Friday, May 3, 2013

Cựu bộ đội CSVN trở thành con kiến đi kiện củ khoai


Bài học cho người không biết hối lộ
Ba mươi tám năm sau ngày hoà bình lập lại, họ cũng là dân oan hai, không mất nhà mất đất mà nhân phẩm và danh dự bị xúc phạm. Trong thời chiến họ là lính, từng xung phong đi B, gọi là đi xẻ dọc Trường Sơn để giải phóng miền Nam ruột thịt. Thời bình, chỉ sau ngày buông súng không mấy đổi, họ trở thành những con kiến đi kiện củ khoai. Đã 70 tuổi ngoài, họ vẫn mang thân phận nhỏ cổ bé họng của mình đi khiếu kiện khắp nơi.

Hai trường hợp điển hình của hai cựu bộ đội ở Tuyên Quang, trong rất nhiều câu chuyên oan sai khác mà nguyên nhân là sự lạm quyền và sự nhũng nhiễu của cán bộ viên chức địa phương:
Tôi tên Nguyễn Duy Huân, gốc Nam Định, từng tham gia trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Nam Lào, Khe Sanh, Quảng Trị trong những năm 1970, 71, 72, trong đội hình tiên phong Sư Đoàn 308 là đơn vị sư đoàn được thành lập đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.
Đến năm 1977 thì tôi ra quân, trở về làm nghiệp vụ báo chí của Hà Tuyên.
Khi đó Hà Tuyên là tên nhập chung của hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang miền Bắc. Năm 1985, ông Nguyễn Duy Huân về hưu:
Năm 1995 tôi có tham gia xây dựng hai cây cầu đường Tân Tạo, Tuyên Quang. Công trình này do Bộ Chính Trị khóa 8 của đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng, lúc đó là ông Đỗ Mười là tổng bí thư.
Hai cây cầu làm là để phục vụ cho mục đích kỷ niệm 105 ngày sinh của Hồ chủ tịch và 50 năm thành lập nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tổ chức tại Tân Tạo, tỉnh Tuyên Quang. Tôi chỉ là người đi làm thuê cho Quân Khu 2, lúc đó là ông Đào Trọng Lịch làm thiếu tướng, sau là trung tướng, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau hơn một năm, việc xây cầu hoàn tất và đưa vào sử dụng cựu binh Nguyễn Duy Huân kể tiếp. Thế nhưng đến năm 1997 thì tai bay vạ gió rơi xuống đầu cựu binh Nguyễn Duy Huân:
Năm 1997 thì cơ quan điều tra công an tỉnh Tuyên Quang khởi tố, bắt giam tôi về tội tham ô và tội cố ý làm trái qui định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Chính vì hai tội danh này mà họ bắt giam tôi 17 tháng 3 ngày tại  trại giam tỉnh Tuyên Quang, nói rằng trong thời gian xây dựng hai cái cầu tôi đã vi phạm vào tội tham ô theo Điều 133 Bộ Luật Hình Sự, tội cố ý làm trái theo Điều 137 Bộ Luật Hình Sự.

Cựu bộ đội Lê Duy Sinh bị ức hiếp nay cũng đi khiếu kiện...
Cựu bộ đội Lê Duy Sinh bị ức hiếp nay cũng đi khiếu kiện.
Cho rằng đây là hai tội danh không thuộc phạm vi của một người đi làm thuê và cũng chẳng có một chức vụ quyền hạn gì để gọi là lợi dụng và lạm dụng theo như luật hình sự qui định, hơn nữa cũng không hiểu vì duyên cớ nào mình lại bị cơ quan điều tra cáo buộc tội như thế, ông Nguyễn Duy Huân nhất định không nhận tội và nhất quyết chống lại đến cùng:
Chính vì lẽ đó mà họ hủy bỏ hai tội danh tham ô và cố ý làm trái, sau đó chuyển sang tội danh lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Thế thì Viện Kiểm Sát tỉnh Tuyên Quang mới ban hành quyết định truy tố ngày 4 tháng Năm năm 1998 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.
Tòa  án tỉnh Tuyên Quang sau nhiều lần nói để xét xử nhưng không đủ căn cứ, rồi cuối cùng trước yêu cầu đòi hỏi của tôi là đề nghị toà phải xử để cho tôi tự chứng minh cho mình là tôi không có hành  vi vi phạm pháp luật này.
Đến ngày 21 tháng Mười năm 1998, tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang mở phiên xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Duy Huân theo cáo trạng số 60 của Viện Kiểm Sát tỉnh Tuyên Quang:
Trong thời gian đó là tôi đã phải nằm trong trại giam gần 16 tháng rồi, mà lúc này bản thân tôi là không còn đi lại được nữa vì họ dùng thủ đoạn nhục hình, cơm nó cắt nó không cho ăn, khai cung không có giờ giấc. Ăn uống không có, đi lại cũng không, 24/24 là bị kiên giam. Lúc đó là tôi 51 tuổi, năm nay tôi 70 rồi.
Luôn giữ niềm tin mình là người lao động chân chính,  không làm điều khuất tất,  mãi sau ông Nguyễn Duy Huân mới vỡ lẽ ra  rằng: Là cơ quan điều tra đòi ăn hối lộ của tôi mà. Từ năm 96 như vậy liên tục là cơ quan điều tra công an tỉnh Tuyên Quang, Mai Phúc Đào là phó phòng cảnh sát điều tra công an tỉnh Tuyên Quang, cùng Phạm Mạnh Hùng là điều tra viên, đến đòi ăn hối lộ, bắt tôi phải nộp cho chúng nó mười triệu đồng. Chúng cho rằng tôi đi làm được hai công trình của Quân Khu 2 như vậy là có tiền, phải chia bổng lộc cho chúng nó. Thế nhưng tôi nói tôi chỉ là người làm thuê thôi, tôi không có. Đòi tôi không được thì nó ghép cho tôi hai cái tội danh ấy.

Người dân Tiền Giang lên Hà Nội khiếu nại oan ức.
Người dân Tiền Giang lên Hà Nội khiếu nại oan ức. 

Khi kể chuyện này với Thanh Trúc ông Nguyễn Duy Huân đang xuống Hà Nội để tiếp tục khiếu kiện, vẫn với niềm tin là những vị có chức có quyền sẽ phải giải quyết và bồi thường danh dự cho ông. Từ tư gia nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn, cựu binh Nguyễn Duy Huân trình bày tiếp:
...Khởi kiện và tố cáo từ 2003 cho đến bây giờ là 10 năm. Bây giờ xuống Hà Nội thì tôi chỉ có một nguyện vọng là yêu cầu đơn tố cáo của tôi phải được trả lời minh bạch nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Nếu tôi tố cáo sai tôi sẽ chấp nhận khung hình phạt này.ông Nguyễn Duy Huân
Tôi bây giờ là tôi khiếu kiện, tôi tố cáo Nguyễn Văn Hiện, nguyên chánh án Tòa Án Tối Cao, bây giờ sang giữ chức vụ chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội. Bởi vì Nguyễn Văn Hiện đã có báo cáo gởi ra cho chủ tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về cái vụ việc của tôi. Báo cáo bố láo bố lếu nên tôi đã làm đơn đề nghị xử Nguyễn Văn Hiện rồi, đơn của tôi đã được ông Nguyễn Phú Trọng nhận và đã thông báo cho tôi bằng công văn ngày 4 tháng Tám năm 2009. Khởi kiện và tố cáo từ 2003 cho đến bây giờ là 10 năm. Bây giờ xuống Hà Nội thì tôi chỉ có một nguyện vọng là yêu cầu đơn tố cáo của tôi phải được trả lời minh bạch nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Nếu tôi tố cáo sai tôi sẽ chấp nhận khung hình phạt này.

Bài học về chế độ tốt đẹp của cộng sản
Trường hợp  thứ hai, ông Bùi Văn Hiển, nạn nhân của chế độ bao cấp và ngăn sông cấm chợ trước đó ở miền Bắc mà đã kéo dài sang cả thập kỷ đầu của 1975:
Năm 67 tôi đi bộ đội, chiến đấu năm năm trong chiến trường. Tôi đánh nhau ở Khe Sanh, Quảng Trị từ năm 68. Tôi đi tiền nhập rồi đi trinh sát vẽ bản đồ cho đơn vị chiến đấy ấy mà. Bị thương rồi đến năm 72 tôi phục viên.
Trở về Tuyên Quang, người lính trẻ này cũng trở thành dân oan như bạn đồng cảnh Nguyễn Duy Huân:
Chúng tôi về những tưởng sống với chế độ thì người ta bảo là tốt đẹp lắm ấy, nhưng thật lòng chúng tôi bị oan khuất rất là nhiều. Năm 79 thì tôi về, tôi mua 1900 cân mì, cây sắn tươi ấy, để kiếm ít tiền tàu xe với lại làm quà ở quê. Có mấy trăm một cân thôi mà, rẻ lắm ấy. Cái đất nước này nó nghèo! Thế thì chúng nó kết cho tôi cái tội là đi đầu cơ kinh tế, phạt tôi 18 tháng tù giam và 300.000. 

Mua bán khoai mì (ảnh minh họa) diendankinhte
Mua bán khoai mì 


Ra tù ông bắt đầu vác đơn đi kêu oan :
Tôi được Tòa Án Nhân Dân tối cao minh oan, bảo là không có tội.
Không có tội thì vẫn chưa được yên thân để làm ăn, ông lại vướng nỗi oan sai thứ nhì:
Sau vụ đấy thì tôi đi mua bảy con bò bằng tiền túi, tiền lao động của tôi, cũng lại bị nó tịch thu và tố cáo tôi là vận chuyển trái phép. Trong khi đó báo đài của đảng thì tuyên truyền phổ biến chính sách phát triển chăn nuôi của đảng và nhà nước. Gia đình tôi hưởng ứng và làm theo thôi, thế mà cũng bị nó tịch thu.
Quá uất ức, thấy mình bị xử ép, ông Bùi Văn Hiển đi kêu oan. Vụ việc được đưa lên báo chí địa phương:
Sau rồi Thanh Tra chính phủ với đài báo thì cũng giúp cho mới được trả lại. Mất bao nhiêu năm khiếu kiện thì còn gì làm ăn sinh sống nữa.
Đến năm 1999, cựu binh Bùi Văn Hiển, người tự hào rất chăm chỉ lao động và làm ăn lương thiện, lại gặp chuyện không may với công an địa phương:
Năm 1999 thì tôi lại bị Lê Tiến Khoa, phó phòng cảnh sát điều tra, cho người đến bắt tôi, báo tôi đi đánh đề, giam tôi 16 ngày. Tôi lại đi kêu oan bao nhiêu năm nữa mới được bồi thường. Tôi về địa phương tôi chăm chỉ lao động, lương thiện lắm, thế mà tôi cứ bị vu oan giá họa bị cuộc sống như thế này đây.
Nhưng tới đó cũng chưa hết, bởi vì chuyện xảy ra tiếp sau đối với ông Bùi Văn Hiển mới là cao điểm của sự áp chế, tùy tiện mà ông cứ phải liên tục gánh chịu:
Nếu nói thì tưởng chế độ ta tốt đẹp lắm, chúng tôi tin lắm, nhưng mà công an với một số cán bộ biến chất thì chúng láo lắm.
Sau cái vụ 1999 rồi tới vụ oan khuất này nữa mà trên đời đất nước không có, chẳng ở đất nước nào có đâu. Tôi chỉ xây bức tường rào sau nhà tôi thôi, rào chỉ cao 1 mét 2 mà nó đến nhà tôi nó quấy nhiễu tịch thu đồ đạc, nó không cho tôi làm. Thu hồi theo kiểu ăn cướp chứ nếu làm đúng pháp luật thì làm gì tôi không qui định. Thế thì tôi tức quá tôi cầm cái roi cỡ bằng ngón tay tôi vụt nó một cái rồi tôi đi về.
Cho là ông Bùi Văn Hiển có ý chống lại người thi hành công vụ, công an địa phương kéo đến xét nhà lúc ông đi vắng:
Nó thu tài sản của tôi lúc tôi vắng nhà, vu cáo cho tôi là chống người thi hành công vụ.
Để chứng minh rằng mình không chống người thi hành công vụ, ông Bùi Văn Hiển kể tiếp, qua hôm sau ông lên đồn công an trình diện và khai báo. Công an vẫn buộc tội ông, cấm không cho ông xây hàng rào và cũng không trả lại những thứ đã tịch thu trong nhà ông. Nội vụ được đưa ra tòa:
Đưa ra tòa sơ thẩm kết tôi 5 tháng tù giam, tôi chống án lên phúc thẩm. Lên phúc thẩm tôi biện hộ lấy thì nó kết tôi 12 tháng tù giam. Trong lúc ấy tôi bị ung thư, tôi phải đi bệnh viện để chạy hoá chất, thế mà nó lại tham mưu tận bệnh viện, nơi tôi vừa mỗ xong và đang chuyền hoá chất. Tôi phải chuyền 12 lần nhưng mới chuyền một lần thì nó đến bắt tôi đưa vào trại giam.
Tức quá, oan ức quá, ông nói, ông lại làm đơn kiện, đi kêu đòi công lý đã mười năm nay mà không được  giải quyết:
Thứ  nhất tôi đi đòi  quyền lợi này, thứ hai tôi tố cáo những hành vi của một số cán bộ nhũng nhiễu, nó làm tôi thua lổ mấy trăm tỷ đấy. Mà tôi chỉ là xây bức tường rào trên đất thổ cư của mình và đúng ra là được pháp luật của nước Việt Nam này cho phép tôi. Thế mà công an họ làm được như thế, nó tạo lên như thế, chỉ gọi điện cho nhau một cái là vây bắt nhà tôi.
Vậy thì nguyên do nào khiến chỉ xây bức tường rào trên đất thổ cư của mình mà lại bị ngăn cấm, bị tịch thu tài sản và bị khép tội chống người thi hành công vụ. Cũng như ông bạn đồng ngũ Nguyễn Duy Huân, cuối cùng ông bộ đội phục viên Bùi Văn Hiển mới hiểu ra là tại ông không biết điều với mấy  người công an chỉ đáng tuổi con cháu ông nên mới ra nông nỗi:
Cho nó tiền thì nó yên, không cho tiền thì nó làm hại. Nhờ báo Người Cao Tuổi đăng lên và gia đình tôi quyết liệt đấu tranh, mười hai tháng mà được hơn ba tháng thì hiện nay tôi vẫn là người bị án tù nhưng bây giờ tôi được về để chữa bệnh hồi tháng Bảy năm 2012 này thôi.
Và ông vẫn nhất quyết không từ bỏ chuyện đi kêu oan:
Người ta nói chế độ tốt đẹp như thế nhưng mà tôi đang bị xâm hại thế này  thì làm sao tôi không đi kêu oan. Có phải chết tôi cũng phải đi kêu oan chứ, chà đạp thô bạo quyền con người như thế. Năm nay tôi 73 tuổi rồi, tôi làm gì nên tội, tôi chỉ xây cái hàng rào nơi nhà tôi thôi, nhiệm vụ chúng nó là nhiệm vụ ăn cướp à? Tôi chả phản động mà tôi chả nói  xấu gì ai đâu, chỉ nói thực tế thôi.
Những trường hợp oan khiên như ông Nguyễn Duy  Huân và ông Bùi Văn Hiển, hai cựu bộ đội mà sau ngày phục viên một sớm một chiều bị thời cuộc biến thành dân oan trong bối cảnh quá nhiều người bình thường dưng không trở thành những con kiến đi kiện củ khoai sau 38 năm đất nước qui về một mối.

RFA

No comments:

Post a Comment