Mưa lũ trong
nhiều ngày qua đã cuốn trôi nhiều cây cầu treo ở một số tỉnh miền núi
phía Bắc.
Sau mưa lũ, nhà cửa tan hoang, ruộng vườn xơ xác, tài sản tích cóp bao nhiêu năm trôi theo dòng nước. Cái lạnh, cái đói và nỗi đau mất mát ngấm vào thịt da, ngấm vào tâm hồn khiến cho người dân vùng lũ Tây Bắc trở nên phờ phạc, đau khổ và hoang mang tột độ.
Hơn một tuần vật lộn với nước và đất đá, bùn dẽo, mọi thứ có thể ăn được hầu như không còn, lương thực dự trữ của những nhà không bị lũ cuốn chỉ đủ để cầm hơi, khó bề mà giúp người khác, liên lạc bị đứt. Có thể nói rằng đời sống của người dân vùng lũ hết sức khó khăn, cay nghiệt.
May mà còn chút lương tri
Một người tên Húa, ở xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu, buồn bã chia sẻ:
“Trôi hết nhà cửa, dân thì bị cô lập, giờ nước rút rồi, hôm nay đỡ mưa rồi. Nơi xa đường chính thì đi rất khó khăn. Bản làng xa đường chính lắm, đi thì đi bộ, có nơi xa cách đường chính khoảng 5 đến 6 cây số, có nơi 7 hoặc 8 cây, có nơi 10 cây, có nơi gần thì 2 hoặc 3 cây thôi. Đi bộ đường mòn đó, đường mòn Hồ Chí Minh. Nhờ có đường mòn Hồ Chí Minh mà đỡ đi…”
Theo bà Húa, trận lũ năm nay là trận lũ khủng khiếp nhất trong cuộc đời mà bà từng chứng kiến, nó khác xa với những trận lũ ống, lũ quét trước đây. Lượng đất đá do lở núi mà con nước mang về có thể lấp mất nửa ngôi nhà, thậm chí có nhiều nơi lấp cả một ngôi nhà. Mọi thứ tài sản, trâu bò, lợn gà hầu như bị chôn sống nếu không di chuyển kịp.
Nhưng lũ quét đã kéo qua thì mạng người đó còn chưa chắc giữ nổi thì mấy ai giữ được tài sản. Chính vì vậy, khối lượng tài sản mất mát trong trận lũ ngày 2 tháng 8 kéo dài gần một tuần là khó mà thống kê cho trọn vẹn, số lượng tài sản bị bùn đất chôn và trôi nổi sẽ lớn không thể tả được.
Chỉ riêng gia đình bà, mọi thứ vật dụng hầu như là bỏ đi, tivi, tủ lạnh, quạt điện, xe máy đều bị hỏng. Trong khi đó, sau lũ, hầu như mọi thứ đều tê liệt, những vật dụng trong gia đình nếu không mang ra tiệm xử lý sớm thì bùn đất và nước ngấm dần sẽ gây gỉ sét, không xài được nữa. Hiện tại, vẫn chưa có tiệm điện tử hay xe máy nào hoạt động trở lại vì đồ đạt trong tiệm cũng bị mất, bị ngấm nước, đang xử lý.
Với đà này, chỉ riêng xe máy và vật dụng điện tử, theo bà Húa nhận xét sẽ chẳng còn thứ gì tồn tại. Và số lượng bị mất trong các gia đình Tây Bắc cộng lại sẽ lên đến cả ngàn tỉ đồng. Nhưng những thứ này chẳng ai hỗ trợ nên người dân cũng không bận tâm kê khai mất mát với nhà nước. Vì có kê khai cũng chỉ mang tính hình thức. Kinh nghiệm nhiều năm trước cho thấy vậy. Có thể nói rằng với bà con, đây là lần mất trắng mọi thứ, vì với người thiểu số, chiếc tivi, cái tủ lạnh hay chiếc xe máy là tài sản lớn nhất của mỗi gia đình.
Đó chỉ mới nói về vật dụng, về phần lương thực, có thể nói là quá khủng khiếp, không còn thứ gì để ăn, trẻ em có thể chết đói, người lớn đào bất cứ thứ củ gì thấy được để nướng cầm hơi. Việc nấu nướng cũng hết sức khó khăn bởi nồi niêu xoong chảo cũng bị mất sạch.
Đó là tình hình trong bản Huổi Đanh của bà Húa, những bản khác thì khó khăn cũng chẳng kém gì, hiện tại đường đi lại rất khó khăn. Bà Húa cho biết thêm là hiện tại, có nhiều gia đình đã hai ngày không có gì bỏ trong bụng. Những người còn chút lương thực khác trong bản đã mang đến chia sẻ với họ nhưng không biết là được bao lâu.
Bà con trong bản đang chờ cứu trợ của nhà nước. Bà Húa nói rằng bà vẫn ngày đêm cầu mong chút lương tri còn sót lại của các quan chức, họ bớt ăn nhậu, bớt xài sang mà nghĩ đến thảm cảnh của đồng loại đang đói khổ, đau đớn vì mất tài sản, mất người nơi bản làng sâu hun hút như Huổi Đanh của bà.
Lại chuyện cứu trợ…!
Nếu như ở bản Huổi Đanh, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu vẫn đang mỏi mòn chờ cứu trợ thì ở thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, nơi giao thông không bị tê liệt, câu chuyện cứu trợ đầy khôi hài của mọi năm lại tái diễn. Những thứ hàng hóa lâu năm, không bán được bởi quá hạn sử dụng, lẽ ra phải hủy bỏ, người ta lại mang đi cứu trợ.
Và năm nào cũng giống năm nào, những thứ hàng hóa như kem đánh răng, mì gói, gạo quá hạn sử dụng… thay vì bỏ sọt rác, mang đi hủy, một số công ty lại mang đến vùng thiên tai để cứu trợ, làm từ thiện. Chuyện này gây bức xúc không ít. Ông Hùng, một cư dân thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh, chia sẻ: “Do mưa nhiều không thoát được nước, với lại là hệ thống cống, đập không thoát được. Đồ đạc, người, các thứ thiệt hại nhiều, đồ đạc trôi lềnh bềnh…!”
Theo ông Hùng, vấn đề làm từ thiện và cứu trợ tại Việt Nam thì tỉnh nào cũng giống tỉnh nào và năm nào cũng giống năm nào, vẫn một kịch bản hoặc là sướt mướt tình thương mến thương hoặc là đầy chất nói thách. Đương nhiên vẫn có nhiều nhà hảo tâm thật sự vì đồng loại nhưng con số này rất hiếm.
Giải thích thêm, ông Hùng cho biết là gia đình ông thuộc dạng may mắn, ăn nên làm ra nên không bị ảnh hưởng gì nhiều sau lũ lụt. Mấy ngày nay vợ ông cũng mang gạo lên các tỉnh khác để chia sẻ. Với vợ chồng ông, việc mang gạo đi chia sẻ chưa thể gọi là cứu trợ hay làm từ thiện, vì ý nghĩa của những chữ ấy lớn quá. Ông và vợ ông chỉ nghĩ đơn giản là trong lúc đồng loại, đồng bào không có chén cháo để húp cầm hơi mà gia đình ông lại ăn món sang, thôi thì sẻ bớt phần gạo để biếu, vừa là chia sẻ, vừa là tạ ơn vì có nhiều người đã nghèo, đã nhường phần giàu cho mình.
Ông Hùng cũng nói thêm về vấn đề nói thách trong cứu trợ, ông giấu tên một người đã tuyên bố tặng chiếc RollRoy cho người nghèo và mời họ đến ăn miễn phí tại khách sạn năm sao. Chuyện này, theo ông Hùng là kiểu nói thách, vô tình làm chạm đến nỗi đau của người nghèo, bởi họ không bao giờ có đủ chai lì để đến ăn miễn phí ở khách sạn, nhà hàng năm sao trong lúc bản thân họ lếch thếch, thiếu đói đủ thứ. Đó là tâm lý rất tự nhiên của người nghèo.
Hậu quả của trận lũ còn để lại với bời bời nỗi niềm của người nghèo, người mắc phải thiên tai. Những tiếng thở dài từ các căn nhà xiêu đổ vẫn đang nấc lên từng hồi, kêu gọi bi tâm của cộng đồng và mong rằng cộng đồng hãy mở rộng vòng tay để chia sẻ đồng loại. Nỗi đau của đồng bào vùng lũ vẫn còn đó, nỗi mong chờ từng bữa cơm ấm của đồng loại và sự ân cần, tử tế từ nhà cầm quyền vẫn đang là nỗi mong chờ khắc khoải của người dân vùng lũ.
Hy vọng rằng nhà cầm quyền địa phương và nhà nước có đủ tử tế để kịp thời giúp bà con vùng lũ!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam (RFA)
No comments:
Post a Comment