Monday, February 25, 2013

Vì sao Vietnam Town khai phá sản?


Ngày 13/2 vừa qua, ban quản lý trung tâm thương mại Vietnam Town trên đường Story Road, trong khu Little Saigon ở San Jose, đã nạp đơn phá sản theo chương 11 luật thương mại Hoa Kỳ.

Chủ nhân trung tâm là tập đoàn TWN – tức Tang, Wong, Nguyen – trong hai thập niên qua đã đầu tư vào nhiều cơ sở thương mại trong vùng. Năm 2006, khi Vietnam Town với 260 cửa hàng lên kế hoạch xây dựng cũng là lúc Nghị viên Madison Nguyễn, mới trúng cử vào hội đồng thành phố, muốn thúc đẩy việc đặt tên một khu phố để vinh danh nhưng đóng góp của người Việt cho sự phát triển của San Jose trong ba thập niên định cư.

Tranh cãi đặt tên
Nguyên thủy, đề nghị tên khu phố là Vietnam Town Business District được đưa ra hội đồng thành phố và ông Tăng Lập, một trong những chủ nhân của dự án Vietnam Town, đã đồng ý sẽ trả chi phí cho việc xây dựng hai bệ đài chào mừng đặt tại hai đầu đường Story Road dẫn vào khu thương mại.
Nhưng luật sư của thành phố cho biết chính quyền thành phố không thể nhận tiền từ tư nhân trong việc này, vì thế Nghị viên Madison thôi ủng hộ tên Vietnam Town Business District. Cùng lúc có nhiều người Việt muốn khu phố mang tên Little Saigon.
Điều đáng ghi nhận là trong khi người Việt và giới truyền thông tại San Jose không mấy người biết gì về chuyện đặt tên thì báo của Đảng Cộng sản Việt Nam lại đưa tin phiên họp thành phố đã chọn tên Vietnam Town Business District.
Sau đó một số tập đoàn kinh doanh trong nước cũng phát triển những dự án đầu tư ở Hoa Kỳ, trong đó có cơ quan du lịch mua khách sạn ở San Francisco, thương gia Trầm Bê mua khu thương mại Vallco ở Cupertino, cạnh San Jose, với giá 64 triệu đôla trả tiền mặt.
Khi có phiên họp của hội đồng thành phố San Jose để chính thức đặt tên cho khu phố Việt vào tối ngày 20/11/2007, cả ngàn người Mỹ gốc Việt đến dự và hơn 200 ý kiến được phát biểu với đại đa số muốn tên Little Saigon. Nhưng theo đề nghị của Nghị viên Madison Nguyễn, thành phố chọn tên Saigon Business District với tỉ số 8-3.
Kết quả này đã làm trào dâng làn sóng phản đối, dẫn đến những tranh đấu cho tên Little Saigon kéo dài mấy năm.
Nghị viên Madison Nguyễn phải đối đầu với một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm và bà đã vượt qua.
Cuối cùng thành phố công nhận tên Little Saigon, cho treo phướn hai bên đường và tuần này sẽ khánh thành các bảng chỉ đường dẫn vào Little Saigon từ xa lộ 101 và 280. Nhưng chi phí cho Little Saigon không đến từ thành phố mà là đóng góp của những cá nhân.
Chuyện đặt tên khu phố Việt như gắn liền với Vietnam Town và những trắc trở của nó. Từ khi nổ ra tranh đấu cho tên Little Saigon thì việc xây dựng khu thương mại này cũng gặp trở ngại tài chánh và phải đổi tài trợ từ ngân hàng United Commercial Bank sang East West Bank.
Dự trù mở cửa cuối năm 2006 nhưng đến tháng 6/2011 Vietnam Town mới chính thức khai trương và chỉ xong khoảng một nửa.
Mới đây, ông Tăng Lập cho báo Silicon Valley Business Journal biết trong số 115 cửa hàng đã hoàn tất ban quản lý đã bán được 55 căn, còn 20 căn với chủ nhân đã đạt cọc, ít nhất là 150 nghìn đô cho mỗi căn, nhưng hiện gặp khó khăn trong việc vay tiền ngân hàng. Giá một cửa hàng trong Vietnam Town là từ 500 nghìn đôla đến 550 nghìn cho một căn rộng 1000 bộ vuông, khoảng 100 mét vuông.
Cũng theo Silicon Valley Business Journal, tập đoàn TWN đã không thể thanh toán nợ trong những tháng gần đây và hiện có số nợ đáo hạn 15 triệu đô-la từ cuối tháng 10/2012. Vì thế vài tuần trước, ngân hàng East West Bank đã ra thông báo về việc tịch biên và bán đấu giá những cửa hàng còn lại. Hồ sơ khai phá sản của TWN ghi tài sản trị giá 58.2 triệu đôla và số nợ là 53.37 triệu.
Bất động sản khó khăn
Khai phá sản theo chương 11 là cách để ngăn việc ngân hàng tiến hành tịch biên cơ sở và đem bán, trong khi đó tập đoàn đầu tư có thể yêu cầu toà cho phép tổ chức lại việc trả nợ ngân hàng.
Sự trì trệ kinh tế tại Hoa Kỳ và tại Việt Nam đã ảnh hưởng nhiều đến đầu tư bất động sản ở cả hai nơi trong năm năm qua. Khu thương mại Vallco gặp khó khăn. Nay Vietnam Town cũng đang bị khủng hoảng tài chánh là chỉ dấu kinh tế của người Việt ở Mỹ cũng như trong nước còn nhiều khó khăn cho những ai muốn đầu tư ở hai bên bờ Thái Bình Dương.

Điều mà nhiều người lo ngại là nếu tập đoàn TWN không trả được nợ thì liệu những người đã ký giấy bảo đảm cho TWN vay tiền ngân hàng có thể bị ngân hàng buộc vào những món nợ liên quan đến Vietnam Town. Khi đó sẽ có nhiều cá nhân phải khai phá sản và ảnh hưởng dây chuyền sẽ lây lan trong giới đầu tư trong vài ngoài nước.
Có nhận định cho rằng sự thất bại của Vietnam Town là do ảnh hưởng của việc chọn tên Little Saigon, mà ông Tăng Lập phản đối. Điều này chỉ là một phần. Thực ra, nguyên do chính là vì tập đoàn TWN đã chọn không đúng thời gian, địa điểm nên đã đưa đến tình trạng phải khai phá sản như hiện nay.

BBC

No comments:

Post a Comment