Chương 11: Campuchia
***
Giữa trưa 7-1-1979, khi nghe con rể là Giáo sư Hồ Ngọc Đại đánh thức
báo tin, “Quân ta đã vào Phnom Penh”, ông Lê Duẩn chỉ “ừ” rồi ngủ tiếp.
Ông Hồ Ngọc Đại nói: “Tôi rất ngạc nhiên. Khi nhận được điện thoại từ
Cục Tác chiến tôi cũng không ngờ chuyện long trời lở đất như thế mà ông
vẫn ngủ”. Đưa đại quân đến thủ đô một quốc gia khác tưởng nhẹ tựa giấc
ngủ trưa của một đấng quân vương nhưng phải mười năm sau Quân đội Việt
Nam mới rút được chân ra khỏi đó. Cho dù câu chuyện xảy ra bên ngoài
lãnh thổ, mười năm ấy sẽ trở thành một phần lịch sử Việt Nam,lịch sử can
thiệp vào một quốc gia khác.
“Pot ở đầu phum ta cuối phum”
Theo Tướng Lê Đức Anh: “Khi đánh Campuchia, trong lãnh đạo Đảng ta có
hai ý kiến: một là đánh xong giao lại cho bạn rồi rút về ngay, hai là
đánh xong phải giúp bạn xây dựng cho vững rồi mới bàn giao và rút về
nước… Anh Lê Duẩn bảo đánh xong giao cho bạn rồi rút cho bộ đội về Nam
Bộ làm ruộng” (558). Ông Ngô Điền xác nhận, khi mới lên Phnom Penh, ông Lê
Đức Thọ có nói đại ý, “ta cố làm tốt một thời gian, ba tháng, sáu tháng
rồi giao cho bạn”. Nhưng làm sao trong ba hoặc sáu tháng những người
lính Việt Nam có thể “trở về Nam Bộ làm ruộng” khi Khmer Đỏ chỉ mới bị
đánh đuổi chứ chưa bị đánh tan.
Chưa đầy một tháng sau khi khởi binh, ngày 17-1-1979, bộ đội Việt Nam
đã đánh đổ chính quyền cuối cùng của Pol Pot ở thị xã Ko Kong. Nhưng,
như Cục trưởng Cục Tác chiến Lê Hữu Đức thừa nhận, “chúng ta chiếm được
Phnom Penh và các thành phố, thị xã, nhưng chúng ta không diệt được sư
đoàn nào của Pol Pot. Sinh lực địch bị tiêu hao không đáng kể”. Trung
tướng Lê Hữu Đức cho rằng: “Chúng ta đã dùng búa tạ diệt ruồi, sử dụng
binh chủng hợp thành như đánh Pháp, đánh Mỹ, để đánh với một đội quân du
kích”.
Khmer Đỏ bỏ chạy nhưng chúng không phải là một tàn quân. Tướng Đức nói:
“Chúng được các cố vấn Trung Quốc dạy rất kỹ, cứ thấy xe tăng là chạy
rồi gài mìn lại. Mìn Trung Quốc không giết chết mà chỉ sát thương. Cứ
một người trúng mìn, quân ta lại phải mất bốn người để cáng”. Khi tiến
quân vào Phnom Penh, thế Việt Nam như “chẻ tre”, nhưng khi tới những
vùng biên giới xa, các đơn vị Việt Nam lập tức bị Khmer Đỏ đặt trong tầm
phục kích. Đây là giai đoạn quân đội Việt Nam bắt đầu chịu hy sinh lớn
nhất.
Mùa khô năm 1980-1981, Khmer Đỏ mở cuộc phản kích lần thứ nhất. Khi ấy,
lực lượng Quân Tình nguyện Việt Nam tại Campuchia vẫn ở mức cao. Không
giành lại được đất, nhưng Pol Pot cũng đã kéo Quân Tình nguyện và Quân
đội của Heng Samrin vào một cuộc chiến khốc liệt không chỉ bởi mức độ
thương vong.
Mùa mưa năm 1983, ông Phạm Văn Trà, lúc bấy giờ là phó tư lệnh Tham mưu
trưởng Mặt trận 979, trực tiếp lên vùng biên giới Ko Kong chỉ đạo Sư
đoàn 4. Ông Trà kể: “Suốt mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10, hầu như
tuyến trước bị cắt đứt hoàn toàn liên lạc với tuyến sau; đặc biệt là
việc tiếp tế, vận chuyển tê liệt hoàn toàn. Trong khi đó, địch sử dụng
pháo đất từ Thái Lan bắn dai dẳng, ngày này qua ngày khác vào khu vực có
bộ đội ta, các trận địa, bãi mìn của địch bủa giăng khắp nơi; anh em
mình cứ đi ra khỏi địa bàn quen thuộc là vướng mìn, thương vong rất
nhiều. Xuống các bệnh xá, trạm phẫu của sư đoàn, bắt gặp nhiều chiến sĩ
trẻ trung, khôi ngô bị mìn nổ tiện mất chân, có đồng chí cụt cả hai
chân, tôi không cầm được nước mắt, thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm
với anh em. Và cũng thật đớn đau, sau một mùa khô, một mùa mưa, giật
mình thấy hàng ngũ của anh em mình thưa thớt, trống vắng mất một
phần” (559).
Ở nơi hòn tên mũi đạn, bữa cơm người lính, theo ông Trà, chỉ gạo mục,
cá khô mục, thịt ôi. Động viên anh em cũng chỉ tăng gia được một ít rau
xanh để cải thiện bữa ăn, có thêm tí chất rau. Khí hậu thì khắc nghiệt,
sốt rét, sốt rét ác tính cứ như“thần chết cầm lưỡi hái” đứng chờ mỗi
ngày. Người lính cần vụ của Tướng Trà đã bị sốt rét, chết khi mới mười
tám tuổi.
Ông Phạm Văn Trà kể: “Riêng tôi, mặc dù không bị sốt rét quật ngã,
nhưng cũng đã nếm trải những cơn sốt kinh khủng. Sợ nhất là đang xuống
đơn vị, cắt rừng kiểm tra trận địa phòng ngự của bộ đội, bất thần cơn
sốt ập đến, người run lên bần bật, mắt hoa lên, bước đi lẩy bẩy, anh em
không kịp dìu thì khuỵu xuống giữa đường, giữa rừng. Bộ đội ốm đau, bị
thương do pháo, mìn, nhiều trường hợp bình thường, nếu cấp cứu kịp, chữa
trị chu đáo sẽ qua khỏi, nhưng vì không chuyển được về tuyến sau nên
đành nằm lại chịu chết”. Đặc biệt trong mùa khô, theo Tướng Phạm Văn
Trà, nước uống thiếu “là nỗi đe dọa kinh hoàng”. Ông Trà kể: “Tôi đã
nghe cán bộ, chiến sĩ đơn vị kể lại những chuyện rất thương tâm: bộ đội
khát nước bò lê trên đất, gặp cây gì xanh, mềm đều dùng răng gặm, may
chăng kiếm được giọt nước. Khi đó, mọi phản xạ của con người gần như là
bản năng. Cũng có trường hợp bộ đội chết khát, rất đau lòng” (560).
Mùa khô cũng là mùa tác chiến quan trọng nhất. Trận đánh ngày 25-5-1984
của Sư đoàn 330 mở màn đợt tấn công mùa khô 1984 được coi là thắng lợi,
nhưng theo ông Phạm Văn Trà, để có chiến thắng đó, Sư đoàn đã phải trả
giá rất đắt: 103 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 485 bộ đội bị thương. Bốn căn
cứ của Khmer Đỏ bị chiếm, thu giữ hơn 300 khẩu súng. Nói là “loại khỏi
vòng chiến đấu 700 tên Khmer Đỏ” nhưng trong những trận đánh như thế,
Khmer Đỏ đều chủ động bỏ chạy để bảo tồn lực lượng, số sinh lực địch bị
tiêu hao là rất ít.
Mùa khô 1983-1984, Khmer Đỏ tổ chức “cuộc phản kích thứ hai” nhưng thất bại.
Mùa khô 1984-1985, quân đội Việt Nam mở một chiến dịch lớn đánh thẳng
vào căn cứ địa của “ba phái Khmer phản động” nằm trên đường biên giới,
trong đó có những phần nằm sâu vào đất Thái Lan, phá hủy mười sáu căn cứ
của “ba phái Khmer”.
Sau đó, Tướng Lê Đức Anh chủ trương đưa “quân đội và nhân dân bạn” ra
làm chủ biên giới bằng cách cho xây dựng Công trình K5: phát quang hơn
800km đường biên làm tuyến tuần tra, sau đó cho trồng tre, đào hào, gài
mìn, dựng lên một hàng rào ngăn Pol Pot thâm nhập từ các căn cứ trên
phần đất Thái Lan sang.
Theo tướng Mai Xuân Tần, trưởng Đoàn Chuyên gia 478: “Làm K5 có ý nghĩa
rất rõ và thiết thực. Một là, có công trình phòng thủ biên giới thì các
đơn vị vũ trang của bạn mới cảm thấy vững tâm hơn, từ đó mới dám tự lực
bảo vệ tuyến đường biên, và như vậy quân tình nguyện của ta mới rảnh ra
thực hiện nhiệm vụ của đơn vị chủ lực cơ động chiến lược. Hai là, nếu
lúc đó bảo bạn đứng ra tổ chức những trận đánh lớn hoặc một chiến dịch
lớn, một cuộc vận động cách mạng lớn thì bạn chưa làm được. Nhưng bảo bạn
đứng ra tổ chức cho dân cò cây, đào hào, trồng tre làm thành đường tuần
tra biên giới thì bạn làm được và dần dần làm tốt” (561).
Rào biên giới để ngăn giặc là một kế hoạch táo bạo. Nhưng Thái Lan và
Campuchia có một đường biên dài hàng nghìn cây số, núi cao, rừng thiêng;
Khmer Đỏ cũng không phải là con nai hay con trâu mà là những chiến binh
áo đen. Từ những Preah Vihear, Dangrek, Pailin, Poi Pet, Phnom Malai,
Anlong Veng,… những bóng đen ấy vẫn thoắt ẩn, thoắt hiện, qua lại biên
giới như con thoi; Pol Pot tiếp tục lập căn cứ sâu bên trong lãnh thổ
Campuchia sau khi có K5.
Tướng Mai Xuân Tần giải thích: “Việc tổ chức Công trình K5 là nơi thực
tế để tập dượt cho bạn biết làm công tác vận động và tổ chức quần
chúng”. Nhưng không phải tự nhiên mà “hồi đó và cả bây giờ vẫn có một số
đồng chí thắc mắc và cho rằng K5 là tốn kém và không cần thiết” (562).
Trên thực tế, “K5” đã từng là nỗi sợ hãi của người Campuchia. Để làm K5,
theo ông Ngô Điền: “Ta đã thúc đẩy bạn huy động khoảng bảy triệu ngày
công của quần chúng từ các tỉnh hậu phương đi xây dựng phòng tuyến biên
giới”.
Hàng chục vạn dân công, phối hợp với bộ đội của Heng Samrin trên Công
trường K5 không chỉ là những mục tiêu sống của Khmer Đỏ mà còn là của
sốt rét, bệnh tật. Phần thì bị phục kích, đánh úp, phần bị sơn lam,
chướng khí, không thể tính hết con số thường dân Campuchia bị thương bởi
mìn, bị chết bởi súng đạn và đau ốm, trong cuộc “tập dượt làm công tác
vận động quần chúng” này.
Sau K5, chiến sự càng ác liệt, nhất là khi hơn năm vạn quân tình nguyện
Việt Nam được rút đi. “Từ năm 1983, bạn đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ
ấp, xã, thị xã, thị trấn, trừ hai thành phố Phnom Penh và Kongpong Som;
năm 1984, bạn tự đảm đương hoàn toàn bốn tỉnh, Svey Rieng, Prey Veng,
Kongpong Cham, Kandal; năm 1985, bạn tự đảm đương được một phần biên
giới Campuchia-Thái Lan” (563). Tuy nhiên, lực lượng Việt Nam đã phải dàn
mỏng trên những vùng chiến trường rộng lớn. Những người lính trực tiếp ở
đơn vị chiến đấu cảm nhận rất rõ điều đó và đây là trường hợp của
Thượng úy Long.
Tháng 5-1986, Thượng úy Trần Hữu Long, đang là giáo viên quân sự ở
trường Quân chính Quân khu VII, được điều sang chiến trường Campuchia
làm đại độitrưởng Đại đội 11, Trung đoàn 4, Sư 5, Mặt trận 479. Long kể:
“Đơn vị đóng ở nơi ác liệt nhất, nhưng vũ khí vẫn rất thiếu thốn. Đại
đội tôi có 110 người mà chỉ còn chín mươi khẩu súng; theo lý thuyết thì
hỏa lực phải được trang bị tới tận phân đội nhưng tiểu đội thì có B40,
trung liên, tiểu đội không”.
Đóng quân ở bìa rừng, nơi lực lượng Khmer Đỏ thường từ Thái Lan vượt
biên giới vào bên trong đất Campuchia. Long kể: “Chiến tranh như trò
đùa, chúng tôi thì cứ phơi mặt ra, trong khi Khmer Đỏ lại lẩn khuất
trong bóng đêm, trong dân. Từ biên giới luồn qua, tụi lính Pol Pot lại
dừng lại đánh nhau với tụi tôi một chặp, sau đó đi về lại bắn nhau thêm
một chặp nữa. Chúng tôi phải đắp tường và đào hào vây quanh doanh trại
theo kiểu pháo đài. Loại pháo đài tường đất với những ngôi nhà tranh tre
chỉ cần một phát B40 là cháy rụi”.
Sự ác liệt mà những người lính ở Campuchia đã phải trải qua là không
thể định lượng. Đánh chiếm một căn cứ của Khmer Đỏ thì có vẻ như rất dễ,
nhưng tiêu diệt lực lượng Pol Pot thì rất khó. Có những đơn vị Quân
Tình nguyện Việt Nam đã từng bị “xóa sổ”. Thượng úy Long kể: Đầu mùa khô
năm 1986, trung đoàn tổ chức truy lùng địch, đại đội tôi được giao ở
nhà giữ cứ. Tối, tôi qua Đại đội 13, anh em kêu ngồi vào uống ly rượu
tiễn. Đang ăn, Đại đội trưởng Thụ hỏi: “Còn đạn K54 không?”. Tôi rút
nguyên băng đạn từ khẩu K54 bên hông đưa cho Thụ. Trưa hôm sau ra phum,
thấy mấy người già Khmer ngồi khóc, nói: “Bộ đội ông Thụ chết hết rồi”.
Toàn bộ lực lượng Đại đội 13 tham gia trận đánh bị hy sinh, chỉ còn một
người lính vác chân đại liên sống sót. Đêm ấy, gần 300 lính Khmer Đỏ bị
Trung đoàn 4 bao vây, dồn đánh. Chúng buộc phải mở đột phá khẩu. Nơi
chúng chọn nằm trong phạm vi chốt chặn của Đại đội 13. Những tên lính
Khmer Đỏ hung hãn nã B40 như vãi xuống những người lính đang phơi lưng
giữa đồng trống. Người lính sống sót về kể rằng, trước khi chúng đến,
anh kịp nằm sấp xuống, kéo xác đồng đội đè lên.
Lính Khmer Đỏ lần lượt bắn bồi vào những cái xác bộ đội Việt Nam, nhưng
không hiểu sao anh sống sót. Sáng hôm sau, người dân đưa xe bò vào rừng
chở về bốn mươi xác bộ đội trong đó có cả “Đại đội trưởng Thụ”.
Sau trận ấy, Thượng úy Long triệu tập đơn vị nói, lực lượng mỏng, chúng
ta có thể bị đánh bất cứ lúc nào. Rồi ra lệnh mở kho đạn, nâng cấp báo
động, đặt đơn vị trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đầu năm 1987, một tiểu
đoàn Pol Pot xuất hiện trong khu vực đại đội Long đóng quân. Lúc này,
Long đã chuyển sang chỉ huy Đại đội 12. Người dân trong phum nói: “Ông
Long ơi, nó chuẩn bị đánh bộ đội 12 đó”.
Nguôn, tiểu đoàn trưởng Khmer Đỏ, nhắn qua dân: “Nói ông Long chỉ cần
ra khỏi doanh trại, bước qua bìa phum là tôi bắn”. Thượng úy Long nhắn
lại: “Nói ông Nguôn có giỏi thì cứ đưa quân về đây”. Khmer Đỏ không đánh
ngay mà cứ dấm dứ hàng tháng trời hòng đặt bộ đội của Thượng úy Long
trong trạng thái căng thẳng kéo dài cho đến khi mệt mỏi. Bộ đội của Long
vẫn thường nghêu ngao hát: “Pot ở đầu phum / Ta cuối Phum / Uống chung
dòng nước thối um um / Lên đây đã trải bao mùa lúa / Pot vẫn đầu phum ta
cuối phum” (564).
Thượng úy Long kể: “Đêm Campuchia tối tới mức ngửa lòng bàn tay ra đưa
lên trước mặt cũng không nhìn thấy. Khi hành quân đêm, chúng tôi phải
bắt con sâu đất có ánh lân tinh quệt lên ba lô của người lính trước mặt
để bám theo nhau. Đêm đi qua trảng trống, nếu lỡ tụt lại phía sau phải
nằm sát mặt đất may ra mới nhìn thấy bóng những người lính hành quân in
trên nền trời”. Những khoảnh khắc hay bị phục kích nhất là ở thời điểm
trăng vừa lên, Khmer Đỏ phục sẵn chỉ chờ có ánh sáng nhận rõ mục tiêu là
bắn. Khi tiểu đoàn Khmer Đỏ của Nguôn vẫn thập thò ngoài rừng, Long kể:
“Cứ hai tiếng một lần, tôi lại phải dậy đi một vòng đốc gác. Tiền đồn
tối như mực mà không có lấy một trái hỏa châu. Khmer Đỏ áp sát hàng rào
cũng khó lòng nhìn thấy”.
Sau bốn ngày bị bao vây, “bộ đội 12” căng như dây đàn nhưng đám lính
Khmer Đỏ vẫn chưa khởi chiến. Trung đoàn 4 lúc đó cũng không còn khả
năng chi viện vì lực lượng đã bị dàn mỏng. Tiểu đoàn nhắn xuống: “Tập
trung phòng thủ cho tốt”.
Khoảng 4:30 sáng, Thượng úy Long đi đốc gác lần cuối, thấy anh em chấp
hành nghiêm, anh trở về lán. Long kể: Vừa đặt lưng, tôi nghe tiếng AK nổ
phát một bụp, bụp. Chưa kịp nhảy ra thì quả B40 thứ nhất nổ sát nóc nhà
sở chỉ huy. Tôi phóng xuống hầm.
Nghe đạn của tụi Pol Pot bắn hết cỡ mà không thấy tiếng súng bắn trả
của anh em mình. Tôi nói với cậu liên lạc: không ra đánh là chết hết.
Vừa dợm chân ra thì một trái B40 nổ ngay cửa hầm hất mình trở lại. Nhìn
thấy miệng cậu liên lạc mấp máy, tôi hét lên: “Tao còn sống, đánh!”. Ra
khỏi hầm, thấy hàng chục nóc nhà đang bốc lửa. Một nhóm bộ đội đang vác
khẩu cối 82 chạy ra phía sau. Long hét: “Dựng nòng, bắn cấp tập”. Hô
xong vẫn không nghe tiếng cối, Long quát: “Không bắn, tao bắn tụi bây
bây giờ”. Quát xong nhìn lại, thấy miệng khẩu cối chớp liên tục, anh em
không kịp gá chân, cứ thế dựng nòng, thả đạn. Khi ấy, Long mới biết tai
mình đã điếc.
Chạy xuống Trung đội 1, thấy một chiến sỹ bị thương lòi ruột, anh em
đang lấy bát úp bụng băng lại. Ở Trung đội 2, Trung đội trưởng Nê bị một
viên đạn xuyên qua ngực, chết trong khi tay ôm chặt một chiếc gối hồng.
Đại đội trưởng Long giật mình. Chỉ hai ngày trước, khi nhìn thấy chiếc
gối, Long đùa: “Ai tặng đây?”. Nê tự hào: “Người yêu em tặng. Có chết em
cũng sẽ ôm theo chiếc gối”. Người yêu của Nê là một cô gái người Khmer
mới quen. Người lính có mặt trong giờ phút trung đội trưởng Nê hy sinh
kể: “Anh ấy đang chỉ huy thì khựng lại, máu rỉ ra từ một vết nhỏ trên
ngực. Ngay lập tức anh ấy bảo em vào hầm lấy chiếc gối, rồi ra lệnh:
Bắn! Anh ấy ôm chặt chiếc gối cho đến khi mặt tái lại và lịm dần”.
Trời sáng, lực lượng Khmer Đỏ rút lui. Ở Trung đội 3, hai người lính
đang cố gắng để nâng xác một đồng đội bị B40 xé nát một mảng lưng. Lửa
vẫn cháy ở gần như tất cả những ngôi nhà của đại đội. Ba người lính hy
sinh, ba người khác bị thương. Xác anh em được đưa về Sở Chỉ huy. Long
lấy khăn lau mặt cho từng tử sỹ rồi đợi xe bò của người Khmer vào đưa
xác những bộ đội xấu số lên trung đoàn. “Đêm khô như tiếng mõ trâu /
Rừng khô như tờ bánh tráng / Trời không một tia gió thoảng” (565). Mùa khô ở
Campuchia, đất sắt lại, phải hai ba người đào một ngày mới được một cái
huyệt để chôn đồng đội.
Ngay cổng chính, xác một lính Khmer Đỏ bị bắn chết khi đang vác khẩu
B40 với viên đạn đã sẵn sàng nhưng chưa kịp bắn. Trên lưng hắn ta còn
sáu quả đạn. Tiếng AK “bụp” phát một mà Long nghe khi vừa trở về chỗ nằm
là của người lính mà anh vừa gặp khi đi đốc gác. Nếu anh bộ đội để cho
tên lính Khmer Đỏ mang bảy quả B40 ấy lọt qua hàng rào thì thế trận có
nguy cơ vỡ. Đêm ấy, lực lượng Pol Pot chỉ tấn công ba mặt, chừa một mặt
để, nếu “bộ đội 12” bỏ chạy, sẽ rơi trọn vào bẫy phục kích của chúng.
Đấy là trận tập kích khốc liệt nhất của Khmer Đỏ vào nơi đóng quân của
“bộ đội 12” nhưng không phải là trận đánh duy nhất. Thượng úy Long đến
Mặt trận 479 tháng 5-1986, từ đó cho tới giữa năm 1987 anh chỉ huy đơn
vị phản công, phục kích và truy kích Khmer Đỏ tổng cộng sáu mươi tám
trận.
Cùng thời gian ấy, có tin đồn ở Sài Gòn rằng Long hy sinh. Mẹ Long, bà
Đỗ Thị Bích Hà, đến Phòng Cán bộ Quân khu nhiều lần để hỏi thăm. Nhưng
thông tin liên lạc tới chiến trường, nhất là tới những đơn vị đóng sát
biên giới Thái Lan như đơn vị Long là hết sức khó khăn. Sau ba tháng hỏi
han, mẹ Long chỉ được cho biết: Vào thời gian ấy tại Mặt trận 479 có ba
thượng úy tên Long chết.
Tháng 8-1987, Trần Hữu Long có lệnh rời chiến trường. Nghe tin Long về
nước, Tuân, người nhận bàn giao chức đại đội trưởng Đại đội 11 từ Long,
cho liên lạc cắt rừng, gửi anh một lá thư ngắn: “Mình được tin Long về
nước mà không gặp được.
Chỉ mong Long về nhà, hạnh phúc”. Tuân và Long đã từng mắc võng nằm trò
chuyện với nhau suốt đêm ngoài rừng. Đấy là lá thư cuối cùng giữa hai
người.Khi Long về tới Bộ Chỉ huy Sư đoàn 5, xác của Tuân và một người
phó của anh cũng vừa được đưa về Sư đoàn bộ. Ở chiến trường có những cái
chết không thể nào lường trước. Tuân không chết bởi Khmer Đỏ mà chết
bởi đạn của một chiến sỹ, trong cơn kích động do chịu đựng căng thẳng
kéo dài, đã mất trí bắn vào đồng đội. Cho đến nay, người dân vẫn không
được biết chính xác có bao nhiêu “quân tình nguyện” đã hy sinh ở
Campuchia. Con số bộ đội Việt Nam bị chết, bị tàn phế bởi mìn zip và mìn
K58 trong mười năm ở đây lên đến hàng trăm nghìn (566). Các văn kiện của
Đảng và Nhà nước Việt Nam lúc đó mô tả: “Đất nước vừa có hòa bình vừa có
nguy cơ xảy ra chiến tranh”.
Nhưng không chỉ là nguy cơ. Đưa quân sang Campuchia là để giữ cho không
gian chiến tranh ở xa biên giới Tây Nam, vậy mà ở những quân y viện Sài
Gòn, Cần Thơ vẫn tấp nập thương binh. Những người lính ở “Chiến trường
K” lâu ngày bặt tin đã đưa không gian chiến tranh tràn về những làng
quê, góc phố.
“Xuất khẩu cách mạng”
Năm 1978, Ouk Bun Xươn, bí thư một vùng ở Quân khu Đông, cầm đầu một
nhóm Khmer Đỏ chạy sang Việt Nam. Ouk Bun Xươn đề nghị Việt Nam giúp
xâydựng một “khu giải phóng” dọc biên giới, giúp xây dựng lực lượng vũ
trang, từ đó, những người Khmer sẽ tự chiến đấu để “giải phóng
Campuchia” khỏi chế độ Khmer Đỏ. Theo ông Ngô Điền, phó Ban B68, “đề
nghị hợp lý này đã không được chấp nhận”.
Bắt đầu từ tháng 6-1978, ông Lê Đức Thọ vào Sài Gòn lập ra Ban B68, ban
chỉ đạo “giải quyết chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc
tế giúp bạn”.
Theo Tướng Lê Đức Anh: “Ông Lê Đức Thọ là người thiết kế từ đầu, là
người quyết định những vấn đề lớn như xây dựng lực lượng, phương thức
tiến hành, phương án chiến đấu, điều binh khiển tướng”.
Khi chính quyền Khmer Đỏ tháo chạy, người dân Campuchia đang ở trong
các công trường giống như những trại tập trung thời Đức Quốc xã, run
rẩy, đói khát, hôi hám. Công việc của bộ đội Việt Nam trong mấy ngày đầu
chủ yếu là cứu đói và cứu sống hàng vạn người Khmer đang thoi thóp.
Những hố chôn người tập thể, những giếng nước đầy xương người có thể tìm
thấy tại hàng ngàn phum, sóc của đất nước nhỏ bé này.
Sau hơn ba năm chín tháng sống dưới bàn tay Pol Pot, Campuchia thực sự
trở thành những “cánh đồng chết”. Hàng triệu người bị hành quyết hoặc bị
hành hạ cho đến chết trong các công xã và trên những đại công
trường (567). Bộ đội Việt Nam đã giúp từng người dân tìm lại nhà, tìm lại
những người sống sót trong gia đình, mang từng hạt bắp, hạt đậu từ Việt
Nam sang để người dân Campuchia khôi phục công việc đồng áng. Những “hạt
giống cách mạng” cũng đồng thời được mang tới, hình thành ở Campuchia
một chế độ theo đúng mô hình Việt Nam.
Các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đứng chân ở đâu có nhiệm vụ giúp
lập nên chính quyền ở đấy. Tiểu đoàn, đại đội, “giải phóng huyện” thì
giúp lập ra chính quyền cấp huyện, tiểu đội “giải phóng xã” thì giúp
từng xã lập nên chính quyền tạm thời gọi là “ủy ban tự quản”. Những
người “thù Pol Pot, không có nợ máu với dân, đoàn kết với Việt Nam” có
thể được cơ cấu vào các ủy ban này.
Những người lính Việt Nam trong độ tuổi hai mươi chưa từng lập gia
đình, chưa từng một ngày “làm quan” bỗng nhiên trở thành “chuyên gia” ở
xã và có khi ở huyện. Ông Lê Đức Thọ muốn dựng lên ở Campuchia một bộ máy
hoàn chỉnh, theo mô hình Việt Nam, mặc dù ông chỉ tập hợp được vẻn vẹn
sáu mươi mốt cán bộ người Khmer trước khi “Phnom Penh giải phóng”.
Cuối năm 1978, báo chí Việt Nam dồn dập đưa tin về các lực lượng nổi
dậy, về “Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia”, liên tục phát
thanh những “lời kêu gọi” của Heng Somrin, Chea Sim. Nhưng cho tới lúc
đó, trên lãnh thổ Campuchia không hề có nổi dậy, chỉ có những cuộc đào
thoát của người Campuchia đến Việt Nam. Tháng 9-1978, những người đào
thoát này mới được tập hợp lại thành “đoàn đại biểu lực lượng nổi dậy
đến thành phố Hồ Chí Minh” yêu cầu Việt Nam giúp đỡ.
Theo ông Ngô Điền (568): “Lãnh đạo Việt Nam lúc đó rất khó mà đánh giá các
nhóm từ Campuchia sang nên điều dễ hiểu là phải dành sự tin cậy của
mình cho những nhóm cán bộ năm 1954 tập kết ra Bắc. Oái oăm là những cán
bộ tập kết có tầm cỡ đã lần lượt được đưa về lại Campuchia từ 1970 và
đã lần lượt bị bọn Pol Pot thủ tiêu. Những người còn sót lại tới năm
1978 là những cán bộ rất khó sử dụng. Anh Lê Đức Thọ đã dùng cụm từ ‘vơ
bèo, vạt tép’ nhưng cũng chỉ kiếm được khoảng bốn mươi người” (569). Ông
Ngô Điền thừa nhận: “Thực tế là ta dựng lên nhóm lãnh đạo bảy người; ta
dựng lên Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước mười bốn
người; ta viết cương lĩnh Mặt trận 11 điểm; ta tổ chức lễ ra mắt của Mặt
trận ở vùng Mimot ngày 2-12-1978”.
Chỉ có khoảng hai mươi cán bộ trong “lực lượng nổi dậy” được quân đội
Việt Nam mang theo khi tiến vào Phnom Penh. Theo ông Ngô Điền: “Ta tuyên
truyền như là một cuộc tổng tiến công và nổi dậy của bạn, có sự giúp đỡ
quân sự của Việt Nam. Sự thực, sau khi Phnom Penh giải phóng rồi, đội
quay phim quân đội của ta đã bố trí quay cảnh một cánh quân Cách mạng
Campuchia, thực ra là chiến sĩ Việt Nam mặc quân phục Campuchia, ngày
7-1-1979, tiến nhanh dưới lá cờ đỏ năm tháp vàng xông vào chiếm hoàng
cung giống như cảnh đánh chiếm Cung điện Mùa đông trong Cách mạng tháng
Mười” (570).
Tối ngày 8-1-1979, thế giới nghe được tuyên bố thành lập “Hội đồng Nhân
dân Cách mạng Campuchia” của những người nổi dậy. Nhưng sự thực thì vài
giờ trước đó, theo ông Ngô Điền: “Tại Bộ Tư lệnh Quân khu VII, ông Lê
Đức Thọ mới chủ trì một cuộc họp gồm lãnh đạo B68 và Tiền phương Bộ Quốc
phòng để xem xét lần cuối danh sách chính phủ mới của Campuchia trước
khi công bố. Cuộc họp không có bạn Campuchia tham dự. Ta đã quyết định
không gọi là ‘chính phủ’ mà gọi là ‘Hội đồng Nhân dân cách mạng’. Việc
lớn mà ta quyết định nhanh như vậy và mọi người xem như bình thường” (571).
Mãi tới ngày 20-1-1979, tại Nhà khách 14 Võ Văn Tần, ông Lê Đức Thọ mới
làm tiệc tiễn hơn bốn mươi cán bộ người Campuchia còn lại về Phnom Penh
chấp chính. Trong số đó có bảy nhân vật chủ chốt: Pen Sovan, Chea Xim,
Heng Samrin, Van Xôn, Bou Thong, Nan Xarin tức Chan Kiri và Hun Sen.
Tư tưởng nước lớn
Từ cuối tháng 1-1979, ông Đỗ Mười cùng một số chuyên viên đã được đưa
sang Phnom Penh. Ngày 11-2-1979, toàn bộ “Trung ương bạn” có mặt ở Hoàng
cung dự họp với Lê Đức Thọ, Đỗ Mười và các thành viên B 68. Ông Đỗ Mười
trình bày một dự thảo hiệp định theo đó, Việt Nam sẽ viện trợ cho
Campuchia 400 triệu đồng, tương đương với 60-70 triệu USD theo thời giá.
Một tuần sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bay sang, ký với Chủ tịch Heng
Samrin một hiệp ước có giá trị trong vòng hai mươi lăm năm gọi là “Hiệp
ước Hòa bình Hữu nghị và Hợp tác”, theo đó, “Campuchia yêu cầu Việt Nam
để quân tình nguyện ở lại”.
Một năm sau khi đánh sang Campuchia, ông Lê Đức Anh được thăng quân hàm
từ trung tướng lên thượng tướng. Ngày 20-5-1981, Quân ủy Trung ương
quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Quân Tình nguyện Việt Nam tại Campuchia,
lấy phiên hiệu là “Bộ Tư lệnh 719”. Ông Lê Đức Anh, khi ấy đang là tư
lệnh kiêm chính ủy Quân khu VII, được bổ nhiệm làm tư lệnh Quân Tình
nguyện.
Vừa làm tư lệnh 719, ông Lê Đức Anh vừa trực tiếp làm trưởng Đoàn
Chuyên gia quân sự 478, cơ quan giúp hình thành Bộ Quốc phòng và xây
dựng lực lượng vũ trang Campuchia. Bên cạnh lực lượng “Quân Tình nguyện”
còn có một “Đoàn Chuyên gia” giúp xây dựng hệ thống chính quyền dân sự,
có mật danh là B68, do ông Trần Xuân Bách, ủy viên Trung ương Đảng phụ
trách. Tháng 3-1982, tại Đại hội Đảng lần thứ V của Việt Nam, ông Trần
Xuân Bách vào Ban Bí thư trở về Hà Nội làm chánh Văn phòng Trung ương;
ông Lê Đức Anh được bầu vào Bộ Chính trị, trở lại Campuchia, thống lĩnh
cả Đoàn Chuyên gia B68 và Quân Tình nguyện.
Những năm ấy ở Việt Nam, kinh tế thì kiệt quệ, kinh nghiệm thì chỉ có
cơ chế quan liêu, bao cấp. Vậy mà mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa mà
chính Việt Nam đang cần phải đổi mới ấy lại được đưa sang áp đặt ở
Campuchia, một quốc gia vốn rất khác biệt về văn hóa và đã quá hoảng sợ
chính quyền vô sản từ thời Khmer Đỏ.
Những người Việt Nam làm “nhiệm vụ quốc tế” ở Campuchia, theo tướng Lê
Đức Anh, còn mắc phải “tư tưởng nước lớn”. Từng cán bộ Việt Nam, đặc
biệt là đội ngũ “chuyên gia giúp bạn”, biết rõ nguồn gốc lý lịch của
từng cán bộ người Campuchia.
Thật khó để bỗng chốc họ có được thái độ đúng mực với những người vừa được đưa lên lãnh đạo ở tầm quốc gia ấy.
Những người thực sự có năng lực và đã từng nắm giữ những chức vụ cao
trong hàng ngũ Khmer Đỏ chạy sang Việt Nam thì chưa được tin cậy. Trong
giai đoạn 1979-1981, nhóm “tập kết” được ông Lê Đức Thọ giao nắm giữ các
chức vụ tổng bí thư, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bộ trưởng Bộ Quốc
phòng; 3/8 ủy viên Bộ chínhtrị; 8/17 bộ trưởng; 7/29 chủ tịch, bí thư
tỉnh, thành.
Những người tập kết từ miền Bắc Việt Nam đưa về trình độ rất giới hạn.
Người được chọn “cầm cờ” là Pen Sovan cũng chỉ vốn là trưởng Phòng tiếng
Khmer ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Người sau đó thay Pen Sovan giữ chức
chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Chan Si, khi ở Việt Nam chỉ là trưởng
một phân xưởng của nhà máy nhiệt điện Việt Trì, Vĩnh Phú. “Tư lệnh Binh
đoàn I” và sau đó là chủ tịch thành phố Phnom Penh, Khang Sarin, nguyên
là một thượng úy ở Thị đội Sơn Tây. Khi được Lê Đức Thọ kêu, Khang Sarin
đã về hưu, đang đi cọ rửa thùng phuy với tiền công hai đồng một cái.
Men Som Ol, từ một nữ y tá hai mươi sáu tuổi ở Quân khu VII, đượcông Lê
Đức Anh đưa về làm cục phó Cục Cán bộ Bộ Quốc phòng. Som Sosor, người
gác cổng một nhà máy, được ông Lê Đức Thọ bố trí làm bí thư tỉnh
Kongpong Speu. Mọi quyết định về nhân sự cao cấp của Campuchia đều do
một tay ông Lê ĐứcThọ. Sau ngày 20-1-1979, “Ban Xây dựng đảng”, chỉ mới
hình thành trước đó mấy ngày, được ông Thọ gọi là “Trung ương Đảng Nhân
dân Cách mạng Campuchia” và theo ông Ngô Điền, Pen Sovan được ông Lê Đức
Thọ gọi là tổng bí thư, cùng với Chia Xim, Van Xon hợp thành Ban Thường
vụ. Nói là trung ương, là ban thường vụ, nhưng theo ông Ngô Điền: “Trên
thực tế chẳng mấy khi họp, mọi quyết định lớn đều do phía ta làm rồi
truyền đạt cho Pen Sovan, Pen Sovan nêu ra với Trung ương như là ý kiến
của Ban Thường vụ. Cái đầu thực sự là Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể là
Lê Đức Thọ. Làm giúp chỉ là cách nói thôi, trên thực tế là làm thay” (572).
Từ thực tế này, ông Ngô Điền thừa nhận tâm lý coi thường của cán bộ
Việt Nam là không tránh khỏi.
Ông Ngô Điền là đại sứ kiêm cố vấn cho Bộ Ngoại giao Campuchia. Bộ
trưởng là Hun Sen, năm ấy mới hai mươi bảy. Ngô Điền là người hướng dẫn
cho Hun Sen từ cách cầm từng cái ly, cái nĩa. Khi đã được đưa lên làm
chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, năm 1985, giữa công khai, Hun Sen vẫn giới
thiệu ông Ngô Điền với mọi người: “Đây là người thầy vĩ đại của tôi”. Bộ
Ngoại giao Campuchia trong những ngày đầu chỉ có một bộ trưởng, một
chuyện gia, mọi văn kiện, từ thư của Chủ tịch Heng Samrin gửi các nguyên
thủ quốc gia, đến các tuyên bố quốc tế quan trọng đều do một tay ông
Ngô Điền thảo. Ông Điền thừa nhận: “Có lúc phải viết bằng tiếng Pháp cho
kịp thời gian”. Ngay cả khi Đại sứ Ngô Điền “trình quốc thư” lên “Quốc
trưởng” Heng Samrin, mọi hoạt động, kể cả việc “Quốc trưởng tiếp thân
mật đại sứ” đều do chính ông Ngô Điền sắp đặt (573).
Hun Sen thuộc trong số những người khi về Phnom Penh là ý thức được vai
trò “chủ thể của nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia”. Từ một người không
biết gì về ngoại giao, nhờ thông minh, năng động và chịu khó học, Hun
Sen đã trở thành một nhà ngoại giao thực sự. Ông Ngô Điền kể: “Mỗi lần
tôi gặp đều tranh thủ giải thích thêm những vấn đề có liên quan. Hun Sen
chăm chú lắng nghe, chỗ nào không rõ thì hỏi lại, không giấu dốt”.
Ngược lại, cũng có những người, theo ông Ngô Điền: “Thoắt cái nhảy lên
địa vị mới, nắm trong tay nhiều quyền lực, họ sống như trong giấc mộng…
Quên mất mình vốn chỉ là những bình vôi vô danh, được đưa đặt dưới gốc
cây đa, do có hương đèn cúng vái mà thành thần… Rất nhanh chóng, họ trở
thành những người lạmdụng chức quyền, sống buông thả theo tiền, theo
gái” (574). Điển hình trong số đó là Pen Sovan. Theo ông Ngô Điền: “Pen
Sovan thường lên mặt lãnh tụ thông thạo, đôi lần còn giảng giải lại cho
tôi… Và, chẳng mấy chốc, đã bộc lộ tham vọng làm một lãnh tụ độc
tài” (575). Cho dù nói là “giúp bạn chân thành và vô điều kiện”, nhưng
những người thực sự nắm quyền lúc đó ở Campuchia cũng không thể chấp
nhận cung cách của Pen Sovan. Ngày 2-12-1981, Pen Sovan bị bắt (576).
Không ai phủ nhận Khmer Đỏ là một chế độ diệt chủng, và cho dù lên án
Việt Nam “xâm lược”, chính Sihanouk cũng phải thừa nhận Việt Nam đã cứu
nhân dân Campuchia thoát khỏi bàn tay Pol Pot. Trong hơn mười năm ở lại
Campuchia, những người lính Việt Nam đã làm nhiều việc để ngăn cản Pol
Pot quay trở lại. Họ hy sinh rất nhiều xương máu. Nhưng đồng thời họ cũng
can thiệp vào không ít quyết định của Chính quyền Campuchia. Chính
“tinh thần quốc tế vô sản” này đã dẫn đến khá nhiều sai lầm, trong đó có
“sai lầm Seam Riep”.
Mùa khô năm 1982-1983, Khmer Đỏ dùng thủ đoạn “phản tình báo”, cho một
trung đoàn phó ra trá hàng. Kẻ trá hàng này khai có hàng loạt cán bộ
trong chínhquyền Campuchia vừa làm việc cho Phnom Penh vừa làm cho Pol
Pot. Ở Campuchia lúc ấy, không chỉ có một số cá nhân, một số chính quyền
địa phương cũng ngày thì làm việc cho Heng Samrin, tối thì làm cho Pol
Pot. Kiểu như vậy gọi là “chính quyền hai mặt”. Không phải ai tham gia
“chính quyền hai mặt” cũng là để chống Việt Nam. Trong một tình thế mà
đêm đêm Khmer Đỏ vẫn từ trong rừng lẻn ra, sẵn sàng dùng dao quắm chặt
đầu những người Khmer trung thành với Việt Nam, thì “hợp tác” chỉ là lựa
chọn để tồn tại. Theo ông Lê Đức Anh: “Căn cứ vào lời khai của thằng
trung đoàn phó trá hàng, anh em đã bắt và xét nhà một số cán bộ của
bạn”.
Khoảng bốn mươi cán bộ người Campuchia đã bị bắt vì âm mưu của một kẻ
trá hàng, hầu hết đều là cán bộ chủ chốt của chính quyền Seam Riep. Bí
thư Tỉnh ủy Seam Reap đã tự sát khi “các đồng chí Việt Nam” của ông đến
bắt. Theo ông Ngô Điền: “Việc bắt bớ, truy bức, tra tấn đã làm cho nhiều
người dân và cán bộ chết oan, bị vùi dập. Chua xót biết bao khi nghe dư
luận cán bộ bạn đặt câu hỏi: cán bộ Việt Nam sao lại ác như vậy”. Một
không khí hoang mang, lo sợ và oán giận Việt Nam bao trùm Seam Reap rồi
nhanh chóng lan ra khắp đất nước Campuchia. Trước khi tiến hành “vụ Xiêm
Riệp”, Bộ tư lệnh 719 đã “xin ý kiến cấp trên” ở Hà Nội (577). Nguồn gốc
của những sai lầm kiểu như vụ Seam Riep, theo ông Ngô Điền,đều có căn
nguyên từ “tư tưởng dân tộc nước lớn”. Ông Điền nói: “Biểu hiện rõ nhất
của tư tưởng nước lớn là việc ta mặc nhiên tự cho mình cái vai trò làm
lại cuộc cách mạng Campuchia, sắp xếp từ đầu đến chân bộ máy Campuchia”.
Ông Lê Đức Thọ có thể vẫn ung dung trong buồng tắm trong khi một vị
“nguyên thủ” Campuchia ngồi đợi bên ngoài. Còn Tổng Bí thư Lê Duẩn thì
đối xử với tổng bí thư của “bạn” không hề theo nghi lễ (578).
Bị cô lập
Khi đến Liên Hiệp Quốc, trong khi tố cáo “Việt Nam xâm lược”, Sihanouk
đồng thời cũng tố cáo “tội ác diệt chủng” của Khmer Đỏ. Tuy nhiên, thế
giới dường như chỉ chú ý đến sự hiện diện của gần hai trăm nghìn quân
Việt Nam tại Campuchia, khía cạnh cứu “nhân dân Khmer” của cuộc chiến
tranh thì không ai thừa nhận. Người Mỹ khôi phục lại lệnh cấm vận thương
mại, nhiều nước ASEAN quay qua hậu thuẫn cho các lực lượng Khmer chống
Việt Nam. Sau năm 1975, khi ông Nguyễn Cơ Thạch sang Bangkok, các bộ
trưởng ASEAN được nói là sắp hàng đứng chờ bắt tay ông. Sau ngày Việt
Nam có mặt ở Campuchia, khi ông Thạch tới Bangkok, những người biểu tình
gọi ông là “dog eater-kẻ ăn thịt chó”.
Tháng 4-1984, khi quân đội Việt Nam mở chiến dịch đánh vào căn cứ địa
của “ba phái Khmer phản động” nằm trên đường biên giới, trong đó có
những phần nằm sâu trong đất Thái Lan, một máy bay trinh sát L19 của
Thái đã bị trúng đạn phòng không Việt Nam, một trực thăng khác bị bắn
hỏng. Tháng 5-1984, pháo của quân tình nguyện Việt Nam bắn sâu vào lãnh
thổ Thái Lan, phần thuộc tỉnh Surin làm chết và bị thương một số dân
làng. Quan hệ với Thái Lan càng thêm căng thẳng. Theo ông Trần Quang Cơ,
đại sứ Việt Nam tại Thái Lan đầu thập niên 1980, chính quyền Thái Lan
lúc đó gắn bó rất chặt với Trung Quốc trong việc nuôi dưỡng Pol Pot
chống Việt Nam nên, hầu như không có tháng nào là không có những đám
đông biểu tình trước sứ quán hò hét phản đối Việt Nam “xâm lược
Campuchia”, xâm phạm lãnh thổ Thái.
Sự căng thẳng giữa hai quốc gia đã dồn thêm nhiều áp lực lên cộng đồng
Việt Kiều. Các tỉnh Đông Bắc Thái Lan là nơi có nhiều người Việt từ hai
tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An tới làm ăn. Họ đã từng được Thái Lan chào đón.
Cuối thập niên 1920, Nguyễn Ái Quốc thường dừng chân tại đây để gây dựng
cơ sở, truyền bá chủ nghĩa cộng sản trong cộng đồng và liên lạc với các
phong trào trong nước. Đây cũng là vùng có hàng ngàn người Thái cảm
tình với chủ nghĩa cộng sản, nuôi ý đồ làm cách mạng.
Năm 1947, chính phủ có thiện cảm với Hồ Chí Minh của Thủ tướng Bridi
Banomyong bị thay thế bởi một chính phủ thân Mỹ. Lo sợ chủ nghĩa cộng
sản nảy nở, chính quyền mới ban hành luật cấm tuyên truyền cộng sản, cấm
lập hội và không cho tự do ngôn luận. Vùng biên giới Đông Bắc Thái Lan
bị thiết quân luật.
Người Việt ở đây, tuy vẫn được lưu dung, nhưng bị coi là “tị nạn bất hợp pháp”.
Theo ông Trần Quang Cơ: “Họ không được cấp ‘tàng-đạo’ – giấy chứng nhận
ngoại kiều – cũng không được nhập quốc tịch Thái. Mặc dù đã làm ăn sinh
sống trên đất Thái hàng chục năm, hàng chục vạn người Việt vẫn bị quản
thúc, muốn ra khỏi nơi cư trú, muốn đến sứ quán ở Bangkok những dịp Tết
Nguyên đán hay ngày Quốc khánh, đều phải xin giấy phép. Đại sứ Việt Nam
cũng không thể tới những tỉnh Đông Bắc để thăm người Việt” (579).
Năm 1979, khi đến Liên Hiệp Quốc, ông Hoàng Sihanouk đã dừng lại ở New
York khá lâu để chờ chấp thuận tị nạn. Nhưng sự im lặng của người Mỹ đã
đẩy ông trở lại tay Trung Quốc. Tất cả các dinh thự mà người Trung Quốc
và Bắc Triều Tiên tặng ông ở Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn chờ đợi ông.
Thoạt đầu, Sihanouk tuyên bố “không bao giờ hợp tác với Pol Pot”.
Sihanouk đã từng nói với Đặng Tiểu Bình: “Ngài có thể mở tiệc chiêu đãi
tôi, nhưng chúng ta đừng thảo luận về Pol Pot và Khmer Đỏ, nếu không,
cuối cùng chúng ta sẽ ném cốc chén và bát đĩa vào mặtnhau”. Nhưng, khi
Trung Nam Hải để Đặng Dĩnh Siêu, bà quả phụ Chu Ân Lai, người mà ông rất
quý trọng, tiếp, ông Hoàng đã không còn khăng khăng nữa. Đặng Dĩnh Siêu
đã nói với ông: “Hãy quên những nỗi đau riêng của ngài đi”.
Liên Hợp Quốc vẫn giữ chiếc ghế của Campuchia cho Pol Pot. Ngày
22-6-1982, tại Kualalumpur, Đảng Funcinpec của Hoàng thân Norodom
Sihanouk đã ngồi lại với Khmer Đỏ – những kẻ đã giết mười tám người thân
của ông – cùng với Mặt trận Giải phóng Dân tộc Nhân dân Khmer (KPNLF)
của Son Sann, lập “Chính phủ Liên hiệp Ba phái Campuchia Dân chủ” do
Sihanouk làm chủ tịch. Lại một lần nữa Sihanouk đánh cờ cho “Trung Hoa”,
củng cố vị thế chính trị cho lực lượng chủ yếu là Khmer Đỏ.
Phương Bắc
Sau khi ký Hiệp định Paris, Kissinger đã đến Việt Nam. Có nhiều giai
thoại nói rằng khi đó, Kissinger cảnh báo: từ nay, mối đe dọa của Việt
Nam sẽ đến từ phương Bắc. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn tác giả cuốn
sách này, Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger đã cười và giải thích: “Khi
tới Hà Nội, Lê Đức Thọ dẫn tôi đến bảo tàng lịch sử, ở đó chưa nói gì về
chiến tranh với người Mỹ trong khi mô tả khá chi tiết những lần xung
đột với Trung Hoa. Anh nghĩ, Hà Nội còn cần tôi nói với họ điều mà họ đã
thuộc làu qua lịch sử!”.
Cảnh giác với người Trung Hoa là điều có từ trong máu người Việt Nam.
Nhưng, trong lịch sử nghìn năm kháng cự để tồn tại với “Thiên Triều”,
chưa có triều đại nào lại công khai xác định Trung Quốc là “kẻ thù
truyền kiếp và lâu dài” trong các văn kiện chính thức như thời Tổng Bí
thư Lê Duẩn. Trong suốt thập niên Trung Quốc đánh Việt Nam, Hà Nội vẫn
giữ đại sứ tại Bắc Kinh và Bắc Kinh vẫn giữ đại sứ của mình tại Hà Nội.
Nhưng đó là một mối quan hệ không bình thường.
Theo Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc giai đoạn
1974- 1987, ngay từ khi mới xảy ra vấn đề người Hoa, ông đã rất “vất vả
với các trò trẻ con của Trung Quốc”. Tướng Vĩnh kể: “Trung Quốc bố trí
hai chiếc xe ô tô con luôn luôn chầu chực ở hai cửa của sứ quán ta, cán
bộ mình đi đâu nó theo đấy, ngay đại sứ đi nó cũng đi theo. Có lần tôi
ngồi xe có cắm cờ Việt Nam đi từ sứ quán ta ra, đi được một đoạn, mặc dù
đồng chí Quảng đang lái rất nghiêm chỉnh, đúng luật, thế mà cảnh sát
Trung Quốc lại thổi còi bắt dừng xe, rồi bắt lái xe xuất trình giấy tờ.
Giấy tờ đủ cả! Rồi họ cũng phải cho đi tiếp vì không biết làm cách nào,
không tìm ra cái gì để bắt bẻ nữa. Chủ yếu là họ làm chậm hành trình để
tôi sai hẹn với đối tác hoặc với đại sứ nước nào đó”. Nhân viên sân bay
Bắc Kinh cũng từng bắt Tướng Vĩnh đi vào cửa kiểm tra hành lý, cho dù
ông được quyền “miễn trừ ngoại giao”.
Tướng Vĩnh dọa “họp báo tố cáo Bắc Kinh vi phạm công ước quốc tế” và
dọa sẽ áp dụng biện pháp tương tự với đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội theo
“nguyên tắc đối đẳng” họ mới để ông đi theo cửa không kiểm tra hành lý.
Sau khi Trung Quốc rút hết quân vào ngày 18-3-1979, hai bên đã có hai
vòng đàm phán – vòng 1, từ 18-4 đến 18-5-79 tại Hà Nội và vòng 2, từ
28-6-79 đến 6-3- 80, tại Bắc Kinh – chủ yếu là giải quyết vấn đề tù
binh. Theo ông Trần Quang Cơ: “Từ năm 1980 đến cuối năm 1988, ngót hai
chục lần Việt Nam gửi thư hoặc công hàm cho Trung Quốc đề nghị nối lại
đàm phán nhưng đều bị Trung Quốc bác. Trung Quốc nâng cao dần điều kiện
lên: về quân sự đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, về chính trị đòi
Việt Nam chấp nhận sẽ lập chính phủ liên hiệp ở Campuchia, bao gồm cả
Khmer Đỏ”.
Chỉ hơn một năm sau khi tuyên bố rút quân, Trung Quốc bắt đầu gây chiến
tranh trở lại (580). Duy trì chiến sự trên biên giới phía Bắc không chỉ
làm suy kiệt Việt Nam mà còn là nơi để Trung Quốc phối hợp tấn công khi
các phái Khmer chống Việt Nam bị đánh đuổi trên vùng biên giới Thái (581).
So với thời điểm tháng 2-1979, cuộc tiến công năm 1984 của Trung Quốc có
trình độ tác chiến cao hơn hẳn. Ngày 16-5- 1984, chỉ sau mười tám ngày
điều quân, Trung Quốc đã chiếm và chốt giữ hai mươi chín điểm dọc biên
giới Việt Nam.
Cuộc phản công đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu từ ngày
11-6-1984, đánh vào các cao điểm 233, 685 nhưng không thành công. Cuộc
phản công quy mô hơn vào ngày 12-7-1984 cũng bị coi là thất bại. Chiến
sự ở thế dằng co kéo dài cho tới tháng Giêng năm 1985. Có những nơi,
chốt của quân đội Việt Nam cách chốt của quân Trung Quốc chỉ từ sáu đến
tám mét; có những điểm cao, đôi bên liên tục giành giật, chiếm đi, chiếm
lại ba bốn chục lần. Do địa hình phía Việt Nam hiểm trở, tháng 3-1985,
Trung Quốc chiếm lại được bốn điểm cao quan trọng thuộc khu vực Quân khu
II, đặc biệt là các khu vực thuộc vùng biên giới Hà Giang. Đây là giai
đoạn chiến tranh có tỉ lệ thương vong cao nhất ở vùng biên giới (582).
Tháng 2-1979, khi Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam, Liên Xô đang có năm
mươi sáu sư đoàn ở vùng biên giới với Trung Quốc nhưng đã không có bất
cứ một động thái quân sự nào. Trước “thông điệp” này, Đặng Tiểu Bình
quyết định “đi đêm” ngay với Moscow, và mặc dù nhận ra sự yếu kém của
quân đội, Đặng quyết định không cần vội vã chi tiền hiện đại hóa quân
sự (583). Tuy nhiên, Đặng vẫn duy trì chiến tranh quy mô nhỏ trên vùng biên
giới, một mặt giữ chân thường xuyên hơn 800 nghìn quân Việt Nam (584), mặt
khác, biên giới trở thành chiến trường thật để quân đội Trung Quốc có
nơi huấn luyện. Trong thập niên 1980, gần hết lực lượng bộ binh Trung
Quốc ở trên cả nước đã được luân chuyển đến tác chiến ở vùng biên giới
Việt Nam (585).
Chiến cuộc đã giữ chân đội quân bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam lên
tới ba quân đoàn, mười một sư đoàn, mười ba trung đoàn trung đoàn và bảy
mươi tiểu đoàn độc lập, góp phần đưa lượng quân thường trực ở cả hai
đầu đất nước lên tới 1,6 triệu người. Sau khi Gorbachev nhận chức tổng
bí thư, viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam bắt đầu bị cắt giảm. Người
lính trên biên giới phía Bắc vừa rất khổ về vật chất, vừa rất căng thẳng
về tinh thần. Hà Nội nhận ra không thể tiếp tục duy trì tình trạng đó.
“Giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia” liên quan đến “bình thường
hóa quan hệ Việt – Trung” được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết
32/BCT21, ngày 9- 7-1986, một ngày trước cái chết của Tổng Bí thư Lê
Duẩn. Hội nghị do Trường Chinh chủ trì. Nghị quyết 32 ra đời, theo Thứ
trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, “không phải là ngẫu nhiên”. Gần hai
mươi ngày sau đó (28-7-1986), tại Vladivodstock, Gorbachev công bố chính
sách đối ngoại mới, theo đó, Liên Xô sẽ: “Xích gần lại với Trung Quốc,
giải quyết ‘ba trở ngại’ mà Trung Quốc nêu ra: rút quân khỏi
Afghanistan, chấm dứt xung đột biên giới Trung-Xô, giải quyết vấn đề
Campuchia”. Gorbachev tuyên bố: “Vấn đề Campuchia không thể giải quyết ở
các thủ đô xa xôi, kể cả ở Liệp Hiệp quốc mà phải giải quyết giữa Việt
Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng”.
Vấn đề “Việt Nam rút quân khỏi Campuchia” đã từng được Trung Quốc đề
cập tại vòng một, đàm phán Xô-Trung, tháng 10-1982. Sau chiến dịch pháo
kích và tập kích quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới miền Bắc – kéo dài
từ tháng 4 đến tháng 6-1984 – Trung Quốc tuyên bố: chỉ cần Việt Nam hứa
rút quân khỏi Campuchia thì hai bên sẽ bắt đầu đàm phán. Ngày 21-1-85,
trong thư gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc
Ngô Học Khiêm viết: “Quan hệ Trung-Việt xấu đi, vấn đề cốt lõi là quân
đội Việt Nam xâm chiếm Campuchia… Sau khi Việt Nam công khai cam kết và
thực hiện rút quân thì đàm phán mới có ý nghĩa thực tế” (586).
Ngày 7-3-1987, chưa đầy ba tuần sau khi ông Lê Đức Anh nhận chức bộ
trưởng Quốc phòng, Bộ Chính trị tổ chức một hội nghị hẹp, Tướng Lê Đức
Anh cho rằng: “Trung Quốc gây xung đột vũ trang ở biên giới không phải
có ý định xâm lược mà vì một mục đích khác” (587). Sau Hội nghị đó, Tướng
Lê Đức Anh đã cho: “Điều chỉnh tạm thời lại thế bố trí chiến đấu ở biên
giới phía Bắc: Các đơn vị chủ lực cơ động lui xuống phía sau, tuyến thứ
hai; đưa dân lên sống và sản xuất, đưa dân quân, bộ đội địa phương và bộ
đội biên phòng lên tuyến một”. Theo ông thì sự điều chỉnh này “là bước
thăm dò đầu tiên với phía bên kia” (588).
Đầu năm 1987, Việt Nam bắt đầu “giảm tuyên truyền chống đối Trung
Quốc”. Theo Thứ trưởng Trần Quang Cơ: “Ngày 20-5-87, Bộ Ngoại giao làm
tờ trình lên Bộ Chính trị kiến nghị sửa Lời nói đầu của Hiến pháp, bỏ
chỗ nói Trung Quốc là 'kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất' như đã sửa
Điều lệ Đảng. Mãi tới 26-8-88 Quốc hội mới có nghị quyết thông qua việc
sửa này” (589).
Ngày 20-5-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 13, xác định: “Bình thường
hoá quan hệ với Trung Quốc là một quá trình gay go, phức tạp, đòi hỏi có
thời gian. Sau khi bình thường hóa, quan hệ hai nước khó trở lại ngay
như những năm 1950, 1960… Cần phòng ngừa, khắc phục những tư tưởng lệch
lạc, chỉ thấy giới hạn Trung Quốc là bá quyền, không thấy Trung Quốc là
xã hội chủ nghĩa; hoặc chỉ thấy Trung Quốc là xã hội chủ nghĩa mà không
thấy bá quyền, bành trướng” (590).
Lúc này, cả Hà Nội và Phnom Penh đều nhận thấy không thể trì hoãn việc
rút quân đội Việt Nam ra khỏi Campuchia. Càng ngày, Phnom Penh càng chịu
nhiều sức ép quốc tế và các nhà lãnh đạo Phnom Penh biết rõ: Không có
quân đội Việt Nam thì Pol Pot có thể cướp lại chính quyền, nhưng nếu vẫn
còn quân đội Việt Nam thì vai trò chính trị của Phnom Penh vẫn bị coi
là lệ thuộc. Họ nhận thấy cơ hội của mình và chấp nhận tác chiến độc lập
với một đối thủ đã từng tàn bạo.
Ngày 5-1-1989, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến Phnom Penh dự lễ kỷ
niệm “ngày 7 tháng Giêng”, trong cuộc hội đàm lúc mười sáu giờ chiều
cùng ngày, theo đề nghị của Chủ tịch Heng Samrin, Tổng Bí thư Nguyễn Văn
Linh đã sửa bài diễn văn chuẩn bị từ Việt Nam. Để chiều 6-1-1989, hai
nhà lãnh đạo cùng tuyên bố: “Việt Nam rút hết quân chậm nhất là tháng
9-1989 nếu có giải pháp chính trị” (591). Trước ngày rút hết quân, Việt Nam
cho lập năm tổng lãnh sự quán ở những vùng nguy cơ Khmer Đỏ cao. Những
người giữ chức tổng lãnh sự này đều là sỹ quan cấp tá dày dạn chiến
trường chứ không phải là các nhà ngoại giao.
Ngày 30-9-1989, bốn ngày sau khi Việt Nam rút quân đợt cuối, lực lượng
Son Sann đánh chiếm Thmar Ponk. Ngày 22-10-1989, Khmer Đỏ đánh chiếm
Pailin và uy hiếp thị xã Battambang. Bộ đội Campuchia ở Pailin bỏ chạy.
Phnom Penh cầu cứu và Việt Nam đã đưa một lực lượng đặc biệt lên giúp bộ
đội Phnom Penh tái chiếm. Quân đội Campuchia thấy Việt Nam chưa bỏ rơi
mình, Khmer Đỏ cũng ý thức rõ hơn điều đó nên về sau, đã không còn có
chiến dịch nào uy hiếp mạnh hơn (592).
Tuyên bố rút hết quân khỏi Campuchia vào năm 1989 của Việt Nam đã phá
vỡ nhiều bế tắc, các diễn đàn mới về Campuchia được khai thông. Trung
Quốc không còn có thể gây sức ép với Việt Nam và ASEAN như trước, cho dù
vẫn tìm cách chống phá Việt Nam, và gây xung đột vũ trang ở Trường Sa
vào tháng 3-1988 (593).
Hội nghị Thành Đô
Ngày 7-10-1989, khi tiếp Tổng Bí thư Lào, ông Kayson Phomvihan, Đặng
Tiểu Bình đã dùng sáu mươi phút trong toàn bộ bảy mươi phút nói chuyện
để nói về Việt Nam. Trong khi phê phán nặng nề Lê Duẩn, Đặng đã ca ngợi
Nguyễn Văn Linh là “người sáng suốt”. Một thông điệp bình thường hóa
giữa Đặng Tiểu Bình và Nguyễn Văn Linh đã được truyền đi. Tuy nhiên,
theo ông Trần Quang Cơ, Bắc Kinh vẫn tiếp tục lạnh lùng sau khi Nguyễn
Văn Linh phản hồi tích cực.
Con đường đến với Bắc Kinh còn qua một kênh khác mà cả Tướng Lê Đức Anh
lẫn Bộ Ngoại giao đều hoàn toàn không biết. Tháng 9-1989, Chủ nhiệm Ủy
ban Kế hoạch Nhà nước Phan Văn Khải sang Nhật gặp chủ tịch Đảng Tự do
Dân chủ, ôngMichio Watanabe (594). Cuộc gặp tại trụ sở đảng của ông
Watanabe diễn ra thân mật, đôi bên bàn một số vấn đề chiến lược về hợp
tác kinh tế, bàn những công việc cóthể bắt đầu ngay sau khi Mỹ bỏ cấm
vận. Theo ông Phan Văn Khải, cuối cuộc gặp, ông Watanabe gợi ý: “Tôi có
nhiều bạn bè quốc tế, liệu tôi có thể giúp được gì không?”. Được lời,
ông Khải nói: “Việt Nam muốn bình thường hóa với các nước, đặc biệt là
với Trung Quốc và Mỹ”.
Giữa năm 1990, ông Michio Watanabe đi Bắc Kinh gặp Giang Trạch Dân. Sau
chuyến đi đó, ngày 7-5-1990, Watanabe lặng lẽ bay tới Sài Gòn. Ông được
đưa tới biệt thự 261 Điện Biên Phủ, nơi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh,
Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Phan Văn Khải, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ
và người trung gian, ông Charles Đức (595) đang đợi. Ông Phan Văn Khải
thừa nhận, ông Watanabe chuyển tới Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh những tín
hiệu tích cực. Sau khi ông Watanabe rời Sài Gòn, Bắc Kinh gửi Thứ
trưởng Ngoại giao Từ Đôn Tín đến Hà Nội.
Trước khi Từ Đôn Tín đến Hà Nội, ngày 5-6-1990, ông Nguyễn Văn Linh mời
Đại sứ Trương Đức Duy đến Nhà khách Trung ương Đảng “nói chuyện thân
mật”. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói với Trương Đức Duy là ông sẵn sàng
đến Bắc Kinh. Ông Nguyễn Văn Linh thừa nhận: “Trong quan hệ hai nước,
mười năm qua có nhiều cái sai. Có cái đã sửa như việc sửa đổi Lời nói
đầu của Hiến Pháp, có cái sai đang sửa” (596). Sáng hôm sau, ngày 6-6-1990,
Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh cũng mời cơm Đại sứ Trương Đức Duy.
Trương Đức Duy vốn là thông dịch, rất thạo tiếng Việt nên cuộc gặp chỉ
có hai người. Bộ Ngoại giao chỉ biết thông tin về cuộc gặp nàyvào chiều
10-6-1990 từ Bí thư Thứ nhất sứ quán Trung Quốc Hồ Càn Văn (597).
Ngày 29-8-1990, Đại sứ Trương Đức Duy xin gặp gấp Tổng Bí thư Nguyễn
Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, chuyển thông điệp của
Bắc Kinh mời Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành
Đô – thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc – vào ngày 3-9-1990 để “hội đàm
bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước”.
Chuyến đi Thành Đô vào ngày 2-9-1990 gồm Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Cố
vấn Phạm Văn Đồng, được tháp tùng bởi Hồng Hà, chánh Văn phòng Trung
ương, Hoàng Bích Sơn, trưởng Ban Đối ngoại và Thứ trưởng Ngoại Giao Đinh
Nho Liêm. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch không có trong thành
phần cuộc gặp.
Hội nghị Thành Đô đóng vai trò quyết định trong tiến trình bình thường
hóa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Nó là cơ sở để thiết lập hòa bình trên
biên giới Việt- Trung, một biên giới chiến trường bắt đầu có cơ hội
chuyển sang biên giới thị trường. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
không chỉ muốn cuộc gặp gói gọn trong vấn đề hai nước.
Ngày 5-6-1990, trong cuộc gặp Đại sứ Trương Đức Duy, tổng bí thư Việt
Nam đã sốt sắng ngỏ ý muốn sang gặp lãnh đạo Trung Quốc để “bàn vấn đề
bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Ông Nguyễn Văn Linh nói với Trương Đức Duy:
“Chúng tôi muốn cùng những người cộng sản chân chính bàn vấn đề bảo vệ
chủ nghĩa xã hội… Tôi sẵn sàng sang Trung Quốc gặp lãnh đạo cấp cao Trung
Quốc để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Các đồng chí cứ kêu một tiếng là
tôi đi ngay… Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, kiên
trì chủ nghĩa Mác-Lênin” (598). Thay vì bắt đầu một kỷ nguyên Việt Nam
thiết lập quan hệ với Trung Quốc bằng tư thế độc lập của một quốc gia và
chỉ vì quyền lợi quốc gia, Trung Quốc vẫn được coi là đàn anh trong mối
tương quan của hai quốc gia cộng sản. Điều này còn ảnh hưởng đến mối
quan hệ giữa Hà Nội và Phnom Penh.
Trong cuộc gặp Trương Đức Duy ngày 5-6-1990, tổng bí thư tiếp tục đề
cập đến “giải pháp Đỏ”, giải pháp chấp nhận Khmer Đỏ trong thành phần
chính phủ mới ở Phnom Penh. Ông Nguyễn Văn Linh giải thích: “Không lý gì
những người cộng sản lại không thể bàn với những người cộng sản; họ gặp
Sihanouk còn được huống chi là gặp lại nhau” (599). Ngày 6-6-1990 Tướng Lê
Đức Anh nói với Trương Đức Duy: “Sihanouk sẽ chỉ đóng vai trò tượng
trưng, danh dự, còn lực lượng chủ chốt của hai bên Campuchia là lực lượng
Heng Somrin và lực lượng Pol Pot, Trung Quốc và Việt Nam mỗi bên sẽ bàn
với bạn Campuchia của mình, và thu xếp để hai bên gặp nhau giải quyết
vấn đề. Đây là gặp nhau bên trong, còn bên ngoài hoạt động ngoại giao
vẫn như thường… Ngày xưa Pol Pot là bạn chiến đấu của tôi” (600).
Tại Hội nghị Thành Đô, sáng kiến “giải pháp đỏ” mà lãnh đạo Việt Nam
đưa ra đã bị Lý Bằng và cả Giang Trạch Dân bác bỏ. Giang Trạch Dân đã
giảng giải cho phía Việt Nam: “Tình hình quốc tế hiện nay nếu để hai
đảng cộng sản bắt tay nhau là sách lược không lợi cho chúng ta”. Theo
ông Trần Quang Cơ, trong bảy điểm về Campuchia thống nhất ở Hội nghị
Thành Đô, có hai điểm có tính chất chung, năm điểm còn lại hoàn toàn là
đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, không có điểm nào theo yêu cầu của Việt
Nam (601).
Campuchia thời hậu Việt Nam
Đất nước Campuchia may mắn đã không rơi trở lại vào tay của Khmer Đỏ
sau khi Việt Nam rút quân như trường hợp Afganistan rơi vào tay Taliban
thời kỳ hậuLiên xô. Và cũng thực sự may mắn cho người dân Campuchia khi
những người được Hà Nội đưa lên nắm quyền ở Phnom Penh, đặc biệt là Hun
Sen, đã không nghe theo Hà Nội một cách mù quáng. Khi đứng trước thời
cuộc mới, họ đã biết quyết định dựa trên quyền lợi của dân tộc mình.
Ngay sau Hội nghị Thành Đô, ngày 5-9-1990, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười,
Nguyễn Cơ Thạch và Lê Đức Anh, bay sang Phnom Penh thuyết phục Phnom
Penh chấp nhận thỏa thuận Thành Đô, coi Trung Quốc là một đồng minh.
Nhưng điều này chỉ làm cho Phnom Penh càng xa hơn với Hà Nội. Theo Đại
sứ Ngô Điền: “Về công khai, bạn cố tránh tỏ ra bị lệ thuộc vào Việt Nam.
Trên cơ sở tính toán về lợi ích của mình, bạn tự quyết định lấy đối
sách, không trao đổi trước với ta, hoặc quyết định trái với sự gợi ý của
ta trên nhiều việc”.
Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, muốn Phnom Penh chọn “giải pháp Đỏ” nhằm
để “hai phái Khmer cộng sản” hợp tác với nhau. Nhưng, hơn ba năm sống
dưới triềuđại Pol Pot, các nhà lãnh đạo Campuchia đã mất đủ máu xương để
biết sợ cái gọi là “cộng sản”. Năm tháng trước khi Việt Nam rút hết
quân, ngày 30-4-1989, Phnom Penh quyết định đổi tên nước “Cộng hòa Nhân
dân Campuchia” thành “Nhà nước Campuchia”.
Ngày 18-10-1991, khi Việt Nam không còn can thiệp được vào các quyết
định của Phnom Penh, Campuchia đã sửa đổi hiến pháp theo hướng từ bỏ chủ
nghĩa xã hội: chấp nhận kinh tế thị trường tự do và hệ thống chính trị
đa đảng. Tên nước, quốc kỳ, quốc ca, ngày quốc khánh thời Sihanouk được
đưa ra dùng trở lại. Hai chữ “cách mạng” trong tên gọi Đảng Nhân dân
Cách mạng Campuchia, đảng mà Việt Nam giúp dựng lên, đã được bỏ đi.
Năm 1985, khi tổng kết một lớp tập huấn chuyên gia, Tướng Lê Đức Anh
cho rằng lực lượng Quân Tình nguyện sẽ rút trước sau khi giúp Phnom Penh
tự đảm đương được về quân sự, nhưng đội ngũ chuyên gia thì phải ở lại
Campuchia cho tới năm 2000. Trên thực tế, khi Việt Nam ngỏ lời rút
chuyên gia, “bạn” sốt sắng đồng ý và thúc đẩy tiến trình này diễn ra
nhanh hơn. Đoàn Chuyên gia đã được giải thể từ ngày 30-12-1988.
Trừ một số không nhiều cán bộ Việt Nam thực sự có năng lực, phần lớn
chuyên gia chỉ là những người năng nổ, nhiệt tình, sốt sắng áp đặt những
kinh nghiệm, lề lối làm việc máy móc từ chế độ quan liêu bao cấp Việt
Nam. Sau Hội nghị Cán bộ Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 4-1989, Hun
Sen đã khen ngợi Bí thư tỉnh Takeo, Pol Saroeun, khi ông này đã biết
“báo cáo láo” để qua mặt chuyên gia về thành tích xây dựng “hợp tác hóa”
trong nông nghiệp. Nhờ không hình thành mô hình tổ đoàn kết sản xuất
theo yêu cầu của chuyên gia Việt Nam, trong khi vẫn báo cáo “có” lên
chuyên gia, sản xuất nông nghiệp của Takeo đã khá hơn các tỉnh khác.
Cũng tại Hội nghị Cán bộ Đảng toàn quốc lần II, Campuchia đã thay căn
bản thành phần nhân sự mà chuyên gia Việt Nam trước đây áp đặt. Giai
đoạn 1979- 1981, nhóm “tập kết” được ông Lê Đức Thọ đưa về gần như thống
lĩnh Phnom Penh. Từ tháng 4-1989, nhóm từ lực lượng Quân Khu Đông (khu
203) chạy sangViệt Nam, cầm đầu bởi Chea Sim, Hun Sen, Ouk Bun Sươn,
Heng Samrin, bắt đầu thâu tóm dần quyền bính (602).
Đây không hẳn là sự kỳ thị. Theo ông Ngô Điền, ngay từ đầu chuyên gia
Việt Nam đã không tin những người thuộc phái Khu 203. Ở Bộ Nội vụ, những
người thực sự có năng lực như Sin Song được cả Heng Samrin lẫn Chea Sim
đề cử nhưng vẫn không được chuyên gia chấp nhận; trong khi đó, Khang
Sarin, một người “năng lực có hạn, đạo đức kém, sinh hoạt bừa bãi”, lại
được đưa lên làm bộ trưởng (1981). Khi thấy Khang Sarin không hoàn thành
nhiệm vụ, “chuyên gia” lại đưa Nay Pena, một người năng lực không khá
gì hơn lên thay. Phải đến khi chuyên gia rút, “bạn” mới đưa được Sin
Song lên làm Bộ trưởng.
Yim Chhay Li, vốn là y tá, chỉ bổ túc nghề ở Việt Nam một thời gian
ngắn, cũng được “chuyên gia” đưa lên làm bộ trưởng Y tế. So Niet, theo
ông Ngô Điền, “dốt nát và thường say rượu”, cũng được cử làm thứ trưởng
Bộ Nội vụ. Đặc biệt, nữ y tá Quân khu VII Mel Sam Ol đã được Tướng Lê Đức
Anh và các chuyên gia Trần Xuân Bách, Đỗ Chính, Phạm Bái đưa lên giữ
chức trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng thay cho Xại Phuthong, một kháng
chiến quân kỳ cựu (603). Ngay từ khi chuyên gia chưa rút, các quyết định
lớn về nhân sự, Heng Samrin, Chea Sim và Hun Sen đã phải làm thay. Sau
tháng 4-1989, tuy chưa tiện đưa Mel Sam Ol ra khỏi Bộ Chínhtrị nhưng nữ ý
tá này chỉ còn giữ chức chủ tịch Công đoàn. Hun Sen càng ngày càng tỏ
ra bản lĩnh, tách khỏi các ảnh hưởng của Việt Nam và đưa ra những quyết
định thích hợp hơn với thời cuộc.
Tối 23-10-1991, Hội nghị hòa bình về Campuchia kết thúc. Một hiệp định
đã được ký kết tại Paris, theo đó, Liên Hiệp Quốc sẽ gửi tới Campuchia
một lực lượng gìn giữ hòa bình gọi là UNTAC. UNTAC sẽ cùng với Hội đồng
Dân tộc Tối cao SNC điều hành chính quyền Campuchia và tổ chức bầu cử.
Mặc dù, theo ông Trần Quang Cơ, ngày 24-2-1991, khi gặp Heng Samrin ở Hà
Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vẫn cố ép “thực hiện tốt chính sách
hòa hợp dân tộc, không nên nhấn mạnh vấn đề diệt chủng, SNC nên gồm mười
ba thành viên do Sihanouk làm chủ tịch”. Nhưng Phnom Penh đã không nghe
theo lời khuyên ấy.
Trong khi đó, Hà Nội đã không bắt kịp tình hình, vẫn giữ “ông thầy” Ngô
Điền của Hun Sen ở lại Phnom Penh sau khi Hiệp định Paris về Campuchia
đã có hiệu lực, “nguyên thủ” mới là Sihanouk chứ không còn là Heng
Sarin. Chính phủ Hun Sen có nhu cầu thiết lập một trật tự mới trong
chính sách đối ngoại, áp dụng sách lược tách khỏi Việt Nam để tranh thủ
sự ủng hộ quốc tế và tránh bị các phái Khmer khai thác. Một chỉ lệnh đã
được bí mật truyền đi trong nội bộ Đảng Nhân dân Campuchia lúc đó, yêu
cầu các cấp tiêu hủy các tài liệu liên quan đến Việt Nam, tránh công
khai nhắc đến Việt Nam.
Mặc dù giữa năm 1991, cả Hun Sen và Sihanouk đều không tỏ thái độ gì về
phương án ông Ngô Điền tiếp tục ở Phnom Penh làm đại sứ, nhưng ngày
3-9-1991, khi tới thăm Ngô Điền tại Phnom Penh, phóng viên tờ báo Pháp
Le Monde, J.C. Pomonti đã hỏi: “Liệu Sihanouk có vừa lòng khi một người
đã được ông ta gọi là thái thú (proconsul) lại là đại sứ bên cạnh SNC?”.
Tháng 10-1991, tại Hội nghị Paris, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn
Mạnh Cầm hỏi Sihanouk về việc Ngô Điền kiêm nhiệm đại sứ bên cạnh SNC,
Sihanouk đã viện cớ Son Sann không đồng thuận để ngầm từ chối. Khi ông
Cầm hỏi Hun Sen, Hun Sen đã trả lời: “Có lẽ là phải làm như vậy”.
Từ giữa tháng 9-1991, Hun Sen bốn lần từ chối tiếp “người thầy vĩ đại
của mình” nhưng chính sách của Hà Nội đối với Phnom Penh phải nhiều
tháng sau mới thay đổi (604). Ngày 5-11-1991, khi Ngô Điền liên hệ, Hun Sen
đã cáo bận. Ngày 6-11- 1991, một ủy viên Bộ Chính trị Campuchia là Sok
An, gặp đại sứ Ấn Độ, Cu Ba và một số nước đã từng là “cộng sản”, thông
báo, các nước nên rút đại sứ trước ngày 14-11-1991, ngày Sihanouk về
Phnom Penh, một cách “lặng lẽ, lịch sự và không tuyên bố”; vì, Hun Sen
sẽ nói với Sihanouk, tất cả các đại sứ bên cạnh chính phủ của ông đã
rút.
Khi ấy, các lãnh đạo Việt Nam như Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Mạnh Cầm
lại đang ở thăm Trung Quốc. Mãi tới ngày 10-11-1991, ông Ngô Điền mới
được lệnh rời khỏi Campuchia. Ông chỉ có hai ngày để chia tay bạn bè và
thu xếp hành trang.
Sau mười ba năm làm “thái thú” ở Campuchia, ông Ngô Điền phải rời Phnom
Penh mà không được một quan chức Campuchia nào đưa tiễn.
Sáng 13-11-1991, trong khuôn viên đại sứ quán Việt Nam, hai người nấu
bếp của sứ quán vốn là người Khmer Krom đã phải quấn xà-rông, ôm hoa tặng
ông Ngô Điền để chụp hình. Ít phút sau, ông cùng vợ lên xe, theo đường
bộ, rời khỏi Phnom Penh mãi mãi. Hun Sen khi đó đã lên đường đến Bắc
Kinh đón Hoàng thân Sihnouk. Từ 1987, Hun Sen đã gặp Sihanouk nhiều lần,
Đảng Nhân dân Campuchia biết vai trò của ông Hoàng trong cộng đồng quốc
tế và biết rõ lòng sùng kính của nhân dân dành cho ông. Trưa
14-11-1991, chiếc Boeing 737 của Hàng không Trung Quốc hạ cánh xuống sân
bay Pochentong. Ông Hoàng xuất hiện trước cửa máy bay giữa tiếng hò reo
nồng nhiệt của đám đông. Kế bước theo ông là Hun Sen. Các thiếu nữ
choàng lên cổ Sihanouk và Hun Sen những vòng hoa nhài.
Trước đó, chính quyền Phnom Penh đã lùng mua được một chiếc Chevrolet
mui trần, loại xe ông Hoàng ưa dùng khi đang ở trên đỉnh cao quyền lực.
Một người lái xe cũ của Hoàng gia cũng đã được tuyển chọn để lái chiếc
xe đón Hoàng thân Sihanouk. Trên con đường dài gần 8km, chạy từ sân bay
về Hoàng Cung, người dân Campuchia đứng chen nhau trong cờ hoa để đón
chào ông Hoàng của họ. Trên chiếc Chevrolet mui trần ấy, Hun Sen đứng bên
cạnh ông Hoàng, chia sẻ những vinh quang mà người dân Campuchia dành
cho ông. Trước đó, Đảng Nhân dân Campuchia cũng đã chi một khoản tiền
lớn để tu bổ Hoàng cung, mua sắm phương tiện cho ông hoàng Sihanouk (605).
Trước bầu cử, UNTAC cho phép lập ở Campuchia hai mươi đảng chính trị,
bốn tổ chức nhân quyền và cấp phép cho ra đời nhiều tờ báo đối lập. Theo
đại sứ Việt Nam tại Phnom Penh, ông Trần Huy Chương: “Việc giết hại
người Việt xảy ra ở nhiều nơi do một số báo tuyên truyền, kích động.
Trong các cuộc họp của P5, Trung Quốc luôn có thái độ có hại cho lợi ích
của Việt Nam”.
Các tổ chức chính trị còn cáo buộc quân đội Việt Nam chưa rút hết khỏi
Campuchia. Ngày 25-01-1992, Sihanouk phải xác nhận không còn quân đội
ViệtNam. Nhưng con trai ông, Hoàng thân Ranaridh, ngày 12-05-1992 lại
nói là đang có 40.000 quân Việt Nam và một triệu Việt kiều ở Campuchia.
Hơn hai tuần sau, ngày 28-05-1992, ông Akashi đại diện đặc biệt của tổng
thư ký Liên Hợp quốc đã phải làm dịu tình hình bằng cách tuyên bố
“không có bằng chứng về sự hiện diện của quân đội Việt Nam ở Campuchia”
nữa.
Trước khi UNTAC tới Phnom Penh, chính quyền Hun Sen cũng đã đưa ra khỏi
các cơ quan nhà nước một số người có thể “bị nghi ngờ là Việt Nam”.
Chính UNTAC, khi giám sát và kiểm soát năm bộ của Chính phủ Hun Sen cũng
đã loại bỏ thêm một số người bị cho là lai Việt.
Theo Đại sứ Trần Huy Chương: “Ngày 1-3-1993, sau nhiều lần điều chỉnh
định nghĩa, khái niệm ‘lực lượng nước ngoài’, UNTAC phát hiện ba người đã
từng ở trong quân đội Việt Nam nhưng sau khi giải ngũ lấy vợ sanh con
và ở lại. UNTAC đòi đưa ba người này ra khỏi Campuchia. Ta giải thích
rằng, việc trục xuất họ, chẳng những sai trái về mặt pháp luật, mà còn
là tội ác vô nhân đạo, vi phạm nhân quyền. Cuốicùng UNTAC không nêu lại
vấn đề này và cũng không dẫn độ ba người nói trên ra khỏi Campuchia” (606).
Các lực lượng đối lập với Hun Sen phối hợp với Khmer Đỏ tiến hành nhiều
cuộc khủng bố để xua đuổi Việt kiều. Cuối năm 1992, một lực lượng mà
Chính phủ Hun Sen nói là Khmer Đỏ đã sát hại chín mươi hai người Việt
Nam ở Đầm Be. Đây là số lao động do Công ty Miền Đông, một công ty được
Quân Khu VII lập ra thời kỳ hậu Campuchia, đưa sang khai thác gỗ theo
một thỏa thuận ký giữa quân đội Việt Nam và Chính phủ Phnom Penh.
Ngày 15-3-1993, Hoàng thân Shihanouk “khuyên người Việt nam về nước vì ở
Campuchia không có an ninh”. Theo Đại sứ Trần Huy Chương: UNTAC đã làm
ngơ trước hành động khủng bố, làm cho hàng vạn người Việt đã phải rời
khỏi Campuchia về nước, mặc dù họ đã sống qua nhiều thế hệ ở Campuchia.
Tính đến khi cuộc vận động bầu cử chấm dứt vào ngày 18-5-1993, có 131
người bị KhmerĐỏ giết, 250 người bị thương, năm mươi ba người bị bắt
cóc; đặc biệt 25.000 người Việt đã phải rời Campuchia chạy qua biên giới
lánh nạn, phần lớn về định cư tại một số tỉnh miền Nam Việt Nam. Hơn
4000 người đã bị kẹt lại ở Korthum, biên giới Việt Nam - Campuchia”.
Trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 23-5-1993, Đảng Funcinpec của
Ranaridh dẫn trước với số phiếu chiếm 45%, Đảng Nhân dân Campuchia của
Hun Sen chỉ được 38%, Mặt trận KNLF của Son Sann được 4%. Nhưng trước áp
lực của Hun Sen, Sihanouk phải thuyết phục con trai nhượng bộ607. Ngày
15-6-1993 Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công nhận kết quả bầu cử và đề
cao vai trò lãnh đạo của Shihanouk. Hôm sau, ngày 16-6, Sihanouk đề cử
Ranaridh và Hun Sen làm đồng thủ tướng của chính phủ liên hiệp lâm thời,
cho phép các đảng có chân trong quốc hội được tham gia chính phủ.
Ngày 8-8-1993 chính phủ tấn công vào các khu vực Khmer Đỏ đã lấn chiếm
trong thời kỳ UNTAC như Kongpong Thom, Preah Vihear, Siem Riep, Ban Tây
Miên Chây nhằm xóa bỏ thế da báo. Cuộc tấn công có sự phối hợp của ba
phái cầm quyền thu được kết quả lớn. Khmer Đỏ phải rút về khu vực mà
chúng kiểm soát trước khi có Hiệp định Paris.
Ngày 24-9-1993 Hiến pháp Campuchia được công bố chính thức. Nhà vua với
tư cách là quốc trưởng chỉ định Ranaridh làm thủ tướng thứ nhất, Hun
Sen làm thủ tướng thứ hai; Sihanouk tuyên thệ làm vua, Monique trở thành
hoàng hậu. Ngày 25-10-1993, Quốc hội Campuchia họp phiên đầu tiên và hôm
sau, lễ trao quyền cho Chính phủ được thực hiện.
Các lực lượng UNTAC rút khỏi Campuchia vào ngày 15-11-1993. Quyền lực
trên thực tế vẫn nằm trong tay Hun Sen. Tuy phải chia sẻ một số ghế ở
chính quyền trung ương, nhưng chính quyền địa phương về cơ bản vẫn nằm
trong tay Đảng Nhân dân Campuchia. Hun Sen còn bị thách thức ba lần trước
khi ông thâu tóm gần như hoàn toàn quyền lực (608).
Cho dù Hun Sen rồi sẽ bị chỉ trích như một nhà độc tài, quyền lực của
ông càng được củng cố ở Campuchia càng làm cho các nhà lãnh đạo Việt Nam
cùng thời yên tâm. Phía Tây Nam từ đây là một quốc gia láng giềng. Phần
tiếp giáp với Trung Quốc cũng bắt đầu trở thành một đường biên mậu
dịch. Chiến tranh chính thức kết thúc đối với Việt Nam. Hà Nội trở về
với những vấn đề lợi quyền muôn thuở.
***
Chú thích chương 11
(558) Đại Tướng Lê Đức Anh, Nhà Xuất bản Quân Đội Nhân Dân, 2005.
(559) Phạm Văn Trà, 2009, trang 326-327.
(560) Phạm Văn Trà, 2009, trang 327-328.
(561) Mai Xuân Tần, 2005, trang 176.
(562) Mai Xuân Tần, 2005, trang 176.
(563) Sđd, trang 177.
(564) Theo điệu bài hát Anh Ở Đầu Sông Em Cuối Sông, Phan Huỳnh Điểu.
(565) Văn Lê, thơ.
(566) Mìn zip và K58 thường không làm chết người. Mìn zip thì cắt đứt gót
chân của những người đạp phải nó. Mìn K58 thì bật lên và nổ ở độ cao
khoảng 80cm, sức sát thương đủ cắt đứt hai chân của người lính dẫm lên
nó và còn có khả năng sát thương cả người đi phía sau, phía trước.
(567) Điều tra của Ben Kiernan trong cuốn The Pol Pot Regime cho rằng:
1,67 triệu người, tương đương với 21% dân số Campuchia lúc ấy (7,89
triệu người) đã bị chết dưới bàn tay Khmer Đỏ; 100% người Việt, với mười
nghìn sống trong các đô thị và mười nghìn người khác sống ở các vùng
nông thôn, đều bị Khmer Đỏ giết sạch. Tuy, được hậu thuẫn bởi Bắc Kinh,
nhưng chế độ Khmer Đỏ cũng không tha mạng cho người Hoa. Khoảng 50%
người Hoa sống ở Campuchia, tương đương với 215 nghìn người đã phải chết
dưới bàn tay Pol Pot.
(568) Đại sứ Việt Nam tại Campuchia giai đoạn 1979-1991.
(569) Ngô Điền, 1992, trang 63.
(570) Ngô Điền, 1992, trang 63.
(571) Sđd, trang 60.
(572) Ngô Điền, 1992, tr 60.
(573) Hun Sen sinh năm 1952 (Năm sinh trong lý lịch là 1951) quê ở huyện
Stưng Troong, Kongpong Cham. Khi còn học phổ thông, Hun Sen có tham gia
phong trào học sinh, bị khủng bố, lánh về Kratie buôn hàng tiếp tế cho
Quân Giải phóng miền Nam. Khi Lonnol đảo chính, Hun Sen chạy theo bộ đội
Việt Nam và sau đó tham gia một đơn vị vũ trang Campuchia do bộ đội
Việt Nam huấn luyện. Năm 1972, Hun Sen đã lên đến tiểu đoàn trưởng. Năm
1975, khi tham gia “giải phóng Kompong Cham”, Hun Sen bị thương nặng và
hỏng mắt trái. Thời Pol Pot, Hun Sen là trung đoàn phó, tham mưu trưởng
Trung đoàn Vùng 21. Tháng 6-1977, trung đoàn của Hun Sen được lệnh chuẩn
bị tác chiến, trinh sát về báo, mục tiêu được giao là đồn biên phòng
Hoa Lư của Việt Nam. Sau khi một số cán bộ trung đoàn được gọi về quân
khu học tập không thấy quay trở lại, Hun Sen cùng với một số cán bộ tâm
phúc khác chạy thoát sang Việt Nam. Hun Sen đã được hai cán bộ Việt Nam
tiếp đón và giúp đỡ trong thời kỳ đầu, ông Tám Quang và Ba Cung, đánh
giá rất cao. Sau một số lớp huấn luyện đầu tiên, Hun Sen đã viết những
kiến nghị có tầm chiến lược, được nói là, đã làm cho các cán bộ Việt Nam
kinh ngạc. Khi trở thành bộ trưởng, biết mình bắt đầu từ số không, Hun
Sen, với tư chất thông minh, đã nỗ lực hết mình để học tập. Theo ông Ngô
Điền: “Bộ Ngoại giao Việt Nam nhanh chóng soạn một giáo trình sơ đẳng
về ngoại giao, cử cán bộ sang giúp tôi mở lớp đào tạo cấp tốc. Hun Sen
học trước, học riêng và học rất chăm, sau đó tự mình lên bục giảng lại
bài cho các cán bộ Campuchia khác”. Cách làm này vừa giúp Hun Sen nắm
bài chắc hơn vừa giúp ông kiến tạo uy tín trong hàng ngũ cán bộ
Campuchia.
Theo ông Ngô Điền, khác với Pen Sovan, muốn tỏ ra tự mình làm được,
không chịu tranh thủ sự giúp đỡ của chuyên gia, anh Hun Sen lúc đầu luôn
khai thác chuyên gia, học rồi hỏi. Nhưng, những việc như chọn cán bộ,
giải quyết các mối quan hệ nội bộ thì Hun Sen lại thường tự làm.
(574) Ngô Điền, 1992, trang 65.
(575) Sđd, trang 76.
(576) Pen Sovan bị đưa trở lại Hà Nội giam giữ cho tới ngày 25-1-1992.
(577) Theo Tướng Lê Đức Anh: “Trở về Hà Nội, Bộ Chính trị họp bàn xét vụ
này. Lúc đó, tôi nhớ anh Tô (Phạm Văn Đồng) đã phê phán rất gay gắt và
đề nghị một mức kỷ luật rất nặng đối với toàn bộ cán bộ chủ chốt của Bộ
Tư lệnh 479 và 719 có liên quan đến vụ việc. Tôi nghĩ, lúc đó bất cứ ai
đứng vào cương vị và nhiệm vụ của tôi cũng cảm thấy rơi vào trạng thái
khó xử, vì nếu tình hình chỉ thuần túy là anh em tự động làm, sai đến
đâu kiểm điểm kỷ luật đến đó thì không khó. Nhưng đằng này lại có chuyện
đồng chí Hồ Quang Hóa có ra Hà Nội báo cáo cấp trên. Vậy thì mấy ông
‘cấp trên’ này trách nhiệm đến đâu phải do Bộ Chính trị định đoạt. Bởi
vậy, tôi đề nghị với Bộ Chính trị là giao cho tôi xử lý thì tôi chỉ xin
xử lý những việc cụ thể và những con người cụ thể của Bộ tư lệnh 719 và
479 có liên quan thôi. Bộ Chính trị chấp nhận. Tôi cũng đề xuất Bộ Chính
trị nên cử một đồng chí có cương vị cao, thay mặt Đảng ta sang xin lỗi
Đảng bạn, Bộ Chính trị nhất trí cử anh Chu Huy Mân” (Đại tướng Lê Đức
Anh, Nhà Xuất bản Quân Đội Nhân Dân, 2005, tr 186-187). Theo ông Lê Đức
Anh: “Việc đầu tiên, tôi điện sang ngừng tất cả các cuộc bắt bớ và thả
tất cả những người đã bắt. Tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, sang
Camphuchia, yêu cầu các đồng chí có trách nhiệm, không chỉ của Mặt trận
479 mà cả các mặt trận khác lên báo cáo tình hình. Tôi nghe rất kỹ, hỏi
rất kỹ và đi kiểm tra thực tế thì thấy rằng các đồng chí không hề có ác ý
hay thủ đoạn gì ở đây, chẳng qua chỉ là do ấu trĩ và nôn nóng nên dẫn
đến sai lầm… Không kỷ luật thì không được nhưng kỷ luật nặng quá cũng
không nên. Cuối cùng chỉ kỷ luật hai người, mỗi người hạ một sao cho về
nước” (Đại Tướng Lê Đức Anh, trang 188).
Hai nhân vật mà ông Lê Đức Anh đề cập là Thiếu tướng Hồ Quang Hóa và
Thiếu tướng Tư Thanh, tư lệnh Mặt trận 479, cả hai bị giáng cấp xuống
đại tá. Ông Hồ Quang Hóa còn bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương,
nơi ông chỉ vừa mới được bầu vào hồi tháng 3-1982.
(578) Tháng 10-1985, Tổng Bí thư Lê Duẩn tới Phnom Penh dự Đại hội lần thứ V Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia.
Theo ông Ngô Điền: “Anh Lê Duẩn lúc đó đã bảy mươi tám tuổi, ăn uống
phải theo chế độ cẩn thận. Anh Heng Samrin định đến ăn tối với đoàn
nhưng do buổi tối anh Duẩn chỉ ăn nhẹ trong phòng riêng nên anh thu xếp
ăn trưa cùng đoàn ở nhà khách Chamcar Mon. Suốt bữa ăn, anh Ba Duẩn nói
say sưa về một số đề tài mà anh thường nhắc đi nhắc lại: làm chủ tập
thể, xây dựng 400 pháo đài cấp huyện… Anh Heng Samrin không nói chen vào
được bao nhiêu, chủ yếu ngồi nghe. Anh Ba Duẩn ăn ít, xong phần mình,
anh nói: ‘Thôi nhé, ta đi nghỉ’, rồi kéo ghế đứng dậy đi về buồng mình ở
ngay sau chỗ anh ngồi. Anh Heng Samrin đành thôi ăn, đứng dậy… Chắc anh
Lê Duẩn không nghĩ ngợi gì, cho là cách xử sự của mình là bình thường.
Mới hay tư tưởng nước lớn của ta đối với bạn đã ăn sâu và trở thành tự
nhiên đến vậy” (Ngô Điền, 1992, trang 86).
(579) Trần Quang Cơ, 2003, trang (?).
(580) Tháng 8-1980, chiến sự xảy ra ác liệt ở điểm cao 1992, thuộc Sín
Mần. Tháng 5-1981 Trung Quốc lại tiến đánh các cao điểm 1800A-1800B,
thuộc Lao Chải, Hà Tuyên. Cũng tháng 5-1981, trên tuyến Đông Bắc, Trung
Quốc tiến đánh bình độ 400, thuộc Cao Lộc, cao điểm 820, 630, thuộc Thất
Khê, Lạng Sơn. Tháng 2-1982 Trung Quốc đánh vào Đồng Văn, Mèo Vạc,
tháng 4-1983, đánh Mường Khương…
(581) Ngày 26-3-1984, khi Quân Tình
nguyện Việt Nam mở đợt tấn công lớn, phá vỡ các căn cứ của Khmer Đỏ tại
biên giới Thái Lan, Trung Quốc liền điều quân và trong suốt hơn ba tuần
lễ - từ ngày 2-4 đến 27-4-1984 - pháo kích cấp tập vào 205 mục tiêu ở
hai mươi khu vực thuộc sáu tỉnh biên giới Hà Tuyên, Lạng Sơn, Quảng
Ninh, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu. Có ngày, Trung Quốc bắn tới
hơn 6.000 viên đạn pháo, có nơi phải chịu từ 1.000-3.000 viên đạn mỗi
ngày. Nơi xa nhất bị bắn phá là thị xã Hà Giang, cách biên giới 18km.
Trong các ngày từ 28-4 đến 30-4-1984, Trung Quốc bắn 12.000 quả đạn pháo
vào sáu điểm tựa của Việt Nam để chi viện cho bộ binh tấn công đánh
chiếm hàng loạt điểm cao như 226, 233, 772, 1509, bình độ 300-400. Ngày
15-5-1984, Trung Quốc dùng một trung đoàn tăng cường đánh xuống phía
Đông sông Lô, ngay trong ngày chiếm được các điểm cao 1030, Si Cà Lá,
1250.
(582) Trên biên giới Vị Xuyên-Yên Minh, chiến sự kéo dài từ tháng 4-1984
cho đến tháng 4-1989. Những điểm cao như 1545, 1509, 1030 ở Vị Xuyên hay
1250, Núi Bạc ở Yên Minh, Hà Giang đã trở thành những địa danh máu lửa.
Trên những cao điểm chủ yếu được đánh số ấy, hàng ngàn người lính Việt
Nam đã ngã xuống để giành giật từng tấc đất với quân Trung Quốc.
(583) Theo Ezra F. Vogel (2011): Hai tuần sau khi rút quân khỏi Việt Nam,
Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Hoa đã gặp Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh, đưa
ra danh sách những vấn đề hai bên cần thảo luận để đi đến bình thường
hóa quan hệ. Từ tháng 4 đến tháng 10-1979, đã có 5 cuộc gặp ở cấp thứ
trưởng giữa Liên Xô và Trung Quốc. Cho dù mục tiêu ép Trung Quốc rút
quân khỏi vùng Ngoại Mông và thôi trợ viện trợ cho quân đội Việt Nam ở
Campuchia không thành công nhưng Đặng Tiểu Bình đã dẹp được mối đe dọa
quân sự từ Liên Xô(trang 536). Ba ngày sau khi rút quân, 19-3-1979, khi
họp với Ủy ban quân sự đặc trách khoa học và công nghệ, Đặng nhận định
rằng: “Ít nhất trong 10 năm tới sẽ không có chiến tranh quy mô trên thế
giới. Chúng ta không cần phải vội như vậy. Quân số quá đông. Chúng ta
phải giảm xuống”. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc giảm từ 4,6% GDP năm
1979 xuống còn 1,4% năm 1991. Trong thập niên 1980s, lượng vũ khí nhập
ngoại của Trung Quốc chỉ bằng 1/6 của Việt Nam (trang 540-541). Quân số
Trung Quốc giảm từ 6,1 triệu năm 1975 xuống còn: 5,2 triệu năm 1979; 4,2
triệu năm 1982; 3,2 triệu năm 1988 (trang 526).
(584) Chiến cuộc đã giữ chân đội quân bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam
lên tới 3 quân đoàn, 11 sư đoàn, 13 trung đoàn và 70 tiểu đoàn độc lập.
(585) Ezra F. Vogel, 2011, trang 534.
(586) Trần Quang Cơ, 2003, trang (?).
(587) Khuất Biên Hoà, 2005, trang 216.
(588) Khuất Biên Hoà, 2005, trang 216.
(589) Trần Quang Cơ, 2003, trang (?).
(590) Sđd, trang (?).
(591) Trần Quang Cơ, trả lời phỏng vấn tác giả năm 2004.
(592) Theo ông Trần Quang Cơ, ngày 2-12-1989, ông Nguyễn Cơ Thạch đã đến
Phnom Penh nói với Bộ Chính trị Campuchia: Chiến tranh ở Campuchia là
một cuộc nội chiến, Việt Nam không thể đưa quân trở lại. Chỉ khi đạt
được một giải pháp chính trị thì Trung Quốc mới thôi đứng sau lưng Khmer
Đỏ, điều kiện cần thiết để lực lượng đe dọa Phnom Penh nhiều nhất này
yếu đi.
(593) Ngày 14-2-1988, Trung Quốc đưa 3 tàu chiến tới vùng biển Trường Sa.
Vào lúc 1:30 ngày 15-2-1988, tàu HQ 701 nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh
Hải quân Việt Nam lao cắm vào đảo chìm Đá Lớn, lấy cả con tàu làm bia
chủ quyền. Ngày 6-2- 1988, tàu HQ 701 khi trên đường đưa hàng Tết ra đảo
Nam Yết, đã được lệnh neo lại đảo Đá Lớn, chờ. Đầu tháng 3-1988, Trung
Quốc huy động hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa. Để bảo vệ
các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã điều
đến đây các tàu của Lữ đoàn vận tải 125 mang theo một số phân đội của
Trung đoàn Công binh 83 và Lữ đoàn 146. Ngày 12-3-1988, tàu HQ-605 được
lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6 giờ sáng ngày 14-3.
Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5 giờ ngày 14-3, cắm
cờ Việt Nam trên đảo. Chín giờ sáng ngày 13-3, tàu HQ-604 và tàu HQ-505
được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin. Trong tình thế tàu
Trung Quốc áp sát uy hiếp, đêm 13-3, Hải quân Việt Nam đã bí mật đổ bộ,
cắm cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma. Sáng 14-3- 1988, bốn tàu lớn của Trung
Quốc tiến gần đảo Gạc Ma, dùng loa nói ra mật danh của tàu HQ 604 và
yêu cầu tàu rời đảo.
Một tổ 3 người trên tàu HQ 604 được Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn
phó Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân Việt Nam, cử lên đảo Gạc Ma bảo vệ Quốc
kỳ. Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo, bắn
chết Thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, đâm trọng
thương Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Từ hai chiến hạm của mình, Trung Quốc bắn
pháo 100 mm làm chìm tàu HQ-604. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, Đại úy
thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và nhiều sĩ quan, chiến sĩ đã hy sinh cùng tàu
HQ-604. Sau khi thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ
Huy Lễ ra lệnh nhổ neo, tăng tốc cho tàu ủi bãi. Tàu HQ-505 đã kịp
trườn được hai phần ba thân lên đảo Co Lin trước khi bị bắn cháy. Cùng
ngày, tàu HQ-605 của Hải Quân Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc bắn tại
đảo Len Đao, thủy thủ đoàn bơi thoát về đảo Sinh Tồn. Trước đó, không ai
nghĩ là Trung Quốc sẽ bắn. Các chiến sỹ Hải quân Việt Nam chỉ được
trang bị súng AK nhưng khi xuống đảo chìm, họ để hết vũ khí ở khoang
hàng. Trung Quốc đã bắn như vãi đạn vào những người lính đang đứng giữa
biển trong tay không tấc sắt. Trong trận chiến không cân sức ấy, Hải
quân Việt Nam chịu tổn thất: 3 tàu bị cháy; 64 sĩ quan, chiến sĩ hy
sinh; 11 người bị thương. Nhưng, chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao
đã được bảo vệ.
Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma.
(594) Bộ trưởng Ngoại giao Nhật 1991-1993; Bộ trưởng Tài chánh 1980-1982.
(595) Tổng Giám đốc Công ty kinh doanh ngoài nước (OFTC).
(596) Trần Quang Cơ, 2003, trang (?).
(597) Theo ông Trần Quang Cơ: Mãi tới ngày 19-6-1990, Tướng Lê Đức Anh
mới nói trong cuộc họp Bộ Chính trị để đánh giá cuộc đàm phán giữa Trần
Quang Cơ với Từ Đôn Tín, ông gặp Trương Đức Duy để nói cụ thể thêm ba ý
mà anh Linh nói với đại sứ Trung Quốc hôm 5-6-1990: gặp cấp cao hai
nước; hai nước đoàn kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội; hai nhóm cộng sản Khmer
nên nói chuyện với nhau. Cuộc gặp còn được viết trong cuốn tự truyện
của ông Lê Đức Anh: “Ông (Lê Đức Anh) nói Cục trưởng Cục Đối ngoại quân
sự Vũ Xuân Vinh đến mời Đại sứ Trương Đức Duy tới Nhà khách Bộ Quốc
phòng ở số 28 Cửa Đông để ông mời cơm. Bữa cơm và cuộc gặp bí mật đó chỉ
có hai người, vừa ăn vừa nói chuyện. Ông điểm lại quá trình Trung Quốc
giúp Việt Nam… Đề nghị đồng chí Đại sứ báo cáo với lãnh đạo Trung Quốc.
Ông mới nhậm chức nhưng cũng sẽ báo cáo với lãnh đạo của Việt Nam. Để
lãnh đạo hai nước gặp nhau giải quyết việc này… Hôm đó Đại sứ Trương Đức
Duy vừa ngạc nhiên vừa vui mừng ra mặt khi nghe ông nói những lời như
vậy. Trương nói: Vậy thì tôi phải về báo cáo với lãnh đạo bên tôi”
(Khuất Biên Hoà, 2005, trang 220).
(598) Trần Quang Cơ, 2003, trang (?).
(599) Sđd, trang (?).
(600) Trần Quang Cơ, 2003, trang (?).
(601) Sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, ngày 5-11-1991, Tổng Bí
thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã đi thăm chính
thức Bắc Kinh. Quan hệ Việt - Trung trở lại bình thường như hai quốc gia
có quan hệ ngoại giao với nhau. Nhưng, Trung Quốc không còn là một
“đồng minh” như đã từng trong thập niên 1950s, 1960s nữa. Sau Đại hội
Đảng lần thứ VII, tháng 6-1991: ông Nguyễn Văn Linh thôi chức Tổng Bí
thư, ông Đỗ Mười thay thế; ông Lê Đức Anh, được xếp vào hàng thứ 2, từ
năm 1992 sẽ làm Chủ tịch Nước kiêm Bí thư phụ trách quốc phòng-an ninh -
ngoại giao; ông Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; nhà lý
luận Đào Duy Tùng giữ chức Thường trực Ban bí thư. Ông Nguyễn Cơ Thạch,
người mà Trung Quốc đã đặt ra rìa trong các cuộc tiếp xúc song phương,
bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị. Theo ông Trần Quang Cơ: “Sau Đại hội VII,
mọi vấn đề quan trọng về đối ngoại của Nhà nước đều do Hồng Hà, Bí thư
Trung ương, phụ trách đối ngoại - dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lê Đức
Anh và tất nhiên được sự tán thưởng của Tổng Bí thư Đỗ Mười - quyết
định. Những phần công việc xưa nay vốn do Bộ Ngoại giao đảm nhiệm nay
đều do Hồng Hà và Ban Đối ngoại chủ trì”. Theo ông Cơ: Ngày 5-8-1991,
tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, Hồng Hà tuyên bố: “Từ nay trong quan hệ
với Trung Quốc các ngành cứ tập trung ở chỗ anh Trương Đức Duy (Đại sứ
Trung Quốc), không cần qua sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh”. Phó ban Đối
ngoại Trung Quốc Chu Lương từng đề nghị: vì lý do kỹ thuật, quan hệ giữa
hai Đảng xin làm qua Trương Đức Duy. Đây không chỉ là bỏ qua nguyên tắc
ngoại giao, theo ông Trần Quang Cơ, mà còn là vấn đề “danh dự và quốc
thể”.
(602) Đến năm 1991, lực lượng Khu 203 có 19/62 ủy viên Trung ương, 8/16
ủy viên Bộ Chính trị, trong khi lực lượng tập kết chỉ có 5/62 ủy viên,
1/16 ủy viên Bộ Chính trị. Các chức vụ như tổng bí thư, thủ tướng, chủ
tịch quốc hội, bí thư Thành ủy Phnom Penh, bộ trưởng Nội vụ, trưởng Ban
Tổ chức Trung ương… đều là người của Khu 203. Phần còn lại trong chính
trường Campuchia là lực lượng bắt đầu “tham gia cách mạng” sau ngày
7-1-1979: 24/62 ủy viên Trung ương; 2/16 ủy viên Bộ Chính trị, 40% ghế
bộ trưởng, 28,5% số bí thư tỉnh, thành, 57,1% số chủ tịch tỉnh.
(603) Mel Sam Ol là người Khmer nhưng gia nhập quân đội Việt Nam từ năm
17 tuổi. Năm 1979, từ một nữ y tá, chị được đưa về Phnom Penh giữ chức
cục phó Cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng, rồi sau đó được đưa vào Ban Bí thư,
giữ chức trưởng Ban Tuyên huấn.
(604) Ngày 10-12-1991, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 05/CT-TW, xác định: “Quan
hệ giữa Đảng ta với Đảng Nhân dân Campuchia theo những nguyên tắc tôn
trọng độc lập tự chủ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau,
bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và theo phương thức mới, chủ yếu là quan
hệ nội bộ, tránh mọi sơ hở gây hậu quả xấu, không lợi cho quan hệ về mặt
Nhà nước và việc thi hành Hiệp định Paris về Campuchia… Trước mắt, Đảng
ta chỉ quan hệ với Đảng Nhân dân Campuchia; sẽ xem xét tình hình các
đảng và lực lượng khác để quyết định vấn đề quan hệ tùy từng trường hợp.
Hai bên duy trì quan hệ giữa các đoàn thể quần chúng, các hội hữu nghị,
tổ chức xã hội, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, phù
hợp với Hiệp định Paris về Campuchia và tập quán quốc tế. Hai bên ngừng
các quan hệ kết nghĩa giữa các tỉnh thành phố của hai nước, quan hệ giữa
các tỉnh, thành phố sẽ được giải quyết trong khuôn khổ quan hệ giữa hai
Nhà nước”.
(605) Ngày 16-11-1991, trong cuộc họp báo đầu tiên tại Hoàng Cung kể từ
khi trở về, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ về việc Việt Nam
đưa quân tới Campuchia, Sihanouk nói: “Vấn đề có hai mặt (deux
aspects). Tôi biết ơn Việt Nam đã cứu tôi, gia đình tôi và nhân dân
Campuchia khỏi họa diệt chủng. Mặt khác, tôi lên án việc thực dân hóa
Campuchia của Việt Nam. Thà chết vì tay Pol Pot còn hơn là nước không có
độc lập”.
(606) Trả lời phỏng vấn của tác giả năm 2004.
(607) Ngày 11-6-1993, Khmer Đỏ tuyên bố không thừa nhận kết quả bầu cử và
kêu gọi ám sát sáu nhân vật thuộc Đảng Nhân dân Campuchia. Trong khi,
ông Hun Sen tố cáo cuộc bầu cử do UNTAC tổ chức là gian lận. Đảng Nhân
dân Campuchia trong thế bị loại ra khỏi chính quyền đã dựng lên “phong
trào ly khai đòi tự trị” trong nhiều vùng. Hai đại biểu của Đảng là
Sinsong và Chakkrapong từ chối nhận chức đại biểu và đứng ra lãnh đạo
phong trào này. Lo sợ đất nước bị chia cắt và nội chiến tái phát,
Shihanouk đề nghị công thức chia quyền 45% + 45% + 10%. Funcinpec phải
chấp nhận vì thắng lợi của họ là nhờ ảnh hưởng của ông hoàng Sihanouk.
(608) Một lần suýt bị các đồng chí của ông ép từ chức. Một lần bị đảo
chính hụt bởi Bộ trưởng Nội vụ Sin Song có sự hậu thuẫn của Chea Sim
(2-7-1994). Một lần bị đảo chính bởi Funcinpec va lực lượng Khmer Đỏ:
cuộc đảo chính được thực hiện ngày 5-7-1997 khi Hun Sen đang ở Vũng Tàu
và Ranaridth thì lánh ra nước ngoài; ngày 6-7-1997, một ngày sau khi Hun
Sen trở về, ông đập tan cuộc đảo chính; bảy tướng của Funcinpec bị
giết.
No comments:
Post a Comment