Quân
lệnh của Kim Jong Un đánh vào nước Mỹ chỉ là cú đấm gió vì chế độ cộng
sản Bắc Triều Tiên không có vũ khí biến lời đe dọa thành hành động.
Đây là nhận định của giới chức quốc phòng Tây phương và chuyên gia về
các vấn đề an ninh quốc tế vào lúc Bình Nhưỡng đưa tên lửa tầm trung thứ
hai lên giàn phóng.
Trong 20 năm qua, với nhịp độ chậm nhưng đều đặn, Bắc Triều
Tiên đã cải tiến khả năng kỷ thuật chế tạo tên lửa và đã ba lần thử nổ
hạt nhân trong lòng đất. Theo thẩm định của một số viên chức Mỹ thì hỏa
tiễn của Bình Nhưỡng có thể bay đến vùng lãnh thổ hải ngoại của Hoa Kỳ
như Alaska ở Bắc Cực hoặc là đảo Guam và Hawai ở Thái Bình Dương. Tuy
thẩm định này gây lo ngại cho một số chuyên gia nhưng theo Reuters, trên
thực tế không có bằng cớ chứng minh quân đội Bắc Triều Tiên đã thử chế
nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa tầm xa. Kỹ thuật này rất khó
khăn chỉ có 5 đại cường nguyên tử là Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc nắm
vững.
Nói cánh khác, tên lửa của Bắc Triều Tiên có thể bay đến đảo Guam
nhưng không cách nào bay đến Bắc Mỹ và càng không thể mang đầu đạn hạt
nhân.
Giáo sư Gary Samore, đại học Harvard, nguyên là chuyên gia hạt nhân
trong Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ, nhiệm kỳ một của tổng thống
Obama, cho rằng lời tuyên chiến của Kim Jong Un "tiêu diệt Mỹ bằng hạt
nhân" chỉ là chuyện "khua môi múa mỏ". Mặc khác, cũng theo chuyên
gia Gary Samore, những người cầm quyền tại Bắc Triều Tiên không phải là
những tay liều lĩnh muốn tự sát. Họ biết rõ hơn ai hết : tấn công trực
diện Hoa Kỳ đồng nghĩa với tự hủy diệt.
Cho đến nay, các cơ quan tình báo Tây phương gặp nhiều khó khăn
trong việc tìm hiểu kho vũ khí của Bắc Triều Tiên do bản chất khép kín
và não trạng bảo mật của chế độ. Một số viên chức Mỹ vẫn tin là Bắc
Triều Tiên đã chế tạo được đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa tầm
trung Nodong. Nhưng giả thuyết này không chắc là gần với sự thật vì chưa
bao giờ Bình Nhưỡng thí nghiệm loại tên lửa này để bảo đảm nó sẽ bay
tới mục tiêu dù trên lý thuyết lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Hawai
nằm trong tầm bắn.
Tình báo Mỹ theo dõi đặc biệt một loại tên lửa mới của Bắc Triều Tiên
đặt tên là KN-08 có tầm bắn xa hơn Nodong và đã được Bình Nhưỡng phô
trương trong lễ duyệt binh đầu năm 2012. Theo thẩm định vào tháng ba
vừa qua của đô đốc James Winnefeld, Tổng tham mưu phó liên quân Mỹ, thì
rất có thể hỏa tiễn KN-08 đủ sức bay đến Bắc Mỹ. Tuy nhiên, ngày hôm qua
04/04/2013, vào lúc Bình Nhưỡng tung tin sẽ "tấn công Hoa Kỳ" trong
ngày hôm đó hoặc hôm sau, thì một viên chức Mỹ ẩn danh cho rằng Hoa Kỳ
nằm ngoài tầm của tên lửa KN-08. Một viên chức khác thì thừa nhận là các
thông tin tình báo rất giới hạn.
Theo Reuters, nếu giới quân sự Mỹ nửa tin nửa ngờ nhưng không dám
khinh thường khả năng vũ khí chiến lược của Bình Nhưỡng thì các chuyên
gia độc lập không che dấu mối hoài nghi. Cựu chuyên gia tình báo trong
bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Greg Thielman cho rằng KN-08 là "đồ giả" sau khi
xem xét kỹ hình ảnh tên lửa trưng bày qua các cuộc diễn binh. Tên lửa
Musudan mà Bắc Triều Tiên đang đưa lên bệ phóng nhìn ra biển Nhật Bản
cũng là "thứ giả". Một loại vũ khí chưa bao giờ được thử nghiệm thì
không thể hoạt động được và không đáng lo.
Không rõ các ý kiến trên đây chính xác đến mức độ nào, nhưng bằng
chứng cụ thể được giới truyền thông quốc tế phát hiện trong tuần qua là
Bắc Triều Tiên dùng kỹ thuật số để phô trương lực lượng tàu đổ bộ lướt
sóng.
Về phần "kẻ thù" của Bắc Tiều Tiên thì từ Hoa Kỳ, Nhật Bản đến Hàn
Quốc đều giữ thái độ ung dung. Theo nhận định của cựu trợ lý ngoại
trưởng Mỹ đặc trách Đông Á sự vụ, Kurt Campbell thì thái độ khôn ngoan
này là một thông điệp mang hai ý nghĩa gửi đến Bình Nhưỡng : một là
Washington đối phó một cách bình tỉnh, không bị thái độ khoa trương
khiêu chiến đánh lừa. Thông điệp thứ hai là Hoa Kỳ không để mất thế chủ
động tại một khu vực được xem là lò thuốc súng.
No comments:
Post a Comment