Sunday, May 3, 2015

"Đêm trước" đổi mới: Khi chợ trời bị đánh sập (Bài 3)


 Trung tâm Thương nghiệp quận 10, TP.HCM thời bao cấp đang bán hàng 

Chuyện mua bán thời bao cấp với cảnh ngăn sông cấm chợ, giá dưới đất giá trên trời, mua không được bán không xong... là kết quả của quá trình siết chặt quá nóng vội, mạnh tay. Ông Hà Đăng (nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân) gọi đó là “một đêm đánh sập chợ trời”.


Thời của trạm gác
Một chiếc xe tải lấm đầy bùn đất xịt khói đen chạy ầm ầm qua đường. Thùng xe bịt một tấm bạt lớn đập phần phật. Đi ngược nó là đoàn xe công tác của cán bộ. Và lập tức ông cán bộ cho quay xe đuổi theo. Đến ngang chừng chiếc xe tải, ông rút súng ngắn chĩa lên trời bắn ba phát đạn đanh giòn rợn tóc gáy.
Chiếc xe tải sợ hãi dừng lại. Người rượt đuổi là một ông phó chủ tịch UBND tỉnh muốn kiểm tra hàng lậu. Ông Chín Cần (Nguyễn Văn Chính), nguyên bí thư Tỉnh ủy Long An, kể lại câu chuyện mà ông được chứng kiến tại tỉnh mình vào thời kỳ bao cấp với mệnh lệnh cấm buôn bán tự do như thế.
Chiếc xe tải đó thật ra giống như bất cứ phương tiện nào. Cứ có dấu hiệu chở được thứ gì đó thì sẽ bị cán bộ kiểm tra. Bởi tất cả mọi thứ hàng hóa không phải của ngành thương mại thì đều là hàng lậu. Trong khi cuộc sống đang cần càng nhiều hàng thì nguồn cung từ quốc doanh chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.
Chính vì vậy mà gạo, thịt, bánh kẹo, bột giặt, áo quần, mũ dép... đều có thể là hàng lậu ở bất cứ nơi nào, lúc nào... Thời đó, người dân nào cũng có thể là “con phe” (dân buôn lậu) nên cán bộ chống buôn lậu rất nhiều. Công an, thuế vụ có thể kiểm tra xét hỏi bất cứ chiếc bì, thúng, sọt, túi... của ai, ở đâu.
Ngoài hai lực lượng này, mọi cán bộ nhà nước đều có thể bắt hàng lậu. Ông Chín Cần kể: “Một đoạn đường vài cây số nhưng có tới hơn chục trạm gác kiểm soát hàng hóa. Những trạm gác này thường bắt được những ông cán bộ mặc quần hai lớp để đựng gạo, chị hàng thịt cuốn quanh người những tảng mỡ heo rồi mặc áo trùm bên ngoài.
Và đặc biệt nhất là chuyện chở heo trốn qua trạm gác. Một con heo 60kg đã mổ thịt lấy đi lòng, tiết chở ra chợ bằng cách chằng sau yên xe với tư thế ngồi chạng chân sang hai bên. Áo mưa trùm kín “người” rồi đội cho chú “heo người” một cái nón lấp mặt.
Khi qua trạm gác, trời mới tang tảng sáng, người “mẹ” vừa đạp xe vừa quàng tay ra phía sau vỗ về và nhắc nhở “con” đóng giả mẹ chở con đi học. Tuy nhiên cái cảnh “gia đình đầm ấm” ấy sau cũng bị cán bộ phát hiện.
Và người dân lại tìm những cách khác để đối phó với mạng lưới chống buôn lậu. Mục đích cuối cùng của người dân chỉ là mong bán được những thứ mình làm ra để lo cho cuộc sống.


 Bà Tư Tây (ở ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành, An Giang) 
 
Mua như cướp
Thời ấy, bà Tư Tây, nông dân ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành (An Giang) có 50 công ruộng. Mỗi năm thu hoạch hơn trăm giạ lúa. Theo qui định của Nhà nước, nhà bà chỉ được giữ lại khoảng 60% (đủ để ăn), số còn dư buộc phải bán cho Nhà nước.
Giá bán thấp hơn tiền vốn bỏ ra nên nhà bà cũng như tất cả những nông dân trong vùng đều cố gắng tìm cách giấu lúa không cho chính quyền biết. Cuối vụ từng đoàn cán bộ, có khi cả du kích đeo súng vào từng nhà đo bồ (kiểm tra lúa).
Ai thừa định mức bị buộc phải bán tại chỗ. Có vụ, nhà bà phải xay thành gạo và giấu trong tủ thờ. Đến khi mở ra thì chuột ăn hết quá nửa. Có nhà, vợ giấu gạo, cầm chìa khóa đi vắng, chồng con ở nhà phải nhịn đói...
Để giấu lúa qua trạm thời đó bà con thường làm ghe, xuồng có hai đáy, khi vận chuyển thì đổ trấu lên đáy trên, đựng lúa ở đáy dưới. Trong nhà thì họ khoét rỗng đống rơm rồi thả lúa vào giữa... Người dân Bến Tre thường đi xuồng xuống Cà Mau mua lúa.
Mỗi chuyến đi cả trăm cây số nhưng cũng chỉ có thể mua 1 tạ trở xuống. Dọc tuyến đường độc đạo này có rất nhiều trạm gác. Có lần một bà nông dân bị cán bộ phát hiện chở lúa. Cán bộ bê bao lúa lên thì bà ta ngất xỉu. “Họ uất ức quá, gia đình đói khổ, quần áo te tua, đi mấy ngày mới tới Cà Mau, cả tuần lễ mới mua được bì lúa. Cả nhà trông vào đó...”.
Chuyện thu mua lúa hay thu mua vải đều giống nhau cả. Năm 1978 giá thành 1m2 vải calicot sản xuất tại xưởng của Công ty Dệt Thành Công là 1,5 đồng. Thế nhưng tất cả lượng sản phẩm có được, công ty đều phải bán cho Nhà nước với giá 1,2đ/m2.
Giá thành 1m2 vải dệt theo kiểu oxford hết 10đ nhưng công ty phải bán cho Nhà nước giá 9đ/m2. Giá của hai thứ vải trên nếu bán ở thị trường tự do thì cao gấp 10-12 lần. Tương tự như vậy, tất cả mọi sản phẩm công ty sản xuất được đều chung tình cảnh trên.
“Sau bao nhiêu ca lao động cật lực để vượt qua những khó khăn mà Nhà nước không thể hỗ trợ như máy hỏng, nguyên nhiên liệu, vốn... thiếu thì nhà máy mới ra đời được một lượng hàng ít ỏi. Thế nhưng nhìn cảnh đóng hàng xuất cho nội thương với giá thấp hơn vốn bỏ ra, cán bộ công nhân rơi nước mắt...”.
Ông Trần Đức Nguyên, nguyên trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng cái từ “thu mua” (vừa thu vừa mua) được hình thành từ thực tế này. Còn dân gian gọi đó là: mua như cướp. Và chuyện “thu mua” tồn tại dưới nhiều hình thức: mua theo giá nghĩa vụ, mua theo giá khuyến khích, bán theo cơ chế có thưởng...
Mục đích là loại bỏ thị trường tự do nhưng cả về thực tế (Nhà nước không đủ hàng) lẫn lý thuyết (giá Nhà nước phải căn cứ theo giá chợ để hình thành) thì hệ thống thị trường chính thống lại bị phụ thuộc vào thị trường tự do.



Bán như cho
Nhà có con rể mới từ chiến trường trở về, bố vợ muốn mua tặng con một đôi dép nhựa và sắm thêm đôi chiếu cói. Ông đi bộ 18km để lên cửa hàng mua bán của huyện. Tới nơi, cô mậu dịch viên vừa cắm cúi thêu khăn vừa nói vọng lên: “Hết hàng!”. “Vậy đôi này thì sao?”. Hỏi đến ba lần ông mới được cô ta gắt lên: “Mắt ông để đâu vậy? Không nhìn thấy bảng “hàng mẫu không bán” à?”.
Về nhà có người mách ông phải gặp kẻ môi giới và trả thêm tiền mới mua được. Chạy vạy mấy ngày, trả thêm gấp đôi tiền cùng rất nhiều lời cảm ơn, cảm tạ cuối cùng ông cũng mua được đôi dép và cặp chiếu cói. Câu chuyện trên của ông Nguyễn Đình Kiên, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) về tình trạng quá bình thường của bản thân ông cũng như của tất cả mọi người sống trong thời bao cấp.
Ai mua thứ gì cũng phải đến hợp tác xã mua bán hay cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Mua cây kim cuộn chỉ hay cái bấc đèn cũng cực kỳ khó khăn. Nhà nước bán hàng dưới giá thành và cũng thấp hơn giá chợ (bán phân phối), hàng hóa không đủ
1/10 nhu cầu nên nhân viên thương nghiệp kênh kiệu, xem thường khách hàng vô cùng. “Bán như cho” là lời cửa miệng đầy xót xa của thời ngăn sông cấm chợ lúc bấy giờ.
Các chuyên gia kinh tế bao cấp nghĩ rằng Nhà nước bán rẻ (dưới giá thành) cho dân những mặt hàng thiết yếu thì Nhà nước cũng phải mua sản phẩm của họ với giá rẻ (dưới giá thành). Phần chênh lệch sẽ được tính tương đương nhau, không bên nào bị thiệt mà vẫn ổn định được nhu cầu của mình.
Cả xã hội lúc ấy trở thành một thị trường mua không được bán cũng không xong. Và khi không đủ hàng hóa để cung cấp, sự thất thoát giữa các khâu phân phối trung gian quá lớn thì thương mại quốc doanh trở thành một thứ ân sủng đối với người tiêu dùng. Vì thế thị trường tự do không thể bị xóa bỏ triệt để nhưng cũng không ngừng bị bóp nghẹt. Nó đã đẻ ra môi trường màu mỡ cho những thủ đoạn tiêu cực như móc ngoặc, chà đạp, tham ô, đầu cơ. Hàng hóa đã khan hiếm lại bị đủ thứ trò mánh mung, thiệt thòi nhất vẫn là kẻ mua mà mặt mày thường cứ như người “mất sổ gạo”.

Báo Tuổi Trẻ

No comments:

Post a Comment