Monday, January 4, 2016

Khủng hoảng niềm tin với Quinvaxem

 Hổn loạn tại điểm tiêm chủng vaccine 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội)

Những ngày vừa qua tình trạng khan hiếm vaccine 5 trong 1 Pentaxim trong khi nỗi lo về những phản ứng phụ dẫn đến tử vong ở trẻ của vaccine miễn phí Quinvaxem đã dẫn đến những hỗn loạn tại một số điểm tiêm phòng vaccine ở Hà Nội.
Đầu năm mới cũng là thời điểm quan trọng cho việc tiêm phòng để tránh nguy cơ bùng phát bệnh dịch, nhưng dường như vẫn có những phụ huynh lựa chọn cho trẻ đi tiêm trễ để chờ vaccine dịch vụ hơn là cho trẻ tiêm vaccine Quinvaxem miễn phí. Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này do Việt Hà phụ trách có bài tìm hiểu về tình hình tiêm chủng vaccine 5 trong 1 tại Việt Nam thời gian qua và nguy cơ bệnh dịch vào đầu năm mới.

Khủng hoảng niềm tin
Trong những ngày qua thông tin về lô vaccine 5 trong 1 Pentaxim được nhập về Việt Nam và bắt đầu được đưa ra tiêm chủng đã khiến nhiều phụ huynh ở một số thành phố lớn tại Việt Nam vừa mừng mà lại vừa lo. Mừng vì con họ được tiêm vaccine, lo vì sợ không đủ vaccine tiêm phòng dù phải xếp hàng chen lấn mất thời gian.
Theo báo chí trong nước, ngay trong sáng Noel 25 tháng 12, một cơ sở tiêm dịch vụ ở Hà Nội đã chứng kiến cảnh hỗn loạn khi có tới gần 500 phụ huynh đưa con nhỏ tới túc trực thâu đêm từ 7 giờ tối ngày hôm trước, bất chấp mưa gió.
Pentaxim là loại vaccine 5 trong 1 giúp ngừa các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B, nhiễm khuẩn Hib. Đây là loại vaccine được tiêm cho trẻ khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và trẻ được tiêm nhắc lại năm 2 tuổi. Đây là loại vaccine dùng cho dịch vụ được các phụ huynh ở Việt Nam lựa chọn nhiều hơn là vaccine miễn phí của chính phủ là vaccine 5 trong 1 Quinvaxem, dù họ phải trả khoảng 600,000 đồng mỗi liều.
Chị Kim Tiến, một bà mẹ có con 2 tuổi ở Sài Gòn cho biết chị không tin vào vaccine Quinvaxem của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Chị cho biết chị sẵn sàng chờ thuốc dịch vụ hơn là tiêm chủng đúng thời hạn với Quinvaxem.
Quinvaxem của nhà nước thì lúc nào cũng có. Loại đó thì cứ 10 đứa đi tiêm thì 9 đứa về có triệu chứng là sốt nhẹ. Ngoài ra nhiều trường hợp bị tai biến sốc phản vệ và chết….Khi em chờ tiêm mũi thứ ba cho con em cũng vậy, tâm trạng lo lắng. Lúc nào mình cũng mong có thuốc, dù chật vật mệt mỏi thế nào thì mình cũng cố chen để con mình được tiêm đầy đủ. Khi mà bảo là đem con mình đến trự sở y tế thì em không có can đảm đấy vì thà là bây giờ cứ đợi thuốc, vì trong 100 đứa không có thuốc thì 1 đứa mới mắc bệnh thôi, còn thường em thấy đợi thì cũng không đến nỗi bị bệnh ngay. Nhưng nếu con mình nằm trong số hiếm đưa ra trự sở phường tiêm thuốc 5 trong 1 của nhà nước rồi con mình bị sốc phản vệ thì lúc đó thực sự nguy hiểm.
Bác sĩ Trần Tuấn, chuyên gia về dịch tễ học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt nam, nhận định Việt Nam đang phải đối mặt với một khủng hoảng lòng tin vào vaccine Quinvaxem.
Khủng hoảng về lòng tin với vaccine Quinvaxem ở Việt nam đã diễn tiến vài năm nay rồi. Đến bây giờ nó thành đỉnh điểm. Chính phủ thay cho việc như trước đây kiên trì thuyết phục người dân sử dụng Quinvaxem dựa trên thông tin từ nhận định của WHO nghĩ rằng người dân có thể tiếp tục chấp nhận vấn đề đó là vaccine Quinvaxem an toàn, và tiếp tục sử dụng thì đến bây giờ chính phủ đã có sự thay đổi bằng việc chấp nhận cho nhập vaccine 5 trong 1 của các hãng khác được sản xuất bởi công nghệ tiên tiến hơn và đã đưa về sử dụng trong mấy ngày qua với số liệu khoảng 200,000 ngàn. Nhưng số lượng đó là quá thấp so với nhu cầu thực tế dẫn đến tình trạng chen lấn xô đẩy khi tiêm như đã được phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng vừa rồi. Điểm này cũng thể hiện sự nhìn nhận về cung cầu là chưa đánh giá đúng khối người dân quay lưng lại với Quinvaxem lớn đến mức độ nào.
Theo thông tin từ Bộ Y Tế, từ đầu năm đến nay, đã có 16 trẻ tại Việt Nam bị phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine Quinvaxem, 8 cháu bị tử vong. Tuy nhiên theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn thuộc Bộ Y tế thì chỉ có 1 trường hợp tử vong là do sốc phản vệ, 7 trường hợp tử vong còn lại là trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý trẻ mắc phải.
Tiến Sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nói với báo chí trong nước là mỗi ngày tại Việt Nam có tới 70 trẻ dưới 1 tuổi tử vong không rõ nguyên nhân. Theo ông, tỷ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem ở Việt Nam là 4,5 ca trong một triệu liều sử dụng, trong khi khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 20 ca phản ứng trong 1 triệu liều. Ông Trần Đắc Phu nhìn nhận có 4 nguyên nhân dẫn đến tử vong sau tiêm ở trẻ bao gồm nguyên nhân trùng lặp ngẫu nhiên do bệnh lý của trẻ, nguyên nhân do vaccine, nguyên nhân thực hành tiêm chủng và cuối cùng là bởi chính cơ địa của trẻ.
Tuy nhiên, những ca tử vong xuất hiện sau khi tiêm vaccine Quinvaxem xảy ra ở Việt Nam không chỉ mới được phát hiện trong năm nay mà đã xảy ra từ vài năm về trước. Vào năm 2013, WHO cũng đã có báo cáo 43 trường hợp bị phản ứng nặng với Quinvaxem trong đó có 21 trường hợp tử vong được thống kê từ ngày 1 tháng 10 năm 2012 đến 31 tháng 3 năm 2013.
Quinvaxem được Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng tài trợ cho Việt Nam từ tháng 6 năm 2010 đến hết năm 2019 với số lượng mỗi năm khoảng 4,5 triệu liều, tiêm cho khoảng 1,5 triệu trẻ.

Quinvaxem có thực sự an toàn?
Sau khi có những báo cáo về các ca tử vong liên tiếp sau khi tiêm vaccine Quinvaxem, vào tháng 5 năm 2013, chính phủ Việt Nam đã có quyết định tạm ngưng sử dụng Quinvaxem để chờ kết quả đánh giá độc lập từ WHO. Ngay sau đó WHO và UNICEF đã có thông báo xác định các ca phản ứng nặng với Quinvaxem tại Việt Nam là do trùng lặp với những vấn đề sức khỏe ở trẻ không liên quan đến Quinvaxem. Thông báo ngày 10 tháng 5 năm 2013 của WHO viết ‘Quinvaxem được WHO xác nhận đủ tiêu chuẩn vào năm 2006 và cho đến lúc này đã được sử dụng ở hơn 90 nước với hơn 400 triệu liều. Vaccine này và các loại vaccine tương tự khác cực kỳ an toàn, không có bất cứ phản ứng phụ gây chết người nào có liên quan đến vaccine này. Quinvaxem có thể có những phản ứng phụ giới hạn như sốt, viêm tại chỗ tiêm ở một số trẻ’.

049_f0026917-400
Một bé trai 5 tuổi đang được chích ngừa. AFP photo

Sau khẳng định của WHO và UNICEF, Việt nam đã quyết định tiêm trở lại Quinvaxem sau 5 tháng ngưng sử dụng. Nhưng các ca tử vong sau tiêm vẫn tiếp tục xảy ra.
Bất chấp những trấn an từ WHO và UNICEF, người dân trong nước vẫn lo ngại khi sử dụng Quinvaxem. Ngay bác sĩ Heiki Toda, người đứng đầu chương trình tiêm chủng mở rộng của WHO tại Việt Nam cũng thừa nhận thực tế này vào hồi đầu năm nay.
Vaccine 5 trong 1 được dùng là Quinvaxem. Đây là loại vaccine mà người dân không thích vì có những tai nạn xảy ra khoảng 2 năm về trước. Nhưng sau khi điều tra chúng tôi không thấy có vấn đề gì với loại vaccine này nhưng mọi người vẫn lo ngại.
Theo bác sĩ Trần Tuấn, trấn an từ WHO dường như chưa đủ với người dân, trong khi đó nhà sản xuất cũng không có bất cứ lời giải thích nào đối với những gì đang diễn ra.
Với vaccine Quinvaxem chúng tôi chưa nhận được các thông tin nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng dường như chưa thấy sự đáp ứng thông tin nào từ nhà sản xuất Quinvaxem khi mà ở Việt Nam đang dấy lên vấn đề về độ an toàn, mà đặc biệt là những trường hợp tử vong trong thời gian vừa qua. Đây là điều mà tôi thấy khá ngạc nhiên vì thông thường ra những cơ sở cung cấp sản phẩm ra thị trường khi có vấn đề báo lỗi, hỏng hay tử vong thì có sự can thiệp để làm rõ có hay không chuyện đó… lẽ ra nếu có trách nhiệm thì cũng nên có động thái kịp thời.
Theo thông tin được công bố từ hãng dược Crucell hồi năm 2010, hãng sản xuất vaccine Quinvaxem, hãng này đã nhận được hợp đồng trị giá 110 triệu đô la từ UNICEF để cung cấp Quinvaxem cho các nước đang phát triển. Hợp đồng mới này đã đưa tổng giá trị các hợp đồng mà hãng này có được với các cơ quan của Liên hiệp quốc kể từ khi Quinvaxem được bắt đầu vào năm 2006 lên 910 triệu đô la.
Đài Á châu Tự do đã liên hệ với hãng Crucell để xin phản ứng của hãng về những lo lắng của người dân Việt Nam về sự an toàn của thuốc nhưng không nhận được trả lời từ hãng.

Thách thức với Việt Nam
Trước những ca tử vong liên tục gần đây bị nghi ngờ là có liên quan đến việc tiêm Quinvaxem, bộ Y tế Việt Nam mới đây cho biết đang tính đến phương án thay thế Quinvaxim trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên để thực hiện được việc này Việt nam phải đối mặt với một loạt các thách thức.
Thách thức đầu tiên phải tính đến chính là việc thiếu vaccine. Mặc dù nguồn cung Quinvaxem đủ nhưng người dân lại chọn các loại vaccine nhập ngoại khác. Nhưng việc nhập các loại vaccine khác lại gặp nhiều khó khăn do nguồn cung hạn chế. Pentaxim là loại vaccine dịch vụ phổ biến hiện nay, theo Bộ Y tế Việt Nam mới nhập được 137,000 liều tính đến 24 tháng 12. Bộ Y tế cho biết đến tháng 2 năm 2016, có thể sẽ có thêm 40,000 liều Pentaxim được cung cấp cho Việt Nam. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so hàng triệu liều Quinvaxem để tiêm cho trẻ mỗi năm, đó là chưa kể vấn đề kinh phí thay thế toàn bộ vaccine Quinvaxem vốn được cung cấp miễn phí cho Việt Nam. Bác sĩ Trần Tuấn cho biết:
Nay vấn đề người dân lo lắng thậm chí một bộ phận quay lưng lại với chiều hướng gia tăng với vaccine Quinvaxem thì chính phủ Việt Nam đang khó giải. Một là chắc chắn phải có điều tra cho rõ vấn đề này, đây là vấn đề thách thức nhất với tổ chức nghiên cứu của Việt Nam. Thứ hai nếu tiếp tục chấp nhận trong nguy cơ rủi ro thì cái khó với chính phủ là nguy cơ tử vong…. Dù nguy cơ là 4 phần triệu hay 2 phần triệu thì đối với người dân vẫn gây tâm lý năng nề. Thách thức giải tỏa tâm lý này cho người dân là khó. Nếu không sử dụng Quinvaxem thì chính phủ Việt Nam giải quyết thế nào bài toán là ngân quỹ đâu ra để đi mua vaccine. Lúc đó là không còn viện trợ nữa rồi…
Vấn đề thiếu vaccine cũng đặt ra một thách thức về nguy cơ bùng phát dịch. Đây là bài học mà Việt Nam đã nhận dược từ dịch sởi năm 2014 khi Việt Nam ghi nhận đến hơn 35 ngàn ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có gần 6,000 ca ghi nhận mắc sởi với 147 trường hợp tử vong do sởi. Dịch sởi bùng phát vào năm 2014 sau 3 năm không có dịch đã đặt ra câu hỏi về tỷ lệ tiêm chủng được thông báo trước đó là 90% của Bộ Y tế. Điều tra của WHO phối hợp với bộ Y tế sau đó cho thấy trên thực tế có rất nhiều trẻ đã không được tiêm phòng đúng hạn hoặc không được tiêm phòng. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết có đến 80% trẻ mắc sởi không được tiêm chủng. Bác sĩ Heiki Toda của WHO cho biết:
Nhiều mẹ để con trễ hơn 12 tháng, có khi là sau 18 tháng, có trường hợp 24 tháng, bởi vì có nhiều mẹ phải đi làm, bận bịu, nếu họ có thời gian họ mới đưa con đi, hoặc khi tiêm thì con có sốt và họ đưa con đi lần sau rồi có khi họ quên. Dường như đã có sự chậm trễ cả năm so với thời điểm mà chúng tôi khuyến cáo.…. Có một vấn đề nữa khi cha mẹ đến các cơ sở dịch vụ thì các cơ sở này không có đủ vaccine. Đó là một vấn đề hiện tại, thiếu vaccine tại các cơ sở tư. Khi cha mẹ đến các cơ sở vào năm ngoái khi dịch sởi bùng phát, đã xảy ra tình trạng họ phải chạy theo vaccine, nhưng họ vẫn không muốn đến cơ sở chính phủ trước dịch vụ, nhưng dịch vụ thì thiếu vaccine. Trong lúc đó con họ bị nhiễm sởi.
Trước những lo ngại của người dân về sự an toàn của Quinvaxem, chính phủ Việt Nam một mặt trấn an người dân rằng vaccine Quinvaxem là an toàn theo khuyến cáo của WHO, mặt khác vẫn tiếp tục cho nhập vaccine Pentaxim cho tiêm dịch vụ. Trong khi những người dân ở thành phố, có điều kiện về tài chính, đã không còn lòng tin vào Quinvaxem và đang tìm kiếm các nguồn vaccine nhập ngoại khác thay thế, Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu vaccine nhập ngoại thay thế vì nguồn cung có hạn. Bộ Y tế Việt nam hiện vẫn kêu gọi người dân cho con đi tiêm phòng đúng hạn để tránh bùng phát dịch như năm 2014. Tuy nhiên với những gì đang xảy ra với Quinvaxem, câu hỏi đặt ra là liệu có bao nhiêu ông bố bà mẹ dám đưa con mình đi tiêm Quinvaxem khi trong lòng còn chưa yên?

RFA

No comments:

Post a Comment