Nhóm công nhân đến từ Thừa Thiên Huế làm phụ hồ tại công trường Đại học ChămPasack, Lào.
Vài tháng trở lại đây, hiện tượng các thanh niên, trai tráng trong các làng thuộc diện bãi ngang ở các huyện ven biển rủ nhau lên núi, luồn rừng trốn sang Lào để làm việc đang ngày càng trở nên cấp bách tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Hầu hết những người trốn sang đất Lào để làm thuê đang độ tuổi lao động hoặc đang tuổi học sinh phổ thông trung học, nhiều em đã bỏ ngang việc học để tìm đường dây trốn sang Lào làm thuê. Vấn đề cần bàn ở đây là hố ngăn cách giữa giàu sụ và nghèo khổ ngày càng cao đã dẫn đến những quyết định sai lầm của lớp trẻ.
Giấc mơ đổi đời
Một bạn trẻ sống ở huyện Hương Điền, vừa từ đất Lào trở về, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Bên nớ thì chủ yếu qua làm gara, làm gỗ đồ rứa đó. Bên nớ làm mức tiền cao hơn, cho cái để dành, bên mình không có chỗ để làm. Nói chung là đi lai rai từng tốp sang bên đó chứ không đi đồng loạt…”.
Cũng xin nói thêm là theo bạn trẻ này, phần đông những bạn trẻ trốn sang Lào ở độ tuổi đang là học sinh phổ thông trung học, bỏ học vài tháng sau đó tìm đường mà đi đều là con nhà không phải quá nghèo, học hành cũng không đến nỗi tệ lắm và thường thì có đạo đức tốt, chưa bao giờ phá phách, gây mất lòng ai. Hay nói cách khác thì đó là những người tốt.
Bạn trẻ giấu tên đặt câu hỏi vì sao họ lại có quyết định hết sức sai lầm khi bỏ ngang học để tìm sang đất Lào làm thuê với tương lai mù mịt, vô định? Câu trả lời nằm ở chỗ chính vì là người tử tế, đàng hoàn nên ý thức về thân phận của các bạn trẻ cũng rất cao, thấy gia đình quá khó khăn, việc học hành của bản thân luôn gây ảnh hưởng đến cha mẹ, anh em, trong khi đó, họ mơ hồ nhìn thấy tương lai của mình qua những đàn anh đàn chị cố gắng nỗ lực vượt khổ để học xong tấm bằng đại học, để rồi sau tốt nghiệp lại cầm bằng gõ cửa khắp nơi, lại kiếm tiền đút lót để được vào làm việc, nhận lương ba đồng bab cọc hoặc về quê chăn lợn, bằng cấp thì chẳng có giá trị gì.
Chính cái tương lai mù mịt sau khi tốt nghiệp đại học, để gia đình nợ nần và hiện tại nghèo khổ, nếu không muốn nói là quá chật vật so với những gia đình cán bộ, quan chức đã thúc giục đôi chân những người trẻ bằng mọi giá phải tìm đường cứu gia đình. Và quyết định tìm sang đất Lào để làm thuê, kiếm tiền gởi về gia đình giống như một chiếc phao cứu sinh cho các bạn trẻ.
Bạn trẻ giấu tên này cho biết thêm là ở Thừa Thiên – Huế, nếu như tại thành phố và một số huyện lị không thuộc diện bãi ngang hoặc huyện miền núi thì nhìn có vẻ giàu có, thịnh vượng, không có gì để bàn... Thì khi nhìn sâu vào những huyện bãi ngang, những xóm chài, xóm lưới, xóm xóc dĩa, xóm đốn củi rừng, xóm nông… Dường như đời sống ở đây còn quá nghèo khổ, cái ăn, cái mặc vẫn là mối lo hằng ngày.
Nhiều gia đình có mức thu nhập thấp đến độ khó tin, cả một ngày quần quật làm việc chỉ kiếm được một trăm ngàn đồng nếu như kiếm được chỗ làm thuê, trường hợp thất nghiệp bám lấy mảnh vườn, đám ruộng để qua ngày thì thu nhập của họ chỉ còn lại co cụm từ mười ngàn đồng cho đến hai mươi ngàn đồng mỗi ngày.
Trong khi đó, nhà cửa họ cũng chưa ổn định, may mắn thì nhà cấp bốn, vẫn còn nhiều người ở các xóm chài dọc theo phá Tam Giang nhà cửa còn che chắn tạm bợ. Nếu nhìn nhà của những gia đình này rồi nhìn sang nhà cửa, biệt thự khang trang các quan chức địa phương, sẽ dễ dàng nhận ra đáp án cho câu hỏi vì sao thanh niên, học sinh Huế phải sớm bỏ học, sớm trốn sang đất nước Lào để làm thuê mặc dù họ không biết gì về đất nước mình sắp trốn sang.
Bạn trẻ này nói thêm rằng thời buổi bây giờ, không ai đến nỗi bị đói thiếu đến độ không có áo quần để mặc, không có gạo để nấu cháo như thời chiến tranh, nhưng khi mà thế giới đã tiến bộ đến đâu rồi, chẵng nhẽ lại ngồi khoanh tay chờ nhà nước xếp mình vào hộ nghèo đói để được vay vài đồng vốn mua bò về nuôi chưa biết lỗ lãi ra sao. Chính vì nghĩ như vậy mà các bạn trẻ mạnh dạn lên đường.
Chính sách cho người nghèo bất minh
Một bạn trẻ khác tên Hòa, sống ở huyện A Lưới, cho biết thêm: “Làm lao động thôi, mình sang đó làm thợ xây, chủ yếu là thợ xây, 75% ở đây trốn sang làm việc bên đó. Ví dụ như ở Việt Nam làm cả ngày nhưng được 200 ngàn đồng, bên Lào thì được 300 ngàn đồng. Cũng có cái để dành. Bây giờ đến đây chỉ gặp toàn bà già và con nít thôi, độ tuổi lao động đi hết rồi…”.
Theo Hòa, chính sách xét cấp hộ người nghèo ở đây không đúng đắn và có vẻ bất minh, chính vì kiểu xét cấp chính sách như vậy đã dẫn đến đời sống vốn khó khăn càng thêm khó khăn bởi sự thất vọng hoặc bất bình của những người không nhận được sự công bằng.
Điển hình là cha của Hòa, ông vốn là một thợ rừng giỏi, một mình đi làm thuê nuôi cả gia đình, mẹ của Hòa bị bệnh gai cột sống nên chẳng thể làm được những việc nặng, chỉ ở nhà làm những việc nội trợ, Hòa đang học lớp 11, bốn đứa em của Hòa có đứa học phổ thông cơ sở, có đứa học mẫu giáo.
Mọi vấn đề về tài chính đều do một tay cha người cha lo lắng, xoay xở. Đời sống của gia đình Hòa không đến nỗi đói nhưng thực sự thiếu trước hụt saiu. Thế nhưng nhiều lần chờ xét cấp hộ nghèo, nhiều lần xin xỏ mà vẫn không được. Chuyện này không riêng gì gia đình Hòa. Vẫn biết hằng năm nhà nước rót tiền cho các hộ nghèo vay vốn làm ăn nhưng các gia đình nghèo ở đây không hề biết đồng vốn đó hình thù gì.
Ngược lại, những gia đình có người làm cán bộ địa phương lại được vay phần vốn hộ nghèo mặc dù họ không hề nghèo. Có người vay về mua trâu bò nuôi lấy lãi, có người vay về để cho vay nặng lãi. Trường hơp bà Hội trưởng Hội Phụ nữ là một ví dụ.
Hiện tại, người nghèo đã nợ bà số tiền lên đến hàng tỉ đồng theo diện vay nặng lãi. Hòa tìm hiểu và biết được toàn bộ số tiền cho người nghèo vay đều bị bà ta thu gom về cho vay nặng lãi, thay vì cho vay lãi suất thấp theo tiêu chuẩn người nghèo. Rất nhiều người bất mãn vì chuyện này nhưng không có đủ bằng chứng để kiện bà ta.
Và chính vì đời sống quá khó khăn, trong khi đó cuộc sống đang ngày càng phát triển, đòi hỏi con người phải có tiền, phải ngước mặt để nhìn tương lai. Mà sự học hành của Hòa quá khổ sở, từ chuyện nộp học phí định kỳ cho đến học thêm. Hòa quyết định nghỉ học, trốn sang đất Lào để tìm tương lai.
Câu chuyện vượt biên tìm tương lai của người Việt Nam ở Nam vĩ tuyến 17 vẫn kéo dài từ 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay, hầu như chưa bao giờ kết thúc. Nếu trước đây người ta nghĩ đến chuyện vượt biển tìm sang các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc thì hiện tại, người ta nghĩ đến chuyện vượt rừng để tìm sang Lào, Campuchia. Tất cả cũng vì cái nghèo và sự bất mãn nào đó!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
(RFA)
No comments:
Post a Comment