Friday, May 3, 2013

Chính quyền CSVN "lúng túng" khi dân gom vàng


Chính quyền Việt Nam hiện đang bất lực nhìn khoảng cách giữa giá vàng Việt Nam và thế giới tăng cao, có lúc lên tới gần bảy triệu đồng (khoảng 330 đôla) trong thời gian vừa qua, theo các chuyên gia.

Đề cập tới chuyện giá vàng vẫn tăng bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước bán đấu giá tới 12 tấn vàng trong khoảng một tháng qua, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:
"Ông ấy [Thống đốc Nguyễn Văn Bình] nói rằng là ổn định thị trường vàng nhưng không ổn định giá. Thế thì ổn định thị trường mà lại không ổn định giá thì...ổn định thị trường kiểu gì.
"Thứ hai nữa là ông ấy tổ chức đấu thầu nhưng những điều kiện tham gia đấu thầu rất cao. Tức là phải đặt thầu từ 40-100 lượng vàng, tương đương với 40 tỷ đồng.
"Thế thì phần lớn chỉ có các ngân hàng thương mại mới có thể tham gia."
Tuy nhiên Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thành Long nói với BBC Ngân hàng Nhà nước đang có mục tiêu khác với bình ổn giá:
"Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là muốn hỗ trợ các ngân hàng thương mại đóng trạng thái ở nước ngoài và có vàng trả lại cho người dân thì mình cũng không nên đòi hỏi kéo giá lại gần giá thế giới vì cùng một lúc không thể làm nhiều việc được.
"Còn về ý định của nhà nước thì cũng tốt thôi, cũng muốn làm sao để vàng không thể lũng đoạn chính sách ngoại hối được.
"Nhưng về lâu về dài cũng phải có tính cách thị trường, nhà nước chỉ đứng ra để quản lý, giám sát, tổ chức thôi chứ còn thị trường vàng rất linh hoạt, giá vàng là giá thế giới quyết định [nên] cố gắng chỉ huy nó cũng rất khó.
"Nên tạo điều kiện để thị trường quyết định, làm sao hình thành những sàn vàng để những doanh nghiệp đứng ra kinh doanh với nhau."

Mốc 30/6

"Tình hình mà cứ bộ nào quản cái gì thì đấu thầu cái ấy thì tôi nghĩ rằng sẽ có hiện tượng Bộ Nông nghiệp sẽ đi đấu thầu gạo hay hồ tiêu, Bộ Xây dựng sẽ đấu thầu xi măng hay sắt thép thì tôi không hiểu quản lý nhà nước ở đây nó sẽ như thế nào?"
Các ngân hàng ở Việt Nam sẽ buộc phải hoàn trả vàng đã huy động từ người dân và đóng các khoản cho vay bằng vàng vào ngày 30/6.
Ông Long nói người ta chỉ có thể hy vọng vào sự thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng Việt Nam và thế giới sau mốc này.
Mặc dù vậy Tiến sỹ Doanh đặt câu hỏi liệu việc bán đấu giá vàng như trong 12 phiên vừa qua còn tiếp tục sau ngày 30/6 không:
"Câu hỏi rất lớn là sau 30/6 có tiếp tục đấu thầu nữa không và thị trường vàng sẽ được ổn định thế nào.
"Và cái gọi là thị trường ấy gồm những ai tham gia vào đấy.
"Nếu mà thị trường chỉ có một bên độc quyền đấu thầu còn số người tham gia có điều kiện rất ngặt nghèo thế này thì đấy chỉ là thị trường rất là hạn hẹp đối với những người được chọn lọc mà thôi."
Ông Doanh cũng chất vấn chuyện Ngân hàng Nhà nước đích thân đứng ra tổ chức đấu thầu vàng:
"Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là quản lý nhà nước, ban hành luật lệ và thực hiện luật pháp chứ không phải trực tiếp đứng ra đấu thầu vàng.
"Tình hình mà cứ bộ nào quản cái gì thì đấu thầu cái ấy thì tôi nghĩ rằng sẽ có hiện tượng Bộ Nông nghiệp sẽ đi đấu thầu gạo hay hồ tiêu, Bộ Xây dựng sẽ đấu thầu xi măng hay sắt thép thì tôi không hiểu quản lý nhà nước ở đây nó sẽ như thế nào."
Tiến sỹ Doanh cũng nói ông "hoan nghênh" Thanh tra nhà nước đã bắt đầu thanh tra đối với hoạt động liên quan tới vàng của Ngân hàng Nhà nước và mong Thanh tra sớm công bố kết quả.

'Nhóm lợi ích'

Bình luận với báo chí trong nước, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói Ngân hàng Nhà nước đang "học cách chơi" trong vấn đề quản lý thị trường vàng.
Ông cũng cho rằng chỉ sau ngày 30/6, khi việc "tất toán trạng thái vàng" của các ngân hàng đã được thực hiện, thì thị trường vàng mới có thể ổn định.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
Ông Doanh đặt câu hỏi "lợi ích nhóm ở đâu và tại sao như vậy"

Theo Tiến sỹ Thành, giá vàng trong nước chỉ có thể coi là bình ổn khi chênh lệch với giá thế giới khoảng một triệu đồng.
Trong khi đó ông Lê Đăng Doanh cũng dẫn lại lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng nói hồi năm 2011 rằng chênh lệch phải được giữ ở mức 400.000 đồng và khoảng cách trên mức này báo hiệu sự "đầu cơ" vàng.
Ông Doanh bình luận thêm:
"Tôi không hiểu sự nhất quán trong chính sách của ông Thống đốc trong chính sách đối với vàng như thế nào, đâu là ổn định thị trường vàng, đâu là ổn định giá và tại sao lại có việc đột ngột thôi không thực hiện mục tiêu bình ổn giá nữa.
"Trong khi đó các chuyên gia đều nói rằng cần thành lập một sàn vàng và tạo ra sự liên thông giữa thị trường vàng Việt Nam và thế giới để ngăn chặn đầu cơ bởi đầu cơ sẽ dẫn đến mất nhiều ngoại tệ và ngân sách nhà nước cũng không thu thuế được từ những phi vụ đó.
"Câu hỏi được đặt ra là lợi ích nhóm ở đâu và tại sao như vậy.
"Tôi mong là sắp tới đây tại kỳ họp quốc hội câu hỏi này sẽ được đưa ra chất vấn và có câu trả lời thích đáng."

Vàng trong dân

Tiến sỹ Doanh nói lượng vàng mà người dân đang giữ ở mức từ 300-400 tấn và nguồn tài sản này hiện đang không được huy động.
Theo ông người dân sẽ tìm cách sử dụng vàng của họ mà nhà nước không thể kiểm soát nổi nếu không có sàn giao dịch vàng công khai.
Trong khi đó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Nguyễn Thành Long nói nhu cầu vàng ở Việt Nam như "thùng không đáy".
Ông giải thích thêm: "Đó là kinh nghiệm của tôi hơn 20 năm kinh doanh vàng thì thấy như vậy, đúng là một thùng không đáy.
"Tức là khi giá cao hơn giá thế giới thì cũng có chuyện chảy máu vàng còn khi giá thấp cũng có chuyện tương tự.
"Khi vàng giá thấp thì gần như không đủ cung ứng. Nếu bán thấp người ta mua hết.
"Không biết ai mua, nhưng cầu của nó cao lắm."
Ông Long nói chỉ có người dân là chịu thiệt trước các quyết định nhắm tới thị trường vàng của Việt Nam trong thời gian vừa qua, từ việc chọn SJC là thương hiệu độc quyền tới việc độc quyền nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước.
"Nói thiệt hại là thiệt hại của người tiêu dùng, người dân, người sở hữu vàng những thương hiệu khác còn những ông chủ thương hiệu khác vừa qua người ta tích lũy được, người ta được lời nhiều lắm," ông Long nói.
"Từ vàng của người ta chuyển sang SJC họ đã được lợi 4, 5, 6 triệu rồi."
"...Tôi nghĩ người dân vẫn là người thiệt hại.
"Nhà nước cũng có những ý tốt nhưng khi thực thi nó không được như ý."

Vàng nhập lậu

Tiến sỹ Doanh nói Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng thừa nhận từ trước khi giá vàng tăng cao như vừa qua rằng lượng vàng nhập lậu có thể ở mức từ 20-40 tấn mỗi năm.
Với giá vàng như trong thời gian qua, ông Doanh nói con số này sẽ lớn hơn và Hiệp hội vàng thế giới đã có thống kê cụ thể .
Hiệp hội nói chỉ riêng vàng nữ trang nhập vào Việt Nam trong hai năm 2011 và 2012 đã là hơn 25 tấn và báo Lao Động nói đây có thể là vàng nhập lậu hoàn toàn vì Việt Nam chưa cấp phép cho công ty nào nhập vàng nữ trang.
Nhưng ông Long nói con số của Hiệp hội vàng thế giới "quá cao" do họ coi như vàng nhập vào Campuchia cũng đồng nghĩa với nhập vào Việt Nam.
Mặc dù vậy ông thừa nhận rằng việc ngăn cản vàng nhập lậu là không khả thi.
Trước câu hỏi khi nào lượng vàng trong dân có thể được huy động vào nền kinh tế, ông Long nói:
"Nếu kinh tế phát triển, thị trường chứng khoán phát triển thì người ta cũng sẽ chia tài sản vào thị trường chứng khoán và tiết kiệm gửi vào ngân hàng.
"Nếu tiền đồng mất giá và thị trường chứng khoán liên tục rớt giá thì người ta sẽ tìm nơi trú ẩn an toàn là vàng."

BBC

No comments:

Post a Comment