Monday, August 10, 2015

Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ


Blogger Nguyễn Tường Thụy ghi lại từ trang mạng của cơ quan tuyên giáo của đảng cộng sản Việt nam rằng hiện ở Việt nam có 158 tượng chủ tịch Hồ Chí Minh, và từ đây cho đến năm 2030 chính phủ Việt nam sẽ cho xây cất thêm 58 tượng ông Hồ Chí Minh nữa.

Tượng đầu tiên trong số 58 tượng này chính là nằm trong công trình quảng trường của tỉnh Sơn La với kinh phí dự trù là 1.400 tỉ đồng.
Thông tin về bức tượng tốn kém này làm nổ tung truyền thông Việt nam, không chỉ từ giới blogger độc lập mà cả từ truyền thông chính thống của nhà nước.
Câu bình luận đầy giận dữ của giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu được loan truyền trên không gian blog theo tốc độ của ánh sáng:
“Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.
Tác giả Bạch Cúc cũng chia sẻ sự phẫn nộ trên trang Bauxite Việt Nam:
Tôi không hiểu tại sao đến giờ phút này người ta vẫn còn có thể trâng tráo và tàn nhẫn trên nỗi thống khổ của đồng bào mình đến vậy? Thay vì phung phí tiền thuế của dân để xây dựng những tượng đài xa hoa vô tích sự, thì sao người ta không xây dựng trường học, bệnh viện, triển khai những chính sách giúp dân an cư lập nghiệp, giảm thiểu số người buôn bán gánh bưng; người già, người khuyết tật đơn độc được vào nhà an dưỡng chứ không phải là lê la ngoài đường mưu sinh vất vả với xấp vé số!
Tác giả Võ Xuân Sơn viết trên trang của mình với một giọng văn gần như ngơ ngác, ông hỏi rằng tại sao chuyện món nợ công khổng lồ đang treo lơ lững trên đầu quốc gia, bao nhiêu người dân đang sống dưới mức nghèo khổ, ăn cơm không thịt,… mà người ta lại bỏ 14 ngàn tỉ để xây tượng đài?
Theo blogger Nguyễn Tường Thụy thì nếu so sánh với số tiền mà nhóm NO-U, một nhóm dân sự độc lập tại Việt nam, dùng để xây dựng lớp học cho trẻ em nghèo trên vùng núi tỉnh Yên Bái thì số vốn mà tỉnh Sơn La dùng để xây tượng ông Hồ Chí Minh có thể dùng để xây được 14 nghìn lớp học như thế.
Blogger nhà văn Phạm Đình Trọng viết bài Hãy dừng ngay những tượng đài tham nhũng. Sau khi liệt kê những công trình tượng đài tiền tỉ khác đã làm xong như Bà mẹ Việt nam anh hùng tại Quảng Nam, Văn miếu khổng tử tại Vĩnh phúc,… Ông viết:
Chính quyền với những cá nhân từ cấp thấp đến cấp cao dấm dúi tham nhũng, không ai bảo được ai, không ai trị được ai. Đến nay chính quyền tham nhũng đó đã tiến tới tập thể công khai tham nhũng bằng việc ném hàng trăm, hàng ngàn tỉ tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân vào những công trình không những vô bổ mà còn phản văn hóa nhân loại, phản đạo lí dân tộc, phản cả sự trung thực của lịch sử đất nước. Tiền đầu tư công trình càng lớn thì tiền lại quả để những người có chức, có quyền chia nhau càng lớn.
Nói về câu tuyên bố của giáo sư Ngô Bảo Châu, blogger Cánh Cò viết rằng ông đã tìm ra một loại hệ thống thần kinh mới mang tên Thần kinh khốn nạn.
Người đặt bút ký quyết định cho tỉnh Sơn La xây dựng bức tượng tiền tỉ của ông Hồ Chí Minh là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Cánh Cò bình luận về ông Đam dựa trên câu nói của giáo sư Ngô Bảo Châu:
Rõ ràng là GS Châu chơi chữ. Không thể nào một ông Phó Thủ tướng lại mắc bệnh thần kinh, có nghĩa là tâm thần không bình thường, ký những quyết định đi ngược lại với nhân văn, với đạo lý dân tộc. Ông chỉ có thể "khốn nạn" trong ý thức. Ông không xem trẻ em lê lết trong các mái trường không thua chuồng trại súc vật đầy dẫy tại các tỉnh biên giới mà Sơn La là một điển hình của sự nghèo túng cùng cực. Ông không hề nghĩ tới hàng chục ngàn hộ thiếu ăn quanh năm và đối với họ chỉ cần đủ ăn đã là hạnh phúc. Đối với họ Hồ Chí Minh chỉ là một cục đá được đẽo gọt chỉ để đứng nhìn sự thống khổ, kiệt quệ của họ, những người quanh năm không biết tới một mẩu thịt là gì.
Cánh Cò cho rằng loại thần kinh này đã nằm trong cơ cấu di truyền của hệ thống cộng sản, và những người cộng sản có loại thần kinh này tưởng tượng ra rằng người dân đang đói rách có thể ngắm tượng ông Hồ Chí Minh, người được tuyên truyền là cha già dân tộc, để thay cơm.

Còn một chút này
Cánh Cò kết luận rằng dự án bức tượng ngàn tỉ này không phải chỉ là sự lãng phí mà còn là sự phá hoại, phá hoại những tình cảm cuối cùng của người dân miền núi chất phác dành cho ông Hồ Chí Minh.
Những tình cảm đó được blogger Hiệu Minh ghi nhận như sau:
Hình ảnh cụ Hồ trong phần đông dân chúng là một người giản dị, sống có đạo đức và chẳng có chút gì cho riêng mình. Dù là tuyên truyền thì hãy để hình ảnh đẹp ấy sống mãi trong trái tim thế hệ sau.
Những người hay rao giảng trên bục về đạo đức Hồ Chí Minh không tham ô, trộm cắp, độc ác với đồng chí, thì Hồ Chí Minh sẽ muôn đời sống mãi mà không cần đến tượng đài và đền chùa, hao phí tiền bạc của người nghèo, hay những câu khẩu hiệu giăng đầy giữa phố đông người.
Nhưng có những người không đồng ý với hình ảnh một ông Hồ Chí Minh giản dị. Họ cho rằng ông chẳng giản di chút nào vì thuở sinh thời ông cũng đã để cho mọi người ca ngợi ông hết lời, dán hình ảnh ông khắp nơi, và thậm chí là ông viết sách ca ngợi chính ông nữa.
Trên blog của nhà văn Đào Hiếu, một tác giả khác viết một cách mỉa mai về cái gọi là tình cảm của đồng bào nghèo miền núi tỉnh Sơn La đối với việc xây tượng đài ông Hồ Chí Minh:
Thấy bảo bà con trên đó mong lắm. Mong ngày mong đêm, muốn có cấy tượng đài rõ hoành tráng, với tượng Bác Hồ cao to lồng lộng, để dân khắp tỉnh cứ mỗi cuối tuần thì kéo nhau đến, đem mỳ luộc, bắp nướng ra ăn rồi ngắm cho thỏa nỗi ước ao. Có mưa to, gió lớn, lũ ống lũ quét chi cũng hổng quản. Nhà cửa tạm bợ, trường lớp xụp xụp cũng không răng. Trẻ em cởi truồng đến coi cũng cứ thích. Vì rứa nên bà con mới kiến nghị với đảng bộ và chính quyền trên đó lâu rồi. Đòng chí bí thơ hay chủ tịch tỉnh đó nói rứa. Nguyện vọng bà con, chớ có phải các đòng chí lãnh đạo phịa ra mô.
Những dòng chữ mỉa mai này dường như là để trả lời cho một tuyên bố của một vị phó chủ tịch phó chủ tịch hiệp hội qui hoạch và phát triển đô thị Việt nam, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm. Ông Nghiêm nói rằng không thể nói rằng vì đói nên phải mua cơm trước, và tượng đài sẽ là động lực cho sự phát triển (sic.)
Cũng phải ghi nhận rằng có người cũng ủng hộ câu nói của ông Nghiêm, họ nói rằng tượng đài sẽ thu hút khách du lịch đến để tham quan thắng cảnh.

Cuộc chiến tuyên truyền
Blogger Người buôn gió lại nhìn nhận câu chuyện dựng tượng ông Hồ Chí Minh ở Tây bắc từ một góc độ khác. Theo ông Tây bắc vốn là nơi có sự đa dạng về sắc tộc và tính ngưỡng, đồng thời cũng là nơi mà Tinh lành và Thiên chúa giáo phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, và điều này đã làm cho những người cộng sản lo sợ, và hình tượng ông Hồ Chí Minh được đưa vào vùng này như là một vũ khí tinh thần chống lại tôn giáo và tín ngưỡng,… Tuy nhiên Người Buôn gió nhận xét:
Không có ý xúc phạm vong linh của ông HCM. Nhưng sự thực là ở nơi nào tượng đài của ông xuất hiện, hình ảnh của ông được quảng bá, tư tưởng của ông được truyền tụng ca ngợi. Ở đó đạo đức đều băng hoại. Đây hoàn toàn không phải lỗi của ông. Mà do những kẻ lợi dụng biến ông thành một phương tiên chiến tranh tôn giáo, tín ngưỡng. Biến ông thành công cụ, vũ khí để xâm lược tư tưởng. Để đè bẹp, lấn át tôn giáo khác trong tâm trí người dân. Nhằm mục đích làm bền vững sự cai trj của mình bằng thủ đoạn.
Nhưng mấy ai nhìn thấy tượng đài HCM là công cụ, vũ khí của ĐCSVN dựng lên để làm biến dạng bản sắc dân tộc của người miền núi.
Điều đó còn đáng phẫn nộ hơn. Sự huỷ hoại văn hoá, xâm chiếm tín ngưỡng, tôn giáo sẽ làm băng hoại nền tảng đạo đức con người. Khi đã mất đi bản sắc truyền thống, thay thế vào đó bằng một hình tượng nhất thời, cả dân tộc ấy sẽ chả còn gì là con người nữa. 1400 tỷ là con số lớn, nó sẽ còn lớn hơn nữa khi hàng năm phải vặn óc ra tổ chức những sự kiện để nhồi nhét hình tượng HCM tiếp tục vào đầu dân tộc Tây bắc qua cái sân khấu khu tượng đài này.
Người buôn gió hỏi rằng cần bao nhiều tiền để sau này khôi phục bản sắc văn hóa của người miền núi Tây bắc?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng thấy rằng chiến dịch xây tượng đài ông Hồ Chí Minh là một phần của cuộc chiến tranh tuyên truyền của đảng cộng sản, nhưng nhận xét của ông có phần mềm mỏng hơn:
Tôi nghĩ tượng đài là một phương tiện tuyên truyền. Trong một thể chế toàn trị, người đứng đầu đảng hay Nhà nước (hay nói chung là lãnh tụ) là hiện thân của chế độ; yêu thương lãnh tụ cũng là yêu thương chế độ toàn trị. Để làm cho quần chúng yêu thương lãnh tụ, cần phải kiểm soát trái tim và đầu óc của họ. Việc kiểm soát phải qua bộ máy tuyên truyền. Mà, một phương tiện tuyên truyền hữu hiệu là kích thích thị giác, làm cho đám đông nhất trí với lí tưởng của nhà cầm quyền. Do đó, xây tượng đài lãnh tụ là một chiến lược rất “nhân văn” để kiểm soát tâm và trí của quần chúng.
Ông cũng nhận xét rằng không chỉ các quốc gia cộng sản mà các quốc gia độc tài tân thời cũng ham thích tượng đài lãnh tụ như là Irak thời ông Saddam, rồi các quốc gia Trung Phi hay Trung Á. Giáo sư Tuấn so sánh với sự tuyên truyền cho các nhà chính trị ở các quốc gia tư bản, và ông thấy rằng họ cũng có xây tượng đài nhưng ít tốn kém, và cái chính là họ cần sự thuyết phục chứ không phải kiểm soát tâm trí của dân chúng.
Giáo sư Tuấn còn có một nhận xét là nhiều bức tượng anh hùng dân tộc ngày xưa được xây dựng dưới thời Việt nam cộng hòa trước năm 1975 đã được thay thế bằng ông Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông. Nhưng điều quan trọng nhất về các tượng đài xã hội chủ nghĩa là tính chất vô hồn của nó:
Các nhân vật trong tượng đài XHCN thì thường được cho mập ú (không giống người Việt), lực lưỡng (như ông Tây), tay lúc nào cũng giơ cao, có khi tay cầm búa hoặc lưỡi liềm (rất ghê), có khi tay nắm lại như sắp đánh lộn, có khi tay mang súng trông rất hung dữ như sắp bắn ai, mặt thì lúc nào cũng vênh váo, v.v. Tóm lại, những bức tượng đó chẳng giống thần thái của người Việt chút nào cả.
Ông viết thêm là cái cánh tay giơ lên của ông Hồ Chí Minh ở Việt nam không khác gì cả cánh tay ông Mao Trạch Đông bên Trung quốc, hay ông Kim Nhật Thành bên Bắc Triều tiên.

Sắc sắc không không
Không rõ là cuộc chiến tuyên truyền bằng tượng đài của đảng cộng sản Việt nam, hay Trung quốc, hay Bắc Triều tiên có thành hay không, nhưng nhiều tượng đài lãnh tụ cộng sản đã bị kéo sập sau khi chủ nghĩa này bị thất bại ở châu Âu.
Blogger Kinh Thư viết rằng:
Những tượng đài to lớn hoành tráng xa xỉ được xây dựng nhiều chừng nào thì cái tư duy lụn bại và dấu hiệu nhũng lạm ngày càng phình to không thể che dấu được chừng đó.
Cứ để thế đi, phản bác làm gì. càng nhiều tượng đài chừng nào, thì thể chế đó càng mau xuống hố chừng đó. Khỏi nhọc công
.

Một tác giả lại so sánh cảnh hỗn loạn xây đền chùa thời Phật giáo mạt kỳ, và cảnh người cộng sản xây dựng tượng ông Hồ Chí Minh bằng hai khái niệm Vô tướng của đạo Phật và Hữu tướng của chủ nghĩa cộng sản:
Chùa nhiều, Phật lớn, không sư đạo
Đảng mạnh, Bác to, chẳng đảng viên
Một người khác thì mượn câu nói của người xưa để cảnh báo:
Trăm năm bia đá cũng mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!

RFA

1 comment:

  1. cũng cần có nhiều tượng ông hồ để nhắc nhở cháu con là VN ta có một con người như thế

    ReplyDelete