Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên tuyên bố sẽ có phản ứng “mạnh mẽ và quyết
liệt” nếu Bắc Triều Tiên thực hiện lời đe dọa phá vỡ lệnh đình chiến
được áp dụng trong 60 năm qua.
Đại tướng Kim Young Hyun hôm nay nói rằng Seoul sẵn sàng tấn công cả
“nơi phát xuất hành vi xâm lăng” lẫn “thành phần chỉ huy” nếu Bắc Triều
Tiên sử dụng sức mạnh quân sự.
Hôm qua, một giới chức quân sự cao cấp của Bắc Triều Tiên nói rằng vào tuần tới Bình Nhưỡng sẽ không tuân hành lệnh đình chiến năm 1953, vì Hoa Kỳ đang dẫn đầu cuộc vận động để chế tài Bắc Triều Tiên và cuộc thao dượt quân sự đang tiếp diễn giữa Seoul và Washington.
Bắc Triều Tiên lâu nay vẫn thường đưa ra những lời đe dọa mỗi khi căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên gia tăng, nhưng các nhà phân tích nói rằng lời đe dọa mới nhất này có thể có tính chất nghiêm trọng hơn vì do một giới chức cao cấp đưa ra và có một thời hạn chót rõ rệt.
Viên tướng của Bắc Triều Tiên, ông Kim Yong Chol, nói rằng bắt đầu từ ngày 11 tháng 3 Bình Nhưỡng sẽ “hoàn toàn vô hiệu hóa” lệnh đình chiến và cắt đứt mọi sự tiếp xúc với các lực lượng Mỹ và Nam Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở biên giới.
Thời hạn chót này trùng với ngày bắt đầu vòng thứ nhì của cuộc thao dượt quân sự chung giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Vòng thứ nhất đã khởi sự hồi đầu tháng này. Hoa Kỳ nói rằng các cuộc diễn tập hàng năm này có tính chất phòng vệ, nhưng Bắc Triều Tiên xem đó là sự chuẩn bị cho kế hoạch xâm lăng miền Bắc.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao tại Liên hiệp quốc cho biết họ hy vọng nghị quyết chế tài Bắc Triều Tiên vì vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất sẽ được mang ra biểu quyết vào ngày mai. Hội đồng Bảo an đã tiến hành một phiên họp kín về vấn đề này trong ngày hôm qua.
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Susan Rice nói rằng nghị quyết sẽ áp đặt một số biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất mà Liên hiệp quốc từng ra lệnh thực hiện.
Bà Rice cho biết việc chế tài sẽ nhắm vào các hoạt động trái phép của các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên và các mối quan hệ ngân hàng của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, nghị quyết này cũng siết chặt việc kiểm tra các chuyến hàng ra vào Bắc Triều Tiên.
Nghị quyết, có sự ủng hộ của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, có phần chắc sẽ gây thêm phẫn nộ cho Bắc Triều Tiên, là nước vốn đã bị cô lập với cộng đồng quốc tế.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng có lẽ Bắc Triều Tiên sẽ không tiến hành những vụ tấn công qui mô lớn để đáp lại những biện pháp chế tài.
Ông Mike Chinoy, một chuyên gia về Á châu của Đại học Nam California, cho đài VOA biết rằng mối nguy hiểm thật sự là khả năng xảy ra một vụ đụng độ ngoài ý muốn vào tuần tới, khi Bắc Triều Tiên thực hiện những cuộc tập trận cùng một lúc với các cuộc thao dượt quân sự hàng năm giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên.
Vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên là nơi xảy ra những vụ việc gây chết người trong thập niên qua. Nam Triều Tiên tố cáo Bắc Triều Tiên thực hiện vụ tấn công bằng ngư lôi năm 2010 nhắm vào một chiến hạm của miền nam, gây tử vong cho 46 binh sĩ hải quân.
Cũng trong năm 2010, Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên trong vùng biên giới, giết chết 2ø binh sĩ và 2 thường dân của miền nam.
No comments:
Post a Comment