoặc trẻ học ở các trường 'ngoài luồng', do người
nhập cư tự tổ chức.
Wang Fei-ling cũng lập luận rằng hộ khẩu
không chỉ là vấn đề mang tính thiếu đạo đức mà về lâu dài
chỉ phục vụ cho một tầng lớp trên (elite) và cản trở hội nhập
của toàn xã hội Trung Quốc.
Một cây viết khác,
Kam Wing Chan gần đây cũng có bài cho rằng "Nỗ lực xây
dựng một tầng lớp người tiêu dùng đô thị ở Trung Quốc sẽ
không thành nếu nước này không rỡ bỏ chế độ hộ khẩu hà khắc
khiến người lao động nhập cư luôn luôn nghèo".
Hội nhập văn minh
Trở lại chuyện Việt Nam, được biết Bộ
Công an đã rút đề xuất trong dự thảo Luật cư trú về xóa đăng ký
thường trú đối với người đi nước ngoài trên hai năm và người đi tù.
Tuy nhiên, đề xuất xóa hộ khẩu của công dân đi bộ đội dường như vẫn được giữ.
Điều này nhắc lại 'quyền' với tấm giấy propiska của các quân nhân Xô Viết thời trước.
Khi đi lính hoặc làm sỹ quan chuyên nghiệp
trong quân đội Liên Xô, họ không còn hộ khẩu nữa mà gắn liền
nơi cư trú với doanh trại.
Sau khi giải ngũ, cựu quân nhân Liên Xô được
một 'đặc quyền' nho nhỏ là có thể xin nhập propiska về một
nơi mới họ chọn vì lý do gia đình, công việc, chứ không nhất
thiết là về quê hương bản quán.
Không rõ với quân nhân Việt Nam, sau thời gian bị xóa hộ khẩu thì sẽ được gì, mất gì?
Cả câu chuyện 'được và mất' cho thấy nỗi
khổ của những người sống trong một hệ thống tiếp thu nhiều
tàn dư của thời trung cổ.
Nhưng bỏ sự kiểm soát vô lý của hộ khẩu không có nghĩa là xóa bỏ mọi hình thức quản lý nhân khẩu.
Lấy ví dụ hệ thống của Anh mà tôi biết
khá rõ vì định cư ở đây từ năm 1999 thì chính quyền, nhất là
sở thuế, sở giao thông và sở y tế có nhiệm vụ ghi nhận địa
chỉ mới của người dân mỗi khi họ chuyển nhà.
Chuyện đăng ký tạm trú, tạm vắng là hoàn
toàn không có và chính quyền chỉ quan tâm đến nơi bạn chọn
làm địa chỉ chính để sống.
Với người lớn, địa chỉ đăng ký bằng lái
xe cũng là số liệu Cục Giao thông (DVLA) và cảnh sát nắm được
và ghi vào mạng toàn quốc đã số hóa.
Số liệu đó cũng được chia sẻ với các công ty bảo hiểm xe, ngân hàng và cả tòa án.
Nếu bạn chạy xe quá tốc độ, camera ngoài
đường chụp được thì tên tuổi và địa chỉ nơi đăng ký xe của
bạn sẽ lập tức được chuyển sang cho tòa án để gửi giấy phạt
về nhà.
Với trẻ em thì nếu mua hay thuê nhà ở một
địa phương khác, cha mẹ cần ra phòng y tế báo địa chỉ mới để
sở y tế cho vào hồ sơ chung.
Tôi thực sự ngạc nhiên một cách thú vị
trong một lần đi nghỉ ở vùng Cornwall phía Tây Nam Anh và phải
đưa con nhỏ vào viện để kiểm tra sốt.
Vì không mang theo sổ y tế nên chúng tôi
chỉ nói với phòng khám tại đó địa chỉ nhà và ngày tháng năm
sinh của cậu con.
Chỉ bằng một lần nhấp chuột, bác sỹ ở
đó đã có đầy đủ hồ sơ của cháu bé hiện ra trên máy để có
thể biết có dị ứng thuốc gì không, từng được uống kháng sinh
gì.
Gần đây, tại châu Âu thống nhất, các nước
Đức, Anh, Ireland, Tây Ban Nha hàng năm đón nhận cả trăm nghìn
người từ vùng Đông Âu cũ vào nhập cư mà không ai phải xin hộ
khẩu hay giấy phép cư trú gì hết.
Tất nhiên, hệ thống quản lý nhân khẩu ở
Anh cũng được áp dụng với người nhập cư nhưng vẫn theo nguyên
tắc là chính quyền có trách nhiệm ghi nhận, lưu trữ các thông
tin cơ bản về công dân, chứ không phải là bên ban phát, cấm
đoán.
Với Việt Nam, số hóa cả nước là cách
tốt để làm điều này, vừa giúp chính quyền trung ương nắm được
thông tin, vừa giảm được nạn nhũng nhiễu của địa phương.
Nhưng kỹ thuật, công nghệ chỉ là một phần của câu chuyện.
Chừng nào hộ khẩu chưa được xóa bỏ thì
người dân Việt Nam chưa thực sự được bình đẳng và nhà nước
chưa thực sự là nhà nước pháp quyền và cải tổ hiến pháp và
luật cư trú là dịp tốt để làm việc này.
Nguyễn Giang
BBC
No comments:
Post a Comment