Thursday, March 14, 2013

Francis I : Tân Giáo Hoàng "khiêm nhường"


Việc Giáo hội Công giáo La Mã lần đầu tiên trong hơn 1.000 năm qua bầu một vị Giáo hoàng không đến từ Âu châu và cũng là vị giáo hoàng Mỹ Latin đầu tiên cho thấy các vị hồng y đã ý thức được quy mô và tầm quan trọng của khối Công giáo bên ngoài châu Âu.

Mỹ Latin, quê hương của tân Giáo hoàng Francis, chiếm đến 40% tín đồ Công giáo trên toàn thế giới.

Giáo hoàng của người nghèo

Có một sự so sánh tất yếu giữa Ngài và vị tiền nhiệm Benedict XVI. Tân Giáo hoàng Francis chỉ có kinh nghiệm chăn dắt một giáo phận địa phương chứ không phải là một người làm việc trong lòng Vatican như Đức Benedict XVI trước khi trở thành giáo hoàng.
Tân giáo hoàng 76 tuổi người Argentina này đã từng gọi sự bất bình đẳng là ‘tội lỗi xã hội kêu thấu đến tận trời cao’ và nhấn mạnh trách nhiệm của Giáo hội là giúp đỡ người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Ngài cũng được biết đến với vai trò hiện đại hóa Giáo hội Công giáo Argentina trong khi vị giáo hoàng tiền nhiệm của Ngài lại là người bảo vệ giáo lý của Giáo hội trong hơn hai thập niên trước khi trở thành giáo hoàng.
Hồng y Bergoglio chắc chắn thích cuộc sống ở giáo phận bên ngoài hơn là ở các văn phòng đầu não điều hành Giáo hội ở Vatican, vốn được xem là đầy những vấn nạn về quản lý và cần được cải cách.
Đức Francis I cũng là vị giáo hoàng thuộc dòng Tên đầu tiên – một dòng tu cổ xưa và có tính độc lập mạnh mẽ vốn không phải lúc nào cũng có quan hệ êm thấm với Vatican.
Ngài nói thạo tiếng Ý, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha. Do đó Ngài không có khó khăn gì trong việc giao tiếp với đội ngũ phụ tá xung quanh.

Bảo thủ về giáo lý

Giáo hoàng Francis I
Giáo hoàng Francis I đã yêu cầu các tín đồ cầu nguyện cho Ngài trước khi Ngài cầu nguyện cho họ

Gốc gác Ý của Ngài – song thân đều là người Ý – được xem là lợi thế trong một định chế bị Rome phủ bóng nặng nề.
Vị tân giáo hoàng là một người bảo thủ về mặt giáo lý. Do đó những ai đang mong muốn Giáo hội thay đổi lập trường về phá thai, hôn nhân đồng tính hay cho phép sử dụng các biện pháp tránh thai sẽ thất vọng. Ngài có quan điểm chính thống rất cứng rắn trong các vấn đề về tình dục.
Những phẩm chất này khiến Ngài trở thành một ứng viên tiềm năng trong kỳ mật nghị bầu giáo hoàng hồi năm 2005. Khi đó ông được cho là đối thủ chính của Hồng y Joseph Ratzinger, người sau này trở thành Giáo hoàng Benedict XVI.
Giáo hoàng Francis cũng được cho là có quan hệ nồng ấm với cộng đồng Do Thái giáo ở Buenos Aires. Ngài từng nhận giải thưởng của các tổ chức Do Thái. Điều này càng làm nổi bật khả năng đối thoại liên tôn của Ngài.
Ngài là một người rất tích cực truyền bá Phúc âm. Ngài từng phê phán điều mà Ngài gọi là ‘bệnh tâm linh của một Giáo hội chỉ biết hướng vào bản thân mình’ và kêu gọi Giáo hội hãy ‘ra ngoài đường phố’.
Được nhìn nhận là không lạc nhịp với thế giới hiện đại, Ngài đã có lời mời đến các nhà báo mà có khoảng 5.600 trong số này đang ở Rome để đưa tin về mật nghị bầu Giáo hoàng, đến dự một buổi tiếp kiến vào thứ Bảy ngày 16/3.
Đây là những khả năng cần thiết để giáo hoàng chặn đứng dòng tín đồ Công giáo rời bỏ nhà thờ ở một châu Âu càng ngày càng thế tục và ngay cả trên châu Mỹ Latin.

Trọng trách nặng nề

Người dân Argentina ăn mừng tân giáo hoàng đồng hương
Người dân Argentina ăn mừng tân giáo hoàng đồng hương

Ngài lãnh trọng trách người đứng đầu Giáo hội Công giáo ở thời điểm mà sự bất khoan dung tôn giáo đang ngày càng gia tăng. Nhiệm vụ của Ngài là khôi phục lòng tin vào Giáo hội vốn đang bị rúng động bởi những vụ bê bối lạm dụng tình dục của các linh mục.
Người lãnh những trọng trách này lại là một vị cao niên đã 76 tuổi mà hàng chục năm qua chỉ sống với một bên phổi do hậu quả của một chứng bệnh hô hấp thời trai trẻ.
Tối thứ Tư vừa qua Ngài đã có buổi ra mắt các tín đồ từ ban công của Nhà thờ thánh Peter trong một khởi đầu tự tin.
Có lẽ buổi ra mắt được tóm gọn hay nhất bằng sự khiêm cung của tân giáo hoàng.
“Chỉ những ai đã từng sống trong tình thương, những ai đã từng được vỗ về trong sự dịu dàng của tình thương là hạnh phúc và an lành với Chúa Trời,” Ngài từng phát biểu hồi năm 2001.
Có lẽ đó là dấu ấn phong cách của Ngài khi lần đầu tiên ra mắt các tín đồ Ngài đã ban phước lành cho họ nhưng chỉ sau khi Ngài yêu cầu các tín đồ cầu nguyện cho Ngài.

BBC

No comments:

Post a Comment