Sunday, October 18, 2015

" Việt Nam phải nhìn thẳng vào thực tế đang thua Lào, Campuchia "


Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam cần thẳng thắn nhìn vào thực tế đang thua Lào, Campuchia về năng lực cạnh tranh, và phải cố gắng khắc phục những điểm yếu để doanh nghiệp Việt có thể phát triển.

Theo các chỉ số thống kê xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, Việt Nam và các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với nguy cơ bị Lào và Campuchia vượt qua về cả năng lực cạnh tranh, khả năng vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, và trình độ sản xuất.  Trước thềm hội nhập, Việt Nam đang gặp phải những vấn đề rất đáng lo ngại như đầu tư đào tạo nhân viên yếu; khả năng ứng dụng công nghệ mới và hấp thu công nghệ yếu; trình độ marketing  đều bị xếp sau Lào và Campuchia, chỉ hơn mỗi Myanmar. Trong khi đó, Lào và Campuchia đang có những bước cải thiện mạnh mẽ trong mấy năm qua và hơn hẳn Việt Nam về sự năng động của doanh nghiệp. Liên quan đến những đánh giá này của WB và WEF, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
WB và WEF vừa đưa ra đánh giá Việt Nam thua kém Lào và Campuchia về năng lực cạnh tranh, trình độ sản xuất. Bà có nhận định gì về đánh giá này và theo bà, mức độ uy tín của những con số này ra sao?
Tôi nghĩ chúng ta nên tin tưởng trong những nguyên tắc, tiêu chí chung trong con số thống kê của họ. Đây là những tổ chức lớn, có uy tín cao trên thế giới và thông tin họ đưa ra là khách quan.  
Thông thường, khi người ta nói tốt về mình thì chúng ta lạc quan chấp nhận ngay, nhưng khi có những con số thống kê tiêu cực về chúng ta thì lại băn khoăn nghi ngại về tính khách quan thì không nên.
Tuy nhiên, những chỉ số chung của họ đưa ra rất đúng trên thế giới nhưng không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác với một số quốc gia mà chưa hoàn thiện về kinh tế thị trường như Việt Nam. Đôi khi những con số thống kê cũng không phản ánh hết được thực trạng của nền kinh tế.
Ví dụ như chỉ số tín dụng, Việt Nam được xếp hạng rất cao trong khi tín dụng lại là một trong những khó khăn rất lớn của Việt Nam. Hoặc việc đăng kí kinh doanh ở Việt Nam hiên nay cực kì thuận lợi nhưng các con số thống kê quốc tế lại đánh giá chúng ta rất thấp ở vấn đề này.
Việc Việt Nam bị Lào, Campuchia vượt qua về nhiều lĩnh vực không phải bây giờ mới nói, mà nguy cơ này đã được đề cập từ rất lâu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không khắc phục được. 
Doanh nghiệp Lào và Campuchia vượt qua Việt Nam về trình độ sản xuất lẫn chỉ số năng lực cạnh tranh cho thấy những nỗ lực của họ trong suốt thời gian qua đều có hiệu quả và rất đáng ghi nhận.
Theo bà, cụ thể là doanh nghiệp Việt Nam đang yếu kém những mặt gì so với nước bạn? 
Những điều này thì báo chí cũng đã dẫn ra khá nhiều. Nhiều dấu hiệu như tăng trưởng nền kinh tế, thu hút FDI, công nghiệp ô tô, thậm chí nông nghiệp như lúa gạo... cho thấy Việt Nam đang thua kém Campuchia.
Nhất là, công nghiệp ô tô Việt Nam bắt đầu làm trước Campuchia nhưng hiện nay họ có ô tô, mình chưa có và chưa biết đến khi nào mới có. Còn lúa gạo đúng là thế mạnh của mình, nhưng mình cũng đang thua họ.
WB đã công bố dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Campuchia, cho rằng Campuchia trong năm 2014 sẽ có mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á trong khi Việt Nam được đánh giá là "sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5%".
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, năm 2013, trong số các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được khảo sát có đến 54% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt là Campuchia và Lào - đất nước trước đây chưa từng được coi là "đối thủ" cạnh tranh về vốn đầu tư FDI đối với Việt Nam thay vì con số 32% như thời điểm năm 2011, năm 2012.
Môi trường kinh doanh, bộ máy hành chính của họ tốt hơn chúng ta nhiều nên việc vận hành nền kinh tế cũng không nặng nề, chậm chạp.
Viet Nam thua kem Lao va Campuchia
Phạm Chi Lan: "Việt Nam cần phải nhìn thẳng vào thực tế đang thua
Lào, Campuchia..."
Vậy đâu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự tụt hậu của Việt Nam, thưa bà?
Về quy mô kinh tế thì không phải lo chuyện Lào với Campuchia có thể vượt qua được Việt Nam, đây là điều cực kì khó khăn. Quy mô kinh tế của Lào và Campuchia đều rất nhỏ. 
Tuy nhiên, cạnh tranh kinh tế trong thời đại ngày nay không đơn giản chỉ là quy mô kinh tế, mà tính nhiều hơn về chất lượng. Chất lượng tăng trưởng, chất lượng của doanh nghiệp, tính cạnh tranh của doanh nghiệp…
Lào và Campuchia chắc chắn sẽ không thể hoạt động theo cách của Việt Nam, là làm rất nhiều ngành với quy mô hoành tráng. Họ tập trung vào một số ít ngành có thế mạnh thì chất lượng hoạt động của doanh nghiệp họ tốt hơn Việt Nam là điều không phải là khó. Theo đó, về năng lực cạnh tranh họ hoàn toàn có thể vượt Việt Nam.
Năng lực cạnh tranh không phụ thuộc quá nhiều về quy mô kinh tế, quan trọng quy mô đó có phù hợp với họ hay không, doanh nghiệp của họ có điều kiện hoạt động hiệu quả hay không. Ví dụ như các nước như Singapore hay một số nước Bắc Âu, xét về quy mô kinh tế không lớn nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh của họ luôn được xếp vào top đầu.
Các tổ chức đánh giá theo bối cảnh của nền kinh tế ở giai đoạn trước. Bối cảnh kinh tế lúc đó đang rất nhiều khó khăn, mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, có tới 69% doanh nghiệp làm ăn không có lãi. Đó là bước lùi nhất định trong mặt bằng doanh nghiệp Việt Nam thời gian vừa qua nên con số thống kê đã phản ánh tình hình doanh nghiệp trong giai đoạn này,
Trong khi đó, Lào và Cam-pu-chia đều được đánh giá cao hơn trên các bảng xếp hạng. Mức tăng trưởng GDP của Lào và Campuchia tăng nhanh hơn Việt Nam. Lào và Campuchia trong vài năm gần đây cũng có nhiều cải cách kinh tế theo hướng thị trường nên thu hút được khá nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Khu vực tư nhân nước họ cũng có những chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, những con số thống kê về doanh nghiệp tư nhân ở đây cũng không phản ánh hết được đâu là khu vực tư nhân tiên tiến hơn, mạnh hơn như ở khối FDI và đâu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác trong nước.
Sự tăng trưởng của Lào và Campuchia bên cạnh những cải cách trong nước thì nguồn vốn FDI cũng giúp họ đạt được nhiều tăng trưởng. Bên cạnh đó, song song với cải cách kinh tế thì một điều cũng khá quan trọng là bộ máy hành chính của Lào và Campuchia đơn giản hơn chứ không cồng kềnh như ở Việt Nam.
Thống kê cho thấy, Việt Nam đang là quốc gia có chi phí thời gian chờ và nộp thuế cao nhất trong khu vực. Báo cáo của World Bank cho thấy, trong nhiều năm liền số giờ trung bình cho một doanh nghiệp nộp hồ sơ thuế và đóng được thuế là 872 giờ, gấp hơn 10 lần so với Singapore, gấp 2,5 lần so với Lào và hơn 5 lần so với Campuchia. 
Môi trường kinh doanh ở Lào và Campuchia được đánh giá tốt hơn, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở nước ngoài đã thu được rất nhiều thành công. 
Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh rất nhiều vì đây là khâu đang rất yếu. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh doanh, trở nên tốt hơn, xếp vị trí cao hơn trong khu vực.
Theo bà, chúng ta cần phải làm gì khắc phục tình trạng tụt hậu so với các nước trong khu vực?
Việt Nam cần thẳng thắn nhìn vào những điểm yếu để khắc phục. Ví dụ như cải cách bộ máy hành chính bớt cồng kềnh, giải quyết công việc nhanh gọn hơn. Việt Nam bị phàn nàn là có số giờ nộp thuế thuộc loại cao nhất thế giới thì cần phải giảm đi sự lãng phí thời gian và tiền bạc trong những khâu thủ tục thế này.
Năng lực đổi mới sáng tạo cũng là một cái chốt cực kỳ quan trọng. Việt Nam đang thua Lào về độ chuyên sâu trong hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là điều cần phải chú ý thay đổi, có sự chung tay của nhiều nhà khoa học, Bộ khoa học cùng với các Bộ ngành khác, có chính sách khuyến khích sáng tạo.
Trục then chốt nhất để thay đổi chỉ số cạnh tranh của doanh nghiệp chính là Nhà nước và doanh nghiệp, phải tích cực thay đổi từ cả hai phía. Nhà nước ban hành các chính sách khuyến khích, cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh…
Còn phía Nhà nước phải tích cực cải thiện môi trường kinh doanh vì doanh nghiệp có phát triển được hay không phụ thuộc rất lớn vào môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp Việt hoạt động trong môi trường không thuận lợi như các nước xung quanh thì cũng là nguyên nhân làm giảm đi sự cạnh tranh của họ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận lại mình, không thể cứ đổ lỗi cho Nhà nước hay môi trường kinh doanh làm cho mình kém phát triển. Yếu kém của doanh nghiệp hiện nay là công nghệ, nguồn vốn, năng lực quản trị… kết hợp với những khó khăn khách quan như môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính rườm ra khiến họ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này. Khắc phục được những điểm trên thì doanh nghiệp Việt sẽ phát triển.
Xin cảm ơn bà!
Trí Lâm (Một Thế Giới)

No comments:

Post a Comment