Friday, November 6, 2015
Công an đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình chống Tập Cận Bình
Những cuộc biểu tình chống chuyến viếng thăm Việt Nam của chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 5 tháng 11 bị đàn áp, ngăn chặn.
Đàn áp ở Sài Gòn
Thông tin kêu cứu được những người ở Sài Gòn tham gia biểu tình chống chuyến thăm của Tập Cận Bình được đưa lên facebook ngay sau khi có tình trạng đánh đập, bắt người.
Vào lúc 10:20 phút sáng ngày 5 tháng 11, một chị thoát được sự vây ráp, đánh đập của lực lượng chức năng cho biết tình hình quanh Hồ Con Rùa ở Sài Gòn vào lúc đó như sau:
“ Họ đề nghị mọi người phải giải tán không gây ùn tắc giao thông nhưng những người đứng dưới lòng đường là công an, dân phòng; còn tất cả mọi người biểu tình ôn hòa đều đứng trên lề. Trước đó công an vây người biểu tình rất nhiều. Chưa bao giờ Sài Gòn đàn áp dã man như hôm nay: đánh phụ nữ gục tại chỗ. Hôm nay có nhiều anh em mới, những bạn trẻ mới xuống đường hôm nay. Mỗi xe chở khoảng 3-4 người, họ quăng lên xe như quăn gheo vậy đó rồi chở đi đâu chưa biết. Tôi cũng bị vây bắt nhưng chạy thoát được.”
Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, chúng tôi liên lạc được với anh Phạm Ngọc An đang bị giữ tại Công an Phường 6, Quận 3 và được anh này thông tin:
“ Cuộc biểu tình bị họ quây ở Hồ Con Rùa. Sau khi họ quây chúng tôi lại, một thời gian sau họ cho cảnh sát giao thông đến bắt loa yêu cầu chúng tôi giải tán. Sau đó họ đàn áp, bắt chúng tôi về đồn. Hiện nay có 9 người chúng tôi trong phường 6, quận 3. Và trước tiên khi mới vào họ bắt anh Hoàng Dũng đi làm việc riêng từ lúc đó đến giờ. Trong số chúng tôi họ bắt lầm một an ninh của thành phố, người này bị đánh chảy máu tay.
Cuộc biểu tình ngày hôm qua họ không chủ trương bắt người, họ để chúng tôi biểu tình từ đầu đến cuối. Chỉ có việc họ bắt Uyển Nghi là vợ của anh Hoàng Dũng vì chuyện gì đó chúng tôi không rõ nhưng chắc không phải vì biểu tình vì cô này không đi biểu tình. Còn hôm nay họ để chúng tôi làm từ đầu nhưng ‘giới hạn’ không để cho chúng tôi làm trọn vẹn. Cuối cùng họ chủ trương bắt. An ninh có đánh như bản thân tôi họ đạp vô mặt chảy máu mồm, đứt áo của tôi.”
Bắt lên xe buýt ở Hà Nội
Tại Hà Nội, những người biểu tình cũng tập trung và tiến hành biểu tình tại khu vực trước Đại sứ quán Trung Quốc; thế nhưng sau khi cuộc biểu tình nổ ra thì xe buýt của cơ quan chức năng đến và dồn nhiều người biểu tình lên xe.
Một phụ nữ chạy theo xe buýt khi đến trụ sở Công an thành phố Hà Nội cho biết lại:
“ Sáng nay mọi người đến lúc khoảng 9 giờ, tập trung tại quán cà phê đối diện với Đại sứ quán Trung Quốc. Công an chìm nổi khắp mọi nơi rất đông; đông phải gấp 20 lần số người định tham gia biểu tình. Anh em ngồi uống cà phê đến khoảng 10 giờ thì có vài ba chục người bắt đầu giơ băng rôn, biểu ngữ và đi dọc vườn hoa đối diện Đại sứ quán dọc đường Điện Biên Phủ. Đi được khoảng 50 mét thì bị dồn lại thì người ta quay lại; tức đi từ đầu này đến đầu kia. Được 2 vòng như vậy thì có 1 xe buýt do bên an ninh trờ tới, mở cửa sẵn; sau đó lùa hết anh em cầm băng rôn, biểu ngữ lên xe. Cuộc biểu tình ngắn thôi nhưng rất khí thế, rất hiên ngang!”
Blogger Nguyễn Hữu Vinh khi đang bị bắt đưa đi trên xe buýt thuật lại vụ việc:
“ Sáng nay có một số người tập trung trước vườn hoa đối diện Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình. Khi chúng tôi ở đó thì bị lùa lên xe và đang đi trên đường. Chúng tôi biết họ chở về số 6 Quang Trung, Hà Đông là trụ sở Công an Hà Nội. Chúng tôi không biết vì lý do gì mà chúng tôi phải đi về trên chiếc xe buýt này.”
Ý kiến người tham gia
Những người tham gia các cuộc biểu tình chống chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cho rằng việc họ xuống đường để thể hiện chính kiến là điều được Hiến pháp Việt Nam cho phép. Còn biện pháp đàn áp, trấn áp, ngăn chặn từ phía cơ 1uan chức năng cho thấy rõ thái độ của chính quyền Việt Nam hiện nay đối với Trung Quốc dù rằng Bắc Kinh đang có những hành động lấn lướt, xâm phạm lãnh hải của Việt Nam một cách công khai, bắn giết, đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam một cách trắng trợn.
Chị phụ nữ tại Hà Nội bày tỏ ý kiến:
“ Tôi thấy rất buồn và tôi phát biểu ngay hiện tượng gần như theo tôi nghĩ Hán Nô đã cài răng lược khắp mọi nơi, mọi ngỏ ngách trên đất nước Việt Nam này rồi. Nếu tình trạng như thế này thì việc Việt Nam trở thành một khu tự trị của Trung Quốc sẽ trong một ngày rất gần thôi. Đó là quan điểm, nhìn nhận của cá nhân tôi. Thực tế tôi cảm thấy rất bế tắc.”
Anh Phạm Ngọc An cũng nêu lên quan điểm khi đang còn bị giữ tại công an phường 6, quận 3:
“ Khi giặc Tàu xâm lược nước Việt Nam, bản thân tôi là một người dân và là một người con của nước Việt, chúng tôi được quyền thể hiện chính kiến của mình mà điều 69, Hiến Pháp Việt Nam 1992 đã công nhận quyền biểu tình hợp pháp của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện chính kiến của mình bằng cách biểu tình, xuống đường, viết những bài trên các báo lề dân. Đó là quyền hợp pháp và cũng là truyền thống ngàn đời chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.”
Blogger Nguyễn Hữu Vinh nêu rõ đánh giá của ông đối với lực lượng trấn áp người biểu tình yêu nước:
“ Dù là hiện tượng nào, dù là biện pháp nào, dù cách gây khó khăn nào đối với những người thể hiện ý chí yêu nước của mình thì đó là hành động tiếp tay cho hành động xâm lược của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đối với lãnh thổ và đất nước chúng ta. Dù bất cứ hình thức thế nào gây khó khăn và cản trở những việc như vậy, chưa nói đến chuyện bị đàn áp, bắt bớ, sách nhiễu…”
Ngoài việc biểu tình, trong thời gian qua nhiều nhóm công dân có lời kêu gọi cũng như kiến nghị gửi đến quốc hội, các vị lãnh đạo Việt Nam yêu cầu phải khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa khi gặp người đứng đầu chính phủ và đảng cộng sản Trung Quốc là ông Tập Cận Bình khi đến Hà Nội cũng như khi phát biểu trước quốc hội Việt Nam vào ngày 6 tháng 11 này.
Tuy nhiên theo người phụ nữ tại Hà Nội thì chị không trông mong gì ở quốc hội và lãnh đạo chính quyền Hà Nội hiện nay bởi lẽ lâu nay họ chưa hề thực thi nguyện vọng chính đáng của người dân.
RFA
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment