Tuesday, September 23, 2014

Việt Nam bắt thêm 2 đại gia: dấu hiệu của đợt chống tham nhũng mới ?


Cuối tuần qua, báo chí trong nước rất chú ý đến hai vụ bắt giữ, một cựu lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng giám đốc một tập đoàn dược phẩm lớn có quan hệ với nhiều cơ sở Nhà nước.
Hai vụ bắt giữ xảy ra chỉ ít ngày sau khi chính phủ Việt Nam công bố kết quả hoạt động công khai tài sản của gần 1 triệu công chức, bị báo chí trong nước chỉ trích mạnh mẽ vì không trung thực.
Nhân dịp này, dư luận đặt nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa hai vụ bắt giữ cuối tuần và thực hư của cuộc chiến chống tham nhũng do chính quyền tiến hành.
Ngày 20/09/2014, theo báo chí trong nước, ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), một trong các ngân hàng công lớn nhất nước, bị cơ quan điều tra Bộ Công an tạm giam. Cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Agribank bị bắt vì hành vi « cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ». Theo nguồn tin từ cơ quan điều tra, đương sự đã tiếp tay cho một công ty in của Ngân hàng làm thất thoát hơn 90 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Cũng có tin ông Đỗ Tất Ngọc đã bị khởi tố và tạm giam vào ngày 17/09.
Trước đó, ngày 19/09, một đại gia khác, ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma, bị bắt và công ty bị khám xét trong đêm. VN Pharma là một tập đoàn dược phẩm mới ra đời nhưng đang nổi lên như một nhà cung cấp thuốc chủ yếu cho các cơ sở y tế công tại Việt Nam. Theo một số thông tin ban đầu Tổng giám đốc Công ty VN Pharma bị cáo buộc làm giả hồ sơ đấu thầu vào bệnh viện và dính líu đến buôn lậu. Cũng có nguồn tin cho biết công ty vừa trúng một đơn đặt hàng trị giá đến 800 tỷ đồng.
Hai vụ bắt giữ nói trên xảy ra đúng vào thời điểm sau khi Thanh tra chính phủ Việt Nam công bố trước Quốc hội bản tổng kết về hoạt động công khai, minh bạch tài sản liên quan đến gần một triệu cán bộ, công chức. Kết quả chỉ có một người bị xử lý kỷ luật vì không kê khai tài sản trung thực. Với kết quả như trên, chủ trương kê khai tài sản - từng được nhìn nhận như là cái gốc của việc chống tham nhũng – gây một thất vọng lớn trong dư luận.
Báo Lao động chạy tựa « Một cái ‘‘kết’’ không quả’’ ». « Gần triệu người kê khai tài sản, chỉ một bị kỷ luật vì không trung thực » là hàng tựa của báo Pháp luật Thành phố. Báo Người Lao động có nhiều bài viết về chủ đề này : « Khai mà không khai », « Kê khai tài sản : Huề cả làng ! »…
Trong bối cảnh này, trong công luận có nhiều câu hỏi : Chính quyền đang khởi sự một chiến dịch chống tham nhũng mới ?... Hay có thể vụ bắt giữ hai đại gia mới đây là một động thái của chính quyền nhằm xoa dịu sự bất bình cao độ trong xã hội trước sự thất bại của chủ trương công khai tài sản ?...
Sau đây mời quý vị nghe một vài nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, người dành nhiều chú ý cho cuộc chiến chống tham nhũng và vấn đề minh bạch thể chế tại Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh : “Về những vụ bắt bớ vừa rồi… tôi nghĩ đấy là những bước đi chống tham nhũng được các cơ quan điều tra chuẩn bị và đưa vào tầm ngắm từ lâu rồi…. Còn cái tin là một triệu người kê khai mà chỉ có một trường hợp bị đánh giá là không đúng sự thực đã được báo chí và các đại biểu Quốc hội phê phán…. Sự đánh giá đó và phát hiện đó cho thấy nỗ lực của việc công khai minh bạch của Việt Nam đang còn hết sức nửa vời và kém hiệu quả…
Gần đây ở Hà Nội đã có đưa ra những nghiên cứu sau khi thăm dò ý kiến các doanh nghiệp, cho thấy họ phải góp từ 73% đến 107% số lợi nhuận để cho những 'chi phí ngoài pháp luật'… Có một công trình đã công bố. Theo tính toán của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, mà số liệu được công bố trên báo chí cho thấy thực tế rất nghiêm trọng, (số tiền hối lộ - ndr) tương đương với 50% tổng số thu ngân sách…
Gần đây có một cuộc hội thảo công bố kết quả của Ngân hàng Thế giới, tiến hành tháng 12/2013, về công khai minh bạch đất đai… tôi phát hiện ra không có bất kỳ một sự công khai minh bạch nào về dự án được giao đất, về giá đất, về việc giao đất cho công ty nào, ai ký chịu trách nhiệm, khi nào bắt đầu và khi nào kết thúc. Đấy là những thông tin hết sức thiết thân với người dân…
Tôi rất e ngại rằng nếu không có các nỗ lực công khai minh bạch nữa, thì sự minh bạch (được tuyên bố - ndr) vẫn chỉ là nửa sự minh bạch, và như vậy nó chưa phải là minh bạch”.
RFI : Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. 

No comments:

Post a Comment