Thursday, January 3, 2013

Máy bay F-35 tàng hình của quân đội Hoa Kỳ


Oanh tạc cơ F-35 của Mỹ đã thu hút được “khách hàng” khắp các châu lục, mối lợi quan trọng mà Hoa Kỳ kiếm được từ kỹ nghệ buôn bán vũ khí quốc tế. 

Khách hàng thường “tự cạnh tranh” và quảng cáo không công cho vũ khí mới. Nước này có, nước khác cũng không chịu thua. Hiện nay “trật tự” thế giới đang sắp xếp lại và không nước nào (lớn hay nhỏ) muốn lép vế. Phải tung tiền ra mua vũ khí tối tân.
F-35 là máy bay siêu kích, được nâng niu o bế, chào hàng rất kỹ từ phía Hoa Kỳ.
Có 3 loại: 
- F-35A, cất cánh và hạ cánh thông thường (CTOL) biến thể.
- F-35B, cất cánh ngắn và hạ cánh dọc (STOVL) biến thể.
- F-35C, cho hàng không mẫu hạm CATOBAR (CV) biến thể.
Là oanh tạc cơ đầu tiên của thế giới, được đánh giá chỉ chịu lép vế F-22 Raptor một ít. F-35 được đánh giá hiệu quả 4 lần hơn các chiến đấu cơ không chiến(khí-đối-khí) và gấp 8 lần hơn oanh tạc cơ (khí-đối-địa) và 3 lần hơn các máy bay trinh sát (có khả năng “tàng hình”) hiện có trên thị trường vũ khí quốc tế.


Với trọng lượng cất cánh tối đa lên đến £ 60.000 (27.000 kg), F-35 được coi là nặng hơn các máy bay tiêm kích hạng nhẹ mà nó thay thế.
Sau nhiều chỉnh sửa thích nghi, công ty Lockheed Martin bật đèn xanh để đưa F-35 ra công chúng. Ngày 7 Tháng 7 Năm 2006, Không quân Mỹ chính thức công bố tên của F-35.
Ngày 06 tháng 4 năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thúc đẩy nhanh tiến độ sản xuất 2.443 chiếc F-35 cho quân lực Hoa Kỳ.
Hôm 16/9/09, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cho biết, máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin là ưu tiên quan trọng đối với quân đội Mỹ.
“Tôi coi chương trình F-35 là ưu tiên chính của bộ máy lãnh đạo, theo đó sẽ có sự quan tâm về tài chính, giám sát và trách nhiệm giải trình,” ông Gates phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Không quân.
Ông Gates cho hay, kế hoạch chi tiêu cho năm tới phản ánh sự quan tâm chủ yếu đến việc phát triển và sản xuất máy bay F-35, cụ thể là gần một nửa tỉ đô được bổ túc cho ngân sách năm tài chính 2010 để hỗ trợ chương trình bay thử nghiệm.
“Mục tiêu của chúng tôi vẫn là việc trang bị cho sư đoàn huấn luyện đầu tiên tại căn không quân Eglin vào trước năm 2011, và đạt được khả năng hoạt động ban đầu đối với Thủy Quân Lục Chiến và Không Quân (kể cả KQ thuộc Hải Quân) lần lượt vào năm 2012 và 2013,” ông Gates cho biết thêm.
Lockheed Martin đang phát triển 3 mẫu máy bay F-35 tránh radar để thay thế ít nhất 13 loại máy bay cho 11 quốc gia. Mỹ có kế hoạch mua 2.443 chiếc cho quân lực các ngành. Với kế hoạch mua F-35 của 8 quốc gia khách hàng hiện có, sẽ nâng số lượng máy bay sản xuất lên 3.000 chiếc.
Trước đó trong năm nay, ông Gates cho biết ông sẽ ngừng sản xuất 187 chiếc F-22 do Lockheed chế tạo, thay vào đó là việc ủng hộ chương trình F-35 trị giá 300 tỷ.
Tháng trước, ông đã tới thăm nhà máy Fort Worth, ở Texas – nơi tập đoàn Lockheed chế tạo máy bay F-35 - giữa lúc có nhiều nghi ngờ rằng chiến đấu cơ mới này có thể đối mặt với việc cắt giảm trong khuôn khổ chiến dịch thắt chặt chi tiêu của Bộ Quốc Phòng.
Bộ trưởng Gates khẳng định, ông đã đề cập với các viên chức Lockheed Martin trong khuôn khổ chuyến thăm nhà máy chế tạo F-35 về biện pháp quan trọng để duy trì chương trình trị giá 300 tỷ về chi phí và lịch trình dự trù khi ngân sách quốc phòng eo hẹp hơn. Song, ông cũng cho biết hầu hết những vấn đề nghiêm trọng mà máy bay này phải đối mặt đều đã qua.
Chủ tịch Tập đoàn Lockheed Martin, ông Robert Stevens, cho biết, công ty đã hiểu thông điệp của ông Gates đối với việc duy trì chương trình về chi phí và lịch trình, và đang làm hết sức để đảm bảo rằng máy bay chiến đấu mới này được sản xuất ở quy mô đầy đủ. Một món hàng mang lại nhiều lợi nhuận như thế, ai mà không ham!
Hồi tháng 8/09, F-35 được cho bay thử. Báo The Navy Times dẫn nguồn tin từ công ty sản xuất F-35 Lockheed Martin cho biết. F-35B được sản xuất tại thành phố Fort Worth tiểu bang Texas.
Cũng theo nguồn tin trên, đây là lần thử nghiệm đầu tiên trong seris các cuộc kiểm tra đối với F-35B nhằm xác nhận khả năng của máy bay đa mục tiêu mới khi thực hiện nhiệm vụ ở tầm bay cao. Trong tương lai, F-35B sẽ thử nghiệm tiếp dầu ở độ cao hơn 3000, 4.500 và 6000m với vận tốc bay từ 360-460km/h.
Mẫu máy bay F-35B thứ nhất đã được nhà sản xuất "trình làng" vào cuối năm 2007. F-35B dự kiến sẽ trang bị cho quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, Không quân và Hải quân Hoàng gia Anh cũng như Hải quân Italia.
F-35 Lightning II được phát triển từ máy bay X-35 theo dự án máy bay tiêm kích tấn công  phối hợp (JSF). Đây là loại máy bay tiêm kích một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình, đa năng; có thể thực hiện các nhiệm vụ như: yểm trợ trên không, oanh tạc các mục tiêu... Một mẫu máy bay sản xuất thử đã cất cánh lần đầu vào ngày 15-12-2006.


HÒA LAN: TIẾT KIỆM NHỜ HỐI SUẤT
Hôm 23/11/09, bộ Quốc phòng Hòa Lan khoe đã tiết kiệm cho chính phủ 13.5 triệu Euro khi mua máy bay F-35 của Mỹ nhờ vào thay đổi tỷ giá giữa mỹ kim và đồng Euro.
Hiện nay, ngân sách quốc phòng Hòa Lan đưa ra tỷ giá 1 đô la bằng 0,83 euro. Tuy nhiên, sáng 24/11/09, tỷ giá đồng đô la trên thị trường thế giới là 1 đô la bằng 0,69 euro. Trong hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu cho HòaLan, giá đô la Mỹ ở mức 1 đô la bằng 0,71 euro. Do đó, nếu giá đô la ở mức 1 đôla bằng 0,83 euro thì giá F-35 là 113,2 triệu euro, thì sự điều chỉnh tỷ giá giữa đồng đô la và đồng eruo sẽ khiến giá máy bay chiến đấu có thể giảm xuống 99,7 triệu euro.
Giá trung bình một chiếc F-35A mua theo kế hoạch là 49,5 triệu đô la. Đây là tính giá máy bay trung bình sản xuất từ năm 2016 khi sản xuất seri bắt đầu và kết thúc vào khoảng năm 2034. Đáng chú ý là phiên bản A của máy bay F-35 là phiên bản có giá rẻ nhất.
Được biết, Nhật Bản đã quan tâm đến khả năng mua F-35 của Mỹ nhưng chưa biết chính xác phiên bản nào của F-35. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Nhật, giá 1 chiếc F-35 có thể lên tới 9 tỷ Yen (101 triệu đô la). Quốc gia này có kế hoạch mua tất cả 40 chiếc. Quyết định cuối cùng về việc sở hữu máy bay này sẽ được thông qua khi chính phủ phê chuẩn ngân sách năm tài khóa 2011-2012.
Oanh tạc cơ F-35 Lightning II do các công ty Lockheed Martin, Northrop Grumman, Allison và British Aerospace cùng sản xuất. Lockheed Martin sẽ sản xuất tất cả 3 loại F-35A, F-35C và F-35B. Theo đánh giá của các chuyên gia, F-35 sẽ rẻ hơn nhiều so với máy bay F-22 Raptor – máy bay chiến đấu thế hệ 5 đắt nhất trên thế giới. Giá của F-22 Raptor có thể đạt tới 300 triệu đô la mỗi chiếc.


NHẬT MUA 40 CHIẾC
Bộ quốc phòng Nhật đặt mua 40 máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo F-35 – loại chiến đấu cơ có thể tránh radar và được dự đoán có giá khoảng 9 tỷ Yên/chiếc. Giới phân tích nhận định, hành động này dường như nhằm tăng cường các khả năng phòng không khi Trung Cộng nỗ lực tăng cường lực lượng không quân thông qua việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của riêng mình.
F-35 là dự án tân vũ trang, cùng phát triển chung giữa Mỹ, Anh, Úc và một số quốc gia đồng minh Tây phương khác. Nhật Bản không tham gia chương trình F-35 vì điều này trái với các nguyên tắc cấm xuất cảng vũ khí và công nghệ vũ khí của Nhật Bản. Người ta tin rằng, Nhật Bản sẽ dần dần bước ra khỏi sự ràng buộc quốc tế, để trở thành cường quốc quân sự trong nay mai.
Ban đầu Nhật Bản có ý định sở hữu chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ để thay thế phi đội máy bay chiến đấu F-4EJ lỗi thời – loại máy bay hiện vẫn đang được xử dụng cùng với F-15 và các chiến đấu cơ khác - nhưng luật pháp Mỹ hiện nay ngăn cấm xuất cảng F-22 và Mỹ đã thông báo kế hoạch ngừng sản xuất máy bay này, để thay thế bằng F-35 tân tiến hơn như đã nói ở trên.
Mặc dù các mẫu máy bay khác, chẳng hạn F/A-18 và F-15FX do Mỹ và Eurofighter chế tạo, hiện vẫn đang được nghiên cứu nhưng Nhật Bản nghiêng nhiều tới phương án lựa chọn F-35 vì nó có khả năng hoạt động tốt nhất sau F-22.
Kế hoạch mua F-35 có khả năng sẽ được đưa vào chính sách quốc phòng mới và kế hoạch tăng cường phòng thủ trung hạn. Kế hoạch này sẽ được thông qua vào tháng 12/2010.
Hồi tháng 10/09, Mỹ xác quyết với Nhật Bản rằng Washington sẽ cung cấp mọi hướng dẫn chi tiết về các khả năng tàng hình của chiến đấu cơ F-35 một khi Tokyo đưa ra quyết định mua loại máy bay tiên tiến này. Hướng dẫn này có thể sẽ bao gồm các khả năng tấn công cụ thể và dữ liệu về tính cơ động của F-35.
Vì thông tin về khả năng tàng hình được cho là thông tin tối mật nên chính phủ Mỹ khẳng định với Nhật Bản rằng họ sẽ cung cấp thông tin chỉ khi Nhật Bản xác nhận mua F-35, một chiêu dụ khị khá gay cấn!
 

 
TỐN THÊM TIỀN
Dường như để tăng độ hấp dẫn thêm cho F-35, hôm 20/11/09, các giới chức quốc phòng Hoa Kỳ hé lộ cho thấy chính phủ đang đổ thêm tiền vào việc chế tạo chiến đấu cơ F-35, theo đó bộ Quốc phòng đổ thêm 200 triệu mỹ kim để đốt giai đoạn, giao máy bay cho khách hàng sớm.
Tin cho biết bộ Quốc Phòng sẽ họp với Lockheed Martin, nhà thầu chính của chương trình trị giá 300 tỷ mỹ kim này vào cuối tháng 11/09.
Cuộc họp trên được tiến hành sau khi Ngũ Giác Đài đưa ra báo cáo sơ bộ với nội dung rằng tính đến nay công việc chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình mới F-35 đã quá chậm khiến chi phí càng lên cao, có thể “đội” lên 16,6 tỷ trong vòng 5 năm tới.
Chi phí cho chương trình tốn kém này sẽ tăng lên nếu Lockheed Martin không thể hoàn tất chương trình bay thử nghiệm vào trước năm 2013. Vì thế bên cạnh việc chi thêm tiền trong ngân sách tài khóa 2010 – hiện đang được chuẩn bị, các viên chức cho biết, họ có thể mua máy bay thử nghiệm khác và cho phép Lockheed Martin dùng một số mẫu sẵn sàng hoạt động nhằm giúp hoàn tất cuộc thử nghiệm.
Bộ Quốc Phòng có kế hoạch mua trên 2.400 máy bay F-35 trong vòng 25 năm tới. Lực lượng Không quân, Hải quân và Thủy Quân Lục Chiến sẽ có những loại máy bay một động cơ riêng. 8 quốc gia đồng minh cũng đang đầu tư vào dự án này và có thể mua hàng trăm máy bay.
Tổng thống Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates ca ngợi F-35 là máy bay chiến đấu mới và trụ cột khi họ thuyết phục Quốc hội ngừng sản xuất loại máy bay tiên tiến hơn F-22 vào mùa hè năm ngoái. Và gần đây, ông Gates cho biết, ông nghĩ “hầu hết các nhân tố rủi ro cao liên quan tới chương trình phát triển đều đang ở phía sau chúng tôi”.


NAM HÀN: CÓ 60 CHIẾC F-35 SỚM NHỜ PHỤ MỸ LẮP RÁP
Lockheed Martin vẫn tin rằng Nam Hàn sẽ lựa chọn máy bay F-35 Joint Strike Fighter cho chương trình mua chiến đấu cơ F-X giai đoạn 3 khi công ty khẳng định rằng Seoul có cơ hội xử dụng máy bay này từ năm 2014 nếu họ có nhu cầu.
“F-35 là máy bay chiến đấu tốt nhất đối với Nam Hàn. Quốc gia này đã nhận được thông cáo mật, và các nghiên cứu hiện đang được tiến hành để xem xét liệu máy bay này có thể đáp ứng được nhu cầu của lực lượng không quân Nam Hàn hay không. Điều này sẽ tiếp tục cho đến năm 2010,” Steve OBrien, Phó Chủ tịch Lockheed phụ trách phát triển kinh doanh F-35, cho hay.
“Chúng tôi đã cung cấp nhiều thông cáo khác nhau cho nhiều quốc gia khác nhau về việc chuyển giao F-35,” ông cho biết thêm.
Lockheed Martin hi vọng ngành công nghiệp Nam Hàn có thể tham gia chương trình F-35 với việc trở thành nhà cung cấp cấp hai. Họ cũng có thể cho phép một số hoạt động láp ráp diễn ra tại Nam Hàn, tương tự như thỏa thuận giữa họ với Ý-đại-lợi.
Nam Hàn mong muốn mua khoảng 60 chiến đấu cơ thông qua chương trình F-X tiếp theo. Tuy nhiên, Seoul lo ngại về việc trì hoãn đối với chương trình F-35, và rằng các kiểu máy bay ban đầu của loại máy bay này không thể tối tân như các mẫu sau đó.
Điều đó có thể mở đường cho Boeing và chiến đấu cơ mới của họ - F-15 Silent Eagle – loại máy bay mà công ty Boeing đã chào hàng với một số quốc gia, trong đó có Nam Hàn. Máy bay F-15K được lựa chọn cho chương trình F-X giai đoạn hai của Nam Hàn, và Boeing đang thúc giục Seoul cân nhắc mua F-15SE thay thế cho F-35. Theo các quan sát viên, F-35 thu hút khách hàng hơn.
Bởi thế, các nguồn tin công nghiệp cho hay, Boeing sẵn sàng đưa đề nghị với Nam Hàn về việc hợp tác phát triển công nghệ tàng hình mà họ có kế hoạch xử dụng trong máy bay F-15SE. Đề nghị này có thể giúp Nam Hàn khi họ bắt đầu công việc chế tạo máy bay chiến đấu hạng nhẹ KF-X.
“Chúng tôi đang phát triển mẫu máy bay F-15 tiên tiến, loại chiến đấu cơ mà chúng tôi hi vọng sẽ thực hiện các khả năng phòng thủ cho Nam Hàn,” Greg Laxton, người phụ trách phát triển kinh doanh thuộc Boeing Integrated Defense Systems, cho biết.
Trong khi đó, Lockheed Martin thì nôm na cho biết F-35 và F-22 Raptor mới là những chiến đấu cơ tàng hình thế hệ năm thực sự, còn F-15SE chỉ có một số “nhân tố tàng hình”, một sự thật mà Boeing phải chấp nhận.
“Các hệ thống tàng hình phải được thiết kế bên trong máy bay. Điều này không thể được tái tạo trong các chiến đấu thế hệ thứ tư. Chúng tôi sẽ không bình luận về các sản phẩm của các đối thủ nhưng điều tôi biết là chính phủ Mỹ sẽ chỉ mua máy bay chiến đấu thế hệ năm và đó chính là chiến đấu cơ F-35”, ông OBrien nhấn mạnh.
Tàng hình hay không tàng hình là vấn đề “chào hàng”, khoe của. Sự cạnh tranh giữa 2 hãng sản xuất máy bay nổi tiếng của Mỹ sẽ  không dừng lại ở đó. Người ta chờ đợi các “chiêu” mới của 2 đại gia.


THỔ NHĨ KỲ: MUA 120 CHIẾC
Nhật báo Daily News của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 08/10/09 đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dành ít nhất 2 tỷ mỹ kim để mua 120 máy bay F-35.
“Chúng tôi có thể mua 120 máy bay JSF thay vì 100 chiếc như kế hoạch trước đây,” Daily News dẫn lời ông Murad Bayar, Thứ trưởng bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo kế hoạch mua 100 chiến đấu cơ F-35A trong khuôn khổ dự án trị giá khoảng 11 tỷ mỹ kim. Số máy bay này sẽ được mua trong khoảng 10 năm. Tham gia chương trình phát triển và chế tạo máy bay F-35 ngoài Mỹ còn có Anh, Hòa Lan, Italia, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Na Uy và Đan Mạch.
Theo nhật báo trên, quyết định mua 120 máy bay F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nâng chi phí chương trình của Ankara từ 11 tỷ lên ít nhất 13 tỷ mỹ kim. Quyết định cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ về số lượng máy bay F-35 sẽ phụ thuộc vào nguồn tài chính trong những năm tới.
Chiến đấu cơ F-35 sẽ nâng tầm đáng kể khả năng hoạt động của Lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có số lượng nhỏ máy bay tiếp dầu KC-135R do Boeing chế tạo. Quyết định đặt mua F-35 sẽ tăng cường phạm vi hoạt động cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu máy bay này hoạt động theo đúng những gì Lockheed Martin giới thiệu và cam kết, thì chỉ cần 4 chiếc F-35 cũng có thể chạm tới nhiều mục tiêu và ở phạm vi xa hơn so với một phi đội máy bay đầy đủ cần thay thế là F-16.
Theo Wikipedia, F-35A là phiên bản nhỏ nhất, nhẹ nhất, và là phiên bản duy nhất của F-35 được trang bị pháo GAU-12/U. F-35A không chỉ tương đương với F-16 về độ cơ động, phản ứng nhanh, chịu trọng lực G cao, mà còn vượt trội ở tính tàng hình, tải trọng, tầm bay với nhiên liệu chứa bên trong, thiết bị dẫn đường, sử dụng hiệu quả, hỗ trợ và khả năng sống sót. Nó cũng có thể được trang bị thiết bị laser và cảm biến hồng ngoại.
Các nước trên thế giới đang thi nhau tự vệ và làm chủ bầu trời, ít ra là trong không phận của mình. F-35 được nhìn ngắm như là một “bảo bối” hiện đại nhất.


HOÀI LANG viết tặng những chàng KQ/VNCH

No comments:

Post a Comment