Tuesday, November 25, 2014

Còn bao nhiêu ông thanh tra Trần Văn Truyền?

 Ngôi biệt thự hoành tráng của ông tổng thanh tra Trần Văn Truyền ở xã Sơn Đông, TP. Bến Tre

Dư luận tại Việt Nam tiếp tục quan tâm đến việc ông Trần Văn Truyền, người từng là ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng và Tổng Thanh Tra Chính Phủ, bị chính thức kết luận tham nhũng.

Dư luận đặt vấn đề liệu chỉ có trường hợp ông Truyền hay còn vô số những trường hợp tương tự chưa bị phát hiện và công khai ra? Cũng như công cuộc đấu tranh chống tham nhũng có thể thành công hay không?
‘Phần nổi tảng băng’
Một cựu quan chức Đảng, ông Nguyễn Đình Hương cựu phó Trưởng Ban Tổ Chức Trung ương, trong trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ được loan đi vào ngày 24 tháng 11 nói rằng ‘những gì mà chúng ta vừa thấy mới chỉ là tảng băng trôi’.
Một vị đại biểu quốc hội sau khi có thông tin kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vụ ông Trần Văn Truyền với 6 căn nhà và đất tại Bến Tre, Sài Gòn và Hà Nội, lên tiếng nêu câu hỏi ‘còn bao nhiêu ông Truyền nữa?”
Tác giả Kiến Giang trên trang mạng Một Thế giới vào ngày 23 tháng 11 cũng có bài viết ‘Có bao nhiêu ông Trần Văn Truyền khác trong vỏ bọc liêm khiết?’ Trong bài tác giả nêu ra những câu hỏi ‘nếu ông Truyền không xây biệt thự hoành tráng, ai sẽ biết ông lắm tiền, nhiều của? Không có báo chí vào cuộc phanh phui, cơ quan chức năng nào sẽ vào cuộc điều tra khối tài sản khổng lồ của ông?
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, từ Hà Nội, đưa ra nhận định về trường hợp tham nhũng của ông Trần Văn Truyền bị phát hiện như sau:
Thực ra những chuyện như thế quá rộng và quá phức tạp tôi không thể quan tâm được hết. Nhưng tôi chỉ thấy đó chỉ là một ví dụ nho nhỏ, nó không là cái gì trong tình hình hiện nay cả. Người ta hay nói đùa là các đồng chí chưa bị lộ, thành ra ai lộ rồi thì thành người có tội.
Có một điểm cũng hay : ông này là thanh tra chính phủ, thanh tra mà còn thế thì lấy đâu ra người tốt nữa. Đó là điểm mà tôi thấy đưa trường hợp này ra chỉ là một trò giễu thôi; chứ hiện tượng ông này cũng chưa là gì cả. Ví dụ như xung quanh, ở Hà Nội khi đi ra đường, ngoài phố người ta luôn sợ bị cướp giật, luôn sợ bị mất cái gì đó nho nhỏ. Tâm trạng đó mới là cái quan trọng. Tình cảm của con người đối với nhau, sự an bình của cuộc sống mới quan trọng, còn hiện tượng một vài người quá thô thiển, quá lộ liễu bị đánh sập xuống, tôi nghĩ là chuyện nhỏ, chuyện này không lớn nữa!
Lý do phát hiện
Một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh tại Đà Nẵng có nhận định về một số lý do vì sao trường hợp ông Trần Văn Truyền bị phanh phui đưa ra ánh sáng như hiện nay:
Theo tôi nghĩ có nhiều lý do, trong đó có lý do có lẽ đảng cũng muốn lấy lại hình ảnh trong sạch, chống tham nhũng của mình khi mà chuyện tham nhũng ai cũng biết mà đảng chưa làm được điều gì để người dân hài lòng.
Thứ hai đây có thể là hệ quả của việc vận động chính trị trước khi đến đại hội đảng của Việt Nam. Việt Nam đã trải qua nhiều đại hội đảng và thường trước đại hội đảng có những cuộc vận động ở đó có thể có những phe nhóm bị hạ bệ, tất nhiên không khốc liệt như ở Trung Quốc nhưng theo tôi nghĩ đây là một chiêu bài chính trị mà tất cả các phe nhóm có thể vận dụng để củng cố quyền lực cho phe nhóm mình.
Hệ thống tạo điều kiện
Anh Nguyễn Văn Thanh phân tích vì sao những người nằm trong hệ thống đảng và chính quyền tại Việt Nam hiện nay dễ dàng thu tóm được nhiều tài sản công trở thành của riêng của họ như sau:
Đối với một người quan tâm đến tình hình đất nước và tư duy theo hướng lý tính, tôi thấy kết cấu chính trị của Việt Nam rất dễ để người ta có cơ hội tham nhũng cũng như bắt tay nhau tham nhũng tài sản công, lạm dụng và thậm chí biến thành tài sản của mình. Điều này là tình trạng phổ biến dễ hiểu bởi vì tài sản công có ở khắp nơi nhất là lĩnh vực đất đai với sở hữu toàn dân, mà Nhà nước ở đây chính là các quan chức có quyền điều động và phân bổ. Thứ nữa Việt Nam thiếu một hệ thống truyền thông độc lập với chính quyền. Tất cả những kết cấu như vậy thì việc quan chức Việt Nam mà điểm hình như trường hợp ông Trần Văn Truyền có rất nhiều tài sản ở nhiều thành phố, được các quan chức ở các thành phố đó ký cấp là điều dễ hiểu.
Biện pháp rốt ráo
Việc làm của Ủy ban Kiểm Tra Trung ương đối với vụ việc của ông Trần Văn Truyền cũng được nhiều người hoan nghênh cho rằng ‘có còn hơn không’.
Một người nông dân tại Hà Nội bày tỏ lạc quan về thông tin một nguyên chánh thanh tra chính phủ, nguyên ủy viên trung ương đảng và nguyên bí thư Ban cán sự Đảng như ông Trần Văn Truyền bị đưa tin trên truyền hình và sẽ bị xử lý về những sai phạm của ông ta:
Nói thật là nhiều lắm, nhưng ông này về hưu rồi mới đánh được. Ông này hưu ba năm rồi. Chắc còn nhiều đấy nhưng Nhà nước sẽ đánh về sau. Vì hiện nay tay chân nó còn to quá không làm gì được. Sẽ xử lý cán bộ này. Dân không muốn cán bộ làm nhũng nhiễu trong dân thế này, dân chán lắm!
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân cũng đồng ý cho rằng đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng của các quan chức như ông Trần Văn Truyền là cần làm; nhưng bà cho rằng để làm ‘đến nơi đến chốn’ thì còn khó khăn lắm. Bà trình bày:
Muốn thì muốn lắm nhưng làm không phải dễ vì đánh đổ người nọ, đánh đổ người kia, đánh đổ hết sao! Như ông chủ tịch quốc hội nói đánh đổ hết thì ai làm việc. Thế đấy! Thành ra tôi nghĩ, nó không cơ bản, nó không triệt để và không mạng lại lợi ích là bao nhiêu. Chỉ có điều thôi thì tôi cho rằng một hiện tượng xấu như thế mà được đưa ra, tặc lưỡi một cái, thế thì tốt rồi! Chỉ là một cái gì đó an ủi thôi, chứ tôi thấy không cơ bản. Vì xấu nhiều quá, đi đâu cũng có thể gặp chuyện xấu, từ cái xấu nhỏ. Nếu tôi chỉ có dăm ba hào mà người ta lấy hết của tôi dăm ba hào thì đó cũng là tội lớn rồi vì khiến tôi không còn gì ăn cả. Cho nên hành động xấu, tư tưởng xấu dẫn đến tình trạng tràn làn, nhiều quá. Người ta cướp giật của nhau cái bánh, cái kẹo thôi, một ổ bánh mì cho trẻ con cũng là cướp giật và cũng mang đến hậu quả, thiệt thòi, chết chóc cho một con người nên những chuyện nhỏ không giải quyết được thì chuyện lớn không giải quyết được.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh nêu rõ giải pháp căn bản cho tình hình tham nhũng tại Việt Nam hiện nay như sau:
Theo tôi nghĩ những ai có tư duy muốn kiến tạo một đất nước Việt Nam tốt đẹp thì cách làm việc như vậy ( xử lý ông Truyền) cũng giống câu chuyện Tào Tháo mượn đầu Vương Hậu để làm an binh sĩ, không giải quyết được vấn đề gì hết. Tôi nghĩ giải pháp căn bản ở đây là phải tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực đối với các quan chức, cũng như tăng cường quyền công dân trong việc giám sát đất nước như phát triển các tổ chức xã hội dân sự rồi thừa nhận quyền báo chí tư nhân cho công dân, và Nhà nước phải có luật minh bạch các khoản chi tiêu tiền thuế của dân… Tôi nghĩ đó là giải pháp căn bản để chống hiện tượng tham nhũng ở Việt Nam.
Tác giả Kiến Giang mà chúng tôi vừa nhắc đến cũng như tác giả Thi Anh trên trang mạng Một Thế Giới thống kê lại những phát biểu về chống tham nhũng của ông Trần Văn Truyền trước đây khi còn là Tổng Thanh Tra Chính Phủ.
Nhiều người dân Việt Nam lâu nay luôn chỉ ra sự mâu thuẫn, bất nhất giữa ‘nói và làm’ của những Đảng viên cộng sản và quan chức chính phủ Hà Nội nhằm bày tỏ sự bất tín của họ. Nay trường hợp của ông Trần Văn Truyền là một minh chứng cụ thể.

RFA

No comments:

Post a Comment