Chương 9: Xé Rào
***
Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt từng nói trước Hội đồng Nhân dân: “Khác
với tất cả các xã hội có giai cấp trước đây, nhà nước xã hội chủ nghĩa
chịu trách nhiệm đầy đủ đối với đời sống của nhân dân, vì vậy nhà nước
phải nắm toàn bộ khâu lưu thông phân phối, đặc biệt là những nhu cầu
thiết yếu đối với đời sống, liên quan đến bữa ăn hàng ngày của nhân dân
lao động” (452). Chỉ mấy năm sau, những người như ông Kiệt nhận ra chính
tham vọng tốt đẹp đó đã như những bức tường, những hàng rào, giam hãm sự
năng động của toàn xã hội. Những nỗ lực “đục thủng” cơ chế “tập trung
quan liêu bao cấp” đó về sau sẽ được gọi là “xé rào”.
Bế tắc
Bên ngoài thì giặc dã, bên trong thì bức bối, đói kém, không khí càng
trở nên ngột ngạt, nhất là từ giữa năm 1978. Lượng người bỏ nước ra đi
càng lúc càng tăng, cỗ xe như đang lao xuống dốc mà không ai nhìn thấy
chân phanh ở đâu.
Ông Võ Văn Kiệt quyết định gặp gỡ giới trí thức Thành phố. Với hy vọng
có được sự chia sẻ từ những người Sài Gòn vốn được coi là có cảm tình
với “Cách mạng”, ông Kiệt đã nói khá chân thành: “Anh em cố gắng ở lại,
trong vòng ba năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh
em ra phi trường”. Cả hội trường im lặng. Rồi, giáo sư Nguyễn Trọng Văn
đứng lên: “Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu ba năm nữa mà tình hình
không thay đổi thì tôi cho rằng người nên ra đi phải là các anh”.
Câu nói của giáo sư Nguyễn Trọng Văn gây rúng động. Tối hôm ấy, tại số
56 Trương Định có một cuộc họp của Thường vụ mở rộng, Tổng Thư ký Hội
Trí thức Yêu Nước Huỳnh Kim Báu được mời dự. Hầu hết ý kiến phát biểu đều
phê phán Giáo sư Văn gay gắt, ông Mai Chí Thọ đề nghị: “Bắt!”. Ông Báu
kể, Võ Văn Kiệt làm thinh, nhưng cặp mắt đăm chiêu. Cuối cùng, ông nói:
“Sau khi nghe anh Văn nói, tôi cũng bị sốc, rất sốc. Nhưng rồi suy nghĩ,
tôi thấy, anh Văn đã phát biểu rất nghiêm túc. Tôi cho rằng, nếu ba năm
nữa mà tình hình không thay đổi thì rõ ràng người ra đi không thể là các
anh ấy”. Kết luận của ông Kiệt khiến cho mọi người im lặng, và nhờ nó,
Giáo sư Nguyễn Trọng Văn đã không bị bắt. Ông Huỳnh Kim Báu nhớ lại:
“Lúc đó, nếu ông Võ Văn Kiệt thiếu bình tĩnh, cứng với anh Văn thì tình
hình sẽ diễn biến rất xấu”.
Là người có kinh nghiệm với cả hai phía, ông Huỳnh Kim Báu nhận ra vấn
đề không phải ai đúng ai sai mà sức chịu đựng của những nhà lãnh đạo
đang nắm quyền tuyệt đối trong tay là rất giới hạn. Ông khuyên giáo sư
Nguyễn Trọng Văn: “Anh phải kiềm chế, nếu tiếp tục phát biểu như thế,
Sáu Dân không đỡ nổi đâu. Tôi không muốn trở thành người phải còng tay
anh”.
Trước “giải phóng”, ông Huỳnh Bửu Sơn là chuyên viên của Ngân hàng Quốc
gia. Sau khi bàn giao mười sáu tấn vàng cho cách mạng xong, ông về làm
tại ngân hàng Bến Chương Dương. Tại đây, theo quán tính của một công
chức chỉnh chu, ông Huỳnh Bửu Sơn vẫn mặc áo sơ mi, quần tây, đôi khi
cà-vạt và thường xuyên mang giày đến sở. Điều đó làm cho những vị lãnh
đạo ngân hàng từ Bắc vô nhận xét: “Thằng này chưa giác ngộ”. Một hôm,
ông Huỳnh Bửu Sơn bị gọi lên nói: “Giờ chúng tôi quyết định đưa anh về
ngân hàng Củ Chi”. Một cảm giác vừa chán chường vừa uất hận dâng nghẹn.
Cho dù rất sợ vì chưa biết điều gì sẽ xảy ra nhưng ông Huỳnh Bửu Sơn vẫn
nói: “Nếu đưa đi Củ Chi thì tôi nghỉ” (453).
Cuối thập niên 1960, khi vừa tốt nghiệp luật và văn khoa về làm tại
Ngân hàng Quốc gia, ông Huỳnh Bửu Sơn được cấp một căn hộ trên đường Bà
Huyện Thanh Quan. Năm 1970, khi ngân hàng xây một khu cư xá tại An Phú,
Thủ Đức, ông được cấp bán một căn biệt thự xây dựng trên khuôn viên rộng
1.000m. Lương của ông Sơn khi ấy là 200.000 đồng, tương đương với sáu
lượng vàng, ngoài ra cán bộ như ông còn được cấp một xe hơi hiệu Ladalat
để đi lại. Là chuyên viên, ông không những có thể nuôi vợ con sung túc,
mà đến tháng 4-1975, số dư trong tài khoản tiết kiệm của gia đình ông
vẫn có hơn hai triệu đồng. Số tiền này đã trở thành giấy lộn sau khi đổi
tiền và sau khi chính quyền “đình chỉ vĩnh viễn mười sáu ngân hàng tư
nhân”.
Để lo cho cuộc sống, cũng như nhiều gia đình khác, vợ chồng ông Huỳnh
Bửu Sơn bắt đầu phải bán từ dàn máy nghe băng hiệu Akai, cái tivi, rồi
hai chiếc xe gắn máy. Chuyện “ăn tiệm” diễn ra gần như hàng tuần trước
đây trở thành cổ tích. Mỗi ngày đi làm, ông Huỳnh Bửu Sơn phải mang theo
một lon guigoz cơm độn mì, vợ ông lấy củ hành kho tương với mấy lát khổ
qua xắt. Nước mắm khi ấy vô cùng khan hiếm, người dân Sài Gòn phải lấy
muối pha với nước rau để làm nước chấm. Nếu như ông Phan Lạc Phúc đã mất
“13 ký mỡ” sau khi chịu cải tạo qua các trại Suối Máu, Long Khánh, Sơn
La, thì ở Sài Gòn, ông Huỳnh Bửu Sơn nhớ: “Giải phóng hai năm tôi cũng
sụt mất mười ba ký”.
Không chỉ có cuộc sống của những người từng làm việc cho chế độ Sài Gòn
như ông Huỳnh Bửu Sơn bị đảo lộn. Sự khốn đốn cũng không buông tha
những người chiến thắng. Theo một ủy viên Trung ương Đảng, ông Nguyễn
Thành Thơ (454): “Một hôm, khoảng sáu giờ tối, vợ của một thiếu tướng, vốn
là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho tôi khi tôi làm bí thư Chính ủy khu miền
Tây, đến đá cửa nhà tôi ầm ầm rồi kêu: ‘Mười Thơ, gạo đâu ăn?’. Tôi chạy
ra mở cửa, trước thái độ đói giận của chị, tôi vô nhà vác bao gạo mới
được cấp, đem ra để trên xe. Chị cho xe rồ máy chạy về, đến cũng như đi,
không có một lời chào hỏi”. Đó là bao gạo duy nhất còn lại trong nhà.
Ông Nguyễn Thành Thơ kể tiếp: “Hai anh em con tôi, sau những ngày ăn bo
bo, khoai bắp, hôm có ít gạo nấu nồi cháo, em vào bếp múc tô cháo ăn.
Anh vô bếp thấy em ăn, hỏi: ‘Mầy ăn gì?’. Người em lấy mặt che tô cháo.
Anh nắm lỗ tai kéo lên: ‘Mầy ăn cháo gạo không chờ ai à?’. Nói xong,
liền đẩy đầu em xuống tô cháo. Thằng em, mặt đầy cháo, ngước dậy lấy tô
cháo vụt vào mặt anh, trúng mé mắt, máu ra lai láng. Vợ tôi vội chở đến
bệnh viện Gia Định cầm máu, may lại. Dọc đường thằng anh nói với mẹ:
‘Đừng đánh em, tại con mấy ngày không được ăn cơm cháo gạo, thấy em ăn
cháo gạo không kêu ai nên tức giận, có thái độ không phảivới em”.
Mậu dịch quốc doanh
Ông Đỗ Mười đến Sài Gòn năm 1978 không chỉ tổ chức các lực lượng đánh
thẳng vào “sào huyệt của giai cấp tư sản” mà còn triệu tập cán bộ dân
chính Đảng tới nghe ông nói chuyện về lý luận. Ông Nguyễn Thành Thơ kể:
“Anh Kiệt kêu tôi thay anh đi dự nghe”.
Tại hội nghị, theo ông Thơ, “Đỗ Mười nói: ‘Ta cải tạo công thương thành
quốc doanh, để nắm chặt, tránh cạnh tranh, tránh khủng hoảng thừa
thiếu, đảm bảo yêu cầu nhân dân, tránh đầu cơ bóc lột. Về nông sản ta có
trạm từ tỉnh, đảm bảo tự túc tự cung từ tỉnh, sản phẩm thừa nhà nước
thu mua, có kho chứa và vận chuyển cho nơi thiếu, đảm bảo yêu cầu…’. Mỗi
lần nói xong, anh Đỗ Mười nhìn lên mái nhà một lát rồi lại nói tiếp, cứ
thế đến sáu giờ tối mới chấm dứt. Tôi nghe giải thích đó là xã hội chủ
nghĩa, là đảm bảo yêu cầu nhân dân, là không bị đầu cơ bóc lột, những cơ
chế tôi hoàn toàn không thông, vì quá mới mẻ chưa từng qua cuộc sống”.
Theo ông Võ Văn Kiệt: “Sau cải tạo, hệ thống thương nghiệp quốc doanh
bắt đầu thay thế các cửa hàng tư nhân. Ngay cả những cửa hàng tư nhân
đang làm ăn trước chợ Ông Lãnh, chợ Cầu Muối, cũng phải dẹp bỏ để nhường
chỗ cho thương nghiệp quốc doanh đến trưng bảng hiệu”. Trước khi cải
tạo công thương nghiệp tư doanh, báo chí nhà nước liên tục đổ lỗi cho
“gian thương” (455). Sau ngày cải tạo, các hộ kinh doanh bị chính quyền
truy quét triệt để tới cả vỉa hè, nơi trao đổi từng chiếc quạt máy, vài
cái đồng hồ mà dân Sài Gòn bắt đầu phải bán đi vì túng quẫn.
Báo chí “cách mạng” gọi những tụ điểm mua bán đồ cũ đó là “những hang ổ
của bọn lưu manh trộm cướp, đầu cơ, bọn áp phe buôn lậu, bọn bán hàng
giả, hàng ăn cắp của nhà nước, tiêu thụ của cướp giật, là những điểm hội
tụ của tất cả những bọn làm ăn bất chính, phá rối trật tự trị an, làm
hại đến đời sống nhân dân lao động” (456). Công an thường xuyên phối hợp
với các lực lượng thanh niên bảo vệ, “đồng loạt truy quét bọn lưu manh
côn đồ tại mười ba tụ điểm chợ trời lớn trong thành phố, trong đó có xa
cảng miền Tây, khu Huỳnh Thúc Kháng-Hàm Nghi- Nguyễn Huệ, khu chợ trời
Trần Quốc Toản”.
Ông Kiệt không phải chờ quá lâu để chứng kiến những gì mà chủ nghĩa xã
hội mang lại cho Sài Gòn. “Toàn Đảng” và không ít người dân đã từng tin
vào một tương lai tươi sáng sau khi thực hiện “kế hoạch 5 năm”,
1976-1980. Đại hội Đảng lần thứ IV đề ra mục tiêu: “Năm 1980 đạt ít nhất
hai mươi mốt triệu tấn lương thực quy thóc, một triệu tấn thịt hơi các
loại”. Vậy mà thực tế là, ngay trên vựa lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long, sau
khi “cưỡng bức tập thể hóa”, sau khi máy cày, máy kéo của tư nhân bị đưa
vào hợp tác xã, tập đoàn đã trở nên tàn phế, mặc kệ các chỉ tiêu Đại
hội, sản lượng lương thực, thực phẩm giảm mạnh sau các “năm năm kế
hoạch” (457). Nếu như chỉ có thất bại của chính sách hợp tác hóa, người dân
vẫn có thể xoay xở với một lượng lương thực chỉ giảm đi vài trăm nghìn
tấn. Nhưng gạo lại để ẩm mốc ở Long An trong khi dân Sài Gòn vẫn đói.
Chế độ bao cấp lương thực theo định lượng và chính sách cấm chợ ngăn
sông đã trói buộc cả chính quyền lẫn người dân.
Ngay sau ngày 30-4-1975, chính quyền mới nhanh chóng thiết lập một chế
độ công hữu các dịch vụ như y tế, giáo dục, biến hàng trăm ngàn thầy cô
giáo, y tá, bác sỹ trở thành công chức ăn lương. Không dừng lại ở mức độ
“ưu việt” đó, Bộ Lương thực đã điều hơn 3.000 mậu dịch viên vào Thành
phố, thiết lập một hệ thống phân phối gạo bao cấp với hơn 1.000 cửa hàng
ở khắp Sài Gòn-Chợ Lớn. Chính quyền dự định cấp sổ gạo cho hơn bốn
triệu người dân ở Sài Gòn với mức bình quân chín ký mỗi người với giá
lúc đầu là bốn mươi đồng một ký; sau đổi tiền, chỉ còn năm mươi xu một
ký, trong khi giá gạo trên thị trường năm 1975 là hai đồng rưỡi. Nhưng
niềm hân hoan của người dân Sài Gòn chỉ kéo dài vài tháng.
Cửa hàng lương thực là một trong những điểm tiếp xúc đầu tiên của dân
chúng với chế độ. Theo bà Ba Thi, người dân vừa than phiền thái độ hách
dịch cửa quyền của mậu dịch viên vừa thất vọng về chất lượng gạo. Lượng
người xếp hàng ở mậu dịch đông, trong khi các mậu dịch viên thì thủng
thẳng vô sổ, cân đong và ca cẩm. Để mua được đủ tiêu chuẩn gạo, nhiều
người phải xếp hàng cả ngày.
Gạo mậu dịch khi ấy được gọi là “gạo tổ”, thứ gạo mà trước khi nấu phải
đãi sạn và gạo mục, trước khi đãi phải nhặt thóc và bông cỏ. Thế nhưng
vì giá bán rẻ hơn rất nhiều so với thị trường, nên những nhà không ăn
tới vẫn cho người ra xếp hàng mua hết tiêu chuẩn về cho heo, cho gà ăn,
hoặc bán lại. Bà Ba Thi Nguyễn Thị Ráo (458) giải thích: “Nhà nước mua lúa
của nông dân với giá rẻ mạt nên người nông dân bán cho tròn bổn phận chứ
không hề băn khoăn phải lựa chọn thứ lúa tốt phơi khô, rê sạch. Người
ta không nói ra nhưng vẫn thấy nhà nước thật lạ, nông dân làm một nắng
hai sương mới ra hột lúa, củ khoai mà thu mua như giựt” (459).
Năm 1978, khi đồng bằng sông Cửu Long mất mùa, Nhà nước phải dùng hàng
vạn tấn khoai lang, sắn và hạt lúa mạch, dân tình quen gọi là bo bo để
bán ra thay “tiêu chuẩn gạo”. Trong tình hình đó, Nghị quyết về “Công
tác giá trong tình hình mới” của Bộ chính trị lại “đổ thêm dầu vào lửa”
khi quy định giá thu mua lương thực, thực phẩm của nông dân thấp hơn rất
nhiều so với giá thành (460). Tình hìnhlương thực càng căng thẳng vì không
thu mua được. Ngay trên địa bàn Thủ đô, cho dù Ban bí thư đã trực tiếp
điện yêu cầu các địa phương đưa gạo về461, nhưng tháng 3-1978, người dân
Hà Nội chỉ mua được 30% gạo trong khẩu phần lương thực; tháng 4-1978,
tỷ lệ gạo mua được còn thấp hơn tháng 3. Trong khi đó, các thực phẩm
thông thường như rau, đậu phụ, mỡ, cá cũng không đủ để bán theo tem
phiếu (462).
Khan hiếm lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm bắt đầu tác động
mạnh mẽ lên các thị dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công nhân sống dựa
vào tem phiếu và những gì được cung cấp ở các cửa hàng mậu dịch. Kể từ
đầu thập niên 1960, tại Hà Nội, cán bộ cao cấp có cửa hàng phục vụ riêng
tại phố Tôn Đản, cán bộ trung cấp có cửa hàng tại phố Nhà Thờ, Vân Hồ,
Đặng Dung và Kim Liên, còn cán bộ, công nhân, viên chức bình thường và
nhân dân mua ở các cửa hàng rải rác trong thành phố. Dân tình có thơ:
Tôn Đản là chợ vua quan / Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần / Bắc Qua
là chợ thương nhân / Vỉa hè là chợ… nhân dân anh hùng! Những người hưởng
chế độ tem phiếu A1, thuộc thứ bậc thấp nhất trong hàng hưởng lương nhà
nước, thì mỗi tháng chỉ được ba lạng thịt. Cán bộ, công nhân thường mỗi
năm được cấp phiếu mua năm mét vải, mỗi tháng được từ 0,3 đến 0,5 ký
thịt, bốn lít dầu… Thường dân thì được mua bốn mét vải một năm. Lao động
gián tiếp, làm việc ở văn phòng, mỗi tháng được bán mười lăm ký gạo;
giáo viên được mười ba ký; sinh viên được mười bảy ký; còn những người
“lao động trực tiếp” như công nhân thì được hai mươi mốt ký gạo. Trong
bài văn nộp cho cô giáo, con gái một công nhân làm việc ở Nhà máy Dệt
8-3 ước mơ: “Ngày Tết em mong sao có một nồi cơm trắng và một bát thịt
kho”.
Mỗi tháng, theo tiêu chuẩn, các gia đình được phân phối thịt. Gọi là
thịt nhưng toàn mỡ vụn, bạc nhạc và lại chia làm hai lần nên phải bốc
thăm. Ai trúng thì lĩnh trước, không trúng thì chờ đợt sau. “Có bị cân
hụt mất cả lạng thì cũng phải cố mà cười. Thịt mang về, rán cho cùng kiệt
mỡ, cẩn thận đổ vô liễn rồi mới cho muối, kho mặn chát để ăn dè. Các
nhu yếu phẩm khác như xà phòng, mì chính, chất đốt cũng vậy, có khi năm
ba tháng liền chỉ được lĩnh vải mà không có xà phòng, có người ở nhà
toàn phụ nữ nhưng khi lĩnh đồ lót phân phối thì toàn quần đùi, áo may ô
và… dao cạo râu. Trong những ngày chia thịt, ở các khu phố, có không ít
tiếng chì chiết của các ông chồng vì vợ bốc không trúng thăm thịt trong
khi mùi mỡ cứ bay từ nhà hàng xóm sang” (463).
Trong khi đó, ở Tôn Đản, theo ông Nguyễn Văn Huy, giám đốc Bảo tàng Dân
tộc học: “Bố tôi là bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông mất ngay sau khi đất
nước được thống nhất, nhưng mẹ tôi vẫn được hưởng chế độ cung cấp như
khi bố tôi còn sống. Đại gia đình chúng tôi, mẹ tôi và bốn gia đình anh
chị em chúng tôi, cùng chung sống dưới một mái nhà, góp tiền lương ăn
chung một nồi… Tất cả chúng tôi đều là những cán bộ trung cấp, là tiến
sỹ, giáo sư, phó viện trưởng hoặc tương đương nhưng tiền lương không đủ
để mua hết tiêu chuẩn thực phẩm vốn đã ít ỏi cấp cho một bộ trưởng” (464).
Hơn hai thập niên, người Hà Nội đã phải sống chung với các mậu dịch
quốc doanh, các cửa hàng gạo như là một biểu tượng của Hà Nội thời bao
cấp: Người dân phải dậy từ nửa đêm để xếp hàng. Người bận quá thì đặt
cục gạch, cục đá hay cái nón, cái rổ rá ở đấy để giữ chỗ. Gạo mua về mà
ngửi không có mùi mốc là lâng lâng sung sướng.
Ước mơ của người Hà Nội trong thập niên 1970 là một chiếc xe đạp Thống
Nhất, một cái quạt tai voi hay một đôi dép nhựa Tiền Phong. Tiêu chuẩn
của các cô gái Hà Nội cũng thật là đơn giản: Một yêu anh có may ô / Hai
yêu anh có cá khô ăn dần /Ba yêu rửa mặt bằng khăn / Bốn yêu anh có
chiếc quần đùi hoa (465). Một đôi dép nhựa Tiền Phong bán chợ đen thời ấy
đủ mua một vé máy bay bao cấp từ miền Nam ra Bắc (466). Chỉ những người đạt
các danh hiệu thi đua mới có thể được phân phối xe đạp. Xe đạp muốn lưu
hành cũng phải đăng kí xin cấp giấy chứng nhận sở hữu và biển số xe (467).
Cho đến cuối thập niên 1970, người dân miền Bắc muốn sở hữu radio cũng
cần giấy phép (468). Trong khi nhu cầu hàng hóa để phân phối càng ngày càng
tăng, chính sách kinh tế kế hoạch hóa đã làm hoang phế máy móc và triệt
tiêu khả năng sản xuất kinh doanh của cơ sở.
Máy bỏ không, công nhân cuốc ruộng
Hầu hết các hãng, nhà máy lớn ở Sài Gòn do có “xuất nhập cảng” nên gần
như đã bị quy là “tư sản mại bản” và bị “đánh” vào tháng 9-1975. Những
hãng xưởng nhỏ hơn thì từ đó cho tới tháng 3-1978 bị “đánh” hoặc bị “vận
động công tư hợp doanh”. Điều xót xa hơn, theo ông Vũ Đình Liệu: “Máy
móc thu được của các nhà tư sản không những không tiếp tục làm ra của
cải mà bị vất vào kho để cho tới khi hư hỏng”.
Theo ông Trần Hồng Quân (469): “Khoảng cuối năm 1978, đầu năm 1979, trung
ương nhờ trường Đại học Bách Khoa cho sinh viên vào kho “hiện vật cải
tạo”, để xem những máy móc trong đó có cái gì còn dùng được. Nhưng sinh
viên thì chỉ biết mấy cái máy tiện, máy phay, những máy móc dùng trong
công nghiệp nhẹ thì chưa bao giờ được tiếp xúc, nên không thể làm gì.
Cuối cùng, trung ương ra lệnh, tháo rã những chiếc máy đó ra, thu hồi
những vòng bi làm phụ tùng, còn phần lớn thì dùng như phế liệu”. Đây là
những máy móc mà “trước giải phóng” đã giải quyết việc làm cho hàng vạn
công nhân và làm ra biết bao của cải cho xã hội.
Không chỉ có “tư liệu sản xuất”, nhà cửa của “giai cấp tư sản” đưa vào
“quỹ nhà cải tạo” đã được phân chia như chiến lợi phẩm. Theo ông Đỗ
Hoàng Hải: “Những căn nhà mà tư sản dùng làm cơ sở thương nghiệp, rất
tiện cho việc buôn bán, được chia cho những người lao động. Ngôi nhà
đang một chủ, giờ chia ra mỗi hộ giữ một phòng hoặc một tầng lầu, hộ có
toa-let thì không có bếp, hộ có bếp thì không có nơi phơi phóng”. Không
những trong nội bộ ‘giai cấp công nhân’ bắt đầu tranh chấp, gây gổ với
nhau, mà cấu trúc của ngôi nhà cũng bắt đầu bị hủy hoại. Một phần lớn
nhà cửa khác được giao lại cho các đơn vị thương nghiệp quốc doanh thì
phần lớn bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả.
Các cán bộ miền Bắc cũng được các bộ, ngành điều vào để nắm giữ các nhà
máy của tư sản miền Nam. Một trong số họ là ông Nguyễn Quang Lộc. Tháng
9-1975, khi được giao tiếp quản hãng Bột giặt Viso của nhà “tư sản mại
bản” Trần Văn Khôi, ông Lộc đã đề nghị chính quyền “áp dụng chính sách
nhân đạo”, hoãn đưa ông Khôi đi cải tạo hai năm để ông Khôi “truyền kinh
nghiệm quản lý nhà máy cho Cách mạng”. Đây không phải là một may mắn
cho ông Trần Văn Khôi, vì năm 1977 ông vẫn phải đi tù ba năm, mà là may
mắn cho chính quyền, vì trong hai năm ấy ông Khôi đã giúp những người
như ông Lộc khôi phục được phần lớn khả năng hoạt động của nhà máy.
Ông Nguyễn Quang Lộc kể: “Khi tôi vào, ông Khôi nói, mời anh làm giám
đốc, tôi đề nghị để tôi làm ‘phụ tá’ thôi. Rồi tôi nói với công nhân,
quý vị yên tâm, ông Khôi dùng được quý vị thì tôi dùng được. Nhưng điều
tôi lo nhất là những cán bộ từ miền Bắc vào”. Cán bộ miền Bắc, kể cả ông
Lộc là kỹ sư, chưa bao giờ nhìn thấy một giây chuyền sản xuất như vậy.
Chưa kể, từ miền Bắc thiếu thốn, vào thấy cái gì trong nhà máy cũng có
giá, không tránh khỏi thèm thuồng. Thế nhưng, thay vì học hỏi, không ít
người lại tự cao, tự đại. Ông Lộc đã phải nói với họ: “Các anh vào đây,
chuyên môn chưa làm được thì phải lo mà giữ đạo đức, đừng có đi mót của,
người ta khinh mình”.
Khác với ông Trần Văn Khôi, tháng 8-1976, khi bà Nguyễn Thị Đồng được
Liên hiệp Dệt cử vào “tiếp thu” Tái Thành Kỹ Nghệ thì chủ nhà máy, bà
Đoàn Thị Mỹ, đã bị đi cải tạo rồi. Quan điểm của bà Đồng là “phải có chi
bộ mới đề ra chủ trương lãnh đạo nhà máy được”. Đảng ủy cấp trên đồng ý
cho bà lập một chi bộ có mười ba người do bà làm bí thư.
Bà Nguyễn Thị Đồng kể: “Tôi phân công từng đồng chí đảng viên chịu
trách nhiệm từng khâu. Khẩu hiệu là không làm thịt máy chết” – tức là
không tháo phụtùng từ máy cũ sang thay vào máy mới. Tái Thành Kỹ Nghệ
sau năm 1975 đã hoạt động cầm chừng. Nhà máy có 130 máy dệt, một máy hồ
mới đem về và mười bốn máy nhuộm mà “Cách mạng vô không ráp được”. Theo
bà Đồng thì những người thợ giỏi đã bị chủ cũ đuổi đi. Từ danh sách những
người bị đuổi, bà Đồng mời được năm mươi hai thợ giỏi vào nhà máy, lúc
bấy giờ được gọi là Dệt Thành Công, làm việc.
Cũng như ông Nguyễn Quang Lộc, bà Nguyễn Thị Đồng cũng phải dặn các
đảng viên: “Nghèo thì nghèo, tuyệt đối không được lạng quạng”. Thoạt
đầu, bà Đồng phân công các đảng viên làm tổ trưởng. Nhưng vì những người
này, theo lời bà Đồng, đều là “bộ đội quăng qua, không có nghề nghiệp
gì”, nên “tôi phải gọi họ lên làm công tác tư tưởng để họ xuống làm tổ
phó cho thợ giỏi lên làm tổ trưởng”.
Những năm tháng đầu sau khi tiếp quản, bà Đồng tích cực “phát triển
Đảng trong giai cấp công nhân”. Bà nói: “Mục tiêu là mỗi tổ sản xuất
phải có một đảng viên, tiến tới một ‘ca’ phải có một chi bộ”. Khát vọng
khi đó của bà Đồng là xây dựng “mô hình xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh”
trên quê hương mình. Bà nói vớinhững công nhân cũ bỏ việc: “Chị nói thật
với các em, chị cũng là người miền Nam, ra Bắc ráng học để trở về xây
dựng ở miền Nam một xã hội tốt đẹp, cớ gì các em lại bỏ đi”. Khi ấy bà
Đồng chưa nhận ra rất nhiều khó khăn xuất hiện ở miền Nam là bởi xã hội
đang phải đi theo những điều mà những người như bà tin là “tốt đẹp”.
Những khó khăn mà bà Đồng và ông Lộc phải đối diện không chỉ là những gì
xảy ra ở bên trong. Ông Nguyễn Quang Lộc nhớ lại: “Nhà máy đã bị cơ chế
quản lý xé nhỏ, các bộ cắt dọc, địa phương cắt ngang: sáu mươi xe tải
của Viso bị bắt bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý, hai máy phát
điện giao Bộ Điện lực, khu liên hợp sản xuất nguyên liệu hóa chất giao
cho Tổng cục Hóa chất, dây chuyền đóng gói bột giặt giao cho Bộ Công
nghiệp nhẹ”. Trước 1975, nhà máy Viso có năm kỹ sư nước ngoài, nguyên
liệu thiếu, phụ tùng hết chỉ cần gọi điện ra là người ta đưa sang. Theo
ông Lộc: “Cách làm đó ta gọi là lệ thuộc vào ngoại bang nên khi tôi đề
nghị học cách làm của tư sản, tiếp tục hợp tác với nước ngoài không được
ai chấp nhận”.
Để có thể duy trì hoạt động của nhà máy, ông Nguyễn Quang Lộc đưa những
người cũ, giỏi nhất về cơ khí làm quản đốc phân xưởng. Những vị quản
đốc cũ này được trả lương cao, hơn hai ngàn đồng một tháng, trong khi
lương ông Nguyễn Quang Lộc chỉ có 117 đồng. Ông Lộc kể là khi ông trả
lương bậc bảy cho một thợ cơ khí không biết chữ, Vụ Kỹ thuật của Bộ Công
nghiệp nhẹ kịch liệt phản đối khiến cho ông đã rất nao núng. Nhưng khi
ông muốn làm mấy cái bồn để dự trữ nhiên liệu, kêu thợ bậc bảy ngoài Bắc
vào làm không được. Ông đành phải gọi một ông thợ người Hoa, ông thợ
người Hoa trả lời: “Ngộ làm được”. Ông Lộc hỏi cần điều kiện gì, ông thợ
người Hoa nói: “Cho ngộ năm thợ phụ, hai thợ hàn, hai thợ gò, mỗi ngày
cho thêm hai bữa phụ bằng xôi và cho mấy két nước ngọt”. Rồi chỉ mười
lăm ngày sau là dựng được bốn bồn đứng.
Cách mạng đã rất tự tin khi đổi tên Tái Thành Kỹ Nghệ thành nhà máy
Dệt Thành Công. Nhưng chỉ chưa đầy hai năm sau, Thành Công đứng trước
nguy cơ phải đóng cửa, máy móc để cho tơ nhện giăng. Công nhân một nhà
máy có công nghệ dệt hiện đại nhất lúc ấy phải sống bằng cách tận dụng
vải vụn, tơ rối để khâu găng tay, nhồi búp bê, đan mũ, đan tất và làm
thú nhồi vải vụn. Những công việc bằng tay đó cũng chỉ giải quyết được
một phần lao động. Một phần lớn khác, kể cả đội ngũ công nhân dệt lành
nghề, kỹ sư, thợ điện đều phải đi gặt thuê ở Long An, mở trại nuôi bò ở
Long Thành, xuống Cà Mau làm ruộng, lên Đồng Nai, Sông Bé khai hoang
trồng sắn, lập trang trại nuôi bò. Bí thư Dệt Thành Công, bà Nguyễn Thị
Đồng, cho biết thêm: “Chủ trương đi sản xuất lương thực là từ Bộ Công
nghiệp nhẹ, Liên Hiệp Dệt triển khai. Các ông ấy bị ám ảnh bởi cái đói
từ thời chống Pháp”. Không chỉ công nhân trong nhà máy, theo ông Tư Kết
Nguyễn Văn Ly, thư ký riêng của ông Mai Chí Thọ: “Mấy ngày sau giải
phóng, ông Mai Chí Thọ chuyển từ trường Petrus Ký về cư xá Lữ Gia, ở nhà
của Đại tá Đỗ Kiến Nhiễu (đô trưởng Sài Gòn cũ), sau ông thấy bất tiện
nên viết giấy kêu tôi sang tiếp quản nhà 21 Duy Tân” (470) . Nhà 21 đường
Duy Tân vốn là tư dinh của tổng giám đốc hãng Esso, có hồ bơi riêng, có
máy phát điện riêng. Khi tình hình khó khăn, ông Tư Kết kể: “Tôi và Mười
Lù, bác sỹ riêng của ông Mai Chí Thọ, phải phá vườn bông trồng rau
muống còn hồ bơi thì nuôi cá rô phi”.
Tư duy “tăng gia sản xuất để tự cung tự cấp” không phải xuất phát từ
địa phương mà từ Chỉ thị 306-TTg mà thủ tướng ban hành ngày 18-11-1980.
Theo đó, các cơ quan xí nghiệp trong cả nước phải tổ chức cho công nhân
viên thay phiên nhau về nông thôn mượn đất của các hợp tác xã để trồng
trọt. Kỹ sư, bác sĩ và những công nhân lành nghề bắt đầu được huy động
đi vác cày, vác cuốc. Một thành phố như Đà Lạt cũng bị chỉ đạo, thay vì
trồng hoa, phải phát triển diện tích trồng khoai sắn.
Cũng có đơn vị không “chấp hành chủ trương” này như nhà máy Bột giặt Viso.
Ông Nguyễn Quang Lộc kể: Ông Mười Hương, phó bí thư thường trực hỏi:
‘Tại sao mày không đưa người đi trồng lúa để tự túc lương thực?’. Ông
Lộc bảo: ‘Việc của chúng em không phải là trồng lúa’. Ông Mười Hương:
‘Chủ trương của Trung ương là sẽ cắt hai tháng lương thực, không trồng
lấy gì ăn?’. Ông Lộc: ‘Người ta chỉ công nhân hóa nông dân, không ai
nông dân hóa công nhân cả. Làm ruộng cũng là một nghề, không phải làm
phong trào’. Ông Mười Hương: ‘Tại sao người ta làm được mà mày không làm
được?’. Ông Lộc: ‘Thưa anh chúng nó lếu láo, lấy xăng dầu đổi sắn, đổi
gạo hết chứ không trồng cấy gì ra thóc ra lúa đâu’. Ông Mười Hương:
‘Tao không cãi với mày, tao vẫn bảo bên Lương thực cắt hai tháng của Viso
đấy’.
Tháo gỡ
Tác giả của mô hình kinh tế này, Tổng Bí thư Lê Duẩn, cũng rơi vào bế
tắc. Theo ông Đỗ Phượng, tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: “Không ít
lần tôi báo cáo thông tin với đồng chí Tổng bí thư, nhưng có lẽ đây là
lần đầu tiên tôi thấy anh Ba ngồi yên, nghe mà như không nghe, không hỏi
lại mà cũng không ngắt lời” (471). Khi ông Đỗ Phượng nói “muốn được nghe ý
kiến của anh”, ông Lê Duẩn đứng dậy, nói bằng một giọng nhẹ nhàng mà
ông Đỗ Phượng nói là ông chưa từng nghe bao giờ: “Thế anh bảo Trung ương
phải làm gì đây, tôi phải làm gì đây! Các đồng chí lãnh đạo có trách
nhiệm bên Đảng và bên chính phủ đều có mặt tại chỗ. Khó khăn thì phải
tìm cách tháo gỡ, ngồi mà kêu cực trông chờ ai cứu mình”.
Ở cấp địa phương, theo ông Võ Văn Kiệt: “Hàng ngày lãnh đạo Thành phố
phải họp để nghe chi tiết thương nghiệp thu mua được mấy tấn thịt, mấy
tấn rau mà vẫn không sao làm tốt bằng tư nhân được. Dân kêu: ngay cả khi
chiến tranh ác liệt nhất, Sài Gòn vẫn có rau xanh, cá tươi, thịt ngon
bán chứ không khan hiếm thế này”. Ông Kiệt thừa nhận bản thân ông lúc ấy
cũng chưa nhìn thấy nguyên nhân chính nằm ở chế độ bao cấp vừa được
nhanh chóng áp dụng ở miền Nam. Ông nói: “Mình có biết gì về cách mạng
xã hội chủ nghĩa đâu, Trung ương bảo làm thì ráng làm. Làm rồi mới thấy
không phù hợp”. Ông Kiệt cố gắng xoay xở để làm sao có cá, có rau và có
thịt. Ông chỉ thị: “Không được để một người dân chết đói”.
Thoạt đầu, ông Võ Văn Kiệt dự định “tháo gỡ” từ trên. Theo ông Nguyễn
Thành Thơ: “Một hôm anh Kiệt đi công tác Cần Thơ, nghe anh Bảy Máy (472),
bộ trưởng Bộ Lương thực, đang đi đôn đốc cất kho trữ lúa, anh Kiệt mời
anh Bảy Máy gặp bàn về lưu thông nông sản, chủ yếu là lương thực. Anh
Bảy Máy nói: ‘Tôi chỉ biết nghe ý kiến chính thống, chớ không nghe ý
kiến ai cả’. Anh Kiệt xếp tập sổ lại: ‘Hết làm việc rồi’”.
Ông Kiệt trở lại Thành phố gặp Sở Lương thực, và khi bà Ba Thi đề xuất
để bà chủ động về đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu mua lúa gạo đem về
Sài Gòn,ông Kiệt đồng ý. Ngay sáng hôm sau, ông Võ Văn Kiệt cho mời
giám đốc Ngân hàng Thành phố, ông Lữ Minh Châu, giám đốc Sở Tài chánh,
ông Nguyễn Ngọc Ẩn, chánh Văn phòng Thành ủy, ông Nguyễn Văn Nam và bà
Ba Thi đến nhà riêng “ăn sáng”.
Sau bữa điểm tâm, ông Kiệt nói: “Hiện nay, dự trữ gạo Thành phố chỉ còn
vài ngày. Theo nguyên tắc thì Bộ Lương thực có trách nhiệm cung cấp mỗi
tháng bốn mươi đến bốn mươi lăm nghìn tấn gạo nhưng nhiều lắm thì bộ
chỉ cung cấp được khoảng ba mươi nghìn tấn thôi. Bộ không có đủ gạo vì
dân không muốn bán lúa cho nhà nước theo giá quy định. Sở Lương thực thì
không được phép tự ý thu mua với giá thỏa thuận. Người dân Thành phố
cũng không thể tự đi mua gạo với giá hợp lý cho nông dân vì không thể
vận chuyển gạo ra khỏi tỉnh. Tại sao ta không ráp hai mối này lại?”.
Ở thời điểm đó, “ráp” khả năng cung ứng lúa gạo của nông dân với nhu
cầu lương thực của thị dân là phạm luật. Theo ông Lữ Minh Châu, nếu bà
Ba Thi lấy danh nghĩa Sở Lương thực đi mua thóc thì bà không được quyền
mua theo giá thỏa thuận; nếu bà lấy danh nghĩa cá nhân thì bên tài chánh
không thể cấp vốn, ngânhàng không thể cho vay; mua được thóc cũng khó
mà vận chuyển thóc từ các tỉnh về cũng khó. Ông Châu cho rằng muốn làm
được thì phải “xé rào”, ông Võ Văn Kiệt lập tức đồng ý.
Một mô hình làm việc ngay buổi sáng hôm đó đã được hình thành: tài
chánh cử kế toán đi cùng, ngân hàng cử người mang tiền mặt theo, bà Ba
Thi quyết định mua ở đâu thì kế toán làm giấy tờ, ngân hàng chi tiền. Mô
hình có tên gọi là “tổ thu mua lúa gạo” do bà Ba Thi làm tổ trưởng.
Mặc dầu đã được ông Kiệt với tư cách là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị,
bí thư Thành ủy ra “chủ trương” nhưng bà Ba Thi vẫn lo lắng: “Chúng tôi
làm được nhưng trung ương biết là đi tù đó”. Ông Võ Văn Kiệt nói: “Đừng
tham ô thôi, còn nếu chỉ làm thế này mà các anh chị phải đi tù thì tôi
đưa cơm!”. Rồi đích thân ông Kiệt cùng bà Ba Thi về làm việc với Tỉnh ủy
Bạc Liêu và Huyện ủy Giá Rai, thuyết phục các địa phương bán gạo cho
Thành phố. Khi ấy, nhiều tỉnh ban hành lệnh cấm mang lúa gạo ra khỏi địa
phương. Các trạm kiểm soát được lập trên gần như tất cả mọi tuyến
đường, ai đi qua cũng có thể bị khám xét, mua năm bảy ký gạo, đưa ra
khỏi huyện, khỏi tỉnh là có thể bị tịch thu. Vì thế có nơi để gạo thóc
ẩm mục, phải cho heo gà ăn hoặc làm phân bón, có nơi đói mà không thể
lưu thông. Các sở lương thực chỉ có quyền ngồi chờ khoai sắn từ Bộ Lương
thực cấp về rồi phân phối.
Để có thể mua được lúa gạo và đưa trót lọt về Sài Gòn, bà Ba Thi vừa
phải dựa vào uy của ông Võ Văn Kiệt vừa phải khai thác các mối quan hệ
của chính mình. Thời gian đầu, bà phải dùng xe biển số đỏ của Bộ Tư lệnh
Thành với bộ đội mang súng đi theo áp tải gạo qua địa bàn các tỉnh.
Cái cách mà bà Ba Thi mua lúa ở miền Tây cũng “du kích” không khác gì
phương thức mà bà đã hoạt động ở đồng bằng trước ngày giải phóng (473). Ông
Nguyễn Thành Thơ viết: “Một hôm chị Ba Thi ra Hà Nội tặng quà những ai
giúp đỡ chị, quà là năm gói mì ăn liền do nhà máy chị sản xuất. Chị đưa
tặng tôi, tôi nói: ‘Chị cho tôi biết tôi đã giúp đỡ gì tôi mới dám nhận
quà’. Chị nói: ‘Bận tôi mua lúa gạo không có anh, nhưng tôi tìm anh, nhờ
anh nói các tỉnh, giúp tôi mua lúa gạo dễ dàng, đồng thời một chuyến
ghe tôi mua lúa gạo ở Rạch Giá, bị bắt, anh em chạy đến nhờ anh giúp đỡ,
anh giúp có kết quả’. Tôi nói: Vậy tôi nhận quà” (474).
Một cán bộ thu mua lương thực của bà Ba Thi, bà Út Hiền, kể: “Ở nông
thôn, nông dân cần dầu lửa thắp đèn, cần vải đen may quần áo đi làm
ruộng, cần thuốc uống trị bệnh lúc ốm đau. Nhưng, nhiều người cầm xấp
tiền mới mà không có gì để mua”. Khi đó, mới đổi tiền, 500 đồng tiền chế
độ cũ đổi một đồng tiền mới. Mệnh giá đồng tiền quá lớn trong khi hàng
hóa không còn. Bà Út Hiền nói tiếp: “Chúng tôi không còn mua gạo bằng
đồng tiền nữa” (475).
Bà Ba Thi đề nghị Thành ủy mang hàng hóa về đổi lương thực, thuật ngữ
kinh tế khi đó gọi là “hàng hai chiều”. Dầu lửa, thuốc tây, vải đen,…
bắt đầu được chở xuống. Bà Ba Thi lập ra các điểm thu mua, nông dân mang
lúa tới, đổi lấy những tờ phiếu lãnh hàng rồi cầm phiếu này đi nhận dầu,
nhận vải, nhận thuốc. Gạo của bà Ba Thi mua về được bán theo giá “đảm
bảo kinh doanh”: tính đủ chi phí mua lúa, vận chuyển, xay xát, hao hụt.
Từ năm 1979, khoảng một triệu rưỡi dân Thành phố đã được mua mỗi người
sáu ký gạo mỗi tháng với giá bảy đồng; năm 1982, chín ký mỗi tháng với
giá mười hai đồng, rẻ hơn so với gạo của tư nhân cùng loại.
Cùng với những “tháo gỡ” trong việc “thu mua lương thực”, cuối năm
1978, đầu năm 1979, ông Võ Văn Kiệt xuống làm việc ở nhà máy dệt Việt
Thắng, một nhà máy có hàng ngàn công nhân được trang bị máy móc hiện
đại. Thoạt đầu, ông Kiệt đến đây như một nhà lãnh đạo Đảng đến với giai
cấp công nhân. Ông muốn chuyến đi của ông đánh tan mối nghi ngờ của một
số nhà lãnh đạo lúc đó cho rằng lực lượng công nhân ở những nhà máy do
giai cấp tư sản để lại như Việt Thắng đã bị chi phối bởi “công đoàn
vàng”. Tuy nhiên, sau một tuần làm việc ở nhà máy, ôngVõ Văn Kiệt nhận
ra điều mà “giai cấp công nhân” cần không phải là “phẩm chất chính trị”
mà là công ăn việc làm. Vật tư, nguyên liệu do nhà nước cung cấp theo kế
hoạch chỉ đủ cho nhà máy sản xuất được vài ba tháng. Trong khi đó, nhà
máy lại không được quyền tự tìm kiếm vật tư nguyên liệu. Phần lớn công
nhân phải nghỉ hưởng 70% lương.
Ngoài Việt Thắng, ông Võ Văn Kiệt đã cùng với các ủy viên Thường vụ
khác đến làm việc tại mười lăm nhà máy. Từ thực tế đó, Ban Thường vụ
Thành ủy đã chủ trương “mở rộng quyền chủ động cho các cơ sở sản xuất”,
cho xí nghiệp thực hiện “ba phần kế hoạch”. Theo đó, ngoài kế hoạch nhà
nước giao, xí nghiệp còn được thực hiện kế hoạch 2: khai thác nguồn
nguyên liệu từ tận dụng phế liệu, phế thải; kế hoạch 3: liên kết với các
xí nghiệp và các địa phương để sản xuất. Thành ủy còn cho phép các xí
nghiệp áp dụng chế độ “ba lợi ích”, theo đó, ngoài “lợi ích của nhà
nước”, “lợi ích tập thể”, xí nghiệp còn có phần để quan tâm đến “lợi ích
của người lao động”.
Đồng thời, ông Kiệt cho phép Ủy ban Nhân dân Thành phố mở các kho chứa
tài sản thu được từ các chiến dịch cải tạo tư sản ra sử dụng. Thành ủy
cũng kiến nghịvới trung ương cho phép Thành phố được sử dụng nguồn phế
liệu trong các kho do quân đội và các ngành trung ương quản lý. Đặc
biệt, Thành phố kiến nghị để cho các xí nghiệp xuất nhập khẩu được trực
tiếp giao dịch với khách hàng sau khi đã hoàn thành chỉ tiêu xuất đại
ngạch cho trung ương theo kế hoạch.
Nghị quyết Trung ương 6
Việc dự trữ lương thực của một Thành phố như Sài Gòn có lúc chỉ còn đủ
ăn vài ngày đã được ông Võ Văn Kiệt đưa vào chương trình nghị sự của Bộ
Chính trị. Cuối năm 1978, không chỉ có Thành phố, hầu như địa phương nào
cũng ở trong tìnhtrạng cực kỳ khó khăn. Đầu năm 1979, Ban Bí thư đã
tiến hành điều tra thực tế miền Nam. Báo cáo của đoàn kiểm tra là cơ sở
để ngày 18-5-1979, Bộ Chính trị ra Thông báo số 10, điều chỉnh một số
chỉ tiêu và biện pháp kinh tế hai năm còn lại của “Kế hoạch 5 năm”.
Thông báo của Bộ Chính trị thừa nhận: “Một số biện pháp tưởng là đúng
đắn trước đây tỏ ra không hiệu quả, ngược lại những ý kiến bị quy kết là
sai lầm nay cần được lắng nghe và xem xét một cách nghiêm túc”. Thông
báo số 10 không chỉ ra “những ý kiến bị quy kết sai lầm” bao gồm chuyện
thu mualương thực của Thành phố và chuyện mua đường và đậu phộng giá cao
của Long An. Tuy nhiên, nhận xét của Bộ Chính trị đã gỡ bỏ được không
ít “án treo”, đặc biệt là những cái “án” lơ lửng trên đầu lãnh đạo Long
An.
Năm 1977, tỉnh Long An cũng đã mua đường và đậu phộng của nông dân theo
giá thị trường rồi bán giá cao tại các cửa hàng thương nghiệp. Phần
nghĩa vụ, Long An thay vì nộp theo “giá chỉ đạo” lại đòi Trung ương phải
trả theo giá đã thu mua. Trung ương không chịu. Tỉnh đem bán cho Công
ty Xuất Nhập khẩu Thành phố Hồ Chí Minh rồi mua hàng công nghiệp về bán
lại. Bằng cách đó, Long An không chỉ thu hồi được nguồn tiền bỏ ra thu
mua mà còn tích lũy được khá nhiều cho ngân sách. Tuy nhiên, cách làm
“trái nguyên tắc” này đã được Bộ Nội thương báo lên chính phủ. Phó Thủ
tướng Phạm Hùng đã ra lệnh cho Long An dừng lại.
Tháng 8-1979, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần 6. Không còn sự lạc
quan, say sưa của ba năm trước đây, Trung ương thừa nhận: “Lẽ ra thắng
lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước cùng những thắng lợi mấy năm
qua phải tạo nên một sự phấn khởi to lớn và một sức vươn lên mãnh liệt
của nhân dân lao động. Nhưng sự phấn khởi và sức vươn lên đó đã bị hạn
chế và gần đây phát sinh tâm lý bi quan, xao xuyến, thiếu tin tưởng
trong một bộ phận dân cư”.
Theo chương trình toàn khóa, Hội nghị Trung ương 6 dự định sẽ nghe Chủ
nhiệm Ủy Ban Kế hoạch Nguyễn Lam báo cáo về chương trình sản xuất hàng
tiêu dùng. Nhưng “tháng 7-1979, khi Bộ Chính trị họp chuẩn bị cho hội
nghị trung ương, ông Võ Văn Kiệt đã đề nghị Bộ Chính trị dành thời gian
để nghe tình hình kinh tế-xã hội đang khó khăn ở mức đáng báo động trong
cả nước. Bộ Chính trị đồng ý, và chỉtrong một thời gian ngắn, Văn phòng
Trung ương cùng với Viện Kinh tế Trung ương đã khẩn trương chuẩn bị một
văn kiện đưa ra các giải pháp nhằm ‘giải quyết những vấn đề cấp bách’
của đất nước” (476).
Hội nghị Trung ương 6, tuy vẫn cho rằng có nguyên nhân “kẻ địch lợi
dụng tình hình để chống phá”, nhưng đã nhận ra nguyên nhân đất nước khó
khăn là vì”những khuyết điểm chủ quan” (477) và chủ trương xóa bỏ ngay
những chính sách chế độ bất hợp lý, gây trở ngại cho sản xuất, khuyến
khích việc phát triển sản xuất, mở rộng “quyền chủ động hợp lý” của các
ngành, các địa phương và cơ sở nhằm làm cho sản xuất bung ra để có nhiều
hàng hóa cho xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết Trungương 6 cho phép “các địa
phương được mua bán với nhau và được quyền quyết định giá”.
Ông Võ Văn Kiệt coi Nghị quyết Trung ương 6 là một thắng lợi. Sau hội
nghị này, Thành ủy càng đẩy mạnh xé rào trên nhiều mặt. Đại hội Đại biểu
Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ II, tổ chức tháng 10-1980, được
xác định là “Đại hội chấp hành sự chuyển hướng chính sách kinh tế của
Ban Chấp hành Trung ương”.
Ngày 14-10-1980, trên diễn đàn đại hội có ông Lê Duẩn tham dự, Võ Văn
Kiệt đã phê phán “những khuyết điểm của công tác cải tạo công thương
nghiệp tại miền Nam” đồng thời chỉ ra “những sai lầm trong chính sách”
mà theo ông “đang dẫn đến những nguy cơ triệt tiêu động lực của chế độ
làm chủ tập thể”. Sau phát biểu này của ông Võ Văn Kiệt, các ý kiến thảo
luận trong đại hội đã phân tích thêm: do không nắm được đặc điểm tình
hình miền Nam, nhất là Sài Gòn, cải tạo ở miền Nam đã được áp dụng như
đã làm ở miền Bắc nên dẫn đến nhiều sai lầm và đã phải trả giá đắt (478).
Bù giá vào lương
Tình trạng kiệt quệ ngân sách và thiếu hụt lương thực nghiêm trọng cuối
năm 1979 đã buộc trung ương phải tham chiếu thực tiễn “xé rào” thành
công của Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu năm 1980, Hội đồng Chính phủ, “dưới
ánh sáng Nghị quyết Trung ương 6”, đã ra Quyết định 09-CP, áp dụng chế
độ cung ứng lương thực giống như Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, những
người nằm trong biên chế Nhà nước tiếp tục được mua giá cung cấp. Những
cư dân đô thị khác được mua theo giá tính đủ chi phí.
Tại Long An, ngày 22-9-1980, Ủy ban Tỉnh ra quyết định: “Giá thu mua
heo con loại một là 6,5-7,5 đồng/kg thay vì 5 đồng như trước nay”. Kết
quả, theo ông Bùi Văn Giao, khi ấy là trưởng Ty Thương nghiệp: “Trước
đây mậu dịch quốc doanh xuống tận nhà dân truy mua, bắt trói sưng chân,
heo bỏ ăn, xuống ký. Áp dụng giá mới, nông dân tự bắt heo bỏ xe chở lên
giao cho nhà nước, con heo sống khỏe, thịt heo ngon, các công ty trung
ương cũng hoan nghênh Long An”. Người đưa ra các sáng kiến cải cách ở
Long An là ông Bùi Văn Giao.
Năm 1954, ông Bùi Văn Giao tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp Đại học
Thương nghiệp Hà Nội, ông về làm ở Bộ Nội thương, nơi “đẻ” ra tem phiếu.
Ông Giao từng làm trưởng Phòng Kế hoạch, từng chứng kiến xe đạp
Favorite, vải viện trợ của Thụy Điển bán giá rẻ như cho, chủ yếu là vợ
con cán bộ mua rồi mang ra chợ trời bán.
Khi về Long An làm trưởng Ty Thương nghiệp, ông Giao kể: “Hết ban
ngành, đoàn thể trong tỉnh, đến các đoàn khách đến thăm đều xin mua đồ
cung cấp vì giá nhà nước bán rẻ gấp năm, gấp sáu lần thị trường; tôi
phải ký duyệt hàng ngàn đơn do Tỉnh ủy, Ủy ban và các ngành chuyển
sang”.
Thay vì chỉ mua đường, mua thịt theo giá cao, đầu năm 1980, ông Bùi Văn
Giao nghiên cứu một bước đi táo bạo: bù giá vào lương. Giá cả năm 1979
đã tăng gấp ba lần so với năm 1976. Chênh lệch giá tem phiếu và giá thị
trường cũng rất cao, ví dụ giá cung cấp thịt heo là ba đồng trong khi
giá thị trường là 70 đồng/kg. Ông Giao đã lấy chín mặt hàng cung cấp,
tính chênh lệch giá giữa tem phiếu và thị trường tự do rồi, thay vì cấp
tem phiếu và tổ chức cửa hàng quốc doanh, ông đề nghị trả bằng tiền
khoản chênh lệch ấy để viên chức nhà nước tự ra chợ mà mua.
Bí thư Tỉnh ủy Long An lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Chính, thường được
gọi là ông Chín Cần, ủng hộ ông Giao thực hiện đề án táo bạo này. Ngày
26-6-1980, Thường vụ Tỉnh ủy họp. Sau khi nghe Ty Thương Nghiệp trình
bày đề án, theo ông Bùi Văn Giao, một đại tá là ủy viên Thường vụ Tỉnh
ủy đập bàn cái rầm: “Ai đề xuất cái này, lập trường đâu?”. Một số ủy
viên từ miền Bắc và từ các trường đại học ở Đông Âu về cũng phản đối.
Hội nghị kéo dài sang ngày hôm sau thì ra được Quyết định số 03-ĐB về
“Biện pháp thực hiện chủ trương mua bán hàng theo giá thỏa thuận”.
Sau khi có nghị quyết, ông Chín Cần lên Thành phố gặp ông Nguyễn Văn
Linh,khi đó là ủy viên Bộ Chính trị được phân công theo dõi việc thực
hiện nghị quyết ở các tỉnh phía Nam. Ông Linh nói: “Vấn đề liên quan đến
tiền lương phải báo cáo anh Lê Đức Thọ”. Trưởng Ban Tổ chức Lê Đức Thọ
nghe xong “cho làm thử”. Ông Linh, sau khi nghe báo cáo là đã có ý kiến
“anh Sáu Thọ” và cho trợ lý xuống Long An kiểm tra, đã đồng ý cho Long
An làm thử.
Tuy nhiên, từ đó cho tới tháng 9-1980, Ủy ban Tỉnh không ra được văn
bản nào để triển khai Quyết định 03-ĐB. Theo ông Bùi Văn Giao: “Ông Chín
Cần bảo tôi, nếu anh không qua Ủy ban thì không làm được đâu”. Tháng
9-1980, ông Giao được đưa qua Ủy ban, làm phó chủ tịch phụ trách phân
phối lưu thông. Việc đầu tiên của ông là thảo ra Chỉ thị 31 để thi hành
đề án.
Mặt hàng đầu tiên được triển khai bán ra là vải. Trong ngày đầu tiên,
theo quán tính, người dân đổ xô, tranh nhau mua. Ông Bùi Văn Giao kể: “Ở
huyện Đức Huệ, bí thư Huyện ủy cấm xe của thương nghiệp chở hàng về bán
giá cao. Khi thấy dân mua nhiều quá, những người lúc trước không tán
thành chủ trương bù giá đề nghị cho ngưng lại. Tôi xin ba ngày. Hôm sau,
tôi cho xe chở hàng tới nhiều nơi trong tỉnh bán lưu động. Người dân
chợt nhận ra hàng bán với giá như chợ bán, xếp hàng mua làm gì”. Khi
người dân không còn mua hàng tích trữ nữa, thị trường ổn định trở lại,
tỉnh bắt đầu cho giảm giá từ từ. Theo ông Giao: “Chúng tôi không những
tiết kiệm được rất nhiều tiền in tem phiếu mà Phòng Tem phiếu có chín
người từ đó bắt đầu hết việc làm”.
Cũng trong năm 1980, tại An Giang, những hoạt động trao đổi lương thực
của bà Ba Thi trong vùng đã như một gợi ý để An Giang thực hiện phương
thức “mua cao bán cao” với nông dân. Từ đầu năm 1980, An Giang quy định
giá mua phần lúa “vượt mức nghĩa vụ” của nông dân lên sát giá thị
trường, đồng thời cũng cho bán phân bón, vật tư theo sát giá thị trường.
Đặc biệt, từ năm 1980, An Giang bắt đầu xóa bỏ các trạm kiểm soát hàng
hóa. Đến năm 1982 thì tỉnh không những “cấm gây phiền hà cho việc đi lại
của nhân dân, phân biệt người buôn bán với nhân dân đi lại có mang theo
ít hàng hóa để dùng hoặc để làm quà” mà quyết định ngày 29- 6-1982 của
Ủy ban Tỉnh còn “cho phép nhân dân đem lúa gạo ra khỏi tỉnh để bán. Mỗi
người mỗi lần được chở không quá hai tấn gạo hoặc ba tấn lúa”.
Cắm cờ xé rào
Sau Hội nghị Trung ương 6, trở lại Sài Gòn, nơi bức tường rào cơ chế
ghi dấu vết “xé” đầu tiên, ông Võ Văn Kiệt tiếp tục sử dụng ảnh hưởng
của một ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị thúc đẩy sự bung ra ở cả những xí
nghiệp thuộc quyền quản lý của trung ương nhưng đóng trên địa bàn Thành
phố.
Ông Kiệt xuống nằm nhiều ngày trong các nhà máy như Bột giặt Viso, Dệt
Việt Thắng, Dệt Thành Công, Thuốc lá Vĩnh Hội,… tận mắt nhìn thấy máy
móc bị vất lăn lóc, trực tiếp lắng nghe từng kỹ sư, từng người thợ bậc
cao nói về cách mà những người chủ cũ của họ đã điều hành những nhà máy
này, lắng nghe những ràng buộc mà cơ chế đang trói tay, trói chân các
doanh nghiệp. Theo ông Phạm Văn Hùng, thư ký riêng của ông Kiệt: “Những
khi ông ở lại nhà máy, chúng tôi phải mang cơm cho ông vì ông không cho
nhà máy tiếp đón”.
Xuống Viso, ông Võ Văn Kiệt nói: “Không có cuộc chiến tranh nào kết
thúc mà bên chiến thắng tiếp quản được một thành phố nguyên vẹn hoàn
toàn như Sài Gòn. Những cái khó, ách tắc còn lại chỉ là tự mình gây ra, tự mình trói
mình. Chúng ta phải tháo gỡ, tháo không được thì phải chòi đạp”. Giám
đốc Viso, ông Nguyễn Quang Lộc, nói với ông Kiệt: “Ta phải học cách làm
của tư bản thôi. Nếu muốn học tư bản thì không ở đâu tốt hơn Sài Gòn”.
Ông Nguyễn Văn Kích, khi ấy là trưởng phòng Tổng hợp, Ban Thi đua Thành
phố, tháp tùng ông Kiệt xuống các “điển hình”, nói: “Đến Viso, ông Kiệt
trở nên cởi mở hơn, vì ở những nơi mà ông đi qua, không ai trình bày vấn
đề một cách có hệ thống và chỉ ra được những ách tắc và lối ra rõ ràng
như ông Lộc”.
Được ông Võ Văn Kiệt khích lệ, thay vì đưa công nhân đi cấy lúa, trồng
khoai, ông Lộc đã dùng “sức mạnh công nghiệp” làm ra sản phẩm đem đổi
“thực phẩm, lương thực” về cho nhà máy. Ông Nguyễn Quang Lộc được coi là
người đầu tiên nghĩ ra “tam giác” xuất khẩu: dùng sản phẩm công nghiệp
đổi nông sản, dùng nông sản đổi ngoại tệ, dùng ngoại tệ mua nguyên liệu
cho công nghiệp. Ông Lộc kể: “Tổng Cục không còn hóa chất cấp cho Viso,
tôi đành xuống Minh Hải mua dầu dừa về nấu thành xà bông. Dùng xà bông
đó đổi gạo, đổi heo. Tỉnh Minh Hải rất phấn khởi, họ cấp giấy, rồi lấy
cờ Văn Phòng Tỉnh ủy cắm trên xe chở heo, chở gạo để chúng tôi có thể
chạy phăng phăng về Thành phố”.
Cũng như Viso, Dệt Thành Công không có quyền đi mua sợi về dệt vải,
đồng thời không có quyền tự ý đem vải mình dệt đem bán ra thị trường.
Nhà nước, thông qua Liên Hiệp Dệt, đầu năm giao kế hoạch rồi giao sợi,
nếu sợi ít thì cuối năm rút bớt kế hoạch xuống. Số sợi theo kế hoạch đó
dệt được bao nhiêu lại giao cho Liên Hiệp để Liên Hiệp giao lại cho
Thương nghiệp. Thương nghiệp dùng vải đó phân phối theo chế độ, trong đó
có phần dùng làm hàng trao đổi cho nông dân trên cơ sở nhà nước thu lại
nông sản với giá “mua như cướp”.
Để thoát ra khỏi cơ chế này, các nhà máy Viso, Dệt Thành Công và Thuốc
lá Vĩnh Hội, nơi ông Lê Đình Thụy làm giám đốc, đưa ra sáng kiến tự vay
ngoại tệ mua nguyên liệu sản xuất. Sản phẩm làm ra, thay vì giao cho
Liên hiệp để bán cho Thương nghiệp, nhà máy tự bán trực tiếp cho các
công ty xuất nhập khẩu để thu ngoại tệ. Vấn đề là khi đó chỉ có
Vietcombank mới có ngoại tệ, và ngân hàng này chỉ xuất ngoại tệ theo
lệnh của chính quyền chứ không có chuyện cho doanh nghiệp nào vay USD
cả.
Giám đốc Vietcombank Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nhật Hồng,
vàGiám đốc Sở Ngoại Thương, ông Mười Phi, không phải là những cán bộ
quan liêu. Hai ông đã từng quan hệ với giới ngân hàng ở Hong Kong trong
thời gian làm kinh tài chuyển tiền mua vũ khí vào Nam. Hiểu cách làm của
các giám đốc năng động, hai ông đã cùng với Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt
xuống tận nhà máy để nghe giải trình, và khi ông Võ Văn Kiệt “bật đèn
xanh”, Vietcombank đã cấp ngoại tệ cho các nhà máy mua nguyên liệu. Sau
đó, đích thân ông Võ Văn Kiệt xuống tận các nhàmáy “phát động chiến
dịch”. Báo Sài Gòn Giải Phóng cử người đi theo Bí thư Thành ủy và cho
đăng các bài xã luận gọi những hành động “xé rào” này là những “trận
đánh táo bạo” (479). Cứ mỗi lần ông Võ Văn Kiệt xuống các nhà máy “cắm cờ”
là lại thêm một đoạn “tường rào cơ chế” được “xé”.
Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận là lúc ấy ông chỉ nhận ra thực tiễn có điều
gì đó thậm sai nhưng không đủ lý luận để tìm ra nguyên nhân. Ông Kiệt
chỉ biết số phận chính trị của những giám đốc dám nghe ông “xé rào” còn
có một “tròng” nằm trong tay các ban ngành trung ương. Giống như hồi
1973, cứ sau khi đẩy lui được một “thành trì”, ông lại cho “cắm cờ’ thi
đua, khen ngợi. Sự xác nhận của một ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị như
ông ít nhiều sẽ làm cho những “đặc phái viên” quan liêu được cử từ Hà
Nội vào lúng túng mà chùn tay. Họ không thể “xử trảm” một cách làm ăn mà
cấp ủy địa phương đã đóng dấu “điển hình tiên tiến”.
Sau một thời gian làm việc chung với “giai cấp tư sản” miền Nam, ông
Nguyễn Quang Lộc cho rằng không phải những người được đưa từ miền Bắc
vào dốt hơn, kém khả năng hơn chủ cũ của các nhà máy. Sở dĩ chỉ một thời
gian ngắn sau khi tiếp quản, nhà máy đi đến chỗ suy sụp, công nhân đói
là vì họ tuân thủ các nguyên tắc mà họ mang từ miền Bắc vào. Ông Lộc
nói: “Những người xé rào như chúng tôi không phải giỏi hơn, đơn giản chỉ
vì chúng tôi không phản lại thực tế”. Ở Viso, ông Nguyễn Quang Lộc giữ
nguyên bộ máy cũ, chỉ sử dụng 2% cán bộ tăng cường từ miền Bắc. Một
trong những lý do khiến sáu tháng sau khi ông Lộc nắm Viso, nhà máy khôi
phục được mức sản lượng trước ngày “giải phóng” là nhờ ông giữ được 90%
thợ kỹ thuật giỏi người Hoa (thời kỳ “nạn kiều” không có ai ở Viso bỏ
đi). Nhưng rồi ông Võ Văn Kiệt sẽ thấm thía ý kiến của Kỹ sư Dương Kích
Nhưỡng: “Điều hành một đất nước phải bằng pháp luật chứ không thể bằng
nghị quyết và những sáng kiến cá nhân”. Những câu chữ như “bung ra” hay
“quyền chủ động hợp lý” không phải là một quy phạm để người thực thi xác
định được ranh giới đúng sai; chúng chỉ là những khái niệm mơ hồ, áp
dụng tới đâu là tùy thuộc vào ý chí vànhận thức. Hồ sơ tố cáo “xé rào”
liên tục được gửi ra Hà Nội. Khi nghe Viso thay vì chờ Bộ cung cấp phụ
tùng lại xoay xở tự tìm lấy ngoài thị trường, ông Đỗ Mười, khi ấy là phó
thủ tướng, quát: “Bọn này tiếp tay cho gian thương”. Ở nhà máy dệt
Thành Công, từ chỗ không có một đồng dính két, từ khoản vay 120.000 USD
đầu tiên trong năm 1980, Thành Công lãi được 82.000 USD; năm 1981, tích
lũy ngoại tệ của Dệt Thành Công lên đến 1,3 triệu USD. Nhưng như thế là
sai phạm. Ông Đỗ Mười ra lệnh thanh tra.
Bí thư nhà máy, bà Nguyễn Thị Đồng, nhớ lại: “Chúng tôi buồn quá, khi
mình đang làm giàu được cho nhà nước thì bị nhà nước đòi xử lý”. Theo bà
Đồng: “Đầu tiên, một đoàn trên tám mươi cấp tá của công an cả nước vô,
nghe tôi trình bày. Ông Kiệt dặn trước: liệu ăn nói thế nào để họ nghe
được thì nói, không thì thôi. Nghe lời ông Kiệt dặn, khi họ hỏi những
câu chọc tức, khiêu khích, tôi nín thinh hoặc kiếm cách nói sang chuyện
khác”.
Với đoàn thanh tra, bà Đồng nói: “Tôi lấy lý luận của Đảng tôi cãi lại.
Tôi bảo,các anh không giao sợi, lẽ ra tôi để nhà máy dẹp. Tôi tự xoay
xở, nhà nước thu tiền mệt nghỉ sao anh bắt tôi?”. Trưởng đoàn thanh tra
hỏi: “Tại sao theo quy định, tiền ăn công nhân là 700 đồng, chị dám chi
1.000?”. Bà Đồng bảo: “Ngoài giờ, lẽ ra người ta ở nhà, tôi bồi dưỡng họ
chút ít rồi vận động họ làm thay vì vui chơi với gia đình, họ ăn thêm
300 đồng để làm cho nhà nước chứ có làm cho nhà họ đâu”. Ông Đức nói:
“Như vậy là phá rào”. Bà Đồng nói thẳng: “Không phá rào không làm được
gì hết”.
Sau khi thanh tra hết sổ sách không những không thấy thâm thủng mà còn
thu về nhiều, ông Đức trưởng đoàn thanh tra nói: “Dệt Thành Công ăn nên
làm ra như vậy là rất đáng mừng. Nhưng trước khi tôi đi, anh Đỗ Mười
dặn: ‘Chú vô Nam, thằng nào phá rào là phải bắt. Chú không bắt được
thằng nào, tôi bắt chú’. Chắc chuyến này về tôi để ông Đỗ Mười bắt”. Khi
trở ra Hà Nội, Thanh tra Đức đã không bị bắt. Tại thời điểm ấy, không
chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh xé rào. Ở Côn Đảo, Xí nghiệp Đánh cá Vũng
Tàu – Côn Đảo cũng đã thành công khi áp dụng cơ chế ăn chia với từng
thuyền, với từng ngư dân như cách mà tư nhân đã làm trước ngày “giải
phóng”. Ở miền Bắc, nhà máy Dệt Lụa Nam Định, cũng đã sử dụng công thức
“tam giác xuất khẩu” khá thành công để thoát ra khỏi tình hình bế tắc.
Thành công của những “kẻ phá bĩnh” lúc ấy chưa làm cho các nhà hoạch
định chính sách đánh giá lại niềm tin của mình vào “tính ưu việt” của
nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất
định, trung ương bắt đầu công nhận một vài “lỗ thủng” được cơ sở “xé”
trên bức tường cơ chế (480).
Khoán chui
Cùng thời gian ấy, trên một “mặt trận” khác, nông dân đã tạo ra một
cuộc “đồng khởi” lần hai, xé toạc bức tường rào hợp tác xã. “Đồng khởi”
lần một diễn ra ở VĩnhPhúc từ năm 1966, với chủ trương về sau được gọi
là “Khoán Kim Ngọc”. Tuy nhiên, khoán hộ thời Kim Ngọc đã bị dập tắt sau
đó hai năm và bức tường rào cơ chế trong nông nghiệp đã “nhốt” nông dân
gần hai thập niên sau đó.
Hợp tác xã được các nhà lý luận cộng sản coi là “giai đoạn đầu của chủ
nghĩa xã hội”, nên ngay từ tháng 4-1959 tại Hội nghị Trung ương 16, vấn
đề “hợp tác hóa” bắt đầu được “nghị quyết hóa”. Việc nông dân phải vào
hợp tác xã là không bàn cãi- chỉ có “những phần tử phản động” mới có thể
đứng ngoài.
Nói là “hợp tác”, nhưng sau khi đưa ruộng đất, trâu bò, cày bừa, mương
máng vào, nông dân sẽ trở nên trắng tay, đi tát nước hay đi cày đều theo
kế hoạch, có phân công, có chỉ đạo điều hành của ban chủ nhiệm. Lao
động của họ được tính thành công và điểm; thu nhập của hợp tác xã sau
khi nộp thuế, nộp các nghĩa vụ, trừ chi phí quản lý, sẽ tính theo công
điểm để chia cho xã viên. Việc “ăn chia” phải dựa trên định mức do Bộ
Nông nghiệp và Ban Nông nghiệp Trung ương hướng dẫn.
Cách tổ chức này khiến cho mỗi người lao động không thấy lợi ích cụ thể
của mình, người làm tích cực cũng có số điểm như người chây lười, ỷ
lại. Trong khi đó, chủ nhiệm hợp tác xã lên huyện “đánh chén” cũng được
tính công, cán bộ hợp tác xã cầm dùi ra gõ kẻng cũng “ăn” hai điểm. Tình
trạng gian dối, “dong công, phóng điểm”, trở nên phổ biến. Từ thập niên
1960, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Kim Ngọc, nhận ra ban quản trị các
hợp tác xã “ăn rồi chỉ có ngồi họp và uống rượu, cả tháng không ra đồng
ngày nào, thế mà công điểm lại nhiều hơn tất cả những người nai lưng ra
làm ở ngoài đồng?” (481). Trong khi đó, “nông dân cũng ngồi ở gốc đa để chờ
nhau” (482). Năm 1966, Bí thư Kim Ngọc chấp nhận thí điểm khoán ruộng tới
hộ nông dân, kết quả đạt được rất cao, nhưng chính sách này bị ông
Trường Chinh phê phán (483). Ông Kim Ngọc “tự kiểm” và bỏ khoán. Ông tiếp
tục làm bí thư Tỉnh ủy cho tới khi về hưu, năm 1978, nhưng chén cơm của
người nông dân đã bị vơi đi vì ruộng đất lại phải đưa vào hợp tác (484).
Khoán xuất hiện lần đầu ở Hải Phòng vào năm 1962 trong vài hợp tác xã ở
hai huyện Tiên Lãng, An Lão. Thấy phương thức làm ăn này hiệu quả, Bí
thư Thành ủy Hải Phòng lúc bấy giờ là ông Huỳnh Hữu Nhân đã đề nghị
trung ương cho mở rộng (485). Tuy nhiên, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khi đó
là trưởng Ban Công tác Nông Thôn, đã không đồng ý vì cho rằng “khoán hộ
là con dao hai lưỡi” (486). Hải Phòng, năm 1974, cũng là nơi đầu tiên khôi
phục khoán, nhưng chưa đầy hai năm sau thì bị cấm (487).
Năm 1976, cho dù chịu đói kém, cả xã có tới sáu mươi hộ có người đi ăn
xin, nông dân Đoàn Xá, Hải Phòng, đã thà mò cua bắt ốc chứ nhất định
không xuốnglàm ở ruộng hợp tác xã. Sau khi có biểu quyết của 90% cán bộ,
xã viên, ngày 10-6- 1977, “Ban thường vụ Đảng ủy xã họp phiên bất
thường và ra ‘nghị quyết miệng’, cho phép khoán sản phẩm” (488). Cả xã nắm
chặt tay nhau thề tuyệt đối giữ bí mật để “bảo vệ sự nghiệp và bảo vệ
cán bộ”. Năm 1978, ở huyện Ứng Hòa, Hà Sơn Bình, để bảo vệ “khoán chui”,
chủ nhiệm hợp tác xã Sơn Công đã phải cho gỡ bỏ một số ván trên cây cầu
độc đạo dẫn vào xã, sao cho xe cải tiến chở phân, chở lúa của nông dân
thì qua được nhưng xe hơi lãnh đạo về thì không qua được.
May mắn cho Đoàn Xá, từ Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đình Nhiên, Bí thư Thành
ủy Bùi Quang Tạo, Chủ tịch Thành phố Đoàn Duy Thành đều đã cùng “đội
nón, xắn quần lội xuống thăm đồng, nói chuyện chia sẻ với nông dân”, nên
ngày 27-6-1980, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ra Nghị quyết 24,
cho “áp dụng khoán trên 100% đất nông nghiệp” (489). Toàn bộ nghị quyết này
được ông Tạo cho đăng tải trên đài, báo Hải Phòng. Nhiều địa phương
miền Bắc đã khăn gói về đây học tập (490).
Nhưng trong Thành ủy Hải Phòng, có bốn ủy viên không đồng ý khoán. Hai
tỉnh láng giềng là Hải Hưng và Thái Bình cấm cán bộ nghe theo Hải Phòng.
Một cơ quan lý luận của Trung ương đặt vấn đề: “Nếu cứ khoán như thế
thì đốt hết sách Marx- Lenin đi à”.
Trước tình hình đó, Bí thư Thành ủy Bùi Quang Tạo đã trực tiếp báo cáo
với Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong Ban Bí thư chỉ có một nửa tán
thành. Ban Nông nghiệp Trung ương, đặc biệt là Trưởng Ban Võ Thúc Đồng,
quyết liệt phản đối, coi khoán là “chệch hướng, mất lập trường, mất chủ
nghĩa xã hội”. Một số cán bộ của Ban ủng hộ khoán đã bị kỷ luật, Vụ
trưởng Nguyễn Thái Nguyên bị khai trừ Đảng. Nhưng Hải Phòng vẫn không
nao núng. Ở nhiều huyện, nạn đói vẫn còn nghiêm trọng. Ông Bùi Quang Tạo
yêu cầu bí thư các huyện tiếp tục triển khai, đồng thời Thành ủy Hải
Phòng “tổ chức lực lượng tiến công vào từng thành lũy quan điểm lập
trường”, từ Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch nước Trường Chinh, đến Thủ
tướng Phạm Văn Đồng.
Một thuận lợi cho Hải Phòng là có khu nghỉ mát Đồ Sơn, nơi các nhà lãnh
đạo thường xuyên về nghỉ ngơi hoặc tổ chức hội nghị. Đặc biệt, năm
1962, sau khi từ Trung Quốc trở về, bà Nguyễn Thụy Nga, người vợ miền
Nam của ông Lê Duẩn, đã về công tác tại báo Hải Phòng cho đến ngày trở
lại Khu IX. Mối quan hệ của ông Lê Duẩn với Hải Phòng, vì thế, còn có cả
tình riêng. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nghe Chủ tịch Đoàn Duy Thành “báo
cáo tình hình Hải Phòng” trong suốt ba giờ liền: nông nghiệp được báo
cáo là sa sút, “người trồng lúa mà không có gạo ăn, lúa chín ngoài đồng
mà không ai muốn gặt, vì gặt về mà chẳng được hột nào”.Ông Thành, một
người cởi mở và ăn nói trôi chảy, lại rất được ông Lê Duẩn và bà Nguyễn
Thụy Nga cảm tình, đã phân tích “nhiều yếu tố không hợp lý của hợp tác
xã”. Ông Thành còn đọc cho ông Lê Duẩn nghe câu ca dao: “Mỗi người làm
việc bằng hai, để cho cán bộ mua đài, mua xe. Mỗi người làm việc bằng
ba, để cho chủ nhiệm xây nhà lát sân”. Theo ông Đoàn Duy Thành thì ông
Duẩn nghe tới đó liền đứng phắt dậy: “Tôi đồng ý! Làm ngay! Làm ngay!
Không phải hỏi ai nữa. Cứ làm ngay đi!”.
Ngày 2-10-1980, tổng bí thư xuống thăm Hải Phòng, từ Đồ Sơn đến Kiến
An, ông thấy quả là trên các thửa ruộng khoán lúa xanh tốt, nông dân
phấn khởi, đời sống nhân dân đi lên khác hẳn những nơi còn duy trì lối
làm ăn tập thể. Trợ lý tổng bí thư, ông Đậu Ngọc Xuân tháp tùng, gợi ý
với Hải Phòng: “Nếu anh Ba đã nói cho phép làm thì phải làm thật nhanh,
để đến khi ở trên có ai phản ứng thì ở dưới đã cókết quả thực hiện rồi,
lúc đó có ai muốn ‘bẻ ghi’ cũng không kịp nữa” (491).
Sau khi tổng bí thư ra về, Chủ tịch Đoàn Duy Thành lại đi Hà Nội xin
gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Thành đã không quên “thưa với thủ tướng”
rằng Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xuống thăm và “rất ủng hộ khoán”. Ngày
12-10-1980, thủ tướng xuống nghỉ mát ở Đồ Sơn, Hải Phòng lại báo cáo, và
giọng của Chủ tịch Đoàn Duy Thành lại lâm ly như khi báo cáo với tổng
bí thư. Thủ tướng Phạm Văn Đồng xót xa: “Làm lấy cái để ăn mà cũng còn
khó như thế đấy”. Trước khi rời Đồ Sơn, thủ tướng dặn: “Các đồng chí
phải cố sức thuyết phục anh Năm (tức Chủ tịch nước Trường Chinh) để sớm
đi tới thống nhất” (492).
Cuộc tiếp cận với “anh Năm” mất nhiều thời gian hơn, không chỉ vì ông
là người đã tuyên ngôn chống khoán thời Kim Ngọc. Trường Chinh là một
con người làm việc có nguyên tắc, và nguyên tắc quan trọng nhất của ông
là chủ nghĩa Marx-Lenin.
Theo ông Phan Diễn, khi đó là trợ lý của Chủ tịch Trường Chinh: “Mùa hè
năm 1980, bác Thận (tức Trường Chinh) đang nghỉ ở Đồ Sơn. Anh Bùi Quang
Tạo ra thăm bác, nhưng chỉ nói qua loa về chuyện khoán hộ, coi như việc
làm tự phát ở một vài nơi. Bác Thận biết ý cũng không hỏi sâu thêm”.
Một cán bộ của Văn phòng Trung ương, ông Hà Nghiệp, khéo léo hé tin với
Trường Chinh: “Anh Ba và anh Tô (tức tổng bí thư và thủ tướng) cũng mới
xuống xem các cơ sở và tỏ ý đồng tình với khoán”. Rồi ông Hà Nghiệp gợi ý
với Hải Phòng: “Thành phố nên mời chủ tịch nước xuống thăm bà con nông
dân ở các hợp tác xã có khoán. Tất nhiên phải chọn địa điểm nào thật
thuyết phục” (493).
Năm 1981, nhân dịp xuống nghỉ ở Đồ Sơn, Chủ tịch Trường Chinh đồng ý là
sẽ “dành nửa tiếng để tiếp lãnh đạo Hải Phòng”. Các nhà lãnh đạo Hải
Phòng rất lo nhưng quyết định tốt nhất là cứ nói ra sự thật. Bí Thư
huyện ủy Đồ Sơn Nguyễn Đình Nhiên, lại bắt đầu bằng câu chuyện “năm mươi,
sáu mươi hộ xã viên của Đoàn Xá” đã từng phải đi ăn xin, do đói mà tệ
nạn ăn cắp trong nông thôn phát triển.
Ông Nhiên thưa với chủ tịch: “Cả gà, cả chó, cả lợn, rồi cả trâu của hợp tác xã người ta cũng giết trộm ngay ngoài đồng để ăn”.
Thấy “cụ chau mày”, ông Nhiên khá lo nhưng rồi “cụ” bảo tiếp tục, ông
nói tiếp: “Thưa Chủ tịch, lên quy mô lớn còn có cái tệ nữa là chè chén
ghê lắm. Cái gì cũng liên hoan. Chỉ xây dựng một cái cống con chừng độ
bốn, năm mét mà cũng phải có khai mạc, bế mạc. Chẳng qua là để đánh chén
thôi. Ngày tổ chức đặt vòng cũng đánh chén! Cán bộ đánh chén như thế thì
dân đói là phải” (494). Người thư ký nhắc nhở giờ, nhưng Chủ Tịch Trường
Chinh vẫn cho tiếp tục. Thay vì nửa giờ, hôm đó nhà lãnh đạo vào hàng
kiên định nhất của Đảng này đã nghe nói về “xé rào” hết hơn một giờ
rưỡi.
Trước đó, tháng 8-1980, ông Lê Thanh Nghị, khi ấy làm thường trực Ban
Bí thư, tổ chức một cuộc họp, mời ông Lê Duẩn cùng bốn bí thư tỉnh ủy:
Trương Kiện, bí thư Nghệ Tĩnh, Hoàng Văn Hiều, bí thư Thanh Hoá, Bùi
Quang Tạo, bí thư Hải Phòng, Ngô Duy Đông, bí thư Hải Hưng, bàn về hợp
tác xã.
Theo ông Trần Đức Nguyên, thư ký của ông Lê Thanh Nghị: Buổi sáng hội
nghị nghe Ban Nông nghiệp trình bày một bản đề án mà trước đó ông Nghị
đã cho là “không thoát khỏi tư duy cũ”. Đầu giờ chiều, Văn phòng Trung
ương gửi tới những người dự hội nghị bản kiến nghị khoảng ba trang do
một chuyên viên, ông Nguyễn Minh Chương, tranh thủ viết trong buổi trưa,
nêu hai vấn đề: 1-Tổ chức lại các hợp tác xã quá to theo quy mô hợp lý,
phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật và trình độ cán bộ.
2- Cho hợp tác xã khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và đến
người lao động.
Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, đa số tán thành kiến nghị này. Ông Lê
Duẩn nói: “Thêm vấn đề huyện vào đây nữa”. Còn ông Ngô Duy Đông thì bác
bỏ thẳng thừng: “Nếu có thể dùng dây thép gai rào lại để ngăn việc khoán
sản phẩm ở Hải Phòngkhông tràn được sang Hải Hưng thì tốn mấy tôi cũng
làm”. Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương Võ Thúc Đồng không phát biểu gì.
Nhưng một phó ban của ông Đồng là ông Nguyễn Công Huế nói sau cùng:
“Nếu khoán theo kiểu này, thì ba năm nữa, nước ta phải làm lại cuộc cải
cách ruộng đất lần thứ hai!”.
Ngay sau cuộc họp này, Thông báo 22, đã được ông Lê Thanh Nghị ký vào
ngày 14-8-1980, cho phép: “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao
động trong hợp tác xã”. Do có khoảng cách với quan điểm của Ban Nông
nghiệp Trungương, theo ông Đinh Văn Niệm: “Thông báo này không được đăng
báo, không được phát hành xuống cơ sở; tuy nhiên, nó cứ được truyền tay
mà lan ra”.
Từ ngày 27 đến 29-10-1980, tại Côn Sơn, ông Hoàng Tùng, bí thư Trung
ương Đảng kiêm tổng biên tập báo Nhân Dân, đã lấy uy báo Đảng tổ chức
một cuộc hộithảo với sự tham gia của gần 100 đại biểu, gồm lãnh đạo các
tỉnh, những người chủ chốt trong ngành nông nghiệp, các nhà nghiên cứu,
đại diện của các viện khoa học và đại điện của nhiều tờ báo lớn. Theo
ông Hoàng Tùng, tại hội thảo này, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương Võ
Thúc Đồng tiếp tục chống lại chủ trương khoán. Phát biểu trước Hội nghị
Côn Sơn, ông Đồng tuyên bố: “Học tập Đoàn Xá tức là học tập những kẻ ăn
mày, lười biếng”. Nhưng ý kiến của ông Đồng đã khá lạc lõng, vì ông
Hoàng Tùng đã bố trí để cho tiếng nói ủng hộ khoán trở nên áp đảo trong
Hội nghị.
Tiếp theo đó, ông Võ Chí Công chủ trì một hội nghị về khoán ngay tại Đồ
Sơn.Theo ông Đinh Văn Niệm thì ông Ngô Duy Đông đã không cho Hải Hưng
sang, nhiều tỉnh đến Hội nghị Đồ Sơn phải đi chui. Ông Võ Chí Công là
người mà trước khi khoán được đưa ra công khai bàn đã từng phê phán
phương thức khoán việc quan liêu. Ông nói: “Khoán việc có phải là cái
bàn thờ đâu mà ta không dám đụng đến”. Ông cũng là người đã từng khuyến
khích ông Hoàng Quy, người kế nhiệm ông KimNgọc làm bí thư Tỉnh ủy Vĩnh
Phú, tổ chức thí điểm mô hình khoán ở huyện Vĩnh Tường (495). Theo ông Đinh
Văn Niệm, “anh Năm” nói với anh Hoàng Quy: “Biểu cứ làm đi, thành công
thì cho phát triển ra toàn tỉnh. Các đồng chí đừng sợ chi hết. Nếu khoán
có làm cho trời sập thì tôi cũng xin chịu trách nhiệm”. Sau đó, ông Võ
Chí Công xuống Hải Phòng thăm gặp Bí thư Đồ Sơn Nguyễn Đình Nhiên và Bí
thư Thành ủy Bùi Văn Tạo. Khi trở về, ông báo cáo tình hình lên Ban Bí
thư.
Tại Hội nghị Đồ Sơn, Võ Chí Công đã nói “tay vo” trong vòng ba mươi
phút. Ông nhấn mạnh: “Ta áp đặt cách làm dẫn tới các hợp tác xã thiếu
ăn, có nơi đói trầm trọng. Dân đói quá phải tìm cách có được cơm no áo
ấm thì ta lại cấm để dân phải “chui”, bắt dân trở lại với khoán việc,
với cái đã làm dân đói. Chiến tranh cũng như hòa bình, lãnh đạo mà quan
liêu, xa dân, không lắng nghe dân, quen từ trên áp đặt chủ trương thì
chỉ làm cho dân đau khổ” (496). Bài phát biểu của ông Công được Đài Hải
Phòng ghi âm, phát thanh, sau đó được các địa phương xin sang băng đưa
vềđịa phương mình phát lại. Ở Hội nghị Đồ Sơn, ông Võ Chí Công được mô
tả như một vị tướng phát lệnh cho nông dân “đồng khởi”.
Hơn một tháng sau, tại Hội nghị Trung ương 9, ngày 10-12-1980, Tổng Bí
thư Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị kết luận: “Việc làm thử cách khoán mới
trong hợp tácxã nông nghiệp của miền Bắc… có tác dụng tốt…, phong trào
lao động sản xuất bắt đầu có khí thế. Tình trạng trì trệ trong sản xuất
bắt đầu chuyển biến theo hướng tốt” (497). Trong khi đó, theo ông Trần Đức
Nguyên, Văn Phòng Trung ương thấy rằng, vì khoán chỉ mới được nêu trong
Thông báo 22 – một văn bản không có tính bắtbuộc – nên có nhiều địa
phương vẫn không thi hành. Ông Vũ Quang (498) đã thúc đẩy để khoán được xác
định trong một văn bản có tính ràng buộc hơn.
Sau Hội nghị Trung ương 9, Ban Bí thư đã ra “Chỉ thị 100” về khoán. Tuy
nhiên, trong Đảng lúc ấy nhiều người còn băn khoăn. Chủ tịch Trường
Chinh tuy trong lòng đã ủng hộ nhưng vẫn còn lo “mất chủ nghĩa xã hội ở
nông thôn”. Trưởng Ban Tổ chức Lê Đức Thọ thì chấp nhận khoán vì cho
rằng đây chỉ là “một bước lùi để tiến”. Chỉ thị 100 vì thế vẫn phải né
tránh từ “khoán hộ” mà Kim Ngọc đã dùng bằng khái niệm “khoán đến nhóm
lao động và lao động”.
Theo ông Đinh Văn Niệm: “Khi được Ban Bí thư giao soạn thảo Chỉ thị
100, anh Năm đòi chỉ ‘khoán hộ’ hoặc ‘người lao động’ thôi. Nhưng ông
Nghị không đồng ý, hai ông rất căng với nhau. Về sau, do không thể kéo
dài thời gian ban hành Chỉ thị 100, anh Năm thỏa hiệp, để ngày
13-1-1981, ông Lê Thanh Nghị ký cho ‘mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao
động và người lao động’. Tuy nhiên, anh Năm bảo lưu ý kiến là không có
nhóm”.
Mặc dù không phản đối Chỉ thị 100 nhưng Trường Chinh vẫn tỏ ra rất thận
trọng. Đầu năm 1981, ông xuống Hải Hưng. Theo ông Nguyễn Thái Nguyên,
người được Ban Nông nghiệp Trung ương cử tháp tùng ông Trường Chinh: Bí
thư Hải Hưng Ngô Duy Đông là một người chống khoán, ông cố tình đưa
Trường Chinh tới những mảnh ruộng bị chia nhỏ cho xã viên bằng những
cành phi lau cắm làm ranh giới và nói: “Xã hội chủ nghĩa thế này thì còn
manh mún hơn xưa”. Ông Trường Chinh lo lắng lắm. Khi về, ông nói với
thư ký Phan Diễn và ông Nguyễn Thái Nguyên: “Lần tới, bác cháu ta lên
Vĩnh Phú xem Hoàng Quy khoán thế nào”.
“Đi Vĩnh Phú thì chết”, Thái Nguyên bàn với Phan Diễn là nên vận động
phu nhân Trường Chinh để thay vì đi Vĩnh Phú ông đến Hà Nam Ninh. Khi ấy
đã giáp tết, ông Trường Chinh đồng ý về Hà Nam Ninh, nhân thể thăm quê.
Đến huyện Xuân Thủy, tỉnh bố trí để ông ở nhà khách, nhưng Trường Chinh
đã về ngủ đêm ở xã Xuân Hồng.
Đêm ấy, theo ông Nguyễn Thái Nguyên, người dân kéo đến rất đông, ai
cũng xưng là cháu Trường Chinh nên bảo vệ không thể nào ngăn cản. Mấy
người bà con của Trường Chinh “vô tư” khoe: “Bác ạ, nhờ giải tán hợp tác
xã, khoán ruộng mà chúng cháu không còn đói nữa”. Thái Nguyên nghe sợ
quá nói với Phan Diễn: “Gay rồi”. Phan Diễn cũng sợ, nhưng không ngờ,
nhờ những lời nói thật của những người cậy thế cháu chắt ấy mà sáng hôm
sau, thay vì trở lại Xuân Thủy, ông Trường Chinh triệu tập một cuộc nói
chuyện ở xã Xuân Hồng. Tại đây, lần đầu tiên ông nhắc đến Chỉ thị 100 và
công khai ủng hộ khoán.
Năm 1982, khi trở thành phó chủ tịch trường trực Hội Đồng Bộ trưởng, ông Tố Hữu xuống thăm và tặng Hải Phòng mấy câu thơ:
“Bốn cống ba cầu, năm cửa ô
Đào sông lấn biển dựng cơ đồ”.
Người dân Hải Phòng lập tức họa lại:
“Có cống có cầu lại có ô
Phi thương bất phú dựng cơ đồ”.
Ông Kiệt xé rào, ông Linh lãnh đạn
Việc “xé rào” mà ông Võ Văn Kiệt cho làm ở Thành phố Hồ Chí Minh quả là
có gây tiếng vang, nhưng đồng thời cũng bị một số người quy kết là “đi
chệch mục tiêu xã hội chủ nghĩa”. Theo ông Võ Văn Kiệt, điều đó khiến
ông Lê Đức Thọ lo lắng.
Ở Đại hội lần thứ IV, năm 1976, ông Võ Văn Kiệt được đưa vào Bộ Chính
trị với vai trò ủy viên dự khuyết cùng với hai nhân vật khác là Tố Hữu
và Đỗ Mười. Cả ba được chuẩn bị để trở thành lực lượng kế cận trong thập
niên tiếp theo. Ông Võ Văn Kiệt kể: “Anh Sáu Thọ muốn đưa ngay tôi ra
Trung ương. Anh Ba Lê Duẩn nói cứ để Kiệt làm ở Thành phố, làm được ở
Thành phố rồi thì giữ cương vị gì cũng được. Nhưng anh Sáu Thọ nói cũng
phải tập và cũng phải cho va chạm. Về sau, tôi biết thêm là anh Sáu Thọ
sợ tôi sa lầy bởi vụ xé rào” (499).
Tháng 3-1982, sau Đại hội Đảng lần thứ V, cả ba ông Võ Văn Kiệt, Tố
Hữu, Đỗ Mười đều trở thành ủy viên chính thức Bộ Chính trị, cùng với hai
ủy viên mới là Tướng Lê Đức Anh, tư lệnh Quân Tình nguyện Việt Nam tại
Campuchia, và Nguyễn Đức Tâm, trưởng Ban Tổ chức. Hai nhân vật bị đưa ra
khỏi Bộ Chính trị trong thời gian này là ông Nguyễn Văn Linh và Tướng
Giáp. Sau đại hội, ông Kiệt ra Hà Nội giữ chức phó chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ông Linh được điều trở
lại Thành phố làm bí thư.
Đúng như Lê Đức Thọ dự đoán, ngay trong Đại hội V, thực tiễn xé rào ở
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam chỉ nhận được rất ít hoan
nghênh, trong khilại bị rất nhiều nơi phê phán. Ông Phạm Văn Hùng, thư
ký của đoàn đại biểu Thành phố tại Đại hội V, kể: “Tôi đi dự các phiên
họp, nghe thư ký các đoàn phản ánh, thấy các đoàn tuy có đánh giá mặt
tích cực của “bung ra”, nhưng những tín hiệu này không những không được
nâng niu, mà mặt trái của nó đã bị phê phán vô cùng gay gắt”. Đại hội V
vì thế lúc đầu định bỏ chế độ hai giá trong “lưu thông phân phối”, cuối
cùng vẫn phải duy trì. Nghị quyết đại hội tuy có ‘chống tập trung quan
liêu bao cấp” nhưng cũng đã nhấn mạnh chống “tùy tiện, vô tổ chức vô kỷ
luật” hơn. Theo ông Phạm văn Hùng: “Cuộc đấu tranh trong Đảng là vô cùng
phức tạp”.
Nửa năm sau, ngày 10-8-1982, Bộ Chính trị vào làm việc với ban lãnh đạo
mới của Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay trên máy bay chuyên cơ, theo nhà
báo Hữu Thọ, Tố Hữu nói: “Chưa tới Tân Sân Nhất đã ngửi thấy mùi Nam
Tư” (500). Tại phiên họp ở “Hội trường 10” cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh
của Văn phòng Trung ương (T78), kéo dài đến hết ngày 19-8-1982, chính
các nhà lãnh đạo từng ủng hộ “xé rào” trong nông nghiệp ở Đồ Sơn đã phê
phán gay gắt tình trạng bung ra trong Thành phố. Nghị quyết của Bộ Chính
trị tại đợt làm việc này, được gọi là “Nghị quyết 01”, đánh giá: “Những
nhận định về cách mạng xã hội chủ nghĩa, về thời kỳ quá độ đi lên chủ
nghĩa xã hội chưa thật rõ và có phần buông lơi chuyên chính vô sản trên
mặt trận phân phối lưu thông, mặt trận nóng bỏng nhất trong cuộc đấu
tranh giữa ta với tư sản thương nghiệp và các thế lực chống đối khác”.
Tổng Bí thư Lê Duẩn và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã chủ
trì cuộc “làm việc” này, và ông Nguyễn Văn Linh, vừa mới về làm bí thư,
là người “chịu trận”. Nhà báo Hữu Thọ, người có mặt ở Hội trường 10
trong phiên họp này, nhớ lại: “Ông Lê Duẩn nói: bí thư nên từ chức, chủ
tịch cũng không nên làm nữa!”. Theo ông Trần Đức Nguyên, chuyên viên có
mặt trong phiên họp, bị phê bình quá căng, ông Nguyễn Văn Linh nói: “Tôi
về thì tình hình đã như thế này rồi”.
Ông Nguyễn Thành Thơ, người vừa bị Lê Đức Thọ loại ra khỏi Ban Chấp
hành Trung ương Khóa V, là một trong rất ít người khi ấy đến chia sẻ với
ông Nguyễn Văn Linh. Thấy ông Mười Thơ và ông Năm Vận tới thăm, “anh
Nguyễn Văn Linh rất mừng”. Hôm ấy, ông Nguyễn Văn Linh đã thuật lại cho
ông Mười Thơ và ông Năm Vận nghe về cuộc làm việc tại Sài Gòn của Bộ
Chính trị. Ông Linh nói: “Trước một số tình hình, anh Đồng không ngồi,
đi giày lọc cọc quanh bàn họp nói: ‘Phá hoại, phá hoại, từ chức, từ
chức’. Tôi giận quá muốn nói: ‘Làm cho nền kinh tế đất nước suy sụp thế
này lẽ ra tổng bí thư và thủ tướng phải từ chức’. Nhưng vừa mới
nhóng lên, thấy thành phần hội nghị có bộ trưởng, thứ trưởng rất phức
tạp, đành ngồi dựa ghế lặng im, hút thuốc hết điếu này đến điếu khác.
Chiều tôi cử đồng chí trưởng Ban kinh tế Thành ủy trình bày, đồng chí này
trình bày được” (501). Trưởng ban Kinh tế Thành ủy khi ấy là ông Nguyễn
Ngọc Ẩn (502). Ông Nguyễn Văn Linh kể: “Năm Ẩn nói xong, thấy các anh há
hốc, chứng tỏ họ không hiểu gì thực tế” (503).
Nghị quyết 01, ban hành sau phiên họp này của Bộ Chính trị, được công
bố vào ngày 14-9-1982, tuy cho rằng Thành phố “buông lỏng chuyên chính
vô sản trên mặt trận lưu thông phân phối” nhưng đã không đòi phải xử lý
cụ thể những gì. Tuy vẫn khẳng định rằng “trong chặng đường đầu của thời
kỳ quá độ phải hoàn thành cơ bản về cải tạo xã hội chủ nghĩa”, nghị
quyết vẫn nhấn mạnh “kết hợp chặt chẽcải tạo và xây dựng, xây dựng quan
hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và lực lượng sản xuất mới”.
Như một động thái chính trị nhằm triển khai Nghị quyết 01 của Bộ Chính
trị,ngày 30-9-1982, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh họp, dưới sự chủ trì
của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh, phân tích nguyên nhân của tình
trạng tăng giá, buôn lậu, trốn thuế… không thể ngăn chặn là do “Thành
phố còn tồn tại năm thành phần kinh tế”. Nghị quyết 17, ngày 30-9-1982,
của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Chuyên chính vô sản trên
mặt trận phân phối lưu thông là mặt trận nóng bỏng nhất trong cuộc đấu
tranh giữa ta và tư sản thương nghiệp và các lực lượng chống đối khác”.
Năm tháng sau, ngày 4-3-1983, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra tiếp
Nghị quyết 19, đòi: “Tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công
thương nghiệp tư bản tư doanh… triệt để xóa bỏ tư sản thương nghiệp,
từng bước cải tạo các tầng lớp tư thương… Truy mua toàn bộ phương tiện
của tư sản kinh doanh ngành vận tải, nhất là phương tiện vận tải chuyên
dùng” (504).
Nghị quyết 17 và 19 có thể dùng để bổ sung vào nhận xét ông Nguyễn Văn
Linh “không phải là người chống cải tạo tư sản” (505). Tuy nhiên, đây là
một thời điểm mà không khí cải tạo đang được tái lập. Tháng 12-1982, Ban
Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết 03, yêu cầu: “Lập lại trật tự xã hội
chủ nghĩa, trước hết trong nội bộkinh tế quốc doanh và cơ quan nhà
nước”. Sau khi Nghị quyết 01 phê phán “chuyên chính vô sản bị buông
lỏng” ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21-1-1983, Bộ chính trị làm việc với
Hà Nội, lại ra Nghị quyết 08, phê phán gay gắt hiện tượng xé rào và yêu
cầu Hà Nội “mau chóng xiết chặt kỷ cương của nền kinh tế xã hội chủ
nghĩa”. Đầu tháng 5-1983, nhiều địa phương miền Bắc nhận được một “điện
mật” của Trung ương chỉ thị thi hành một chiến dịch mang mật danh
“Z-30”. Theo đó, chính quyền được phép “tiến hành điều tra, khám xét”
những gia đình được gọi là có “tàisản bất minh”. Chỉ thị “Z-30” gần như
chỉ được tiến hành ở Hà Nội506. Tại đây, những gia đình có nhà mới xây từ hai tầng trở lên, hoặc những gia đình
mà xóm giềng tố cáo có vẻ giàu có, khá giả, đều bị đưa vào diện nghi vấn
“làm ăn bất chính”. Hàng trăm ngôi nhà đã bị khám xét, một số nhà được
gọi là bất minh đã bị tịch thu. Năm 1983, người Hà Nội nói thơ: “Ti vi,
tủ lạnh, Honda / Có ba thứ ấy khám nhà như chơi” (507).
Ở Nam Định, khi công an lập một danh sách 200 hộ có “tài sản bất minh”
cần kiểm tra, ông Nguyễn Văn An, khi ấy là bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, đã cho
ngăn lại. Theo ông Nguyễn Văn An, khi ấy ở Hà Nội ông thấy “có gia đình
cả nhà thắt khăn tang khi bị tống lên xe, kêu khóc ầm ĩ”. Bí thư Thành
ủy Hải Phòng lúc bấy giờ làông Đoàn Duy Thành nhận ông là người đầu tiên
và duy nhất lên Trung ương “phản đối chiến dịch Z-30”.
“Ai thắng ai”
Đường lối đi lên “sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” của Đại hội IV chủ yếu
được hình thành trong thời gian ông Lê Duẩn cùng nhóm giúp việc “thả
mình tư duy” trên bãi tắm Đồ Sơn, trước lâu đài Vạn Hoa. Nhà nghiên cứu
Đặng Phong đã dùng khoảng cách một “kế hoạch 5 năm” để “đo” quãng đường
từ Vạn Hoa xuống những cánh đồng Đoàn Xá. Chính vì sự nôn nóng “sản xuất
lớn”, dồn hợp tác xã ngày một to ra, mà người dân Đoàn Xá, Đồ Sơn, ở
cách đó không bao xa, đã phải đi ăn xin. Chỉ khi tự “xé” bỏ con đường
duy ý chí ấy, nông dân mới bắt đầu hết đói.
Lẽ ra, Đoàn Xá phải được nghiên cứu như một điển hình về quy trình ban
hành chính sách. Cấp ủy xã đã chỉ ra “nghị quyết khoán” khi có 90% dân
chúng yêu cầu. Khi không được cấp thẻ Đảng vào đúng ngày thành lập Đảng
3-2, Bí thư PhạmHồng Thưởng đã nói với các đảng viên của ông: “Bây giờ
cái cấp bách là cuộc sống của dân chứ chưa phải là thẻ đảng. Có thẻ đảng
mà dân đói thì mang thẻ đảng càng thêm xấu hổ. Cứ làm sao lo cho hợp tác
xã lên, đấy mới là cái thẻ quý nhất” (508).
Không phải đợi đến năm 1980, khi nghe báo cáo của Hải Phòng, Tổng Bí
thư Lê Duẩn mới biết vai trò khoán hộ. Theo ông Trần Phương, người năm
1968 là trợ lýcủa ông Lê Duẩn: Buổi sáng mà tạp chí Học Tập cho đăng bài
của ông Trường Chinh phê phán Kim Ngọc, ông Lê Duẩn đã bước vào phòng
của những người giúp việc ở Nhà khách Tây Hồ, “ném tờ Học Tập xuống bàn”
với nét mặt không vui. Sau đó,theo ông Đậu Ngọc Xuân, ông Lê Duẩn đã
xuống Vĩnh Phú để thăm và an ủi ôngKim Ngọc. Khi nói chuyện với Kim
Ngọc, Lê Duẩn đã hết sức phân vân trước thực tế nông dân đã được nuôi
sống chủ yếu bằng 5% đất được chia chứ không phải 95% đất bị đưa vào hợp
tác xã.
Khi kể lại câu chuyện này, những người thân cận của ông Lê Duẩn muốn
đưa ra những ví dụ cho thấy “Anh Ba” của họ đã không phê phán Kim Ngọc
như ông Trường Chinh. Nhưng điều này cũng cho thấy là từ năm 1968, ông
Lê Duẩn đã biết hạn chế của cơ chế “cha chung” khi dồn ruộng của nông
dân vào hợp tác. Vậy mà đến năm 1976, khi lựa chọn đường lối kinh tế,
ông vẫn đẩy hợp tác xã lên một quy mô lớn hơn, và hậu quả gây ra đã
nghiêm trọng hơn thời gian trước đó.
May mà cho dù các nhà hoạch định chính sách cứ loay hoay “giữa hai con
đường” và cứ đắm mình trong những “cuộc đấu tranh”, người dân chỉ có một
conđường là phải tự thoát ra mà kiếm sống. Sự thay đổi của Việt Nam
không bắt đầu từ một cá nhân, cũng không phải bắt đầu từ một luồng tư
duy. Khi nền kinh tế xuống tận đáy và cuộc sống của nhân dân bị dồn vào
chân tường, người dân đã buộc chính quyền xoay xở. Công cuộc phá bỏ cơ
chế kế hoạch hóa tập trung củaViệt Nam thành công cũng một phần nhờ viện
trợ Liên Xô đã chưa bao giờ đủ nhiều để xóa sạch kinh tế tư nhân ở cả
hai miền Nam – Bắc.
Quan trọng hơn, cuộc chiến tranh được nói là “giải phóng miền Nam” đã
nối nền kinh tế bị nhốt kín suốt hai mươi năm của miền Bắc với nền kinh
tế thị trường ở miền Nam. Cuộc “Bắc tiến” ngoạn mục của những chiếc quạt
bàn, tủ lạnh, xe máy Honda đã phần nào giải phóng tư duy cho chính
những người đã lãnh đạo chiến tranh. Phần lớn những người che chở cho
người dân “xé rào” sau năm 1975 đều lànhững người ít được học lý luận
Marx-Lenin (509). Họ vừa mới đi qua chiến tranh, đụng chạm tới cơ chế như
những chiếc “xe tăng” vẫn nồng nặc mùi khói đạn. Họ khôngcòn đơn độc như
thời Kim Ngọc và không sợ ai quy kết quan điểm lập trường.
***
Chú thích chương 9
(452) Sài Gòn Giải Phóng, 24-3-1978.
(453) Một biến cố khác xảy ra trong những ngày đó đã mang lại cho ông Sơn
cả “rủi” lẫn “may”. Năm 1978, Văn phòng Trung ương Đảng vào tiếp quản
An Phú, nhà ông Huỳnh Bửu Sơn nằm trong phạm vi bị trưng dụng. Sau khi
vợ ông Lê Quang Uyển đi Pháp, ngôi biệt thự của ông Uyển, khi ấy đang đi
“học tập”, được T78 lấy làm nơi ở cho ông Nguyễn Văn Linh.
Ông Huỳnh Bửu Sơn được đổi sang chỗ mới là một căn nhà trên đường Phạm
Văn Hai, bản thân ông thì được chiếu cố cho về làm việc ở Ngân hàng Nhà
nước Thành phố. Ở đây, ông may mắn được làm việc với ông Lữ Minh Châu,
một “Việt Cộng” đã từng làm nhân viên ngân hàng ở Sài Gòn trước 30-4 nên
hiểu năng lực và tâm tư của những chuyên viên cũ.
(454) Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh 1975-1979.
(455) Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 15-2-1978 viết: “Thể theo nguyện vọng
của đông đảo nhân dân lao động, từ ngày 1-12- 1977, Thành phố ta đã mở
đợt chống gian thương và đã thu được nhiều thắng lợi tốt đẹp… Ta đã tóm
cổ nhiều tên chủ vựa cá ác ôn, tịch thu trên mười tấn cá đồng và cá
biển; tóm gọn nhiều chủ vựa rau, nhiều lái rau đường dài chở rau Đà Lạt
về TP… Chỉ trong hai tuần lễ giáp tết, từ 23-1 đến 6-2-1978, ta đã bắt
trên sáu mươi vụ gian thương… Nhân dân và lực lượng kiểm soát kinh tế
các quận, huyện, đã xóa bỏ hàng chục vựa giết mổ heo lậu, trong đó có
nhiều lò mổ lớn như ở Xa Cảng miền Tây, Bình Thạnh, Gò Vấp… Về mặt hàng
chất đốt, ta đã xóa được một số vựa củi ở Quận 11, chặn bắt nhiều xe chở
củi lậu ở Quận 10, ngăn chặn được một bước hoạt động của bọn gian
thương chất đốt trong dịp tết”.
(456) Sài Gòn Giải Phóng, 17-4-1978.
(457) 70% số đầu máy bị xếp xó vì hư hỏng, phụ tùng thay thế không có;
khoảng 1,8 triệu hecta trong số bảy triệu hecta đất bị bỏ hoang. Năm
1976, sản lượng lúa cả nước đạt 11,8 triệu tấn. Năm 1980, sau một “kế
hoạch 5 năm”, sản lượng lúa chỉ còn 11,6 triệu tấn. Tưởng sẽ có lương
thực dư thừa cho xuất khẩu, năm 1980, Việt Nam phải nhập khẩu lương thực
nhiều nhất trong lịch sử: 1.570.000 tấn. Về thủy sản, năm 1980 cũng chỉ
đánh bắt được 500 nghìn tấn cá biển, thua xa kế hoạch và thấp hơn sản
lượng đánh bắt của năm 1976, 600 nghìn tấn.
(458) Phó giám đốc sở kiêm giám đốc công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh 1978-1991.
(459) Chuyện kể về chị Ba Thi, Ban tuyên giáo tỉnh ủy Cửu Long xuất bản năm 1992.
(460) Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 4-1-1978, của Bộ chính trị: “Giá thu
mua thóc tính theo tiền miền Bắc trong tình hình hiện nay ở các vùng như
sau: Vùng 1: giá mua 0,32 đ/1kg, ở những nơi điều kiện sản xuất có khó
khăn hơn là 0,35đ/1kg; Vùng 2: giá mua 0,40 đ/1kg, ở những nơi chưa có
công trình thủy lợi là 0,43đ/1kg… Giá mua 1 kg lợn thịt ở các tỉnh miền
bắc tương đương với giá mua từ 7-7,5kg thóc. Ở các tỉnh miền Nam: giá 1
kg lợn thịt là 3 đồng; gạo 0,40đ/1kg tiền miền Bắc; thịt lớn xô
2,50đ/1kg tiền miền Bắc” (Văn Kiện Đảng Toàn Tập, tập 38-1978, trang
10-11).
(461) Theo ông Đỗ Phượng, tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: “Giữa
tháng 4-1978, anh Nguyễn Duy Trinh phải thay mặt Ban Bí Thư điện yêu cầu
các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hà Bắc nỗ lực
cung ứng lương thực cho Hà Nội, sao sớm có được một nửa khẩu phần gạo
hoặc tối thiểu được khoảng 40% gạo trong khẩu phần lương thực.
Điện nói rõ tháng 3-1978, Thủ đô chỉ được 30% gạo trong khẩu phần lương
thực và sang tháng 4-1978 dân Hà Nội sẽ không còn được như tháng 3,
trong khi các thực phẩm thông thường như rau, đậu phụ, mỡ, cá cũng không
đủ để bán theo tem phiếu” (Đỗ Phượng, Chuyện Thời Bao cấp, Nhà Xuất bản
Thông Tấn 2011, trang 9-10).
(462) Đỗ Phượng, Chuyện Thời Bao cấp, Nhà Xuất bản Thông Tấn 2011, trang 9-10.
(463) Đinh Thị Vận, Chuyện Thời Bao cấp, Nhà Xuất bản Thông Tấn 2011, trang (?).
(464) Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, Chuyện Thời Bao cấp, Nhà Xuất bản Thông Tấn 2011, trang 21-22.
(465) Thu Hà, Chuyện thời Bao cấp, Nhà Xuất bản Thông Tấn 2011, trang 21-22.
(466) Chuyện của cựu trung tá công an Phùng Duy Mận, ngụ tại nhà 123 Hàng
Buồm: Thời đó, ông được phân phối đôi dép nhựa Tiền Phong, đi không vừa
nhưng cũng không dám bán cho “con phe” sợ mang tiếng. Phải khi vào Huế
công tác ông mới đem bán được năm nghìn rưỡi, đủ mua một vé máy bay, giá
bao cấp, ra Bắc (Chuyện Thời Bao cấp, Nhà Xuất bản Thông Tấn 2011,
trang ?).
(467) Chuyện của ông Lê Gia Thụy, nhà số 8, ngách 12/21, ngõ 12, phố
Lương Khánh Thiện, chủ nhân của chiếc xe đạp Thống Nhất trưng bày tại
Triển lãm Thời Bao cấp diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học.
(468) Cho đến năm 1978, mỗi khi đi công tác, ông Trần Thắng, Đoàn 871,
Tổng Cục Chính trị, phải làm “giấy ủy quyền” cho vợ là chị Nguyễn Thị
Sinh thì chị Sinh mới được dùng cái đài National đứng tên anh. Để có
pin, Ban đại diện tiểu khu nơi anh chị cư trú còn phải chứng nhận anh
chị là vợ chồng thì Công ty Bách hóa thành phố mới bán pin cho chị Sinh
(Chuyện Thời Bao cấp, Nhà Xuất bản Thông Tấn 2011, trang ?).
(469) Đầu thập niên 1980 là hiệu trưởng Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
(470) Nay là đường Phạm Ngọc Thạch.
(471) Đỗ Phượng, Chuyện Thời Bao cấp, Nhà Xuất bản Thông Tấn 2011, trang 10.
(472) La Lâm Gia.
(473) Bà Ba Thi Nguyễn Thị Ráo cùng quê Vĩnh Long với ông Võ Văn Kiệt và
ông Phạm Hùng, tham gia cách mạng khi còn thiếu niên, có nhiều năm hoạt
động dưới quyền ông Nguyễn Văn Linh, và đã từng gặp gỡ ông Lê Duẩn thời
kháng Pháp.
Chồng bà Ba Thi, ông Nguyễn Trọng Tuyển, bí thư Tỉnh ủy Gia Định, chết
vào tháng 7-1959, trên đường ra cứ đón Trần Bạch Đằng, đặc phái viên Xứ
ủy, để tiếp thu Nghị quyết 15. Bà Ba Thi chính là người phụ nữ cười rất
tươi trong tấm ảnh chụp bốn người thuộc “Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải
phóng miền Nam” ra thăm miền Bắc và “được gặp Bác Hồ” vào ngày
5-3-1969. Bà từng được gọi là “tư lệnh sân bay Lộc Ninh” do vai trò khá
nổi bật của mình trong “ban đón tiếp tù binh” của Mặt trận sau Hiệp định
Paris.
(474) Nguyễn Thành Thơ, Cuối Đời Nhìn Lại, Bản thảo năm 2004.
(475) Chuyện Kể Về Chị Ba Thi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long, 1992, trang 117.
(476) Theo ông Phạm Văn Hùng thư ký riêng của ông Võ Văn Kiệt.
(477) Nghị quyết Trung ương 6 phê phán cung cách xây dựng kế hoạch tập
trung quan liêu, thiếu căn cứ thực tế và khoa học; trì trệ bảo thủ trong
xây dựng những chính sách cụ thể; nóng vội, giản đơn trong công tác cải
tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam; chưa chú ý sử dụng đúng đắn các thành
phần kinh tế cá thể và tư sản dân tộc ở miền Nam; “khuynh hướng tả
khuynh”, muốn sớm đưa cá thể vào hợp tác xã, đưa hợp tác xã lên quốc
doanh; phê phán cách làm coi thị trường là bất hợp pháp.
(478) Văn kiện Đại hội II Thành phố Hồ Chí Minh, lưu trữ tại Thư viện Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành phố.
(479) Báo Sài Gòn Giải Phóng, 1-12-1980.
(480) Ngày 21-1-1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 25-CP công
nhận điều mà ông Võ Văn Kiệt đã cho phép các doanh nghiệp tại Thành phố
Hồ Chí Minh làm từ cuối năm 1978. Quyết định 25-CP bắt đầu cho phép áp
dụng chế độ ba kế hoạch: kế hoạch “chỉ tiêu pháp lệnh” do Trung ương
giao, kế hoạch liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm
thực hiện kế hoạch thứ nhất, kế hoạch do xí nghiệp tự xây dựng. Như vậy,
Quyết định 25-CP có thể hiểu là đã “hợp pháp hóa” sự liên kết giữa các
đơn vị kinh doanh, điều mà trước đó có thể bị bỏ tù vì bị coi là “móc
ngoặc”.
(481) Tuổi Trẻ, 19-4-2009.
(482) Đặng Phong, 2009, trang 174.
(483) Ngày 6-11-1968, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh về Vĩnh Phú, yêu cầu
tổ chức một cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng; tại đây, ông đã đọc một bài phát
biểu, phê phán Vĩnh Phú: “Trong một thời gian dài đã không thấu suốt
tinh thần đấu tranh triệt để giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư
bản chủ nghĩa, giữa hai phương thức lao động tập thể và lao động cá thể ở
nông thôn. Cán bộ và quần chúng nông dân hiểu biết vấn đề hợp tác hóa
nông nghiệp một cách nông cạn và đơn giản… nên khi vận dụng vào hoàn
cảnh của địa phương đã đi chệch sang phương thức sản xuất cá thể, chuyển
một phần tư liệu sản xuất của hợp tác xã cho các hộ xã viên, khôi phục
dần cách làm ăn riêng lẽ” (Tạp chí Học Tập tháng 2-1969, trang 19). Ngày
12- 12-1968, Ban Bí thư có Thông tri số 224 về việc “chấn chỉnh ba
khoán, kiên quyết sửa sai chống khoán hộ”, lập “ban chỉ đạo” huy động
lực lượng cán bộ để truyền đạt thông tri của Trung ương và thảo luận bài
“Phê phán của đồng chí Trường Chinh”; kiểm tra lại tất cả việc khoán để
chấn chỉnh lại. Bí thư Kim Ngọc, sau đó đã phải làm “tự kiểm điểm” đăng
trên Tạp chí Học Tập thể hiện tinh thần “quyết tâm sửa chữa”.
(484) Theo ông Nguyễn Văn Tôn: “Sản lượng hoa màu quy ra thóc: năm 1960,
đạt 28.520 tấn; năm 1968 lên được 32.782 tấn; năm 1970 xuống còn 25.468
tấn và năm 1975 xuống còn 18.565 tấn” (Đặng Phong, 2009, trang 191).
(485) Tại Trung Quốc, năm 1962, sau khi chính sách tập thể hóa “Đại nhảy
vọt” (từ 1959-1961) làm chết hàng chục triệu người do đói kém (khoảng
15-17 triệu người theo số liệu chính thức của Trung Quốc; khoảng 45
triệu theo các nhà nghiên cứu nước ngoài, Ezra F. Vogel, trang 41), Trần
Vân (Chen Yun), một ủy viên Bộ chính trị đặc trách kinh tế đưa ra đề
nghị khoán sản phẩm tới hộ cho nông dân. Đề nghị được Đặng Tiểu Bình ủng
hộ nhưng ngay sau đó đã bị Mao Trạch Đông phê phán là “đi theo con
đường tư bản”(Ezra F. Vogel, 2011, trang 436). Mao chỉ trích nặng tới
mức Trần Vân suy sụp đến nỗi không thể nói trong vài tuần và sau đó phục
hồi rất chậm(Ezra F. Vogel, 2011, trang 723).
(486) Đặng Phong, 2009, trang 197.
(487) Theo đề nghị của xã viên, một vài đội của hợp tác xã Tiến Lập, xã
Đoàn Xá, huyện An Thụy, đã “khoán ruộng cho các hộ”, cứ một sào ruộng
khoán, xã viên phải nộp lại cho hợp tác xã 70kg thóc, tương đương với
sản lượng đạt được khi ruộng vẫn ở trong tay hợp tác. Kết quả, ngay
trong vụ mùa thứ nhất, mỗi sào ruộng khoán đã thu được 1,4-1,5 tạ thóc,
xã viên kiếm được bảy, tám chục ký thóc một sào. Nhưng, đầu năm 1976,
thì chuyện bại lộ, huyện cử cán bộ về thanh tra, Đảng ủy xã Đoàn Xá phải
tổ chức kiểm điệm, tự nhận: “Khoán là sai đường lối, làm ảnh hưởng xấu
đến cuộc vận động đưa hợp tác xã lên quy mô toàn xã”.
(488) Đặng Phong, 2009, trang 204.
(489) Cải cách của Trung Quốc lại thường bắt đầu từ trên xuống, năm 1977
khi Wan Li được điều về Bí thư tỉnh An Huy (Anhui) nạn đói ở đây vẫn còn
hoành hành. An Huy là nơi có khoảng từ 3-4 triệu người chết đói vì “Đại
nhảy vọt”. Wan Li đã đưa ra “Đề nghị 6 điểm” theo đó giao khoán sản
phẩm đến nhóm nhỏ, thậm chí tới từng cá nhân nông dân, người dân có
quyền tự chủ trên ruộng khoán và được bán sản phẩm ra thị trường địa
phương. Lúc này chính sách cấm khoán hộ vẫn còn có hiệu lực, “Đề nghị 6
điểm” bị nhiều người phản đối, nhưng Đặng Tiểu Bình người mới trở lại
chính trường đã ủng hộ và Wan Li vẫn kiên quyết cho áp dụng và áp dụng
thành công chính sách khoán ở An Huy. Năm 1978, mặc dù là người bổ nhiệm
Wan Li về làm bí thư An Huy, Thủ tướng Hoa Quốc Phong vẫn bảo vệ mô
hình hợp tác hóa Dazhai nghĩa là không chấp nhận khoán. Phó thủ tướng
phụ trách nông nghiệp Chen Yonggui và người kế vị ông cũng bảo vệ mô
hình hợp tác hóa Dazhai. Nhưng cả Đặng và Trần Vân vẫn ủng hộ An Huy.
Mãi tới ngày 31-5-1980, sau khi củng cố được quyền bính Đặng mới chính
thức công khai ủng hộ chính sách phi tập trung hóa trong nông nghiệp,
khoán ruộng cho nông dân tới hộ (Ezra F.
Vogel, 2011, trang 436-440).
(490) Nhà báo Thái Duy, có mặt tại Hải Phòng trong thời điểm này, kể: Các
đoàn đến Hải Phòng cũng chủ yếu là đi chui, không có giấy giới thiệu,
không có công tác phí, Hải Phòng cưu mang hết. Có đoàn ở xa như Nghệ
Tĩnh, còn được Hải Phòng cung cấp lương thực, thực phẩm đủ ăn đến khi về
tới nhà. Nhiều người ngạc nhiên vì có cả lãnh đạo huyện Thiệu Yên,
Thanh Hóa. Thiệu Yên là nơi có hợp tác xã Định Công. Cùng với Vũ Thắng,
Thái Bình, Định Công là một trong hai hợp tác xã điển hình toàn quốc.
Trong giai đoạn hô hào hợp tác hóa, hàng nghìn đoàn đại biểu từ Nam, chí
Bắc đã về “học tập Vũ Thắng, Định Công”. Té ra để có gạo nuôi sống xã
viên và tiếp khách, Định Công cũng như Thiệu Yên đã phải âm thầm cho dân
“khoán hộ”.
(491) Đặng Phong, 2009, trang 227.
(492) Sđd, trang 229-230.
(493) Sđd, trang 231-232.
(494) Đặng Phong, 2009, trang 233-234.
(495) Năm 1978, trước khi ông Kim Ngọc nghỉ hưu, Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh
Phú cũng đã ra Nghị quyết 15: “Chính thức để các hợp tác xã khoán cho hộ
gia đình và cho hộ gia đình mượn một số đất để làm thêm vụ đông”. Tuy
nhiên, như con chim đã từng trúng tên, khoán ở Vĩnh Phú vẫn chỉ được
tiến hành hết sức rụt rè. Sau đó không lâu, ông Võ Chí Công, ủy viên Bộ
Chính trị, phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp đã về Thổ Tang, một xã
hết sức năng động ở Vĩnh Phú. Theo ông Đinh Văn Niệm, thư ký của “anh
Năm” Võ Chí Công: “Anh Năm so sánh năng suất đất 5% và đất hợp tác xã
rồi nói: Hầu hết những người tham gia chiến đấu ở Khu V đều là dân Bắc,
họ đã rất thông minh, dũng cảm. Chỉ vì cơ chế mà miền Bắc phải chịu
nghèo thế này”.
(496) Nhà báo Thái Duy trả lời phỏng vấn tác giả.
(497) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 41, trang 540.
(498) Chánh Văn phòng Trung ương Khóa IV.
(499) Trả lời phỏng vấn tác giả.
(500) Trả lời phỏng vấn tác giả.
(501) Trả lời phỏng vấn tác giả.
(502) Trước phiên họp của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Ngọc Ẩn nói: “Những gì
các đồng chí phê phán chúng tôi tiếp thu và sửa chữa. Ở đây chúng tôi
cần nói những vấn đề cụ thể các đồng chí phát hiện nhận xét như: Rượu
ngoại các đồng chí nói là rượu chúng tôi mua hương liệu về cất, đạt tiêu
chuẩn để xuất khẩu tại chỗ, các đồng chí xem thử, không phân biệt được,
chứng tỏ kỹ thuật chúng tôi tương đối. Về tàu chở hàng ra nước ngoài,
chúng tôi bán hàng tươi sống, mướn tàu ta cả tháng mới được, hàng hư
hỏng hết còn gì xuất khẩu, còn mướn tàu của nước ngoài, trong vòng hai
mươi bốn giờ là có mặt, họ chở hàng ta đến nơi, đến chốn đúng hợp đồng,
đảm bảo không hư hỏng. Về tiền chúng tôi vay của ngân hàng 800 triệu để
mua bán, sau một chuyến chúng tôi phải giao trả tiền ngân hàng, rồi làm
thủ tục vay mượn lại để tiếp tục mua bán chuyến mới, việc làm thủ tục
vay mượn mỗi chuyến kéo dài cả tháng, làm sao chúng tôi mua bán liên tục
đúng định kỳ được, nên đành phải giữ tiền chuyến trước cho chuyến sau,
bây giờ cần trả tiền lại chúng tôi sẽ gom trong vòng một tuần lễ đủ 800
triệu”.
(503) Theo Nguyễn Thành Thơ.
(504) Năm tháng sau đó, ngày 4-3-1983, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lại
họp và ra một “nghị quyết quan trọng” khác, được gọi là “Nghị quyết
19”, cảnh báo: “Sau đợt cải tạo tư sản thương nghiệp tháng 3-1978, công
tác cải tạo xã hội chủ nghĩa bị buông lỏng quá lâu. Một phần do quan
điểm đánh giá đã hoàn thành cơ bản công tác cải tạo công thương nghiệp
tư bản tư doanh, đã cơ bản xóa bỏ giai cấp tư sản, việc còn lại chỉ là
củng cố quan hệ sản xuất mới. Cũng có quan điểm cho rằng, trong tình
hình kinh tế còn nhiều khó khăn ai làm tốt hơn thì nên duy trì miễn là
có nhiều sản phẩm cho xã hội. Trong thực tế đây là buông lỏng đấu tranh
giai cấp, buông lỏng chuyên chính vô sản tạo sơ hở lớn để cho các đối
tượng cải tạo có cơ hội phục hồi và tiến công lại trên nhiều mặt”.
(505) Nhận xét của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Phương.
(506) Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ là ông Lê Văn Lương. Năm 1956,
ông Lương bị mất chức ủy viên Bộ Chính trị do những “sai lầm trong việc
chỉ đạo chiến dịch chỉnh đốn tổ chức” bắt đầu từ năm 1953. Được ông Lê
Duẩn đưa vào Ban Bí thư năm 1960 và đưa trở lại Bộ Chính trị năm 1976.
(507) Phóng viên Hà Nội Mới, ông Nguyễn Đức Thà, tả một ngôi nhà bị cải
tạo ở Quận Hai Bà Trưng: “Bước vào nhà đã có cảm giác dễ chịu, nền gạch
tráng men, nhà dưới, tầng trên đều có công trình vệ sinh riêng, có đèn
neon, có gương soi. Các phòng đều có tiện nghị sinh hoạt như tivi, tủ
lạnh, máy quay băng, sập gụ, tủ chè, gường modec, quạt trần, quạt bàn,
salon gỗ lát, salon đệm mút… Đó là sự vô đạo đức, nỗi bất công không thể
kéo dài” (Hà Nội Mới, 17-5-1983). Trên cùng số báo này, phóng viên
Quang Cát viết: “Ai cũng phải đặt câu hỏi: Trong lúc đời sống còn rất
khó khăn, lương chỉ đủ ăn, cá nhân nào có thể có tiền xây một nếp nhà
lớn khang trang như thế? Nhà hai tầng, trang trí cầu kỳ, có bao lơn hoa
văn, cánh cửa dưới nhà, trên gác đều sơn màu vàng… Trải qua nhiêu năm
chiến tranh đất nước còn nghèo, làm sao có được một cơ ngơi như thế?...
Một bà mẹ tóc đã hoa râm cương quyết nói: Phải xử lý chứ! Nó như cái gai
trước mắt chúng tôi và nêu gương xấu cho mọi người”. Còn “bạn đọc”
Nguyễn Ngọc Hiếu thì cho rằng, tịch thu tài sản bất minh là “nguyện vọng
thiết tha của cán bộ và nhân dân lao động”... Chiến dịch Z-30 đã được
một “luật gia” có tên là Phạm Ngọc Hải, lấy nguyên tắc của Lenin, “tước
đoạt của những kẻ tước đoạt”, để phân tích: “Chính quyền đã thu hồi có
chính sách rõ ràng phần tài sản bất minh để chuyển thành cơ sở phúc lợi
công cộng. Các vật liệu chiến lược như xi măng, sắt, thép, gỗ… đều do
nhà nước quản lý và phân phối, thế mà số hộ bị kiểm tra thường là có đầy
đủ các vật liệu ấy để xây dựng nhà cửa có giá trị lớn. Chúng ta cũng
hoan nghênh tính chất nhân đạo trong quyết định của chính quyền thành
phố. Chúng tôi mong rằng chính quyền Thủ đô tiếp tục cuộc đấu tranh rất
được quần chúng đồng tình này. Chế độ chuyên chính vô sản của chúng ta
không những phải trấn áp sự phản kháng của bọn bóc lột mà còn phải
nghiêm trị cả những bọn gian thương, tham ô, trộm cướp, phá rối trật tự.
Bọn chúng đều là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, hằng ngày đầu độc không
khí trong lành của xã hội chúng ta”
(508) Đặng Phong, 2009, trang (?).
(508) Đặng Phong, 2009, trang (?).
(509) Giáo sư Trần Đình Bút, người dẫn đoàn giáo sư Liên Xô sang giảng
dạy ở trường Quản lý Kinh tế Cao cấp Trung ương đến nghiên cứu kinh
nghiệm “xé rào” của ông Năm Ve ở Xí nghiệp Đánh cá Côn Đảo-Vũng Tàu đầu
thập niên 1980, kể: Sau khi nghe giới thiệu toàn bộ quá trình hình thành
và hiệu quả kinh doanh của xí nghiệp, trưởng đoàn Liên Xô đặt câu hỏi:
“Đề nghị các nhà khoa học, các giáo sư Liên Xô và Việt Nam, hãy trả lời
gọn trong một câu thôi: Nguyên nhân nào làm xí nghiệp quốc doanh Đánh cá
Côn Đảo đã có những thành công đáng khâm phục như vậy?”. Mọi người im
lặng, trưởng đoàn nửa đùa nửa thật nói: “Tại vì Năm Ve không học, không
biết các nguyên tắc quản lý và hạch toán xã hội chủ nghĩa mà chúng ta
vẫn giảng”. Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận là cho đến khi trở thành ủy viên
Bộ Chính trị, ông chưa thực sự học qua một trường lớp lý luận chính quy
nào.
No comments:
Post a Comment