Thursday, January 7, 2016

"Không để dân khiếu kiện đông người ..."


Phó thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến về vấn đề khiếu kiện đông người tại các cơ quan trung ương; đặc biệt là chỉ thị các địa phương không để người dân tập trung vào dịp Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam sắp đến.

Khả năng có thể giải quyết được tình trạng khiếu kiện đông người lâu nay như thế hay không? Biện pháp lâu nay của chính phủ đối với vấn đề này được ghi nhận thế nào?
Chỉ thị của chính phủ
Tại hội nghị trực tuyến diễn ra vào ngày 5 tháng giêng nhằm tổng kết công tác thanh tra năm qua và triển khai nhiệm vụ công tác năm nay, phó thủ tướng Việt Nam ra chỉ thị “Không để người dân khiếu kiện vượt cấp, đông người lên các cơ quan trung ương đóng tại Hà Nội nhân dịp diễn ra Đại hội Đảng.”
Theo chỉ thị của phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thì nếu có các vấn đề phức tạp xảy ra, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Thanh Tra Chính phủ và các cơ quan chức năng giải quyết.
Chỉ thị vừa nêu của phó thủ tướng Việt Nam cũng tương tự những khi có các sự kiện lớn tại Việt Nam trong thời gian qua và sắp đến là kỳ đại hội đảng 5 năm diễn ra một lần.
Cựu tù nhân Cấn Thị Thêu, một người bị bắt giam, kêu án tù vì suốt chục năm qua khiếu kiện về biện pháp thu hồi đất của gia đình bà và người dân Dương Nội không đúng pháp luật, cho biết ý kiến sau khi biết được chỉ thị mà phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra:
“Bà con chúng tôi đi khiếu kiện gần chục năm rồi thì mỗi khi có đại hội hay những vấn đề trọng đại của đất nước như ‘Nghìn năm Thăng Long, họp quốc hội…’, thường họ vẫn ra những chỉ thị như thế. Và trong những ngày đó mức độ đàn áp của  họ gia tăng rất nhiều. Họ nói giải quyết nhưng có giải quyết đâu, càng ngày lực lượng dân oan càng đông. Chúng tôi thấy chẳng có mấy người được giải quyết đâu. Họ chỉ hứa hẹn thôi, họ lần lửa. Thực sự có những người không thể theo đuổi được, có những người không sống được đến ngày để giải quyết và chết rồi, có những người kiệt quệ kinh tế không thể đi được phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận những nghiệt ngã đó thôi. Hầu hết tôi thấy họ chẳng giải quyết cho ai, trường hợp được giải quyết chỉ đếm được trên đầu ngón tay.”
Những người khiếu kiện tại các cơ quan trung ương ở Hà Nội trong thời gian gần đây nhận được sự hỗ trợ của những nhóm xã hội dân sự như Cứu Lấy Dân Oan, Cơm Dân oan… vì tình cảnh cơ cực khi phải chầu chực tại các cơ quan công quyền nhiều năm mà chưa được giải quyết. Thậm chí những người đi khiếu kiện còn bị xua đuổi, hành hung, bắt bớ.
Chị Thảo Teresa, một người tham gia giúp những người khiếu kiện, trình bày quan điểm sau khi đọc được tin về chỉ thị mới nhất của chính phủ liên quan vấn đề người dân lên thủ đô kêu oan:
“Thực ra chỉ thị này theo tôi nói cho ‘lịch sự’ thôi nhưng đây là sự dọa dẫm và cảnh cáo đối với những người đi khiếu kiện. Họ nói những từ như thế để nghe có vẻ nhẹ nhàng thôi nhưng theo tôi dịp tới bà con đi họ sẽ có những đối sách nặng tay. Tôi chia sẻ một status trên facebook là bà con sẽ phải chịu nặng nề vì phó thủ tướng nói rồi. Thế nhưng người dân có quyền khiếu kiện về vấn đề đất đai của họ bị cưỡng đoạt, không ai có quyền cướp đi quyền đó của người dân; nhưng họ dùng cường quyền. Theo tôi trong những ngày đại hội đảng, những ngày lễ lớn sắp tới vì họ không muốn xấu bộ mặt thành phố, họ sợ điều gì đó tôi không biết nhưng tôi nghĩ họ sẽ không giải quyết mà thực hiện những biện pháp nặng tay.”
Thực tế
Thực tế cho thấy hiện nay tại thủ đô Hà Nội nhiều người dân tập trung tuần hành đến các cơ quan chức năng để khiếu nại về vụ việc của cá nhân và tập thể mà họ cho không được giải quyết theo đúng pháp luật Việt Nam. Những người khiếu kiện mặc áo và mang theo biểu ngữ nêu rõ vụ việc của họ.
Số người tập trung ngày càng đông như trình bày của bà Cấn Thị Thêu sau đây:
“Tình hình bà con, lực lượng dân oan ngày càng đông thêm vì mức độ ‘cướp bóc’ ngày càng gia tăng trên các địa phương nên dân oan gần đây đổ về Hà Nội rất đông. Ngày hôm qua bà con xuống đường đòi hỏi trả lại tài sản, quyền sống, quyền con người cho dân. Người ta không có hướng gì giải quyết quyền lợi cho dân cả, người ta chỉ hứa hẹn, ‘trên đẩy xuống, dưới đẩy lên’.”
Vừa qua có những cá nhân lên Hà Nội khiếu kiện bị bắt và đưa ra kết án với những cáo buộc như ‘gây rối trật tự công cộng’ hay ‘chống người thi hành công vụ như trường hợp bà Trần Thị Hải ở Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Thông ở Tây Ninh…
Luật sư Trần Thu Nam, người từng tham gia bào chữa cho bà Trần Thị Hải, trình bày quan điểm về việc dân khiếu kiện và cách thức giải quyết của cơ quan chức năng:
“Thứ nhất pháp luật Việt Nam cho phép người dân được phép đi lại, còn khiếu kiện là hệ quả của việc địa phương giải quyết không thấu đáo nên người ta mới khiếu kiện vượt cấp, kéo dài lên đến cấp trung ương. Nếu địa phương giải quyết chu đáo, đúng pháp luật thì không nhất thiết phải bắt ép họ sẽ tự giải tán về lại địa phương.
Việc phải dùng lệnh cưỡng chế, biện pháp cưỡng chế đưa dân về địa phương để giải quyết khiếu nại thì đó là một tình thế ép buộc thôi; hoặc để giải quyết việc sắp diễn ra quốc hội, đại hội đảng. Như thế không thể giải quyết nguồn gốc việc khiếu kiện kéo dài, đông người như thế. Về mặt pháp luật không cấm người dân đi khiếu kiện, họ còn được quyền khiếu kiện. Còn việc kéo về thủ đô thì họ có quyền đi lại làm sao cấm họ được.”
Những người phải khiếu kiện nhiều năm qua như bà Cấn Thị Thêu cho biết cơ quan chức năng đùn đẩy cho nhau không giải quyết; trong khi đó lực lượng thi hành công vụ thì luôn mạnh tay với người khiếu kiện. Tuy nhiên họ vẫn kiên trì đấu tranh theo luật pháp mà chính quyền ban hành bất chấp mọi sách nhiễu, đe dọa và đàn áp.
“Khi tất cả các đoàn đông thì khoảng 400-500 người, ít thì khoảng mấy trăm người, ít nữa thì trên dưới 100 người. Bức xúc thì bà con rất bức xúc, những người theo đuổi kiện thì rất đông.”
Luật sư Trần Thu Nam thừa nhận tình trạng giải quyết các khiếu kiện của người dân gặp nhiều khó khăn, cần phải dũng cảm trong việc sửa đổi chính sách bất cập và hành xử của nhiều thời lãnh đạo đã qua.

RFA

No comments:

Post a Comment