Chờ đợi mua chất đốt ở phường 17, quận 5, TP.HCM (ảnh chụp tháng 10-1984)
Hòa bình rồi, tiếng reo vui chưa được bao lâu thì người dân hai miền Nam - Bắc phải đối mặt với biết bao gian nan. Cả nước chạy gạo ăn từng bữa.
Sài Gòn những năm 1980
Sống giữa Sài Gòn thời ấy, ông giáo Nguyễn Văn
Hàng thèm bát cơm trắng và đủ thứ: cây viết trơn tru, tờ giấy trắng,
chiếc lốp xe chưa vá, chiếc xích chưa lộn... Hơn 20 năm rồi ông Hàng vẫn
còn nhớ cái hôm chiếc xe đạp cà tàng bị banh niền.
Ông mượn cây kim to và sợi cước dài vật lộn
với chiếc lốp suốt đêm. Sáng hôm sau, ông đến lớp mà không cầm nổi viên
phấn nhưng không biết phải giải thích thế nào với học sinh. Mấy ngón tay
nứt toét, sưng lên. Thế mà ông vẫn ngày hai buổi đến lớp.
Năm ấy, vợ ông sinh con đầu lòng. Tiêu chuẩn
gạo hằng tháng được 13kg/khẩu, nhưng thường chỉ lĩnh được 3kg, còn lại
qui đổi lúc bo bo, lúc bột mì, lúc mì sợi vụn, lúc khoai lang...
Cả tiêu chuẩn gạo của ông giáo Hàng cũng ưu
tiên dành cho vợ, mấy tháng trời ông quên mất trên đời còn có món cơm
trắng. Còn thịt chỉ là thứ mơ ước. Một hôm hội đồng giáo viên bỗng nảy ý
định biến mơ ước thành hiện thực: nuôi một con heo.
Nhưng bằng cách nào? Cả tập thể nhảy vào bàn
bạc và quyết định tập thể cùng nuôi. Con heo được nhốt vào khoảng trống
giữa hai dãy phòng học. Ai có thức ăn thừa mang đến, nhưng khổ nỗi người
không đủ ăn thì làm gì có thừa cho heo.
Nhưng rồi vẫn có: nước vo gạo, ruột cá, gốc
rau... Nhưng nước vo gạo thì trong veo, gốc rau thì cụt ngủn. Con heo
con thèm cám như trẻ con thèm sữa.
Một học kỳ trôi qua, con heo chẳng lớn được
bao nhiêu. Nhưng đến ngày đến tháng hội đồng giáo viên cũng đành xẻ thịt
liên hoan. Thế mà buổi liên hoan vẫn linh đình vì có được mấy miếng
thịt.
Thầy Hàng bảo nửa năm rồi ông chưa ngửi được
mùi thịt. Nuôi heo cực quá, trường thầy Hàng chuyển hướng “đầu tư” nuôi
chó. Ông hiệu trưởng “lý luận”: không có gì cho chó ăn thì nó vẫn có thể
tự kiếm lấy cái ăn.
Tưởng nói đùa hóa ra ông hiệu trưởng đi xin
chó con thật rồi gửi nuôi ở nhà bà cụ trong trường. Thầy cô giáo có canh
thừa, cá cặn lại gom góp mang đến cho con chó của tập thể.
Cuộc sống cứ thế trôi. Cây vẫn đơm hoa kết
trái. Thầy cô cưới nhau trong cảnh mượn của người này chiếc áo trắng,
của người kia chiếc cà vạt. Chén, đũa, ly, đĩa... tập hợp của nhau lại
bày cho đủ mâm.
Nói thế cho sang chứ khẩu phần mỗi người ăn cỗ
cưới chỉ có một miếng chả giò, một miếng dưa hấu và một quả chôm chôm.
Thầy Hàng ra sân trường chặt một cành sứ vào trang trí, quét dọn sơ sơ
để biến thành căn phòng... hạnh phúc.
Nhưng chiếc giường quá ọp ẹp, chân gãy tự bao
giờ. Một ông thầy bạn thân thầy Hàng vốn khéo tay được tín nhiệm giao
chăm chút lại “tổ ấm” cho đôi uyên ương. Chiếc giường đến giờ chót đủ
bốn chân. Chú rể cười: xem như xong cái căn bản nhất...
Không chỉ giới công chức, nhà giáo mà giới
kinh doanh cũng khốn khó. Khi cuộc cải tạo công thương bắt đầu thì cuộc
sống của ông Trần Văn Thành (nay trú tại 26C, ấp 4, xã Tân Kiên, Bình
Chánh, TP.HCM), từng là chủ xe ca chạy tuyến miền Trung, nhà cửa đàng
hoàng, thường ăn cơm tiệm, cuối tuần hay đi mua sắm... cũng bắt đầu đổi
khác.
Sau bữa cơm đạm bạc, cha con đưa đẩy nhường
nhau bát cơm độn, ông Thành xách túi ra xe kéo theo cái nhìn lo âu và
tiếng thở dài của người thân. Bởi cái xe của ông quá cũ nát không an
toàn khi bắt buộc phải chở quá tải trên những đoạn đường trường, bởi
chắc chắn ông sẽ phải cố tìm một vài mặt hàng lậu để bù vào tiền xăng,
dầu, bơm vá…
Tiền lương của ông mỗi tháng không đủ chi tiêu
cho một tuần sinh hoạt gia đình. Vì sao vậy? Ông kể: nối nghiệp gia
đình theo nghề lái xe, đến năm 1973 ông Thành sắm được một chiếc xe ca
trị giá 3,5 triệu đồng, tương đương hơn 100 lượng vàng thời đó.
Đây là một tài sản lớn, nghề khác không dễ có
được. Ông Thành được xem là nhà tư sản “nhỏ” và ông đã có thể mơ đến
chuyện thành lập một hãng xe. Lúc ấy dân tài xế nói riêng, những nhà
buôn, dịch vụ nói chung làm ăn khấm khá.
Bến xe miền Tây khi đó có một số hãng xe lớn
sở hữu hàng chục phương tiện đắt tiền như Hiệp Thành, Phi Long, Á
Đông... không ngừng phát triển.
Nhưng sự phát triển đã dừng lại bởi “sáng
kiến” công ty công tư hợp doanh. Tất cả mọi chiếc xe lớn nhỏ dù của ai
cũng đều phải đem góp vào công ty. Giá xe do Nhà nước định mà trên thực
tế thì nó chỉ tương đương với
1% giá thật. Đã vậy, công ty chỉ mua chịu trả
dần, mỗi lần một ít. Có người đến khi không còn ở công ty, hoặc đã chết
vẫn chưa được trả hết. Mà dù có được trả hết thì khoản tiền đó cũng
không đủ mua chiếc xích lô.
Bán xe xong, ai biết lái xe thì được nhận làm
công nhân của công ty. Lái theo chuyến, ăn lương theo qui định. Ai không
biết lái xe thì coi như mất xe.
Có những ông chủ hãng xe 30- 40 chiếc, cai
quản hàng trăm lái, phụ xe nay muốn quá giang 30-40km nếu không mua được
vé thì vẫn bị đẩy xuống bến xe ngơ ngác trong bụi khói. Nhiều ông chủ
xe xin mãi mới được làm phụ xe, còn bị anh lái xe mình thuê ngày xưa
mắng mỏ mỗi khi trái ý.
Hà Nội sau niềm hân hoan
Bà Đinh Thị Vận - 63 tuổi, phường Tương Mai,
Hai Bà Trưng (Hà Nội), là công nhân Nhà máy Dệt 8-3 - vẫn còn nhớ: sau
giải phóng miền Nam, gia đình, cơ quan, khu phố của bà cũng như nơi nơi
đều ngất ngây trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Nhưng sau đấy một vài năm thì giá cả tăng vùn
vụt, cơ quan của bà không việc làm. Nồi cơm của gia đình bà nấu gạo “mậu
dịch” (gạo từ kho các cửa hàng lương thực của Nhà nước) hôi đủ các thứ
mùi: gián, mốc và có khi là xăng dầu..., có khi lẫn những hạt sạn to như
hạt ngô.
Sau đó gạo mậu dịch cũng thiếu và ngày một lẫn
đầy những sắn, ngô, khoai... Hường, con gái bà, từng nói lên mơ ước
trong bài văn nộp cô giáo: “Ngày tết em mong sao có một nồi cơm trắng và
một bát thịt kho...”. Một ước mơ không có trong tâm thức những người
trẻ bây giờ, nhưng không phải hiếm thời đó.
Mỗi tháng, theo chỉ tiêu, cả nhà bà Vận được
nhận 2kg thịt. Gọi là thịt nhưng toàn mỡ vụn, bạc nhạc và lại chia làm
hai lần. Lần nào cơ quan bà cũng chỉ đủ thịt chia cho 2/3 công nhân.
Mỗi tổ phải tự bắt thăm. Ai trúng thì lĩnh
trước, không trúng thì chờ đợt sau. Các chị tiếp phẩm (bộ phận chia thực
phẩm) cân hụt mất một lạng, có biết cũng phải cố mà cười. Ngày lĩnh
thực phẩm cả nhà cứ phấp phỏng, rình mò và hít khói bếp.
Rán cho cùng kiệt mỡ, cẩn thận đổ vào liễn rồi
bà mới cho “cả làng” muối, mắm mặn chát vào kho với mấy miếng thịt để
ăn dè. Cả khu tập thể công nhân nhà máy vui như hội. Khu phố lên đèn, ở
những gia đình không được lĩnh, có tiếng chì chiết của ông chồng nào đó
vì vợ không bốc trúng thăm...
Rất nhiều nhu yếu phẩm khác như xà phòng, mì
chính, chất đốt... của tất cả cán bộ công nhân viên chức khác cũng như
vậy. Có năm ba tháng liền bà chỉ được lĩnh vải mà không xà phòng.
Có người như cô Hoa chồng chết, nhà có bốn
người toàn phụ nữ (mẹ chồng, Hoa và hai con gái) nhưng khi lĩnh tiêu
chuẩn quần áo lót thì toàn quần đùi, áo may ô và... dao cạo râu. Cô Hoa
khóc cả tuần liền...
Công ty của em bà sản xuất sứ tích điện. Không
có tiền, công ty trả lương cho công nhân bằng tích điện. Đơn vị có cao
su trả bằng cao su, xí nghiệp có mũ cứng thì trả lương công nhân bằng mũ
cứng... Những lúc như vậy lĩnh lương xong cũng không biết đem về đâu,
để làm gì?
Chuyên gia kinh tế Lê Văn Viện bảo rằng đó là
bối cảnh chung của đời sống người dân trước năm 1986. Hầu như những mặt
hàng thiết yếu đều đến tay người tiêu dùng qua kênh phân phối bằng hiện
vật, tem phiếu và định lượng bằng chỉ tiêu.
Báo Tuổi Trẻ
No comments:
Post a Comment