Monday, June 9, 2014

Thoát Trung hay thoát Cộng?

Phó thủ tướng CSVN Nguyễn Thiện Nhân và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Cuộc hội thảo làm thế nào để thoát Trung được một số trí thức trong nước tổ chức tại Hà nội vào đầu tháng sáu năm 2014, mặc dù không được báo chí trong nước đưa tin nhưng cũng gây được sự chú ý nơi công luận. Có nhiều ý kiến cho rằng khuôn khổ của hội thảo đã rất bị hạn chế.

Thoát Á và Thoát Trung
Giữa thế kỷ 19, Hoàng đế Minh Trị của Nhật Bản khởi động phong trào Duy tân canh tân nước Nhật theo mô hình phương Tây. Nền tảng của công cuộc Duy Tân này chính là những suy nghĩ, biện giải, tìm tòi của các trí thức Nhật bản trong buổi giao thời ở Châu Á khi chứng kiến sức mạnh của các cường quốc phương Tây. Những suy nghĩ, biện giải này đã cho ra đời một học thuyết nổi tiếng gọi là Thoát Á luận (Good bye Asia) của Nhật Bản, theo đó, nước Nhật từ bỏ những cản trở có nguồn gốc từ truyền thống Á châu trên con đường tương lai của mình.
Nước Nhật hiện nay là một cường quốc trên thế giới với một xã hội tôn trọng dân chủ và nhân quyền.
Cảm hứng từ nước Nhật cũng không ít thì nhiều gợi nên ý tưởng duy tân cho nhiều người Việt Nam trong quá khứ. Và những toan tính duy tân trong thế kỷ 20 đều thất bại.
Một học thuyết không phải là Thoát Á lại đến Việt Nam từ phương Tây tên gọi là Cộng sản. Và trớ trêu thay nó lại là cơ sở tư trưởng chung cho hai quốc gia có hàng ngàn năm lấn cấn với nhau đó là Việt Nam và Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ phương Bắc. Cả hai quốc gia đều không “thoát Á” như Nhật Bản mà lại du nhập thêm những ý tưởng toàn trị như chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp,…
Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 người ta chứng kiến sự xung đột giữa hai quốc gia cộng sản Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tăng, mà trong đó ưu thế có vẻ nghiêng về cường quốc Trung Hoa.
Đối diện với sự kềm chế của nước Trung Hoa cộng sản, nhiều người Việt Nam nghĩ cách thoát ra khỏi nó. Từ đó mà những ý nghĩ về Thoát Trung tức là thoát khỏi Trung Quốc đã nhen nhóm trong mấy năm nay, và nó đã chính thức ra mắt vào một ngày đầu tháng sáu 2014 tại Hà Nội trong một cuộc hội thảo tên là Làm thế nào để thoát Trung.
Văn Hóa hay Chính trị?
Trong buổi hội thảo nhiều diễn giả lên tiếng nói rằng thoát Trung ở đây không phải là bài Trung Quốc, mà là chống lại tư tưởng bá quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện tại. Một điểm quan trọng nữa mà nhiều người tham dự hội thảo cũng nêu lên là muốn thoát khỏi Trung Quốc thì phải tự chủ tự cường về nhiều mặt.
Một nhà bất đồng chính kiến hiện sống ở Việt Nam là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đồng ý rằng thoát Trung không phải là chống lại văn hóa Trung Hoa mà hàng ngàn năm nay nước Việt Nam chịu ảnh hưởng.
Trong những dân tộc mà giống Việt Nam thì Trung Quốc giống Việt Nam nhất. Thậm chí hai cái nước bên cạnh mình là Lào và Cam Pu Chia cũng không giống mình bằng người Tàu đâu. Tôi nghĩ là văn hóa là tri thức, đó là một nền văn hóa cao của nhân loại, thì mình tiếp thu cũng giống như tiếp thu văn hóa Hy Lạp hay châu Âu vậy.”
Về vấn đề văn hóa này thì cũng có nhiều người nói rằng cũng phải thoát ra khỏi sự ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa. Ông Nguyễn Gia Kiểng, một trí thức Việt nam tại Pháp, người sáng lập Tập hợp dân chủ đa nguyên đấu tranh cho một nền dân chủ tương lai của Việt Nam nói:
Cái điều đó theo tôi là cái điều quan trọng nhất là mình phải thoát khỏi cái văn hóa của Trung Quốc. Đó là cái văn hóa Khổng giáo. Cái văn hóa đó nó tha hóa người trí thức, nó không nhìn nhận sự suy nghĩ và hành động độc lập của cá nhân như là một giá trị. Trái lại nó coi cái chữ trung, là trung thành với nhà cầm quyền như một giá trị cơ bản.
Nhưng vấn đề bây giờ không phải như vậy. Hiện nay khi người ta nói đến chữ Thoát Trung là người ta nói đến sự thoát khỏi ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc.”
Thoát Trung hay Thoát Cộng?
Sự thoát ra khỏi ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc cũng chính là việc chống lại tư tưởng bá quyền của Trung Quốc như những người tham dự hội thảo nêu lên. Và khi đề cập đến vấn đề này Tiến sĩ Hà Sĩ Phu cho rằng hội thảo đã không nêu lên được một điểm quan trọng:
Muốn thoát Trung được thì phải thoát Cộng được. Cái gì là trở lực, nó hạn chế nó ngăn cản cái việc thoát Trung? Thì chính là cái việc mình chung ý thức hệ.”
Cái từ Cộng ở đây được Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nêu ra chính là ý thức hệ Cộng sản mà cả hai quốc gia Việt nam và Trung quốc đều lấy làm nền tảng tư tưởng cho mình.
Không giống như ý tưởng Thoát Á của những người Nhật bản cách đây gần hai trăm năm là thoát ra khỏi những thói quen cũ kỹ ràng buộc, cản trở xã hội đi lên của chính người châu Á, nay sự thoát Cộng mà Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đề ra lại là thoát khỏi những sự trói buộc của một giáo điều nhập về từ phương Tây, và những giáo điều ấy cũng không được chính phương Tây chấp nhận sau sự sụp đổ của khối cộng sản Liên Xô và Đông Âu bắt đầu cách đây 25 năm.
Với ý kiến cho rằng cuộc hội thảo Thoát Trung mang ý nghĩa chính trị, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng nó không phù hợp với các tổ chức dân sự như những người đứng ra tổ chức hội thảo. Hơn nữa ông còn trích lời ông Chu Hảo nói rằng cuộc hội thảo lại không bàn đến chính sách. Mà theo ông Kiểng thì chính trị không có chính sách thì không có ý nghĩa. Ông cũng nói thêm là dường như các trí thức trong nước thiên về việc ủng hộ những phe phái mà họ coi là chống lại Trung Quốc.
Những người lãnh đạo cộng sản Việt nam họ có thể chống nhau, xung khắc nhau về quyền lợi, về chỗ đứng cá nhân nhưng mà họ đều đồng ý với nhau về một điểm là phải lệ thuộc vào Trung Quốc, phải gắn bó với Trung Quốc để giữ cái chổ đứng, sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam.”
Như vậy ở đây ông Nguyễn Gia Kiểng lại có đồng quan điểm với Tiến sĩ Hà Sĩ Phu rằng muốn thoát khỏi Trung quốc trong trạng huống hiện nay là thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản.
Cũng trong những ngày đầu tháng sáu năm 2014 này, thế giới chứng kiến chính quyền cộng sản Bắc kinh sử dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt để ngăn cấm việc kỷ niệm 25 năm ngày phong trào đòi dân chủ Thiên An Môn bị đàn áp một cái đẫm máu.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nói:
“Tôi nói là cả hai dân tộc đều có một kẻ thù chung, cản trở tiến bộ, cản trở dân chủ, thậm chí cản trở cả tình hữu nghị giữa hai dân tộc nữa là chủ nghĩa cộng sản.”
Như vậy thuật ngữ Thóat Trung được đề ra trong cuộc hội thảo cũng đã gây không ít nhiều tranh cãi. Mà tranh cãi lớn nhất có lẽ là theo như mô tả của một người đến tham dự hội thảo rằng trong hội trường số 53 Phố Nguyễn Du, Hà nội, nơi tổ chức hội thảo, dòng chữ Làm thế nào để thoát Trung lại đứng bên dưới khẩu hiệu lớn nhất là Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm, bên cạnh cờ đỏ búa liềm.

RFA

No comments:

Post a Comment