Saturday, November 7, 2015

Khách của đảng và khách của dân

Nhìn những tấm hình chụp nhân chuyến ghé thăm VN của ông Tập Cận Bình, tôi thấy thật là tương phản với những hình chụp nhân dịp ông Bill Clinton ghé thăm VN mấy năm trước. Một người chỉ tiếp xúc với quan chức của đảng; còn một người thì ngoài tiếp xúc quan chức, còn dành thì giờ để gặp gỡ thường dân trên đường phố. Nhưng qua đó mới thấy thiện cảm của người dân dành cho ai ...

Chúng ta biết rằng trong chuyến viếng thăm VN năm 2000, Bill Clinton có dịp nói chuyện với sinh viên ở ĐH Quốc Gia Hà Nội, nhưng sự việc không êm xuôi như trên báo viết. Một giảng viên ngoài Hà Nội cho tôi biết rằng nhiều sinh viên đoàn viên và đảng viên đã được an ninh dặn trước là cố tình lờ đi và xem thường phát biểu của Clinton bằng cách giở báo ra đọc, vỗ tay chiếu lệ hoặc không vỗ tay, thậm chí gây ồn ào trong lúc ông Clinton nói! Một kiểu tiếp khách ... rất mất dạy. Thật vậy, trong cuốn "Bên thắng cuộc", Huy Đức cũng kể rằng một tướng công an đã xuống chỉ đạo cho ban giám hiệu khi nào đứng và khi nào vỗ tay. Còn ông Phan Văn Khải khi tiếp Clinton cũng không cười, vì lí do đơn giản là "Bộ chính trị đã thống nhất là không được cười" (lời ông Khải). Nói chung người ta cố gắng dựng nên một kịch bản nhằm hạ nhục Clinton. Clinton chắc chắn biết và thấy rõ, nhưng có lẽ vì lòng cao thượng, nên không chấp hành vi của những con người lùn tâm và nhỏ mọn. Chưa biết lần này giới lãnh đạo đảng tiếp Tập Cận Bình có như những người tiền nhiệm tiếp Clinton hay không. Nhìn hình thì thấy các vị ấy cười tươi, mặt rạng rỡ, đưa tay bắt tay họ Tập. Hi vọng rằng khi họ Tập nói chuyện trong Quốc Hội thì không có đại biểu nào ngủ gục hay làm ồn ào. Với cái củ cà rốt 157 triệu USD (hay 1 tỉ nhân dân tệ), thì kịch bản cho đồng chí Tập thì phải trang trọng hơn kịch bản cho "cao bồi" Bill chứ. Nhưng qua đó, chúng ta cũng biết được trái tim của họ (những người ở vị trí chóp bu đang điều hành đất nước) đặt ở đâu. Rõ ràng trái tim của họ không có cùng nhịp đập với người dân. Chuyến đi của Bill Clinton được dân Hà thành đón tiếp nồng nhiệt. Nên nhớ là Clinton và phái đoàn đến Hà Nội lúc 11 giờ đêm, vậy mà vẫn có hàng ngàn người dân tự nguyện đứng chờ hai bên đường trong thời tiết lạnh lẽo để chào mừng ông đến Hà Nội. Có thể nói là khi Bill đi đến đâu, dù là văn miếu hay trên phố, là dân chúng theo để bắt tay, để được chụp hình chung. Nhìn tấm hình Clinton bắt tay người dân ở Hà Nội (và Sài Gòn), bà Clinton và con gái đi chợ Bến Thành, và hai thanh niên ở cửa sổ thật là khác với tấm hình Tập bắt tay các quan chức. Bill thì có vẻ thành thật với người dân, còn Tập thì tỏ ra giả vờ, đóng kịch với quan chức VN. Tập và phu nhân của ông chắc không dám xuống đường bắt tay dân Việt, bởi vì ông thừa biết rằng hơn 70% dân Việt không ưa Tàu cộng. Rõ ràng Tập Cận Bình là khách của đảng, còn Bill Clinton là khách quí của dân.

Vấn đề lễ tân và li rượu vang
Nhìn bức hình ngài tổng bí thư VN và Tàu cầm li rượu đỏ, tôi phải nói là thất vọng cho "phe ta". Ông Nguyễn Phú Trọng cầm li rượu vang ... sai cách, nhưng ông Tập Cận Bình biết cầm li rượu đỏ đúng cách. Chỉ một chi tiết nhỏ như thế cũng tiết lộ cái văn hoá giao tiếp ở giới thượng lưu của phe ta còn kém tinh tế hơn Tàu một bậc.
Uống rượu vang là một văn hoá. Hồi tôi đi học về rượu vang, người thầy lúc nào cũng nói câu đó. Hai trong những nét văn hoá uống rượu vang là cách chọn li và cách cầm li. Li rượu vang đỏ phải là li có chân hơi dài, và phía trên có hình bầu (rất khác với rượu brandy). Cách cầm li đúng điệu là dùng 5 ngón tay ôm lấy cái chân của li, chứ tuyệt đối không được ôm cái phần trên của li (xem hình 1). Có vài lí do thực tế để cầm cái chân li thay vì phần trên, trong đó có cả lí do tế nhị để cho li nó sạch, không có dấu vân tay.


 
Cách cầm li vang đúng cách (nhưng chắc ít ai chú ý). 

 Nhìn cách ông tổng Trọng cầm li là ... hỡi ôi! Rõ ràng là ông chưa được chỉ về cách cầm li rượu vang, nên mới ôm cái li rất không đúng cách như thế. Còn ông Tập thì biết, có thể ông được chỉ cái etiquette giao tiếp trong tiệc. Phải nói là trách người cố vấn lễ tân (protocol), chứ không hẳn là trách cá nhân ông ấy.
 



Dùng li không hợp cho vang đỏ.  





Cách cầm li rượu sai cách của "phe ta" (nhưng họ Tập thì làm đúng) 





Bác Sang cầm li rượu đúng cách nhưng tiếc cái khom lưng! 






Bác Trọng quên cài khuy áo!


Thật ra, nói chung thì các lãnh đạo VN còn hơi kém về mặt etiquette. Chưa nói đến khía cạnh phát ngôn có nhiều vấn đề, ngay cả cách ăn mặc đến yến tiệc, giới lãnh đạo VN phạm phải nhiều sai sót tế nhị. Có lần tôi thấy ông LKP không biết thắt cà vạt khi ổng tiếp một nguyên thủ quốc gia. Ngay cả ông tổng Trọng trong chuyến công du Mĩ kì rồi cũng để bộ áo veston không đúng điệu (không thắt nút trên) khi tiếp kiến Obama. Tất cả mấy chi tiết trên chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Trong đại yến tiệc, người lịch duyệt chỉ cần nhìn người đối diện ăn mặc, cách cầm li rượu, cách uống rượu, thậm chí cách để cái nĩa, v.v. cũng đủ biết họ là ai, thuộc tầng lớp nào. Lỗi là của nhóm lễ tân làm không tốt việc, chứ không hẳn mấy bác ấy (thì giờ đâu mà mấy bác ấy lo chuyện tiểu tiết). Thật đáng tiếc! Khi nào nghỉ hưu, tôi sẽ xin cái chức cố vấn lễ tân (bán thời gian thôi) và làm phát ngôn viên ngoại giao để đánh võ chữ với báo chí.  

Blog của Tuấn

No comments:

Post a Comment