Friday, June 14, 2013

Đập thủy điện vỡ, lỗi của ai?


Đập thủy điện Ya Krel 2, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vừa vỡ vào sáng 12/6 khiến hai 2 người bị nước cuốn trôi, gần 30 hecta hoa màu ở phần hạ du bị ngập trong nước, có nguy cơ bị thiệt hại hoàn toàn. Vậy phần lỗi của những vụ vỡ đập thủy điện gần đây xảy ra liên tục, trách nhiệm thuộc về ai?

Chưa dùng đã vỡ

Báo chí trong nước đưa tin đập thủy điện Ya Krel 2 hiện đang trong giai đoạn tích nước, chưa đưa vào hoạt động bị vỡ vào lúc 5 giờ sáng ngày 12/6. Con đập có chiều dài tổng cộng 200 mét được đắp hoàn toàn bằng đất, đoạn bị vỡ của đập dài khoảng 40 mét, vị trí vỡ đập nằm ở cống xả đáy, được xây bằng bê tông.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, xác nhận thông tin với chúng tôi, ông Hà Xuân Minh, chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Huyện Đức Cơ cho BTV Gia Minh biết:
Vỡ đập lúc 5 giờ sáng nhưng tình hình đến lúc này xử lý đã xong rồi: thứ nhất không có thiệt hại về người, thứ hai hoa màu trong khoảng 10 héc ta ven suối bị thiệt hại. Nguyên nhân ban đầu sáng nay Ủy ban Nhân dân tỉnh có làm việc tại huyện giao cho các cơ quan chức năng làm rõ; chứ nay chưa thể xác định nguyên nhân.
Theo ông Hà Xuân Minh, mặc dù nguyên nhân vỡ đập chưa thể kết luận ngay được, nhưng truyền thông trong nước trích lời người dân địa phương cho biết từ hơn 1 tháng nay đã thấy hiện tượng đập bị nứt nẻ cộng với mấy hôm nay trời mưa lớn liên tục và đến sáng 12/6 thì vỡ. Hơn thế, báo chí cho hay, hàng chục mét đập còn lại cũng đang tiếp tục bị nứt nẻ và có nguy cơ bị vỡ sập tiếp.
Thủy điện Ya Krel 2 được xây dựng từ năm 2010, nằm trên lưu vực sông Pô Cô, dự án gồm hai tổ máy với công suất 5,5 Megawatt do công ty Cổ phần công nghiệp và thủy điện Bảo Long – Gia Lai đầu tư xây dựng, với vốn tổng cộng khoảng 120 tỷ đồng.
Cùng với đập thủy điện Ya Krel 2 vừa bị vỡ, trên địa bàn Tây Nguyên hồi tháng 11 năm ngoái, đập thủy điện Dak Mek 3 của Kontum cũng bất ngờ đổ sập, hơn 700 mét khối đất đá, bê tông rơi xuống suối làm một công nhân lái xe thi công bị đè thiệt mạng. Ngay khi vụ việc đó xảy ra, ông Lê Bá Thanh, chủ đầu tư dự án lập luận công trình đảm bảo chất lượng nhưng đập vỡ là do tài xế chạy xe ben của Trung Quốc chở 60 tấn, quá tải tông vào. Vụ việc vừa lắng xuống thì đến thủy điện Ya Kre này xảy ra.

Nhà nước phải có trách nhiệm thẩm định

Rõ ràng câu hỏi mà dư luận quan tâm là vì sao chất lượng của những công trình thủy điện tại Việt Nam lại kém như vậy, phải chăng có những lẩn khuất trong quá trình mua sắm nguyên vật liệu, thi công hay thẩm định dự án. Chúng tôi liên lạc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và được một cán bộ phụ trách về vấn đề thủy lợi cho biết quan điểm của ông:
Tôi là một cán bộ công tác của bộ Nông nghiệp đặc biệt là chuyên sâu về lĩnh vực thủy lợi, gần đây nhất là tháng 11 năm ngoái, một dạng công trình giống công trình thủy lợi là công trình thủy điện bị vỡ ở đập Dak Rong bên tỉnh Kon Tum và gần đây nhất hôm qua, một đập thủy điện bên Gia Lai.


Đập thủy điện Ya Krel 2 được xây dựng từ năm 2009, trên suối Ya Kre trong lưu vực sông Pô Kô tại huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai
Đập thủy điện Ya Krel 2 được xây dựng từ năm 2009, trên suối Ya Kre tại huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai bị vỡ ngày 12 tháng 6, 2013 . 
Hai thủy điện bị vỡ mà tôi vừa nói hoàn toàn nguồn vốn đầu tư xây dựng là của các tư nhân, các tư nhân đứng lên hùn vốn, các đại gia Việt Nam hùn vốn vào để mà xây dựng thủy điện sau đó bán điện lại cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Hiện nay Nhà nước đang thiếu vốn nên hoàn toàn xã hội hóa để huy động nguồn vốn của tư nhân.
Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nói đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đối với các công trình xây dựng đầu tiên phải là công tác quy hoạch, sau đó mới đến công tác khảo sát cơ sở, khảo sát thiết kế, lên bản vẽ thiết kế thi công. Ở đây mặc dù nguồn vốn là của tư nhân, nhưng trách nhiệm trong công tác thẩm định phải thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, mà vấn đề này thì nó thực sự có vấn đề.
Theo lời của vị chuyên viên này thì do nguồn vốn đầu tư của tư nhân, mà cụ thể ở đây là do công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long, Gia Lai nên việc cắt xén nguồn vốn như đối với nhiều công trình của Nhà nước là khó xảy ra, mà vấn đề chủ yếu là do khâu thẩm định dự án đầu tư, vị chuyên viên này phân tích tiếp:
Thực sự giai đoạn này, một số hậu quả mới xảy ra nhưng cái này là kết quả của quá trình từ lâu rồi, trong quá trình ồ ạt đầu tư, rồi là các công tác thẩm định, khi mà có quá nhiều hồ sơ đưa lến thì chất lượng thẩm định không cao, nó sẽ dẫn đến tình trạng như thế này.
Với những công trình thủy điện, bộ chủ quản là Bộ Công thương (tức là Bộ điện lực ngày xưa), trong khi những công trình thủy lợi, bộ chủ quản là Bộ NN và PTNT, ở đây cần có sự phân biệt rạch ròi giữa công trình thủy điện và công trình thủy lợi.
Về tính chất, các công trình thủy điện và thủy lợi cơ bản giống nhau, đều là những công trình đập, để ngăn sông và tích nước. Trên lý thuyết các công trình thủy lợi của Bộ NN đảm bảo giữ và tích nước cho nông nghiệp, đảm bảo dân sinh, bảo vệ mùa màng, các công trình thủy lợi có thể kết hợp chức năng phát điện, tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu vẫn là phục vụ thủy lợi. Trong khi đó, các công trình thủy điện thì nhiệm vụ hàng đầu là phát điện và mang tính thương mại.
Theo cơ chế của Việt Nam bộ nào có đơn vị thẩm định riêng của bộ đó, có thể do đánh giá thấp hậu quả của những vụ vỡ đập thủy điện mà cơ quan thẩm định phía Bộ Công thương đã đơn giản trình tự thẩm định, không tiến hành sát sao các công tác từ khảo sát thực địa, bản vẽ thiết kế, cho tới thi công và nhất là kiểm tra chất lượng công trình.
Có thể thấy những sự cố đập thủy điện gần đây liên tục xảy ra từ Sông Tranh 2, Quảng Nam cho đến các đập ở Gia Lai, Kontum đang gióng lên tiếng chuông báo động về an toàn chất lượng công trình. Nhưng trước khi nhắc đến trách nhiệm của các đơn vị thi công hay thiết kế, thì rõ ràng việc đánh giá, thẩm định dự án là một khâu vô cùng quan trọng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước nữa phải được đem ra mổ xẻ một cách nghiêm túc và có biện pháp xử lý nghiêm minh.

RFA

No comments:

Post a Comment