Mặc dù dự thảo hiến pháp sửa đổi vẫn qui định đất đai là sở hữu Nhà
nước dưới danh nghĩa sở hữu toàn dân, nhưng nhiều kiến nghị vẫn mong
muốn sửa đổi vấn đề cơ bản này. Nguyện vọng này có lay chuyển được Đảng
và Nhà nước hay sẽ mãi là sự vô vọng.
Về nguyên tắc thì “không có cấm kỵ khi góp ý sửa Hiến pháp”, điều này
được ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng là
Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tuyên bố trong cuộc
họp báo tại Hà Nội, một tuần trước khi bản dự thảo được công bố để lấy ý
kiến nhân dân hồi đầu tháng giêng. Dù chỉ có một phương án đối với
những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau được thể hiện trên Dự thảo,
nhưng ông Lý cam kết mọi ý kiến đều sẽ được trân trọng, lắng nghe, phản
ánh, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình.
Trong bối cảnh như thế, một đại kiến nghị 7 điểm về sửa đổi Hiến
pháp, từ 72 chữ ký của các nhân sĩ trí thức chuyên gia cựu tướng vào
thời điểm 19/1/2013, đã nhanh chóng vượt qua con số 800 vào sáng 24/1.
Đây là bản kiến nghị có nội dung gây chấn động kêu gọi chấp nhận đa
nguyên đa đảng, thực hiện tam quyền phân lập, tổ chức bầu cử tự do và
nhà nước không còn độc quyền sở hữu đất đai.
Đáp câu hỏi của chúng tôi là nguyện vọng cải cách lớn lao có thể chỉ
là vô vọng hoặc lắng nghe mà không thay đổi, nhà báo Nguyễn Quốc Thái ở
Saigon, ở trong số 72 người ký tên đầu tiên với chữ ký trên giấy phát
biểu:
Điểm kiến nghị thứ ba mà theo nguyên bản là “Kiến nghị thứ ba về sở
hữu đất đai” chúng tôi xin phép được tóm tắt những điểm căn bản. Các tác
giả bản kiến nghị cho rằng, chế độ sở hữu tư nhân về đất đai đã tồn tại
từ lâu ở Việt Nam và việc sao chép Hiếp pháp Liên Xô với qui định đất
đai thuộc sở hữu toàn dân kể từ Hiếp pháp 1980 là điều hoàn toàn xa lạ
với nhân dân Việt Nam và đã gây ra nhiều bất ổn xã hội.
Kiến nghị nhắc tới hàng triệu khiếu nại, khiếu kiện đất đai trong
những năm qua và cho rằng, đó chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm hết
sức nguy hiểm. Trên thực tế người dân đã bị tước đoạt một quyền tài sản
quan trọng bậc nhất và chế độ sở hữu toàn dân đã tạo điều kiện cho quan
chức chính quyền các cấp tham nhũng, lộng quyền bắt tay với tư nhân,
doanh nghiệp trục lợi gây thiệt hại cho nhân dân đặc biệt là nông dân.
Sau khi phân tích rạch ròi, nhóm nhân sĩ trí thức chuyên gia cựu quan
chức và cựu tướng lãnh kiến nghị sửa đổi điều 57 cũa Dự thảo, trở lại
như Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Theo đó có thể quy định: “Sở hữu
tư nhân, tập thể, cộng đồng và nhà nước về đất đai được tôn trọng. Nhà
nước có trách nhiệm bảo vệ và thống nhất quản lý đất đai, tài nguyên
nước, khoáng sản và các tài nguyên, nguồn lợi khác ở vùng biển, thềm lục
địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư.” Ngoài ra cần
thay thế quy định thu hồi đất bằng trưng mua đất và không áp dụng cho
các dự án phát triển kinh tế-xã hội như nêu trong Điều 58 của Dự thảo.
Bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan
Văn Khải, nhân vật ký tên trong Kiến Nghị 7 điểm ngày 19/1/2013, từng
nhiều lần khuyến nghị công nhận nhiều hình thức sở hữu về đất đai trong
đó có những loại đất thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu tập
thể của doanh nghiệp, tổ chức, tôn giáo, văn hóa xã hội…
“ Nếu như Việt Nam chấp nhận một cách sở hữu đa dạng hơn cho đất
đai thì sẽ tốt hơn rất nhiều cho các tầng lớp nhân dân khác nhau, cũng
như cho sự phát triển của đất nước. Đó là cách tốt nhất để bảo đảm đất
đai được sử dụng hiệu quả nhất, khi người dân gắn bó máu thịt với đất sở
hữu của họ, thì họ sẽ làm mọi cách để khai thác sao cho mang lại lợi
ích lớn nhất và họ sẽ bảo vệ được quyền lợi của họ trên đó. Tránh được
tình trạng hiện nay, đất đai thì mang danh là của Nhà nước nhưng một số
chính quyền địa phương hay lạm quyền thu hồi đất của nông dân một cách
vô tội vạ với giá rất rẻ và cung cấp lại cho các doanh nghiệp hay những
người thân quen, sau đó thì người ta bán lại với giá rất đắt và đẩy biết
bao gia đình nông dân vào cảnh khốn cùng.”
Ép dân không phải là cách phục vụ dân
“ Tôi có chục công (1 ha) cha mẹ để lại, còn lại là tôi mua chứ
nhà nước không có cấp gì hết. Khoảng 1980-1990 tôi có mua một mớ nhưng
dư nhân khẩu nó tịch thu hết trơn, lấy rồi một đợt nhưng tôi mua một đợt
nữa. Đến lúc cho phép mỗi hộ 30 công (3 ha) người ta mua nếu dư mấy ông
cũng lấy đưa vô nhà nước hết, mấy ông làm đủ thứ chuyện. Đất đai bên
đây khỏi nói, nó làm mấy khu công nghiệp, công ty nó đè dân, thí dụ
người ta mua ngoài chợ đen 200 triệu một công, nó mua chừng 100 triệu
thôi. Bên đây còn hàng khối vụ nó lấy đất dân làm khu công nghiệp nó bỏ
trống tùm lum.”
Anh Tám một nông dân làm lúa ở Cần Thơ nói là không bao giờ nghĩ tới
chuyện một ngày nào đó nông dân được quyền sở hữu vĩnh viễn ruộng đất
của mình.
“ Nếu mà đất nhân dân làm chủ Nhà nước quản lý thì thiếu dân chủ,
nếu của nhân dân là của nhân dân Nhà nước có quyền trưng dụng trường hợp
nó nằm trong dự án làm đường lộ hoặc công trình quan trọng của Nhà nước
mà phải bồi thường cho dân cái giá thỏa đáng. Mình chỉ mong ước vậy
thôi. Hiện nay ở địa phương đất nông nghiệp còn rẻ so với các loại đất
khác, nhưng các nhà kinh doanh ngoài chợ đâu có muốn bỏ tiền đầu tư vô
đất nông nghiệp chẳng lợi lộc gì, cái thời hạn sử dụng không được lâu
dài.
Mình đầu tư vô đâu biết được mai mốt có chuyện gì xảy ra từ chỗ đó
mất lòng tin trong chuyện làm ăn. Trả lại quyền sở hữu thì nông dân rất
phấn khởi nhưng điều hy hữu đó làm gì có được. Thường thường mấy ông
lên đài nói nhân dân làm chủ còn Nhà nước quản lý, hai câu đó đi đôi
song song với nhau dễ gì mà có chuyện cho nông dân làm chủ vĩnh viễn.”
Trả lời chúng tôi LS Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM
nhận định về các góp ý liên quan đến đất đai cho bản dự thảo sửa đổi
Hiến pháp.
“Tôi suy nghĩ là đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống
nhất quản lý thì sẽ không có thay đổi đâu nhưng cần phải làm rõ. Theo
tôi Nhà nước chỉ thống nhất quản lý đất an ninh quốc phòng, đất mục đích
công cộng còn tất cả những loại đất khác thì phải làm rõ thêm. Trong
qui định của Hiến pháp theo hướng của tôi, là phải giao đất sử dụng ổn
định và lâu dài còn nếu như thu hồi thì phải đền bù bằng giá thị trường,
tôi quan tâm điều này. Thứ hai là thời gian giao đất cho cá nhân phải
dài ra thí dụ 99 năm.”
Hai ngày sau bản đại Kiến Nghị về Sửa Đổi Hiến Pháp 1992 đưa ra 7
kiến nghị mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, ngày 21/1/2013 báo chính thống
như Tuổi Trẻ Online, VnEconomy và nhiều báo khác cùng đưa tin về sự kiện
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gởi thư mong muốn toàn thể Đại biểu
dành nhiều thời gian cho vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội
nhận định rằng: “Việc sửa đổi Hiến pháp liên quan và ảnh hưởng trực tiếp
đến toàn xã hội và từng người dân, nên phải được toàn thể nhân dân tham
gia đóng góp ý kiến.”
Chưa hiểu Quốc hội sẽ tiếp nhận bản đại Kiến Nghị 19/1 với 7 kiến
nghị sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó có vấn đề sở hữu đất đai như thế
nào. Nhất là bản đại Kiến Nghị có thể đạt hàng ngàn thậm chí hàng chục
ngàn chữ ký, bao gồm nhiều tên tuổi lớn được người dân kính trọng và quí
mến.
No comments:
Post a Comment