Cho dù chính quyền của tổng thống Obama trong
nhiệm kỳ đầu đã cố gắng xây dựng quan hệ với Trung Quốc, căng
thẳng và hiểu lầm vẫn nhiều lần xảy ra giữa hai bên.
Nhiều vụ đụng chạm bắt nguồn từ thái độ hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Gần như tuần nào các tờ báo ở
Á châu cũng tường thuật về những lời lẽ đao to búa lớn xung
quanh các quần đảo đang tranh chấp, hay hoạt động ngang ngược
của tàu thuyền từ một trong các tổ chức hàng hải của Trung
Quốc.
Khi tìm cách giải thích sự gia tăng thái
độ hùng hổ của Trung Quốc, các phân tích gia thường chú ý tới
cách dẫn giải luật biển quốc tế theo ý mình của người Trung
Quốc, cũng như việc B́ắc Kinh không muốn nhượng bộ quyền lợi
trên biển, đặc biệt trong bối cảnh đối nội có nhiều vấn đề.
Một số khác thì chú ý tới các nguồn lợi trước mắt từ tài nguyên dầu khí tại các vùng biển đang tranh chấp.
Tuy nhiên, chưa ai chú ý tìm cách lý giải
phản ứng ngày càng gay gắt của Trung Quốc trước hiện diện của
hải quân nước ngoài ở các khu vực gần Trung Quốc.
Tầm quan trọng của Biển Đông
Biển Đông không chỉ là một trong những con
đường giao thương bận rộn nhất thế giới, mà còn là nơi Trung
Quốc đặt căn cứ tàu ngầm của mình ở Tam Á thuộc Hải Nam.
Hoa Kỳ, với các trang thiết bị chống tàu
ngầm hiện đại cũng như đội tàu hải dương học được triển khai
rộng trong khu vực, làm cho Bắc Kinh có cảm tưởng rằng Chú Sam
luôn luôn nhòm ngó cơ sở hạt nhân của Trung Quốc.
Khi các nhà hoạch định chiến lược hải
quân của Trung Quốc thảo luận về môi trường hàng hải, họ nói
về tình trạng luôn luôn phải đối đầu.
Đề cập tới mạng lưới các đồng minh ngày
càng mở rộng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, các
chính trị gia Trung Quốc lo ngại rằng hải quân Trung Quốc có
thể bị gài bẫy ngay trong vùng biển lân cận, mà họ tính là
từ Nhật Bản xuống tới Indonesia.
Điều đó dẫn tới quan ngại rằng hải quân
Mỹ có thể phát hiện và vô hiệu hóa sức mạnh dưới mặt nước
của Trung Quốc ngay trong giai đoạn đầu tiên của xung đột nếu
xảy ra.
Điều này giúp giải thích tại sao Trung
Quốc lại hết sức dè chừng trước các hoạt động quân sự của
nước ngoài ở Biển Đông.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong các vụ
đối đầu gay cấn nhất giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc lại xảy
ra ngay gần đảo Hải Nam.
Hay vụ phi cơ do thám Mỹ chạm trán chiến
đấu cơ Trung Quốc được đặt tên là khủng hoảng Ep-3 cũng xảy ra
khi máy bay của Mỹ bị cáo buộc đang quan sát công việc phát
triển cơ sở hạ tầng hải quân của Trung Quốc.
Tương tự, vụ tàu USNS Impeccable của Hoa Kỳ
bị năm tàu Trung Quốc gây hấn xảy ra cách đảo Hải Nam khoảng
70 hải lý.
Về mặt công khai, Trung Quốc phản đối hoạt
động quân sự của nước ngoài trogn phạm trù chủ quyền lãnh
thổ. Tuy nhiên bên trong, các chính trị gia Trung Quốc thừa nhận
là có khía cạnh hạt nhân.
Khi nói chuyện với một cựu quan chức Trung
Quốc, tôi được biết rằng "tuy các vấn đề về lãnh thổ rất
quan trọng, quan ngại lớn nhất của chúng tôi bây giờ là khả
năng phòng thủ trên biển trong tương lai".
Người này mô tả việc ngư dân Trung Quốc
gần đảo Hải Nam được khuyến khích kéo thiết bị của tàu hải
dương Mỹ và bán lại cho chính quyền.
Tất nhiên những trò ở trên không mới và cũng không sai pháp luật nếu như nó xảy ra trong vùng biển quốc tế.
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tàu Mỹ và Liên
Xô thường xuyên có các phi vụ thu thập tin tình báo, nhiều khi
khá gần bờ biển của nhau.
Lúc đó nhiều nhà quan sát Hoa Kỳ lo sợ rằng làm như vậy có thể gây hiểu lầm và dẫn tới thảm họa hạt nhân.
Rồng trong vùng biển hẹp
Không giống như Liên Xô làm công việc của
mình tại các vùng biển vắng Barents và Okhotsk, Trung Quốc nay
đặt căn cứ tàu ngầm hạt nhân ngay chính giữa vùng biển tàu bè
qua lại nhộn nhịp nhất thế giới.
Địa điểm này không lấy gì làm lý tưởng.
Người Trung Quốc thực ra không có nhiều lựa chọn khi tìm cơ sở
chiến lược tại các vùng biển gần.
Tại đó đang có hàng loạt các quốc gia
vốn đang quan sát sự trỗi dậy cùng sự hung hăng trên biển của
Trung Quốc một cách cảnh giác và lo lắng.
Giống như một con rồng chỉ được vẫy vùng
trong bồn tắm, tham vọng hải quân của Trung Quốc quả thực quá
to lớn cho ranh giới địa lý hạn hẹp của nước này.
Đây một phần nào giải thích cho sự cứng rắn ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông.
Nhằm bảo vệ tốt hơn các cơ sở quan trọng
của mình, Trung Quốc đang thiết lập một chuỗi các trạm quan
sát biển xung quanh đảo Hải Nam.
Khống chế được khu vực từ quần đảo Hoàng
Sa tới quần đảo Trường Sa phía nam sẽ giúp Trung Quốc thực
hiện tham vọng của mình một cách dễ dàng hơn.
Cho tới cách đây không lâu, lực lượng tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc chưa được nước ngoài coi trọng lắm.
Loại tàu 0-92 lớp Hạ của nước này bị cho
là quá cũ, quá ồn và không có ý nghĩa gì ngoài việc tính
biểu tượng. Một số quan sát viên còn cho rằng tốt hơn cả là
Trung Quốc nên dựa vào các hệ thống phòng thủ trên đất liền.
Tuy nhiên những gì xảy ra mới đây cho thấy mọi việc có thể đang thay đổi.
Trong phúc trình mới nhất tới Hạ viện Hoa
Kỳ, Ủy ban Nghiên cứu quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung cho
hay Trung Quốc đang phát triển loại tàu ngầm mới lớp Tấn, có
chở hỏa tiễn đạn đạo JL-2 với tầm che phủ 4.600 dặm.
Phúc trình đánh giá với loại này Bắc
Kinh có thể tạo sức mạnh phòng thủ khá liên tục trên biển. Có
khả năng các tàu ngầm này sẽ được đặt ở Hải Nam.
Chính quyền Obama nhiệm kỳ hai sẽ phải
làm nhiệm vụ khó khăn là giải quyết căng thẳng trong một khu
vực không chỉ đang bất đồng về lãnh thổ mà còn nhanh chóng
trở thành điểm nóng về hạt nhân.
Iskander Rehman là chuyên gia nghiên cứu thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace tại Washington DC.
BBC
No comments:
Post a Comment