Wednesday, May 14, 2014

Ứng xử của lãnh đạo CSVN về quan hệ với TQ

 Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng (giữa) cùng các thành viên trong đoàn tại nơi diễn ra lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN 24 tại Myanmar hôm 11/5/2014

Quan hệ phức tạp Việt Trung lại thêm phức tạp và nguy hiểm với việc giàn khoan dầu Hải Dương của Trung quốc được kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam. Bộ ngoại giao Việt nam đã có những phản ứng tức thời, tuy nhiên đảng cộng sản Việt nam lại có những phản ứng chậm trễ như mọi khi.

Tiến sĩ Vũ Tường, thuộc khoa chính trị học, đại học Oregon dành cho Kính Hòa buổi phỏng vấn ngắn về chủ đề này nói riêng, và một số vấn đề khác có liên quan đến chính trị Việt nam.
Kính Hòa: Thưa ông, câu hỏi đầu tiên xin đặt cho ông là, như ông biết, sự kiện giàn khoan Trung quốc hiện nay là một sự kiện lớn gây phản ứng lớn nơi dân chúng Việt nam. Bộ ngoại giao cũng đã lên tiếng phản đối, nhưng mà cũng giống như những lần trước, tức là có sự phản đối từ phía hành pháp, phía Bộ ngoại giao, nhưng mà về mặt đảng thì những tờ báo của đảng phản ứng rất chậm trễ, bản thân ông Nguyễn Phú Trọng thì không nói lời nào hết. Theo kinh nghiệm quan sát chính trị Việt nam thì ông có thấy rằng có phải là có một sự phân công trong đảng những người phản đối và những người không bao giờ phản đối không ạ?
TS Vũ Tường: Cái từ "phân công" anh dùng rất là hay. Tôi nghĩ là có một sự phân công nhưng tôi không biết đó là ngầm hay là tình thế nó bắt buộc phải như thế, tại vì bên đảng họ vẫn không đồng ý cái chính sách làm căng thẳng với Trung quốc. Họ vẫn muốn bảo vệ quan hệ tốt với đảng cộng sản Trung quốc. Thành ra là họ không muốn phản đối Trung quốc.
Kính Hòa: Từ trước tới giờ giới quan sát từ bên ngoài hay nói rằng có hai nhóm, nhóm thân Trung quốc và nhóm thân phương Tây hơn. Theo ông thì cái điều đó chính xác tới mức nào?
TS Vũ Tường: Điều đó khá chính xác đó anh. Nhóm thân phương tây hơn như anh vừa nói là bên phía nhà nước, Bộ ngoại giao, đặc biệt là Bộ ngoại giao. Còn nhóm thân Trung quốc thì là bên Đảng, bên tuyên giáo, rồi công an, quân đội.
Kính Hòa: Theo ông thì quân đội và công an thuộc nhóm thân Trung quốc?
TS Vũ Tường: Vâng tôi nghĩ là như vậy.
Kính Hòa: Có nhiều người nghĩ rằng chuyện này (giàn khoan) là một chuyển biến chính trị lớn trong quan hệ Việt nam Trung quốc, thì liệu nó có ảnh hưởng gì không đối với tương quan lực lượng hai phe (trong đảng)?
TS Vũ Tường: Tôi nghĩ là có chứ anh. Nếu Trung quốc vẫn tiếp tục những bước đi gây căng thẳng ngoài biển Đông thì sẽ làm suy yếu cái phe thân Trung quốc trong hàng ngũ lãnh đạo Việt nam. Họ phản ứng thế nào? Họ có đủ khả năng để duy trì quyền lực của họ không thì chuyện đó mình phải chờ xem, mình chưa biết được. Nhưng mà rõ ràng là điều đó làm cho quyền lực của họ yếu đi.
Kính Hòa: Cách nay không lâu, tại Miến Điện, trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lên tiếng mạnh mẽ tố cáo hành vi của Trung quốc, thế thì trong sự hợp lý thì có phải ông Dũng thuộc phe không thân với Trung quốc không?
TS Vũ Tường: Dạ ông Dũng thì có nhiều học giả như Alex Vuving thì cho rằng ông ấy chỉ thân tiền thôi. Tức là cái gì có tiền là ổng làm. Có thể đây là ông ấy thấy là cơ hội để ông ấy phát triển quyền lực và phe cánh của ông ấy trong chính phủ, trong đảng. Ông ấy mới đứng ra nhận cái vai trò này, có những tuyên bố như vậy. Trước đây ông ấy cũng có một tuyên bố tương tự trong một phiên họp của Quốc hội và cũng nhận được nhiều ủng hộ của dân chúng, đặc biệt là những người muốn có hành động mạnh mẽ hơn với Trung quốc.

Liệu VN có đơn độc?

Kính Hòa: Từ cái tuyên bố lúc trước của ông Dũng mà ông vừa đề cập đến cái tuyên bố vừa rồi, thời gian gần đây cũng có lời đồn rằng liệu Việt nam sẽ thay đổi theo cái gọi là mô hình Putin không?
TS Vũ Tường: Vâng cái này cũng khó đoán. Ông Dũng thì ổng có khả năng làm việc đó, nhưng ổng có làm được không là chuyện khác. Có những người cũng muốn bảo vệ phe nhóm và quyền lực của họ. Thành ra là không biết ông Dũng có đủ khả năng và quyền lực để thu tóm mà trở thành một Putin của Việt nam hay không? Cái việc ấy khó mà biết được, theo tôi thì cái lực của ông ấy không đủ để ông ấy làm việc đó. Trừ khi có những yếu tố bên ngoài như là Trung quốc tiếp tục gây hấn ở biển Đông làm cho phe bảo thủ yếu đi nhiều. Hoặc những yếu tố bên trong nào đó làm ông ấy mạnh lên, còn hiện giờ thì cái cán cân lực lượng không đủ cho ông ấy.
Kính Hòa: Dạ xin đặt cho ông câu hỏi cuối cùng. Đó là quan hệ với các quốc gia ASEAN. Ông là một chuyên gia về Indonesia, thì ông thấy là ASEAN có giúp đỡ gì không trong quan hệ Việt Trung? Và vai trò của Indonesia trong tương lai là như thế nào?
TS Vũ Tường: Tôi nghĩ là ASEAN có thể giúp Việt nam trong một chừng mực nhất định nếu mà nội bộ Việt nam thống nhất trong cách xử lý vấn đề này. Và Việt nam cũng có thể kéo thêm được các đồng minh của ASEAN như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Mỹ vào trong cuộc. Và ASEAN có thể nghiêng về hướng đó. Vấn đề là khả năng và lập trường của chính phủ Việt nam tạo được sự đồng thuận nội bộ, có những hành động cương quyết đối với Trung quốc thì có thể tạo nên sự ủng hộ mạnh hơn từ những nước đang “ngồi trên hàng rào”, tiếng Anh gọi là Wait and See, là chờ xem. Và như thế ASEAN sẽ ủng hộ Việt nam mạnh hơn. Nhưng mà như bây giờ thì họ vẫn chưa thấy Việt nam có sự đồng thuận.
Còn về Indonesia thì nước này ngày càng có nền kinh tế phát triển ổn định hơn, nền dân chủ của họ cũng hoạt động tốt hơn. Tương lai của họ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong ASEAN. Tuần trước có một báo cáo nói rằng Indonesia hiện có nền kinh tế đứng hàng thứ 10 trên thế giới tính theo sức mua. Tôi cho là Indonesia sẽ có vai trò lớn hơn. Có điều là người có triển vọng trở thành Tổng thống sắp tới là ông Jokowi được cho là thiếu kinh ngiệm quốc tế. Không biết là ông ấy có muốn đóng một vai trò tích cực trong Đông Nam Á không?
Kính Hòa: Cám ơn ông dành thì giờ cho đài Á châu tự do.
TS Vũ Tường: Cám ơn anh.

RFA

No comments:

Post a Comment