Thursday, March 14, 2013

Trận chiến đẫm máu tại Gạc Ma 1988


Ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã xảy ra trận chiến đẫm máu giữa hải quân Việt Nam và Trung Quốc tại Gạc Ma, Trường Sa.
Trận chiến kết thúc, hải quân Việt Nam chỉ có chín người sống sót. Từ đó, Gạc Ma được cho là đã thuộc về Trung Quốc.
Bối cảnh và diễn biến cuộc chiến tại Gạc Ma như thế nào? Mời quý vị nghe chính người lính năm xưa kể chuyện của họ.

Tay không bảo vệ tổ quốc

Từ đầu năm 1988, Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng tại một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, cũng như đưa lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực này. Nhận thấy tình hình có thể diễn biến phức tạp, Bộ tư lệnh hải quân Việt Nam ra lệnh cho xây dựng và bảo vệ đảo tại Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao bởi vì các đảo này có vị trí quan trọng trong tuyến đường tiếp tế của Việt Nam cho các căn cứ khác tại Trường Sa. Chiến dịch này còn được biết đến với tên gọi CQ-88, tức Chủ quyền 88.
Bắt đầu ngày 12 tháng 3 năm 1988, ba chiếc tàu vận tải của Lữ đoàn 125 mang số hiệu HQ-604, HQ-605 và HQ-505 mang theo một số phân đội của Trung đoàn công binh 83 và Lữ đoàn 146 đến các đảo này. Ba con tàu neo tại 3 đảo, với nhiệm vụ “Xây dựng và bảo vệ đảo”.  Tuy nhiên, giao tranh chủ yếu diễn ra ở Gạc Ma. Đó cũng là một cuộc chiến đẫm máu nhất trong chiến dịch CQ-88.
Con tàu HQ-604 chở khoảng 74 chiến sĩ, đa phần là công binh có nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo Gạc Ma. Trước khi đi, tất cả các chiến sĩ đều được quán triệt là bảo vệ tổ quốc nhưng không nổ súng. Anh Nguyễn Văn Thống cho biết “Bên mình lúc ra đi là quán triệt không được nổ súng bằng bất cứ giá nào”.
Chính vì được quán triệt là không được nổ súng, trên các con tàu trong chiến dịch CQ-88 đều chỉ mang lương thực, xi măng, cốt thép và các cột bê tông đúc sẵn mà không mang theo bất cứ một loại vũ khí nào, chỉ trừ vài khẩu súng AK. Các chiến sĩ trên tàu, chủ yếu chỉ là công binh, chưa một lần cầm súng chiến đấu, để rồi cho đến bây giờ, tim họ vẫn còn nhói khi nghĩ lại. Theo lời kể của 8 nhân vật còn sống cho đến hôm nay, họ không hề có một khẩu súng trong tay và chỉ thấy khoảng 3¬-4 người lính Việt Nam có cầm súng AK. Anh Trần Thiện Phung chua xót nhớ lại:
“Đơn vị tôi là đơn vị công binh mà, ra đảo chỉ biết là để xây dựng chứ đâu biết để chiến đấu. Nhưng ra đó, tàu chiến của Trung Quốc đánh mình”.
Chiều 13 tháng 3 năm 1988, tàu HQ-604 vừa đến Gạc Ma và bị quân Trung Quốc dùng loa cảnh báo. Theo lời những người tham gia trận đánh, Trung Quốc lúc ấy triển khai 3 tàu chiến, đứng vị trí hình tam giác bao vây con tàu vận tải HQ-604, chỉ cách nhau chừng vài trăm mét. Anh Dương Văn Dũng nhớ lại:
“Lính Trung Quốc cầm loa thông báo rằng đây là lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu lính Việt Nam rời ngay. Tuy nhiên, mình vẫn không rời đảo, vẫn bám trụ đảo. Cho đến sáng mai thì trận chiến xảy ra.”
Đến sáng sớm ngày 14 tháng 3, khi hải quân Việt Nam đổ bộ, bốc vật liệu xây dựng từ tàu xuống đảo, đó là lúc phát súng đầu tiên vang lên, để rồi tiếp sau đó là một tràn tiếng súng dài và máu văng tung tóe. Hiện tại, Trung Quốc cho sản xuất một phim tư liệu ghi lại trận chiến tại Gạc Ma với hình ảnh một vòng người bị bắn tan tành trên nước. Đó chính là đoạn nghi lại hình ảnh này. Anh Thống nói:
"Bởi vì chúng tôi nhận được lệnh là chuyển cột bê tông từ tàu xuống đảo để xây dựng đảo cho nên các anh em đổ bộ vào đảo. Khi mình đổ bộ như thế thì họ từ trên tàu bắn xuống một hàng dài. Khi mình đưa cờ vào thì trong vòng 30 phút sau là bị bắn.”

Trung Quốc tấn công và chiếm đảo

Lúc đó cũng là lúc tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và khoảng 40 lính có trang bị vũ khí đổ bộ lên đảo giật cờ Việt Nam. Dưới nước, lúc giáp lá cà, 2 bên chỉ cách nhau khoảng 100 mét. Phía trên, tàu Trung Quốc bao vây. Anh Dũng cho biết:

HQ-604-250-youtube.jpg
Tàu vận tải HQ-604 bị tàu chiến Trung Quốc nã pháo, bắn cháy, đang chìm xuống biển ngày 14-3-1988. Ảnh lấy từ youtube do TQ quay lại

“Khi họ tràn qua như thế thì mình cử một người bảo vệ cây cờ của mình trên đảo. Khi họ bắn một phát súng thì một hàng lính của họ bắn tới tấp. Mình vẫn đứng ôm cây cờ Việt Nam chịu chết. Một đồng chí khác cũng đứng gần đó bảo vệ cây cờ cũng bị thương nặng.
Tất cả các anh em hô to giữ chặt cây cờ, không bao giờ để mất cây cờ cũng như không bao giờ để mất tổ quốc. Mình hô to “Bảo vệ! bảo vệ! bảo vệ”. Khi họ tràn qua đánh mình là mình chống trả ngay lập tức. Mình chấp nhận tay không bảo vệ cây cờ tổ quốc”.
Thiếu úy Trần Văn Phương là người giữ lá cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma, cũng là người nhận phát đạn đầu tiên và tử thương đầu tiên. Nhiều người kể rằng, trước khi chết, anh Phương còn hô to “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông”.
Theo anh Trần Thiện Phụng, lúc tình hình bắt đầu căng thẳng, lữ đoàn phó lữ đoàn 146 Trần Đức Thông ra lệnh “Đây là lãnh thổ của Việt Nam, các đồng chí hãy bảo vệ lãnh thổ”. Lúc ấy cũng là lúc nhiều người dù không có vũ khí trong tay cũng nhảy xuống tàu bơi vào bám trụ trên đảo, để rồi tất cả đều phải hi sinh nhanh chóng sau đó. Anh Dũng nói tiếp:
“Chúng tôi biết rằng đã bị thua thế và mắc mưu Trung Quốc, cho nên chỉ làm bia đỡ đạn cho địch thôi chứ không biết nói sao. Họ là phía hành động tất cả. Khi họ tràn qua đánh thì chúng tôi biết rằng chỉ có chết thôi chứ làm sao sống được? Ở đó chỉ có nước và trời, không phải rừng rú, trốn vào đâu được? Khi hành động là họ vây mình hết rồi, nên mình chỉ có chết thôi.  Tất cả các anh em đều bị bắn xối xả hết. Tôi vẫn nhớ kỹ mà. Tôi nhìn rõ hết mà. Dễ sợ lắm.”
Lúc ấy, phía Trung Quốc có 1 hộ vệ hạm và 2 hải vận hạm, được trang bị hỏa lực 100mm với hơn 200 binh sĩ (tài liệu từ Trung Quốc). Theo tài liệu từ phía Bắc Kinh, quân Trung Quốc luôn sẵn sàng chiến đấu. Thậm chí, trước đêm trận chiến xảy ra, quân lính nước này còn được xem phim tuyên truyền nói rằng Việt Nam ăn cắp tài nguyên của Trung Quốc.
Sau khi bắn xối xả vào vòng người trên đảo, Trung Quốc bắt đầu nả pháo liên tiếp vào con tàu HQ-604. Anh Lê Minh Thoa bồi hồi nhớ lại:
“Tôi lo về máy móc của tàu không có súng ống gì cả. Lúc bắt đầu giao chiến thì tôi còn ở trên boong tàu. Nhưng khi thuyền thưởng ra lệnh sẵn sàng chiến đấu thì ngành nào theo ngành nấy và tôi xuống hầm máy. Khi tôi đang ở hầm máy thì tàu bị bắn và xăng dầu trong hầm máy cũng bùng cháy. Tôi bị cháy sau lưng và bỏ chạy lên boong tàu rồi nhảy xuống nước. Khi ấy, nước đã bắt đầu tràn vào tàu và chìm dần”.
Khi quả những khẩu đạn pháo nhắm vào thân con tàu HQ-604 già nua, cũng là lúc quân Việt Nam chết nhiều nhất, người thì chết vì ngạt khi co cụm dưới khoang tàu, người thì chết vì đạn pháo, người thì chết vì ngạt nước - hỗn loạn, tan tác và kinh hãi. Anh Thoa chua xót nói tiếp:
“Khi lính của mình chết gần hết rồi, xác họ trôi lơ lửng, máu tràn lan trên biển, máu của lính từ mạn tàu chảy xuống. Tôi thấy ghê gớm thật. Lúc đó chẳng biết suy nghĩ gì, chạy loạn xạ hết. Nhìn thấy cảnh tượng ấy tôi rất buồn bởi vì anh em mới đêm trước còn nói chuyện với nhau, bây giờ người sống kẻ chết. Tôi thấy rất buồn. Sau này tôi có xem lại đoạn phim về trận hải chiến này do Trung Quốc quay. Mỗi lần nhìn thấy đoạn phim ấy là hai hàng nước mắt chảy ra.”
Sau khi nhận quả đạn pháo đầu tiên, con tàu HQ-604 bắt đầu bùng cháy và chìm hẳn chỉ 30 phút sau đó. Cùng với xác con tàu, là xác của hàng chục chiến sĩ hải quân Việt Nam với vũng máu lớn loan cả một vùng biển Đông. Khi đó cũng là lúc hải quân Trung Quốc hoan hô reo rò chiến thắng. Họ bắt tay, ôm nhau, nói cười vui vẻ. Anh Dũng uất ức kể lại:
“Tôi tức chứ, tức vô cùng. Tôi tức vì mình không đủ khả năng đánh lại họ vì mình không chuẩn bị. Họ đã được chuẩn bị và họ đánh mình. Họ đánh nát tan thuyền của mình. Họ đánh xong, họ hoan hô. Tôi nằm dưới nước thấy cảnh ấy mà tức vô cùng”.

Tàn sát lính Việt Nam

Tuy nhiên, đó còn chưa phải là kết thúc của những đau thương và mất mát. Anh Thoa nói tiếp:

tusi-305.jpg
Buổi gặp gỡ các cựu chiến binh trận hải chiến Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988 diễn ra tại khu Du Lịch Suối Lương – Đà Nẵng hôm 03/9/2011. RFA files

“Khi tôi nhảy khỏi tàu thì thật tình tôi thấy hiện trường có rất nhiều lính Trung Quốc. Tôi chứng kiến thấy rằng Trung Quốc ác quá. Khi tàu của Việt Nam đã bị chìm rồi, lính Việt Nam nhảy xuống biển mà nổi lên trên là họ bắn hết. Trung Quốc cho những chiếc xuồng chạy trên biển và bắn tất cả lính Việt Nam nào nổi lên”.
Cứ như thế, hải quân trên con tàu HQ-604 tại đảo Gạc Ma gần như tử thương tất cả chỉ sau hơn một giờ đồng hồ giao tranh. Trong số 74 chiến sĩ trên con tàu ấy, chỉ có 9 người còn sống sót. Cho đến bây giờ, họ cũng không giải thích được lý do vì sao họ có được cái may mắn còn sống để kể về câu chuyện của chính họ ngày hôm nay. Anh Thoa cho biết vì sao mình không chết trong trận chiến ấy:
“Chín người chúng tôi còn sống sót là do có những người nổi lên nhưng nhìn cũng như chết rồi. May mắn cho tôi là tôi có được hai quả bí. Khi nghe tiếng xuồng của địch chạy đến thì tôi lặn xuống biển, hết tiếng xuồng là tôi ngoi lên”.
Sau khi nghĩ rằng đã tiêu diệt hết tất cả hải quân Việt Nam cùng con tàu HQ-604, ba chiếc tàu chiến cùng hải quân Trung Quốc bỏ đi. Lúc này thủy triều đang lên, đảo Gạc Ma lại chìm trong biển nước mênh mông (đảo Gạc Ma còn gọi là đảo chìm; nổi lên và lặn xuống theo con nước). Không còn tiếng súng nổ, không còn tiếng động cơ, cũng chẳng còn tiếng la hét, trả lại cho Gạc Ma sự yên ắng đến rợn người.
Biển không gợn chút sóng, mà lòng những người sống sót đau đến lạ. Chín người còn sống sót nằm trên đảo, bên cạnh những xác chết nghiêng ngửa của những người bạn mà chỉ mới hôm qua thôi, còn chúc nhau sống lâu trăm tuổi. Họ nhìn đồng đội, nhìn Gạc Ma mà nhòe đi vì nước mắt. Có lẽ không một lời nào có thể diễn tả tâm trạng của họ lúc này; nó trống rỗng như cái khoảng không trên bầu trời cao vợi, sâu thắt như đáy biển Đông và mênh mông như Trường Sa lúc này.
Tất cả chín người sống sót đều bị thương nặng, như những xác chết nằm cùng vô vàng các xác chết khác. Có lẽ ngay chính họ cũng không biết là mình còn sống. Trong cơn đau đến nỗi tưởng như có thể chết đi, các anh vẫn ý thức rằng, lá cờ Việt Nam trên tay đồng chí Phương cũng không còn nữa. Anh Thống buồn rầu nói:
“Đá trên đảo là đá san hô cho nên không thể cắm cờ trên đảo được. Chỉ có thể cho người cầm cờ mà thôi. Tuy nhiên, khi người cầm cờ ấy mất thì lá cờ cũng mất theo”.
Trận chiến trên đảo Gạc Ma kết thúc, phía Trung Quốc chỉ có một người bị thương. Họ vinh danh một đặc nhiệm hải quân tên Du Xiang Hou, là người đã xé bỏ lá cờ Việt Nam trên đảo. Họ làm phim giáo dục con cháu về trận chiến mà đối với họ là một sự vẻ vang kiêu hùng. Và họ xem đó là bằng chứng không thể chối cãi đối với chủ quyền tại đảo Gạc Ma. Vậy mà đã 23 năm tại Việt Nam, cuộc chiến này bị né tránh không nói đến, như thể nó là một phần lịch sử cần được giấu đi. Có lẽ trận chiến trên đảo Gạc Ma không phải là một vết son trong lịch sử như những chiến thắng của đội quân Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn hay vua Quang Trung. Tuy nhiên, người ta vẫn cần một lịch sử thật hơn một lịch sử đẹp. Huống chi, các chiến sĩ CQ-88 tay không đánh giặc, há chẳng phải đẹp lắm sao?

Quỳnh Chi (RFA)

No comments:

Post a Comment