Tranh đăng báo Tuổi Trẻ Cười số 8 ngày 4-8-1985
Những câu chuyện bi hài của “đêm trước” đổi mới thật khó tưởng tượng được nếu không phải là chứng nhân thời kỳ đó. Tất cả đều chạy theo và chạy đua với chỉ tiêu được ấn từ trên xuống bất chấp qui luật thị trường. Người ta tìm mọi cách để hoàn thành chỉ tiêu cho thật đẹp sổ sách báo cáo, còn đằng sau là đủ thứ sáng kiến cải tiến, cải lùi.
Chỉ tiêu “đổ than”
Câu chuyện thời bao cấp khó tin nhưng có thật:
Năm 1979, một công ty khai thác than ở Thái Nguyên được giao chỉ tiêu
khai thác 150.000 tấn than. Nhưng năm đó các công ty khách hàng không đủ
nguyên liệu sản xuất, máy móc, dây chuyền hỏng hóc... nên hoạt động cầm
chừng, không cần nhiều đến than. Sản phẩm của công ty than nọ cứ ngày
một chất chồng trong kho bãi. Đến lúc kho bãi không thể chứa thì công
tác khai thác cũng phải “phanh” dần.
Tuy nhiên chỉ còn hai tháng nữa là hết năm mà
cái chỉ tiêu đó mới thực hiện được hơn nửa. Nỗi ám ảnh không đạt chỉ
tiêu đe dọa số phận chính trị của tất cả ban lãnh đạo công ty, đến đồng
lương tất cả cán bộ công nhân cũng như danh hiệu thi đua của toàn đơn
vị. Không thể “bó tay”, ban lãnh đạo công ty quyết định ăn ngủ tại công
trường, thức trắng đêm cùng công nhân, vượt qua sương muối, gió may miệt
mài khai thác cho bằng đủ chỉ tiêu được giao. Công việc lúc này bận rộn
và khó khăn gấp đôi bình thường vì sau khi mất công khai thác, công ty
còn mất một công nữa là... đổ than đi. Đổ xuống vực, xuống suối, xuống
hang... hay bất cứ đâu cũng được.
Sự việc cuối cùng cũng đến tai cấp trên. Giám
đốc công ty than bị khiển trách. Thế nhưng trong phiên họp tổng kết năm
của toàn công ty, ông giám đốc mặt mũi đen nhẻm, hốc hác chạy lên bục
phát biểu hào hứng: mặc dù gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng không thể
vượt qua, nhưng với tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, chúng ta đã phát
huy phẩm chất sáng tạo, nỗ lực lao động và đã hoàn thành tốt chỉ tiêu
cấp trên giao. Tỉnh đã có bằng khen cho tất cả các đơn vị hoàn thành chỉ
tiêu.
Ông Bùi Văn Long, nguyên tổng giám đốc Liên
hiệp Dệt VN (tiền thân Tổng công ty Dệt may), vẫn còn ám ảnh những con
số chỉ tiêu: Dệt Thành Công được giao chỉ tiêu sản xuất 3 triệu m2
vải/năm. Nhưng khi 1/3 dây chuyền đắp chiếu vì không phụ tùng thay thế,
vốn lưu động Nhà nước cấp không nổi 1/2 nhu cầu thì cái chỉ tiêu ấy vẫn
giữ nguyên.
Đến lúc công ty khắc phục được khó khăn, năng
lực dư thừa, thị trường “cháy” hàng thì chỉ tiêu ấy cũng không thay đổi.
Hai chữ “chỉ tiêu” trở thành “vòng kim cô” khủng khiếp trùm lên toàn bộ
mọi hoạt động sản xuất. Nhà nước cung cấp nguyên nhiên vật liệu và vốn
lưu động mỗi năm cho doanh nghiệp, kèm theo một con số sản phẩm nhất
định mà doanh nghiệp phải làm ra rồi cũng nộp cho Nhà nước.
Tuy nhiên, do thiếu tất cả mọi thứ cộng với
phương thức quản lý “của chung” nên hầu như không bao giờ những gì Nhà
nước giao tương ứng với những gì Nhà nước muốn thu lại từ doanh nghiệp.
Và những chỉ tiêu này cũng hủy diệt gần như hoàn toàn mọi sáng tạo, năng
động của doanh nghiệp.
Chuyên gia sử kinh tế Đặng Phong kể lại câu
chuyện cao su chạy từ Nam ra Bắc rồi quay lại Nam cũng chỉ vì cái “vòng
kim cô” chỉ tiêu: Xí nghiệp Đồ hộp xuất khẩu TP.HCM vì thiếu miếng lót
cao su dưới nắp hộp trái cây xuất khẩu nhưng đến mua ở Công ty Cao su
miền Nam không được. Lý do: không có chỉ tiêu kế hoạch. Xí nghiệp cầu
cứu Ủy ban Kế hoạch TP thì nơi đây chuyền “quả bóng” cho Ủy ban Kế hoạch
nhà nước.
Cảnh thường thấy thời bao cấp: hành khách đu bám chật cứng bên ngoài cửa sổ xe đò (ảnh chụp ngày 5-3-1985) |
Sau khi cân đối đầu ra - đầu vào, Ủy ban Kế hoạch nhà nước đồng ý giao chỉ tiêu 300kg mủ cao su cho xí nghiệp nhưng đó là chỉ tiêu năm tới. Hỡi ôi, trái cây không thể chờ sang năm mới đóng hộp xuất khẩu. Xí nghiệp không thể chịu chết vì cái chỉ tiêu kế hoạch vô hồn. Bà giám đốc xí nghiệp sực nhớ có quen ông giám đốc Nhà máy cao su Sao Vàng Hà Nội. Đánh liều bay ra đàm phán với “ông Sao Vàng”, “bà Đồ Hộp” vay được 300kg mủ cao su quí ơi là quí. Sau đó xí nghiệp không có mủ mà trả, đành trả bằng đồ hộp. “Ông Sao Vàng” càng mừng vì có quà cải thiện đời sống công nhân.
Cuộc sống quá khốn khó, động lực sản xuất,
tinh thần trách nhiệm ngày một tiêu hao, nhiều căn bệnh phát sinh ở hầu
hết các nhà máy xí nghiệp. Điển hình nhất là tệ ăn cắp. Ông Nguyễn Xuân
Hà (nguyên giám đốc Công ty dệt Thành Công) vẫn còn nhớ kỷ niệm buồn:
năm 1982, khi ông chuyển sang làm giám đốc Công ty dệt Thắng Lợi, có
5.000 công nhân nhưng tệ nạn trộm cắp trong nhà máy quá mức khủng khiếp.
Trong ba tháng thực hiện “bàn tay sạch”, nhà
máy bắt được 15 kẻ gian trong đó có năm đảng viên. Thậm chí cả bí thư
chi bộ cũng lấy cắp môtơ. Trộm cắp được lập thành băng nhóm trong cơ
quan, liên kết với bên ngoài và thực hiện bằng các thủ thuật rất tinh
vi. Nhưng khi tìm hiểu thì hầu hết thủ phạm đều từng là những người lao
động rất tốt nhưng vì hoàn cảnh túng bấn nên họ nhắm mắt làm liều.
Xe chạy xăng thành... chạy than
Ông Trần Văn Khang, nguyên giám đốc Công ty
công tư hợp doanh Điều hành bến xe miền Tây, nói: sau giải phóng vài năm
thì xăng không đủ cấp cho xe chạy. Những xe chạy xăng thời đó là loại
hiện đại, máy móc tốt nhưng chẳng lẽ để đắp chiếu. Một đề tài khoa học
rất... nổi tiếng thời đó có khả năng biến loại động cơ hiện đại lùi lại
hàng trăm năm đã được áp dụng. Đó là cải tạo xe chạy xăng thành chạy
than.
Thế là từ vận tốc 70-100km/g thành 20-35km/g.
Từ êm nhẹ chiếc xe thành con quái vật không ngớt kêu gào. Xe chạy đến
đâu, lửa, xỉ than rơi vãi ra đường đến đó và lửa từng làm cháy rừng khi
đi qua rừng núi. Hành khách, nhà xe mặt lúc nào cũng đen như người âm
phủ. Gặp dốc lớn, tất cả lại xuống xe: 1- 2 -3 hò dô ta... đẩy xe lên
dốc.
Bến xe miền Tây (TP.HCM) hai mươi mấy năm
trước khi thành phố chỉ có 1/4 lượng khách so với bây giờ, nhưng cảnh
chen chúc vạ vật của người chờ xe không khác gì chạy loạn. Nhiều người
đi từ tờ mờ sáng, ngoài tư trang, hàng hóa, họ còn đem theo một viên
gạch. Đến cửa quầy bán vé khi trời chưa rõ mặt người, hành khách đã đua
chen nhau đặt hòn gạch để xí chỗ xếp hàng mong mua vé trước. Vậy mà
không ít người đợi đến 2-3 ngày vẫn không mua được vé, đành ra về. Lễ
tết thì khỏi phải nói.
Bến xe phía Nam (Hà Nội) cũng y như thế. Thời
bao cấp không mấy khi hành khách mua được vé trực tiếp từ bến xe mà chủ
yếu là vé chợ đen. Riêng bến xe Kim Liên - Hà Nội (cũ) lúc nào cũng có
5-7 băng nhóm phe vé. Mỗi nhóm 5-7 người. Bọn họ bám chặt và sống ký gửi
vào bến xe này với công việc duy nhất: mua càng nhiều vé xe càng tốt.
Ngày đó những cảnh như một bà lão còng lưng dốc hết tay nải để tìm những
đồng tiền cuối cùng nhưng vẫn không đủ đòi hỏi của tay phe vé. Bà phải
rớt chuyến. Những hành khách tội nghiệp như bà vừa khóc vừa liêu xiêu
giữa bến xe chiều không phải là chuyện hiếm.
Lái xe Trần Văn Thành than: hành khách khốn
khổ thì phận lái xe cũng rất khốn nạn. Săm lốp, phụ tùng, thùng, máy,
xăng dầu... đều được tính theo chỉ tiêu (tính số kilômet vận hành để
được cấp mới hay trung đại tu) nhưng cái chỉ tiêu ấy chỉ có thể áp dụng
trên giấy vì nó rất phi lý. Hỏng hóc thiếu thốn, chắp vá đủ kiểu nhưng
vẫn không thể sống được. Nhiều người bỏ xe giữa đường, bỏ nghề, bỏ cơ
quan về luôn.
Mấy tháng sau, địa phương yêu cầu công ty mới
cho xe ra kéo cục sắt ấy về. Ai không dám bỏ nghề thì buộc phải bỏ tiền
túi mà cải tạo. Tiền đâu? Lại phải buôn hàng lậu (thật ra chỉ là gạo,
thịt, mắm muối, xà phòng...) hay bắt thêm khách, lại phải lo lót, luồn
cúi... Trong giới lái xe cũng có rất nhiều người đã phải bán nhà để sửa
xe cho Nhà nước. Cho đến tận bây giờ nhiều người khi đã bỏ nghề chạy xe
vẫn không mua nổi căn nhà cũ để ở.
Báo Tuổi Trẻ
No comments:
Post a Comment